- Trang chủ-Home
- Luật QT-International Law
- Điều ước - Treaties
- Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế (UDHR)
- Các công ước chính về nhân quyền - Basic Treaties on HR
- Các ngành luật khác - other law branches
- Điều ước Việt Nam tham gia - Treaties participated by Vietnam
- Bình luận / Khuyến nghị chung - General Comments/Recommendations
- Báo cáo - Reports
- Cơ chế & Thủ tục - Mechanism & Procedure
- Án lệ - Case law
- Điều ước - Treaties
- PL Việt Nam-Vietnam Law
- NC&GD-HR Researchs
- E-Learning
- Đào tạo-Education
- Đào tạo thạc sĩ - Master Degree
- Liên hệ-Contact
Chuyên đề 5
Đăng bởi honeyquyen lúc T5, 10/13/2011 - 17:44
Tên tiếng Anh
Programme of Action for the Second Decade to Conbat Racism and Racial Discriminaition (Fact Sheet No.5)
Văn bản tiếng Việt
CHUYÊN ĐỀ 5
CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CHO THẬP KỶ THỨ HAI
VỀ CHỐNG CHỦ NGHĨA PHÂN BIỆT CHỦNG TỘC VÀ
TỆ PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ VỀ CHỦNG TỘC(*)
(Tóm tắt nội dung Hội nghị tư vấn toàn cầu
về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và tệ phân biệt đối xử về chủng tộc,
tổ chức tại Geneva từ ngày 3 đến 6/10/1988)
Đặt vấn đề
Phân biệt đối xử là sự phủ nhận các quyền và tự do cơ bản của con người. Khi mà sự phân biệt đối xử, và biểu hiện rõ ràng, trắng trợn nhất của nó là chủ nghĩa phân biệt chủng tộc vẫn tồn tại, thì chúng ta không thể hy vọng xây dựng một cộng đồng quốc tế dựa trên sự công bằng, giá trị và nhân phẩm của con người. Chúng ta không thể tiếp tục làm ngơ trước sự lăng nhục một cách hiển nhiên đối với nhân phẩm của con người. Sự lăng nhục đó được thể hiện dưới hình thức phân biệt đối xử về chủng tộc được thể chế hoá, chế độ Apartheid. Nhân loại đòi hỏi ở chúng ta một sự phản ứng bằng mối quan tâm, sự đoàn kết và hành động.
Đại hội đồng Liên hợp quốc, trong Nghị quyết 42/47, đã uỷ quyền cho Tổng thư ký tổ chức vào năm 1988, trong khuôn khổ Chương trình hành động của Thập kỷ thứ hai chống Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và Phân biệt đối xử về chủng tộc, một hội nghị tư vấn toàn cầu với sự tham gia của các đại diện trong hệ thống Liên hợp quốc cùng các tổ chức liên chính phủ khu vực và các tổ chức phi chính phủ có liên quan được hưởng quy chế tư vấn, để tập trung bàn về sự phối hợp các hoạt động quốc tế chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử về chủng tộc. Những kết quả của Hội nghị tư vấn này đã được phổ biến một cách rộng rãi.
Hội nghị tư vấn toàn cầu diễn ra từ ngày 3 đến 6/10/1988 tại Cung điện Nhà nước ở Geneva. Phó Tổng thư ký phụ trách Quyền con người, Ngài Jan Martenson, giữ cương vị Chủ tịch và Báo cáo viên của Hội nghị.
Trong quá trình tổ chức Hội nghị tư vấn, Trung tâm Quyền con người đặc biệt lưu ý tới đề nghị của Đại hội đồng Liên hợp quốc là phải huy động tối đa áp lực quốc tế nhằm đạt được các mục tiêu của Thập kỷ thứ hai và thực hiện những biện pháp được đặt ra trong Chương trình Hành động. Mục đích đề ra là nhằm khuyến khích việc trao đổi quan điểm nhiệt tình và sâu rộng, và đưa ra những ý tưởng và khuyến nghị hay, từ đó giúp tạo ra động lực mới cho cuộc đấu tranh toàn cầu chống phân biệt đối xử về chủng tộc.
Chính vì vậy, thành phần và hình thức của Hội nghị tư vấn đã được thiết kế nhằm đáp ứng cả về tinh thần và câu chữ trong nghị quyết có liên quan của Đại hội đồng. Nhóm đại biểu đại diện rộng rãi cho tất cả các giới trong cộng đồng quốc tế, bao gồm các nhà hoạt động về quyền con người, các tổ chức phi chính phủ (NGOs) và các chuyên gia. Chủ đề trọng tâm là trình bày và đánh giá đóng góp của các tổ chức và cơ quan Quyền con người lên Chính phủ, cũng như các bộ phận trong Ban Thư ký của hệ thống Liên hợp quốc, các cơ quan chuyên môn và các tổ chức, định chế quốc tế khác. Đồng thời, những quan điểm của các học giả, nhà khoa học, giáo sư các trường đại học và của các tổ chức phi chính phủ đã được đặc biệt lưu ý.
Những chủ đề được thảo luận
Trong quá trình diễn ra các cuộc họp, Hội nghị tư vấn xem xét những chủ đề sau đây:
1. Sự thách thức quốc tế của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ngày nay;
2. Nguồn gốc của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử về chủng tộc;
3. Những hình thái hiện nay của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, đặc biệt là chế độ Apartheid.
4. Những nhóm dễ bị tổn thương và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc;
5. Hành động hiện tại và tương lai của Liên hợp quốc với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và nạn phân biệt đối xử về chủng tộc.
6. Sự phối hợp và tăng cường các hành động quốc tế ở mọi cấp độ nhằm chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và nạn phân biệt đối xử về chủng tộc.
Những kết quả của Hội nghị tư vấn toàn cầu cho thấy thành phần, hình thức và chương trình nghị sự của Hội nghị đã tạo cơ sở để xem xét một loạt vấn đề liên quan đến chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, sự phân biệt đối xử về chủng tộc và chế độ Apartheid, đưa ra những vấn đề xuất và khuyến nghị mới và thú vị cho hoạt động tiếp sau. Do vậy, quyết định cuối cùng của Đại hội đồng là sẽ tổ chức thêm một hội nghị tư vấn tương tự sau này nếu cần thiết.
Các thông điệp
Hội nghị tư vấn đã nhận được một thông điệp quan trọng của Chủ tịch Uỷ ban đặc biệt chống Apartheid, ngài Joseph Garba. Thông điệp nhấn mạnh rằng sự lãnh đạo của Uỷ ban đặc biệt trong cuộc đấu tranh chống tội ác Apartheid đòi hỏi và xứng đáng sự ủng hộ và khích lệ toàn cầu nhằm xoá bỏ hoàn toàn tội ác chống nhân loại này được hình thành từ những chính sách của chế độ Apartheid.
Một đóng góp có giá trị nữa vào các cuộc tranh luận là của đại diện Uỷ ban đặc biệt về trao trả độc lập cho các nước và các dân tộc thuộc địa. Đại diện này chỉ ra rằng sự xoá bỏ hệ thống thuộc địa có mối liên hệ chặt chẽ với cuộc chiến chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và sự phân biệt đối xử về chủng tộc, trong đó chế độ Apartheid đã trở thành một trong những biểu hiện ghê tởm và khủng khiếp nhất.
Một đóng góp có giá trị khác cho Hội nghị tư vấn là từ bà Danielle Mitterrand, Chủ tịch sáng lập Quỹ Tự do Pháp (Foundation France Liberte’s). Bà Mitterrand nhấn mạnh rằng, nếu chúng ta tập hợp những lực lượng của chúng ta lại, quyết tâm và ý chí chung của chúng ta, thì chúng ta sẽ đẩy nhanh sự kết thúc của tội ác diệt chủng, hận thù dân tộc và phân biệt đối xử về chủng tộc. Trên tinh thần đó, chúng ta sẽ tiếp tục mở rộng mọi quyền dân tộc và xã hội, những quyền đã được phát triển không ngừng trong nửa sau của thế kỷ XIX và được đưa vào “kho tàng các quyền” trong thời đại của chúng ta.
Thách thức quốc tế của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ngày nay
Ngay phiên họp đầu tiên vào ngày 3/10 do ngài Jan Martenson, Điều phối viên, khai mạc, Hội nghị tư vấn toàn cầu đã xem xét chủ đề “Thách thức quốc tế của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ngày nay”. Bà Danielle Mitterand, Chủ tịch sáng lập Quỹ Tự do Pháp, Ngài Bemt Carlsson, Uỷ viên Uỷ ban của Liên hợp quốc về Namibia; Đại sứ Konstantin Tellalov, Chủ tịch Uỷ ban Quyền con người Bulgari; Ngài Edem Kodjo, Giám đốc Học viện Quan hệ quốc tế Pan African và cựu Tổng thư ký Tổ chức Thống nhất châu Phi (OAU); và Ngài Marek Hagmajer, Chủ tịch Uỷ ban các Tổ chức phi chính phủ đã có bài phát biểu tại Hội nghị tư vấn về vấn đề này.
Trong quá trình xem xét chủ đề này, có ý kiến cho rằng, cộng đồng quốc tế ngày nay đang phải đương đầu với một thách thức mới của Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và sự phân biệt đối xử về chủng tộc vì chúng đã xâm nhập vào rất nhiều lĩnh vực của đời sống con người và vì vậy đã đặt ra câu hỏi về nền tảng đạo đức và tinh thần của nó.
Mặc dù chế độ Apartheid tiếp tục là hình thức phân biệt đối xử về chủng tộc tàn bạo nhất và được thể chế hoá, và là một tội ác chống nhân loại, nhưng sự phân biệt đối xử về chủng tộc không chỉ nên được xem xét riêng trong bối cảnh của chế độ Apartheid. Dưới khẩu hiệu bảo vệ dân tộc chống lại những “làn sóng người có màu da khác”, các phong trào cực hữu quyết tâm gây ra sự phân biệt đối xử về chủng tộc trong thanh niên. Thất nghiệp, các bệnh truyền nhiễm như AIDS và tâm lý quy mọi cái xấu xa cho người nước ngoài được xem như là những khía cạnh khác có thể dẫn đến sự phân biệt đối xử về chủng tộc và những định kiến chủng tộc. Nhân đây, cũng phải kể đến vai trò của những lực lượng kinh tế, xã hội và văn hoá. Hoạt động của những lực lượng này có thể làm trầm trọng thêm những quan điểm và định kiến chủng tộc; sự di cư lao động quốc tế; các hình thái của chủ nghĩa bộ tộc và chủ nghĩa dân tộc... tất cả những vấn đề đó có thể dẫn đến sự trục xuất, tàn sát, hận thù dân tộc, chủng tộc và sự phân biệt đối xử. Người ta cho rằng sau những tội ác của chủ nghĩa quốc xã, và sự tàn sát người Do Thái trong chiến tranh thế giới thứ II, thì khó có thể chấp nhận là con người vẫn bị phân biệt và kỳ thị bởi màu da, tôn giáo, văn hoá và giới tính của họ. Kỷ niệm lần thứ 40 ngày Liên hợp quốc thông qua UDHR chính là dịp để bày tỏ sự trân trọng đối với hoạt động của hệ thống Liên hợp quốc trong việc đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, định kiến và phân biệt đối xử về chủng tộc, và trong việc bảo vệ và thúc đẩy sự tôn trọng cac quyền và tự do cơ bản của con người. Để đối phó với những thách thức mới, có đề xuất cho là cần phải quan tâm đặc biệt tới việc thực hiện đầy đủ những chuẩn mực quốc tế liên quan tới xoá bỏ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và sự phân biệt đối xử về chủng tộc cả trên bình diện quốc gia và quốc tế, cũng như các biện pháp nhằm tăng cường vai trò của tất cả các loại hình giáo dục trong việc hình thành nhận thức và thái độ đạo lý của thanh niên.
Cần nhấn mạnh là thái độ trong nhận thức khi công nhận người “khác”, đáp ứng và hiểu những khác biệt giữa con người với nhau, giữa tập quán, truyền thống, tôn giáo và nền văn hoá của họ là những tiêu chí quan trọng để loại bỏ những định kiến và sự phân biệt đối xử về chủng tộc, bởi vì chính Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đã dẫn đến sự cực đoan, không khoan dung và sự tàn nhẫn.
Về chủ đề này, những người phát biểu đã nhiều lần đề cập đến tình hình ở Nam Phi và Namibia và nhấn mạnh trách nhiệm của Liên hợp quốc, các cơ quan chuyên môn, các tổ chức phi chính phủ và phi chính phủ trong việc chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, sự phân biệt đối xử về chủng tộc và chế độ Apartheid.
Cần nhấn mạnh thêm rằng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc còn là một nhân tố tiêu cực cho sự phát triển và tiến bộ xã hội khi loại bỏ những cá nhân có tài năng ra khỏi cơ hội được giáo dục hoặc đảm nhận những công việc khoa học hay những công việc khác vì những lý do chủng tộc của họ. Hơn thế, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc được cho là không chỉ làm tăng những căng thẳng nội bộ mà còn làm gia tăng những cuộc xung đột giữa các nước. Những hành động đó có thể dẫn đến leo thang và đe dọa hoà bình và an ninh quốc tế.
Nguồn gốc của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và sự phân biệt đối xử về chủng tộc
Thứ 2, ngày 3/10/1988, trong phiên họp buổi chiều, Hội nghị tư vấn toàn cầu dành toàn bộ thời gian để thảo luận về chủ đề “Nguồn gốc của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và sự phân biệt đối xử về chủng tộc”.
Những đại biểu sau đây đã phát biểu tại cuộc họp về chủ đề trên: Giáo sư Albert de Pury, Trưởng khoa Thần học, Trường Đại học Geneva (Thuỵ Sĩ); Giáo sư sử học Joseph Ki Zerbo, Trường Đại học Tổng hợp Dakar (Senegal); Giáo sư Samir Amin, Giám đốc Văn phòng Diễn đàn Thế giới thứ ba ở châu Phi; và Giáo sư Danilo Turk,Trường Đại học Ljublana (Nam Tư).
Trong suốt phiên họp, vấn đề được nêu ra là liệu có phải những tôn giáo thuần nhất, trong hình thức cổ xưa của họ, đã đóng góp theo một cách nhất định vào nguồn gốc của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, mặc dù thực tế là tất cả các tôn giáo này chấp nhận con người đều do cùng cha mẹ sinh ra.
Có ý kiến đề cập đến sự thống nhất cơ bản của nhân loại: về mặt khoa học, khái niệm đích thực về chủng tộc là mập mờ vì nó chứa đựng những yếu tố xung đột khác nhau.
Mối quan hệ giữa chủ nghĩa thuộc địa và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc cũng là khía cạnh được quan tâm, trong đó đặc biệt đề cập đến kỷ nguyên thuộc địa và hậu thuộc địa ở châu Phi, và một thực tiễn được nhắc đến là những lợi ích kinh tế trở thành một trong những khía cạnh quan trọng nhất của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Trong bối cảnh như vậy, Hội nghị chỉ ra rằng chế độ Apartheid chính là sự hiện thân nguy hiểm và cực đoan nhất của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ngày nay, và rằng cần phải có một nỗ lực toàn cần để xoá bỏ nó. Có quan điểm cho rằng sự ngu dốt đóng một vai trò chủ chốt trong sự tồn tại cố hữu của lòng định kiến và sự phân biệt đối xử về chủng tộc. Hội nghị đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải có sự tham gia mang tính xây dựng ở tất cả các tầng lớp xã hội nhằm có một sự chấp nhận tốt hơn những khác biệt giữa con người và sự đa dạng về chủng tộc và các nền văn hoá.
Có một mối liên hệ giữa quá trình mở rộng châu Âu trong suốt thế kỷ trước với tư tưởng của chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Có sự quan ngại về các hình thức gián tiếp của chủ nghĩa thuộc địa này nay. Cũng có ý kiến cho rằng cần có nhiều lỗ lực hơn để xoá bỏ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và sự phân biệt đối xử về chủng tộc, đặc biệt thông qua giáo dục, và kêu gọi ủng hộ sự chấp thuận trên toàn cầu những văn kiện về quyền con người hiện hành chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và sự phân biệt đối xử về chủng tộc nhằm thiết lập một nền văn hoá quốc tế về quyền con người.
Hội nghị đã chỉ ra rằng sự phân biệt đối xử về chủng tộc có thể hiện ở nhiều góc độ khác nhau. Đôi khi, nó có thể thể hiện dưới hình thức đơn giản là định kiến chủng tộc. Trong trường hợp đó, giáo dục có thể là một biện pháp chữa trị. Có lúc, nó có thể thể hiện dưới góc độ sự thống trị của một tầng lớp xã hội này đối với một tầng lớp xã hội khác. Trong thực tế, vấn đề này còn phức tạp hơn nhiều. Phân biệt đối xử về chủng tộc gắn liền với lịch sử nhân loại và thực tiễn cho thấy tiến trình lịch sử của nhân loại chưa đủ để xoá bỏ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và sự phân biệt đối xử về chủng tộc. Trong bối cảnh này, nguyên tắc bình đẳng trong áp dụng pháp luật đối với mọi người được nêu ra.
Trong quá trình thảo luận, các đại biểu nhấn mạnh đến mối quan hệ rất mật thiết giữa việc xóa bỏ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, sự phân biệt đối xử về chủng tộc, chế độ Apartheid và việc thực hiện đầy đủ các quyền kinh tế xã hội và văn hoá. Có ý kiến cho rằng hai mục tiêu này phụ thuộc lẫn nhau. Tình trạng của những người tị nạn, người lao động di trú và những người bản địa đã được đưa ra nhưng những ví dụ minh chứng.
Các hình thức của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc hiện đại, đặc biệt là chế độ Apartheid
Thứ 3, ngày 4/10/1988, trong phiên họp buổi sáng, Hội nghị tư vấn toàn cầu đã thảo luận chủ đề “Các hình thức của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc hiện đại, đặc biệt là chế độ Apartheid”. Những đại biểu sau đã phát biểu tại cuộc họp: Mục sư Rev.N.Barney Pityaan, Giám đốc chương trình chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc (Hội đồng Giáo hội thế giới); Ngài Nicholas D. Kitikiti (Phó đại diện thường trực của Zimbabwe); Ngài Kader Amsal, giảng viên cao cấp về luật (Đại học Trinity, Dublin); Ngài Theodore S. Zoupanos, Đại diện Trung tâm chống Apartheid; và Ngài Asbjon Eide, uỷ viên Tiểu ban về ngăn ngừa sự phân biệt đối xử và bảo vệ người thiểu số của Liên hợp quốc.
Chế độ Apartheid được nêu ra như là một hình thức chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và sự phân biệt đối xử về chủng tộc tàn bạo nhất và không thể chấp nhận được. Mục tiêu chung của cộng đồng quốc tế trong những năm tới là xoá bỏ hoàn toàn tội ác này. Vai trò của các giáo hội trong vấn đề này được coi trọng. Cũng có đề xuất cho là cần nghiên cứu sâu hơn nữa về các yếu tố cấu thành của chế độ Apartheid nhằm xử lý tốt hơn vấn đề này. Theo khuyến nghị của Đại hội đồng, một lời kêu gọi chung về việc cần áp dụng nghiêm khắc các chế tài bắt buộc đối với Nam Phi đã được thông qua.
Hiện tượng “bài ngoại” và “nỗi sợ hãi khác” cũng được bàn luận đến, và có ý kiến cho là khi một nhà nước được tổ chức dựa trên nền tảng của một nền văn hoá hoặc một tôn giáo duy nhất, nó có thể làm phát sinh những hiện tượng đó. Những hiện tượng như vậy cũng xuất hiện ở bất kỳ đâu khi có sự bất ổn kinh tế. Trong quá trình tranh luận, hoàn cảnh của người Palestin ở những vùng lãnh thổ bị chiếm đống đã được đưa ra làm dẫn chứng.
Những nhóm dễ bị tổn thương và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc
Thứ tư, ngày 4/10/1988, trong phiên họp buổi chiều, Hội nghị tư vấn toàn cầu đã thảo luận về chủ đề “Những nhóm dễ bị tổn thương và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc”, trong đó đặc biệt đề cập đến người bản địa, người lao động di trú, người tị nạn và người thiểu số. Nhưng đại biểu đã có tham luận gồm: Giáo sư Erica- Irence Daes, Chủ tịch Nhóm công tác của Tiểu ban về chống phân biệt đối xử và bảo vệ người thiểu số; Ngài Roger Boening, Trưởng phòng Nhập cư lao động quốc tế của ILO; Ngài Ghassan M. Armaut, trưởng phòng lý luận và pháp luật về người tị nạn của UNHCR; và Giáo sư Danilo Turk, uỷ viên Tiểu ban về chống phân biệt đối xử và bảo vệ người thiểu số. Các đại biểu đã chú ý đến thực tế là người bản địa là những người đặc biệt hay phải đối mặt với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và sự phân biệt đối xử về chủng tộc. Hội nghị đã khuyến nghị các Chính phủ cần thông qua những biện pháp lập pháp, hành pháp, kinh tế và xã hội nhằm xoá bỏ những chính sách và tập tục phân biệt đối xử đối với các cá nhân, nhóm, cộng đồng và các dân tộc bản địa để cải thiện điều kiện sống của người bản địa và tạo mối quan hệ hoà hợp giữa người bản địa và những người không bản địa.
Trong bối cảnh này, sự đối xử phân biệt có tính tích cực được nêu trong những văn kiện quốc tế, những hiến pháp quốc gia, và những biện pháp lập pháp và hành pháp khác có thể được coi là thích hợp. Sự cần thiết phải tiến hành tất cả các biện pháp có thể nhằm giúp những người dân bản xứ duy trì và phát triển văn hoá của họ được nhấn mạnh. Một số khuyến nghị cụ thể của Tiểu ban về chống phân biệt đối xử và bảo vệ người thiểu số về dự thảo Tuyên ngôn thế giới về các quyền của người bản địa, và kiến nghị lấy năm 1993 là Năm Quốc tế vì sự thúc đẩy các quyền của người bản địa cũng được đưa ra thảo luận.
Thực trạng của những người lao động di trú cũng được Hội nghị tư vấn toàn cầu xem xét. Hội nghị cho rằng những người lao động di trú đặc biệt dễ có nguy cơ trở thành nạn nhân của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và sự phân biệt đối xử về chủng tộc. Có ý kiến cho rằng phân biệt đối xử về chủng tộc thường đồng nghĩa với việc kỳ thị người nước ngoài. Vai trò của ILO trong vấn đề này, thể hiện ở sự tham gia mạnh mẽ của tổ chức này trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và sự phân biệt đối xử về chủng tộc qua việc thúc đẩy các chuẩn mực quốc tế về lao động được đánh giá cao. Hội nghị cũng chỉ ra rằng các văn kiện của ILO luôn nhấn mạnh đến đối xử bình đẳng với tất cả mọi người bất kể quốc tịch nào.
Người tị nạn là một nhóm dễ bị tổn thương khác được đưa ra thảo luận. Hội nghị chỉ ra rằng hoạt động của Cao uỷ Liên hợp quốc về người tỵ nạn, phù hợp với thẩm quyền của mình, không phân biệt nguyên nhân hay nguồn gốc của sự di trú tị nạn mà chỉ giải quyết những tác động của chúng. Mối quan hệ giữa đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và bảo vệ người tị nạn và sự bảo vệ dành cho họ được đặc biệt nhấn mạnh. Trong bối cảnh này, sự hợp tác ngày càng tăng với các NGOs được đặc biệt nhấn mạnh.
Liên quan đến việc bảo vệ người thiểu số, câu hỏi được đặt ra là phải làm gì để cải thiện số phận của người thiểu số ở các nước khác nhau. Mối liên hệ chặt chẽ giữa việc ngăn chặn sự phân biệt đối xử và bảo vệ người thiểu số cũng đã được đưa ra thảo luận. Hội nghị đã khuyến nghị rằng hoạt động của Liên hợp quốc liên quan đến vấn đề bảo vệ người thiểu số nên gắn phần lớn với việc ngăn chặn sự phân biệt đối xử. Về vấn đề này, cần tiến hành nghiên cứu và phân tích cách thức tiếp cận theo một phương thức cụ thể về tình trạng của người thiểu số ở những khu vực khác nhau trên thế giới.
Hoạt động hiện nay và trong tương lai của Liên hợp quốc về xóa bỏ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và sự phân biệt đối xử về chủng tộc
Chủ đề “Hoạt động hiện nay và trong tương lai của Liên hợp quốc trong việc xóa bỏ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và sự phân biệt đối xử về chủng tộc” được thảo luận trong phiên họp buổi sáng ngày 6/10/1988. Những đại biểu sau đã phát biểu tại phiên họp: Ngài Đại sứ Alioune Senen, Chủ tịch Uỷ ban Quyền con người; Giáo sư Erica - Jrene Daes, uỷ viên Tiểu ban về ngăn ngừa sự phân biệt đối xử và bảo vệ người thiểu số; Ngài George O. Lamptey, Chủ tịch Uỷ ban về xoá bỏ sự phân biệt đối xử về chủng tộc; Giáo sư Fausto Pocar, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quyền con người; và Ngài Ibrahim Badawi, Chủ tịch Uỷ ban về Các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá.
Vai trò của Uỷ ban Quyền con người trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và sự phân biệt đối xử về chủng tộc được đặc biệt chú trọng. Chương trình nghị sự và những lĩnh vực hoạt động của Uỷ ban như quyền tự quyết, vấn đề Apartheid, người bản địa và sự không khoan dung về tôn giáo thu hút được sự quan tâm. Điều này cho thấy nguyên tắc không phân biệt đối xử vẫn là một trong những mối quan tâm chính của Uỷ ban.
Ngay từ ban đầu, Uỷ ban Quyền con người đã bày tỏ quan điểm cho rằng cuộc đấu tranh chống tất cả các hình thức phân biệt đối xử là một trong những thách thức chủ yếu mà xã hội của chúng ta phải đối mặt. Ngay từ khi thành lập năm 1948, Uỷ ban Quyền con người luôn là một trong những tổ chức chính của Liên hợp quốc bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của con người. Với việc thông qua các nghị quyết, đề xuất các phương pháp tiếp cận mới và giao cho Tiểu ban về chống phân biệt đối xử và bảo vệ người thiểu số tiến hành các nghiên cứu về một loạt vấn đề của nạn phân biệt đối xử, Uỷ ban Quyền con người đã và tiếp tục đi đầu trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, sự phân biệt đối xử về chủng tộc và Apartheid. Trong bối cảnh này, Hội nghị đã tham chiếu một nghiên cứu rất quan trọng của ngài A. Khalifa về “những hậu quả trái ngược của việc hưởng các quyền chính chính trị, dân sự, kinh tế của con người và các hình thức trợ giúp khác dành cho chế độ theo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và thuộc địa ở Nam Phi”.
Trong nhiều dịp, Uỷ ban Quyền con người đã đề xuất rằng các cuộc hội thảo và cuộc họp cần được tổ chức theo chủ đề cụ thể về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và sự phân biệt đối xử về chủng tộc để có một cách nhìn toàn cầu và nhận dạng đúng hơn về hiện tượng này. Có đề nghị dành 1% ngân sách của Liên hợp quốc để tăng cường các hoạt động Quyền con người, nhằm bảo đảm đủ nhân, vật lực tập trung vào việc xoá bỏ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, sự phân biệt dối xử về chủng tộc và Apartheid.
Về công tác của Tiểu ban về chống phân biệt đối xử và bảo vệ người thiểu số, hai dự án nghiên cứu mới khởi động gần đây mà thu hút được sự chú ý là nghiên cứu về tình hình của các phong trào giải phóng và nghiên cứu về địa vị của các dân tộc bản địa theo luật quốc tế, cần được tiến hành trong khuôn khổ của Thập kỷ thứ hai.
Rất nhiều nghiên cứu khác về sự phân biệt đối xử về chủng tộc và sự phân biệt đối xử đã được Tiểu ban về chống phân biệt đối xử và bảo vệ người thiểu số đề cập đến. Như tên đầy đủ của nó đã thể hiện, có ý kiến cho rằng Tiểu ban cần tiếp tục và tăng cường hoạt động của mình để xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử, đặc biệt là sự phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc.
Về công tác của Uỷ ban Quyền con người, tổ chức này được đánh giá là đóng vai trò quan trọng, và hội nghị đã gợi ý rằng cần tổ chức việc trao đổi quan điểm giữa các thành viên của các tổ chức khác nhau thuộc Liên hợp quốc đang hoạt động liên quan tới việc xoá bỏ sự phân biệt đối xử về chủng tộc nhằm nâng cao chức năng đó và tăng cường hoạt động của các tổ chức này trong việc chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử về chủng tộc. Hội nghị còn cho rằng Uỷ ban Quyền con người cần ủng hộ bất kỳ sáng kiến và sự hợp tác nào liên quan đến một nghiên cứu có tính toàn cầu về các thủ tục trợ giúp các nạn nhân của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử về chủng tộc.
Trong khi ghi nhận rằng Uỷ ban về Xoá bỏ sự phân biệt đối xử về chủng tộc (CERD) là một trong những tổ chức chính tham gia vào cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa chủng tộc và phân biệt đối xử về chủng tộc, thì cũng cần phải nhấn mạnh đến những khó khăn về tài chính của Uỷ ban. Do vậy, có khuyến nghị rằng Tổng Thư ký Liên hợp quốc cần được trao quyền quyết toán những chi phí của CERD từ ngân sách hoạt động của Liên hợp quốc. Điều này sẽ cho phép CERD tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử về chủng tộc. Cũng có ý kiến cho rằng các công tác của CERD cần được công khai hơn nữa để giúp cộng đồng quốc tế nhận thức rõ hơn về các hoạt động của Uỷ ban.
Về công tác của Uỷ ban về Các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá, có ý kiến nhấn mạnh là Uỷ ban này nên được dành cho mọi biện pháp cần thiết, kể cả những cuộc họp bổ sung nhằm triển khai các hoạt động của mình, ghi nhớ mối quan hệ rất mật thiết giữa chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và sự phân biệt đối xử về chủng tộc với việc thực hiện các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá.
Sự phối hợp và tăng cường hoạt động quốc tế ở tất cả các cấp nhằm chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc
Trong hai ngày 5 và 6/10, Hội nghị đã thảo luận về chủ đề “Sự phối hợp và tăng cường hoạt động quốc tế ở tất cả các cấp nhằm chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và sự phân biệt đối xử về chủng tộc”, với sự tham dự của các đại biểu sau: Ngài Đại sứ Alioune Sene, Chủ tịch Uỷ ban Quyền con người; Ngài Marcos Castrioto de Azambuja, Đại sứ về quyền con người của Brazin; Bà Edith Ballantyne, Tổng Thư ký Liên đoàn phụ nữ quốc tế Vì hoà bình và tự do; Cô Carrie Marias, đại biểu UNESCO; bà Terèse Gastaut, Trưởng phòng thông tin của Văn phòng Liên hợp quốc tại Geneva; Giáo sư Samir Amin, Giám đốc dự án tình nguyện viên của Liên hợp quốc; Mục sư Emilio Castro, Tổng Thư ký của Hội đồng Giáo hội thế giới; và Giáo sư Harish Kapur, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và tư liệu về châu Á thuộc Viện nghiên cứu quốc tế tại Geneva.
Trong quá trình thảo luận, có ý kiến bày tỏ sự hoài nghi về khái niệm xây dựng các thập kỷ chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc vì cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc là một cuộc đấu tranh lâu dài. Cũng có ý kiến cho rằng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc không nên bị “trí thức hoá” để khỏi đánh mất đi những đồng minh tốt nhất, đó là thế hệ trẻ.
Hội nghị cũng gợi ý rằng các biện pháp pháp lý chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và sự phân biệt đối xử về chủng tộc cần được tăng cường và rằng các hành vi phân biệt đối xử về chủng tộc cần được coi là những loại tội phạm theo luật quốc tế.
Một thực tế cũng thu hút sự chú ý là chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và sự phân biệt đối xử về chủng tộc ngày nay đều thể hiện ở sự phân biệt đối xử đối với những người lao động di trú và người tị nạn. Biểu hiện chủ yếu của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc chính là sự giới hạn về di dân trong khi thực tế đòi hỏi sự lưu chuyển tự do về tư tưởng, hàng hoá và nguồn vốn.
Hội nghị ghi nhận rằng các quốc gia cần thực hiện các biện pháp để cải thiện tình hình trên. Tuy vậy, điều này không nên cản trở việc tăng cường các hoạt động quốc tế.
Vai trò của Liên hợp quốc trong việc trừng phạt chế độ Apartheid được đề cao, và hội nghị gợi ý rằng những nước mà ủng hộ sự trừng phạt như vậy cần có sự phối hợp tốt hơn các hoạt động của họ.
Vai trò quan trọng của các tổ chức phi chính phủ trong việc trợ giúp các nạn nhân của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc., sự phân biệt đối xử về chủng tộc và chế độ Apartheid cũng được nhấn mạnh, đặc biệt là về khả năng tiếp nhận và xử lý các vụ việc của các cơ quan Liên hợp quốc.
Có đề nghị cần tiếp tục các cuộc thảo luận của Hội nghị tư vấn toàn cầu dưới hình thức những nhóm nhỏ để đi sâu hơn vào các quan điểm khác nhau đã được nêu ra tại hội nghị lần này.
Trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và sự phân biệt đối xử về chủng tộc, việc phổ biến thông tin được xem là rất quan trọng. Để làm cho người dân nhận thức tốt hơn về hiện tượng đó, có ý kiến gợi ý chiến dịch thông tin toàn cầu đã được dự thảo và sẽ được xem xét tại phiên họp lần thứ 43 của Đại hội đồng cần phải coi là quan trọng nhất.
Việc biên soạn một cuốn sách nhỏ về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc cũng được thảo luận.
Hoạt động của UNESCO, ILO, WHO, và FAO trong các lĩnh vực liên quan của những tổ chức này được làm rõ, và sự cần thiết phải phát triển sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan và tổ chức chuyên môn của Liên hợp quốc để xoá bỏ sự định kiến, sự không khoan dung, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, sự phân biệt đối xử về chủng tộc và chế độ Apartheid được nhấn mạnh.
Thẩm quyền cụ thể của UNESCO liên quan đến giáo dục trong Thập kỷ thứ hai được nhắc lại, và có ý kiến nêu rằng tất cả các quốc gia cần tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc không phân biệt đối xử và sự bình đẳng trong vấn đề giáo dục và chấp hành các nguyên tắc được quy định trong Công ước UNESCO về chống phân biệt đối xử trong giáo dục.
Một số báo cáo được các tổ chức liên chính phủ, các cơ quan của Liên hợp quốc, các tổ chức phi chính phủ và các cơ quan chuyên môn trình lên các Hội nghị tư vấn toàn cầu.
Các kết luận và đề xuất
Tại phiên bế mạc của Hội nghị tư vấn toàn cầu, Ngài Chủ tịch, Báo cáo viên đã tổng hợp những kết luận và đề xuất được đưa ra trên cơ sở những mối quan tâm và quan ngại chính được bày tỏ trong suốt bốn ngày thảo luận như sau:
1- Các Chính phủ cần tăng cường các hoạt động pháp lý chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và sự phân biệt đối xử về chủng tộc bằng việc xây dựng các chế tài pháp luật đối với những hành vi phân biệt chủng tộc. Hội nghị đề xuất rằng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và sự phân biệt đối xử về chủng tộc cần được coi như là một loại tội phạm của luật quốc tế.
2- Trong hoạt động chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và sự phân biệt đối xử về chủng tộc, cần đặc biệt tập trung vào việc xác định các yếu tố cấu thành, tính hợp pháp và các yếu tố khác của chế độ Apartheid để đấu tranh hiệu quả hơn trong việc xóa bỏ chế độ này.
3- Với những nước chưa là thành viên, Liên hợp quốc cần khuyến khích họ tham gia hoặc phê chuẩn các văn kiện quốc tế và khu vực liên quan đến chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và sự phân biệt đối xử về chủng tộc, cụ thể như Công ước quốc tế về xoá bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử về chủng tộc và Công ước quốc tế về ngăn ngừa và trừng trị tội Apartheid.
4- Cộng động quốc thế cần tăng cường những nỗ lực trợ giúp có hiệu quả và thực tế cho các nạn nhân của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, sự phân biệt dối xử về chủng tộc và chế độ Apartheid, cũng như cho các dân tộc và phong trào đang đấu tranh chống lại những tội ác này, không chỉ ở Nam Phi mà còn ở các nước láng giềng của Nam Phi. Hội nghị đề xuất kêu gọi tất cả các nước, các tổ chức liên chính phủ, phi chính phủ và các cá nhân liên quan mở rộng sự trợ giúp đến mức tối đa có thể được cho những dân tộc nào đang dũng cảm đấu tranh nhằm khôi phục các quyền cơ bản của mình.
5- Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cần tiếp tục và khẩn trương xem xét việc áp đặt những chế tài bắt buộc chống chế độ Apartheid ở Nam Phi, theo quy định tại chương VII của Hiến chương Liên hợp quốc. Hội nghị đề xuất rằng, tầm quan trọng hàng đầu của những biện pháp này là: chấm dứt tất cả sự hợp tác với Nam Phi; cấm tất cả các khoản vay và đầu tư vào Nam Phi, cũng như chấm dứt về thương mại với chế độ đó; và cấm vận đối với việc cung cấp các sản phẩm xăng dầu cũng như hàng hoá chiến lược khác cho Nam Phi.
6- Cần tăng cường hơn nữa sự hợp tác và phối hợp trong vấn đề thực hiện Chương trình hành động giữa các tổ chức Liên hợp quốc và các cơ quan trong hệ thống Liên hợp quốc để tạo điều kiện cho các cơ quan liên quan có đóng góp mới nhằm bảo đảm việc thực hiện hiệu quả Chương trình Hành động. Các tổ chức của Liên hợp quốc, các Uỷ ban khu vực và các cơ quan chuyên môn cần được mời tham gia để có những đóng góp mới đáng kể không chỉ cho những phát triển hiện nay trong các lĩnh vực có liên quan, mà còn cho từng chương trình đang được thực hiện. Điều này cần thiết và hữu ích đối với việc tăng cường sự hợp tác quốc tế chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử về chủng tộc.
7- Trong khuôn khổ này, Trung tâm Quyền con người có thể được yêu cầu tổ chức các cuộc họp với sự tham gia của các cơ quan để xem xét và thảo luận các biện pháp tiếp theo nhằm tăng cường sự phối hợp và hợp tác giữa các chương trình liên quan trực tiếp đến vấn đề chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và sự phân biệt đối xử về chủng tộc.
8- Cần xem xét những biện pháp và phương thức mới để đảm bảo sự phối hợp về các hoạt động tư vấn kỹ thuật do Trung tâm Quyền con người và các cơ quan khác trong hệ thống Liên hợp quốc thực hiện để chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và sự phân biệt đối xử về chủng tộc nhằm triển khai các chương trình hỗn hợp và tăng cường các cơ chế thể hiện hành cho việc bảo vệ các quyền con người, kể cả khả năng khuyến khích việc thành lập các Uỷ ban Quyền con người quốc gia.
9- Trung tâm Quyền con người cần tiếp tục mở rộng hơn mối quan hệ với các tổ chức phi chính phủ, trong đó có thể thông qua việc tổ chức các hội thảo, hội nghị tư vấn và các cuộc họp báo chung nhằm giúp các tổ chức này khởi xướng, phát triển và đưa ra những đề xuất liên quan đến cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử về chủng tộc.
10- Trong lĩnh vực thông tin, cần tuyên truyền rộng rãi hơn về công tác của Uỷ ban về xoá bỏ sự phân biệt đối xử về chủng tộc, và cần phát động một chiến dịch phê chuẩn các văn kiện quốc tế có liên quan đến chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, và sự phân biệt đối xử về chủng tộc nhằm làm cho những văn kiện này đến cuối Thập kỷ thứ hai trở nên phổ quát trên toàn cầu. Trong bối cảnh đó, dự thảo chiến dịch thông tin toàn cầu về các quyền con người, mà sẽ được Đại hội đồng thứ 43 xem xét, cần coi là quan trọng nhất.
11- Đại hội đồng cần hướng tới trợ cấp ngân sách cho Uỷ ban về Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử về chủng tộc nhằm giải quyết tình hình tài chính chưa thoả đáng hiện nay của Uỷ ban, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện đúng chức năng hoạt động của Uỷ ban.
12- Các cơ quan Quyền con người của Liên hợp quốc cần tiếp tục xem xét khả năng cập nhật những nghiên cứu hiện nay về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, sự phân biệt đối xử về chủng tộc và chế độ Apartheid, và tiến hành nghiên cứu về các nhân tố cụ thể của những hiện tượng này, và về những hình thức vi phạm Quyền con người của các cá nhân thuộc những nhóm dễ gặp rủi ro như người thiểu số, người bản địa, người lao động di trú và người tị nạn trong thời điểm hiện nay.
13- Với nhận thức rằng một trong những mục tiêu chính của Chương trình Hành động là nhằm xoá bỏ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, sự phân biệt đối xử về chủng tộc và chế độ Apartheid trong lĩnh vực giáo dục, cần có phương pháp tiếp cận mới với sự hợp tác của UNESCO để áp dụng có hiệu quả nguyên tắc không phân biệt đối xử và sự bình đẳng ở mọi cấp trong hệ thống giáo dục. Cần có sự ủng hộ mạnh mẽ những nỗ lực hiện nay nhằm huy động triệt để các lực lượng sinh viên và thanh niên khác, sử dụng lòng hăng say và lý tưởng của họ trong việc đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, sự phân biệt đối xử về chủng tộc và chế độ Apartheid.
14- Trong cuộc chiến chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, sự phân biệt đối xử về chủng tộc và chế độ Apartheid, cần sử dụng những kênh không chính thức như thể thao, âm nhạc, hội hoạ và các hoạt động nghệ thuật khác nhằm khuyến khích sự đối thoại có hiệu quả giữa các nền văn hoá và giúp làm cho nhận thức của người dân nhạy cảm hơn trước chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và sự phân biệt đối xử về chủng tộc.
15- Các Chính phủ cần tạo những điều kiện thuận lợi và thúc đẩy những biện pháp pháp lý để tiếp tục và bảo vệ các quyền của những cá nhân thuộc các nhóm thiểu số về dân tộc, tôn giáo, ngôn ngữ và sắc tộc, của người bản địa, người lao động di trú và người tị nạn.
16- Cần quan tâm đến những nghiên cứu mới về mối liên hệ giữa việc xoá bỏ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, sự phân biệt đối xử về chủng tộc và chế độ Apartheid với việc thực hiện đầy đủ các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá.
17- Mặc dù các ý kiến đều bày tỏ sự hài lòng về công tác Trung tâm Quyền con người, nhưng cũng đều nhất trí cho rằng Trung tâm cần được tăng cường để có đủ khả năng thực hiện có hiệu quả hơn ngày càng nhiều trách nhiệm, ít nhất là trong lĩnh vực đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, sự phân biệt đối xử về chủng tộc và chế độ Apartheid.
Nguyên bản tiếng Anh:
Programme of Action for the Second
Decade to Conbat Racism and Racial
Discriminaition
(Fact Sheet No.5)
(*) Chuyên đề này có một số thông tin đã không còn cập nhật, tuy nhiên, để bảo đảm tính tổng thể của tài liệu, chúng tôi vẫn đưa vào ấn phẩm (BD).