- Trang chủ-Home
- Luật QT-International Law
- Điều ước - Treaties
- Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế (UDHR)
- Các công ước chính về nhân quyền - Basic Treaties on HR
- Các ngành luật khác - other law branches
- Điều ước Việt Nam tham gia - Treaties participated by Vietnam
- Bình luận / Khuyến nghị chung - General Comments/Recommendations
- Báo cáo - Reports
- Cơ chế & Thủ tục - Mechanism & Procedure
- Án lệ - Case law
- Điều ước - Treaties
- PL Việt Nam-Vietnam Law
- NC&GD-HR Researchs
- E-Learning
- Đào tạo-Education
- Đào tạo thạc sĩ - Master Degree
- Liên hệ-Contact
CEDAW - Khuyến nghị chung số 19
Đăng bởi honeyquyen lúc T6, 10/28/2011 - 21:14
Tên tiếng Anh
Ngày ban hành
29/01/1992
Văn bản tiếng Việt
KHUYẾN NGHỊ CHUNG SỐ 19
BẠO LỰC CHỐNG LẠI PHỤ NỮ*
---------------------------------
Bối cảnh
1. Bạo lực dựa trên cơ sở giới là một hình thức phân biệt đối xử mà hạn chế nghiêm trọng khả năng của phụ nữ được hưởng các quyền và tự do cơ bản trên cơ sở bình đẳng với nam giới.
2. Năm 1989, Uỷ ban đã khuyến nghị các quốc gia thành viên cần đưa vào trong các báo cáo của mình các thông tin về bạo lực và về các biện pháp được áp dụng để giải quyết vấn đề này (Khuyến nghị chung số 12, tại kỳ họp thứ 8).
3. Tại kỳ họp thứ 10 của Ủy ban năm 1991, Uỷ ban đã quyết định sẽ dành một phần thời gian của kỳ họp thứ 11 cho việc thảo luận và nghiên cứu Điều 6 và cùng các điều khác của Công ước liên quan đến bạo lực với phụ nữ, quấy rối tình dục và bóc lột phụ nữ. Chủ đề đó đã được chọn trước khi diễn ra Hội nghị thế giới về quyền con người năm 1993 do Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc triệu tập theo Nghị quyết số 45/155 ngày 18/12/1990 của Đại Hội Đồng.
4. Uỷ ban kết luận rằng không phải tất cả những báo cáo của quốc gia thành viên đều phản ánh đầy đủ mối liên hệ chặt chẽ giữa việc phân biệt đối xử chống lại phụ nữ, nạn bạo lực dựa trên cơ sở giới với những vi phạm các quyền và tự do cơ bản của con người. Việc thực hiện đầy đủ Công ước CEDAW đòi hỏi các quốc gia thành viên tiến hành những biện pháp tích cực để xoá bỏ mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ.
5. Uỷ ban gợi ý là các quốc gia thành viên khi rà soát lại những văn bản pháp luật, chính sách của mình và khi xây dựng báo cáo theo quy định của Công ước cần chú ý tới những Bình luận sau đây của Uỷ ban liên quan đến bạo lực trên cơ sở giới.
Nhận định chung
6. Điều 1 Công ước xác định sự phân biệt đối xử chống lại phụ nữ. Định nghĩa về sự phân biệt đối xử bao gồm cả bạo lực trên cơ sở giới, tức là bạo lực nhằm vào một phụ nữ vì người đó là phụ nữ hoặc bạo lực gây ra tác động lớn đối với phụ nữ. Nó bao gồm những hành động gây ra tổn hại về thân thể, tinh thần, tình dục hoặc gây ra đau khổ, các lời đe dọa tiến hành những hành động như vậy, sự ép buộc và các hành động tước đoạt tự do khác. Bạo lực trên cơ sở giới có thể vi phạm những điều khoản cụ thể của Công ước, dù rằng các điều khoản đó có nhắc đến bạo lực một cách rõ ràng hay không.
7. Bạo lực trên cơ sở giới, mà làm giảm bớt hoặc hủy bỏ việc phụ nữ được hưởng thụ các quyền con người và quyền tự do cơ bản của phụ nữ theo quy định của luật pháp quốc tế nói chung, hoặc theo những công ước về quyền con người là sự phân biệt đối xử trong phạm vi của nghĩa được nêu trong Điều 1 của Công ước. Các quyền và sự tự do đó bao gồm:
(a) Quyền được sống.
(b) Quyền không bị tra tấn hoặc bị đối xử hay trừng phạt một cách dã man, vô nhân đạo hay hạ nhục.
(c) Quyền được bảo vệ bình đẳng theo các tiêu chuẩn nhân đạo trong thời gian có xung đột vũ trang ở trong nước hay quốc tế.
(d) Quyền tự do cá nhân và an toàn cá nhân.
(e) Quyền được bảo vệ bình đẳng theo pháp luật.
(f) Quyền được bình đẳng trong gia đình.
(g) Quyền đạt tới mức cao nhất có thể được về sức khoẻ thể chất và tinh thần.
(h) Quyền có những điều kiện làm việc đúng đắn và thuận lợi.
8. Công ước này áp dụng với cả bạo lực do các nhà chức trách gây ra. Những hành động bạo lực như vậy có thể đã vi phạm các nghĩa vụ của quốc gia thành viên đó theo luật pháp quốc tế về quyền con người nói chung và nhiều công ước khác, ngoài việc đã vi phạm Công ước CEDAW.
9. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng sự phân biệt đối xử theo Công ước không chỉ hạn chế ở những hành động do những chính phủ thực hiện hay được tiến hành nhân danh các chính phủ (xem các điều 2(e), 2(f) và 5). Thí dụ, Điều 2(e) Công ước kêu gọi các Quốc gia thành viên áp dụng tất cả các biện pháp thích hợp để xoá bỏ sự phân biệt đối xử chống lại phụ nữ do bất kỳ cá nhân, tổ chức hay doanh nghiệp nào tiến hành. Theo luật pháp quốc tế nói chung và theo những Công ước chuyên biệt về quyền con người, các quốc gia còn có thể phải chịu trách nhiệm vì những vi phạm của cá nhân nếu quốc gia đó không hành động tích cực cần thiết để ngăn chặn những vi phạm quyền con người, hoặc để điều tra và trừng trị những hành động bạo lực và bồi thường thiệt hại cho nạn nhân.
Bình luận về những điều khoản cụ thể của Công ước
Các Điều 2 và 3
10. Các Điều 2 và 3 đặt ra một nghĩa vụ toàn diện về xoá bỏ sự phân biệt đối xử với phụ nữ dưới tất cả các hình thức, ngoài những nghĩa vụ cụ thể đã nêu ở các Điều từ 5 đến 16.
Các Điều 2(f), 5 và 10 (c)
11. Những thái độ truyền thống coi phụ nữ lệ thuộc vào nam giới, hoặc phải đóng những vai trò rập khuôn làm kéo dài những tập quán phổ biến dùng bạo lực hay ép buộc với phụ nữ, chẳng hạn như bạo lực và lạm dụng tình dục trong gia đình, hôn nhân cưỡng bức, chết vì thiếu của hồi môn, tấn công bằng a-xít và cắt một phần bộ phận sinh dục nữ. Những những định kiến và tập tục như vậy có thể được sử dụng để biện minh cho bạo lực dựa trên cơ sở giới, coi đó như là một hình thức bảo vệ hoặc kiểm soát phụ nữ. Hậu quả của bạo lực như vậy làm tổn hại sự toàn vẹn về thân thể và tinh thần của phụ nữ, tước bỏ của họ quyền hưởng thụ bình đẳng, thực hiện và hiểu biết các quyền con người và các quyền tự do cơ bản. Trong khi Bình luận này chủ yếu nói đến bạo lực trên thực tế hoặc sự đe dọa gây bạo lực, thì những hậu quả sâu xa của những hình thức bạo lực dựa trên cơ sở giới này góp phần kìm giữ phụ nữ trong các vai trò phụ thuộc, duy trì mức độ tham gia chính trị thấp và làm hạn chế trình độ văn hóa, kỹ năng và những cơ hội có việc làm của họ.
12. Các thái độ đó cũng góp phần tuyên truyền cho văn hóa phẩm khiêu dâm trong đó mô tả và thể hiện sự bóc lột tình dục phụ nữ với tính chất thương mại, coi họ như những đối tượng tình dục hơn là các cá nhân con người. Điều này sẽ lại góp phần tăng cường tệ nạn bạo lực trên cơ sở giới.
Điều 6
13. Điều 6 yêu cầu các Quốc gia thành viên phải có những biện pháp trấn áp tất cả các hình thức buôn bán và bóc lột mại dâm phụ nữ.
14. Đói nghèo và thất nghiệp làm gia tăng tình trạng buôn bán phụ nữ. Bên cạnh những hình thức buôn bán phụ nữ vốn có, hiện nay có các hình thức bóc lột tình dục mới như du lịch tình dục, tuyển mộ lao động giúp việc gia đình từ các nước đang phát triển để làm việc ở các nước phát triển, hôn nhân tổ chức giữa phụ nữ các quốc gia đang phát triển với người nước ngoài. Những việc làm đó trái quyền của phụ nữ được hưởng một cách bình đẳng các quyền của mình và được tôn trọng những quyền và phẩm giá của họ. Những việc đó cũng đặt phụ nữ trước những nguy cơ đặc biệt là nạn nhân của bạo lực và lạm dụng.
15. Đói nghèo và thất nghiệp đã buộc nhiều phụ nữ, kể cả các cô gái trẻ, phải làm mại dâm. Những phụ nữ mại dâm đặc biệt dễ bị tổn thương vì bạo lực do vị thế của họ có thể là bất hợp pháp dễ khiến cho họ bị gạt ra ngoài lề xã hội. Họ cần được hưởng sự bảo vệ bình đẳng của luật pháp chống lại nạn cưỡng hiếp và những hình thức bạo lực khác.
16. Các cuộc chiến tranh, xung đột vũ trang, chiếm đóng lãnh thổ thường làm tăng thêm nạn mại dâm, buôn bán phụ nữ và cưỡng dâm phụ nữ nên đòi hỏi phải có những biện pháp đặc biệt để bảo vệ phụ nữ và trừng trị thủ phạm.
Điều 11
17. Bình đẳng về việc làm có thể bị tổn hại nghiêm trọng khi phụ nữ bị bạo lực trên cơ sở giới, chẳng hạn như quấy rối tình dục ở nơi làm việc.
18. Quấy rối tình dục bao gồm những hành vi tình dụng không được hoan nghênh như sự đụng chạm thân thể, theo đuổi tán tỉnh, những nhận xét mang màu sắc tình dục, đưa ra các văn hóa phẩm khiêu dâm và đòi hỏi tình dục, bất kể bằng lời hay bằng hành động. Những cư xử như vậy có thể làm nhục phụ nữ và có thể gây nguy cơ về an toàn và sức khỏe với họ. Nó mang tính chất phân biệt đối xử khi người phụ nữ đó có những cơ sở xác đáng để tin rằng sự phản đối của mình sẽ gây bất lợi cho bản thân về vấn đề việc làm, kể cả tuyển mộ và thăng tiến, hoặc khi cách cư xử như vậy tạo ra một môi trường thù địch ở nơi làm việc.
Điều 12
19. Điều 12 yêu cầu các quốc gia thành viên tiến hành những biện pháp nhằm đảm bảo cho phụ nữ được tiếp cận bình đẳng với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Bạo lực với phụ nữ gây ra nguy cơ đối với sức khỏe và tính mạng của họ.
20. Ở một số quốc gia hiện vẫn tồn tại những tập tục mang tính truyền thống có hại cho sức khoẻ của phụ nữ và trẻ em. Các tập quán đó bao gồm chế độ ăn uống hạn chế đối với phụ nữ mang thai, sự ưa thích con trai hơn và việc cắt bỏ một phần bộ phận sinh dục nữ.
Điều 14
21. Phụ nữ nông thôn có nguy cơ cao là nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới do định kiến truyền thống về vai phụ thuộc của phụ nữ vẫn còn tồn tại ở nhiều cộng đồng nông thôn. Những cô gái thuộc các cộng đồng nông thôn đặc biệt phải đối mặt với nguy cơ bạo lực và bóc lột tình dục khi họ rời nông thôn để tìm việc làm ở thành phố.
Điều 16 (và Điều 5)
22. Cưỡng bức triệt sản hay nạo phá thai đều gây tác hại đến sức khoẻ về thể chất và tinh thần của phụ nữ, vi phạm những quyền của phụ nữ được quyết định về số con và khoảng cách giữa các lần sinh.
23. Bạo lực gia đình là một trong những hình thức ngấm ngầm nhất của nạn bạo lực chống lại phụ nữ. Nó diễn ra ở tất cả các xã hội. Trong những mối quan hệ gia đình, phụ nữ ở tất cả các lứa tuổi phải chịu đựng tất cả những hình thức bạo lực, kể cả đánh đập, hãm hiếp, những hình thức cưỡng dâm khác, bạo lực về tinh thần và những hình thức bạo lực khác. Thiếu độc lập về mặt kinh tế buộc nhiều phụ nữ phải chịu đựng các quan hệ bạo lực. Việc nam giới rũ bỏ một số trách nhiệm của họ trong gia đình cũng có thể là một hình thức bạo lực và ép buộc. Những hình thức bạo lực này gây nguy hại cho sức khoẻ của phụ nữ và làm giảm khả năng của phụ nữ tham gia trên cơ sở bình đẳng vào đời sống gia đình và đời sống công cộng.
Những khuyến nghị cụ thể
24. Dưới ánh sáng của các Bình luận này, Uỷ ban về xoá bỏ phân biệt đối xử chống lại phụ nữ khuyến nghị:
(a) Các quốc gia thành viên cần tiến hành những biện pháp thích hợp và hiệu quả nhằm xoá bỏ tất cả những hình thức bạo lực trên cơ sở giới, bất kể do các cá nhân hay cơ quan công quyền gây ra.
(b) Các quốc gia thành viên cần đảm bảo có những văn bản pháp luật nhằm chống bạo lực gia đình, lạm dụng tình dục, hãm hiếp, cưỡng dâm và các loại bạo lực trên cơ sở giới khác, và có sự bảo vệ đầy đủ đối với tất cả phụ nữ, tôn trọng quyền bất khả xâm phạm về thân thể và phẩm giá của họ. Cần cung cấp những dịch vụ bảo vệ hỗ trợ thích hợp cho những phụ nữ là nạn nhân của bạo lực. Việc tập huấn về sự nhạy cảm giới cho các quan chức tư pháp thi hành pháp luật và các quan chức công quyền khác là yếu tố thiết yếu để thực thi một cách hiệu quả CEDAW.
(c) Các quốc gia thành viên cần khuyến khích việc tập hợp những số liệu thống kê và nghiên cứu về phạm vi, nguyên nhân và hậu quả, cũng như về các biện pháp nhằm ngăn ngừa và đối phó với nạn bạo lực trên cơ sở giới.
(d) Cần có những biện pháp hiệu quả để đảm bảo rằng các phương tiện thông tin đại chúng tôn trọng và thúc đẩy thái độ tôn trọng phụ nữ.
(e) Các quốc gia thành viên, trong báo cáo của mình gửi Ủy ban, cần xác định tính chất và phạm vi của những thái độ, phong tục tập quán làm kéo dài tình trạng bạo lực với phụ nữ, về những loại bạo lực với phụ nữ và hậu quả của chúng. Các quốc gia cũng cần báo cáo về những biện pháp đã áp dụng để chống lại những hình thức bạo lực như vậy và hiệu quả của các biện pháp đó.
(f) Cần thực thi các biện pháp hiệu quả để xoá bỏ những thái độ và tập quán kể trên. Các quốc gia cần có những chương trình giáo dục và thông tin công cộng nhằm giúp loại bỏ những thành kiến cản trở sự bình đẳng của phụ nữ (Khuyến nghị chung số 3, 1987).
(g) Cần tiến hành những biện pháp ngăn ngừa và trừng phạt cụ thể để đối phó với nạn buôn bán và bóc lột tình dục phụ nữ.
(h) Các quốc gia thành viên, trong báo cáo của mình, cần mô tả phạm vi của tất cả các vấn đề kể trên và những biện pháp khắc phục, kể cả các quy định trong pháp luật hình sự, những biện pháp ngăn ngừa và phục hồi mà đã được tiến hành để bảo vệ những phụ nữ phải làm mại dâm, bị buôn bán hoặc là nạn nhân của những hình thức bóc lột tình dục khác. Hiệu quả của những biện pháp đó cũng cần được kể ra.
(i) Cần quy định những thủ tục hiệu quả về khiếu kiện và khắc phục, bao gồm cả bồi thường.
(j) Các quốc gia thành viên cần nêu trong các báo cáo của mình những thông tin về nạn quấy rối tình dục, và về những biện pháp bảo vệ phụ nữ khỏi nạn quấy rối tình dục và những hình thức bạo lực, ép buộc xảy ra ở nơi làm việc.
(k) Các quốc gia thành viên cần lập ra hoặc hỗ trợ những dịch vụ dành cho các nạn nhân của nạn bạo lực gia đình, nạn hiếp dâm, cưỡng dâm, các hình thức bạo lực trên cơ sở giới, bao gồm việc thiết lập những nơi ở tạm dành cho nạn nhân, có các nhân viên y tế được huấn luyện đặc biệt và tổ chức những hoạt động nhằm phục hồi và tham vấn cho những nạn nhân.
(l) Các quốc gia thành viên cần thực thi những biện pháp nhằm xoá bỏ những tập tục có hại cho phụ nữ và trẻ em, trong đó cần lưu ý đến Khuyến nghị chung của Uỷ ban về vấn đề cắt bỏ âm vật nữ (Khuyến nghị chung số 14).
(m) Các quốc gia thành viên cần đảm bảo có những biện pháp nhằm ngăn chặn sự ép buộc mang thai và sinh đẻ, cũng như có các biện pháp để đảm bảo phụ nữ không phải tìm đến những thủ thuật y tế không an toàn như phá thai bất hợp pháp vì thiếu dịch vụ thích hợp liên quan đến sự kiểm soát sinh đẻ.
(n) Các quốc gia thành viên cần nêu rõ phạm vi của những vấn đề đó trong báo cáo của mình cũng như cần nêu rõ các biện pháp đã được tiến hành và hiệu quả của những biện pháp đó.
(o) Các quốc gia thành viên cần đảm bảo những dịch vụ dành cho nạn nhân của bạo lực đến được với phụ nữ nông thôn, và nếu cần thiết, cần có các dịch vụ đặc biệt được cung cấp cho những cộng đồng xa xôi, hẻo lánh.
(p) Những biện pháp nhằm bảo vệ phụ nữ khỏi bạo lực cần bao gồm cả việc cung cấp cho họ những cơ hội giáo dục, đào tạo, việc làm và giám sát những điều kiện làm việc của lao động giúp việc gia đình.
(q) Các quốc gia thành viên cần phải báo cáo về những nguy cơ đối với phụ nữ nông thôn, phạm vi và tính chất của bạo lực và lạm dụng mà họ phải chịu đựng, nhu cầu và khả năng tiếp cận của họ đối với những dịch vụ hỗ trợ và hiệu quả của những biện pháp nhằm khắc phục tình trạng bạo lực.
(r) Các biện pháp cần thiết để xóa bỏ bạo lực trong gia đình cần bao gồm:
(i) Xử phạt hình sự khi cần thiết, và các biện pháp khắc phục về dân sự trong những trường hợp bạo lực.
(ii) Các quy định pháp luật nhằm loại bỏ thủ tục bảo vệ danh dự gia đình mà gây ra những vụ đánh đập hoặc giết hại người một thành viên nữ trong gia đình;
(iii) Các dịch vụ nhằm đảm bảo sự an toàn và an ninh cho những nạn nhân của bạo lực gia đình, bao gồm cung cấp nơi ở tạm, tham vấn và các chương trình phục hồi.
(iv) Các chương trình phục hồi dành cho nạn nhân và những thủ phạm của những hành vi loạn luân hay lạm dụng tình dục.
(v) Các dịch vụ hỗ trợ dành cho những gia đình đã xảy ra sự loạn luân hay lạm dụng tình dục.
(s) Các quốc gia thành viên cần báo cáo về quy mô của bạo lực gia đình, lạm dụng tình dục và những biện pháp nhằm ngăn ngừa, trừng phạt và khắc phục tình trạng đó mà đã được quốc gia áp dụng.
(t) Các quốc gia thành viên cần áp dụng tất cả các biện pháp pháp lý và các biện pháp cần thiết khác để bảo vệ phụ nữ một cách có hiệu quả chống lại nạn bạo lực cơ sở giới, bao gồm:
(i) Những biện pháp pháp lý hiệu quả, bao gồm cả việc xử lý hình sự, những biện pháp khắc phục dân sự, các quy định về bồi thường nhằm bảo vệ phụ nữ chống lại tất cả những loại bạo lực, kể cả bạo lực và lạm dụng trong gia đình, cưỡng dâm và quấy rối tình dục ở tại nơi làm việc.
(ii) Các biện pháp phòng ngừa bao gồm những chương trình giáo dục và thông tin công cộng nhằm làm thay đổi thái độ về vai trò và địa vị của nam giới và nữ.
(iii) Các biện pháp bảo vệ, bao gồm việc cung cấp những nơi ở tạm, tham vấn, các dịch vụ hỗ trợ và phục hồi dành cho những phụ nữ là nạn nhân của bạo lực hoặc có nguy cơ bị bạo lực.
(u) Các quốc gia thành viên cần báo cáo về tất cả những hình thức bạo lực trên cơ sở giới, và các báo cáo như vậy cần bao gồm tất cả những số liệu thống kê sẵn có về phạm vi xảy ra từng hình thức bạo lực và về hậu quả do bạo lực gây ra đối với những phụ nữ là nạn nhân của bạo lực hoặc có nguy cơ bị bạo lực.
(v) Báo cáo của các quốc gia thành viên cần bao gồm thông tin về những biện pháp pháp luật, phòng ngừa và bảo vệ đã được áp dụng để khắc phục nạn bạo lực đối với phụ nữ và về hiệu quả của những biện pháp này.