- Trang chủ-Home
- Luật QT-International Law
- Điều ước - Treaties
- Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế (UDHR)
- Các công ước chính về nhân quyền - Basic Treaties on HR
- Các ngành luật khác - other law branches
- Điều ước Việt Nam tham gia - Treaties participated by Vietnam
- Bình luận / Khuyến nghị chung - General Comments/Recommendations
- Báo cáo - Reports
- Cơ chế & Thủ tục - Mechanism & Procedure
- Án lệ - Case law
- Điều ước - Treaties
- PL Việt Nam-Vietnam Law
- NC&GD-HR Researchs
- E-Learning
- Đào tạo-Education
- Đào tạo thạc sĩ - Master Degree
- Liên hệ-Contact
Chuyên đề 9
Đăng bởi honeyquyen lúc T5, 10/13/2011 - 18:33

Tên tiếng Anh
“The Rights of Indigeous Peoples” (Fact Sheet No.9/Rev.1)
Văn bản tiếng Việt
Văn bản tiếng Anh
CHUYÊN ĐỀ 9
QUYỀN CỦA CÁC DÂN TỘC BẢN ĐỊA
Giới thiệu
Các dân tộc bản địa cư trú ở nhiều vùng rộng lớn trên trái đất. Địa bàn cư trú của họ trải dài khắp thế giới, từ Bắc cực đến Nam Thái Bình Dương, ước tính họ có khoảng 300 triệu người. Người bản địa hay còn gọi là thổ dân vì họ sống ở những vùng đất trước khi những người định cư từ nơi khác đến. Theo một định nghĩa, họ là con cháu của những người sinh sống đầu tiên ở một đất nước hoặc một khu vực địa lý, từ thời điểm khi mà các dân tộc có những nền văn hoá hoặc nguồn gốc chủng tộc khác chưa tới đó; những dân tộc khác đến sau họ dần dần trở thành người thống trị vùng đất đó thông qua các hành động xâm lăng, chiếm đoạt, định cư hoặc bằng nhiều phương thức khác.
Trong số nhiều dân tộc bản địa có người da đỏ ở châu Mỹ (ví dụ, người Mayas ở Goa-tê-ma-la hoặc người Aymaras ở Bô-li-vi-a), người Inuit và Aleutians ở vùng xích đạo, dân tộc Sami ở Bắc Âu, người Aborigines và Torres Islanders ở Ôxtrâylia, người Maori ở Niu Di-lân... Những dân tộc bản địa này và hầu hết các dân tộc bản địa khác vẫn duy trì được những bản sắc chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội của họ, những bản sắc mà có sự khác biệt rõ ràng với những nhóm dân tộc khác.
Trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại, bất cứ khi nào các dân tộc thống trị láng giếng mở rộng lãnh thổ của họ hoặc những người ở những xứ sở xa xôi khác đến dùng vũ lực để chiếm đoạt các vùng đất mới, thì văn hoá cũng như cuộc sống - thậm chí cả sự tồn tại - của các dân tộc bản địa đều gặp nguy hiểm. Trong những bối cảnh ấy, đất đai, văn hoá, địa vị và các quyền hợp pháp khác của các dân tộc bản địa - với ý nghĩa là các nhóm đặc biệt và với ý nghĩa là những công dân - không phải lúc nào cũng được giữ nguyên như trước. Mặc dù một số nhóm đã tương đối thành công, nhưng phần lớn các dân tộc bản địa trên thế giới hiện đang phải tích cực tìm kiếm sự thừa nhận những bản sắc và lối sống của họ.
Tính đến tháng 3/1997, đã có 15 tổ chức của các dân tộc bản địa có quy chế tư vấn tại ECOSOC. Quy chế tư vấn cho phép họ có quyền tham dự và đóng góp vào hàng loạt hội nghị quốc tế và hội nghị liên chính phủ, đặc biệt là trong hoạt động của Nhóm công tác của Liên hợp quốc về các dân tộc bản địa. Các tổ chức này bao gồm: Aboriginal and Torres Strait Islander Commission Asociación Kunas Unidos por Nabguana, Four Directions Council, Grand Council of the Crees (of Quebec), Indian Council of South America, Indian Law Resource Centre, Indigenous World Association, International Indian Treaty Council, International Organization of Indigenous Resource Development, Inuit Circumpolar Conference, National Aboriginal and Islander Legal Services SecretariatNational Indian Youth Council, Saami Council, Sejekto Cultural Association of Costa Rica, and World Council of Indigenous Peoples. Ngoài ra, hàng trăm đại diện của các dân tộc bản địa và các tổ chức của họ đã tham gia vào các cuộc họp của Liên hợp quốc, đặc biệt là các cuộc họp của Nhóm công tác về các dân tộc bản địa. Các tổ chức phi chính phủ về quyền con người cũng trợ giúp tích cực việc bảo vệ quyền của các dân tộc bản địa.
Bất chấp sự đa dạng về văn hoá và dân tộc, các dân tộc bản địa vẫn có những khó khăn, những kiến nghị và lợi ích tương đồng, thể hiện qua những bài phát biểu và tham luận của họ tại các diễn đàn quốc tế. Sự tham gia của các tổ chức và cộng đồng bản địa trong các cuộc họp của Liên hợp quốc đã làm nổi bật lên những tương đồng này.
Từ lâu các dân tộc bản địa đã thường xuyên đòi được duy trì bản sắc cũng như di sản văn hoá của riêng họ, đặc biệt kể từ khi có sự trỗi dậy của nhiều quốc gia mới trong làn sóng phi thực dân hoá sau Thế chiến thứ II. Giờ đây người ta đều thừa nhận rằng những chính sách nhằm hoà nhập hoàn toàn những nhóm này vào những dân tộc đa số thường không hiệu quả.
Hoạt động phi chính phủ và những sáng kiến liên chính phủ có tác động qua lại lẫn nhau về mặt này hay mặt khác. Hội nghị quốc tế đầu tiên của các tổ chức phi chính phủ về các vấn đề bản địa được tổ chức vào năm 1977 tại Geneva. Tiếp theo Hội nghị này là một hội nghị phi chính phủ khác về đất đai và các dân tộc bản địa được tổ chức vào năm 1981 cũng tại Geneva. Những hội nghị này, cùng với việc một nghiên cứu đặc biệt của Liên hợp quốc về người bản địa sắp được hoàn thành vào thời điểm đó đã thúc đẩy quá trình thành lập Nhóm công tác của Liên hợp quốc về các dân tộc bản địa vào năm 1982.
Cả Liên hợp quốc và ILO đều thừa nhận rằng việc thiết lập và bảo vệ các quyền của các dân tộc bản địa là một phần cốt yếu của các quyền con người, và là một mối quan tâm hợp lý của cộng đồng quốc tế. Cả hai tổ chức này đều tích cực xây dựng và thực hiện những tiêu chuẩn nhằm đảm bảo việc tôn trọng các quyền hiện có và thông qua các quyền khác của các dân tộc bản địa. Tài liệu chuyên đề này đề cập sơ bộ đến công việc hiện tại của Liên hợp quốc, tiến trình thực hiện công việc đó và những kế hoạch hành động trong tương lai nhằm thúc đẩy và đảm bảo các quyền của các dân tộc bản địa trên toàn thế giới.
Nghiên cứu về sự phân biệt đối xử với các dân tộc bản địa
Trong thập kỷ hai mươi của thế kỷ XX, những người da đỏ ở châu Mỹ đã tiếp cận với Hội Quốc liên. Chuyến viếng thăm của họ đến trụ sở Hội Quốc liên ở Geneva đã thu hút sự quan tâm đáng kể nhưng không đem lại những kết quả cụ thể. Trong những năm Liên hợp quốc mới được thành lập, đại diện các dân tộc bản địa thỉnh thoảng lại gửi những thỉnh cầu tới tổ chức thế giới này. Không có một phản hồi gì cụ thể từ Liên hợp quốc. Ngay cả một sáng kiến của Chính phủ Bô-li-vi-a tại Liên hợp quốc năm 1948 nhằm thành lập một tiểu ban nghiên cứu các vấn đề xã hội của các dân tộc bản địa cũng không đem lại kết quả.
Tuy nhiên, kể từ khi thành lập, nằm trong tổng thể các hoạt động về quyền con người, Liên hợp quốc đã đề cập đến một số tình huống ảnh hưởng đến các dân tộc bản địa. Những mối quan tâm về các dân tộc bản địa được thể hiện trong một số văn kiện và công trình nghiên cứu được dự thảo trong nhiều năm và trong hoạt động của các tổ chức Quyền con người trên các lĩnh vực, ví dụ như về người thiểu số, nô lệ, nô dịch và lao động cưỡng bức.
Năm 1970 đánh dấu một bước ngoặt trong lĩnh vực này khi Tiểu ban Chống phân biệt đối xử và bảo vệ người thiểu số đã khuyến nghị rằng cần phải có một nghiên cứu toàn diện về vấn đề phân biệt đối xử với các dân tộc bản địa. Năm 1971, ông José R.Martiez Cobo (người Ê-cu-a-đo) đã được chỉ định làm Báo cáo viên đặc biệt để tiến hành công trình nghiên cứu này, nhằm đưa ra những biện pháp ở cấp độ quốc gia và quốc tế để xoá bỏ những sự phân biệt đối xử như vậy. Bản báo cáo cuối cùng(1) của ông được đệ trình lên Tiểu ban trong các năm 1981-1984.
Báo cáo viên đặc biệt này đã đề cập đến hàng loạt vấn đề về quyền con người của người bản địa. Các vấn đề đó bao gồm một định nghĩa về các dân tộc bản địa, vai trò của các tổ chức liên chính phủ và phi chính phủ, quá trình xoá bỏ phân biệt đối xử với các dân tộc bản địa, và các nguyên tắc cơ bản về quyền con người, cũng như các lĩnh vực hành động đặc biệt như y tế, nhà ở, giáo dục, ngôn ngữ, văn hoá, các định chế pháp lý và xã hội, lao động, đất đai, quyền chính trị, quyền và các tập tục tôn giáo, bình đẳng trong hoạt động tư pháp của những các dân tộc bản địa. Những kết luận, gợi ý và những khuyến nghị của Báo cáo viên đặc biệt này là cơ sở quan trọng cho Liên hợp quốc xem xét các vấn đề mà các dân tộc bản địa đang phải đối mặt; nhiều vấn đề trong số đó hiện vẫn còn đang được xem xét trong khi một số khác đã được đưa vào trong các nghị quyết của Tiểu ban.
Nhóm công tác về các dân tộc bản địa
Những sự kiện như công trình nghiên cứu của Martinez Cobo, mối quan tâm khởi đầu từ Tiểu ban về chống phân biệt đối xử và bảo vệ người thiểu số và sự ủng hộ của các tổ chức phi chính phủ đã thúc đẩy ECOSOC thành lập Nhóm công tác về các dân tộc bản địa vào năm 1982. Nhóm công tác là một cơ quan giúp việc cho Tiểu ban. Nhóm gồm năm thành viên(2), trong đó mỗi thành viên đại diện cho một khu vực địa lý trên thế giới. Các thành viên là những chuyên gia độc lập và là thành viên của Tiểu ban.
Hàng năm, Nhóm công tác tổ chức cuộc họp một tuần ngay trước kỳ họp thường niên của Tiêu ban ở Geneva, Thụy sĩ. Kể từ năm 1982, ngoại trừ năm 1986, Nhóm công tác đều tổ chức các cuộc họp thường niên. Năm 1986, Hội Chống nô lệ vì sự nghiệp bảo vệ Quyền con người và Hội đồng thế giới về Các dân tộc bản địa đã tổ chức một cuộc hội thảo về quyền của các dân tộc bản địa với sự chủ toạ và Chủ tịch/Báo cáo viên của Nhóm công tác, bà Erica-Irene A. Daes.
Nhóm công tác mở cho tất cả đại diện của các dân tộc bản địa, các tổ chức và cộng đồng bản địa tham gia. Sự cởi mở này trong các kỳ họp của Nhóm tạo cho các bên sự quan tâm và sự đối thoại mang tính xây dựng và vì vậy đã tăng cường, củng cố vị trí của Nhóm như là một tiêu điểm hành động quốc tế vì sự nghiệp của các dân tộc bản địa. Một vài tổ chức của các dân tộc bản địa đã tổ chức các cuộc họp trù bị trước các kỳ họp của Nhóm công tác để xây dựng những sáng kiến và lập trường chung.
Mối quan tâm xuất phát từ các hoạt động của Nhóm công tác về quyền của các dân tộc bản địa nói chung được ấn định qua con số người tham gia. Khoảng 700 người đã thường xuyên tham dự các kỳ họp của Nhóm. Họ bao gồm các quan sát viên của hơn 30 Chính phủ, đại diện của các dân tộc bản địa và các tổ chức phi chính phủ của các dân tộc bản địa, cũng như nhiều học giả, nhà nghiên cứu. Nhóm công tác đã trở thành một trong những diễn đàn Liên hợp quốc lớn nhất trong lĩnh vực Quyền con người.
Ngoài nhiệm vụ tạo điều kiện và khuyến khích đối thoại giữa các chính phủ và các dân tộc bản địa, Nhóm công tác có hai nhiệm vụ chính thức là:
- Kiểm điểm những tiến bộ của các quốc gia trong việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của các dân tộc bản địa; và
- Xây dựng những tiêu chuẩn quốc tế về quyền của các dân tộc bản địa, có tính đến cả những tương đồng và khác biệt về hoàn cảnh và nguyện vọng của các dân tộc bản địa trên toàn thế giới.
Trong quá trình kiểm điểm những tiến bộ quốc gia, nhóm đã tiếp nhận và phân tích những thông tin từ các văn bản do các chính phủ, các cơ quan chuyên môn và nhiều tổ chức của Liên hợp quốc, tổ chức liên chính phủ khu vực và thế giới, tổ chức phi chính phủ quốc gia và của chính các dân tộc bản địa gửi tới.
Chủ tịch kiêm Báo cáo viên, bà Erica - Irene A. Daes đã đến thăm nhiều nước để cập nhập thông tin, cũng như để cung cấp thông tin về các hoạt động của Liên hợp quốc trong lĩnh vực quyền của các dân tộc bản địa và xác định những vấn đề mà cần được xem xét làm cơ sở xây dựng các chuẩn mực quốc tế trong lĩnh vực này.
Nhóm công tác không có quyền giải quyết những khiếu tố cụ thể về những trường hợp vi phạm Quyền con người, mà đã có một số kênh khác trong Liên hợp quốc có mục đích đưa ra những khuyến nghị hoặc những quyết định về những trường hợp vi phạm như vậy.
Xây dựng các tiêu chuẩn
Nhóm công tác đặc biệt chú ý đến vai trò thứ hai trong sứ mệnh của mình là phát triển những tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người của các dân tộc bản địa.
Năm 1985, Nhóm công tác bắt đầu chuẩn bị một dự thảo Tuyên bố về các quyền của các dân tộc bản địa, trong đó lưu tâm đến những khuyến nghị và đề xuất của các đại biểu trong các phiên họp của Nhóm, đặc biệt là của đại diện các chính phủ và các dân tộc bản địa. Trong phiên họp thứ 7 của Nhóm vào tháng 7/1993, Nhóm Công tác đã nhất trí về văn bản dự thảo cuối cùng và trình lên Tiểu ban về Ngăn ngừa sự phân biệt đối xử và bảo vệ người thiểu số. Trong Nghị quyết số 1994/45 ngày 26/8/1994, Tiểu ban đã thông qua dự thảo tuyên bố này và trình lên Uỷ ban Quyền con người để xem xét(3).
Dự thảo Tuyên bố của Liên hợp quốc về Các quyền của các dân tộc bản địa là một trong những mốc phát triển quan trọng nhất trong việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của các dân tộc bản địa. Bản dự thảo gồm 19 đoạn, 45 điều, đề cập đến các quyền và tự do, bao gồm quyền bảo tồn và phát triển những đặc trưng riêng biệt về văn hoá và chủng tộc; quyền được bảo vệ chống lại những hành động thảm sát và diệt chủng; các quyền liên quan đến các thể chế về tôn giáo, ngôn ngữ và giáo dục; vấn đề quyền sở hữu; việc chiếm hữu hoặc sử dụng đất đai và tài nguyên thiên nhiên ở khu vực của các dân tộc bản địa; vấn đề duy trì cơ cấu kinh tế và lối sống truyền thống, bao gồm việc săn bắn, đánh bắt cá, chăn nuôi gia súc, khai thác gỗ và canh tác, trồng trọt, bảo vệ môi trường; việc tham gia vào đời sông kinh tế, chính trị và xã hội của nước sở tại, đặc biệt trong các ván đề có thể ảnh hưởng đến cuộc sống và số phận của họ; việc tự quản hoặc độc lập trong các vấn đề liên quan đến nội bộ và địa phương; các mối quan hệ truyền thống và hợp tác với các cộng đồng ngoài nước; và việc tuân thủ các hiệp ước và thoả thuận liên quan đến các dân tộc bản địa.
Dự thảo Tuyên bố cũng đề cập đến các thủ tục công bằng có thể chấp nhận giữa hai bên để giải quyết xung đột và tranh chấp giữa nhà nước và các dân tộc bản địa, trong đó bao gồm các biện pháp như đàm phán, trung gian, trọng tài, toà án quốc gia, và các cơ chế khu vực và quốc tế về tiếp nhận, xử lý các đơn thư khiếu tố về quyền con người.
Dự thảo tuyên bố cũng đề cập đến các quyền cấu thành những tiêu chuẩn tối thiểu cho sự sống còn cũng như phúc lợi của các dân tộc bản địa trên thế giới.
Nhóm công tác về dự thảo Tuyên bố
Trong Nghị quyết số 1995/32 ngày 3/3/1995, Uỷ ban Quyền con người đã thiết lập một nhóm công tác để xem xét dự thảo Tuyên bố do Tiểu ban về Ngăn ngừa sự phân biệt đối xử và bảo vệ người thiểu số trình lên và hoàn thiện dự thảo đó gửi lên Đại hội đồng Liên hợp quốc xem xét thông qua trong Thập kỷ quốc tế về người bản địa trên thế giới (1995 - 2004)(4). Đại hội đồng Liên hợp quốc đã khẳng định rằng việc thông qua Tuyên bố là mục tiêu chính của Thập kỷ(5).
Trong Phụ lục của Nghị quyết số 1995/32, Uỷ ban Quyền con người đã xác định các thủ tục về sự tham gia của các tổ chức của các dân tộc bản địa mà không có quy chế tư vấn với ECOSOC trong hoạt động của Nhóm công tác về dự thảo Tuyên bố. Các tổ chức này được mời gửi đơn xin tham gia hoạt động của Nhóm qua Cao uỷ Liên hợp quốc về Quyền con người/Trung tâm Quyền con người, trong đơn cần có nhận xét của các quốc gia có liên quan. Các đơn xin tham gia và những nhận xét của các quốc gia có liên quan được xem xét bởi Hội đồng về Các tổ chức phi chính phủ của Uỷ ban Quyền con người. Vào tháng 3/1997, có 99 tổ chức của các dân tộc bản địa đã được Uỷ ban chấp nhận tham gia hoạt động của Nhóm công tác kể trên.
Từ khi Nhóm công tác được thành lập, nó đã tổ chức hai phiên họp, đều ở Văn phòng của Liên hợp quốc tại Geneva. Trong phiên họp thứ nhất vào tháng 11 - 12 năm 1995, Nhóm đã xem xét dự thảo Tuyên bố cho Tiểu ban về Ngăn ngừa sự phân biệt đối xử và bảo vệ người thiểu số thông qua và đã tổ chức một cuộc tranh luận chung về từng phần một của bản dự thảo nhằm xác định những điểm nhất trí và những điều khoản cần cân nhắc thêm (xem tài liệu mã số E/CN.4/1996/84). Trong phiên họp thứ hai vào các tháng 10 - 11 năm 1996, các điều khoản liên quan tới những chủ đề tương tự hoặc ít nhiều có liên quan tới các chủ đề đó được nêu ra thảo luận để chấp nhận những đề xuất (xem tài liệu mã số E/CN.4/1997/102). Không có sự thay đổi nào trong dự thảo Tuyên bố do Tiểu ban thông qua. Nội dung dự thảo này về cơ bản giữ nguyên như nó đã được chỉnh sửa bởi Nhóm công tác của Uỷ ban Quyền con người.
Quỹ tự nguyện giúp đỡ các dân tộc bản địa
Năm 1985, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thành lập Quỹ tự nguyện của Liên hợp quốc giúp đỡ các dân tộc bản địa. Quỹ này hỗ trợ tài chính cho đại diện của các cộng đồng và tổ chức của các dân tộc bản địa, nhằm tạo điều kiện cho họ được tham đầy đủ các phiên họp của Nhóm công tác về người bản địa. Các kỳ họp của Nhóm tại Geneva thu hút được nhiều đại biểu của người bản địa từ nhiều nơi trên thế giới tham dự. Thông qua Quỹ này, Liên hợp quốc có thể tạo điều kiện cho những đại diện của các dân tộc bản địa, mà trong số này có nhiều người từ những vùng xa xôi, có thể tham dự các kỳ họp kể trên.
Tổng thư ký Liên hợp quốc được giao nhiệm vụ trực tiếp điều hành Quỹ, với sự cố vấn của một Hội đồng Tín thác gồm năm thành viên(6). Hội đồng này hàng năm họp một lần để rà soát các đơn xin hỗ trợ. Nguồn của Quỹ là những đóng góp của các Chính phủ, tổ chức phi chính phủ và nhiều tổ chức của nhà nước và tư nhân khác. Hàng năm, Quỹ hỗ trợ toàn bộ chi phí đi lại cho khoảng 40 đại diện của các dân tộc bản địa.
Vào tháng 12/1995, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã mở rộng phạm vi của Quỹ tự nguyện tới việc hỗ trợ tài chính cho đại diện của các tổ chức của các dân tộc bản địa mà được Uỷ ban về Các tổ chức phi chính phủ của Liên hợp quốc cho phép tham dự những hoạt động của Nhóm công tác về dự thảo tuyên bố về quyền của người bản địa do Uỷ ban Quyền con người thành lập.
Hiện nay, số đề nghị hỗ trợ đã vượt xa khả năng giúp đỡ của Quỹ. Vì vậy, Hội đồng Tín thác, Nhóm công tác về Người bản địa, Tiểu ban về Ngăn ngừa sự phân biệt đối xử và bảo vệ người thiểu số và Uỷ ban Quyền con người thường xuyên kêu gọi sự đóng góp cho Quỹ. Những đóng góp cần chuyển đến địa chỉ: Quỹ tự nguyện giúp đỡ các dân tộc bản địa; Cao uỷ/Trung tâm Quyền con người, Palais, Des Nations, 1211 Geneva 10, Thuỵ Sỹ. Những dân tộc bản địa xin hỗ trợ tài chính cũng cần gửi đơn tới địa chỉ trên trước ngày 15/3 hàng năm.
Nghiên cứu về các hiệp ước, hiệp định với các dân tộc bản địa
Quan hệ giữa các dân tộc bản địa với Chính phủ các nước họ sinh sống trong nhiều trường hợp được dựa trên một cơ sở pháp lý là các hiệp ước, hiệp định và các thoả thuận khác. Một số văn kiện được xác lập từ các thế kỷ XVII, XVIII. Hiện nay, việc thiết lập những văn kiện như trên vẫn tiếp tục được tiến hành.
Một số hiệp ước đứng vững trước thử thách của thời gian, tạo cơ sở cho các dân tộc có nguồn gốc và văn hoá khác biệt sống với nhau một cách hài hoà. Một số hiệp ước khác đã gây tranh cãi vì người ta cho là quá trình đàm phán không công bằng, hoặc vì các quyền trong hiệp ước đã bị vi phạm và các nghĩa vụ không được tuân thủ.
Nhiều hiệp ước chỉ mang tính hình thức đối với các dân tộc bản địa. Những hiệp ước này chỉ được xem như là một sự thừa nhận về quyền tự quyết của các dân tộc bản địa, và là một cơ sở đảm bảo quyền tập thể của những người có liên quan. Một hiệp định mà được cam kết một cách long trọng và được hai bên thực hiện đầy đủ sẽ là cơ sở của lòng tin và sự tôn trọng lẫn nhau, và có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của các dân tộc bản địa.
Vì những lý do trên, năm 1989, ECOSOC đã uỷ nhiệm cho Tiểu ban Ngăn ngừa sự phân biệt đối xử và bảo vệ người thiểu số bổ nhiệm và chỉ định ông Miguel Alfonso Martínez, một thành viên của Nhóm công tác về Các dân tộc bản địa, là Báo cáo viên đặc biệt, với nhiệm vụ tiến hành một công trình nghiên cứu về khả năng sử dụng các hiệp ước, hiệp định và các văn kiện mang tính xây dựng khác giữa các dân tộc bản địa và nhà nước. Vì nghiên cứu này liên quan đến vấn đề chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước, Báo cáo viên đặc biệt được yêu cầu phải quan tâm đặc biệt đến các tiêu chuẩn Quyền con người toàn cầu mà hiện có hoặc đang xây dựng, và kiến nghị các biện pháp nhằm đạt được sự thúc đẩy và bảo vệ đế mức tối đa có thể các quyền của các dân tộc bản địa cả trong luật pháp quốc gia và quốc tế.
Liên hợp quốc đã đề nghị các nước và các dân tộc bản địa cung cấp tất cả mọi thông tin có liên quan đến những hiệp ước như vậy cho Báo cáo viên đặc biệt. Báo cáo viên đặc biệt đã nghiên cứu hàng ngàn bản hiệp ước và hiệp định đã và đang tồn tại và việc soạn thảo các văn kiện đó. Báo cáo viên đặc biệt cũng xem xét hoạt động lập pháp và lập hiến của các nhà nước, các quy định pháp lý quốc gia và quốc tế, cũng như các thông tin liên quan khác.
Báo cáo sơ bộ của Báo cáo viên đặc biệt được trình lên Tiểu ban đúng vào năm 1990, báo cáo lần thứ hai, thứ ba và cuối cùng được trình lên Tiểu ban trong các năm 1994, 1996 và 1997.
Nghiên cứu về việc bảo vệ những di sản của các dân tộc bản địa
Quá trình tìm kiếm và xâm chiến thuộc địa bắt đầu từ thế kỷ XV không chỉ đến chiếm đoạt đất đai và các nguồn tài nguyên thiên nhiên của các dân tộc bản địa, mà còn tước đoạt những thành tựu về khoa học, văn hoá, tư tưởng và nghệ thuật của họ.
Ngày nay, lợi ích thu được từ tri thức và văn hoá của các dân tộc bản địa là lớn hơn so với trước và việc khai thác những lợi ích này vẫn đang tiếp tục. Vấn đề du lịch trong những vùng các dân tộc bản địa sinh sống và việc thương mại hoá nghệ thuật của các dân tộc bản địa đang phát triển. Những kiến thức dược phẩm và kinh nghiệm về bảo đảm tính đa dạng sinh học trong nông nghiệp, trong quản lý môi trường của các dân tộc bản địa được ứng dụng; nhưng lợi ích từ những việc đó ít khi được chia sẻ cho các dân tộc bản địa. Nhiều dân tộc bản địa còn đang lo lắng về những hài cốt của tổ tiên họ đang được lưu giữ trong các viện bảo tàng và đang tìm cách đòi lại.
Với những dân tộc bản địa ở trên khắp thế giới, việc bảo vệ các tài sản trí tuệ của họ đã trở thành một vấn đề ngày càng quan trọng và cấp thiết. Họ không thể thực hiện các quyền con người cơ bản như quyền giữ gìn những đặc trưng của dân tộc, của cộng đồng nếu không có khả năng quản lý những tri thức mà họ được thừa hưởng từ tổ tiên mình.
Vì vậy, năm 1992, ECOSOC đã quyết định cử bà Erica-Irene A. Daes, Chủ tịch kiêm Báo cáo viên đặc biệt của Nhóm công tác về Người bản địa, đồng thời cũng là Báo cáo viên đặc biệt của Tiểu ban về ngăn ngừa sự phân biệt đối xử và bảo vệ người thiểu số, thực hiện một công trình nghiên cứu về các biện pháp mà cộng đồng quốc tế cần tiến hành để tăng cường sự tôn trọng các tài sản văn hoá và trí tuệ của người bản địa.
Báo cáo nghiên cứu đã được trình lên Tiểu ban vào tháng 8/1993 (tài liệu mã số E/CN.4/Sub.2/1993/28). Nó có thể được xem như là một bước chính thức đầu tiên nhằm đáp ứng những mối lo ngại của các dân tộc bản địa và là cơ sở cho việc thiết lập những tiêu chuẩn thích hợp nhằm giảm nhẹ ngay lập tức những mối đe doạ phổ biến và ngày càng tăng với sự toàn vẹn của các di sản truyền thống về khoa học, tôn giáo, nghệ thuật, tư tưởng và văn hoá của họ.
Tiếp theo công trình nghiên cứu trên, Báo cáo viên đặc biệt đã được Liên hợp quốc, UNESCO, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIOP), các thể chế tài chính quốc tế và các tổ chức chuyên môn, khoa học trên lĩnh vực này yêu cầu soạn thảo những nguyên tắc và hướng dẫn cơ bản về bảo vệ di sản của các dân tộc bản địa. Dự thảo các nguyên tắc và hướng dẫn đã được trình lên Tiểu ban vào các năm 1994, 1995 và kèm theo đó là một báo cáo bổ sung vào năm 1996.
Các hội thảo về quyền của các dân tộc bản địa
Trong một hội thảo do Liên hợp quốc tổ chức vào tháng 1/1989 tại Geneva, đại biểu của các chính phủ và các dân tộc bản địa đã thảo luận về những hậu quả của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và sự phân biệt đối xử về chủng tộc đối với mối quan hệ kinh tế và xã hội giữa các dân tộc bản địa và các nhà nước.
Những kết luận và khuyến nghị tại Hội thảo đã cho thấy các dân tộc bản địa đã và vẫn đang là những nạn nhân của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và nạn phân biệt đối xử về chủng tộc; mối quan hệ giữa các nhà nước và các dân tộc bản địa cần dựa trên sự thoả thuận và hợp tác trên tinh thần hiểu biết và tự do, chứ không đơn thuần chỉ là sự tư vấn và tham gia; các dân tộc bản địa phải được thừa nhận là những chủ thể thực sự của các quyền tập thể trong luật pháp quốc tế.
Chủ tọa Hội thảo trên là một chuyên gia do chính phủ Sê-nê-gan đề cử, ông Ndary Toure. Một chuyên gia có nguồn gốc từ một dân tộc bản địa, chủ tịch Hội đồng tối cao Grees (Quebec, Canada) được chỉ định làm Báo cáo viên tại Hội thảo. Bản báo cáo của Hội thảo đã được Trung tâm Quyền con người xuất bản (văn kiện mã số HR/PUR/89/5).
Vào tháng 9/1991, một nhóm chuyên gia đã họp ở Nuuk (Greenland) để ra soát những kinh nghiệm của các quốc gia trong việc thực hiện các chương trình tự trị cho các dân tộc bản địa. Các chuyên gia này được đề cử bởi cả các quốc gia thành viên và các tổ chức của các dân tộc bản địa, có trách nhiệm xem xét những mẫu hiệp định tự trị khác nhau để đưa ra một hệ thống các khuyến nghị về vấn đề này.
Ví dụ, các chuyên gia đã thừa nhận rằng, xét về mặt lịch sử, các dân tộc bản địa đã tự quản từ lâu, với các ngôn ngữ, văn hoá, luật pháp và truyền thống của riêng họ, và quyền tự quyết là tiền đề cho tự do, công bằng và hoà bình cả trong quốc gia và trong cộng đồng quốc tế. Một tài liệu bao gồm những mẫu hiệp định về tự quyết và tự quản của các dân tộc bản địa đã được Trung tâm Quyền con người chuẩn bị.
Hội thảo ở Nuuk được coi là một sự trợ giúp quan trọng cho cuộc thảo luận về vấn đề tự quyết của các dân tộc bản địa. Nó được điều khiển bởi nguyên thủ tướng Greenland, ông Jonathan Motzfeldt. Bà Lorenza Dalupan, người Philipin là báo cáo viên.
Vai trò của các dân tộc bản địa trong tiến trình phát triển là chủ đề thu hút sự quan tâm khi các đại diện của các chính phủ và các nhóm bản địa, cũng như chuyên viên độc lập về các dân tộc bản địa, họp nhau trong một hội thảo tại Santiago (Chi-lê) vào tháng 5/1992, với ý nghĩa là một phần trong các hoạt động chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh thế giới ở Rio de Janeiro.
Hội nghị chuyên môn của Liên hợp quốc về các kinh nghiệm thực tiễn trong việc thực hiện sự tự phát triển lành mạnh, rõ ràng về phương diện môi trường của các dân tộc bản địa đã xây dựng một tập hợp các nguyên tắc trong đó thừa nhận nhu cầu của các dân tộc bản địa được thực thi quyền hạn rộng rãi hơn trong việc giải quyết các vấn đề nội bộ của họ, cũng như về quyền được quyết định sự phát triển của riêng họ, điều hành các thể chế của riêng họ và sử dụng các nguồn tài nguyên của họ.
Ông José Bengoa, người Chi-lê, là chủ toạ cuộc họp và ông Ingmar Egede, một đại diện của Hội nghị Dân tộc Inuit vùng cực là báo cáo viên.
Theo lời mời của Chính phủ Canada, hội thảo các chuyên gia về các kinh nghiệm thực tiễn liên quan đến các quyền về đất đai và quyền thỉnh cầu đã được tổ chức tại Whitehorse (Canada) vào tháng 3/1996. Hội thảo là một phần trong chương trình hành động cho Thập kỷ quốc tế về các dân tộc bản địa trên thế giới. Ông David Keenan, thành viên của Hội đồng các dân tộc đầu tiên ở Yokon là Chủ tịch Hội thảo; ông José Aylwin Oyarzun, thành viên của chính phủ Chi lê, là báo cáo viên.
Cuộc hội thảo đã thông qua những kết luận cuối cùng và các khuyến nghị về các quyền về đất đai và quyền thỉnh cầu của các dân tộc bản địa. Ngoài những nội dung khác, Hội nghị nhấn mạnh rằng việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền về đất đai và tài nguyên thiên nhiên của các dân tộc bản địa là sống còn với sự phát triển của các dân tộc và sự bảo tồn các nền văn hoá của họ. Thêm vào đó, tầm quan trọng của sự tham gia của các dân tộc bản địa và các tiến trình ra quyết định cũng được nhấnh mạnh. Hội thảo đã kết luận rằng, nguyện vọng chính trị được thể hiện dưới hình thức một cam kết thật sự, coi các dân tộc bản địa là của các Chính phủ, là yếu tố then chốt để đạt được thành công của các cơ chế cùng quản lý và để ngăn ngừa những quan hệ thù địch giữa các bên tham gia cơ chế đó. Hội nghị cũng tuyên bố rằng, để có sự phát triển bền vững, cần quan tâm đầy đủ đến giá trị của các dân tộc bản địa, tri thức và các kỹ thuật của họ, nhằm đảm bảo các nguồn tài nguyên của họ cho các thế hệ tương lai.
Các quyền của các dân tộc bản địa: Triển vọng mở rộng
Nhóm công tác về Các dân tộc bản địa là trung tâm của các hoạt động về quyền của các dân tộc bản địa trong Liên hợp quốc. Trọng trách này sẽ được chuyển sang cho các cơ quan cấp trên của Nhóm như Tiểu ban Ngăn ngừa sự phân biệt đối xử và bảo vệ người thiểu số và Uỷ ban Quyền con người, khi các báo cáo của Nhóm công tác được xem xét và thảo luận. Nhiều sáng kiến về quyền các dân tộc bản địa được các cơ quan kể trên thực hiện không thuộc vào những khuyến nghị trong các bản báo cáo của Nhóm công tác.
Tiểu ban ngăn ngừa sự phân biệt đối xử và bảo vệ người thiểu số xem xét những báo cáo thường niên của Nhóm công tác và nghiên cứu, thảo luận về các khuyến nghị trong chương trình nghị sự với chủ đề “Phân biệt đối xử với các dân tộc bản địa” (Tiểu ban đã bỏ thuận ngữ “người bản địa” để thay bằng thuật ngữ “các dân tộc bản địa” từ năm 1988). Uỷ ban Quyền con người thì xem xét các báo cáo của Nhóm công tác kết hợp với các báo cáo của Tiểu ban. Các báo cáo của Nhóm đã thu hút sự quan tâm đáng kể và ngày càng tăng của cả hai cơ quan trực tiếp quản lý dưới hình thức thảo luận và nghị quyết. Các tổ chức của các dân tộc bản địa tham dự ngày càng nhiều vào các cuộc họp về quyền con người của Liên hợp quốc, ngoài các cuộc họp của Nhóm công tác.
Các dân tộc bản địa có quyền được hưởng tất cả các quyền con người hiện hành. Các Uỷ ban giám sát việc thực hiện các công ước có liên quan của Liên hợp quốc như ICCPR, ICESCR; ICERD, CRC với những quy định cụ thể liên quan đến các dân tộc bản địa - sẽ xem xét các vấn đề về các dân tộc bản địa khi đánh giá báo cáo của các quốc gia về việc thực hiện các công ước này. Tương ứng với các công ước đó là các Uỷ ban như Uỷ ban Quyền con người (Human Rights Committee), Uỷ ban về Các quyền kinh tế, xã hội, văn hoá, Uỷ ban về Xoá bỏ các hình thức phân biệt đối xử về chủng tộc và Uỷ ban về Quyền trẻ em.
Các dân tộc bản địa và các tổ chức của họ ngày càng vận dụng thường xuyên các thủ tục thông tin và khiếu tố của riêng họ. Trong số các thủ tục này có thủ tục “1503” do ECOSOC thiết lập để giám sát tất cả các hình thức vi phạm Quyền con người và các thủ tục theo Nghị định thư không bắt buộc của ICCPR(7). Các báo cáo viên đặc biệt điều tra về tình hình Quyền con người ở nhiều nước cụ thể, hoặc chuẩn bị báo cáo về một số chủ đề, ví dụ như sự kỳ thị tôn giáo, cũng góp phần giải quyết những vấn đề của các dân tộc bản địa khi được yêu cầu.
Hai Hội nghị thế giới về chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và sự phân biệt đối xử về chủng tộc do Liên hợp quốc tổ chức tại Geneva năm 1978 và 1983 đã thảo luận các khía cạnh về sự phân biệt đối xử với các dân tộc bản địa và đề cập đến cả các nguyên tắc và biện pháp thích hợp trong các nghị quyết các chương trình hành động. Một số những nguyên tắc này được đưa vào dự thảo Tuyên bố về Quyền của các dân tộc bản địa. Nhiều hội thảo được tổ chức ở Geneva năm 1979 và ở Managua năm 1981, đều tập trung vào các vấn đề Quyền con người của các dân bản địa. Một cuộc họp các chuyên gia về vấn đề tự quản của các dân tộc bản địa, dự kiến được tổ chức vào năm 1980 hoặc 1991, sẽ là sự kiện thứ hai của thập kỷ trong lĩnh vực này.
Hội nghị tư vấn toàn cầu được tổ chức ở Geneva vào tháng 10/1998 theo Chương trình hành động trong thập kỷ thứ hai về các dân tộc bản địa đã thu hút sự chú ý vào tính bị dễ tổn thương và nguy cơ các dân tộc bản địa trở thành nạn nhân của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và sự phân biệt đối xử về chủng tộc. Trong nhiều vấn đề, các đại biểu đã kiến nghị rằng, các Chính phủ cần thông qua các biện pháp kinh tế, xã hội, hành chính và pháp lý để xoá bỏ những chính sách và tục lệ mà có sự phân biệt, kỳ thị các cá nhân, cộng đồng các dân tộc bản địa nhằm cải thiện điều kiện sống và xây dựng các mối quan hệ hài hoà giữa các dân tộc bản địa và dân tộc phi bản địa. Các đại biểu cũng nhất trí về sự cần thiết phải tiến hành tất cả những biện pháp có thể nhằm giúp các dân tộc bản địa gìn giữ và phát triển nền văn hoá của họ; và các Chính phủ cần tạo điều kiện và tăng cường các biện pháp pháp lý để thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người và nhiều lợi ích khác của các dân tộc bản địa.
Năm quốc tế về các dân tộc bản địa trên thế giới
Nhu cầu về một cách tiếp cận mới cho vấn đề các dân tộc bản địa đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thừa nhận trong nghị quyết 45/164 ngày 18/12/1990, trong đó tuyên bố lấy năm 1993 là Năm quốc tế về các dân tộc bản địa trên thế giới. Trong nhiều năm, các dân tộc bản địa đã kêu gọi có một năm quốc tế để nâng cao nhận thức toàn cầu về tình cảnh của họ. Trong lễ khai mạc ở New York, lần đầu tiên trong lịch sử Liên hợp quốc, những người lãnh đạo của các dân tộc bản địa đã được phát biểu trực tiếp trên diễn đàn của Đại hội đồng.
Mục tiêu của Năm quốc tế về các dân tộc bản địa là tăng cường sự hợp tác quốc tế nhằm tìm ra những giải pháp cho các vấn đề mà các dân tộc bản địa đang phải đối mặt, như vấn đề Quyền con người, phát triển, môi trường, giáo dục và y tế. Chủ đề của Năm quốc tế là “Các dân tộc bản địa - một đối tác mới”, nhằm hướng vào sự phát triển của một quan hệ mới và bình đẳng giữa cộng đồng quốc tế, các quốc gia và các dân tộc bản địa, trên cơ sở sự tham gia của các dân tộc bàn địa vào quá trình hoạch định, thực hiện và đánh giá các dự án có tác động đến điều kiện sống hiện tại và tương lai của họ.
Với ý nghĩa là một phần của chương trình hành động của Năm quốc tế, Tổng thư ký Liên hợp quốc đã tuyên bố thiết lập một quỹ tự nguyện nhằm trợ giúp cho khoảng 40 dự án cộng đồng cấp độ nhỏ của các dân tộc bản địa. Nhiều hoạt động khác trên lĩnh vực này được các chính phủ tài trợ một cách trực tiếp. Tổng thư ký đã chỉ định ông Rogoberta Menchuf Tum, người được nhận giải thưởng Nô-ben hoà bình năm 1992, là Đại sứ thiện chí và trợ lý Tổng thư ký về vấn đề Quyền con người là điều phối viên của Năm quốc tế.
Hội nghị thế giới về quyền con người
Tháng 3/1993, Hội nghị thế giới về Quyền con người lần thứ II đã được tổ chức ở Viên. Hàng ngàn đại biểu của các dân tộc bản địa đã tham dự hội nghị và các đại diện của họ đã phát biểu trong phiên họp toàn thể. Trong Tuyên bố Viên và Chương tình hành động được Hội nghị thông qua(8), đã thừa nhận “...nhân phẩm vốn có và sự cống hiến độc đáo của người bản địa đối với sự phát triển và tiến bộ của xã hội” và tái khẳng định “cam kết của cộng đồng quốc tế đóng góp cho sự thịnh vượng về kinh tế, xã hội, văn hoá và việc hưởng thụ sự phát triển bền vững của người bản địa” (Phần I, đoạn 20). Hội nghị đã kêu gọi các quốc gia “cần tiến hành những biện pháp đồng bộ, tích cực, phù hợp với pháp luật quốc tế để đảm bảo sự tôn trọng tất cả các quyền va tự do cơ bản của người bản địa, trên cơ sở bình đẳng, không phân biệt đối xử và thừa nhận giá trị, sự đa dạng về bản sắc, nền văn hoá và các tổ chức xã hội của họ”. Hội nghị cũng khuyến nghị rằng, cần công bố một thập kỷ quốc tế về các dân tộc bản địa và cần nghiên cứu thiết lập một diễn đàn thường xuyên cho người bản địa trong hệ thống Liên hợp quốc.
Một diễn đàn thường xuyên
Từ khuyến nghị kể trên, một hội thảo về việc thiết lập diễn đàn thường xuyên cho người dân bản địa trong hệ thống Liên hợp quốc đã được tổ chức tại Copenhagen vào tháng 7/1995. Các đại biểu tham dự hội thảo bao gồm 21 đại diện của các chính phủ, 21 đại biểu của các dân tộc bản địa và hai chuyên gia độc lập. Vấn đề được thảo luận trong hội thảo là phạm vi của mỗi diễn đàn thường xuyên, cơ quan nào của Liên hợp quốc có trách nhiệm tổ chức diễn đàn, chức năng và thời hạn của diễn đàn, các hoạt động có thể tiến hành, thành viên và sự tham gia của các dân tộc bản địa, mối quan hệ của diễn đàn với Nhóm công tác về người bản địa, vấn đề tài chính và tổ chức. Theo yêu của Đại hội đồng, Tổng thư ký Liên hợp quốc đã rà soát lại các cơ chế, thủ tục và chương trình về bản địa trong hệ thống Liên hợp quốc.
Thập kỷ quốc tế về người bản địa trên thế giới
Theo một khuyến nghị tại Hội nghị thế giới về Quyền con người, trong Nghị quyết số 48/163 ngày 21/12/1993, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã tuyên bố lấy giai đoạn 1995 - 2004 là Thập kỷ quốc tế về người bản địa trên thế giới. Mục tiêu của Thập kỷ là thúc đẩy sự hợp tác quốc tế nhằm tìm ra những giải pháp cho các vấn đề mà người bản địa phải đối mặt trên các lĩnh vực như Quyền con người, môi trường, phát triển, giáo dục và sức khoẻ. Chủ đề của Thập kỷ là “Người bản địa: đối tác trong hành động”. Chương trình hành động trong Thập kỷ đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua vào tháng 12/1995.
Quỹ tự nguyện cho Thập kỷ quốc tế
Một quỹ đặc biệt - Quỹ tự nguyện cho Thập kỷ quốc tế về người bản địa trên thế giới - đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thiết lập nhằm trợ giúp về tài chính các dự án và chương trình trong Thập kỷ. Vào tháng 4/1996, một nhóm tư vấn đã họp lần đầu để đưa ra những hướng dẫn về Quỹ và rà soát những chương trình, dự án có liên quan.
Nhóm tư vấn bao gồm các thành viên của Hội đồng Tín thác của Quỹ tự nguyện cho người bản địa, Chủ tịch kiêm Báo cáo viên đặc biệt của Nhóm công tác về người bản địa và một đại diện của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP). Ba chính phủ tài trợ được cử ra các quan sát viên để giám sát hoạt động của Quỹ.
Ngày quốc tế về Người bản địa: ngày 9 tháng 8
Trong Nghị quyết số 49/214 ngày 23/12/1994 (đoạn 8), Đại hội đồng Liên hợp quốc đã quyết định lấy ngày mồng 9/8 hàng năm là Ngày quốc tế về Người bản địa trên thế giới. Ngày này sẽ được kỷ niệm trong suốt Thập kỷ và là dịp để Liên hợp quốc kêu gọi sự quan tâm tới các vấn đề và các xã hội người bản địa. Ngày này cũng tạo cơ hội cho các chính phủ, các tổ chức phi chính phủ và các nhóm xã hội khác quan tâm đến vấn đề này tổ chức các hoạt động nhằm tăng cường sự hiểu biết về người bản địa và các nền văn hoá của họ.
Hệ thống Liên hợp quốc
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) là tổ chức quốc tế đầu tiên có hoạt động về các vấn đề người bản địa. Kể từ sau khi được thành lập vào năm 1919, ILO đã bảo vệ các quyền kinh tế, xã hội của nhiều nhóm có phong tục, tập quán, truyền thống, định chế hoặc ngôn ngữ khác so với các bộ phận khác của cộng đồng dân tộc. Năm 1953, ILO xuất bản một công trình nghiên cứu về các dân tộc bản địa và năm 1957 đã thông qua Công ước số 107 và Khuyến nghị số 104 về bảo vệ và hợp nhất các dân tộc đầu tiên mang tính chất đặc trưng, được xây dựng nhằm bảo vệ các quyền của các dân tộc mà cách thức sinh tồn của họ, trước đây cũng như hiện nay, bị các nền văn hoá thống trị khác đe doạ.
Tháng 6/1989, sau bốn năm chuẩn bị, Hội nghị Lao động quốc tế đã thông qua văn bản sửa đổi Công ước số 107 (hiện nay là Công ước số 196) về Các dân tộc bản địa và bộ lạc. Văn kiện mới này xóa bỏ các cách tiếp cận trước đó mà bị phê phán là mang tính chất áp đặt và đồng hoá các dân tộc bản địa. Công ước số 169 đóng vai trò là cơ sở cho việc thực hiện và các hoạt động trợ giúp kỹ thuật của ILO với các dân tộc bản địa.
Liên hợp quốc và Tổ chức lao động quốc tế đang hợp tác chặt chẽ với nhau trong việc triển khai các hoạt động nhằm đạt được các mục tiêu của Công ước 169 cũng như của Thập kỷ quốc tế về các dân tộc bản địa.
Trong những năm gần đây, các bộ phận khác trong hệ thống Liên hợp quốc đã hành động tích cực trong việc thúc đẩy các quyền của người bản địa. Vào năm 1981, UNESCO đã tổ chức một hội thảo quốc tế ở San José (Costa Rica) về vấn đề sắc tộc và phát triển dân tộc ở Mỹ La-tinh. Từ thời điểm này, UNESCO đã tài trợ cho nhiều dự án trên lĩnh vực văn hoá và giáo dục liên quan đến các dân tộc bản địa.
Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về Môi trường và phát triển, tổ chức ở Rio de Janeiro tháng 6/1992 đã tạo ra một sự phát triển mới trong quan hệ giữa các dân tộc bản địa với Liên hợp quốc. Hội nghị đã thừa nhận rằng người bản địa và các cộng đồng của họ có một vai trò trọng yếu trong việc quản lý và phát triển môi trường bởi những kiến thức và tập quán truyền thống của họ. Hội nghị nhấn mạnh rằng những nỗ lực quốc gia và quốc tế nhằm đạt được sự phát triển bền vững về môi trường cần phải thừa nhận, giúp đỡ, tăng cường và thúc đẩy vai trò của người bản địa và các cộng đồng của họ. Chương 26 của Chương trình hành động được thông qua tại Hội nghị này (Chương trình nghị số 21), được dành để đề cập đến vấn đề người bản địa. Các dân tộc bản địa cũng là một vấn đề thu hút sự quan tâm lớn nhất trong một diễn đàn của các NGOs, diễn ra đồng thời với Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về Môi trường và phát triển, và thông qua một số tuyên bố riêng của Hội nghị này, gọi là Tuyên bố Kari-Oka. Một trong kết quả của Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về Môi trường và phát triển là đã thông qua được Công ước và bảo tồn đa dạng sinh học, trong đó bao gồm những quy định có tính chất đặc trưng liên quan đến người bản địa.
Các hội nghị cấp cao sau đó, bao gồm Hội nghị quốc tế về Dân số và phát triển (tổ chức tại Cai-rô năm 1994), Hội nghị thượng định thế giới về Phát triển xã hội (tổ chức tại Copenhagen năm 1995), Hội nghị thế giới về Phụ nữ lần thứ IV (tổ chức tại Bắc Kinh năm 1995) và Hội nghị Liên hợp quốc về Tái định cư con người (Habitat II, tổ chức tại Istanbul năm 1996) đều đưa ra những khuyến nghị liên quan đến người bản địa.
Ngân hàng thế giới cũng thừa nhận sự cần thiết phải bảo vệ các dân tộc bản địa và vào tháng 9/1991 đã thông qua Chỉ thị hành động số 4.20 thiết lập những biện pháp và thủ tục với các dự án liên quan đến người bản địa. Chỉ thị này cung cấp những hướng dẫn về chính sách, nhằm bảo đảm rằng các dân tộc bản địa được hưởng lợi ích từ các dự án phát triển và ngăn ngừa những tác động bất lợi với họ.
Cũng cần đề cập đến Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Tổ chức Y tế Liên Mỹ, những tổ chức này đã khởi xướng những dự án cho các dân tộc bản địa. Vào tháng 7/1996, Nhóm công tác về Người bản địa, phối hợp với WHO, đã dành một phần trong phiên họp của Nhóm để bàn về vấn đề chăm sóc y tế cho các dân tộc bản địa.
Kết luận
Những cuộc hội thảo tại Nhóm công tác về Người bản địa và trong nhiều cơ quan Quyền con người khác đã cho thấy rằng, mặc dù đã đạt được nhiều tiến bộ nhưng còn rất nhiều việc phải làm để giải quyết những vấn đề tồn tại về lợi ích giữa các dân tộc bản địa và sự phát triển cá nhân hoặc sự phát triển của quốc gia, giữa điều kiện sống và lối sống của các dân tộc bản địa với các chính sách và dự án công cộng. Những đóng góp tích cực vào sự nghiệp bảo vệ môi trường của các nhóm bản địa đã được đề cập.
Vấn đề đất đai của các dân tộc bản địa vẫn mang tính quyết định. Sự phát triển kinh tế quốc gia đã tạo ra áp lực rất mạnh về lãnh thổ của các dân tộc bản địa. Những khu rừng săn bắn hoặc những vùng hoang mạc cằn cỗi từng được cho là không có giá trị về mặt kinh tế, chính trị, hoặc quân sự thì giờ đây đã được xác định như là những vùng có tầm quan trọng sống còn. Những phát triển mới này đã ảnh hưởng đến nền kinh tế, các cơ chế văn hoá, tôn giáo và xã hội của các dân tộc bản địa.
Cộng đồng thế giới từ lâu đã thừa nhận rằng những đặc trưng về ngôn ngữ và văn hoá của các dân tộc bản địa cấu thành một bộ phận trong di sản văn hoá của nhân loại và xứng đáng được bảo vệ. Ngôn ngữ là yếu tố có ý nghĩa quan trọng hơn nhiều so với một phương tiện giao tiếp hàng ngày, nó là phương tiện truyền bá văn hoá bản sắc. Tuy nhiên nhiều tổ chức bảo vệ các quyền của các dân tộc bản địa đã vạch ra một số trường hợp mà trong đó các hệ thống giáo dục của quốc gia chỉ sử dụng và phổ biến duy nhất một ngôn ngữ, một lịch sử và một nền văn hoá.
Nhiều chính phủ đã tuyên bố rằng, họ nhận thức được những vấn đề nghiêm trọng mà các dân tộc bản địa đang sống trong các lãnh thổ của họ phải đương đầu, và về những yếu tố khiến họ trở thành trong những nhóm phải gánh chịu nhiều nguy cơ nhất trong các cộng đồng ở quốc gia. Tại một số nơi trên thế giới, thường xuyên có các cuộc đối thoại trực tiếp giữa chính phủ và các dân tộc bản địa về vấn đề này. Nhiều nơi khác, các cuộc đàm phán giữa các dân tộc bản địa và chính phủ đã và vẫn tiếp tục diễn ra nhằm cải thiện các mối quan hệ và đảm bảo sự bảo vệ tốt hơn các quyền của các dân tộc bản địa.
Một số quốc gia đã đưa ra nhiều thể chế tự trị cũng như những chương trình khác được thiết kế một cách đặc biệt cho các dân tộc bản địa ở cấp địa phương và khu vực. Những động thái này nhằm cải thiện điều kiện sống của các dân tộc bản địa trong các lĩnh vực như y tế, nhà ở, lao động và giáo dục; cho đến nay đã và đang góp phần vào việc gìn giữ những lối sống và văn hoá truyền thống.
Những năm gần đây, một vài chính phủ đã sửa đổi các bản hiến pháp và các văn bản pháp luật của họ để quan tâm đến tính đa dạng về văn hoá của cộng đồng dân tộc. Một số tiến bộ cũng đã được thực hiện trong việc hoàn trả và bảo vệ quyền sở hữu tập thể về đất đai của người bản địa.
Sự tham gia của Liên hợp quốc vào việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền của các dân tộc bản địa tăng lên nhanh chóng. Liên hợp quốc sẽ tăng cường vai trò này của mình bằng việc thúc đẩy nhận thức chung và sự hiểu biết về các vấn đề cơ bản có liên quan. Thập kỷ quốc tế cung cấp những cơ hội để tăng cường nhận thức và lợi ích chung, và xây dựng một kế hoạch hành động để thúc đẩy điều kiện sống của các dân tộc bản địa.
Phụ lục
BẢN VẤN LỤC DÀNH CHO NGƯỜI
XIN TRỢ CẤP TÀI CHÍNH CỦA QUỸ TỰ NGUYỆN
CỦA LIÊN HỢP QUỐC VÌ NGƯỜI BẢN ĐỊA
1. Ghi rõ tên đầy đủ của tổ chức hoặc cộng đồng bản địa của bạn và mô tả các định chế, loại hình, chức năng và hoạt động của tổ chức, cộng đồng đó.
2. Xác định dân tộc bản địa mà tổ chức hoặc cộng đồng ban đại diện. Cung cấp thông tin về vị trí địa lý và số liệu về dân số của dân tộc bản địa đó.
3. Hãy cho biết nhu cầu của bạn là được cung cấp hoàn toàn hay một phần chi phí đi lại và trợ cấp trong khi ở Geneva. Cung cấp số liệu về ngân sách và/hoặc chi phí hàng năm và các khía cạnh khác về tình hình tài chính của tổ chức hoặc cộng động của bạn cũng như khả năng gây quỹ từ các nguồn khác nhau, kể cả từ sự hỗ trợ của Chính phủ.
4. Ghi tên đầy đủ và nhận dạng khái quát của người sẽ đại diện cho tổ chức hoặc cộng đồng của bạn ở Nhóm công tác. Việc cung cấp địa chỉ của người đề nghị để có thể liên hệ một cách trực tiếp là rất quan trọng. Bạn cũng cần cung cấp thông tin về những vấn đề dưới đây: Tiểu sử, đặc biệt là thông tin về chức vụ, công việc hoặc các hoạt động của người có liên quan đại diện cho cộng đồng/tổ chức ở cấp địa phương, quốc gia, khu vực và quốc tế; những kinh nghiệm trên các vấn đề về các dân tộc bản địa; những ngôn ngữ bản địa hoặc phi bản địa mà bạn có thể sử dụng; xác định ưu tiên nếu có hơn một đại diện; nhu cầu cần phiên dịch hay không.
5. Nếu có thể, cho biết mỗi đại diện có thể đóng góp gì vào các đề mục trong chương trình nghị sự của Nhóm công tác, cung cấp những kinh nghiệm của cộng đồng bản địa đến các quyền cơ bản của họ, và đưa ra những gợi ý nhằm thực hiện tốt nhất các quyền đó, đặc biệt liên quan đến việc tổng kết những biến chuyển mới để thúc đẩy và bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của con người và/hoặc sự phát triển các tiêu chuẩn quốc tế.
6. Cung cấp đầy đủ thông tin về lịch trình đi lại dự kiến đến và rời Geneva, kể cả tuyến đi, hãng hàng không và chi phí. Cần nhớ là Ban Tín thác sẽ ưu tiên cho những ứng cử viên nào mà cho biết rõ họ đã nỗ lực hết sức ở trong nước để xác định tuyến đi ít tốn kém nhất, từ nơi khởi hành.
Địa chỉ gửi đơn:
Quỹ tự nguyện cho Thập kỷ quốc tế về các dân tộc bản địa trên thế giới.
Cao uỷ/Trung tâm Quyền con người Liên hợp quốc: Palais des Nations 1211 Geneva 10 Switzerland.
Các thủ tục cho việc tham gia các tổ chức của các dân tộc bản địa vào hoạt động của Nhóm công tác do Uỷ ban Quyền con người thiết lập để soạn thảo một dự thảo tuyên bố về các quyền con người bản địa
1. Các thủ tục ghi nhận trong Phụ lục này chỉ dành riêng cho sự tham gia của các tổ chức của các dân tộc bản địa có quy chế tư vấn tại ECOSOC.
2.Các thủ tục này phù hợp với các thủ tục đã được thiết lập trong Nghị quyết số 1296 (XLIV) ngày 23/5/1968 của ECOSOC không tạo ra một tiền lệ trong bất cứ tình huống nào khác. Chúng chỉ áp dụng trong các hoạt động của Nhóm công tác được thành lập theo Nghị quyết số 1995/32 ngày 25/7/1995 của ECOSOC và chỉ có hiệu lực trong thời kỳ làm việc của Nhóm công tác.
3. Các tổ chức của các dân tộc bản địa không có quy chế tư vấn mong muốn được tham gia vào các hoạt động của Nhóm công tác có thể liên hệ với Điều phối viên của Thập kỷ quốc tế về các dân tộc bản địa trên thế giới. Những đơn thỉnh cầu này phải bao gồm những thông tin có liên quan đến tổ chức, cụ thể như sau:
(a) Tên, trụ sở hoặc địa điểm liên lạc, địa chỉ và người đại diện liên hệ của tổ chức.
(b) Mục tiêu và mục đích của tổ chức (những điều này phải phù hợp với tư tưởng, các mục đích và các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc).
(c) Thông tin về các chương trình và hoạt động của tổ chức và quốc gia hoặc các quốc gia mà tổ chức đó thực hiện hoặc tham dự.
(d) Một mô tả về tư các thành viên của tổ chức, nêu tổng số thành viên của tổ chức.
4. Khi nhận được đơn, Điều phối viên của Thập kỷ quốc tế cần liên hệ ngay với bất kỳ quốc gia có liên quan nào theo đúng quy định trong Điều 71 của Hiến chương Liên hợp quốc và đoạn 9 của Nghị quyết số 1296 (XLIV) của ECOSOC.
5. Quyết định cho phép tham gia sẽ được lưu chiểu trong thời kỳ hoạt động của Nhóm công tác theo các quy định có liên quan trong Nghị quyết số 1396 (XLIV) của ECOSOC.
6. Các hoạt động của các tổ chức về các dân tộc bản địa mà đã được cho phép tham gia Nhóm công tác theo các thủ tục này cần tuân thủ các nguyên tắc số 75 và 76 trong những nguyên tắc về thủ tục của các Uỷ ban chức năng của ECOSOC.
7. Các tổ chức của các dân tộc bản địa được cho phép tham gia Nhóm công tác sẽ có cơ hội để kêu gọi sự giúp đỡ của Nhóm công tác, phù hợp với các quy định của đoạn 31 và 33 trong Nghị quyết số 1296 (XLIV) của ECOSOC, và được ủng hộ để tự tổ chức các hoạt dộng cho mục đích này.
8. Các tổ chức của các dân tộc bản địa có thể gửi những tham luận về vấn đề này, tuy nhiên, các tham luận đó sẽ không được in ấn như là một văn bản chính thức.
9. Các quốc gia có các dân tộc bản địa cần đưa ra những biện pháp có hiệu quả để lôi cuốn sự tham gia và sự chú ý của các tổ chức của các dân tộc bản địa với thủ tục này, động viên họ đóng góp và tham gia vào hoạt động của Nhóm công tác.
Chương trình hành động của Thập kỷ quốc tế về các dân tộc bản địa trên thế giới
A. Các mục tiêu
1. Theo Nghị quyết số 48/163 ngày 21/12/1993 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, mục tiêu chính của Thập kỷ quốc tế về các dân tộc bản địa trên thế giới là nhằm tăng cường sự hợp tác quốc tế để giải quyết những vấn đề mà các dân tộc bản địa đang phải đối mặt trong các lĩnh vực như Quyền con người, môi trường, phát triển, y tế, văn hoá và giáo dục.
2. Các cơ quan đặc biệt trong hệ thống Liên hợp quốc và các tổ chức quốc gia, quốc tế khác, cũng như các cộng đồng và công ty tư nhân cần dành sự quan tâm đặc biệt để phát triển những hoạt động trợ giúp các cộng đồng bản địa.
3. Mục tiêu chủ yếu của Thập kỷ là giáo dục cho những xã hội bản địa và không bản địa các vấn đề liên quan đến địa vị, văn hoá, ngôn ngữ, các quyền và nguyện vọng của các dân tộc bản địa. Đặc biệt, những nỗ lực đó cần được gắn kết với Thập kỷ về giáo dục Quyền con người của Liên hợp quốc.
4. Mục tiêu khác của Thập kỷ là thúc đẩy và bảo vệ các quyền của các dân tộc bản địa và cho phép họ có điều kiện duy trì bản sắc văn hoá của mình khi tham gia vào đời sống chính trị, kinh tế, xã hội; cùng với sự tôn trọng một cách đầy đủ những giá trị văn hoá, ngôn ngữ và các hình thức tổ chức xã hội của các dân tộc bản địa.
5. Mục tiêu khác của Thập kỷ là đẩy mạnh việc thực hiện đầy đủ các khuyến nghị liên quan đến các dân tộc bản địa cho tất cả các hội nghị quốc tế ở nhiều cấp độ nêu ra, bao gồm Hội nghị về Môi trường và Phát triển của Liên hợp quốc, Hội nghị thế giới về Quyền con người, đặc biệt là khuyến nghị của Hội nghị này về việc thiết lập một diễn đàn thường trực về các dân tộc bản địa trong hệ thống Liên hợp quốc, Hội nghị quốc tế về Dân số và Phát triển và Hội nghị thế giới về Phát triển xã hội, cũng như tất cả các cuộc hội nghị cấp cao khác trong tương lai.
6. Mục tiêu khác của Thập kỷ là thông qua một dự thảo Tuyên bố của Liên hợp quốc về các quyền của các dân tộc bản địa lồng ghép các chuẩn mực quốc tế vào trong pháp luật quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy Quyền con người của các dân tộc bản địa, bao gồm cả các biện pháp có hiệu quả để bảo vệ và giám sát thực hiện các quyền này.
7. Các mục tiêu của Thập kỷ cần được đánh giá qua những tác động cụ thể trong việc cải thiện cuộc sống của các dân tộc bản địa và sự đánh giá đó có thể được tiến hành vào thời điểm giữa và khi kết thúc Thập kỷ.
B. Những hoạt động được các cơ quan chủ yếu thực hiện.
1. Các lễ kỷ niệm của Liên hợp quốc.
8. Một lễ kỷ niệm trọng thể hàng năm được tổ chức vào Ngày quốc tế về các dân tộc bản địa trên thế giới, tổ chức tại New York, Geneva và các trụ sở khác của Liên hợp quốc.
9. Lễ kỷ niệm chính thức về Thập kỷ được tiến hành như một nghi thức trong Hội nghị thế giới về phụ nữ lần thứ IV, Hội nghị của Liên hợp quốc về tái định cư con người (Habitat II) và các hội nghị quốc tế khác có liên quan đến các mục tiêu và đề tài của Thập kỷ.
10. Cơ quan thông tin Liên hợp quốc phát hành một bộ tem đặc biệt nhằm làm nổi bật các mục tiêu và đề tài của Thập kỷ.
2. Các hành động của Điều phối viên và Trung tâm Quyền con người Liên hợp quốc.
11. Giống như một vấn đề khẩn cấp, cần thiết lập một đội ngũ cán bộ và các nguồn trợ giúp trong vấn đề các dân tộc bản địa.
12. yêu cầu các chính phủ ủng hộ các dân tộc bản địa bằng việc tư vấn cho các tổ chức của cá dân tộc bản địa nhận được sự giúp đỡ của các cơ quan của Liên hợp quốc về Thập kỷ.
13. Hợp tác với Chương trình dịch vụ tư vấn của Trung tâm Quyền con người Liên hợp quốc để tạo ra một chương trình cộng tác với các chính phủ nhằm trợ giúp các dân tộc bản địa, thu thập kinh nghiệm tại các chi nhánh khác nhau của Trung tâm và các bộ phận khác trong hệ thống Liên hợp quốc. Sự hợp tác như vậy có thể được áp dụng trong việc nghiên cứu về các dân tộc bản địa và các hoạt động tương tự.
14. Lập một danh sách các chuyên viên bản địa trên các lĩnh vực khác nhau, những người mà có thể trợ giúp các cơ quan Liên hợp quốc trong việc cộng tác với các chính phủ, với tư cách là các cộng sự hoặc các nhà chuyên môn.
15. Lập một nhóm tư vấn gồm những người có kiến thức về các vấn đề khác nhau về các dân tộc bản địa, hoạt động với tư cách cá nhân, để tư vấn cho Điều phối viên của Thập kỷ và các cơ quan Liên hợp quốc trong việc giải quyết các thỉnh cầu của các dân tộc bản địa. Các thành viên của Nhóm tư vấn cần bao gồm những nhà thông thái của các dân tộc bản địa, đại diện của các chính phủ, các chuyên viên độc lập và các quan chức của các tổ chức chuyên môn.
16. Nhằm duy trì sự điều phối các cuộc họp giữa các chính phủ, các cơ quan chuyên môn trong hệ thống Liên hợp quốc, các tổ chức phi chính phủ và các dân tộc bản địa cũng như để duy trì sự kiểm tra, đánh giá những hoạt động của Thập kỷ và để phát triển sự hội nhập, định hướng chiến lược hành động nhằm nâng cao tầm quan trọng của các dân tộc bản địa, ECOSOC cần xem xét hoạt động của Thập kỷ vào giữa và khi kết thúc kỳ, phù hợp với Nghị quyết 1988/63 ngày 27/7/1988 của Hội đồng. Nhóm công tác về Các dân tộc bản địa của Tiểu ban chống Phân biệt đối xử và bảo vệ người thiểu số cần xem xét các hoạt động quốc tế được tiến hành trong suốt Thập kỷ tại mỗi quốc gia.
17. Trên cơ sở thông tin về những vấn đề quan trọng trong hệ thống Liên hợp quốc, cần biên soạn một ấn phẩm thường kỳ chứa đựng những thông tin trong các cuộc họp về các dự án chính, quan trọng, có tính chất sáng kiến, các nguồn tài trợ mới những tin tức khác để phân phát một cách rộng rãi.
18. Khuyến khích phát triển các dự án hợp tác giữa các tổ chức với các Chính phủ để cùng giải quyết các vấn đề cụ thể hoặc các vấn đề có tính khu vực đặc biệt, có sự tham gia của các Chính phủ, các cơ quan Liên hợp quốc có liên quan và của các dân tộc bản địa.
19. Phối với hợp các chính phủ, các cơ quan khoa học, các tổ chức có liên quan khác và các dân tộc bản địa để thiết lập một chương trình thông tin liên kết Điều phối viên của Thập kỷ với các vấn đề trọng tâm của hệ thống Liên hợp quốc, các Uỷ ban quốc gia về Thập kỷ và thông qua các kênh thông tin dành riêng này, phát triển một hệ thống cơ sở dữ liệu về các tổ chức của các dân tộc bản địa và các thông tin có liên quan khác.
20. Tổ chức các cuộc hội thảo về các chủ đề khác nhau liên quan đến các dân tộc bản địa, có sự tham gia của các dân tộc bản địa.
21. Đưa ra một tập hợp các ấn phẩm về vấn đề các dân tộc bản địa để cung cấp thông tin cho những nhà hoạch định chính sách, các sinh viên và những người có liên quan khác.
22. Cộng tác với các chính phủ để phát triển những chương trình đào tạo Quyền con người cho các dân tộc bản địa, bao gồm cả việc chuẩn bị tài liệu huấn luyện có liên quan, nếu có thể, bằng các ngôn ngữ của các dân tộc bản địa.
23. Thiết lập một Uỷ ban những người được uỷ thác hoặc một Nhóm tư vấn, bao gồm các dân tộc bản địa, để trợ giúp Điều phối viên của Quỹ tự nguyện về Thập kỷ.
24. Hợp tác với các chính phủ để giúp đỡ phát triển các dự án và chương trình và nêu ra trong các báo cáo những quan điểm của các dân tộc bản địa và của các cơ quan Liên hợp quốc có liên quan, về sự tài trợ của Quỹ tự nguyện.
25. Bảo đảm rằng, với sự điều phối của các chính phủ, các tổ chức của các dân tộc bản địa có các biện pháp cần thiết để quản lý tài chính trong các dự án của Thập kỷ.
3. Các hoạt động thông tin công cộng của Liên hợp quốc.
26. Triển lãm và phổ biến một tập hợp tranh về Thập kỷ do các hoạ sĩ các dân tộc bản địa sáng tác.
27. Xuất bản bằng những ngôn ngữ bản địa UDHR, các công ước quốc tế về quyền con người và Tuyên bố của Liên hợp quốc về Quyền của các dân tộc bản địa khi văn kiện này được thông qua, duy trì việc sử dụng các phương tiện nghe nhìn cho mục đích này; đồng thời cũng duy trì sự tham gia của các chuyên viên các dân tộc bản địa và hệ thống thông tin của họ trong việc phổ biến thông tin về thập kỷ.
29. Phối hợp với Trung tâm Quyền con người Liên hợp quốc để chuẩn bị những thông tin về các dân tộc bản địa nhằm cung cấp cho quân chúng.
4. Hoạt động điều hành của hệ thống Liên hợp quốc.
30. Thiết lập các quan điểm cơ bản về vấn đề các dân tộc bản địa trong tất cả các cơ quan có liên quan của hệ thống Liên hợp quốc.
31. Giúp đỡ các bộ phận điều hành trong các tổ chức đặc biệt của Liên hợp quốc nhằm thông qua các chương trình hành động về Thập kỷ trong các lĩnh vực hoạt động đặc thù của từng tổ chức, có sự cộng tác chặt chẽ với các dân tộc bản địa.
32. Thúc đẩy các chính phủ bản đảm rằng các chương trình ngân sách của các tổ chức liên chính phủ có liên quan đến các dân tộc bản địa phải được ưu tiên hàng đầu và phải dành cho chúng những nguồn lực thích đáng kể tăng cường hơn nữa các mục tiêu của Thập kỷ và khuyến nghị rằng, các báo cáo định kỳ về việc thực hiện các mục tiêu đó phải được trình lên cơ quan quản lý hoặc Uỷ ban điều hành của mỗi tổ chức.
33. Chuẩn bị, in ấn và phổ biến một cuốn sổ tay chứa các thông tin về hoạt động thực tế trợ giúp các dân tộc bản địa do các cơ quan Liên hợp quốc tiến hành cùng các thủ tục để tiếp cận các nguồn trợ giúp đó.
34. Hợp tác với các tổ chức của các dân tộc bản địa và các đối tác có liên quan khác để phát triển công tác nghiên cứu về tìn hình kinh tế - xã hội của các dân tộc bản địa, với mục đích để xuất bản những báo cáo thường xuyên nhằm trợ giúp việc giải quyết những vấn đề mà các dân tộc bản địa đang phải đối mặt, mà đã được quy định trong đoạn 6 (29) của Chương trình hành động của Liên hợp quốc về Dân số và phát triển, được thông qua trong Hội nghị tổ chức ở Cai- rô (Ai-cập) từ 5 đến 13/9/1994.
35. Giúp đỡ các chính phủ thiết lập những cơ chế và hoạt động phù hợp để đảm bảo sự tham gia của các dân tộc bản địa trong việc ký kết và thực hiện những chương trình quốc gia và khu vực có liên quan đến họ.
36. Phối hợp với các chính phủ và các dân tộc bản địa để duy trì sự trao đổi thường xuyên giữa các tổ chức về các quan điểm và chiến lược phát triển trong chương trình hành động của Thập kỷ.
37. Phát triển các tài liệu huấn luyến về quyền con người của các dân tộc bản địa, bao gồm việc dịch các văn kiện quốc tế về quyền con người ra các ngôn ngữ bản địa khác nhau và phân phát các tài liệu ấy một cách rộng rãi. Duy trì khả năng sử dụng các chương trình truyền thanh và truyền hình để đảm bảo sự tiếp cận với các cộng đồng các dân tộc bản địa không có ngôn ngữ viết.
38. Chuẩn bị một cơ sở dữ liệu về pháp luật quốc gia trong các vấn đề đặc biệt liên quan đến các dân tộc bản địa.
39. Duy trì sự trao đổi giữa các bên quan tâm về các lĩnh vực của Quyền con người, môi trường, phát triển, y tế, giáo dục, văn hoá, với quan điểm để soạn thảo một cách kỹ lưỡng các chương trình hoạt động trong các lĩnh vực này.
5. Hoạt động của các tổ chức khu vực
40. Thực hiện các chương trình hoạt động khu vực hiện có và phát triển các chương tình mới để thúc đẩy và bổ trợ cho các mục tiêu của Thập kỷ.
41. Phối hợp với các chính phủ duy trì các cuộc gặp về các vấn đề của các dân tộc bản địa với các tổ chức khu vực hiện có trên quan điểm để tăng cường sự điều phối, nâng cao hiệu lực của cơ chế Liên hợp quốc và thúc đẩy sự tham gia trực tiếp và năng động của các dân tộc bản địa ở các khu vực khác nhau. Nhóm công tác về các dân tộc bản địa cần duy trì khả năng tổ chức các phiên họp của nhóm phối hợp với các cuộc họp này.
42. Phát triển các khoá đào tạo và các chương trình trợ giúp kỹ thuật cho các dân tộc bản địa ở các khu vực, ví dụ như ký kết các dự án về quản lý, môi trường, y tế, giáo dục và thúc đẩy sự trao đổi các kỹ năng và kinh nghiệm của các dân tộc bản địa ở các khu vực khác nhau.
43. Tạo lập những quỹ có thể tại các cấp độ khu vực để trợ giúp cho các dân tộc bản địa.
44. Giúp đỡ các tổ chức khu vực để soạn thảo các văn kiện khu vực về thúc đẩy và bảo vệ quyền của các dân tộc bản địa, phù hợp với các cấu trúc đặc thù của họ và thúc đẩy việc thực hiện các văn kiện hiện có.
6. Hoạt động của các quốc gia thành viên
45. Thiết lập các Uỷ ban quốc gia về Thập kỷ hoặc các cơ chế tương tự do các chính phủ tổ chức, có sự tham gia của các dân tộc bản địa, tất cả các bộ phận có liên quan và những người có quan tâm khác, để huy động sự đóng góp của quần chúng những hoạt động khác nhau liên quan đến Thập kỷ.
46. Tăng cường sự điều phối và thông tin ở cấp độ quốc gia giữa các bộ, các cơ quan cơ liên quan và các nhà chức trách địa phương và khu vực bằng việc thiết lập những quan điểm cơ bản hoặc các cơ chế cho việc điều phối và phổ biến thông tin.
47. Sử dụng phần lớn các nguồn lực của các chương trình hiện có vào sự trợ giúp quốc tế cho những hoạt động về vấn đề này vào việc trợ cấp trực tiếp cho các dân tộc bản địa, và ở những nơi có thể, thiết lập các quỹ bổ sung cho các hoạt động đặc biệt.
48. Phối hợp với các cộng đồng bản địa để phát triển các kế hoạch quốc gia về Thập kỷ, bao gồm các mục tiêu và các chỉ tiêu chính, tập trung vào các động cụ thể và đưa vào báo cáo các nhu cầu về các nguồn lực và các nguồn tài chính có thể.
49. Xây dựng những nguồn lực thích hợp cho các tổ chức, cơ quan và cộng đồng bản địa để phát triển các kế hoạch và hoạt động của họ theo trình tự những vấn đề ưu tiên với họ.
50. Hợp tác với các dân tộc bản địa để thông qua những biện pháp nhằm tăng cường những tri thức về lịch sử, truyền thống, văn hoá và quyền của các dân tộc bản địa, bắt đầu từ cấp tiểu học và nâng dần theo độ tuổi học sinh, đặc biệt chú trọng đến việc đào tạo đội ngũ giáo viên ở các cấp độ và thông qua các biện pháp để khôi phục những địa danh của các dân tộc bản địa.
51. Thừa nhận sự tồn tại, bản sắc và các quyền của các dân tộc bản địa thông qua việc sửa đổi Hiến pháp, ban hành các đạo luật mới khi có thể để tăng cường vị thế pháp lý của các dân tộc bản địa và bảo vệ các quyền về kinh tế, văn hoá, xã hội và chính trị, dân sự của họ.
52. Thực hiện đầy đủ vấn đề thứ 26 trong Chương trình nghị sự 21 đã được Hội nghị Liên hợp quốc về Môi trường và Phát triển thông qua và các điều khoản có liên quan trong Công ước về tính đa dạng sinh học, trong Tuyên bố Viên và Chương trình hành động được thông qua tại Hội nghị thế giới về Quyền con người lần thứ II, Chương trình hành động của Hội nghị quốc tế về Dân số và Phát triển và trong Chương trình hành động của Hội nghị thế giới về Phát triển xã hội, cũng như trong các quy định có liên quan của các hội nghị cấp cao khác trong tương lai.
7. Hoạt động của các tổ chức của các dân tộc bản địa.
53. Thiết lập một cơ chế thông tin để có thể liên hệ với Điều phối viên của Thập kỷ và tạo điều kiện thuận lợi về thông tin giữa hệ thống Liên hợp quốc, các cơ quan chính phủ có liên quan và các cộng đồng các dân tộc bản địa.
54. Các tổ chức của các dân tộc bản địa và hệ thống quốc tế của các dân tộc bản địa cần phát triển thông tin với các cộng đồng địa phương có liên quan đến các mục tiêu của Thập kỷ và các hành động của Liên hợp quốc.
55. Phối hợp với các cơ quan Liên hợp quốc có liên quan để thiết lập và tài trợ cho các trường phổ thông và trường đại học của các dân tộc bản địa, tham gia vào việc biên soạn sách giáo khoa của các trường đại học và nội dung của các chương trình nghiên cứu về loại trừ sự phân biệt đối xử và thúc đẩy sự phát triển văn hoá của các dân tộc bản địa về những vấn đề này. Các dân tộc bản địa phải được ưu tiên tham gia vào việc quản lý các trung tâm như vậy.
56. Thiết lập và thúc đẩy một mạng lưới phóng viên của các dân tộc bản địa và khai trương những tạp chí định kỳ ở các cấp độ khu vực và quốc tế.
57. Các dân tộc bản địa có thể bày tỏ những quan điểm của họ về những chương trình có liên quan đến các quyền ưu tiên của họ với các chính phủ, Liên hợp quốc, với các tổ chức đặc biệt và các tổ chức khu vực.
8. Hoạt động của các tổ chức phi chính phủ và các đối tượng có liên quan khác, bao gồm trong lĩnh vực giáo dục, truyền thông và thương mại.
58. Phối hợp với các tổ chức, cộng đồng các dân tộc bản địa trong việc lập kế hoạch hành động về Thập kỷ.
59. Các tổ chức phi chính phủ hoạt động về các dân tộc bản địa cần thu hút các dân tộc bản địa vào những hoạt động của mình.
60. Nếu cần thiết và phù hợp với luật pháp quốc gia, lập các trung tâm truyền thanh và truyền hình ở các khu vực của các dân tộc bản địa để cung cấp thông tin về các vấn đề và các nguyện vọng của các dân tộc bản địa cũng như để tăng cường thông tin giữa các cộng đồng bản địa với nhau.
61. Thúc đẩy sự phát triển văn hoá của các dân tộc bản địa, với sự quan tâm thích đáng về quyền về tài sản trí tuệ của các dân tộc bản địa, thông qua việc xuất bản sách, sản xuất đĩa com-pac và tổ chức những hoạt động văn hoá, nghệ thuật khác nhằm nâng cao kiến thức và trợ giúp sự phát triển văn hoá của các dân tộc bản địa và thiết lập một trung tâm tư liệu và văn hoá bản địa.
62. Thu hút các nhóm văn hoá và xã hội khác vào các hoạt động đã được vạch ra về Thập kỷ.
Quỹ tự nguyện cho thập kỷ quốc tế về các dân tộc bản địa trên thế giới: các nguyên tắc chỉ đạo được nhất trí tại cuộc họp lần thứ nhất của Nhóm tư vấn tại Geneva, tháng 4/1996
Các mục đích gây Quỹ
- Để tài trợ cho Chương trình hành động đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua trong Nghị quyết số 50/157.
- Để cung cấp những trợ giúp cho các dự án và chương trình nhằm thực hiện mục tiêu của Thập kỷ quốc tế về người bản địa trên thế giới.
- Để thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm giải quyết các vấn đề mà các dân tộc bản địa đang phải đối mặt trong các lĩnh vực như Quyền con người, môi trường, văn hoá, phát triển.
Những người có thể nhập trợ cấp
- Những dân tộc, cộng đồng bản địa và các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan nghiên cứu và các cơ quan tương tự khác của các dân tộc bản địa; các tổ chức đó phải hoạt động với mục đích không vụ lợi.
- Các Uỷ ban quốc gia được thành lập để thực hiện các mục tiêu của Thập kỷ.
- Các tổ chức liên chính phủ và các chính phủ có đề xướng thực hiện hoặc liên kết thực hiện các dự án mà có sự cộng tác với các chủng tộc bản địa.
Các lĩnh vực chính của dự án
- Nhằm vào Chương trình hành động và mục đích của Thập kỷ cũng như các khuyến nghị của Tuyên bố Viên và Chương trình hành động có liên quan đến các dân tộc bản địa.
Các cấu trúc tổ chức và thủ tục
- Các cấu trúc và trình tự tổ chức của các dân tộc bản địa và sự tăng cường chúng thông qua giáo dục, đào tạo, thiết lập và xây dựng năng lực, tư cách cần thiết cho các tổ chức đó để tôn trọng những truyền thống chính đáng của họ.
- Giáo dục và đào tạo về quyền con người và quyền của các dân tộc bản địa.
- Thông tin về các dân tộc bản địa và về Thập kỷ quốc tế về các dân tộc bản địa trên thế giới.
- Thông tin và trao đổi trong hệ thống Liên hợp quốc và giữa các dân tộc bản địa.
- Các sáng kiến tăng cường Quỹ nhằm đẩy mạnh các mục tiêu của Thập kỷ.
Các mục tiêu tổng hợp
- Các dự án cần nhằm trợ cấp một cách trực tiếp cho các dân tộc bản địa ở mọi khu vực trên thế giới.
- Các dự án cần được chuẩn bị có sự tham khảo ý kiến của các dân tộc bản địa một cách đầy đủ.
- Các dự án cần được đưa ra theo một tỷ lệ cân bằng về giới.
- Có sự lưu tâm đặc biệt tới các dự án về các vùng kém phát triển ở các khu vực khác nhau.
- Các dự án sẽ được chấp nhận ở các vùng thích đáng, bao gồm các vùng đặc biệt liên quan đến việc thúc đẩy, bảo vệ và thực hiện Quyền con người và quyền của các dân tộc bản địa.
Bản vấn lục dành cho việc xin trợ giúp từ Quỹ tự nguyện
1. Xin điền tên của dự án
2. Miêu tả những mục tiêu chính của dự án. Đồng thời xin nêu sự liên hệ của dự án tới một trong sáu mục chính của dự án như thế nào?
3. Cung cấp một bản tóm tắt dự án, bao gồm thông tin về việc sẽ thực hiện dự án như thế nào.
4. Tổ chức nào thực hiện dự án? Xin cung cấp thông tin về tổ chức đó, bao gồm thông tin về thành viên, các hoạt động và dự án trước đó cũng như các chi tiết có liên quan về tài chính. Xin cung cấp thông tin về bất kỳ đối tác nào của tổ chức.
5. Những trợ giúp đã tiến hành cho các dân tộc bản địa là gì? Những trợ giúp dự định tiến hành trong dự án tiếp với các dân tộc bản địa là gì?
6. Thời gian tiến hành dự án? Xin nêu thời gian của từng giai đoạn trong dự án.
7. Tổng số tiền để thực hiện dự án, bao gồm sự phân chia các khoản tiền đề nghị cung cấp. Có nguồn tài trợ nào khác? Việc thanh toán các khoản tài trợ sẽ được thực hiện theo phương thức nào?
8. Dự án sẽ được đánh giá ra sao? Có thể xác định cụ thể và kết quả hay không?
Các dự án cần được gửi tới Quỹ tự nguyện trước ngày 15/ 3 hàng năm
Các đơn xin trợ giúp gửi tới Quỹ sẽ được xem xét vào tháng 4 hàng năm
Các khoản trợ giúp từ Quỹ sẽ không vượt quá 50.000$
Địa chỉ gửi đơn: Quỹ tự nguyện cho Thập kỷ quốc tế về các dân tộc bản địa trên thế giới. Cao uỷ/ Trung tâm Quyền con người Liên hợp quốc. Palais des Nations. 1211 Geneva 10 Switzerland.
Đề có những thông tin thêm về Chương trình của Liên hợp quốc về các dân tộc bản địa, có thể liên hệ: Bộ phận Dự án về Các dân tộc bản địa: Cao uỷ/Trung tâm Quyền con người của Liên hợp quốc. Palais des Nations.1211 Geneva 10 Switzerland. Telefax: 41.22.917.0212.
Các thông tin cập nhật về chương trình của Liên hợp quốc về Các dân tộc bản địa, bao gồm các văn kiện của Liên hợp quốc và ghi chép trong các cuộc họp có thể tìm thấy trên Internet tại website: www.unchchr.ch.
Nguyên bản tiếng Anh:
“The Rights of Indigeous Peoples”
(Fact Sheet No.9/Rev.1)
(1) Báo cáo có tiêu đề: “Nghiên cứu về vấn đề phân biệt đối xử với các dân tộc bản địa”, in chung trong một tập tài liệu gồm năm văn bản, mã số E/CN.4/Sub.2/1986/7 và tài liệu mã số E.86.XIV.3 Các kết luận, đề xuất và khuyến nghị.
(2) Năm 1996, các thành viên của Nhóm bao gồm: Mr. Miguel Alfonso Martinez (Cuba), Mr. Volodymyr Boutklevitch (U-crai-na), Ms. Erica - Irene A. Daes (Chủ tịch kiêm báo cáo viên đặc biệt) (Hy Lạp), Mr. El. Hadji Guissé (Sê-nê-gan), Mr. Ribot Hatano (Nhật bản).
(3) Toàn văn dự thảo tuyên bố này được nêu trong phụ lục của Nghị quyết số 1994-45 của Tiểu ban.
(4) Thập kỷ này được Đại hội đồng Liên hợp quốc tuyên bố trong Nghị quyết số 48/163 ngày 21/12/1993.
(5) Xem Nghị quyết số 50/157 ngày 21/12/1995, đoạn 4, của Đại hội đồng Liên hợp quốc.
(6) Vào tháng 3/1997, các thành viên của Hội đồng Tín thác bao gồm: Mr. Michael Dodson (Ô-xtrây-lia), Mr. Ole Ntimama (Kê-ni-a), Ms. Nina Pacari Vega (Ê-cu-a-đo), Ms. Tove Sovndahl Peterson (Đan Mạch) và Ms. Victoria Tauli - Corpuz (Phi-líp-pin).
(7) Xem Tài liệu chuyên đề số 7.
(8) Văn kiện mã số A/CONF. 157/24 (phần I), chương III.