Skip to main content

System Messages

You were not authenticated by the server. You may log in with your credentials below.

Chuyên đề 17

Phiên bản PDF

Tên tiếng Anh

“The Committee against Torture” (Fact Sheet No.17

Văn bản tiếng Việt

CHUYÊN ĐỀ 17
UỶ BAN CHỐNG TRA TẤN

Giới thiệu

Việc xóa bỏ tra tấn trên thế giới là một trong những thách thức lớn đối với Liên hợp quốc chỉ một vài năm sau khi tổ chức này được thành lập. Để đảm bảo sự bảo vệ đầy đủ cho tất cả mọi người không bị tra tấn, đối xử hay trừng phạt dã man, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm, trong nhiều năm qua, Liên hợp quốc đã thông qua nhiều chuẩn mực có thể áp dụng trên phạm vi toàn cầu. Sau đó, những chuẩn mực này đã được ghi nhận trong các tuyên ngôn và công ước quốc tế. Việc Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử, trừng phạt dã man, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm vào ngày 10/12/1984 đã hoàn thành quá trình pháp điển hóa tiến trình đấu tranh chống lại các hành động tra tấn.

Trong quá trình phát triển văn kiện quan trọng này, Liên hợp quốc không chỉ đơn thuần đưa ra một loạt những điều khoản, nguyên tắc và hy vọng đạo đức, mà còn đề cập đến việc thực hiện và giám sát việc thực hiện văn kiện này để đảm bảo hành động tra tấn sẽ không được thực hiện bởi bất kỳ lý do gì và với bất kỳ người nào. Liên hợp quốc cũng thành lập một cơ quan giám sát là Uỷ ban chống tra tấn, có chức năng chủ yếu là giám sát việc chấp hành và thực thi công ước này. Uỷ ban họp phiên đầu tiên vào tháng 4 năm 1988 ở Geneva; từ đó đến nay đã tiến hành nhiều hoạt động, dù là những hoạt động này còn rời rạc, nhằm làm cho Công ước được biết đến một cách rộng rãi trong công chúng.

Một cơ quan giám sát

Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử, trừng phạt dã man, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 10/12/1984. Với 33 điều, công ước này có hiệu lực từ ngày 26/6/1987. Tính đến ngày 01/01/1992, công ước này đã có 58 quốc gia phê chuẩn hoặc gia nhập(1).

Uỷ ban chống tra tấn được thành lập theo Điều 17 của Công ước và bắt đầu hoạt động từ ngày 01/01/1988.

Uỷ ban gồm 10 chuyên gia có tư cách đạo đức tốt và được thừa nhận có năng lực trong lĩnh vực Quyền con người. Các chuyên gia này phải là những công dân của các quốc gia thành viên Công ước, được các quốc gia thành viên bầu thông qua bỏ phiếu kín. Nhiệm kỳ của các chuyên gia là bốn năm và có thể được tái bầu. Cơ cấu hiện nay của Uỷ ban và danh sách các quốc gia thành viên được nêu trong các phụ lục.

Uỷ ban là một cơ quan mới của Liên hợp quốc, được giao quyền giám sát đặc biệt một điều ước đa phương về bảo vệ con người không bị tra tấn và những sự đối xử vô nhân đạo khác. Công ước đặt ra một số nghĩa vụ nhằm tăng cường lĩnh vực bảo vệ Quyền con người và tự do cơ bản, đồng thời trao cho Uỷ ban chống tra tấn những quyền hạn rộng rãi là xem xét và điều tra để đảm bảo hiệu lực của những quyền đó trong thực tiễn.

Tại cuộc họp đầu tiên của Uỷ ban được tổ chức tại Geneva vào tháng 4/1988, các thành viên của Uỷ ban chống tra tấn đã thông qua những quy định về thủ tục và xác định các phương pháp làm việc của Uỷ ban, phù hợp với những quy định của Công ước.

Hoạt động của Uỷ ban

Mỗi năm, Uỷ ban tổ chức hai phiên họp thường kỳ. Tuy nhiên, Uỷ ban có thể quyết định tổ chức các phiên họp đặc biệt theo đề nghị của đa số các thành viên của Uỷ ban hoặc của một quốc gia thành viên của Công ước.

Uỷ ban bầu một Chủ tịch, ba Phó Chủ tịch và một báo cáo viên trong số các thành viên của Uỷ ban. Những quan chức này được bầu trong nhiệm kỳ hai năm và có thể được tái bầu.

Uỷ ban có thể mời các tổ chức chuyên môn, các cơ quan có liên quan của Liên hợp quốc, các tổ chức liên chính phủ khu vực và các tổ chức phi chính phủ có quy chế tư vấn với ECOSOC cung cấp cho Uỷ ban những thông tin, tài liệu và báo cáo bằng văn bản về những vấn đề thích hợp, có liên quan đến hoạt động của Uỷ ban theo quy định của Công ước. Uỷ ban trình một báo cáo thường niên về hoạt động của mình cho các quốc gia thành viên và lên Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Chi phí liên quan đến các hoạt động của Uỷ ban do các quốc gia thành viên Công ước đài thọ, được chia theo tỉ lệ đóng góp của các quốc gia này vào ngân sách của Liên hợp quốc. Không quốc gia nào được đóng góp quá 25% tổng chi phí cho hoạt động của Uỷ ban.

Báo cáo của các quốc gia thành viên

Việc trình báo cáo của các quốc gia thành viên

Theo Điều 19 của Công ước, mỗi quốc gia thành viên phải đệ trình lên Uỷ ban, thông qua Tổng Thư ký Liên hợp quốc báo cáo về những biện pháp mà quốc gia đó đã đưa ra nhằm đảm bảo thực hiện có hiệu quả những nghĩa vụ của họ theo Công ước. Báo cáo đầu tiên phải được đệ trình trong vòng một năm sau khi Công ước có hiệu lực đối với quốc gia có liên quan; những báo cáo bổ sung tiếp theo sẽ được đệ trình bốn năm một lần, đề cập đến bất kỳ sự tiến triển nào sau đó. Uỷ ban cũng có thể yêu cầu cung cấp thêm báo cáo và những thông tin bổ sung.

Tại mỗi phiên họp, Tổng Thư ký của Liên hợp quốc thông báo cho Uỷ ban về tất cả những trường hợp không đệ trình những báo cáo nói trên. Trong trường hợp đó, Uỷ ban có thể gửi cho quốc gia thành viên liên quan một thông báo nhắc nhở về việc đệ trình những báo cáo như vậy.

Về cấu trúc của báo cáo, Uỷ ban chuẩn bị những hướng dẫn chung bao gồm những chỉ dẫn cụ thể về hình thức và nội dung của báo cáo để thông báo đầy đủ cho Uỷ ban về tình hình ở mỗi quốc gia thành viên.

Uỷ ban xem xét các báo cáo

Khi xem xét các báo cáo, Uỷ ban mời đại diện của các quốc gia thành viên tham dự các cuộc họp mà báo cáo của các quốc gia này được xem xét. Uỷ ban cũng có thể thông báo cho một quốc gia thành viên mà Uỷ ban dự định thu thập thêm thông tin là quốc gia này có thể uỷ quyền đại diện của mình trình bày những thông tin đó tại một cuộc họp cụ thể. Đại diện này có thể trả lời những câu hỏi do Uỷ ban nêu ra, và nếu cần thiết, phải làm rõ một số điểm trong các báo cáo mà quốc gia họ đã đệ trình lên.

Theo Điều 9, khoản 3 của Công ước, sau khi xem xét từng báo cáo, nếu thấy thích hợp, Uỷ ban có thể đưa ra những bình luận chung về các báo cáo đó. Đặc biệt, Uỷ ban có thể chỉ ra rằng, theo quan điểm của Uỷ ban, một vài nghĩa vụ của một quốc gia nào đó, theo quy định của Công ước, là chưa được thực hiện. Những ý kiến nhận xét của Uỷ ban được gửi cho quốc gia thành viên để có thể phản hồi về những nhận xét đó.

Quyền điều tra của Uỷ ban

Theo quy định tại Điều 20 của Công ước, Uỷ ban có quyền tiếp nhận thông tin và được tổ chức điều tra về những cáo buộc tại một quốc gia nào đó đang diễn ra những hành động tra tấn mang tính hệ thống.

Thủ tục được quy định tại Điều 20 của Công ước nhấn mạnh hai đặc điểm: tính bảo mật và theo đuổi sự hợp tác với các quốc gia thành viên có liên quan.

Điều khoản quy định về thẩm quyền này của Uỷ ban là không bắt buộc, có nghĩa là tại thời điểm phê chuẩn hoặc gia nhập Công ước, một quốc gia có thể tuyên bố không công nhận thủ tục này. Trong trường hợp đó, và chừng nào bản lưu đó chưa được rút lại, Uỷ ban sẽ không thực hiện những quyền được trao theo quy định tại Điều 20 đối với quốc gia thành viên đó.

Đối với tất cả những quốc gia đã chấp nhận thủ tục được quy định tại Điều 20, Uỷ ban có quyền tiếp nhận thông tin và được tổ chức điều tra về những cáo buộc một quốc gia nào đó đang diễn ra những hành động tra tấn mang tính hệ thống.

Thu thập thông tin

Đối với tất cả những quốc gia đã chấp nhận thủ tục được quy định tại Điều 20, Uỷ ban có quyền tiếp nhận thông tin liên qua đến sự tồn tại của hành động tra tấn. Nếu Uỷ ban thấy rằng thông tin được tiếp nhận là tin cậy và chứa đựng những bằng chứng xác đáng rằng tra tấn vẫn được thực hiện một cách có hệ thống trong lãnh thổ của một quốc gia thành viên của Công ước, thì Uỷ ban mời quốc gia đó hợp tác trong việc thẩm định thông tin và cuối cùng đưa ra ý kiến nhận định về những thông tin đó. Uỷ ban cũng có thể quyết định yêu cầu quốc gia có liên quan cung cấp thêm thông tin, hoặc thông qua đại diện của quốc gia đó hay qua các tổ chức chính phủ hoặc phi chính phủ cũng như những cá nhân nhằm thu thập thêm những yếu tố để có cơ sở đưa ra ý kiến.

Thủ tục điều tra

Nếu nhận thấy thông tin thu thập được là xác thực, thì Uỷ ban có thể chỉ định một hoặc nhiều thành viên của Uỷ ban tiến hành điều tra bí mật. Trong trường hợp đó, Uỷ ban mời quốc gia thành viên có liên quan hợp tác trong quá trình tiến hành điều tra. Theo đó, Uỷ ban có thể đề nghị quốc gia thành viên chỉ định một đại diện họp với các thành viên do Uỷ ban chỉ định để tiến hành điều tra nhằm cung cấp cho họ bất kỳ thông tin gì mà họ cho là cần thiết. Nếu có sự đồng ý của quốc gia thành viên, việc điều tra có thể bao gồm một chuyến viếng thăm của các thành viên được chỉ định đến lãnh thổ của quốc gia có liên quan và sau đó có thể gặp gỡ và phỏng vấn các nhân chứng.

Các thành viên được chỉ định trình kết quả lên Uỷ ban, sau đó Uỷ ban gửi những kết quả này, cùng với những nhận xét hoặc đề xuất riêng của Uỷ ban cho quốc gia thành viên có liên quan. Uỷ ban mời quốc gia đó thông báo cho Uỷ ban về hành động mà quốc gia đó thực hiện theo những thông tin mà Uỷ ban gửi tới.

Sau khi tất cả các thông tin liên quan đến một cuộc điều tra được hoàn tất, Uỷ ban có thể quyết định tóm tắt kết quả điều tra và đưa vào trong báo cáo thường niên của mình. Chỉ trong trường hợp đó thì công việc điều tra của Uỷ ban mới được công bố; ngoài ra, tất cả những công việc và tài liệu liên quan đến chức năng của Uỷ ban theo Điều 20 đều được giữ kín.

Khiếu tố giữa các quốc gia

Đối với các quốc gia thành viên, việc tiến hành các thủ tục liên quan đến việc giải quyết đơn khiếu tố giữa các quốc gia được quy định tại Điều 21 của Công ước phụ thuộc vào sự công nhận của các quốc gia có liên quan về thẩm quyền của Uỷ ban. Đối với những quốc gia đã gửi tuyên bố theo quy định tại Điều 21, thì Uỷ ban có thể tiếp nhận và nghiên cứu những thông tin mà một quốc gia thành viên cáo buộc rằng một quốc gia thành viên khác không thực hiện những nghĩa vụ theo Công ước.

Sự hỗ trợ của Uỷ ban

Thủ tục yêu cầu sự hỗ trợ của Uỷ ban gồm hai bước. Nếu một quốc gia thành viên của Công ước thấy rằng một quốc gia thành viên khác vi phạm một trong những quy định của Công ước, thì trước hết quốc gia đó có thông báo bằng văn bản gửi cho quốc gia đó. Trong thời gian ba tháng, quốc gia nhận được thông báo có nghĩa vụ trả lời quốc gia bằng văn bản, giải trình về vấn đề. Trong trường hợp mà hai quốc gia thành viên có liên quan không thể giải quyết được vấn đề với nhau, thì một trong hai quốc gia có thể đề nghị sự hỗ trợ của Uỷ ban. Các cuộc họp của Uỷ ban để giải quyết các trường hợp như vậy luôn được tổ chức kín.

Tất cả các biện pháp giải quyết trong nước của quốc gia bị chỉ trích vi phạm Công ước phải được vận dụng hết trước khi Uỷ ban có thể thụ lý một vấn đề, trừ trường hợp việc áp dụng những biện pháp này bị kéo dài một cách bất hợp lý hoặc không thể đem lại sự trợ giúp một cách hiệu quả cho nạn nhân của sự vi phạm.

Giải pháp hữu nghị cho vấn đề

Nếu những điều kiện được đáp ứng, Uỷ ban cố gắng đi đến một giải pháp hữu nghị cho vấn đề trên cơ sở tôn trọng những nghĩa vụ được quy định trong Công ước, thể hiện bằng việc lập những văn phòng ở những quốc gia thành viên có liên quan và khi thích hợp, thành lập một Uỷ ban hoà giải chuyên trách. Trong giai đoạn này, Uỷ ban có thể yêu cầu các quốc gia liên quan cung cấp những thông tin cần thiết. Các quốc gia có thể báo cáo miệng hoặc bằng văn bản và được cử đại diện tham dự các phiên họp của Uỷ ban xem xét vấn đề của họ.

Nếu tìm được một giải pháp hữu nghị thì trong thời hạn 12 tháng, Uỷ ban sẽ đưa ra một báo cáo, trong đó trình bày vắn tắt về thực trạng và giải pháp đã đạt được. Nếu không tìm được giải pháp như vậy, Uỷ ban chỉ nêu thực trạng cùng với những báo cáo của các quốc gia liên quan. Báo cáo sau đó sẽ được gửi cho các quốc gia thành viên có liên quan thông qua Tổng thư ký Liên hợp quốc.

Các khiếu tố của cá nhân

Giống như một số công ước quốc tế khác về quyền con người, Công ước về chống tra tấn dành cho mọi cá nhân, trong những trường hợp hất định, quyền được gửi đơn khiếu tố lên Uỷ ban về sự vi phạm một hay nhiều quy định của một quốc gia thành viên. Để Uỷ ban có thể thụ lý và xem xét các khiếu tố của cá nhân chống lại một quốc gia thành viên, thì thẩm quyền của Uỷ ban trong lĩnh vực này phải được quốc gia có liên quan công nhận.

Đơn khiếu tố của cá nhân luôn được Uỷ ban xem xét trong các cuộc họp kín.

Đệ trình khiếu tố

Bất kỳ cá nhân nào cho rằng mình là nạn nhân của một hành vi vi phạm Công ước của một quốc gia thành viên mà đã chấp nhận thẩm quyền của Uỷ ban theo Điều 22 thì đều có thể đệ trình khiếu tố. Nếu những người cho rằng mình là nạn nhân của sự vi phạm không tự đệ trình khiếu tố được, thì những người thân hoặc đại diện của họ có thể thay mặt họ làm việc đó.

Xem xét tính tin cậy của thông tin

Trong quá trình xem xét thông tin nhận được, mối quan tâm đầu tiên của Uỷ ban là kiểm tra tính tin cậy của thông tin; nếu thông tin đươc khẳng định là đáng tin cậy thì sau đó Uỷ ban sẽ tiến hành các bước kiểm tra mức độ của vụ việc. Uỷ ban có thể thành lập một nhóm công tác bao gồm không quá năm thành viên của Uỷ ban để trợ giúp trong quá trình thực hiện chức năng này.

Những điều kiện về tính tin cậy của các thông tin được quy định cụ thể trong Công ước và trong các quy định về thủ tục của Uỷ ban. Để một thông tin được xem là đáng tin cậy thì thông tin đó phải không được:

- Nặc danh hoặc trái với những quy định của Công ước;

- Lạm dụng quyền được đệ trình thông tin tại Điều 22;

- Đã được xem xét (hoặc đang được xem xét) theo một thủ tục điều tra hay giải quyết quốc tế khác.

Thêm vào đó, tất cả các biện pháp giải quyết trong nước phải được áp dụng trước (theo những điều kiện được quy định đối với những đơn khiếu nại giữa các quốc gia).

Uỷ ban có thể đề nghị quốc gia thành viên có liên quan hoặc tác giả của thông tin cung cấp thêm thông tin, những giải thích hoặc ý kiến nhận xét liên quan đến tính tin cậy của thông tin.

Nếu một thông tin được cho là không đáng tin cậy, Uỷ ban sẽ thông báo cho những bên có liên quan; tuy nhiên, về sau, vấn đề này có thể được xem xét lại trong trường hợp Uỷ ban tiếp nhận những thông tin cho thấy rằng thông tin đó là đáng tin cậy.

Xem xét tình tiết của vụ việc

Nếu Uỷ ban quyết định rằng một thông tin là đáng tin cậy, thì sau khi thông báo cho tác giả của thông tin và gửi thông tin đó cho quốc gia thành viên có liên quan, Uỷ ban sẽ xem xét đến những tình tiết của vụ việc. Trong vòng sáu tháng, quốc gia bị cáo buộc vi phạm Công ước sẽ phải đệ trình lên Uỷ ban những giải trình hoặc báo cáo làm rõ vụ việc và nêu ra những biện pháp đã được thực hiện để giải quyết tình huống đó. Tác giả của thông tin cũng có thể đệ trình những ý kiến nhận xét của mình hoặc cung cấp thêm thông tin cho Uỷ ban. Ngoài ra, tác giả của thông tin hoặc đại diện được coi là phù hợp của người đó có thể trình bày ý kiến tại các cuộc họp kín của Uỷ ban, để làm rõ những tình tiết vụ việc. Đại diện của các quốc gia có liên quan cũng có thể được mời tham dự theo hình thức tương tự.

Các biện pháp tạm thời

Trong quá trình xem xét cả hai vấn đề về tính tin cậy của thông tin và những tình tiết của vụ việc, và trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào; Uỷ ban có thể đề nghị quốc gia thành viên có liên quan thực hiện các biện pháp nhằm tránh một thiệt hại không thể phục hồi được cho những người được coi là nạn nhân của sự vi phạm Công ước. Quy định này cho phép những người tố cáo về một hành vi vi phạm Công ước của một quốc gia được bảo vệ, thậm chí trước khi Uỷ ban có quyết định về tính tin cậy của thông tin do họ cung cấp hoặc về những tình tiết của vụ việc có liên quan đến họ, cũng như chưa có quyết định cuối cùng của Uỷ ban về việc đó.

Hoàn tất thủ tục

Trên cơ sở xem xét toàn bộ những thông tin được cá nhân và quốc gia có liên quan cung cấp, Uỷ ban sẽ đưa ra quan điểm của mình về vụ việc. Bất kỳ thành viên nào của Uỷ ban cũng có thể đưa ra quan điểm riêng. Thủ tục xem xét kết thúc bằng việc gửi những quan điểm của Uỷ ban cho tác giả của thông tin và cho quốc gia có liên quan. Uỷ ban cũng mời quốc gia có liên quan thông báo về hành động mà quốc gia đó thực hiện trên cơ sở những quan điểm đó của Uỷ ban.

Bản tóm tắt về vụ việc đã được xem xét, trong đó bao gồm những giải thích, tuyên bố của các quốc gia có liên quan và các quan điểm của Uỷ ban về vụ việc sẽ được Uỷ ban đưa vào trong báo cáo thường niên của mình.

Hợp tác với các cơ quan khác

Có nhiều biện pháp khác nhau để chống hành động tra tấn cả ở cấp độ khu vực và quốc tế. Điều đó đặt ra vấn đề về mối quan hệ và việc thiết lập những hình thức hợp tác để tránh sự chồng chéo về nhiệm vụ và hoạt động, nhằm tăng cường tính hiệu quả của chiến dịch quốc tế chống hành động tra tấn thông qua những biện pháp hành động chung.

Báo cáo viên đặc biệt về chống tra tấn

Trong một số trường hợp, Uỷ ban đã xem xét vấn đề trên cơ sở hợp tác với Báo cáo viên đặc biệt của Uỷ ban Quyền con người chịu trách nhiệm về những vấn đề liên quan đến hành động tra tấn trên thế giới, cũng như khả năng cùng gánh vác công việc giữa Báo cáo viên đặc biệt với Uỷ ban để tránh sự trùng lặp trong việc thực hiện nhiệm vụ của từng bên.

Uỷ ban coi nhiệm vụ được Công ước giao và nhiệm vụ của báo cáo viên đặc biệt được Uỷ ban Quyền con người giao là khác nhau, nhưng bổ sung cho nhau. Báo cáo viên có nghĩa vụ báo cáo lên Uỷ ban Quyền con người về tình hình tra tấn nói chung. Để thực hiện được nhiệm vụ đó, Báo cáo viên đề nghị các chính phủ cung cấp thông tin về các biện pháp hành pháp và lập pháp đã được các chính phủ áp dụng để ngăn chặn hành động tra tấn và giải quyết những hậu quả của hành động đó bất cứ khi nào nó xảy ra. Báo cáo viên cũng viếng thăm một số khu vực trên thế giới để tổ chức các cuộc họp với đại diện các chính phủ có nguyện vọng làm việc với Báo cáo viên. Nhiệm vụ của Báo cáo viên mở rộng sang tất cả các quốc gia thành viên của Liên hợp quốc và tất cả các quốc gia có quy chế quan sát viên. Xét từ góc độ đó, nhiệm vụ của Báo cáo viên rộng hơn nhiệm vụ của Uỷ ban (chức năng của Báo cáo viên Đặc biệt về Tra tấn được giải thích trong Tài liệu chuyên đề số 4: Các biện pháp chống tra tấn).

Bởi vì các nhiệm vụ của hai bên có tác dụng bổ sung lẫn nhau, sự liên hệ chặt chẽ đã được thiết lập giữa Uỷ ban và Báo cáo viên đặc biệt nhằm mục đích trao đổi thông tin, các báo cáo và những tài liệu hai bên cùng quan tâm.

Uỷ ban ngăn chặn tra tấn của châu Âu và Quỹ tự nguyện giúp đỡ những nạn nhân của hành động tra tấn của Liên hợp quốc

Trong quá trình hoạt động, Uỷ ban cũng đã đặt nền móng cho việc thiết lập các mối quan hệ công tác với Uỷ ban ngăn chặn tra tấn và sự đối xử hay trừng phạt vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm của châu Âu, cũng như với Ban Tín thác của Quỹ tự nguyện giúp đỡ những nạn nhân của hành động tra tấn của Liên hợp quốc, được thành lập theo nghị quyết 36/151 ngày 16/12/1981 của Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Sự hợp tác giữa Uỷ ban chống tra tấn và Uỷ ban ngăn chặn tra tấn và sự đối xử hay trừng phạt vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm của châu Âu liên quan đến các chuyến viếng thăm đến các quốc gia là thành viên của cả Công ước của Liên hợp quốc về chống tra tấn và Công ước châu Âu về quyền con người; tuy nhiên, các chuyến viếng thăm này còn hạn chế do tính chất không công khai của các thủ tục được áp dụng cho các chuyến viếng thăm đó.

Phòng chống hay chữa trị

Cơ chế xử lý khiếu tố - cho dù là giữa các quốc gia hoặc giữa các cá nhân với các quốc gia - được thiết lập trên cơ sở Công ước về chống tra tấn có thể bắt đầu đi vào vận hành khi những vi phạm Quyền con người đã thực sự diễn ra. Theo một ý nghĩa nhất định, cơ chế này tìm kiếm một “phương pháp giải quyết” những vi phạm như vậy bằng việc công bố vụ việc (trong báo cáo thường niên của Uỷ ban) rằng một quốc gia đã vi phạm một hay nhiều quy định của Công ước, nhằm khuyến khích quốc gia có liên quan có giải pháp đối với sự vi phạm đó. Đây cũng là mục tiêu của các văn kiện quốc tế khác về quyền con người nằm trong khuôn khổ của Liên hợp quốc.

Tuy nhiên, việc thiết lập các chuẩn mực quốc tế và các thủ tục điều tra và giám sát, liên quan đến hành động tra tấn và các vấn đề khác vẫn chưa đủ để đảm bảo sự thực hiện những chuẩn mực về quyền con người ở các quốc gia thành viên của Liên hợp quốc.

Các hoạt động của Liên hợp quốc trong lĩnh vực này có thể được bổ sung một cách kịp thời bằng những chương trình hỗ trợ kỹ thuật và dịch vụ tư vấn của Liên hợp quốc mà được tiến hành ở hai cấp độ.

Thứ nhất, trong trường hợp một quốc gia đã chấp nhận những nghĩa vụ quốc tế và có thiện chí tôn trọng những nghĩa vụ này nhưng quốc gia đó không luôn sẵn sàng làm như vậy bởi vì thiếu nhân lực và hạ tầng cơ sở cần thiết cho việc áp dụng những chuẩn mực được quy định trong các văn kiện quốc tế có liên quan thì Liên hợp quốc có thể cung cấp các dịch vụ tư vấn và hỗ trợ nhằm giúp quốc gia nhằm đảm bảo thực hiện các quyền được công nhận.

Thứ hai, thông qua chương trình hỗ trợ kỹ thuật của mình, Liên hợp quốc cũng phát động một chiến dịch nhằm ngăn chặn những vi phạm Quyền con người. Việc xây dựng các cơ sở hạ tầng quốc gia để bảo vệ và thúc đẩy Quyền con người, tổ chức các khóa nghiên cứu và đào tạo tại chức cho các quan chức chịu trách nhiệm về việc thực hiện Quyền con người ở cấp độ quốc gia (công chức, lực lượng cảnh sát, cán bộ toà án) đặt nền móng cho việc xây dựng một nền văn hóa Quyền con người, tạo thành sự đảm bảo tốt nhất chống lại sự vi phạm những quyền đó.

 

Nguyên bản tiếng Anh:

“The Committee against Torture”

(Fact Sheet No.17)


 

 



(1) Tính đến hết năm 2009, công ước này có 146 quốc gia thành viên

(xem tại http://treaties.un.org) (BD)

 

Drupal theme by Adaptivethemes - Design by Kodamera