Skip to main content

System Messages

You were not authenticated by the server. You may log in with your credentials below.

CERD - KHUYẾN NGHỊ CHUNG SỐ 29

Phiên bản PDF

Ngày ban hành

12/05/2004

KHUYẾN NGHỊ CHUNG SỐ 29

VỀ THUẬT NGỮ ‘NGUỒN GỐC’ TRONG KHOẢN 1 ĐIỀU 1*

---------------------------------

Ủy ban về Xóa bỏ phân biệt chủng tộc,

Nhắc lại Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền trong đó nêu rằng mọi người sinh ra đều tự do và bình đẳng về các quyền, không phân biệt chủng tộc, dân tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, nguồn gốc xã hội, dòng dõi hay địa vị.

Đồng thời nhắc lại Tuyên bố Viên và Chương trình hành động được thông qua tại Hội nghị thế giới về nhân quyền năm 1993, trong đó nêu rằng các Quốc gia thành viên, không phân biệt hệ thống chính trị, kinh tế và văn hóa, đều có nghĩa vụ thúc đẩy và bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của con người.

Khẳng định lại Khuyến nghị chung số 28 trong đó Uỷ ban thể hiện sự ủng hộ hoàn toàn Tuyên bố Durban và Chương trình hành động được thông qua tại Hội nghị quốc tế về  chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, sự phân biệt chủng tộc, bài ngoại và sự không dung thứ có liên quan.

Đồng thời khẳng định việc lên án mọi hành vi phân biệt chủng tộc chống lại người có nguồn gốc châu Á, châu Phi, người di cư và các đối tượng khác trong Tuyên bố Durban và Chương trình hành động.

Đặt cơ sở những hành động của mình theo quy định của Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức  phân biệt chủng tộc, trong đó theo đuổi việc xóa bỏ sự phân biệt đối xử về chủng tộc, màu da, nguồn gốc, quốc gia và xuất xứ dân tộc.

Khẳng định quan điểm nhất quán của Uỷ ban về khái niệm “nguồn gốc” (descent) nêu trong Khoản 1 Điều 1 của Công ước không chỉ đề cập duy nhất tới “chủng tộc”, mà còn có ý nghĩa và được áp dụng như một sự bổ sung những khía cạnh khác của sự phân biệt đối xử mà bị cấm.

Tái khẳng định rõ ràng rằng sự phân biệt đối xử dựa vào “nguồn gốc” bao gồm sự phân biệt đối xử đối với một số thành viên của cộng đồng dựa trên các hình thức chia tầng lớp trong xã hội và những cơ chế tương tự của việc kế thừa địa vị mà đã vô hiệu hóa hoặc làm suy yếu sự bình đẳng trong việc hưởng thụ các quyền con người.

Ghi nhớ rằng Uỷ ban đã thu được nhiều bằng chứng về sự phân biệt đối xử qua việc nghiên cứu báo cáo của các Quốc gia thành viên về việc thực hiện Công ước.

Đã tổ chức thảo luận chuyên đề về sự phân biệt đối xử dựa trên nguồn gốc và đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các thành viên Uỷ ban, đại diện các chính phủ và các cơ quan, tổ chức khác của Liên hợp quốc. Đáng chú ý nhất là đóng góp của các chuyên gia của Tiểu ban về thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền.

Đã nhận được một số lượng lớn ý kiến đóng góp bằng phát biểu trực tiếp hoặc bằng văn bản từ các tổ chức phi chính phủ có liên quan và các cá nhân, qua đó cung cấp cho Uỷ ban thêm bằng chứng về sự tồn tại và mức độ của sự phân biệt đối xử liên quan đến “nguồn gốc” tại các lãnh thổ khác nhau trên thế giới.

Kết luận rằng cần có những nỗ lực mới bên cạnh các nỗ lực hiện tại để củng cố luật pháp quốc gia và hành động chống phân biệt đối xử liên quan đến nguồn gốc, cũng như trao quyền hành động cho các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi tình trạng này.

Tuyên dương những cố gắng của các Quốc gia thành viên đã áp dụng các biện pháp nhằm xóa bỏ sự phân biệt đối xử về chủng tộc và giải quyết hậu quả liên quan đến vấn đề phân biệt đối xử về nguồn gốc.

Khuyến khích các quốc gia có tình trạng phân biệt đối xử ghi nhận và xác định tình trạng này và từng bước xóa bỏ nó.

Khẳng định tinh thần tích cực của việc đối thoại giữa Uỷ ban và các chính phủ trong giải quyết vấn đề phân biệt đối xử liên quan đến nguồn gốc, và khuyến khích sự tham gia hơn nữa những cuộc đối thoại có tính xây dựng này.

Gắn tầm quan trọng của công việc đang thực hiện trong cuộc chiến chống phân biệt chủng tộc dưới mọi hình thức với vấn đề nguồn gốc.

Lên án mạnh mẽ sự phân biệt đối xử liên quan đến nguồn gốc, cụ thể như sự phân biệt đối xử về đẳng cấp và các hình thức khác là một sự vi phạm Công ước.

Khuyến nghị các Quốc gia thành viên, tùy theo hoàn cảnh cụ thể, thông qua các biện pháp sau đây:

1. Các biện pháp chung

(a) Từng bước xác định những cộng đồng cùng nguồn gốc, trong phạm vi điều chỉnh của luật pháp quốc gia , là nạn nhân của sự phân biệt đối xử, đặc biệt là sự phân biệt đối xử về đẳng cấp và các cơ chế dựa trên địa vị thừa kế cũng như những người mà cuộc sống của họ có thể phản ánh tất cả hay một số các yếu tố cơ bản sau đây: bất lực hay hạn chế trong việc thay đổi địa vị xã hội, bị hạn chế xã hội trong việc kết hôn với người ngoài cộng đồng; bị chia tách khỏi cộng đồng lớn, như về chỗ ở và giáo dục, tiếp cận các địa điểm công cộng, nơi thờ cúng, nguồn nước và lương thực, hạn chế về khả năng tìm kiếm việc làm; là đối tượng lệ thuộc nợ nần, đối tượng của những tuyên truyền vô nhân đạo, coi họ như tiện nhân nhơ bẩn; nói chung là bị hạ thấp về nhân phẩm, quyền con người và bình đẳng;

(b) Xem xét hợp nhất các quy định cấm phân biệt chủng tộc về nguồn gốc trong hiến pháp quốc gia ;

(c) Rà soát, ban hành và hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt chủng tộc về nguồn gốc theo quy định của Công ước;

(d) Cương quyết thực thi pháp luật và các biện pháp hiện hành;

(e) Tuyên bố rõ ràng và có những hành động cụ thể nhằm xác lập những chiến lược quốc gia toàn diện có sự tham gia của các cộng đồng có liên quan, bao gồm các biện pháp đặc biệt theo quy định tại khoản 2 Điều 1 của Công ước, nhằm xóa bỏ phân biệt đối xử đối với các cá nhân và cộng đồng mà dựa trên cơ sở nguồn gốc của họ;

(f) Thông qua các biện pháp đặc biệt ưu tiên cho các cộng đồng và nhóm người cùng nguồn gốc nhằm đảm bảo các quyền và tự do cơ bản khác của họ, cụ thể là các quyền liên quan đến tiếp cận với những hoạt động cộng đồng, việc làm và giáo dục;

(g) Thiết lập cơ chế pháp luật, thông qua việc đẩy mạnh hoạt động của các cơ quan hiện tại hoặc xây dựng các cơ quan chuyên trách, nhằm thúc đẩy sự tôn trọng quyền con người và sự bình đẳng của cộng đồng có chung nguồn gốc;

(h) Giáo dục các cộng đồng về tầm quan trọng của các chương trình hành động nhằm xác định tình trạng của các nạn nhân của tệ phân biệt đối xử liên quan đến vấn đề nguồn gốc;

(i) Khuyến khích đối thoại giữa các thành viên của cộng đồng cùng nguồn gốc với các nhóm khác trong xã hội;

(j) Tiến hành khảo sát định kỳ về thực trạng của tệ phân biệt đối xử liên quan đến vấn đề nguồn gốc và cung cấp thông tin riêng về vấn đề này trong báo cáo định kỳ gửi tới Uỷ ban, trong đó đề cập đến sự phân bổ địa lý và tình trạng kinh tế, xã hội của những cộng đồng cùng nguồn gốc, bao gồm cả vấn đề giới tính.

2. Đa phân biệt đối xử đối với phụ nữ trong những cộng đồng dựa trên nguồn gốc

(k) Rà soát mọi dự án, chương trình được thiết kế, thực hiện và trong các biện pháp đã được thông qua để xác định tình trạng của các thành viên nữ trong những cộng đồng cùng chung nguồn gốc là nạn nhân của sự đa phân biệt đối xử, khai thác tình dục và cưỡng ép mại dâm;

(l) Áp dụng những biện pháp phù hợp nhằm xóa bỏ phân biệt đối xử, bao gồm phân biệt đối xử đối với phụ nữ trong những cộng đồng cùng nguồn gốc, đặc biệt là những yếu tố liên quan đến an ninh thân thể, công việc và đào tạo;

(m) Cung cấp những số liệu riêng về tình trạng của những phụ nữ đang là nạn nhân của sự phân biệt đối xử trong số phụ nữ của những cộng đồng cùng nguồn gốc.

3. Sự chia tách

(n) Rà soát và báo cáo về những xu hướng dẫn tới việc chia tách các cộng đồng cùng nguồn gốc và xóa bỏ hậu quả tiêu cực gây nên bởi sự chia tách này;

(o) Cam kết ngăn chặn, nghiêm cấm và xóa bỏ mọi hành vi chia tách trực tiếp với các cộng đồng cùng nguồn gốc, bao gồm trong các vấn đề về chỗ ở, giáo dục và việc làm;

(p) Đảm bảo cho mọi cá nhân quyền bình đẳng, không phân biệt trong việc tiếp cận mọi địa điểm và dịch vụ cộng đồng;

(q) Từng bước thúc đẩy sự kết hợp cộng đồng trong đó các thành viên của cộng đồng liên kết với các nhân tố khác trong xã hội để đảm bảo mọi dịch vụ cộng đồng được tiếp cận đầy đủ và công bằng cho tất cả mọi người.

4. Cấm phổ biến những phát ngôn có tính chất hận thù qua truyền thông đại chúng và Internet

(r) Áp dụng mọi phương pháp để chống lại việc gieo rắc tư tưởng phân biệt về địa vị xã hội, xu hướng bạo lực, hận thù và sự phân biệt đối xử đối với những cộng đồng cùng nguồn gốc;

(s) Áp dụng các biện pháp nghiêm khắc chống lại những hành vi xúi giục phân biệt đối xử hay bạo lực chống lại những cộng đồng đó, kể cả việc xúi giục qua Internet;

(t) Áp dụng các biện pháp nhằm nâng cao ý thức của các nhân viên chuyên trách về tình trạng phân biệt đối xử và các vụ việc phân biệt đối xử.

5. Thực thi pháp luật

(u) Áp dụng những biện pháp nhằm đảm bảo quyền tiếp cận bình đẳng với pháp luật đối với mọi thành viên trong cộng đồng có cùng nguồn gốc, bao gồm sự hỗ trợ pháp lý, nhằm tạo điều kiện cho các nhóm này có thể tự bảo vệ các quyền của họ;

(v) Đảm bảo, trong điều kiện cho phép, đưa ra các phán quyết pháp lý và các hành động chính thức nhằm nghiêm cấm sự phân biệt đối xử đối với những cộng đồng cùng nguồn gốc;

(w) Đảm bảo truy tố các cá nhân có hành vi phân biệt đối xử đối với những cộng đồng cùng nguồn gốc và quy định những phương thức bồi thường hợp lý cho các nạn nhân của hành động này;

(x) Khuyến khích tuyển dụng các thành viên của các cộng đồng có cùng nguồn gốc tham gia vào lực lượng cảnh sát và các cơ quan thực thi pháp luật khác;

(y) Tổ chức các buổi tập huấn cho các công chức và các cơ quan thực thi pháp luật để xóa bỏ những thành kiến đối với những cộng đồng có cùng nguồn gốc;

(z) Khuyến khích các cuộc đối thoại có tính xây dựng giữa cảnh sát, cơ quan thực thi pháp luật và các thành viên trong những cộng đồng có cùng nguồn gốc.

6. Quyền dân sự và chính trị

(aa) Đảm bảo mọi quan chức quốc gia ở mọi cấp đều quan tâm đến các cộng đồng có cùng nguồn gốc trong quá trình đưa ra các quyết định có ảnh hưởng đến đời sống của họ;

(bb) Áp dụng những biện pháp đặc biệt và hiệu quả nhằm đảm bảo cho mọi thành viên trong các cộng đồng có cùng nguồn gốc có quyền tham gia ứng cử, bầu cử, có đủ đại diện của họ trong chính phủ và các cơ quan lập pháp khác;

(cc) Nâng cao ý thức của mọi thành viên trong các cộng đồng về tầm quan trọng của việc tham gia vào đời sống chính trị của cộng đồng, xóa bỏ mọi trở ngại trong việc tham gia các hoạt động trên;

(dd) Tổ chức các chương trình đào tạo nhằm nâng cao nhận thức chính trị và các kỹ năng hành chính khác cho các đại diện chính trị là thành viên của các cộng đồng có cùng nguồn gốc;

(ee) Từng bước khoanh vùng những nơi dễ xảy ra bạo lực và ngăn chặn sự tái diễn bạo lực đó;

(ff) Áp dụng các biện pháp hiệu quả nhằm đảm bảo quyền của mọi thành viên trong các cộng đồng được kết hôn với những thành viên khác ngoài cộng đồng nếu họ mong muốn.

7. Các quyền kinh tế và xã hội

(gg) Soạn thảo, thông qua và thực hiện các kế hoạch, chương trình nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trên cơ sở bình đẳng và không phân biệt đối xử;

(hh) Thực hiện các biện pháp khả thi và hiệu quả để xóa bỏ đói nghèo trong những cộng đồng người có cùng nguồn gốc và trong công cuộc đấu tranh chống ly khai, loại trừ trong cộng đồng;

(ii) Kết hợp với các tổ chức liên chính phủ, bao gồm các tổ chức tài chính quốc tế, để xây dựng và hỗ trợ các dự án nhằm trợ giúp hay cải thiện điều kiện kinh tế, xã hội của các cộng đồng có cùng nguồn gốc;

(jj) Áp dụng những biện pháp đặc biệt nhằm thúc đẩy việc tuyển dụng các thành viên cộng đồng cùng nguồn gốc làm việc trong các thành phần kinh tế nhà nước và tư nhân;

(kk) Cải tổ hệ thống pháp luật và nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt về xuất xứ nguồn gốc trong công việc và trong thị trường lao động;

(ll) Áp dụng những biện pháp chống lại việc các cơ quan nhà nước và tư nhân cũng như các tổ chức khác điều tra nguồn gốc xuất xứ của các ứng viên trong quá trình tuyển dụng;

(mm) Áp dụng các biện pháp chống lại các cơ quan nhà nước và tư nhân có hành vi phân biệt đối xử về chỗ ở và tiếp cận công bằng về chỗ ở đối với các thành viên và cộng đồng bị ảnh hưởng;

(nn) Đảm bảo bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế và an sinh xã hội cho các cộng đồng có cùng nguồn gốc;

(oo) Tính đến các cộng đồng này trong việc thiết kế và thực hiện các chương trình và dự án về chăm sóc sức khỏe;

(pp) Áp dụng những biện pháp xác định tổn hại đối với trẻ em trong cộng đồng có cùng nguồn gốc và chống lại việc khai thác lao động trẻ em;

(qq) Áp dụng những biện pháp hiệu quả nhằm xóa bỏ chế độ lao động gán nợ và những điều kiện lao động bóc lột mà có liên hệ với hành vi phân biệt đối xử về nguồn gốc.

8. Quyền giáo dục

(rr) Đảm bảo hệ thống giáo dục công lập và tư thục được áp dụng cho mọi trẻ em trong cộng đồng không loại trừ trẻ em ở cộng đồng có nguồn gốc cụ thể nào;

(ss) Giảm tình trạng bỏ học giữa chừng cho trẻ em trong mọi cộng đồng, cụ thể là những trẻ em trong cộng đồng bị ảnh hưởng, đặc biệt chú ý tới các bé gái;

(tt) Đấu tranh ngăn chặn sự phân biệt đối xử bởi các cơ quan nhà nước và cá nhân, hành vi lạm dụng học sinh là thành viên trong các cộng đồng có cùng nguồn gốc;

(uu) Áp dụng các biện pháp cần thiết, phối hợp với các đoàn thể xã hội, giáo dục dân chúng tinh thần không phân biệt đối xử và sự tôn trọng đối với các cộng đồng là đối tượng của sự phân biệt đối xử về nguồn gốc;

(vv) Kiểm tra mọi thông tin trình bày trong sách giáo khoa mà có nội dung tuyên truyền những tư tưởng dập khuôn và bêu xấu hình ảnh, văn hóa... của một số cộng đồng có nguồn gốc và thay thế bằng nhnwxg hình ảnh, bài viết, nội dung hàm chứa những thông tin về phẩm giá vốn có của họ và sự công bằng về quyền con người.

 

 


* Phiên họp thứ 61 (2002)

 

Drupal theme by Adaptivethemes - Design by Kodamera