Skip to main content

System Messages

You were not authenticated by the server. You may log in with your credentials below.

Chuyên đề 4

Phiên bản PDF

Tên tiếng Anh

Methods of Combating Torture

Văn bản tiếng Việt

CHUYÊN ĐỀ 4
CÁC BIỆN PHÁP CHỐNG TRA TẤN

Giới thiệu

Tra tấn là sự vi phạm cực kỳ nghiêm trọng các quyền con người, và do đó bị luật pháp quốc tế lên án nghiêm khắc. Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người, ở Điều 5, đã tuyên bố “không một người nào phải chịu tra tấn hay bị đối xử, trừng phạt tàn tạo, vô nhân đạo hay hạ nhục” (có thể thay bằng từ nhục hình).

Để đảm bảo tất cả mọi cá nhân được bảo vệ khỏi bị tra tấn, trong nhiều năm qua, Liên hợp quốc đã phát triển những tiêu chuẩn quốc tế nhằm ngăn chặn và xử lý những hành động này. Công ước chống tra tấn và những hình thức đối xử, hình phạt khác tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người (the Convention against Torture and other Cruel, Inhuman or Degarding Treatment or Punishment) được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 10/12/1984, và nhiều Công ước, Tuyên ngôn, Nghị quyết khác có liên quan do cộng đồng quốc tế thông qua đã quy định rõ ràng tra tấn bị cấm tuyệt đối, không có ngoại lệ nào cả.

Tuy nhiên, Liên hợp quốc cũng lưu ý rằng tra tấn vẫn diễn ra ở nhiều quốc gia. Để giúp đỡ những nạn nhân của sự tra tấn, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã lập Quỹ tình nguyện của Liên hợp quốc cho nạn nhân tra tấn vào năm 1981 (the United Nations Volumtary Fund for Victims of Torture). Việc thiết lập Quỹ này không hề có nghĩa là chấp nhận tra tấn. Xoá bỏ hoàn toàn tra tấn vẫn là một ưu tiên lớn của Liên hợp quốc.

Các phương pháp chống tra tấn

Tra tấn và sự đối xử tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người chính là một trong những vấn đề đầu tiên Liên hợp quốc quyết tâm giải quyết ngay từ khi tổ chức này mới được thành lập một vài năm. Kể từ đó, Liên hợp quốc đã tìm rất nhiều biện pháp để bảo vệ tất cả mọi người khỏi bị tra tấn và đối xử hay trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người. Tổ chức này đã xác lập các tiêu chuẩn quốc tế để bảo vệ mọi người và đưa các tiêu chuẩn ấy vào các tuyên ngôn, công ước quốc tế. Liên hợp quốc cũng đã thông qua những văn kiện riêng áp dụng cho những người bị tước tự do, vì bị cáo buộc phạm tội hay bị tuyên án. Tổ chức này cũng xây dựng những văn kiện về quy tắc xử sự của những người thực thi pháp luật và của các nhân viên y tế. Ngoài ra, Liên hợp quốc còn tăng cường và củng cố Các nguyên tắc về các tiêu chuẩn tối thiểu trong đối xử với tù nhân (Standard Minimum Rules For The Treatment Prisonners). Từ khi được ban thông qua vào năm 1955, các nguyên tắt này đã tạo được sự bảo vệ nhất định với những người bị cầm tù và đã từng có ảnh hưởng tới pháp luật nhiều quốc gia.

1. Xoá bỏ nhục hình ở các lãnh thổ uỷ trị (Trust Terrtories)

Năm 1949, Hội đồng uỷ trị (Trusteeship Council) trong báo cáo đưa ra tại phiên họp thứ năm đã khuyến nghị rằng cần phải xoá bỏ ách cai trị thực dân. ủng hộ khuyến nghị ấy, Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng đưa ra khuyến nghị trong Nghị quyết ngày 2/12/1950, trong đó nêu rằng: “cần thực hiện những biện pháp để xoá bỏ hoàn toàn nhục hình ở tất cả các lãnh thổ uỷ trị” và yêu cầu các nước quản lý những lãnh thổ ấy phải báo cáo với Liên hợp quốc về vấn đề này.

Hai năm sau, Đại hội đồng xem lại các báo cáo nhận được và nhận thấy rằng đã có nhiều biện pháp được thi hành nhằm giảm bớt những vi phạm về nhục hình ở các lãnh thổ ủy trị.

2. Các nguyên tắc về tiêu chuẩn tối thiểu trong đối xử với tù nhân

Năm 1955, tại Hội nghị lần thứ nhất của Liên hợp quốc về phòng ngừa tội phạm và đối xử với tù nhân đã thông qua Các nguyên tắc về tiêu chuẩn tối thiểu trong đối xử với tù nhân. Văn kiện này đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc chấp nhận theo Nghị quyết số 415 (V) ngày 01/1/1950.

Mục đích của văn kiện trên không phải là thiết lập một quy chế mẫu cho việc áp dụng hình phạt, mà chỉ nhằm xác lập những nguyên tắc chung xuất phát từ những bài học kinh nghiệm thực tiễn tốt trong đối xử tù nhân và quản lý các cơ sở giam giữ. Một trong những tiêu chuẩn tối thiểu (đoạn 31) quy định rằng nhục hình, hình phạt giam hầm tối, và tất cả các hình phạt tàn bạo, vô nhân đạo và hạ nhục con người phải bị cấm tuyệt đối.

Trong Nghị quyết 2858 (XXVI) ngày 20/12/1971, Đại hội đồng Liên hợp quốc lưu ý các quốc gia thành viên về văn kiện trên và khuyến nghị các quốc gia thực thi hữu hiệu văn kiện trong quá trình điều hành các cơ sở giam giữ và cải tạo. Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng kêu gọi các quốc gia xem xét đưa văn kiện này vào luật pháp quốc gia.

3. Bảo vệ khỏi bắt bớ, giam cầm tuỳ tiện

Dựa theo các nguyên tắc về tự do không bị bắt bớ, giam cầm một cách tuỳ tiện được chuẩn bị theo yêu cầu Uỷ ban Nhân quyền Liên hợp quốc (Nghị quyết 2 (XVII) ngày 14/3/1961), Điều 24 1 Các nguyên tắc về tiêu chuẩn tối thiểu trong đối xử với tù nhân quy định: “Không một người bị bắt hoặc bị giam nào phải chịu sự cưỡng chế, tra tấn, bạo lực, đe dọa hay xúi giục, lừa dối, đánh lạc hướng, ép cung, giả mạo, dùng thuốc hoặc các phương tiện nào khác nhằm tác động hay làm suy giảm khả năng tự chủ trong hành động, quyết định, sự xét đoán và trí nhớ của họ. Bất kỳ lời khai nào mà một người bị buộc phải đưa ra do sức ép từ việc áp dụng các phương pháp bị cấm đã nêu, cũng như bất kỳ một bằng chứng nào có được do sử dụng các phương pháp đã nêu, sẽ không được coi là bằng chứng chống lại anh ta trong bất kỳ một trình tự tố tụng nào...

Trong Nghị quyết 37/427 ngày 16/12/1982, Đại hội đồng Liên hợp quốc quyết định thành lập một Nhóm công tác để dự thảo một văn kiện bao gồm những nguyên tắc bảo vệ tất cả những người bị giam giữ. Dự thảo này được Nhóm công tác hoàn tất vào tháng 11/1987, gồm 39 điều, sắp xếp theo các đề mục như “sự giam giữ”, “sự bắt bớ”, “người bị giam”, “tù nhân” và “cơ quan tư pháp hoặc cơ quan tài phán khác”.

Nguyên tắc 1 quy định: “Tất cả mọi người đang phải chịu bất kỳ một hình thức giam giữ nào đều phải được đối xử nhân đạo và tôn trọng phẩm giá con người”.

Nguyên tắc 7 quy định: “Các quốc gia phải sử dụng luật pháp để cấm bất kỳ hành vi nào trái với các quyền và nghĩa vụ ghi trong bản nguyên tắc này, và phải có những hành động điều tra và xử lý thích đáng những hành vi vi phạm”.

4. Tuyên bố về bảo vệ mọi người khỏi bị tra tấn

Bản Tuyên bố về việc bảo vệ tất cả mọi người khỏi bị tra tấn và các hành vi đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người đuợc Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua theo Nghị quyết 3452 (XXX) ngày 9/12/1975. Tuyên bố gồm 12 điều, điều thứ nhất định nghĩa “tra tấn” là: “Bất kỳ hành động nào gây đau đớn và khổ nhục về thân thể hay tinh thần cho một người, do chính các quan chức chính quyền hay một người khác thực hiện theo sự xúi giục hay cho phép của quan chức chính quyền nhằm buộc nạn nhân phải thừa nhận một hành vi là do anh ta gây ra hay thực hiện, hoặc để hăm doạ nạn nhân đó hay những người khác”.

5. Các quy tắc đạo đức của các viên chức thi hành luật pháp

Trong Nghị quyết 34/169 ngày 17/12/1979, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Các quy tắc đạo đức của các viên chức thi hành pháp luật (Code of Conduct for Enforcement Officials) và chuyển cho các chính phủ kèm khuyến nghị rằng cần tạo điều kiện thuận lợi để áp dụng văn kiện này, phù hợp với khuôn khổ luật pháp và thực tiễn quốc gia, với những người thi hành luật pháp ở nước mình.

Điều 5 văn kiện trên quy định: “Không một người thi hành luật pháp nào có thể áp đặt, xúi giục hay dung thứ bất kỳ hành vi tra tấn, đối xử và trừng phạt nào tàn bạo, vô nhân đạo hay hạ nhục con người. Không một ai được viện cớ lệnh trên hoặc hoàn cảnh đặc biệt như tình trạng chiến tranh, đe doạ chiến tranh, đe doạ an ninh quốc gia, bất ổn định chính trị trong nước hay bất kỳ một tình trạng khẩn cấp nào để biện bạch cho việc tra tấn, đối xử hay sử dụng hình phạt nào khác tàn bạo, vô nhận đạo hoặc hạ nhục con người”.

6. Các nguyên tắc về đạo đức ngành y

Trong Nghị quyết 37/194 ngày 16/12/1982, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Những nguyên tắc đạo đức ngành y (Principles of Medical Ethics) trong đó đề cập tới vai trò của các nhân viên y tế, đặc biệt các bác sĩ, trong việc bảo vệ tù nhân, người bị giam giữ khỏi những hành động tra tấn, đối xử hay trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.

Nguyên tắc 1 quy định: “Nhân viên y tế, đặc biệt các bác sĩ mà có trách nhiệm chăm sóc y tế cho tù nhân và người bị giam giữ, có nghĩa vụ bảo vệ họ khỏi sự xâm phạm về thể chất và tinh thần, và điều trị cho họ với chất lượng và tiêu chuẩn như với người không bị tước tự do”.

Nguyên tắc 2 quy định: “Sẽ là đi ngược lại hoàn toàn với đạo đức ngành y cũng như là hành vi phạm tội theo các văn kiện pháp luật quốc tế hiện hành nếu nhân viên y tế, đặc biệt là các bác sĩ, tham gia một cách chủ động hoặc thụ động vào việc tra tấn, đối xử hay trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người với những người bị tước tự do, bất kể với vai trò thực hiện, đồng loã hay xúi giục”.

7. Công ước chống tra tấn

Công ước chống tra tấn, đối xử hay trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (Convention Against Torture and Other Cruel, Inhuman or Degarding Treatment or Punishment) được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 10/12/ 1984. Công ước này gồm 33 điều, có hiệu lực từ ngày 26/6/1987.

a) Những đặc điểm của Công ước.

Công ước không chỉ quy định rằng các quốc gia thành viên phải đặt tra tấn ra ngoài vòng pháp luật, mà còn nêu rõ rằng không có một ngoại lệ nào có thể được viện dẫn để biện bạch cho sự tra tấn. Công ước bổ sung hai yếu tố mới có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong những nỗ lực của Liên hợp quốc đấu tranh chống tra tấn. Thứ nhất là, từ nay trở đi, một kẻ tra tấn sẽ bị truy tố ở bất kỳ nơi đâu anh ta bị phát hiện, trên lãnh thổ của bất kỳ quốc gia nào là thành viên của Công ước. Thứ hai là, Công ước có một điều khoản cho phép điều tra quốc tế những thông tin đáng tin cậy cho thấy tra tấn đang diễn ra một cách có hệ thống trên lãnh thổ của một quốc gia thành viên. Một cuộc điều tra như vậy bao gồm một chuyến đi của báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc tới quốc gia có liên quan sau khi có sự đồng ý của quốc gia này.

Các quốc gia thành viên Công ước được yêu cầu phải thi hành những biện pháp lập pháp, hành chính, tư pháp hoặc các biện pháp hữu hiệu khác để ngăn chặn hành vi tra tấn trên bất kỳ phần lãnh thổ nào thuộc quyền tài phán của họ. Không có một yếu tố ngoại lệ nào, dù là chiến tranh, bất ổn chính trị trong nước hay tình trạng khẩn cấp có thể được việc dẫn để biện bạch cho sự tra tấn.

Theo Công ước, không một quốc gia thành viên nào có thể trục xuất, đưa trở về hoặc dẫn độ một người tới quốc gia khác nơi mà có nhiều lý do chắc chắn để tin rằng người đó có thể bị tra tấn.

Các quốc gia thành viên thoả thuận tạo điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau một cách tối đa trong việc điều tra các vụ tra tấn, và đảm bảo thực hiện các hoạt động giáo dục và thông tin về cấm tra tấn cho những người thực thi pháp luật, các nhân viên dân sự, quân sự, y tế, các nhân viên phục vụ công cộng và những người khác mà có thể tham gia vào việc hỏi cung, thẩm vấn hay làm việc với bất kỳ cá nhân nào bị bắt, giam cầm dưới bất kỳ hình thức nào.

Các quốc gia thành viên cũng cam kết đảm bảo rằng những nạn nhân của tra tấn được điều trị, chạy chữa và có quyền đòi bồi thường một công bằng và đầy đủ, kể cả việc được cung cấp các phương tiện để giúp họ hồi phục càng đầy đủ càng tốt.

b) Thực thi Công ước

Việc thực thi Công ước được giám sát bởi Uỷ ban chống tra tấn của Liên hợp quốc. Theo Điều 19 Công ước, Uỷ ban gồm 10 chuyên gia có tư cách đạo đức tốt, được công nhận là có năng lực trên lĩnh vực nhân quyền. Các nước thành viên có nghĩa vụ đệ trình lên Uỷ ban, qua Tổng thư ký Liên hợp quốc, báo cáo định kỳ về những việc họ đã làm để thực thi Công ước. Sau khi xem xét các báo cáo, Uỷ ban có thể đưa ra những nhận xét, khuyến nghị với các quốc gia. Một số thông tin trong các báo cáo có thể được Uỷ ban đưa vào báo cáo hàng năm của Uỷ ban để trình lên Đại hội đồng.

Theo Điều 20 Công ước, nếu Uỷ ban nhận được thông tin đáng tin cậy cho thấy tra tấn đang được thực hiện một cách có hệ thống trên lãnh thổ của một quốc gia thành viên, Uỷ ban sẽ đề nghị quốc gia ấy hợp tác điều tra về thông tin. Uỷ ban có thể, nếu được các quốc gia có liên quan chấp thuận, cử một hay nhiều thành viên tiến hành một cuộc điều tra về thông tin và báo cáo gấp cho Uỷ ban. Việc điều tra như vậy có thể bao gồm một chuyến thăm tới quốc gia có liên quan. Sau khi xem xét báo cáo của ủy viên Uỷ ban được giao điều tra về vụ việc, Uỷ ban chuyển cho quốc gia có liên quan kèm theo những nhận xét và khuyến nghị.

Sau khi quá trình điều tra kể trên kết thúc, Uỷ ban có thể, sau khi tham khảo với quốc gia có liên quan, quyết định đưa kết luận điều tra vào trong báo cáo hàng năm gửi các quốc gia và Đại hội đồng Liên hợp quốc.

c) Uỷ ban Chống tra tấn

Uỷ ban chống tra tấn được thành lập theo Điều 17 của Công ước. Uỷ ban bao gồm 10 chuyên gia được các quốc gia thành viên bỏ phiếu kín bầu ra. Thành viên của Uỷ ban làm việc theo nhiệm kỳ bốn năm và có thể được bầu lại. Chức năng chính của Uỷ ban là đảm bảo việc thực thi Công ước chống tra tấn, đối xử hay trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người. Uỷ ban được thành lập ngày 26/11/1987 tại cuộc họp đầu tiên của các quốc gia thành viên Công ước ở Geneva.

Chi phí cho hoạt động của Uỷ ban là do các quốc gia thành viên đóng góp. Tại phiên họp đầu, các quốc gia thành viên quyết định mức đóng góp cho Uỷ ban tỷ lệ với mức đóng góp của quốc gia vào ngân sách Liên hợp quốc, nhưng không một quốc gia nào được đóng quá 25% tổng chi phí của Uỷ ban.

Cuộc họp đầu tiên của Uỷ ban diễn ra ở Geneva, Thuỵ Sỹ, vào tháng 4/1989. Tại cuộc họp này, Uỷ ban đã thông qua các quy tắc hoạt động, xác định phương pháp công tác phù hợp với các điều khoản của Công ước. Uỷ ban cũng quyết định họp hai phiên trong năm 1989. Theo Điều 62 của các quy tắc hoạt động của Uỷ ban, Uỷ ban có thể mời đại diện các cơ quan chuyên môn có liên quan của Liên hợp quốc, các tổ chức liên chính phủ và phi chính phủ ở khu vực tham gia các cuộc họp để tham khảo ý kiến và cung cấp thông tin.

d) Báo cáo viên đặc biệt về vấn đề tra tấn

Ngoài việc dự thảo Công ước, Uỷ ban Nhân quyền của Liên hợp quốc, trong Nghị quyết 1985/33, đã bổ nhiệm một báo cáo viên đặc biệt có trách nhiệm nghiên cứu về những vấn đề có liên quan đến tra tấn, tìm kiếm và thu nhận những thông tin đáng tin cậy về những vấn về ấy và đưa ra những khuyến nghị với Uỷ ban.

Chức năng của báo cáo viên đặc biệt về những vấn đề liên quan tới tra tấn không giống chức năng Uỷ ban Chống tra tấn đã nêu ở trên. Báo cáo viên đặc biệt có nhiệm vụ báo cáo với một Uỷ ban, gồm đại diện của các Chính phủ, về những vấn đề liên quan đến tra tấn nói chung. Để đạt được mục đích này, báo cáo viên đặc biệt thiết lập quan hệ với các Chính phủ và yêu cầu họ cung cấp thông tin về các biện pháp lập pháp và hành chính để ngăn chặn tra tấn và giải quyết hậu quả một khi nó xảy ra. Báo cáo viên đặc biệt cũng có nhiệm vụ phải xem xét những thông tin đáng tin cậy về tra tấn mà ông nhận được. Điều khoản này trong nhiệm vụ của báo cáo viên đặc biệt dẫn tới một thủ tục hành động khẩn cấp, làm tăng một cách đáng kể hiệu lực hoạt động của họ.

Không giống như Uỷ ban, nhiệm vụ của báo cáo viên đặc biệt không bị hạn chế bởi các quốc gia thành viên Công ước. Nó mở rộng ra tất cả các thành viên khác của Liên hợp quốc và tất cả các quốc gia quan sát viên. Ông ta liên lạc thư từ với các Chính phủ, yêu cầu họ báo cáo cho biết các biện pháp họ đã thực hiện hay có kế hoạch thực hiện để ngăn chặn hoặc chống tra tấn. Ông ta cũng có quyền gửi những yêu cầu hành động gấp để lưu ý các Chính phủ có liên quan đảm bảo bảo vệ sự toàn vẹn về thân thể và tinh thần của những cá nhân nhất định. Ngoài ra, sau khi tham vấn và được chấp thuận của các Chính phủ có liên quan, báo cáo viên đặc biệt có thể “tiến hành cuộc đi thăm điều tra tại chỗ” ở một số nơi trên thế giới.

Trong khuyến nghị đưa ra tại phiên họp của Uỷ ban Nhân quyền Liên hợp quốc ở Geneva đầu năm 1988, báo cáo viên đặc biệt đã khuyến nghị rằng:

- Giam giữ cầm cố phải được tuyên bố là phi pháp.

- Bất cứ ai bị bắt cũng phải được đưa ra xét xử không chậm trễ bởi một thẩm phán có thẩm quyền, nhằm xem xét tính chất hợp pháp của vụ bắt giữ và cho phép phạm nhân gặp một luật sư.

- Bất cứ ai bị bắt cũng phải được kiểm tra sức khoẻ.

- Người nào bị giam giữ vị chết cũng cần phải được giải phẫu khám nghiệm với sự có mặt của đại diện gia đình.

- Các chuyên gia nước ngoài phải được thường xuyên thăm kiểm tra các trại giam.

8. Giúp đỡ nạn nhân của sự tra tấn

Quỹ tự nguyện của Liên hợp quốc cho những nạn nhân của sự tra tấn

Quỹ này được lập theo Nghị quyết 36/151 ngày 16/12/1981 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, có trách nhiệm tiếp nhận những đóng góp tự nguyện để phân phối, qua đường viện trợ đã được hình thành, như là một sự viện trợ nhân đạo, về mặt pháp luật và tài chính cho những người bị tra tấn và gia đình họ.

Quỹ phụ thuộc hoàn toàn vào đóng góp tự nguyện của các Chính phủ, các tổ chức tư nhân, các cơ sở và cá nhân. Nó không qua con đường ngân sách của Liên hợp quốc. Nó do Tổng thư ký Liên hợp quốc quản lý với sự giúp đỡ của một Ban ủy thác gồm một chủ tịch và bốn thành viên có nhiều kinh nghiệm trên lĩnh vực Quyền con người.

Từ khi Quỹ bắt đầu hoạt động vào năm 1983 đến cuối năm 1988, đã có 313 khoản trợ cấp được cung cấp với tổng cộng hơn 3,6 triệu USD. Số trợ cấp này liên quan đến 67 dự án ở 32 nước trên bốn châu lục. Hầu hết các khoản trợ cấp đều dùng để tài trợ cho các dự án điều trị và phục hồi cho các nạn nhân (chiếm 90% các khoản trợ cấp trong năm 1987), số còn lại chi cho các hoạt động đào tạo. Mục đích của những dự án này là đảm bảo cho nạn nhân và gia đình họ được tái hòa nhập vào cộng đồng.

Trong khi các dự án chữa bệnh và phục hồi cho các nạn nhân của sự tra tấn và gia đình họ được chăm sóc y tế, chăm sóc sức khoẻ, chăm sóc thần kinh, tâm lý và giúp đỡ xã hội, kinh tế, thì bộ phận huấn luyện thuộc Quỹ tài trợ cho việc huấn luyện chuyên gia y tế về những kỹ thuật riêng cần thiết để chăm sóc nạn nhân của sự tra tấn.

 

Nguyên bản tiếng Anh:

Methods of Combating Torture

(Fact Sheet No.4)


 

 

Drupal theme by Adaptivethemes - Design by Kodamera