Skip to main content

System Messages

You were not authenticated by the server. You may log in with your credentials below.

Chuyên đề 7

Phiên bản PDF

Tên tiếng Anh

Communications Procedures” (Fact Sheet No.7, Rev.1)

CHUYÊN ĐỀ 7
THỦ TỤC KHIẾU TỐ VI PHẠM NHÂN QUYỀN

Giới thiệu

Bất kỳ ai cũng có thể thông tin về một vi phạm Quyền con người để Liên hợp quốc xem xét và hàng năm trên thế giới có hàng ngàn người làm như vậy. Liên hợp quốc có thể tiếp nhận những loại khiếu tố nào về quyền con người và giải quyết những khiếu tố đó như thế nào? Tài liệu này giải thích về những thủ tục giải quyết và những cách thức mở cho các cá nhân và nhóm cá nhân mong muốn Liên hợp quốc có hành động đối với vấn đề Quyền con người liên quan đến họ.

Chính nhờ thông qua khiếu tố của các cá nhân mà các quyền con người có được ý nghĩa cụ thể của chúng. Trong việc giải quyết những vụ việc cụ thể, các chuẩn mực quốc tế có vẻ chung chung và trừu tượng được chuyển thành những tác động thực tế. Khi được áp dụng vào tình huống đời thực của một người nào đó, những chuẩn mực được bao gồm trong các công ước quốc tế về quyền con người có được cách thức áp dụng trực tiếp nhất. Những quyết định được các cơ quan đưa ra có thể hướng dẫn cho các quốc gia, các tổ chức phi chính phủ và các cá nhân trong việc giải thích nội dung của các văn bản liên quan. Chỉ tới gần đây các cá nhân mới đạt được một cách tương đối các quyền của họ ở cấp độ quốc tế. Tài liệu chuyên đề này đề cập đến các khiếu tố được chuyển trực tiếp theo các công ước nhân quyền quốc tế và các khiếu tố theo các thủ tục khiếu tố đặc biệt thuộc phạm vi xem xét của Uỷ ban Quyền con người và Uỷ ban về Địa vị của Phụ nữ.

Kể từ đầu những năm 1970, các cơ chế khiếu tố quốc tế đã phát triển rộng rãi và ngày nay, bạn có thể đưa các khiếu tố liên quan đến sự vi phạm Quyền con người của mình theo bốn công ước được gọi là các công ước nhân quyền quốc tế “cốt lõi”. Bốn công ước đó liên quan đến: (i) các quyền dân sự và chính trị - được nêu trong Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị; (ii) tra tấn và đối xử tàn bạo - được nêu trong Công ước chống Tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm khác; (iii) sự phân biệt chủng tộc - được nêu trong Công ước về loại trừ tất cả các hình thức phân biệt chủng tộc; và (iv) sự phân biệt đối xử về giới - được nêu trong Công ước về Loại trừ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ. Mỗi trong số các công ước này đều thành lập một Uỷ ban để xem xét các khiếu tố. Các cơ chế khiếu tố được thiết kế để không mang tính phức tạp và dễ dàng có thể tiếp cận. Bạn không cần phải là luật sư hay thậm chí không cần phải quen thuộc với các thuật ngữ pháp lý và kỹ thuật mới có thể gửi khiếu tố lên các cơ quan liên quan. Cơ chế cũng được thiết kế theo nguyên tắc càng đơn giản càng tốt. Các cơ chế khiếu tố theo từng công ước riêng rẽ được bổ sung bởi những cơ quan giải quyết khiếu tố của Uỷ ban Quyền con người (nay đã được thay thế bằng Hội đồng Quyền con người) và Uỷ ban về Địa vị của Phụ nữ của Liên hợp quốc. Hai cơ quan này là các cơ quan chính trị bao gồm đại diện của các quốc gia và là những cơ quan lâu đời nhất trong hệ thống Liên hợp quốc. Hai cơ quan này dành sự tập trung khác nhau vào các khiếu tố theo các công ước quốc tế - những công ước nhằm chấn chỉnh những vi phạm đối với các cá nhân thông qua các cơ chế gần như mang tính tư pháp. Các khiếu tố gửi tới các Uỷ ban này thường tập trung nhiều hơn vào những xu hướng và hình thức vi phạm nhân quyền mang tính hệ thống và có thể nhằm vào bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Vì vậy, cơ chế của các Uỷ ban này cố gắng tránh những thuật ngữ và thủ tục mang tính pháp lý và kỹ thuật và mang tính mở đối với tất cả mọi người.

Tài liệu chuyên đề này chia thành 2 phần. Phần 1 xem xét các thủ tục khiếu tố theo từng công ước riêng rẽ một cách chi tiết, Phần 2 tập trung vào các Uỷ ban. Cần lưu ý là những cơ chế này hoạt động trên cơ sở những thẩm quyền và thủ tục đa dạng. Do đó, mỗi cơ chế có những điểm mạnh và điểm yếu khác nhau. Bạn có thể so sánh chúng trước khi quyết định gửi khiếu tố của bạn tới đâu để đạt hiệu quả nhất.

Phần 1
KHIẾU TỐ THEO CÁC CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ
VỀ NHÂN QUYỀN

Khái quát

Phần này của Tài liệu chuyên đề giải thích các cơ chế khiếu tố hiện đang tồn tại theo quy định của bốn Công ước quốc tế về nhân quyền: Công ước về Các quyền dân sự và chính trị; Công ước chống tra tấn; Công ước về loại trừ sự phân biệt chủng tộc và Công ước về Loại bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ.

Một Công ước Nhân quyền quốc tế là một văn kiện chính thức được các quốc gia đàm phán, trong đó áp đặt những nghĩa vụ mang tính ràng buộc đối với các quốc gia thành viên - những nước đã chính thức chấp nhận công ước (thường là thông qua việc “phê chuẩn”) trong việc bảo vệ và thúc đẩy các quyền và tự do của con người. Toàn văn của các công ước có trên trang web của Văn phòng Cao ủy Liên hợp quốc về quyền con người (OHCHR)(1). Nguyên tắc chung là bất cứ ai cũng có thể gửi khiếu tố về một sự vi phạm các quyền trong công ước lên các Uỷ ban công ước mà bao gồm các chuyên gia được thành lập theo công ước để các Uỷ ban này xem xét xử lý. Đây là những cơ quan mà người ta vẫn thường gọi là “cơ quan công ước” hoặc các Uỷ ban bao gồm các chuyên gia độc lập được các quốc gia thành viên của công ước liên quan bầu lên. Những cơ quan này được giao nhiệm vụ theo dõi việc thực hiện các quyền được ghi nhận trong công ước bởi các quốc gia thành viên và giải quyết những khiếu tố liên quan đến các quốc gia này. Trong khi có một số khác biệt về thủ tục gữa bốn cơ chế này, việc thiết kế và vận hành của chúng là tương tự nhau. Dưới đây là những nét mô tả chung về những đặc trưng của một khiếu tố theo quy định của các công ước. Độc giả nên tham khảo sự mô tả được nêu trong các công ước riêng rẽ để biết được những yếu tố khác biệt so với tiêu chuẩn chung.

Một khiếu tố chống lại ai có thể được đưa ra theo quy định của một công ước?

Một khiếu tố theo một trong bốn công ước đã nêu chỉ có thể được đưa ra để chống lại một quốc gia khi nó thỏa mãn hai điều kiện. Một là, quốc gia đó phải là thành viên của công ước liên quan, tức là đã phê chuẩn hoặc gia nhập công ước (để biết liệu một quốc gia có là thành viên công ước hay không, xem cơ sở dữ liệu của các cơ quan công ước tại trang web của OHCHR. Để truy cập cơ sở dữ liệu, click vào mục Documents tại trang chủ, sau đó vào Treaty Body Database, Ratifications and Reservations and States Parties, sau đó kiểm tra tên quốc gia liên quan. Hoặc bạn có thể liên hệ với Nhóm phụ trách kiến nghị (Petition Team) hay Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ, tùy theo từng công ước, chi tiết liên hệ nêu ở cuối Tài liệu chuyên đề này). Hai là, quốc gia thành viên phải công nhận thẩm quyền của Uỷ ban được tiếp nhận và xem xét khiếu tố từ các cá nhân theo công ước liên quan. Trong trường hợp Công ước quốc tế về Các quyền dân sự và chính trị và Công ước về Loại trừ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ, một quốc gia thừa nhận thẩm quyền của Uỷ ban thông qua việc trở thành thành viên của một điều ước riêng, đó là Nghị định thư bổ sung Công ước (để xem toàn văn các Nghị định thư và kiểm tra xem liệu một nước có là thành viên của một trong hai hoặc cả hai công ước hay không, xem trang web của OHCHR tại địa chỉ nêu trên). Trong trường hợp Công ước chống Tra tấn và Công ước quốc tế về Loại trừ sự phân biệt chủng tộc, các quốc gia có thể thừa nhận thẩm quyền của Uỷ ban bằng việc đưa ra tuyên bố thừa nhận thẩm quyền này của Uỷ ban theo một điều khoản cụ thể trong Công ước, đó là các Điều 22 và 14 (để kiểm tra xem liệu một quốc gia đã đưa ra tuyên bố thừa nhận các Điều này hay chưa, xem trang web của OHCHR ở địa chỉ nói trên, click vào phần Declarations on Procedural Articles sau khi bạn đã chọn quốc gia cần xem).

Ai có thể gửi khiếu tố?

Bất cứ ai cũng có thể gửi lên một trong số các Uỷ ban đã nêu khiếu tố chống lại một quốc gia nào đó khi quốc gia này thỏa mãn hai điều kiện nêu trên, trong đơn trình bày việc quyền của người đó đã bị xâm phạm. Không nhất thiết phải có một luật sư chuẩn bị hồ sơ cho bạn, mặc dù việc có tư vấn pháp lý thường sẽ cải thiện chất lượng văn bản sẽ trình lên. Tuy nhiên, cần lưu ý là theo thủ tục, trợ giúp pháp lý không được cung cấp. Bạn cũng có thể thay mặt người khác gửi một khiếu tố với điều kiện là người đó có sự đồng ý bằng văn bản. Trong những trường hợp nhất định, bạn có thể gửi khiếu tố cho người khác mà không cần có sự đồng ý của người đó, chẳng hạn như khi bố mẹ gửi khiếu tố thay mặt cho con cái họ, hoặc người giám hộ thay mặt cho người được giám hộ mà không có khả năng đưa ra sự đồng ý chính thức, hoặc khi một người ở trong tù mà không được tiếp cận thế giới bên ngoài, Uỷ ban liên quan sẽ không yêu cầu một sự đồng ý chính thức để một người thay mặt cho người khác đưa ra một khiếu tố.

Thông tin nào cần cung cấp trong khiếu tố?

Một bản khiếu tố gửi lên một Uỷ ban, thường được gọi là “thông báo” (communication) hoặc “kiến nghị” (petition), không cần phải theo một hình mẫu nhất định nào. Trong khi mẫu(2) và hướng dẫn khiếu tố(3) được đính kèm trong Phụ lục 1 và 2 của Tài liệu này tập trung vào những thông tin cụ thể, thì bất cứ thư từ nào cung cấp những chi tiết cần thiết đều được coi là đủ. Bản khiếu tố của bạn cần được trình bày bằng văn bản và được ký tên.(4) Văn bản này cần có đầy đủ thông tin cá nhân - tên bạn, quốc tịch, ngày sinh - và nêu cụ thể quốc gia nào bạn muốn khiếu tố. Nếu bạn thay mặt cho một người khác đưa ra khiếu tố, bạn cần cung cấp chứng cứ về sự đồng ý của họ, như đã đề cập ở trên, hoặc nêu rõ tại sao bạn lại không thể cung cấp bằng chứng về việc đồng ý như vậy. Bạn nên sắp xếp các dữ liệu mà bạn có theo thứ tự thời gian. Một yêu cầu rất cần thiết là bản kê khai của bạn càng hoàn thiện càng tốt và khiếu tố đó bao gồm tất cả những thông tin liên quan đến vụ việc. Bạn cũng cần nêu chi tiết những việc bạn đã làm chứng tỏ đã sử dụng hết những phương thức giải quyết có thể ở nước bạn, đó có thể là những biện pháp mà bạn thực hiện trước tòa án và nhà chức trách địa phương. Bạn cũng nên nêu rõ việc bạn đã trình vụ việc ra một cơ quan điều tra hay tài phán quốc tế nào hay chưa. Về hai khía cạnh này, xem phần “khả năng (vụ việc của bạn) được chấp nhận” dưới đây để có thêm thông tin chi tiết. Cuối cùng, bạn cần cân nhắc là những vụ việc mà bạn đưa ra liệu có cấu thành một sự vi phạm công ước liên quan hay không. Việc bạn xác định được điều khoản nào trong công ước đã bị vi phạm sẽ giúp ích cho bạn, dù điều đó không thật sự cần thiết. Bạn cũng cần cung cấp thông tin bằng một trong các ngôn ngữ làm việc của ban thư ký của Uỷ ban (sáu ngôn ngữ làm việc của Liên hợp quốc). Ngoài ra, bạn cũng cần cung cấp tất cả các tài liệu liên quan đến yêu cầu và lập luận của bạn, đặc biệt là những quyết định hành chính hoặc tư pháp của cơ quan có thẩm quyền trong nước mà có liên quan đến khiếu tố của bạn. Cũng sẽ là hữu ích nếu bạn đưa ra bản sao của các văn bản luật trong nước mà có liên quan. Nếu những văn bản này không được thể hiện bằng ngôn ngữ làm việc chính thức của ban thư ký của Uỷ ban, việc xem xét hồ sơ của bạn sẽ được đẩy nhanh hơn nếu bạn có thể thu xếp dịch những tài liệu này (bản đầy đủ hoặc bản tóm tắt). Nếu khiếu tố của bạn thiếu những thông tin thiết yếu, ban thư ký sẽ liên hệ với bạn để yêu cầu cung cấp thêm các chi tiết.

Khi nào có thể đưa ra khiếu tố theo các công ước quốc tế về quyền con người?

Nhìn chung, không có một giới hạn thời gian chính thức nào kể từ sau ngày vi phạm bị cáo buộc xảy ra để trình khiếu tố theo các công ước liên quan. Tuy nhiên, cần trình khiếu tố của bạn càng sớm càng tốt sau khi bạn đã viện đến tất cả các biện pháp có thể trong nước. Việc chậm trễ trình vụ việc của bạn có thể gây khó khăn cho quốc gia thành viên trong việc trả lời vụ việc. Trong những trường hợp ngoại lệ, việc trình sau một thời gian kéo dài có thể dẫn đến việc vụ việc của bạn không được Uỷ ban liên quan nhận.

Thủ tục

Nếu khiếu tố của bạn có những yếu tố cơ bản nêu trên, vụ việc của bạn sẽ được đăng ký, có nghĩa là được chính thức đưa vào danh sách được Uỷ ban liên quan xem xét. Bạn sẽ được tư vấn về cách thức đăng ký. Tại thời điểm đó, vụ việc sẽ được chuyển đến quốc gia liên quan để bình luận. Quốc gia thành viên được yêu cầu phản hồi trong một khoảng thời gian nhất định. Có hai bước chính đối với bất kỳ vụ việc nào là xem xét “khả năng được nhận” và “tính chất vụ việc”. “Khả năng được nhận” của một vụ việc liên quan đến những yêu cầu chính thức mà khiếu tố của bạn cần thỏa mãn trước khi Uỷ ban liên quan xem xét nội dung của nó. “Tính chất vụ việc” liên quan đến nội dung mà dựa trên đó, Uỷ ban quyết định liệu quyền của bạn theo công ước có bị vi phạm hay không. Các bước này sẽ được mô tả chi tiết hơn ở phần dưới. Khoảng thời gian trong đó các quốc gia được yêu cầu phải trả lời khiếu tố của bạn thay đổi tùy theo thủ tục và cũng sẽ được nêu cụ thể ở các phần dưới. Khi quốc gia liên quan có phản hồi, bạn có cơ hội bình luận về phản hồi đó. Khoảng thời gian mà bạn có thể bình luận cũng tùy thuộc vào từng thủ tục (xem chi tiết ở phần dưới). Tại thời điểm đó, vụ việc đã sẵn sàng để được Uỷ ban liên quan quyết định. Nếu quốc gia liên quan không phản hồi khiếu tố của bạn, điều đó cũng không đưa bạn vào tình thế bất lợi. Uỷ ban sẽ gửi văn bản nhắc nhở quốc gia liên quan và nếu như vẫn không có phản hồi, Uỷ ban sẽ quyết định vụ việc dựa trên khiếu tố đầu tiên của bạn.

Các trường hợp đặc biệt liên quan đến tính khẩn cấp hoặc tính nhạy cảm

Mỗi Uỷ ban đều có thể tiến hành hành động khẩn cấp khi thấy có khả năng xảy ra những thiệt hại không thể phục hồi được nếu vụ việc được tiến hành theo quy trình thường lệ. Cơ sở cho các hành động như vậy của mỗi Uỷ ban được nêu dưới đây. Đặc trưng chung là ở bất kỳ thời điểm nào trước khi xem xét vụ việc, Uỷ ban liên quan có thể yêu cầu quốc gia thành viên tiến hành “các biện pháp tạm thời” nhằm ngăn ngừa bất cứ thiệt hại không thể phục hồi nào có thể xảy ra. Những yêu cầu như vậy được đưa ra để ngăn ngừa những hành động mà sau này không thể sửa chữa được, chẳng hạn như việc thi hành án tử hình hoặc việc trục xuất một cá nhân đang phải đối mặt với nguy cơ bị tra tấn. Nếu bạn muốn Uỷ ban xem xét việc đưa ra yêu cầu về các biện pháp tạm thời, bạn cần thể hiện mong muốn này một cách rõ ràng. Trong bất cứ trường hợp nào, bạn cũng cần xác định càng thận trọng và toàn diện càng tốt lý do tại sao bạn thấy việc làm đó là cần thiết. Nếu có vấn đề đặc biệt nhạy cảm mang tính chất riêng tư hoặc cá nhân nảy sinh trong khiếu tố, bạn có thể yêu cầu Uỷ ban loại trừ những yếu tố mang tính xác định danh tính trong quyết định cuối cùng của Uỷ ban, nhờ đó danh tính của bạn không bị công bố. Uỷ ban, theo cân nhắc riêng của mình, cũng có thể giữ kín những thông tin này trong quá trình xem xét khiếu tố.

Khả năng vụ việc của bạn được tiếp nhận

Trước khi Uỷ ban mà bạn trình vụ việc của mình có thể xem xét tính chất và nội dung vụ việc, khiếu tố cần đáp ứng các yêu cầu chính thức để được nhận. Khi xem xét khả năng nhận khiếu tố, Uỷ ban có thể xem xét một trong các yếu tố sau:

- Liệu bạn có hành động thay mặt cho một người khác không, liệu bạn đã nhận được sự ủy quyền đầy đủ chưa, hay việc bạn làm như vậy có được chứng minh đầy đủ không?

- Liệu bạn (hay người mà bạn thay mặt để trình khiếu tố) có là nạn nhân của vi phạm bị cáo buộc hay không? Bạn phải chỉ ra được rằng bạn bị ảnh hưởng một cách cá nhân và trực tiếp bởi những đạo luật, chính sách, cách làm hay hành động hoặc sự bỏ sót của quốc gia mà bạn cho là đã hoặc đang vi phạm quyền của bạn. Sẽ là không đủ nếu bạn chỉ đưa ra cáo buộc về một đạo luật hoặc một cách làm một cách vắn tắt (còn gọi là actio popularis) mà không chỉ rõ cá nhân bạn là nạn nhân của đạo luật, chính sách hay cách làm đó như thế nào.

- Liệu những cáo buộc của bạn có phù hợp với những điều khoản của công ước liên quan không? Vi phạm bị cáo buộc phải liên quan đến một quyền thực sự được bảo vệ bởi công ước. Nếu bạn tiến hành một vụ việc theo Nghị định thư không bắt buộc của Công ước quốc tế về Các quyền dân sự và chính trị chẳng hạn, bạn không thể cáo buộc vi phạm về quyền sở hữu bởi vì Công ước này không bảo vệ quyền đó. Trong trường hợp đó, theo thuật ngữ pháp lý (ratione materiae), cáo buộc của bạn sẽ không được nhận.

- Liệu khiếu tố của bạn có được chứng minh đầy đủ hay chưa? Nếu Uỷ ban liên quan, dựa trên thông tin từ mọi phía, cho rằng bạn chưa có đủ lập luận về một sự vi phạm Công ước trong khiếu tố của bạn, Uỷ ban có thể từ chối khiếu tố của bạn vì lý do khiếu tố chưa được chứng minh đầy đủ. Căn cứ này cũng giống như việc các tòa án trong nước hoặc quốc tế từ chối vụ việc với lý do là “rõ ràng căn cứ không hợp lý”.

- Liệu khiếu tố của bạn có liên quan đến các sự kiện xảy ra trước ngày cơ chế khiếu tố có hiệu lực? Theo quy định, một Uỷ ban sẽ không xem xét các khiếu tố xảy ra trước ngày này và khiếu tố của bạn được coi là không được chấp nhận (thuật ngữ pháp lý gọi là ratione temporis). Tuy nhiên, cũng có những ngoại lệ. Trong trường hợp tác động của sự kiện liên quan kéo dài tới thời điểm cơ chế khiếu tố có hiệu lực, một Uỷ ban có thể xem xét lại toàn bộ sự kiện. Chi tiết được nêu thêm tại phần về thủ tục khiếu tố cá nhân.

- Bạn đã sử dụng hết các biện pháp trong nước hay chưa? Một trong những nguyên tắc chính liên quan đến khả năng khiếu tố của bạn được nhận là nhìn chung, bạn phải sử dụng tất cả các biện pháp có thể trong nước bạn trước khi đưa khiếu tố ra trước một Uỷ ban. Những biện pháp này thường bao gồm việc theo đuổi vụ việc của bạn tại hệ thống tòa án địa phương, và bạn cần chú ý rằng, theo quan điểm của Uỷ ban, nghi ngờ đơn thuần về hiệu lực của những hành động như vậy không làm bạn được miễn thực hiện yêu cầu này. Tuy nhiên, vẫn có những ngoại lệ hạn chế đối với nguyên tắc này. Việc sử dụng các biện pháp trong nước không được kéo dài một cách bất hợp lý, hoặc những biện pháp này rõ ràng là không hiệu quả (ví dụ như nếu luật pháp quốc gia bạn có quan điểm rất rõ ràng về vấn đề liên quan) hoặc các biện pháp đó bạn không thể tiếp cận được (ví dụ như sự từ chối cung cấp trợ giúp pháp lý trong các vụ án hình sự). Trong những trường hợp đó, bạn có thể không bị yêu cầu là đã sử dụng hết các phương pháp trong nước. Song, bạn cũng nên đưa ra lý do chi tiết tại sao quy định chung này không áp dụng được. Liên quan đến việc sử dụng hết các nguồn lực trong nước, bạn nên mô tả trong bản khiếu tố đầu tiên của mình những nỗ lực mà bạn đã thực hiện để dùng hết các biện pháp ở địa phương mình, ngày tháng và kết quả của những biện pháp thực hiện trước cơ quan có thẩm quyền nước bạn, hoặc nêu ra lý do khác tại sao ngoại lệ này cần được áp dụng.

- Liệu bạn có lạm dụng quy trình khiếu tố? Trong số rất ít các trường hợp, các Uỷ ban có thể coi một vụ việc là không nghiêm túc, không đủ chứng cứ hoặc không đúng quy trình khiếu tố và sẽ từ chối vụ việc, chẳng hạn như bạn lặp lại việc đưa khiếu tố tới Uỷ ban về cùng một vấn đề mà Uỷ ban đã từ chối.

- Liệu khiếu tố của bạn có đang được xem xét bởi một cơ chế giải quyết quốc tế khác hay không? Nếu bạn đã trình một khiếu tố lên một cơ quan điều ước khác hoặc lên một cơ chế khu vực như Uỷ ban Liên Mỹ về Quyền con người, Tòa án Nhân quyền châu Âu hoặc Uỷ ban châu Phi về Quyền con người và quyền của các dân tộc,(5) thì các Uỷ ban không thể xem xét khiếu tố của bạn, mục đích là nhằm tránh sự trùng lặp không cần thiết ở cấp độ quốc tế. Đây là một khía cạnh khác của vấn đề khả năng khiếu tố được nhận. Bạn nên đề cập trong khiếu tố đầu tiên của mình việc trước đó bạn đã trình khiếu tố nào, lên cơ quan nào, ngày trình và kết quả.

- Liệu khiếu tố của bạn có bị ngăn cản bởi một bảo lưu mà quốc gia bạn khiếu tố đã đưa ra đối với Nghị định thư không bắt buộc?(6) Một quốc gia có thể đã đưa ra bảo lưu về mặt thủ tục đối với cơ chế khiếu tố và do đó hạn chế thẩm quyền của Uỷ ban trong việc xem xét những vụ việc nhất định. Chẳng hạn, các quốc gia có thể ngăn cản một Uỷ ban xem xét các khiếu tố mà trước đó đã được xem xét bởi một cơ chế quốc tế khác. Trong các trường hợp hiếm hoi, một Uỷ ban có thể quyết định rằng một bảo lưu nào đó là không phù hợp và vẫn xem xét vụ việc dù đã có bảo lưu (Văn bản các điều bảo lưu có thể tìm trong cơ sở dữ liệu của cơ quan điều ước đã nêu trên). Nếu bạn nghĩ rằng khiếu tố của mình có nguy cơ không được nhận vì các lý do trên, sẽ là hữu ích nếu bạn đưa ra lập luận ngược lại trong bản khiếu tố đầu tiên của mình. Khi phản hồi về khiếu tố của bạn, quốc gia thành viên có thể lập luận là khiếu tố của bạn không đủ khả năng được nhận, vì quốc gia đó viện ra một trong các căn cứ trên. Sau đó, bạn vẫn có thể đưa ra quan điểm của mình khi bình luận về phản hồi của quốc gia đó.

Tính chất vụ việc của bạn

Khi một Uỷ ban đã quyết định vụ việc của bạn được nhận, Uỷ ban sẽ xem xét tính chất khiếu tố của bạn, đưa ra lý do để kết luận rằng một sự vi phạm đã hoặc không xảy ra theo các điều khoản mà Uỷ ban cho là có thể áp dụng. Một số quốc gia cũng đã đưa ra những bảo lưu về nội dung có thể hạn chế bớt nghĩa vụ của họ liên quan đến Quyền con người theo công ước(7) (Toàn văn các bảo lưu hoặc tuyên bố có thể tìm thấy trên cơ sở dữ liệu tại website của OHCHR nêu trên. Bạn nên chắc chắn là một bảo lưu nào đó đã được rút lại hay chưa, vì quốc gia liên quan có thể đã chấp nhận đầy đủ các nghĩa vụ của công ước). Trong hầu hết các trường hợp, một Uỷ ban có thể từ chối xem xét các khiếu tố thuộc các lĩnh vực đã bị bảo lưu, mặc dù trong các tình huống ngoại lệ như nêu trên, Uỷ ban có thể coi một bảo lưu là không phù hợp và vẫn xem xét vụ việc. Để biết về phạm vi các quyền trong công ước mà một Uỷ ban phụ trách, bạn có thể xem các quyết định trước đó của uỷ ban - thường được gọi là “Các Bình luận chung”, mở rộng ý nghĩa của nhiều điều khoản và những nhận xét kết luận về báo cáo định kỳ mà các quốc gia thành viên công ước trình lên. Những tài liệu này có tại trang web của OHCHR tại cơ sở dữ liệu của cơ quan điều ước. Ngoài ra cũng có nhiều bài viết mang tính học thuật và sách về luật học liên quan đến nhiều Uỷ ban có thể giúp ích cho bạn.

Xem xét vụ việc của bạn

Các Uỷ ban xem xét mỗi vụ việc tại các phiên họp kín. Mặc dù một số Uỷ ban có quy định về nội dung được trình bày miệng trong quy trình làm việc của Uỷ ban, cách làm vẫn là xem xét các khiếu tố trên cơ sở thông tin bằng văn bản do bên khiếu tố và quốc gia thành viên cung cấp. Do đó, việc trình khiếu tố bằng miệng từ các bên hoặc bằng các phương tiện âm thanh - hình ảnh (chẳng hạn như băng cát-sét hoặc băng video) không phải là cách làm đối với Uỷ ban. Uỷ ban cũng không xem xét vấn đề vượt quá những thông tin mà các bên cung cấp. Uỷ ban cũng không xem xét thông tin mà các bên thứ ba cung cấp (thường được gọi là các thông tin amicus). Khi Uỷ ban đã đưa ra quyết định về vụ việc của bạn, quyết định đó sẽ được đồng thời chuyển tới bạn và quốc gia thành viên. Một hoặc một số thành viên Uỷ ban có thể có thể kèm theo ý kiến riêng của mình nếu họ có kết luận khác so với số đông hoặc có cùng kết luận nhưng có lý do khác để làm việc đó. Văn bản về bất cứ quyết định cuối cùng nào về tính chất vụ việc của bạn hoặc về quyết định không nhận một khiếu tố nào đó được đưa lên trang web của OHCHR như là một phần trong hoạt động pháp lý của Uỷ ban.

Điều gì diễn ra một khi Uỷ ban quyết định về vụ việc của bạn?

Cần chú ý ngay từ đầu rằng không có sự phúc thẩm đối với các quyết định của Uỷ ban và như một quy định, quyết định của Uỷ ban là cuối cùng. Điều gì diễn ra tiếp theo đối với vụ việc của bạn phụ thuộc vào tính chất của quyết định được đưa ra.

- Khi quyết định của Uỷ ban cho rằng bạn là nạn nhân của một sự vi phạm bởi một quốc gia thành viên theo công ước, Uỷ ban sẽ đề nghị quốc gia thành viên cung cấp thông tin trong thời gian ba tháng về những biện pháp nước này đã tiến hành liên quan đến vụ việc (xem phần về thủ tục chi tiết để có thêm thông tin).

- Khi quyết định của Uỷ ban cho rằng không có sự vi phạm công ước nào trong vụ việc của bạn hoặc khiếu tố của bạn không được chấp nhận, quá trình sẽ hoàn tất khi quyết định này được chuyển tới bạn và quốc gia thành viên.

- Khi Uỷ ban quyết định tiếp nhận vụ việc của bạn, theo cách làm chung hoặc có thể viện đến những điều khoản cụ thể trong công ước, quy trình chung nêu trên sẽ được áp dụng. Tức là quốc gia thành viên được yêu cầu phản hồi về tính chất của vụ việc trong một khoảng thời gian nhất định. Sau đó, bạn sẽ có một khoảng thời gian để bình luận về phản hồi này của quốc gia. Sau đó, vụ việc đã sẵn sàng để được Uỷ ban xem xét (xem thêm phần các thủ tục cụ thể để có thêm thông tin).

Thủ tục theo Nghị định thư không bắt buộc của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị

Giới thiệu

Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị bao trùm một phạm vi rộng các quyền dân sự và chính trị, từ quyền sống tới quyền được xét xử công bằng và quyền không bị phân biệt đối xử. Các quyền cá nhân mà có thể gửi khiếu tố lên Uỷ ban được nêu trong các điều từ Điều 6 tới Điều 27, tạo thành phần III của Công ước. Cơ chế khiếu tố liên quan đến các cáo buộc vi phạm những điều này được nêu trong Nghị định thư không bắt buộc thứ nhất của Công ước - một điều ước riêng mở cho các quốc gia thành viên Công ước tham gia. Các quốc gia đã tham gia Nghị định thư thừa nhận thẩm quyền của Uỷ ban Quyền con người - một nhóm gồm 18 chuyên gia độc lập, họp ba lần một năm để nhận khiếu tố thuộc thẩm quyền của Uỷ ban, từ các cá nhân về việc quyền của họ theo công ước bị vi phạm.(8)

Chi tiết về thủ tục

Những thông tin sau mô tả các thủ tục tiến hành trước Uỷ ban.

Các khiếu tố theo Nghị định thư không bắt buộc được chuyển tới Báo cáo viên đặc biệt của Uỷ ban phụ trách các khiếu tố mới. Báo cáo viên đặc biệt sẽ quyết định xem vụ việc của bạn có cần đăng ký theo Nghị định thư không bắt buộc hay không và sẽ đưa ra các hướng dẫn liên quan. Nếu như vụ việc được đăng ký, thì quy trình hành động thông thường của Uỷ ban là đồng thời xem xét khả năng chấp nhận và tính chất của vụ việc, cho dù Uỷ ban nhận được số lượng lớn các khiếu tố theo thủ tục này. Quốc gia thành viên mà những khiếu tố này nhằm tới có sáu tháng để đưa ra ý kiến về khả năng chấp nhận và tính chất của vụ việc. Khi quốc gia thành viên đã làm như vậy, bạn có hai tháng để bình luận. Sau đó, vụ việc đã sẵn sàng để chờ quyết định của Uỷ ban.

Như đã nói trên, nếu quốc gia thành viên không hồi đáp về khiếu tố của bạn, bạn vẫn không bị đặt vào tình thế bất lợi. Trong trường hợp đó, quốc gia thành viên sẽ hai lần được nhắc nhở sau khi thời hạn sáu tháng đã kết thúc. Nếu vẫn không có hồi đáp, Uỷ ban sẽ xem xét vụ việc dựa trên những thông tin mà ban đầu bạn cung cấp. Nếu quốc gia thành viên hồi đáp sau lần đầu tiên được nhắc nhở, hồi đáp này sẽ được chuyển đến bạn và bạn có cơ hội bình luận. Đôi khi, Uỷ ban đi theo một thủ tục khác để tối đa hóa thời gian mà Uỷ ban có để xem xét vụ việc và để dành cho các bên có thời gian thực hiện các nỗ lực của họ. Ví dụ như, nếu như trong vòng hai tháng kể từ khi nhận được khiếu tố, quốc gia thành viên chỉ phản hồi về khả năng được nhận của vụ việc và Uỷ ban cho rằng có những mối hoài nghi về điểm đó, Uỷ ban có thể đề nghị bạn chỉ bình luận về vấn đề này. Sau đó, Uỷ ban sẽ đưa ra quyết định sơ bộ về khả năng chấp nhận vụ việc và tiến tới giai đoạn xem xét tính chất chỉ khi vụ việc được tuyên bố là được chấp nhận. Nếu vụ việc được chấp nhận, quốc gia thành viên được có thêm sáu tháng để đưa ra ý kiến về tính chất vụ việc và bạn lại được yêu cầu bình luận trong thời gian là hai tháng. Bạn sẽ được thông báo về bất cứ sự thay đổi nào so với cách làm thường lệ. Bạn cũng nên chú ý rằng, vì có số lượng lớn các vụ việc được đưa ra theo Nghị định thư không bắt buộc, nên có thể có sự trì hoãn kéo dài vài năm giữa lần trình khiếu tố đầu tiên và quyết định cuối cùng của Uỷ ban.

Các tình huống khẩn cấp đặc biệt

Đối với Uỷ ban Quyền con người, các tình huống khẩn cấp đòi hỏi có hành động ngay lập tức rơi vào Điều 86 của Quy định về thủ tục của Uỷ ban. Trong những trường hợp đó, Báo cáo viên đặc biệt của Uỷ ban phụ trách các khiếu tố mới có thể yêu cầu quốc gia thành viên thực hiện các biện pháp tạm thời nhằm tránh những thiệt hại không thể phục hồi được trước khi khiếu tố được xem xét. Uỷ ban coi việc tuân thủ yêu cầu đó là tất nhiên trong nghĩa vụ của quốc gia thành viên theo Nghị định thư không bắt buộc, và thất bại trong việc tuân thủ này bị coi là một sự vi phạm.

Những yếu tố bổ sung liên quan đến khả năng được nhận của vụ việc

Có hai yếu tố liên quan đến khả năng được chấp nhận của một vụ việc. Thứ nhất, Uỷ ban Quyền con người đã xây dựng những ngoại lệ cụ thể liên quan đến quy định sự kiện được khiếu tố phải xảy ra sau thời điểm Nghị định thư không bắt buộc đã có hiệu lực đối với quốc gia của bạn. Nếu kể từ ngày có hiệu lực, những sự kiện đó vẫn còn tiếp tục tác động và vi phạm Công ước, chẳng hạn như quốc gia vẫn thất bại trong việc xử lý vụ một người “mất tích” xảy ra trước ngày này hoặc nếu một người đang phải chịu hình phạt tù sau một vụ xét xử bất công trước ngày này, Uỷ ban có thể quyết định xem xét toàn bộ tình huống của vụ khiếu tố. Tương tự như thế, sẽ là đủ căn cứ để Uỷ ban xem xét toàn bộ một khiếu tố nếu, sau ngày Nghị định thư không bắt buộc có hiệu lực, có một quyết định của tòa hoặc một hành động khác nào đó của nhà nước liên quan đến một sự kiện xảy ra trước ngày hiệu lực đó.

Có hai điểm cần nêu ra liên quan đến việc xem xét đồng thời cùng một vụ việc bởi một cơ chế giải quyết quốc tế khác nữa. Uỷ ban đã quyết định rằng “Thủ tục 1503” (được nêu ở phần sau của Tài liệu chuyên đề này) và những khiếu tố trình lên báo cáo viên đặc biệt của Uỷ ban về quyền con người không tạo thành một cơ chế như vậy. Theo đó, khiếu tố của bạn trình Uỷ ban Quyền con người sẽ không bị tuyên bố là không được chấp nhận nếu bạn đang theo đuổi những lựa chọn như vậy. Thứ hai, Uỷ ban cũng cho rằng, nếu Công ước có thể mang lại sự bảo vệ rộng hơn về một số khía cạnh nào đó so với những cơ chế quốc tế khác, thì những khiếu tố đã được trình một cơ chế quốc tế khác có thể vẫn được trình trước Uỷ ban nếu sự bảo vệ rộng hơn từ Công ước được viện đến. Cũng cần bổ sung rằng, theo quan điểm của Uỷ ban, những khiếu tố bị các cơ chế quốc tế khác từ chối do vấn đề thủ tục mà chưa được xem xét về mặt nội dung thì nội dung đó vẫn có thể được trình ra trước Uỷ ban.

Sau quyết định của Uỷ ban - một số điểm cần nêu thêm

- Khi Uỷ ban đã quyết định rằng bạn là nạn nhân của một sự vi phạm các quyền theo Công ước bởi một quốc gia thành viên, quốc gia đó được đề nghị cung cấp thông tin trong vòng ba tháng. Cơ sở cho yêu cầu này là theo Khoản 3, Điều 2 Công ước, quốc gia thành viên phải bảo đảm cho bạn một giải pháp hiệu quả đối với bất kỳ sự vi phạm quyền nào của bạn. Trả lời từ phía quốc gia sẽ được chuyển cho bạn để bình luận. Thông thường Uỷ ban sẽ chỉ ra thế nào là một giải pháp hiệu quả, chẳng hạn như việc trả tiền bồi thường hoặc phóng thích khỏi nơi giam giữ. Khi quốc gia thất bại trong việc tiến hành các biện pháp cần thiết, vụ việc được chuyển tới một thành viên Uỷ ban là Báo cáo viên đặc biệt phụ trách việc tiếp tục theo dõi các vụ việc để xem xét liệu những biện pháp nào cần tiến hành tiếp theo. Chẳng hạn, Báo cáo viên đặc biệt này có thể gửi những yêu cầu cụ thể tới quốc gia thành viên hoặc gặp đại diện quốc gia này để thảo luận các hành động cần làm. Trừ trường hợp ngoại lệ, còn lại thông tin và hành động quốc gia tiến hành được Báo cáo viên đặc biệt đưa vào báo cáo thường niên về các vụ việc đang được tiếp tục theo dõi.

- Khi Uỷ ban chấp nhận vụ việc của bạn, thì theo thủ tục chung hoặc viện đến những điều khoản cụ thể nào đó, quốc gia thành viên được yêu cầu phản hồi về tính chất vụ việc trong khoảng thời gian sáu tháng. Sau đó bạn có khoảng thời gian là hai tháng để bình luận về phản hồi này và sau đó vụ việc đã sẵn sàng để được Uỷ ban xem xét.

Thủ tục theo Công ước chống tra tấn và các hình thức trừng phạt hoặc đối xử tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm khác

Giới thiệu

Công ước chống tra tấn và các hình thức trừng phạt hoặc đối xử tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm khác được thông qua ngày 10/12/1984. Trong số các nghĩa vụ khác, Công ước yêu cầu các quốc gia thành viên không đưa người trở lại những nước mà có nhiều căn cứ để tin rằng họ sẽ phải đối mặt với sự tra tấn, và không được tiến hành các biện pháp nhằm để hành động tra tấn xảy ra và bất cứ khi nào những hành động đó xảy ra, chúng phải được điều tra và truy tố một cách thích đáng. Những nghĩa vụ mang tính thực chất được nêu từ Điều 1 tới Điều 16 tạo thành phần I của Công ước. Cơ chế khiếu tố về sự vi phạm các quyền theo Công ước được quy định tại Điều 22. Các quốc gia thành viên nếu muốn có thể đưa ra tuyên bố thừa nhận thẩm quyền của Uỷ ban chống Tra tấn - một nhóm gồm 10 chuyên gia độc lập họp hai lần một năm để xem xét các khiếu tố từ các nhóm hoặc các cá nhân cáo buộc quyền của họ theo Công ước bị quốc gia thành viên vi phạm.

Chi tiết về thủ tục

Sau khi khiếu tố được đăng ký, Uỷ ban sẽ đề nghị quốc gia thành viên đưa ra bình luận trong vòng sáu tháng về khả năng được nhận và tính chất vụ khiếu tố. Tùy thuộc vào phản ứng của quốc gia thành viên, một hoặc hai quy trình sau sẽ được áp dụng:

Nếu quốc gia chỉ phản hồi về khả năng được nhận của vụ việc trong vòng hai tháng, bạn có bốn tuần để bình luận về phản hồi này. Sau đó Uỷ ban sẽ đưa ra quyết định liệu vụ việc có được nhận hay không. Nếu vụ việc không được chấp nhận, quá trình khiếu tố kết thúc. Nếu khiếu tố được nhận, quốc gia thành viên có bốn tháng để phản hồi về tính chất vụ việc. Bạn có sáu tuần để đưa ra bình luận. Sau đó, Uỷ ban có thể đưa ra quyết định cuối cùng về tính chất vụ việc.

Nếu quốc gia thành viên phản hồi về cả khả năng được nhận và tính chất của vụ việc (thường là trong thời gian sáu tháng), bạn có sáu tuần để đưa ra bình luận. Sau đó, Uỷ ban sẽ đưa ra quyết định về cả khả năng được nhận và tính chất vụ việc. Vì có ít hơn các vụ việc được đưa ra trước Uỷ ban chống Tra tấn, một vụ việc thường được kết thúc trong một hoặc hai năm kể từ ngày đăng ký. Trong trường hợp chỉ có quyết định về khả năng được nhận của vụ việc thì khoảng thời gian này có thể ngắn hơn đáng kể.

Các tình huống khẩn cấp đặc biệt

Điều 108 (1) trong quy định về thủ tục của Uỷ ban là cơ sở để một người khiếu tố kêu gọi việc áp dụng các biện pháp tạm thời từ Uỷ ban chống Tra tấn nhằm ngăn ngừa những thiệt hại không thể phục hồi được khi khiếu tố của họ đang được xem xét. Thông thường nhất, những yêu cầu như vậy nảy sinh trong bối cảnh của những khiếu tố theo Điều 3 của Công ước khi người khiếu tố đang chờ bị trục xuất và có nguy cơ chịu sự tra tấn khi tới nước nhận. Báo cáo viên đặc biệt phụ trách những khiếu tố mới và các biện pháp tạm thời của Uỷ ban sẽ quyết định liệu yêu cầu về các biện pháp tạm thời đối với quốc gia thành viên có nên được đưa ra theo quy định này hay không.

Một yếu tố bổ sung về khả năng vụ việc của bạn được nhận

Bạn nên chú ý rằng khiếu tố trình lên Uỷ ban chống Tra tấn có khác biệt đôi chút so với những nét chung về những yêu cầu liên quan đến khả năng vụ việc được nhận được nêu khái quát ở trên. Bên cạnh yêu cầu là khiếu tố của bạn hiện không được xem xét bởi một cơ quan điều tra hay tài phán quốc tế khác, thì khiếu tố của bạn cũng không được là chủ đề của một quyết định trong quá khứ được đưa ra bởi một cơ quan như vậy. Nếu câu trả lời là có, nó sẽ bị coi là không được chấp nhận. Hơn nữa, quy định về thủ tục của Uỷ ban chỉ ra rằng một khiếu tố có thể bị từ chối nếu nó cho thấy là không có căn cứ hoặc khoảng thời gian kể từ khi các biện pháp trong nước đã được sử dụng hết cho đến khi khiếu tố được trình trước Uỷ ban bị kéo dài một cách bất hợp lý, gây khó khăn cho Uỷ ban hoặc quốc gia thành viên trong việc xem xét khiếu tố này.

Xem xét vụ việc của bạn

Quy định về thủ tục của Uỷ ban chống Tra tấn trao quyền cho Uỷ ban được đề nghị một trong các bên khiếu tố có mặt để làm rõ thêm thông tin và trả lời các câu hỏi của Uỷ ban khi Uỷ ban xem xét tính chất của một khiếu tố. Phù hợp với nguyên tắc về sự bảo vệ công bằng, bên còn lại trong vụ khiếu tố cũng có cơ hội có mặt trước Uỷ ban. Vụ việc của bạn sẽ không bị thiên vị do bất cứ sự không cân bằng nào về cơ hội có mặt trước Uỷ ban. Tuy nhiên cũng cần chú ý là những trường hợp đó là ngoại lệ. Ngoài ra Uỷ ban cũng có thể thu thập bất cứ tài liệu nào từ các cơ quan của Liên hợp quốc, các cơ quan chuyên môn, hoặc các nguồn khác có thể trợ giúp trong quá trình xem xét khiếu tố.

Sau quyết định của Uỷ ban - một số điểm cần nêu thêm

- Khi Uỷ ban thấy rằng một hành động hoặc kế hoạch đã dự kiến của một quốc gia, chẳng hạn như việc chuẩn bị trục xuất một người nào đó, đã vi phạm hoặc sẽ vi phạm nghĩa vụ của quốc gia đó theo Công ước, Uỷ ban sẽ chuyển tới quốc gia đó Quyết định (Views) của mình, trong đó yêu cầu cung cấp thông tin về việc thực hiện hành động này trong 90 ngày. Điều khoản liên quan trong trường hợp này là Điều 112 (5) trong quy định về thủ tục của Uỷ ban, theo đó, quốc gia thành viên được yêu cầu báo cáo về hành động mà quốc gia này đã thực hiện liên quan đến những phát hiện của Uỷ ban. Trên cơ sở thông tin cung cấp, Báo cáo viên đặc biệt phụ trách việc tiếp tục theo dõi vụ việc sẽ đưa ra hành động phù hợp tiếp theo.

- Khi một vụ việc được chấp nhận, quốc gia thành viên có bốn tháng để trình phản hồi của mình về tính chất vụ việc. Sau đó bạn có sáu tuần để đưa ra bình luận.

Thủ tục theo Công ước quốc tế về loại trừ mọi hình thức phân biệt chủng tộc

Giới thiệu

Công ước quốc tế về loại trừ tất cả các hình thức phân biệt chủng tộc được thông qua ngày 21/12/1965 đề ra một loạt các nghĩa vụ đối với các quốc gia thành viên nhằm bảo đảm việc thụ hưởng về mặt pháp lý và trên thực tế quyền được tự do khỏi sự phân biệt đối xử. Trong khi Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị cũng bao gồm những điều khoản độc lập liên quan đến không phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc, Công ước là một điều ước chuyên môn nhằm xử lý một loạt các vấn đề nảy sinh trong lĩnh vực này một cách chi tiết hơn. Uỷ ban được thành lập theo Công ước có chuyên môn sâu về vấn đề chủng tộc. Những nghĩa vụ mang tính thực chất được nêu từ Điều 1 đến Điều 7, tạo thành phần I của Công ước. Như trong trường hợp của Công ước chống Tra tấn, Công ước này cũng thiết lập cơ chế cho các khiếu tố về sự vi phạm các quyền. Các quốc gia thành viên chấp thuận việc này có thể đưa ra Tuyên bố theo Điều 14 chấp nhận thẩm quyền của Uỷ ban về Loại trừ sự phân biệt chủng tộc - một nhóm gồm 18 chuyên gia độc lập họp hai lần một năm để xem xét khiếu tố từ các cá nhân hoặc nhóm cá nhân cáo buộc việc quyền của họ theo Công ước bị các quốc gia thành viên vi phạm.(9)

Ai và khi nào có thể đưa ra khiếu tố?

Không giống như những khiếu tố theo Nghị định thư không bắt buộc của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị và Công ước chống tra tấn, các khiếu tố theo Công ước này có thể được đưa ra không chỉ bởi hoặc thay mặt cho các cá nhân mà còn có thể thay mặt cho một nhóm các cá nhân. Chi tiết về cách thức đưa ra khiếu tố về cơ bản giống như được miêu tả ở trên. Song điều quan trọng cần chú ý là các khiếu tố trình Uỷ ban phải được trình trong vòng sáu tháng kể từ ngày quyết định cuối cùng của một cơ quan có thẩm quyền quốc gia về vụ việc của bạn được đưa ra.

Chi tiết thủ tục

Sau khi vụ việc được đăng ký, quốc gia thành viên có ba tháng để phản hồi về khả năng được nhận của khiếu tố hoặc nếu quốc gia thành viên không phản đối việc khiếu tố được nhận, thì phản hồi về tính chất của vụ việc. Nếu có phản hồi về khả năng được nhận của vụ việc, bạn có sáu tuần để đưa ra bình luận trước khi Uỷ ban đưa ra kết luận về khả năng được nhận của vụ việc. Nếu Uỷ ban cho là vụ việc được nhận, quốc gia thành viên có thêm ba tháng để phản hồi về tính chất vụ việc. Sau đó, bạn có sáu tuần để đưa ra bình luận trước khi Uỷ ban có quyết định cuối cùng về tính chất vụ việc.

Trường hợp quốc gia thành viên không có phản đối nào về khả năng được nhận của khiếu tố và chỉ phản hồi về tính chất vụ việc, bạn có sáu tuần để đưa ra bình luận trước khi Uỷ ban đưa ra quyết định cuối cùng về tính chất của vụ việc. Vì chỉ có tương đối ít khiếu tố trình lên Uỷ ban này nên khiếu tố của bạn có thể sẽ được giải quyết nhanh hơn, có thể là trong vòng một năm. Nếu chỉ cần đưa ra quyết định về khả năng được nhận của vụ việc, thời gian giải quyết vụ việc có thể còn ngắn hơn.

Các tình huống khẩn cấp đặc biệt

Cũng giống như các thủ tục miêu tả ở trên, bạn có thể tìm kiếm các biện pháp tạm thời từ Uỷ ban nhằm ngăn ngừa những thiệt hại không thể phục hồi được trong khi vụ việc đang được xem xét. Cơ sở cho những yêu cầu như vậy của Uỷ ban đối với một quốc gia thành viên chính là Điều 91(3) của quy định về thủ tục của Uỷ ban.

Một yếu tố bổ sung về khả năng vụ việc của bạn được nhận

Bạn nên chú ý rằng những khiếu tố trình Uỷ ban về chống Phân biệt chủng tộc có hai sự khác biệt liên quan đến khả năng được nhận so với thủ tục chung được khái quát ở trên. Thứ nhất, khiếu tố của bạn sẽ không bị coi là không được chấp nhận nếu cùng một nội dung như vậy đang chờ giải quyết hay đã từng là chủ đề của một quyết định đưa ra bởi một cơ quan giải quyết quốc tế khác. Thứ hai, như đã nhấn mạnh, có một quy định là những khiếu tố được trình sau khoảng giới hạn thời gian sáu tháng sẽ bị tuyên bố là không được nhận.

Xem xét vụ việc của bạn

Quy định về thủ tục của Uỷ ban về chống phân biệt chủng tộc trao quyền cho Uỷ ban được mời người đưa ra khiếu tố (hoặc người đại diện của họ) và đại diện của quốc gia thành viên tham dự các phiên làm việc nhằm cung cấp thêm thông tin hoặc trả lời các câu hỏi về tính chất của vụ việc. Tuy nhiên, cần chú ý là những tình huống như vậy thường là ngoại lệ chứ không phải cách làm việc thông thường của Uỷ ban.

Sau quyết định của Uỷ ban - một số điểm cần nêu thêm

Quá trình đưa ra quyết định của Uỷ ban cũng tương tự như những gì được nêu khái quát ở trên đối với Uỷ ban chống Tra tấn, ngoài một chi tiết bổ sung. Khi Uỷ ban đưa ra quyết định (được gọi là “Opinion”) về tính chất của một khiếu tố, Uỷ ban thường đưa ra các gợi ý và/hoặc khuyến nghị ngay cả khi Uỷ ban cho rằng không có sự vi phạm nào với Công ước. Những gợi ý hay khuyến nghị này có thể có tính chất chung hoặc cụ thể và hướng vào quốc gia thành viên liên quan hay tất cả các quốc gia thành viên Công ước. Theo Điều 95(5) của quy định về thủ tục của Uỷ ban, quốc gia thành viên được đề nghị thông báo cho Uỷ ban theo đúng lịch về những hành động mà quốc gia đã tiến hành liên quan tới các gợi ý hoặc khuyến nghị này. Khi nhận được thông tin như vậy, Uỷ ban có thể tiến hành các biện pháp theo mà Uỷ ban cho là thích hợp.

Thủ tục theo Nghị định thư không bắt buộc của Công ước về loại trừ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ

Giới thiệu

Công ước về Loại trừ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ được thông qua ngày 18/12/1979 bảo đảm quyền của tất cả phụ nữ được tự do khỏi sự phân biệt đối xử và đề ra nghĩa vụ cho các quốc gia thành viên nhằm bảo đảm sự thụ hưởng về mặt pháp lý và trên thực tế quyền này. Trong khi Công ước quốc tế về Các quyền dân sự và chính trị cũng bao gồm những quy định độc lập về không phân biệt đối xử dựa trên giới tính, Công ước này là một điều ước chuyên môn xử lý các vấn đề nảy sinh trong lĩnh vực này một cách chi tiết hơn. Uỷ ban được thành lập theo Công ước bao gồm những chuyên gia có chuyên môn sâu về vấn đề phân biệt đối xử chống lại phụ nữ. Những nghĩa vụ mang tính thực chất được nêu trong các điều từ Điều 1 đến Điều 16, tạo thành các phần từ I đến IV của Công ước. Cũng giống như trường hợp Công ước quốc tế về Các quyền dân sự và chính trị, cơ chế khiếu tố của Công ước này được quy định trong một Nghị định thư không bắt buộc, được thông qua ngày 6/10/1999. Đây là một điều ước riêng rẽ, được mở cho tất cả các quốc gia thành viên Công ước. Các nước khi tham gia Nghị định thư không bắt buộc nghĩa là đã thừa nhận thẩm quyền của Uỷ ban về Loại trừ sự phân biệt đối xử chống lại phụ nữ - một nhóm gồm 23 chuyên gia độc lập họp hai lần một năm được tiếp nhận khiếu tố của các cá nhân và nhóm cá nhân cáo buộc các quốc gia vi phạm các quyền theo Công ước. Nghị định thư không bắt buộc bao gồm nhiều điểm có tính đổi mới, được mô tả dưới đây.

Ai có thể đưa ra khiếu tố, cần trình những gì và khi nào bạn có thể làm vậy?

Giống như thủ tục theo Công ước quốc tế về Loại trừ sự phân biệt chủng tộc, các khiếu tố có thể được trình bởi hoặc thay mặt cho các cá nhân hoặc nhóm cá nhân. Nếu bạn trình khiếu tố thay mặt cho một hoặc nhiều người khác, bạn phải trình ra được bằng chứng về việc họ đồng ý hoặc có thể biện minh cho việc bạn hành động thay mặt họ nhưng không có sự đồng ý của họ. Trong khi Uỷ ban vẫn chưa có những giải thích về các tình huống trong đó cần sự biện minh cho hành động thay mặt đưa ra khiếu tố nhưng không có sự đồng ý của người được cho là nạn nhân, song kinh nghiệm trong việc này từ những Uỷ ban khác, mà đáng chú ý là Uỷ ban Quyền con người có thể xem như những chỉ dẫn.

Liên quan đến những tài liệu cần trình, bạn có thể tham khảo các thủ tục mô tả ở trên. Phụ lục 2 của Tài liệu chuyên đề này bao gồm các hướng dẫn cho việc khiếu tố. Không có giới hạn thời gian nào cho việc trình các khiếu tố như vậy, song như đã nói, sẽ là thuận lợi hơn nếu khiếu tố được trình một cách nhanh chóng.

Chi tiết thủ tục

Thủ tục mà Uỷ ban sẽ thực hiện theo tương tự như thủ tục của Uỷ ban Quyền con người. Nếu như vụ việc được đăng ký, Uỷ ban có thể xem xét đồng thời khả năng được nhận và tính chất vụ việc. Quốc gia thành viên mà là đối tượng bị khiếu tố sẽ có sáu tháng để phản hồi về khả năng được nhận và tính chất vụ việc. Sau khi quốc gia thành viên đã làm vậy, bạn sẽ có một khoảng thời gian nhất định để đưa ra bình luận và sau đó vụ việc đã sẵn sàng để được Uỷ ban quyết định. Đôi khi, Uỷ ban sẽ thực hiện theo một thủ tục khác nhằm giảm tối thiểu thời gian mà Uỷ ban có để xem xét vụ việc và tạo điều kiện để các bên khiếu tố có thêm nỗ lực. Chẳng hạn nếu như quốc gia thành viên đưa ra phản hồi sớm trong đó nghi ngờ về khả năng được nhận của khiếu tố, Uỷ ban có thể mời bạn đưa ra bình luận về phản hồi này. Sau đó, Uỷ ban sẽ đưa ra quyết định ban đầu về khả năng được nhận và sẽ tiếp tục đến giai đoạn xem xét tính chất nếu vụ việc được chấp nhận. Sau đó, quốc gia thành viên sẽ được có thêm một khoảng thời gian nhất định để phản hồi về tính chất vụ việc và bạn cũng sẽ được yêu cầu đưa ra bình luận. Bạn cũng sẽ được thông báo nếu có bất cứ sự thay đổi nào khác với thủ tục thông thường.

Các tình huống khẩn cấp đặc biệt

Theo Điều 5 của Nghị định thư không bắt buộc (và được cụ thể hóa tại Điều 63 của quy định về thủ tục của Uỷ ban), Uỷ ban có thể yêu cầu quốc gia thành viên có những biện pháp tạm thời cần thiết nhằm tránh những thiệt hại không thể phục hồi được trong khi khiếu tố đang được xem xét.

Các yếu tố bổ sung về khả năng vụ việc của bạn được nhận

Các yêu cầu về khả năng được nhận được xây dựng trên kinh nghiệm từ các cơ quan điều ước khác. Căn cứ cho việc một khiếu tố không được nhận được nêu tại Điều 4 của Nghị định thư không bắt buộc và tuân theo mẫu chung như được nêu trên. Tuy nhiên bạn nên chú ý là có hai điểm khác biệt. Thứ nhất, giống như với Uỷ ban chống Tra tấn, khiếu tố của bạn sẽ bị coi là không được nhận nếu nó đã được quyết định bởi một cơ quan điều tra hoặc tài phán quốc tế khác. Uỷ ban cũng có thẩm quyền rõ ràng trong việc sớm từ chối một khiếu tố thiếu căn cứ hoặc là rõ ràng không thể chứng minh được.

Xem xét vụ việc của bạn

Có một điểm bổ sung so với những mô tả chung ở trên về việc xem xét vụ việc của bạn. Uỷ ban, thông qua Tổng Thư ký Liên hợp quốc, có thể tìm kiếm bất cứ tài liệu nào từ Liên hợp quốc hoặc các cơ quan khác có thể giúp ích cho quá trình xem xét khiếu tố. Trong trường hợp này, để bảo đảm sự công bằng về mặt thủ tục, mỗi bên đều sẽ có cơ hội để đưa ra bình luận về các tài liệu này hoặc đưa ra thêm thông tin trong một khoảng thời gian nhất định (vẫn chưa được quyết định cụ thể).

Sau quyết định của Uỷ ban - một số điểm cần nêu thêm

Trong khi những thủ tục chung nêu trên cũng được áp dụng thì Nghị định thư không bắt buộc đề ra một thủ tục đặc biệt cho các vụ việc mà trong đó Uỷ ban nhận thấy có sự vi phạm các quyền của bạn theo Công ước. Trước hết cần chú ý rằng, khi Uỷ ban đưa ra một quyết định (thường được gọi là “Views”) về tính chất của một vụ việc, thì giống như Uỷ ban về loại trừ sự phân biệt chủng tộc, Uỷ ban cũng có thể đưa ra các khuyến nghị. Theo như thủ tục tiếp tục theo dõi các vụ việc được nêu tại Điều 7 của Nghị định thư không bắt buộc, trong vòng sáu tháng kể từ khi nhận được quyết định hoặc khuyến nghị của Uỷ ban, quốc gia thành viên được yêu cầu trình hồi đáp bằng văn bản trong đó nêu chi tiết những hành động mà quốc gia đã tiến hành. Uỷ ban cũng có thể yêu cầu quốc gia thành viên trình thêm thông tin, trực tiếp hoặc qua báo cáo định kỳ tiếp theo lên Uỷ ban về tình hình chung thực hiện các quyền theo Công ước tại quốc gia mình.

Thủ tục theo Công ước quốc tế về bảo vệ tất cả lao động di trú và các thành viên gia đình họ

Giới thiệu

Công ước quốc tế về Bảo vệ tất cả lao động di trú và các thành viên gia đình họ, được thông qua ngày 18/12/1990, áp đặt nghĩa vụ lên các quốc gia thành viên nhằm bảo vệ và bảo đảm một phạm vi toàn diện các quyền thay mặt cho người lao động di trú và gia đình họ. Những nghĩa vụ thực chất được nêu từ Điều 7 đến Điều 71, tạo thành từ phần II đến phần IV của Công ước. Công ước bao gồm một cơ chế khiếu tố cá nhân riêng. Các quốc gia thành viên nếu muốn, có thể đưa ra tuyên bố theo Điều 77, chấp nhận thẩm quyền của Uỷ ban về Bảo vệ tất cả lao động di trú và gia đình họ - một nhóm gồm 10 chuyên gia độc lập họp hàng năm để xem xét khiếu tố từ một cá nhân hoặc nhóm cá nhân cáo buộc các quyền của họ theo Công ước bị các quốc gia thành viên vi phạm.(10) Sẽ cần thời gian trước khi khoảng 10 quốc gia thành viên đưa ra tuyên bố theo Điều 77 để cơ chế khiếu tố có hiệu lực hoạt động. Vì cơ chế khiếu tố của Công ước chưa có hiệu lực, Uỷ ban cũng chưa xây dựng các quy định về thủ tục và cách làm liên quan tới khiếu tố của các cá nhân. Tuy nhiên, Uỷ ban được hy vọng là sẽ thực hiện theo thủ tục tương tự như những thủ tục được áp dụng bởi các cơ quan điều ước khác và sẽ giải thích một cách tương tự về các yếu tố liên quan đến khả năng được nhận được nêu tại Điều 77. Các cá nhân thuộc quyền tài phán của một quốc gia thành viên đã đưa ra tuyên bố theo Điều 77 (hoặc những người đại diện cho họ) có thể trình khiếu tố lên Uỷ ban, cáo buộc rằng quyền của họ theo Công ước đã bị quốc gia thành viên vi phạm. Một khiếu tố sẽ không được nhận nếu nó được trình bởi người giấu tên, hoặc là sự lạm dụng quyền trình khiếu tố, hoặc không phù hợp với những quy định của Công ước. Khiếu tố cũng không được nhận nếu cùng vấn đề đã hoặc đang được xem xét bởi một cơ quan giải quyết hoặc điều tra quốc tế khác; hoặc tất cả các biện pháp trong nước chưa được sử dụng hết. Cũng giống như với những thủ tục khác yêu cầu đối với các biện pháp trong nước không được áp dụng nếu việc áp dụng chúng bị kéo dài một cách bất hợp lý hoặc nếu chúng không mang lại hiệu quả. Một quốc gia thành viên có sáu tháng để phản hồi về khả năng được nhận và tính chất của vụ việc. Uỷ ban sau đó sẽ họp kín để xem xét khiếu tố và sẽ chuyển quyết định của mình cho quốc gia và cá nhân liên quan.

Chuyển khiếu tố lên các cơ quan điều ước như thế nào

Đối với các khiếu tố trình Uỷ ban Quyền con người, Uỷ ban chống Tra tấn và Uỷ ban về Loại trừ sự phân biệt chủng tộc, hãy chuyển thư từ và yêu cầu của bạn tới:

Nếu là thư:

Petitions Team

Office of the High Commissioner for Human Rights

United Nations Office at Geneva

1211 Geneva 10, Switzerland

Nếu là fax hoặc email:

Fax + 41 22 9179022 (particularly for urgent matters)

E-mail tb-petitions.hchr@unog.ch

Đối với các khiếu tố trình Uỷ ban về Loại trừ sự phân biệt đối xử chống lại phụ nữ, hãy chuyển thư từ và yêu cầu của bạn tới:

Nếu là thư:

Committee on the Elimination of Discrimination against Women

c/o Division for the Advancement of Women, Department of Economic and Social Affairs

United Nations Secretariat, 2 United Nations Plaza, DC-2/12th Floor

New York, NY 10017, United States of America

Nếu là fax:

Fax + 1-212-963-3463

Phần II
CÁC KHIẾU TỐ TRÌNH UỶ BAN VỀ QUYỀN CON NGƯỜI
VÀ UỶ BAN VỀ ĐỊA VỊ CỦA PHỤ NỮ

Thủ tục 1503 của Uỷ ban về quyền con người

Giới thiệu

Thủ tục của Uỷ ban về quyền con người, được gọi là Thủ tục 1503 theo tên Nghị quyết của Hội đồng Kinh tế - Xã hội về việc thành lập Uỷ ban,(11) là cơ chế khiếu tố về quyền con người lâu đời nhất trong hệ thống Liên hợp quốc. Theo thủ tục này, Uỷ ban - một cơ quan chính trị bao gồm đại diện của các quốc gia thành viên, nhìn chung xử lý vấn đề ở các quốc gia thành viên hơn là xử lý các khiếu tố cá nhân.(12)

Thủ tục này đã được Hội đồng Kinh tế - Xã hội sửa đổi nhiều vào năm 2000 nhằm làm cho nó hiệu quả hơn, tạo thuận lợi cho sự đối thoại giữa các chính phủ liên quan và những cuộc thảo luận có ý nghĩa hơn trong giai đoạn cuối cùng của một khiếu tố được trình Hội đồng về quyền con người.(13) Nó cũng được gọi là Thủ tục 1503 sửa đổi, được diễn giải dưới đây.

Ai có thể trình khiếu tố theo thủ tục 1503?

Theo Thủ tục 1503, Uỷ ban có thẩm quyền xem xét những hình thức vi phạm thô bạo Quyền con người và các tự do cơ bản có tính kéo dài và có chứng cứ tin cậy, xảy ra ở bất cứ nước nào trên thế giới. Bất cứ cá nhân hay nhóm nào cho rằng mình là nạn nhân của những sự vi phạm nhân quyền như vậy đều có thể trình khiếu tố, cũng như bất kỳ ai có thông tin trực tiếp và đáng tin cậy về những vi phạm như vậy. Khi một tổ chức phi chính phủ (NGO) trình một khiếu tố, tổ chức này phải hành động dựa trên thiện chí và phù hợp với những nguyên tắc đã được công nhận về quyền con người. Tổ chức này cũng cần có chứng cứ trực tiếp và đáng tin cậy về tình huống đưa ra.

Những tài liệu nào cần trình theo Thủ tục 1503?

Trước hết, bạn phải trình những thông tin cá nhân, vì khiếu tố không thể được trình giấu tên. Bạn cần gửi khiếu tố tới Văn phòng Cao ủy về Nhân quyền Liên hợp quốc, và lý tưởng nhất là nêu cụ thể bạn muốn khiếu tố được xử lý theo Thủ tục 1503. Bạn cũng nên nêu ra mục đích của việc khiếu tố và những quyền mà bạn cho là bị vi phạm. Bạn có thể gửi tài liệu này bằng thư thường, fax hoặc email.(14) Mỗi khiếu tố nên mô tả một cách càng chi tiết càng tốt các tình tiết của vụ việc, đưa ra tên của nạn nhân, ngày tháng, địa điểm và những bằng chứng khác. Vì thủ tục này chỉ dành cho những vi phạm có tính quy mô hơn là các vi phạm cá nhân, do đó một khiếu tố không nên chỉ tập trung vào những vụ việc của một cá nhân, mà nếu được thì nên mở rộng ra một nhóm người hoặc một loạt các vụ việc như vậy. Sẽ là không đủ khi chỉ trông cậy vào thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng nên bạn cần cung cấp chứng cứ cụ thể. Tóm lại là cần có bằng chứng hợp lý để có thể suy ra từ những tài liệu được trình rằng có tồn tại trên thực tế sự vi phạm nhân quyền mang tính thô bạo.

Các tiêu chuẩn về khả năng chấp nhận vụ việc

Có nhiều điều kiện khác nhau mà khiếu tố của bạn cần đáp ứng để được chấp nhận. Nếu không thỏa mãn những tiêu chuẩn sau, khiếu tố có thể bị từ chối.

Khiếu tố của bạn phải được trình trong một khoảng thời gian hợp lý, sau khi đã sử dụng hết các biện pháp ở trong nước của bạn. Bạn nên chỉ ra được rằng bạn đã sử dụng hết các biện pháp này. Ngôn ngữ sử dụng trong khiếu tố không được mang tính lăng mạ. Nên tránh trình khiếu tố cùng lúc tới các cơ quan khác trong hệ thống Liên hợp quốc và việc lặp lại một khiếu tố đã được xem xét bởi những cơ quan này. Cuối cùng, không một khiếu tố nào nên đưa ra vì động cơ chính trị hay đi ngược lại với các nguyên tắc của Liên hợp quốc.

Thủ tục 1503 vận hành như thế nào?

Bạn có thể trình khiếu tố vào bất cứ thời điểm nào. Nếu khiếu tố của bạn vượt qua được giai đoạn xem xét ban đầu như mô tả ở trên, nó sẽ được các cơ quan xem xét chính thức theo Thủ tục 1503 - trong những phiên họp thường niên.

Bước 1: Sàng lọc hồ sơ ban đầu (Ban Thư ký cùng với Trưởng Nhóm công tác về đơn thư khiếu tố)

Ban Thư ký sẽ sàng lọc tất cả các đơn thư được gửi đến. Ban Thư ký cùng Trưởng Nhóm Công tác về đơn thư khiếu tố có thể từ chối khiếu tố của bạn nếu nó cho thấy là rõ ràng không có căn cứ hợp lý (xem Bước 2 ở dưới). Nếu khiếu tố của bạn có thể được chuyển sang giai đoạn tiếp theo, nó sẽ được xác nhận và chuyển tới chính phủ liên quan để bình luận. Hồi đáp của chính phủ là mật và không được chuyển tới bạn.

Bước 2: Nhóm công tác về đơn thư khiếu tố

Vào cuối mùa hè (thường là tháng 8),(15) Nhóm công tác về đơn thư khiếu tố họp để đánh giá những khiếu tố đã vượt qua giai đoạn sàng lọc hồ sơ ban đầu trong vòng một năm qua và đã được chuyển tới các chính phủ liên quan để đưa ra bình luận ít nhất là 12 tuần trước cuộc họp của Nhóm công tác. Nhóm sẽ xem xét các khiếu tố và bất cứ phản hồi nào từ phía chính phủ nhằm thông báo cho Nhóm công tác về Tình hình ở các nước biết về bất cứ diễn biến nào cho thấy một hình thức vi phạm các quyền và tự do cơ bản của con người một cách thô bạo và có chứng cứ tin cậy. Nhóm công tác bao gồm năm thành viên của Tiểu ban về Thúc đẩy và Bảo vệ Quyền con người. Nhóm có thể quyết định duy trì xem xét một khiếu tố để nhận được phản hồi hoặc thêm thông tin từ chính phủ liên quan hoặc vì lý do khác. Các phiên làm việc của Nhóm công tác là làm việc kín. Các phiên này cũng có thể được tổ chức chỉ dựa trên các tài liệu bằng văn bản, do đó sẽ không có đại diện của chính phủ hay bên khiếu tố có mặt. Nên chú ý rằng, hầu hết các khiếu tố đều không vượt qua được bước này. Các chính phủ có thể được gợi ý về những quyết định của Nhóm công tác nhưng bạn thì không.

Bước 3: Nhóm công tác về tình hình ở các nước

Vào đầu năm sau (thường là vào tháng 2), Nhóm công tác về tình hình tại các nước họp để xem xét các tình huống mà Nhóm công tác về đơn thư khiếu tố thông báo cho Nhóm.(16) Nhóm cũng xem xét bất cứ tình huống nào mà Uỷ ban Quyền con người vẫn chưa thể đưa ra quyết định sau phiên họp trước đó của Nhóm (xem giai đoạn tiếp theo). Trên cơ sở những tài liệu được cung cấp từ giai đoạn trước, Nhóm công tác sẽ quyết định liệu tình huống được thông báo cho Nhóm có cho thấy một hình thức vi phạm Quyền con người và các tự do cơ bản một cách thô bạo và có chứng cứ rõ ràng hay không.

Nhóm có năm thành viên là những người thường được bổ nhiệm bởi các nhóm quốc gia thuộc các khu vực khác nhau thuộc Uỷ ban Quyền con người nhằm bảo đảm sự phân bổ công bằng về mặt địa lý. Nhóm công tác có nhiều lựa chọn liên quan đến các tình hình được đưa ra. Nhóm có thể chuyển tình huống đó lên Uỷ ban Quyền con người. Trong trường hợp đó, Nhóm công tác thường đưa ra các khuyến nghị hành động cụ thể. Hoặc nhóm có thể quyết định giữ lại để tiếp tục xem xét tình hình hoặc đóng hồ sơ vụ việc. Cũng giống như Nhóm công tác về đơn thư khiếu tố, các phiên làm việc của Nhóm công tác về tình hình ở các quốc gia là kín và chỉ dựa trên những tài liệu bằng văn bản, do đó không có sự có mặt của đại diện chính phủ hay bên khiếu tố. Các chính phủ sẽ được gợi ý về quyết định của Nhóm công tác, trong đó có bất cứ khuyến nghị nào mà Nhóm trình Uỷ ban Quyền con người, nhưng bạn thì không.

Bước 4: Uỷ ban Quyền con người

Khoảng một tháng sau phiên họp trước (thường là vào tháng ba), Uỷ ban Quyền con người họp kín để xem xét các tình huống được Nhóm công tác về tình hình tại các nước chuyển lên Uỷ ban. Đại diện của chính phủ liên quan được mời để phát biểu và trả lời câu hỏi trước Uỷ ban. Ở cuộc họp tiếp theo không lâu sau đó, Uỷ ban lại họp kín để xem xét đưa ra quyết định cuối cùng. Ở thời điểm này, đại diện của chính phủ vẫn có thể tham dự. Uỷ ban có nhiều lựa chọn để xử lý các tình huống được trình. Uỷ ban có thể bỏ phiếu để quyết định liệu có tiếp tục xem xét một tình huống dựa trên những thông tin bổ sung hay bổ nhiệm một chuyên gia độc lập để xem xét vấn đề. Hoặc Uỷ ban có thể không tiếp tục vấn đề theo Thủ tục 1503 và tiến hành xem xét vụ việc theo thủ tục chung,(17) hoặc không tiếp tục vấn đề khi không cần có sự xem xét thêm nào nữa. Nếu muốn, Uỷ ban cũng có thể đưa ra khuyến nghị cho cơ quan cấp trên là Hội đồng Kinh tế và Xã hội. Sau khi Uỷ ban đã xem xét tình hình được trình lên, Chủ tịch Uỷ ban sẽ thông báo trong một phiên họp công khai tên các quốc gia được xem xét theo Thủ tục 1503 và tên của những quốc gia không còn xem xét theo thủ tục đó nữa.

Tính bảo mật của Thủ tục 1503

Mặc dù bạn phải cho biết tên khi đưa ra khiếu tố của mình, song bạn cũng có thể yêu cầu được giấu tên nếu khiếu tố của bạn được chuyển cho quốc gia liên quan. Tất cả các tài liệu do các cá nhân hoặc chính phủ cung cấp, cũng như các quyết định được đưa ra ở các giai đoạn khác nhau là bí mật và không được công bố. Điều này cũng được áp dụng cho các tình huống không được tiếp tục xem xét, trừ khi Hội đồng Kinh tế - Xã hội có quyết định khác hoặc chính phủ liên quan bày tỏ mong muốn hồ sơ được công bố. Tuy nhiên, trong khi những quy định về tính bảo mật này là ràng buộc đối với các cơ quan của Liên hợp quốc liên quan tới khiếu tố của bạn, thì các cơ quan này không ngăn cản bạn công bố việc bạn đã trình một khiếu tố nào đó theo Thủ tục 1503.

Lợi thế và những điểm hạn chế có thể của Thủ tục 1503

Cũng giống như tất cả các thủ tục khác đã mô tả trong Tài liệu chuyên đề này, Thủ tục 1503 có những lợi thế và hạn chế mà bạn cần cân nhắc trước khi quyết định cơ chế nào tốt nhất để bạn trình khiếu tố. Những ưu thế của Thủ tục 1503 là bạn có thể trình một khiếu tố chống lại bất cứ quốc gia nào mà không cần kiểm tra xem liệu quốc gia đó đã phê chuẩn một công ước nào đó chưa hoặc tự hạn chế những nghĩa vụ của nó theo công ước đó chưa. Một khi bạn đã trình khiếu tố, bạn không cần cung cấp thêm thông tin ở thời điểm sau đó - khiếu tố ban đầu là đủ. Với Thủ tục 1503, khiếu tố của bạn có thể tới được cơ quan cấp cao nhất trong bộ máy nhân quyền của Liên hợp quốc - đó là Uỷ ban Quyền con người. Và nhờ đó, nó có thể tạo được áp lực đáng kể để một quốc gia phải thay đổi pháp luật, chính sách hoặc cách làm dẫn đến sự vi phạm các quyền con người đã được bảo đảm ở quy mô quốc tế.

Những hạn chế có thể của thủ tục này là bạn sẽ không được thông báo về các quyết định được đưa ra ở những giai đoạn khác nhau hoặc lý do cho những quyết định đó. Bạn cũng không được thông báo về hồi đáp của chính phủ liên quan đối với khiếu tố của bạn. Bạn nên chú ý rằng, thủ tục này có thể kéo dài thời gian và không giống như các thủ tục được nêu trong Phần 1, không có điều khoản nào về các biện pháp bảo vệ khẩn cấp.

Trình khiếu tố theo Thủ tục 1503 như thế nào?

Đối với thủ tục này, hãy gửi thư từ và yêu cầu của bạn tới

Nếu là thư:

Commission/Sub-Commission Team (1503 Procedure)

Treaties & Commission Branch

Office of the High Commissioner for Human Rights

United Nations Office at Geneva

1211 Geneva 10, Switzerland

Nếu là fax hoặc email:

Fax + 41 22 9179011

E-mail 1503@ohchr.org

Thủ tục của Uỷ ban về Địa vị của Phụ nữ

Trong khi Thủ tục 1503 nhằm đưa ra ánh sáng những hình thức vi phạm nhân quyền thô bạo mang tính quy mô ở các quốc gia, thì thủ tục khiếu tố mang tính bảo mật của Uỷ ban về Địa vị của Phụ nữ được thiết kế nhằm xác định những xu hướng mang tính toàn cầu liên quan đến quyền của phụ nữ. Thủ tục này được thiết lập phù hợp với nhiều nghị quyết của Hội đồng Kinh tế - Xã hội, theo đó, Uỷ ban có quyền xem xét các khiếu tố cần bảo mật hoặc không cần bảo mật về địa vị của phụ nữ.(18) Giống như với Thủ tục 1503, mục đích chính của thủ tục này không mang lại sự bồi hoàn trực tiếp cho các nạn nhân của sự vi phạm nhân quyền.

Thủ tục của Uỷ ban

Mỗi năm, Ban Thư ký của Uỷ ban nhận khiếu tố từ các cá nhân và tổ chức gửi tới. Ban Thư ký xác nhận là đã nhận khiếu tố và giải thích ngắn gọn về thủ tục cho người trình khiếu tố. Sau đó, Ban sẽ tóm tắt các khiếu tố này và gửi chúng tới các chính phủ liên quan để bình luận. Tên của người khiếu tố chỉ được tiết lộ cho các chính phủ liên quan (và sau đó là Uỷ ban Quyền con người) khi có sự đồng ý rõ ràng của người khiếu tố. Sau đó khiếu tố sẽ được xem xét bởi Nhóm công tác về đơn thư khiếu tố bao gồm năm thành viên của Uỷ ban về Địa vị của Phụ nữ, đại diện cho tất cả các khu vực địa lý và họp trong thời gian diễn ra cuộc họp thường niên của Uỷ ban (thường là vào mùa xuân).

Trong các phiên họp riêng, Nhóm xem xét tất cả các đơn thư và hồi đáp từ các chính phủ nhằm thu hút sự chú ý của Uỷ ban đối với những tình huống “cho thấy có những hình thức đối xử bất công và mang tính phân biệt chống lại phụ nữ có chứng cứ rõ ràng”. Nhóm công tác sau đó sẽ chuẩn bị một báo cáo trình Uỷ ban, trong đó “chỉ ra những loại khiếu tố được trình thường xuyên nhất lên Uỷ ban”. Người khiếu tố là các cá nhân sẽ không được cung cấp hồi đáp của chính phủ hay báo cáo của Nhóm công tác. Uỷ ban về Địa vị của Phụ nữ xem xét báo cáo của Nhóm công tác trong một phiên họp kín. Sau đó Uỷ ban sẽ báo cáo Hội đồng Kinh tế - Xã hội, đưa ra những khuyến nghị mà Uỷ ban cho là phù hợp để Hội đồng đưa ra hành động về “những xu hướng và hình thức khiếu tố đang nổi lên”. Uỷ ban không có quyền đưa ra bất kỳ hành động nào khác.

Trình khiếu tố trước Uỷ ban về Địa vị của Phụ nữ như thế nào?

Hãy gửi khiếu tố lên Uỷ ban theo địa chỉ: 

Uỷ ban về Địa vị của Phụ nữ

Bộ phận vì sự tiến bộ của phụ nữ, Ban các vấn đề kinh tế và xã hội

(Chi tiết liên hệ của Bộ phận này được nêu ở cuối phần 1 ở trên)

 

Nguyên bản tiếng Anh:

“Communications Procedures”

(Fact Sheet No.7, Rev.1)


 

 



(1) Nếu bạn gặp khó khăn trong việc truy cập trang web của OHCHR, hãy chuyển yêu cầu của bạn tới Ban thư ký của các cơ quan điều ước (địa chỉ ở cuối mỗi phần viết về các cơ quan này).

(2) Đối với những khiếu tố theo Nghị định thư không bắt buộc của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, Công ước chống Tra tấn và Công ước quốc tế về loại trừ sự phân biệt chủng tộc.

(3) Đối với các khiếu tố theo Nghị định thư không bắt buộc của Công ước về loại trừ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ.

(4) Vì cần có chữ ký nên khiếu tố không thể được chuyển bằng email. Tuy nhiên, bạn có thể liên hệ không chính thức với Ban thư ký của Uỷ ban bằng thư điện tử (xem địa chỉ liên hệ ở cuối Tài liệu chuyên đề này).

(5) Điều này cũng áp dụng cho các khiếu tố trình lên Toà án châu Phi về quyền con người và quyền của các dân tộc khi cơ quan này bắt đầu đi vào hoạt động.

(6) Bảo lưu là tuyên bố chính thức của các quốc gia giới hạn những nghĩa vụ mà họ chấp nhận theo một điều khoản cụ thể nào đó của một điều ước quốc tế.

(7) Một quốc gia có thể đã tham gia một tuyên bố, mà nói một cách chính thức, là chỉ đơn giản ghi nhận cách hiểu của quốc gia đó về một điều khoản nào đó. Một tuyên bố trên thực tế có thể có hiệu lực tương tự như một bảo lưu và đó là hiệu lực đối với công ước liên quan.

(8) Để có thêm thông tin về Uỷ ban Quyền con người, xem Tài liệu chuyên đề số 15 trong loạt tài liệu chuyên đề của OHCHR.

(9) Để có thêm thông tin về Uỷ ban về loại trừ sự phân biệt chủng tộc, xem Tài liệu chuyên đề số 12 trong loạt tài liệu chuyên đề của OHCHR.

(10) Để có thêm thông tin về Uỷ ban về bảo vệ tất cả những người lao động di trú và các thành viên gia đình họ, xem Tài liệu chuyên đề số 24 trong loạt tài liệu chuyên đề của OHCHR.

(11) Nghị quyết số 1503 của Hội đồng Kinh tế - Xã hội (XLVIII) ngày 27/5/1970.

(12) Uỷ ban Quyền con người là tổ chức thành lập ra nhiều cơ quan giải quyết khiếu tố, trong đó có các Báo cáo viên đặc biệt mà Uỷ ban bổ nhiệm để theo dõi tình hình cụ thể ở các quốc gia và phụ trách các lĩnh vực theo chủ đề nhất định.

(13) Nghị quyết số 2000/3 ngày 16/6/2000 của Hội đồng Kinh tế - Xã hội.

(14) Nếu tên của người khiếu tố không rõ trong địa chỉ email, nó phải được nêu cụ thể trong nội dung email.

(15) Nhóm công tác về đơn thư khiếu tố họp trong hai tuần ngay sau khi kết thúc phiên họp của Tiểu ban về Thúc đẩy và Bảo vệ Quyền con người.

(16) Nhóm công tác về tình hình tại các quốc gia họp trong một tuần, ít nhất là một tháng trước khi diễn ra phiên họp hàng năm của Uỷ ban Quyền con người.

(17) Thủ tục công khai được nêu trong Nghị quyết số 1235 (XLII) của Hội đồng Kinh tế và Xã hội.

(18) Nghị quyết số 76 (V) ngày 5/8/1947, số 304 I (XI) ngày 14 và 17/7/1950, số 1983/27 ngày 26/5/1983, số 1992/19 ngày 30/7/1992 và số 1993/11 ngày 27/7/1993.

 

Drupal theme by Adaptivethemes - Design by Kodamera