- Trang chủ-Home
- Luật QT-International Law
- Điều ước - Treaties
- Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế (UDHR)
- Các công ước chính về nhân quyền - Basic Treaties on HR
- Các ngành luật khác - other law branches
- Điều ước Việt Nam tham gia - Treaties participated by Vietnam
- Bình luận / Khuyến nghị chung - General Comments/Recommendations
- Báo cáo - Reports
- Cơ chế & Thủ tục - Mechanism & Procedure
- Án lệ - Case law
- Điều ước - Treaties
- PL Việt Nam-Vietnam Law
- NC&GD-HR Researchs
- E-Learning
- Đào tạo-Education
- Đào tạo thạc sĩ - Master Degree
- Liên hệ-Contact
Chuyên đề 26
Đăng bởi honeyquyen lúc T5, 10/13/2011 - 19:25
Tên tiếng Anh
“The Working Group on Arbitary Detention” (Fact Sheet No. 26)
Văn bản tiếng Việt
Văn bản tiếng Anh
CHUYÊN ĐỀ 26
NHÓM CÔNG TÁC VỀ GIAM GIỮ TÙY TIỆN
Không ai bị bắt giữ, giam giữ hoặc lưu đày một cách tuỳ tiện
(Tuyên ngôn toàn thế giới về Quyền con người, Điều 9)
Giới thiệu
Từ năm 1975, Uỷ ban Quyền con người Liên hợp quốc đã thiết lập những cơ chế khác nhau nhằm tăng cường sự bảo vệ quốc tế về quyền con người, trong đó nhằm vào những vi phạm thô bạo về quyền con người. Nghị quyết số 1235 (XLII) ngày 6/6/1967 của Uỷ ban Quyền con người (hiện có 53 thành viên) chính là nền tảng của những thủ tục giám sát về quyền con người. Các thủ tục này đề cập đến những nước có những loại hình vi phạm Quyền con người giống nhau, hoặc đối với những vi phạm một số quyền cụ thể (chẳng hạn như tự do ngôn luận và bày tỏ chính kiến, hoặc tính độc lập của các thẩm phán hay luật sư), hoặc những hình thức vi phạm Quyền con người đặc biệt nghiêm trọng (như cưỡng bức đưa đi mất tích, tra tấn, bạo lực chống lại phụ nữ...)
Những thủ tục này phân tích “chủ đề” của “tình huống” được đặt ra trong phạm vi thẩm quyền của Uỷ ban. Theo cơ chế hiện hành, Chủ tịch Uỷ ban sẽ chỉ định một người đặc biệt am hiểu về vấn đề đang được quan tâm (gọi là “báo cáo viên đặc biệt”), hoặc một nhóm các chuyên gia (“nhóm công tác”) nhằm điều tra về vấn đề này và báo cáo lên Uỷ ban trong kỳ hợp thường niên của Uỷ ban. Nhiệm vụ của những báo cáo viên đặc biệt về một quốc gia cụ thể kéo dài trong một năm, và của những báo cáo viên và Nhóm công tác theo chủ đề là ba năm.
Những thủ tục đặc biệt này khác với cơ chế của các Uỷ ban công ước mà có cơ sở pháp lý từ một số điều ước về quyền con người, và thành viên của những cơ quan này được bầu trong cuộc họp của các quốc gia thành viên của các công ước đó.
Xuất xứ của nhóm Công tác về giam giữ tuỳ tiện
Giam giữ tuỳ tiện là một thực tế diễn ra ở tất cả các quốc gia. Thực tế đó không có biên giới, và mỗi năm có hàng ngàn người bị giam giữ tuỳ tiện vì những lý do sau:
Có thể thuần tuý là vì họ đã thực hiện một trong những quyền của họ mà đã được ghi nhận trong các điều ước quốc tế về quyền con người, ví dụ như quyền tự do bày tỏ chính kiến và ngôn luận, quyền tự do lập hội, quyền được xuất nhập, cảnh khỏi và về đất nước mình. Tất cả những quyền này đều được ghi nhận trong UDHR.
Có thể vì họ không được hưởng những đảm bảo cơ bản về quyền được xét xử công bằng, họ bị bỏ tù mà không có lệnh bắt giữ và không bị buộc tội hoặc được xét xử bởi một cơ quan tư pháp độc lập, hoặc không được tiếp cận với luật sư; và đôi khi có những người bị giam biệt lập trong vài tháng hoặc hàng năm, hoặc thậm chí vô hạn;
Có thể vì họ vẫn bị giam giữ - cho dù biện pháp hoặc hình phạt áp dụng đối với họ đã được thi hành.
Cuối cùng, hoặc có thể vì tình trạng giam giữ hành chính tiếp tục gia tăng và trở nên phổ biến, đặc biệt là với những người xin cư trú chính trị.
Do giam giữ về bản chất không phải là một vi phạm Quyền con người nên luật quốc tế không ngừng cố gắng xác định những giới hạn của hành động này, mà nếu vượt quá giới hạn đó thì dù giam giữ hành chính hay hình sự đều bị coi là tuỳ tiện.
Từ năm 1985(1) Uỷ ban Quyền con người của Liên hợp quốc đã lưu ý đến sự gia tăng của việc giam giữ tùy tiện. Năm 1990, Uỷ ban yêu cầu Tiểu ban Ngăn ngừa sự phân biệt đối xử và bảo vệ người thiểu số tiến hành một nghiên cứu chi tiết về vấn đề này và đưa ra những khuyến nghị với Uỷ ban nhằm giảm bớt tình trạng giam giữ tùy tiện.
Đồng thời, do quan ngại về những bảo đảm cho tất cả những người bị mất tự do, vào tháng 12/1988, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Những Nguyên tắc bảo vệ tất cả những người bị giam giữ hoặc bỏ tù dưới bất kỳ hình thức nào.
Năm 1991, trên cơ sở những khuyến nghị của Tiểu ban Ngăn ngừa sự phân biệt đối xử và bảo vệ người thiểu số(2), Uỷ ban Quyền con người đã thành lập Nhóm công tác về giam giữ tuỳ tiện để bổ sung cho những thủ tục hiện hành được thiết lập theo sáng kiến của Uỷ ban nhằm đảm bảo vệ quyền sống và toàn vẹn thân thể, sự khoan dung tôn giáo và các quyền khác.
Cơ cấu và nhiệm vụ của Nhóm công tác
Uỷ ban Quyền con người đã giao cho Nhóm công tác những nhiệm vụ sau:
(a) Điều tra những vụ giam giữ tuỳ tiện hoặc trái với những chuẩn mực quốc tế được quy định trong UDHR hoặc trong những văn kiện pháp lý quốc tế có liên quan mà đã được các nước hữu quan công nhận. Đây là những vụ việc mà các toà án quốc gia không đưa ra quyết định cuối cùng theo quy định của luật pháp quốc gia.
(b) Thu thập và tiếp nhận thông tin từ các tổ chức liên chính phủ và và phi chính phủ, và tiếp nhận thông tin từ các cá nhân có liên quan hay từ gia đình hoặc người đại diện của họ;
(c) Trình báo cáo tổng hợp lên Uỷ ban tại kỳ họp thường niên của cơ quan này.
Nhóm công tác về giam giữ tuỳ tiện là cơ chế duy nhất được thành lập không dựa trên bất cứ điều ước quốc tế nào về quyền con người, có nhiệm vụ xem xét những đơn thư khiếu tố của các cá nhân. Điều này có nghĩa là hoạt động của Nhóm dựa trên quyền khiếu kiện của mọi cá nhân ở bất kỳ nơi nào trên thế giới.
Nhiệm vụ của Nhóm cho phép triển khai các hoạt động một cách chủ động, khách quan và độc lập. Theo quy định như vậy, Nhóm đã thông qua một quy chế là khi vụ việc đang được xem xét có liên quan tới một quốc gia mà có một trong những thành viên của Nhóm là công dân của nước đó, thì thành viên đó sẽ không được tham gia giải quyết vụ việc.
Nhóm công tác bao gồm năm chuyên gia độc lập được chỉ định sau khi tham khảo ý kiến của chủ tịch Uỷ ban Quyền con người. Việc chỉ định này tuân thủ tiêu chí bảo đảm sự phân bố đồng đều theo khu vực địa lý. Phiên họp đầu tiên của Nhóm công tác được tổ chức vào tháng 9/1991. Cứ ba năm một lần, Uỷ ban Quyền con người lại gia hạn nhiệm vụ cho Nhóm công tác. Ngay khi bắt đầu nhiệm kỳ ba năm mới, các thành viên của Nhóm công tác bầu Chủ tịch và Phó Chủ tịch của Nhóm.
Trong quá trình hoạt động, Nhóm công tác nhận được sự trợ giúp hành chính từ Ban thư ký Liên hợp quốc. Mỗi năm Nhóm tổ chức ba kỳ họp, mỗi kỳ diễn ra trong khoảng năm đến tám ngày làm việc.
Những tiêu chí được Nhóm công tác sử dụng để xác định xem liệu một hành động tước tự do có thể coi là tuỳ tiện hay không
A. “Tước tự do” nghĩa là gì?
Nhóm công tác được thành lập theo Nghị quyết 1991/42 của Uỷ ban Quyền con người, song Nghị quyết này không định nghĩa thuật ngữ “giam giữ”. Điều này đã dẫn tới những cách lý giải khác nhau về thuật ngữ này. Những diễn giải khác nhau đó đã được giải quyết sau khi Nghị quyết số 1997/50 của Uỷ ban được thông qua.
Các văn kiện quốc tế về quyền con người bảo vệ quyền tự do cá nhân, theo đó, không ai có thể bị tước tự do một cách tuỳ tiện.
Có thể có những trường hợp tước tự do hợp pháp, chẳng hạn đối với những người bị kết án hoặc những người bị cáo buộc phạm những tội nghiêm trọng. Cũng có thể có những hình thức tước tự do khác nữa do các cơ quan hành chính thực hiện, chẳng hạn trong trường hợp liên quan đến những người bị rối loạn tâm thần. Ngoài ra, quyền tự do cá nhân có thể bị hạn chế trong những bối cảnh khẩn cấp của quốc gia, phù hợp với Điều 4 ICCPR. Trong trường hợp tình trạng khẩn cấp của quốc gia, không phải thẩm phán mà thường là những quan chức khác tiến hành việc bắt giữ. Cuối cùng, có những hành động tước tự do hoàn toàn bị cấm, ví dự như việc bỏ tù một người vì lý do người đó không trả được nợ.
Cũng cần lưu ý là nhiều văn kiện quốc tế không sử dụng một thuật ngữ duy nhất để đề cập tới những trường hợp tước tự do. Những thuật ngữ có thể sử dụng để chỉ hành động này là “bắt giữ”, “bắt giam”, “giam giữ”, “tống giam”,”bỏ tù”, “tạm giam”, “quản chế”, “tạm giam chờ xét xử”,... Vì vậy, trong Nghị quyết 1997/50, Uỷ ban Quyền con người đã chọn thuật ngữ “tước tự do” để sử dụng như là thuật ngữ chung. Thuật ngữ này xoá bỏ tất cả những khác biệt giữa các thuật ngữ đã nêu ở trên trong việc diễn giải hành động.
Thuật ngữ này được chọn còn bởi vì mục tiêu được giao cho Nhóm công tác có liên quan đến việc bảo vệ các cá nhân khỏi bị tước tự do một cách tùy tiện dưới mọi hình thức; và nhiệm vụ của Nhóm còn mở rộng đến cả những trường hợp tước tự do trước, trong hay sau khi xét xử (thuật ngữ tù giam được áp dụng sau khi kết án), cũng như việc tước tự do mà không qua bất kì hình thức xét xử nào (giam giữ hành chính). Nhóm công tác cũng coi những biện pháp quản thúc tại gia và cải tạo lao động là những hình thức giam giữ vì đi cùng với những biện pháp này là những hạn chế nghiêm ngặt về tự do đi lại.
B. Khi nào thì hành động tước tự do bị coi là tuỳ tiện?
Các văn kiện quốc tế không có quy định cụ thể về khi nào việc giam giữ có ý nghĩa hoặc mang tính chất tuỳ tiện. Điêu 9 UDHR quy định một cách vắn tắt rằng “không ai phải chịu sự bắt giữ, giam giữ hoặc bị đi đày một cách vô cớ”. Quy định tại Điều 9 (1) ICCPR cũng không cụ thể hơn: “Mọi người đều có quyền tự do và an ninh cá nhân. Không ai có thẻ bị bắt giữ hoặc giam cầm tuỳ tiện. Không ai bị tước tự do trừ khi việc đó phù hợp với quy định pháp luật”.
Khi xác định nhiệm vụ của Nhóm công tác, Uỷ ban Quyền con người đã đưa ra một tiêu chí thực tế: trong khi không định nghĩa thế nào là “tuỳ tiện”, Uỷ ban xác định những trường hợp tước tự do vì lý do này hay lý do khác là tuỳ tiện và trái với những quy định tương ứng trong UDHR cũng như trong các văn kiện quốc tế khác có liên quan mà đã được các quốc gia phê chuẩn (Nghị quyết 1991/42 và Nghị quyết 1997/50).
Nghị quyết 1997/50 quy định rằng, việc tước tự do sẽ không bị coi là tuỳ tiện nếu việc đó là theo phán quyết cuối cùng của một toà án quốc gia, và nếu việc đó: (a) phù hợp với luật pháp quốc gia; (b) phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế có liên quan được quy định trong UDHR và các văn kiện quốc tế khác đã được các quốc gia hữu quan công nhận.
Để đảm bảo tính đúng đắn trong hoạt động, Nhóm công tác đã xác định những tiêu chí áp dụng trong việc xem xét những vụ việc được đệ trình lên, trên cơ sở những quy định được đề cập ở trên trong UDHR và ICCPR, cũng như trong Những Nguyên tắc bảo vệ những cá nhân bị giam giữ hoặc bỏ tù dưới bất kỳ hình thức nào.
Theo Nhóm công tác, hành động tước tự do sẽ bị coi là tuỳ tiện nếu rơi vào một trong số ba dạng sau:
(a) Khi không thể viện dẫn một cách rõ ràng bất kỳ cơ sở pháp lý nào để chứng minh cho hành động đó (chẳng hạn trường hợp một người vẫn bị giam giữ sau khi người đó đã thi hành xong bản án hoặc đã có quyết định ân xá) (dạng I);
(b) Khi việc tước tự do bắt nguồn từ việc thực hiện các quyền hoặc tự do được ghi nhận trong các Điều 7, 13, 14, 18, 18, 10 và 21 UDHR, và các Điều 12, 18, 19, 21, 22, 25, 26 và 27 ICCPR (dạng II);
(c) Khi không chấp hành toàn bộ hoặc một phần các quy phạm quốc tế liên quan đến quyền được xét xử công bằng mà được ghi nhận trong UDHR và các văn kiện quốc tế khác mà đã được quốc gia hữu quan công nhận. Hành động tước tự do trong trường hợp này cũng bị coi là mang tính tuỳ tiện (dạng III).
Để đánh giá tính chất tuỳ tiện hay nói cách khác là đánh giá những trường hợp bị tước tự do được xếp vào dạng III, ngoài những nguyên tắc chung được quy định trong UDHR, Nhóm công tác còn xem xét một số tiêu chí quy định trong Những Nguyên tắc bảo vệ tất cả những người bị giam giữ hoặc bỏ tù dưới bất kỳ hình thức nào, và với các quốc gia là thành viên của ICCPR, Nhóm công tác còn xem xét các tiêu chí được quy định trong các Điều 9 và 14 của Công ước này. Nhóm công tác thường xuyên nhận những thông báo yêu cầu ra tuyên bố về một vụ tước tự do nào đó là “không công bằng”, hoặc góp ý về giá trị chứng cứ đưa ra trong quá trình xét xử. Đây là những vấn đề nằm ngoài thẩm quyền của Nhóm công tác. Nhóm công tác không có chức năng đánh giá về các tình tiết và chứng cứ trong một vụ việc cụ thể, hay đảm nhiệm chức năng thay thế cho các toà phúc thẩm quốc gia. Tương tự, Nhóm công tác không có chức năng xử lý những đơn thư khiếu tố về những trường hợp giam giữ và sau đó là bị mất tích của các cá nhân, hoặc về những điều kiện giam giữ vô nhân đạo. Nếu có những khiếu tố về những vi phạm Quyền con người như vậy được gửi đến, Nhóm công tác sẽ chuyển tới cơ quan có thẩm quyền thích hợp (ví dụ, gửi cho Báo cáo viên đặc biệt về chống tra tấn hoặc cho Nhóm Công tác về vấn đề cưỡng bức đưa đi mất tích).
Những thủ tục được Nhóm công tác áp dụng
A. Thủ tục tham gia điều tra những vụ việc cá nhân
Thủ tục này bao gồm bốn giai đoạn sau.
Giai đoạn 1: Nêu vấn đề với Nhóm công tác
Nhìn chung, sự tham gia của Nhóm công tác bắt đầu bằng việc các cá nhân có liên quan trực tiếp, gia đình họ hay những người đại diện của họ hoặc các tổ chức phi chính phủ về quyền con người gửi những thông báo tới Nhóm, mặc dù Nhóm cũng có thể nhận được những thông báo như vậy từ các chính phủ và các tổ chức liên chính phủ. Nhóm công tác đã xây dựng một bảng hỏi mẫu để tạo thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức và chính phủ gửi các thông báo như vậy cho Nhóm, được gọi là “các nguồn tin”.
Việc không sử dụng bảng hỏi để đệ trình những vụ việc lên không có nghĩa là thông tin sẽ bị Nhóm công tác coi là không đáng tin cậy. Tương tự, Nhóm công tác không yêu cầu phải áp dụng hết tất cả các biện pháp giải quyết sẵn có ở quốc gia trước khi gửi thông tin như là một điều kiện để được coi là thông tin đáng tin cậy.
Từ năm 1993, Uỷ ban Quyền con người cho phép Nhóm công tác được giải quyết những vụ việc do Nhóm tự phát hiện chứ không phải bắt nguồn từ những thông tin gửi đến.
Giai đoạn 2: Dành cho chính phủ có liên quan cơ hội giải trình về những cáo buộc
Nhóm công tác đặc biệt coi trọng tới tính chất hai chiều của thủ tục do Nhóm áp dụng. Do đó, thông tin mà Nhóm nhận được sẽ được gửi tới chính phủ hữu quan thông qua các kênh ngoại giao, kèm theo đề nghị trong vòng 90 ngày gửi cho Nhóm những nhận xét và bình luận về cáo buộc đó, trong đó lưu ý đến những số liệu thực tế và quy định pháp luật hiện hành, cũng như về diễn biến và kết quả các cuộc điều tra về vấn đề mà đã được thực hiện. Nếu chính phủ liên quan mong muốn kéo dài thời hạn này thì cần thông báo lý do cho Nhóm để có thể được gia hạn thêm, thời gian gia hạn tối đa là hai tháng.
Theo quy chế, Nhóm Công tác không được tiết lộ xuất xứ nguồn tin mà Nhóm gửi cho Chính phủ.
Giai đoạn 3: Dành cho chủ thể cung cấp thông tin cơ hội bình luận về hồi âm của chính phủ liên quan
Bất cứ hồi âm nào từ chính phủ hữu quan gửi cho Nhóm Công tác đều sẽ được chuyển tới chủ thể cung cấp thông tin để lấy ý kiến bình luận cuối cùng của họ.
Nếu chính phủ hữu quan không hồi âm trong thời hạn 90 ngày, hoặc trong thời gian đã được gia hạn, Nhóm công tác có thể đưa ra quan điểm về vụ việc đó trên cơ sở tất cả những thông tin và Nhóm hiện có.
Giai đoạn 4: Quan điểm của Nhóm công tác(3)
Từ những thông tin thu thập được thông qua thủ tục hai chiều này, Nhóm công tác sẽ thông qua một trong số những biện pháp sau trong một cuộc họp kín:
(a) Nếu vì bất cứ lý do gì mà một người được tha ngay sau khi Nhóm công tác tiếp nhận và xem xét vụ việc, thì hồ sơ vụ việc sẽ được đóng lại; tuy nhiên, Nhóm công tác vẫn có quyền bày tỏ quan điểm của mình, trên cơ sở từng trường hợp, xem liệu trường hợp tước tự do đó có phải là tuỳ tiện hay không.
(b) Nếu Nhóm công tác cho rằng vụ việc không phải là một trường hợp tước tự do tuỳ tiện, thì Nhóm cũng bày tỏ quan điểm về trường hợp đó.
(c) Nếu Nhóm công tác cho rằng cần thu thập thêm thông tin từ chính phủ hữu quan hoặc từ chủ thể cung cấp thông tin, thì Nhóm có thể hoãn vụ việc lại để chờ cho đến khi tiếp nhận được thông tin bổ sung;
(d) Nếu Nhóm công tác cho rằng không thể có được đầy đủ thông tin liên quan đến vụ việc, thì Nhóm có thể khép lại vụ việc một cách tạm thời hoặc vĩnh viễn.
(e) Nếu Nhóm công tác thấy rằng việc tước tự do đó có tính chất tuỳ tiện, thì Nhóm sẽ đưa ra quan điểm về trường hợp đó cùng khuyến nghị với tới chính phủ hữu quan.
Trong trường hợp cuối ở trên, quan điểm kèm theo những khuyến nghị của Nhóm sẽ được gửi tới các chính phủ hữu quan. Sau ba tuần, những quan điểm của Nhóm cũng được gửi cho chủ thể cung cấp thông tin.
Những quan điểm của Nhóm công tác sau đó còn được đưa vào phần phụ lục của báo cáo mà Nhóm đệ trình lên Uỷ ban Quyền con người trong các kỳ họp thường niên của Uỷ ban.
B. Thủ tục “tranh luận”
Nhóm công tác cũng có thể tổ chức các cuộc “tranh luận” về những vấn đề có bản chất chung liên quan tới một vấn đề có tính nguyên tắc nhằm xây dựng một tập hợp những tiền đề chắc chắn và hỗ trợ các quốc gia trong việc ngăn chặn những hành động tước tự do tuỳ tiện. Nhóm công tác đã tổ chức các cuộc “thảo luận” như vậy về nhiều vấn đề khác nhau, cụ thể như vấn đề quản thúc tại gia và tước tự do với mục đích cải tạo thông qua lao động. Thông qua hình thức “tranh luận” như thế này, Nhóm đã xác định được những tiêu chí làm cơ sở để kết luận một hành vi tước tự do được bị coi là tuỳ tiện.
C. Thủ tục “hành động khẩn cấp”
Nhóm công tác đã xây dựng thủ tục “hành động khẩn cấp” áp dụng với những trường hợp mà có những cáo buộc đáng tin cậy rằng, một người đã bị giam giữ vô cớ, và rằng nếu tình trạng giam giữ đó tiếp tục sẽ có thể đe doạ nghiêm trọng đến sức khoẻ hoặc tính mạng của người đó. Thủ tục hành động khẩn cấp cũng có thể được áp dụng trong những hoàn cảnh mà Nhóm công tác thấy rằng tình hình đáng phải thực thi hành động khẩn cấp như vậy. Trong những trường hợp đó, Nhóm sẽ đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp với tới Bộ trưởng bộ ngoại giao của quốc gia hữu quan thông qua kênh thông tin nhanh nhất, trong đó yêu cầu chính phủ hữu quan có những biện pháp thích hợp để đảm bảo rằng quyền sống và quyền được toàn vẹn về thể chất và tinh thần của người bị giam giữ được tôn trọng. Trong khi đưa ra những lời kêu gọi như vậy, Nhóm công tác nhấn mạnh rằng những kêu gọi khẩn cấp đó hoàn toàn mang tính nhân đạo và không vội vàng đưa ra đánh giá cuối cùng của Nhóm về việc liệu hành vi tước tự do dó có phải là tuỳ tiện hay không.
D. Nghiên cứu thực tế
Các chuyến viếng thăm tới các quốc gia mà thông qua đó có các cuộc đối thoại trực tiếp với các chính phủ hữu quan và những đại diện của xã hội dân sự tạo cơ hội cho Nhóm công tác hiểu biết sâu hơn về tình hình của đất nước đó, cũng như về những nguyên nhân cơ bản của các trường hợp tước tự do tuỳ tiện. Những cuộc thảo luận đựoc tiến hành trong những chuyến thăm đó với các quan chức toà án, trại cải tạo và những quan chức khác có liên quan, cũng như với những người bị giam giữ sẽ tạo điều kiện cho các thành viên của Nhóm nâng cao sự hiểu biết về tình hình và sự phát triển của luật pháp quốc gia dưới góc độ những tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người, đồng thời tìm hiểu hoàn cảnh xã hội, chính trị và lịch sử của từng nước. Chính những chuyến thăm này mang lại tinh thần hợp tác giữa Nhóm công tác và quốc gia được tới thăm. Những chuyến thăm này diễn ra trên cơ sở phải chính phủ nước hữu quan mời. Chính vì vậy, Uỷ ban Quyền con người đã nhiều lần khuyến khích các chính phủ mời Nhóm công tác tới thăm nhằm tạo điều kiện cho Nhóm thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả hơn.
Căn cứ theo những nguyên tắc này, Nhóm công tác định kỳ tổ chức các chuyến viếng thăm quốc gia.
Về nguyên tắc, Nhóm công tác không tới thăm những quốc gia đã được chỉ định một Báo cáo viên đặc biệt (hoặc một cơ chế tương tự) về quốc gia đó, trừ khi Báo cáo viên đặc biệt được chỉ định về quốc gia hữu quan đề nghị hoặc đồng ý rằng Nhóm công tác cần tổ chức chuyến viếng thăm quốc gia này.
IV. Báo cáo thường niên
Hàng năm, Nhóm công tác báo cáo về hoạt động của mình với Uỷ ban Quyền con người. Trong báo cáo đó, Nhóm Công tác phải có đưa ra những nhận định về những thể chế khác nhau, về sự thiếu hụt trong (pháp luật), chính sách và về những hoạt động tư pháp, mà theo quan điểm của Nhóm, là nguyên nhân dẫn tới những vụ việc tước tự do tuỳ tiện. Trong những kết luận đưa ra ở các báo cáo đó, Nhóm công tác đã bình luận về sự lạm dụng tình trạng khẩn cấp ở các quốc gia, về tình trạng pháp luật hình sự quốc gia không xác định được đúng người đúng tội, về sự phụ thuộc thái quá vào các toà án đặc biệt, đặc biệt là toà án quân sự, về việc thiếu những cơ quan tư pháp hoặc hội luật sư độc lập, về những vi phạm các quyền tự do chính kiến và ngôn luận... Nhóm công tác trình lên Uỷ ban Quyền con người những khuyến nghị cụ thể trên cơ sở phương pháp làm việc của Nhóm.
Bản báo cáo gồm những phụ lục hoặc phụ trương sau:
- Quan điểm về những vụ việc của cá nhân;
- Các báo cáo trong những chuyến thăm thực tế;
- Những số liệu thống kê.
Từ năm 1991 tới cuối năm 1997, Nhóm công tác đã tuyên bố việc giam giữ 1.331 người là tuỳ tiện và 19 người khác là không tuỳ tiện. Nhóm đã quyết định đóng hồ sơ của 335 vụ, tức là những trường hợp trong đó người bị giam giữ được thả tự do sau khi Nhóm công tác tiếp nhận xem xét trường hợp của họ. Nhóm công tác đã điều tra các vụ việc liên quan tới hơn 60 nước trên thế giới. Đáng chú ý là trong số những vụ việc đã được tuyên bố là bị giam giữ tuỳ tiện, đa số việc tước tự do có liên quan đến việc thực hiện một số quyền tự do nhất định (tức là những trường hợp thuộc dạng II, đã nêu ở trên), trong đó có rất nhiều vụ bị tước tự do sau khi thực hiện quyền tự do ngôn luận và biểu đạt một cách hoà bình. Quyền này được ghi nhận trong Điều 19 của UDHR và Điều 19 của ICCPR.
Mặc dù có sự hợp tác từ nhiều chính phủ hữu quan, Nhóm công tác lưu ý rằng gần một nửa số chính phủ mà Nhóm gửi thông báo về những vụ tước tự do tuỳ tiện đã không hề hồi âm.
Với sự hợp tác của Uỷ ban Quyền con người và các cơ quan khác của Liên hợp quốc, Nhóm công tác đã nỗ lực tìm ra những biện pháp không chỉ nhằm mục tiêu thả tự do cho những người mà Nhóm đã tuyên bố là bị giam giữ tuỳ tiện, mà thông qua đó còn giúp các nước hữu quan thông qua những biện pháp lập pháp và hành pháp để có thể ngăn chặn những vụ giam giữ tuỳ tiện như vậy về sau.
VII. Hợp tác với các cơ quan khác của Liên hợp quốc
A. Hợp tác với các cơ chế bảo vệ Quyền con người khác
Việc có nhiều cơ chế bảo vệ Quyền con người khác nhau cùng vận hàng đặt ra yêu cầu đề ra những quy chế phối hợp nhằm tránh sự trùng lặp trong việc xem xét các vụ việc. Những quy chế này phù hợp với nguyên tắc “không xem xét hai lần”, tức là hai cơ quan không đồng xem xét cùng một vụ việc liên quan đến cùng một người, một chủ đề hay một nguyên nhân hành động.
Thủ tục để tránh xảy ra trùng lặp như nêu ở trên như sau: ngay sau khi vụ việc được gửi đến Nhóm, bộ phận thư ký sẽ kiểm tra xem liệu vụ việc đó có thực sự thuộc thẩm quyền của Nhóm hay không, nếu hành vi vi phạm gây ra với người bị giam giữ là tra tấn, tử hình không qua xét xử, hoặc cưỡng bức đưa đi mất tích, thì vụ việc sẽ được chuyển cho các báo cáo viên đặc biệt hoặc Nhóm công tác thích hợp.
Ngược lại, nếu hành vi vi phạm về cơ bản liên quan tới tính hợp pháp của việc giam giữ, thì với sự ủng hộ của Uỷ ban Quyền con người, Nhóm công tác sẽ chọn một trong những giải pháp sau:
- Nếu như có một cơ quan khác đã tiếp nhận vụ việc nhưng không có chức năng giải quyết những vụ việc cá nhân thì Nhóm công tác sẽ tiếp nhận vụ việc.
- Mặt khác, nếu có một cơ quan khác đã tiếp nhận vụ việc và có chức năng giải quyết những vụ việc cá nhân (duy nhất chỉ có Uỷ ban Quyền con người) thì nguyên tắc không xem xét hai lần cần phải tính đến. Trong trường hợp này, bộ phận thư ký sẽ kiểm tra xem liệu đơn khiếu tố có liên quan tới một quốc gia đã công nhận thẩm quyền của Uỷ ban Quyền con người về việc xem xét những khiếu tố của cá nhân hay không; nếu có, bộ phận thư ký sẽ liên hệ với chủ thể cung cấp thông tin để xác định xem chủ thể đó chọn Uỷ ban Quyền con người hay Nhóm công tác để giải quyết vụ việc.
B. Hợp tác với các tổ chức phi chính phủ
Nhóm công tác thường xuyên hợp tác với các tổ chức phi chính phủ, cả ở cấp độ khu vực và quốc tế. Các tổ chức này là những nguồn cung cấp thông tin chủ yếu của nhóm. Trong bối cảnh đó, Nhóm công tác định kỳ tổ chức các cuộc họp với đại diện của các tổ chức phi chính phủ mà đã gửi cho Nhóm số nhiều thông tin nhất, kể cả những thông tin cá nhân và thông tin có tính chất chung, nhằm tìm ra các biện pháp tăng cường sự hợp tác giữa hai bên(4).
Nguyên bản tiếng Anh:
“The Working Group on Arbitary Detention”
(Fact Sheet No. 26)
(1) Những Nghị quyết 1986/16 1988/45, 1989/38 và 1990/107 của Uỷ ban Quyền con người.
(2) Báo cáo về thực trạng giam giữ hành chính do một trong những chuyên gia độc lập của Tiểu ban là ông Louis, Joinet soạn thảo (văn kiện mã số E/C N.41/Bus.2.1990/29 và Add.1). Báo cáo này đã dẫn tới việc thông qua Nghị quyết 1991/42 ngày 5/3/1991 của Uỷ ban Quyền con người.
(3) Tại kỳ họp lần thứ 53 năm 1997, Uỷ ban Quyền con người đã yêu cầu Nhóm công tác sử dụng thuật ngữ “quan điểm” thay cho thuật ngữ “quyết định”.
(4) Tài liệu chuyên đề này kềm theo các Phụ lục là những văn kiện có liên quan đến hoạt động của Nhóm công tác, tuy nhiên, do những văn kiện này đã bao gồm trong một số cuốn Tập hợp văn kiện quốc tế về quyền con người nên chúng tôi không đăng lại ở đây (BD).