Skip to main content

HỘI NGHỊ THẾ GIỚI CHỐNG CHỦ NGHĨA PHÂN BIỆT CHỦNG TỘC, PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ VỀ CHỦNG TỘC, TƯ TƯỞNG BÀI NGOẠI VÀ BẤT KHOAN DUNG LIÊN QUAN

Phiên bản PDF

Tên tiếng Anh

World Conference against Racism, 2001 (Durban Declaration and Programme of Action)

 

HỘI NGHỊ THẾ GIỚI CHỐNG CHỦ NGHĨA PHÂN BIỆT CHỦNG TỘC, PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ VỀ CHỦNG TỘC, TƯ TƯỞNG BÀI NGOẠI VÀ BẤT KHOAN DUNG LIÊN QUAN

(Tuyên bố và chương trình hành động Durban, 2001).

TUYÊN BỐ

Họp tại Durban, Nam Phi, từ ngày 31/8 đến ngày 8/9/2001,

Thể hiện sự đánh giá cao việc Chính phủ Nam Phi đã đăng cai tổ chức Hội nghị Thế giới này,

Lấy cảm hứng từ cuộc đấu tranh anh hùng của nhân dân Nam Phi chống lại chế độ thể chế hóa của nạn phân biệt chủng tộc ở Nam Phi, cũng như đòi lại sự công bằng và công lý theo chế độ dân chủ, phát triển, pháp trị và tôn trọng quyền con người, trong bối cảnh này,

Nhớ lại đóng góp quan trọng của cộng đồng quốc tế đối với cuộc đấu tranh đó và đặc biệt là vai trò then chốt của nhân dân và Chính phủ các nước châu Phi, và

Ghi nhận vai trò quan trọng của các nhân vật khác nhau của xã hội dân sự, kể cả các tổ chức phi chính phủ, trong cuộc đấu tranh đó và trong các nỗ lực không ngừng nghỉ chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan,

Xét rằng Tuyên bố và Chương trình Hành động Viên, được Hội nghị Thế giới về Nhân quyền tháng 6/1993 thông qua, kêu gọi việc xóa bỏ nhanh chóng và toàn diện tất cả các hình thức phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan,

Nhắc tới Nghị quyết số 1997/74 ngày 18/4/1997 của Ủy ban Nhân quyền, Nghị quyết số 52/111 ngày 12/12/1997 của Đại Hội đồng và các nghị quyết tiếp sau của các cơ quan liên quan tới việc triệu họp Hội nghị Thế giới chống Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan; và cũng nhắc tới hai Hội nghị Thế giới chống Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và Phân biệt đối xử về chủng tộc được tổ chức tại Geneva lần lượt trong các năm 1978 và 1983,

Lo ngại rằng bất chấp các nỗ lực của cộng đồng quốc tế, các mục tiêu chủ yếu của ba Thập niên chống Chủ nghĩa Phân biệt chủng tộc và Phân biệt đối xử về chủng tộc đã không đạt được và rằng cho đến ngày nay vẫn còn vô số người tiếp tục là nạn nhân của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan,

Nhớ rằng năm 2001 là Năm Quốc tế Động viên chống Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, Phân biệt đối xử về chủng tộc, Tư tưởng Bài ngoại và Bất khoan dung liên quan, hướng đến việc thu hút sự chú ý của thế giới vào các mục tiêu của Hội nghị Thế giới và đem lại đà mới cho cam kết chính trị loại bỏ tất cả các hình thức phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan,

Đón nhận quyết định của Đại Hội đồng về việc tuyên bố năm 2001 là Năm Đối thoại giữa các Nền văn minh của Liên Hợp Quốc,

Nhấn mạnh sự khoan dung và tôn trọng đối với sự đa dạng và nhu cầu tìm kiếm điểm chung giữa và trong các nển văn minh để giải quyết những thách thức chung đối với nhân loại đe dọa các giá trị chung, nhân quyền toàn thế giới và cuộc chiến chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan thông qua hợp tác, liên minh và cộng tác,

Đón nhận tuyên bố của Đại Hội đồng về giai đoạn 2001-2010 như là Thập kỷ của Văn hóa Hòa bình và Phi bạo lực cho Trẻ em Thế giới và việc Đại Hội đồng thông qua Tuyên bố và Kế hoạch Hành động về Văn hóa Hòa bình.

Ghi nhận rằng Hội nghị Thế giới về chống Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan, cùng với Thập niên Quốc tế của Cư dân bản địa Thế giới (The International Decade of the World’s Indigenous People) đã đề ra cơ hội có một không hai để xem xét những đóng góp vô giá của những tộc người bản địa trên khắp thế giới vào sự phát triển chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa và tinh thần của xã hội, cũng như những thách thức họ phải đối mặt, bao gồm chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử về chủng tộc,

Nhắc tới Tuyên bố Liên Hợp Quốc về Trao quyền Độc lập cho Các nước và Các dân tộc Thuộc địa năm 1960,

Tái khẳng định cam kết của chúng ta đối với các mục đích và nguyên tắc trong Hiến chương Liên Hợp Quốc và Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con người,

Khẳng định rằng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan là sự phủ nhận các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc,

Khẳng định lại các nguyên tắc về bình đẳng và không phân biệt đối xử trong Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con người và khuyến khích tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do cơ bản cho tất cả mọi người mà không có sự phân biệt dưới bất kỳ hình thức nào như chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hay quan điểm khác, nguồn gốc quốc gia hay nguồn gốc xã hội, tài sản, tình trạng lúc sinh hay tình trạng khác,

Tin vào tầm quan trọng cơ bản của sự tham gia toàn thế giới vào hoặc sự thông qua và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ phát sinh theo Công ước Quốc tế về Xóa bỏ mọi Hình thức Phân biệt đối xử về chủng tộc với tư cách là văn kiện quốc tế chủ yếu để xóa bỏ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan,

Thừa nhận tầm quan trọng cơ bản của việc các Quốc gia, trong công cuộc chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan, cân nhắc việc ký kết, phê chuẩn hoặc gia nhập tất cả các văn kiện nhân quyền quốc tế có liên quan, hướng tới sự đồng thuận trên toàn thế giới,

Lưu ý báo cáo của các hội nghị khu vực được tổ chức tại Strasbourg, Santiago, Dakar và Tehran và dữ liệu từ các Quốc gia, cũng như báo cáo của các hội nghị chuyên đề, các cuộc họp khu vực của các tổ chức phi chính phủ và các cuộc họp khác được tổ chức để chuẩn bị cho Hội nghị Thế giới,

Đánh giá cao Tuyên bố Tầm nhìn của Tổng thống Thabo Mbeki của Nam Phi dưới sự bảo trợ của Ngài Nelson Mandela đáng kính, Tổng thống đầu tiên của Nam Phi mới, và với sáng kiến của Cao ủy Liên Hợp Quốc về Nhân quyền và Tổng Thư ký của Hội nghị Thế giới, và được ký bởi bảy mươi tư nguyên thủ Quốc gia, người đứng đầu Chính phủ và các chức sắc của nhà thờ,

Tái khẳng định đa dạng văn hóa là tài sản đáng giá cho sự tiến bộ và thịnh vượng của nhân loại nói chung và cần được coi trọng, hưởng thụ, chấp nhận chân thật và nắm lấy như là một đặc trưng lâu dài làm phong phú xã hội của chúng ta,

Thừa nhận rằng không một vi phạm nào đối với việc cấm phân biệt đối xử về chủng tộc, tội diệt chủng, tội phân biệt chủng tộc và nô lệ là được phép, như xác định trong các nghĩa vụ theo các văn kiện về nhân quyền có liên quan,

Lắng nghe nhân dân thế giới và thừa nhận khát vọng của họ về công lý, về công bằng cơ hội cho tất cả mọi người, về việc thụ hưởng quyền con người, kể cả quyền được phát triển, được sống trong hòa bình và tự do và khát vọng được tham gia như nhau mà không có sự phân biệt đối xử trong đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa, dân sự và chính trị,

Thừa nhận rằng sự tham gia bình đẳng của tất cả các cá nhân và dân tộc trong việc hình thành các xã hội công bằng, dân chủ và tối đa hóa cơ hội cho mọi người có thể đóng góp cho một thế giới không có phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan,

Nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tham gia công bằng của tất cả, mà không có bất cứ sự phân biệt nào, vào quá trình ra quyết định trong nước cũng như toàn cầu,

Khẳng định rằng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan, khi chúng lên đến mức kỳ thị chủng tộc và phân biệt chủng tộc, sẽ gây ra những vi phạm nghiêm trọng và là trở ngại đối với việc thụ hưởng đầy đủ tất cả các quyền con người và phủ nhận sự thật hiển nhiên rằng tất cả mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và quyền, là trở ngại đối với quan hệ thân thiện và hòa bình giữa các dân tộc và quốc gia, là một trong những nguyên nhân cốt lõi của nhiều xung đột trong nước và quốc tế, bao gồm xung đột vũ trang, và sự di chuyển bắt buộc của dân cư như là hệ quả của các cuộc xung đột đó,

Thừa nhận rằng phải có các hành động quốc gia và quốc tế để chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan để bảo đảm sự thụ hưởng đầy đủ tất cả các quyền con người, quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, dân sự và chính trị mà tất cả các quyền này đều mang tính phổ quát, không thể phân chia, phụ thuộc lẫn nhau và tương liên với nhau, và để cải thiện điều kiện sống của đàn ông, đàn bà và trẻ em của tất cả các quốc gia,

Tái khẳng định tầm quan trọng của việc nâng cao hợp tác quốc tế để thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền và để đạt được các mục tiêu chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan,

Thừa nhận rằng sự bài ngoại, với các biểu hiện khác nhau, hiện là một trong những nguồn và hình thức chính của phân biệt và mâu thuẫn mà việc chống lại nó đòi hỏi sự quan tâm khẩn cấp và hành động nhanh chóng của các Quốc gia, cũng như cộng đồng quốc tế,

Nhận thức đầy đủ rằng, bất chấp các nỗ lực của cộng đồng quốc tế, của Chính phủ và chính quyền địa phương, tai họa của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan vẫn dai dẳng tồn tại và tiếp tục dẫn đến những vi phạm nhân quyền, sự đau khổ, bất công và bạo lực, và chúng phải bị chống lại bằng tất cả các biện pháp có thể và phù hợp, với tư cách là vấn đề được ưu tiên cao nhất, tốt nhất là qua hợp tác với các cộng đồng chịu ảnh hưởng,

Lo ngại sự tiếp diễn và hung bạo của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan, và lo ngại rằng các học thuyết về sự ưu việt của chủng tộc và văn hóa nào đó so với các chủng tộc và văn hóa khác, đã được đẩy mạnh và lợi dụng trong thời kỳ thuộc địa, vẫn tiếp tục được đề xuất dưới hình thức này hay hình thức cho tới ngày nay,

Được báo động bởi sự nổi lên và tiếp tục xuất hiện của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan dưới các hình thức và biểu hiện tinh vi và hiện đại hơn, cũng như bởi các hệ tư tưởng và tập tục khác dựa trên sự phân biệt hay tính ưu việt chủng tộc hay dân tộc,

Bác bỏ mạnh mẽ bất kỳ học thuyết nào về tính ưu việt của dân tộc, cùng với các học thuyết cố gắng xác định sự tồn tại của cái gọi là loài người khác biệt,

Thừa nhận rằng thất bại trong việc chống lại và lên án chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan của tất cả mọi người, đặc biệt là các cơ quan công quyền và các chính trị gia ở mọi cấp độ, là một nhân tố khuyến khích sự duy trì của chúng,

Khẳng định lại rằng các Quốc gia có trách nhiệm bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền và các quyền tự do cơ bản của tất cả các nạn nhân, và rằng họ nên nhìn nhận sự việc trên cả góc độ giới tính, nhận diện nhiều hình thức phân biệt mà phụ nữ có thể phải đối mặt, và rằng việc hưởng các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa của họ là thiết yếu đối với sự phát triển của xã hội trên toàn thế giới,

Thừa nhận cả thách thức và cơ hội mà thế giới ngày càng toàn cầu hóa tạo ra trong quan hệ với cuộc đấu tranh xóa bỏ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan,

Quyết tâm, trong thời đại toàn cầu hóa và công nghệ đã đóng góp đáng kể trong việc mang con người lại gần nhau hơn, cụ thể hóa khái niệm về một gia đình loài người dựa trên công bằng, nhân phẩm và đoàn kết, và biến thế kỷ XXI thành thế kỷ của nhân quyền, xóa bỏ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan và thực hiện công bằng thật sự về cơ hội và đối xử cho tất cả mọi cá nhân và dân tộc,

Tái khẳng định các nguyên tắc bình đẳng quyền và quyền tự quyết của các dân tộc và nhắc lại rằng tất cả các cá nhân được sinh ra bình đẳng về nhân phẩm và quyền, nhấn mạnh rằng sự bình đẳng đó phải được bảo vệ như là vấn đề được ưu tiên cao nhất và thừa nhận trách nhiệm của các quốc gia phải thực hiện các biện pháp nhanh chóng, kiên quyết và phù hợp nhằm xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan,

Cống hiến bản thân cho cuộc chiến chống lại tai họa của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan, một cách đầy đủ và hiệu quả với tư cách là vấn đề được ưu tiên, trong khi đó rút ra những bài học từ những biểu hiện và kinh nghiệm trong quá khứ của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở khắp nơi trên thế giới nhằm không để chúng tái diễn,

Cùng nhau tham gia với tinh thần quan điểm chính trị đổi mới và cam kết thực hiện công bằng, công lý và nhân phẩm cho tất cả mọi người, chúng tôi chào đón ký ức của tất cả các nạn nhân của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, bài ngoại và kỳ thị có liên quan trên khắp thế giới và chính thức thông qua Tuyên bố và Chương trình Hành động Durban,

CÁC VẤN ĐỀ CHUNG

1. Chúng tôi tuyên bố rằng vì mục đích của Tuyên ngôn và Chương trình Hành động hiện tại, các nạn nhân của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan là những cá nhân hay nhóm người đã hoặc đang chịu tác động tiêu cực, là đối tượng, hoặc là mục tiêu của những áp bức này;

2. Chúng tôi thừa nhận rằng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan xảy ra với lý do chủng tộc, màu da, nguồn gốc dòng dõi hay quốc tịch hay dân tộc; và rằng các nạn nhân có thể phải gánh chịu các hình thức nghiêm trọng của phân biệt đối xử trên cơ sở những lý do khác như giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hay quan điểm khác, nguồn gốc xã hội, tài sản, tình trạng lúc sinh hay tình trạng khác;

3. Chúng tôi thừa nhận và khẳng định rằng, tại thời điểm bắt đầu của thiên niên kỷ thứ ba, cuộc chiến toàn cầu chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan và tất cả các hình thức và biểu hiện ghê tởm và tiến hóa của chúng là vấn đề được ưu tiên đối với cộng đồng quốc tế, và rằng Hội nghị này đưa ra cơ hội có một không hai và mang tính lịch sử để đánh giá và xác định tất cả khía cạnh của những tội ác tàn phá đối với nhân loại đó với hy vọng xóa bỏ chúng hoàn toàn thông qua, không kể những cái khác, sự khởi xướng các cách tiếp cận đổi mới và nhân văn và sự củng cố và nâng cao các biện pháp thực tế và hiệu quả ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế;

4. Chúng tôi thể hiện sự đoàn kết với nhân dân châu Phi trong cuộc đấu tranh không ngừng của họ chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan và công nhận những hy sinh, cũng như nỗ lực của họ trong việc nâng cao nhận thức quốc tế về những bi kịch vô nhân đạo này;

5. Chúng tôi cũng khẳng định tầm quan trọng to lớn mà chúng ta đã gắn cho các giá trị như đoàn kết, tôn trọng, khoan dung và chủ nghĩa đa nguyên văn hóa, những giá trị này tạo ra tiền đề đạo đức và khơi nguồn cảm hứng cho cuộc đấu tranh trên toàn thế giới chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan, các bi kịch vô nhân đạo đã tác động quá lâu đến người dân khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là ở châu Phi;

6. Chúng tôi khẳng định thêm rằng tất cả các dân tộc và các cá nhân tạo thành một gia đình loài người, phong phú về tính đa dạng. Họ đóng góp vào sự tiến bộ của các nền văn minh và văn hóa, những cái hình thành nên di sản chung của nhân loại. Duy trì và thúc đẩy sự khoan dung, tính đa nguyên và tôn trọng sự đa dạng có thể tạo ra nhiều xã hội bao dung hơn;

7. Chúng tôi tuyên bố rằng tất cả mọi người đều sinh ra tự do, bình đẳng về nhân phẩm và quyền và có khả năng đóng góp mang tính xây dựng đối với sự phát triển và hạnh phúc cho xã hội của họ. Bất kỳ học thuyết nào về chủ nghĩa ưu việt chủng tộc đều sai về khoa học, đáng bị lên án về phương diện đạo đức, không công bằng và nguy hiểm về mặt xã hội, và phải bị loại bỏ cùng với các học thuyết cố gắng xác định sự tồn tại của những chủng người riêng biệt;

8. Chúng tôi thừa nhận rằng tôn giáo, tinh thần và tín ngưỡng đóng vai trò trung tâm trong đời sống của hàng triệu người phụ nữ và nam giới, trong cách họ sống và đối xử với người khác. Tôn giáo, tinh thần và đức tin có thể và có khả năng đóng góp vào sự thúc đẩy nhân phẩm vốn có và đáng giá của con người và tiệt trừ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan;

9. Chúng tôi lo ngại khi thấy rằng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan có thể làm trầm trọng thêm bởi, không kể những cái khác, sự phân chia không công bằng về của cải, sự cách ly ra khỏi nhịp điệu phát triển xã hội và sự loại trừ xã hội;

10. Chúng tôi khẳng định lại rằng mọi người có quyền hưởng trật tự xã hội và quốc tế mà trong đó tất cả các quyền con người có thể được thực hiện đầy đủ cho tất cả, mà không có bất kỳ sự phân biệt nào;

11. Chúng tôi lưu ý rằng quá trình toàn cầu hóa tạo ra một nguồn lực mạnh mẽ và năng động cần được khai thác vì lợi ích, sự phát triển và thịnh vượng của tất cả các quốc gia, không có sự loại trừ. Chúng tôi thừa nhận rằng các nước đang phát triển phải đối mặt với những khó khăn đặc biệt trong việc đối phó lại thách thức chủ yếu này. Tuy toàn cầu hóa đem lại những cơ hội lớn hơn nhưng hiện tại các lợi ích của nó được phân chia không đều, và cái giá phải trả cho nó cũng như vậy. Do đó chúng tôi thể hiện quyết tâm ngăn cản và giảm nhẹ tác động bất lợi của toàn cầu hóa. Những tác động này có thể làm trầm trọng thêm, không kể những cái khác, sự nghèo nàn, sự kém phát triển, sự cách ly khỏi nhịp điệu phát triển xã hội, loại trừ xã hội, đồng hóa văn hóa và cách biệt về kinh tế có thể xảy ra giữa các ranh giới chủng tộc, trong và giữa các Quốc gia, và có tác động bất lợi. Chúng tôi thể hiện quyết tâm hơn nữa để tối đa hóa các lợi ích của toàn cầu hóa thông qua, không kể những cái khác, tăng cường và nâng cao hợp tác quốc tế để tăng thêm sự bình đẳng các cơ hội thương mại, tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, thông tin liên lạc toàn cầu thông qua việc sử dụng công nghệ mới và gia tăng trao đổi văn hóa thông qua việc gìn giữ và thúc đẩy đa dạng văn hóa, yếu tố có thể góp phần diệt trừ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan. Chỉ có cách thông qua các nỗ lực rộng rãi và liên tục để tạo ra tương lai chung cho toàn nhân loại, và tất cả sự đa dạng của nó thì toàn cầu hóa mới có thể trở nên hoàn toàn công bằng và toàn diện;

12. Chúng tôi thừa nhận rằng di cư liên khu vực và trong khu vực gia tăng là kết quả của toàn cầu hóa, đặc biệt từ phía Nam lên phía Bắc, và nhấn mạnh rằng các chính sách đối với việc di cư không nên dựa trên chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, sự bài ngoại hay bất khoan dung liên quan;

NGUỒN GỐC, NGUYÊN NHÂN, HÌNH THỨC VÀ BIỂU HIỆN ĐƯƠNG THỜI
CỦA CHỦ NGHĨA PHÂN BIỆT CHỦNG TỘC, PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ VỀ CHỦNG TỘC, TƯ TƯỞNG BÀI NGOẠI VÀ BẤT KHOAN DUNG LIÊN QUAN

13. Chúng tôi thừa nhận rằng chế độ nô lệ và nạn buôn bán nô lệ, bao gồm buôn bán nô lệ xuyên Đại Tây Dương, là những bi kịch kinh khủng trong lịch sử loài người không chỉ bởi sự dã man ghê tởm mà còn về độ lớn, tính tổ chức và đặc biệt là sự phủ nhận bản chất của các nạn nhân, và chúng tôi thừa nhận thêm rằng chế độ nô lệ và nạn buôn bán nô lệ là tội ác chống lại loài người và cần luôn được coi là như vậy, đặc biệt là buôn bán nô lệ xuyên Đại Tây Dương, và là một trong số những nguồn gốc và biểu hiện chính của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan, và rằng người dân châu Phi và người gốc Phi, người châu Á và người gốc Á và người bản địa đã từng là nạn nhân của các hành động này và sẽ tiếp tục là nạn nhân của những hậu quả mà những hành động này đem lại;

14. Chúng tôi thừa nhận rằng chủ nghĩa thực dân đã dẫn đến chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan, và rằng người dân châu Phi và người gốc Phi, người gốc Á và người bản địa đã từng là nạn nhân của chủ nghĩa thực dân và sẽ tiếp tục là nạn nhân của những hậu quả của nó. Chúng tôi thừa nhận sự đau khổ do chủ nghĩa thực dân gây ra và xác nhận rằng, dù chủ nghĩa thực dân diễn ra ở bất cứ nơi nào và vào lúc nào, nó phải bị lên án và việc nó tái diễn phải bị ngăn chặn. Chúng tôi cũng hối tiếc rằng những ảnh hưởng và sự dai dẳng của những cấu trúc và thực tiễn này là những nhân tố góp phần vào sự bất bình đẳng về xã hội và kinh tế tại nhiều nơi trên thế giới ngày nay;

15. Chúng tôi thừa nhận rằng nạn phân biệt chủng tộc ở Nam Phi và tội diệt chủng dưới góc độ pháp luật quốc tế cấu thành tội phạm chống lại loài người và là nguồn gốc và biểu hiện chủ yếu của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan, và thừa nhận tội ác và đau khổ chưa được nói ra do những hành động này gây ra và khẳng định rằng dù chúng diễn ra ở bất cứ nơi nào hay lúc nào thì chúng đều phải bị lên án và việc chúng tái diễn phải bị ngăn chặn;

16. Chúng tôi thừa nhận rằng tư tưởng bài ngoại chống lại người không quốc tịch, đặc biệt là người di cư, người tỵ nạn và người xin tỵ nạn, là một trong những nguồn chính của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đương thời và rằng các vi phạm về nhân quyền chống lại thành viên của những nhóm người này xảy ra rộng rãi trong bối cảnh thực tiễn phân biệt chủng tộc, bài ngoại và kỳ thị chủng tộc;

17. Chúng tôi lưu ý tầm quan trọng của việc đặc biệt chú ý đến những biểu hiện mới của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan mà thanh niên và các nhóm dễ bị tổn thương có thể bị phơi nhiễm;

18. Chúng tôi nhấn mạnh rằng sự nghèo đói, kém phát triển, cách ly khỏi nhịp điệu phát triển xã hội, loại trừ xã hội và cách biệt về kinh tế liên quan chặt chẽ với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan, và góp phần vào sự dai dẳng của những quan điểm và thực tiễn phân biệt chủng tộc mà những quan điểm và thực tiễn này lại tạo ra thêm sự nghèo đói;

19. Chúng tôi thừa nhận các hậu quả tiêu cực về kinh tế, xã hội và văn hóa của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan đã góp phần đáng kể vào sự kém phát triển của các nước đang phát triển và, cụ thể, của châu Phi và quyết định giải phóng mọi đàn ông, phụ nữ và trẻ em khỏi các điều kiện khốn khổ và vô nhân đạo của sự đói nghèo cùng cực mà hơn một tỉ người trong số họ hiện đang phải gánh chịu, để làm cho quyền phát triển là một thực tế cho mọi người và để giải phóng toàn thể nhân loại khỏi sự thiếu thốn;

20. Chúng tôi công nhận chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan là một trong số những nguyên nhân gốc rễ của xung đột vũ trang và cũng thường là một hệ quả của xung đột vũ trang. Chúng tôi cũng nhớ rằng không phân biệt đối xử là một nguyên tắc cơ bản của luật nhân đạo quốc tế.

Chúng tôi nhấn mạnh sự cần thiết đối với tất cả các bên tham gia xung đột vũ trang phải tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc này và cộng đồng quốc tế phải đặc biệt thận trọng trong những giai đoạn xung đột vũ trang và tiếp tục chống lại tất cả các hình thức phân biệt đối xử về chủng tộc;

21. Chúng tôi bày tỏ sự lo ngại sâu sắc rằng sự phát triển kinh tế - xã hội đang bị cản trở bởi những xung đột nội bộ bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có vi phạm tổng thể nhân quyền, bao gồm cả những vi phạm xuất phát từ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan, và từ việc thiếu sự cai quản dân chủ, bao gộp và có tham gia (lack of democratic, inclusive and participatory governance);

22. Chúng tôi bày tỏ lo ngại rằng ở một số quốc gia, cấu trúc hay thể chế chính trị và pháp luật, một vài trong số đó được kế thừa và tồn tại cho đến ngày nay, không phù hợp với những đặc điểm của dân cư đa dân tộc, đa văn hóa và đa ngôn ngữ, và trong nhiều trường hợp tạo thành một nhân tố quan trọng trong phân biệt đối xử khi loại trừ người bản địa (in the exclusion of indigenous peoples);

23. Chúng tôi công nhận đầy đủ các quyền của những nhóm người bản địa phù hợp với các nguyên tắc về chủ quyền và thống nhất lãnh thổ quốc gia, và do đó nhấn mạnh nhu cầu cần phải thông qua các biện pháp hiến pháp, hành chính, lập pháp và tư pháp phù hợp, bao gồm cả các biện pháp bắt nguồn từ những công cụ quốc tế có thể áp dụng được;

24. Chúng tôi tuyên bố rằng việc sử dụng thuật ngữ “các dân tộc bản địa” trong Tuyên ngôn và Chương trình Hành động của Hội nghị Thế giới về chống Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan là nằm trong bối cảnh của, và không tác động đến kết quả của, các cuộc đàm phán quốc tế đang diễn ra về những văn bản đặc biệt đề cập tới vấn đề này, và không thể được hiểu là có bất kỳ hàm ý nào về các quyền theo luật quốc tế;

25. Chúng tôi bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan vẫn đang tồn tại ở một số nước trong hoạt động của hệ thống hình phạt và trong việc áp dụng pháp luật, cũng như trong hành động và thái độ của các cơ quan và cá nhân có trách nhiệm trong việc thực thi pháp luật, đặc biệt là ở những nơi mà việc thực thi pháp luật đã góp phần tạo ra một số nhóm nhất định bị coi là được đại diện bởi những người bị giam hoặc bị bỏ tù (especially where this has contributed to certain groups being over-represented among persons under detention or imprisoned);

26. Chúng tôi khẳng định yêu cầu cần phải kết thúc việc không trừng phạt những hành vi vi phạm nhân quyền và những quyền tự do cơ bản của cá nhân và nhóm người là nạn nhân của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan;

27. Chúng tôi bày tỏ lo ngại rằng ngoài thực tế là chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đang giành được chỗ đứng thì các hình thức và biểu hiện hiện nay của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và bài ngoại đang cố gắng giành lại sự công nhận về chính trị, đạo đức và thậm chí cả pháp luật bằng nhiều cách khác nhau, bao gồm cả cách thông qua cương lĩnh của một số đảng phái và tổ chức và sự gieo rắc các quan niệm dựa trên khái niệm chủng tộc thượng đẳng thông qua các công nghệ thông tin hiện đại;

28. Chúng tôi nhắc lại rằng sự ngược đãi bất kỳ nhóm, tập thể hay cộng đồng có thể xác định được nào dựa trên những lý do về chủng tộc, dân tộc, tộc người hay những lý do khác được thừa nhận rộng rãi là bị cấm theo luật quốc tế, cũng như tội phân biệt chủng tộc, đều vi phạm nghiêm trọng nhân quyền, và trong một số trường hợp đủ để cấu thành tội chống lại nhân loại;

29. Chúng tôi kịch liệt lên án thực tế là chế độ nô lệ và những tập tục tương tự như chế độ nô lệ vẫn còn tồn tại ở một số vùng trên thế giới và thúc giục các quốc gia có các biện pháp ưu tiên ngay lập tức để chấm dứt các tập tục đó, những tập tục vi phạm nhân quyền một cách trắng trợn;

30. Chúng tôi khẳng định yêu cầu cấp bách phải ngăn chặn, chống lại và xóa bỏ tất cả các hình thức buôn người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, và thừa nhận nạn nhân của nạn buôn người đặc biệt phải hứng chịu chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan;

NẠN NHÂN CỦA CHỦ NGHĨA PHÂN BIỆT CHỦNG TỘC, PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ VỀ CHỦNG TỘC, TƯ TƯỞNG BÀI NGOẠI VÀ BẤT KHOAN DUNG LIÊN QUAN

31. Chúng tôi cũng bày tỏ mối quan ngại sâu sắc bất kỳ khi nào các chỉ số trong các lĩnh vực giáo dục, tuyển dụng, y tế, nhà ở, tử vong trẻ em và tuổi thọ đối với nhiều nhóm người cho thấy tình trạng bất lợi, đặc biệt là ở những nơi mà các yếu tố dẫn tới tình trạng này gồm có chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, đối xử phân biệt về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và kỳ thị liên quan;

32. Chúng tôi công nhận giá trị và sự đa dạng của di sản văn hóa của người châu Phi và người gốc Phi và khẳng định tầm quan trọng và sự cần thiết phải đảm bảo sự hòa nhập đầy đủ của họ vào đời sống xã hội, kinh tế và chính trị với hy vọng giúp cho sự tham gia đầy đủ của họ ở mọi cấp độ trong quá trình ra quyết định;

33. Chúng tôi cho rằng tất cả các quốc gia châu Mỹ và tất cả các vùng khác của người Do Thái, châu Phi cần phải công nhận sự tồn tại của bộ phận dân cư gốc Phi và những đóng góp về văn hóa, kinh tế, chính trị và khoa học của họ, và phải nhận biết sự tồn tại của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan rõ ràng ảnh hưởng tới bộ phận dân cư này, và phải thừa nhận rằng ở nhiều quốc gia sự bất bình đẳng lâu đời trong vấn đề tiếp cận giáo dục, chăm sóc sức khỏe và nhà ở đã đang là một nguyên nhân sâu xa của tình trạng khác biệt về xã hội-kinh tế đang ảnh hưởng tới bộ phận dân cư này;

34. Chúng tôi thừa nhận rằng những người gốc Phi trong nhiều thế kỷ đã là nạn nhân của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc và tình trạng nô dịch và là nạn nhân của sự phủ nhận của lịch sử đối với nhiều quyền của họ, và khẳng định rằng họ cần được đối xử công bằng và tôn trọng nhân phẩm và họ không phải chịu phân biệt đối xử dưới bất kỳ hình thức nào. Vì thế họ phải được công nhận quyền văn hóa và bản sắc riêng; quyền tham gia tự do và bình đẳng vào đời sống chính trị, xã hội, kinh tế và văn hóa; quyền phát triển theo nguyện vọng và phong tục của họ; quyền giữ, duy trì và thúc đẩy các hình thức tổ chức riêng, lối sống, văn hóa, truyền thống và những biểu hiện tôn giáo; quyền duy trì và sử dụng ngôn ngữ riêng; quyền được bảo vệ kiến thức truyền thống và di sản văn hóa và nghệ thuật; quyền sử dụng, hưởng thụ và bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên có thể phục hồi ở nơi sống của mình và quyền tham gia chủ động vào việc thiết kế, thực hiện và phát triển hệ thống và chương trình giáo dục, bao gồm các hệ thống và chương trình có bản chất đặc trưng và riêng biệt; và, trong trường hợp có thể, quyền đối với đất đai do tổ tiên để lại;

35. Chúng tôi ghi nhận là ở nhiều nơi trên thế giới, người châu Phi và người gốc Phi phải đối mặt với những trở ngại là kết quả của thành kiến xã hội và sự phân biệt đối xử đang phổ biến ở các cơ quan công và tư và thể hiện cam kết hành động hướng tới xóa bỏ tất cả các hình thức của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan mà người châu Phi và người gốc Phi phải gánh chịu;

36. Chúng tôi thừa nhận rằng ở nhiều nơi trên thế giới, người châu Á và người gốc Á phải đối mặt với những trở ngại là kết quả của thành kiến xã hội và sự phân biệt đối xử đang phổ biến ở các cơ quan công và tư và thể hiện cam kết hành động hướng tới xóa bỏ tất cả các hình thức của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan mà người châu Á và người gốc Á phải gánh chịu;

37. Chúng tôi đánh giá rằng bất chấp chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan mà người gốc Á phải gánh chịu trong nhiều thế kỷ, họ vẫn đã đóng góp và sẽ tiếp tục đóng góp đáng kể vào đời sống kinh tế, xã hội, chính trị, khoa học và văn hóa của đất nước nơi họ sinh sống;

38. Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia xem xét lại, và khi cần thiết, sửa lại bất kỳ chính sách về nhập cư nào không phù hợp với các văn kiện quốc tế về nhân quyền, với hy vọng xóa bỏ mọi chính sách và việc làm phân biệt đối xử với người di cư, bao gồm cả người châu Á và người gốc Á;

39. Chúng tôi thừa nhận rằng người bản địa đã là nạn nhân của phân biệt đối xử trong nhiều thế kỷ và khẳng định rằng họ tự do và bình đẳng về nhân phẩm và quyền và không đáng phải chịu bất kỳ phân biệt đối xử nào, đặc biệt trên cơ sở nguồn gốc và bản sắc bản địa của họ, và chúng tôi nhấn mạnh yêu cầu cần có hành động để chiến thắng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan vẫn dai dẳng tác động tới họ;

40. Chúng tôi ghi nhận giá trị và tính đa dạng của văn hóa và di sản của người bản địa, nhóm người mà chỉ những đóng góp của họ vào sự phát triển và tính đa nguyên văn hóa của xã hội và sự tham gia đầy đủ vào tất cả các mặt của xã hội, cụ thể là vào các vấn đề họ quan tâm, đã có vai trò cơ bản đối với tính ổn định chính trị và xã hội, và đối với sự phát triển của đất nước nơi họ sinh sống;

41. Chúng tôi lặp lại sự tin chắc rằng việc người bản địa nhận thức đầy đủ các quyền con người và quyền tự do cơ bản của họ là tuyệt đối cần thiết để xóa bỏ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan. Chúng tôi kiên quyết nhắc lại quyết tâm thúc đẩy sự thụ hưởng đầy đủ và công bằng của họ đối với các quyền về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa, cũng như lợi ích của phát triển bền vững, cùng lúc đó tôn trọng đầy đủ những đặc trưng riêng biệt và sáng kiến của họ;

42. Chúng tôi nhấn mạnh rằng, để cho người bản địa được tự do bày tỏ bản sắc riêng và thực hành các quyền của mình thì họ cần được giải phóng khỏi mọi hình thức phân biệt đối xử, việc này sẽ dẫn tới sự tôn trọng nhân quyền và quyền tự do cơ bản của họ. Các nỗ lực đang được thực hiện để đảm bảo sự công nhận toàn cầu đối với những quyền đó trong các cuộc đàm phán về bản dự thảo tuyên ngôn về các quyền của người bản địa, bao gồm các quyền sau: quyền gọi bằng chính tên của mình; quyền tham gia tự do và bình đẳng vào sự phát triển chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa của đất nước họ; quyền duy trì các hình thức tổ chức, lối sống, văn hóa và truyền thống riêng; quyền duy trì và sử dụng ngôn ngữ riêng; quyền duy trì cấu trúc kinh tế riêng ở những khu vực họ sinh sống; quyền tham gia vào sự phát triển của hệ thống và chương trình giáo dục; quyền quản lý đất đai và tài nguyên thiên nhiên, bao gồm cả quyền săn bắn và đánh bắt; và quyền tiếp cận với công lý trên cơ sở bình đẳng;

43. Chúng tôi cũng ghi nhận mối quan hệ đặc biệt của người bản địa với vùng đất với tư cách là nền tảng của sự tồn tại về tinh thần, vật chất và văn hóa của họ và khuyến khích các quốc gia, ở mọi nơi có thể, đảm bảo rằng người bản địa có thể giữ được quyền sở hữu đối với đất đai của họ và đối với các tài nguyên thiên nhiên mà họ được hưởng theo pháp luật trong nước;

44. Chúng tôi chào đón quyết định thành lập Diễn đàn Thường trực về các Vấn đề liên quan đến người Bản địa trong hệ thống Liên Hợp Quốc, biểu đạt cụ thể các mục tiêu chính của Thập kỷ Quốc tế Người bản địa Thế giới cũng như Tuyên bố và Chương trình Hành động Viên;

45. Chúng tôi chào đón việc Liên Hợp Quốc bổ nhiệm Báo cáo viên Đặc biệt về tình hình nhân quyền và quyền tự do cơ bản của người bản địa và bày tỏ cam kết của chúng tôi sẽ hợp tác với Báo cáo viên Đặc biệt;

46. Chúng tôi ghi nhận những đóng góp tích cực về kinh tế, xã hội và văn hóa của người di cư đối với nước mà họ rời đi và nước họ đến;

47. Chúng tôi một lần nữa khẳng định chủ quyền của mỗi quốc gia trong việc đề ra và áp dụng khuôn khổ pháp lý và các chính sách về di cư của họ, và khẳng định thêm rằng những chính sách này cần phải phù hợp với các văn kiện, quy phạm và tiêu chuẩn về nhân quyền có thể áp dụng được, và cần được thiết kế để đảm bảo rằng chúng không chứa đựng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan;

48. Chúng tôi lo lắng và mạnh mẽ chỉ trích các biểu hiện và hành vi của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan đối với người di cư và các khuôn mẫu hay được gắn cho họ; khẳng định lại trách nhiệm của các quốc gia phải bảo vệ nhân quyền của những người di cư trong phạm vi quyền lực của họ và khẳng định lại trách nhiệm của các quốc gia phải giữ gìn và bảo vệ người di cư khỏi các hành vi trái pháp luật hay bạo lực, cụ thể là các hành vi phân biệt đối xử về chủng tộc và các tội phạm có động cơ phân biệt chủng tộc hay bài ngoại của các cá nhân hay nhóm người và nhấn mạnh yêu cầu phải đối xử công bằng, bình đẳng với người di cư trong xã hội và tại nơi làm việc;

49. Chúng tôi nêu bật tầm quan trọng của việc tạo ra các điều kiện dẫn tới sự hòa hợp, sự khoan dung và tôn trọng hơn giữa những người di cư và toàn thể xã hội tại quốc gia có người di cư, nhằm mục tiêu xóa bỏ những biểu hiện của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và bài ngoại chống lại người di cư. Chúng tôi nhấn mạnh rằng đoàn tụ gia đình có ảnh hưởng tích cực tới sự hòa nhập và nhấn mạnh yêu cầu đối với các quốc gia phải tạo điều kiện cho đoàn tụ gia đình;

50. Chúng tôi quan tâm tới tình trạng không được bảo vệ mà người di cư thường phải chịu, do, không kể những thứ khác, việc họ rời bỏ đất nước mình và những khó khăn họ gặp phải do những khác biệt về ngôn ngữ, phong tục và văn hóa, cũng như những khó khăn và trở ngại về kinh tế và xã hội đối với việc quay trở lại của những người di cư không được thống kê hoặc ở trong tình huống bất thường;

51. Chúng tôi xác nhận một lần nữa sự cần thiết phải xóa bỏ phân biệt đối xử về chủng tộc đối với người di cư, bao gồm cả di dân lao động, về các vấn đề như tuyển dụng, dịch vụ xã hội, gồm cả giáo dục và y tế, cũng như sự tiếp cận công lý, và rằng những đối xử dành cho họ phải phù hợp với các văn kiện quốc tế về nhân quyền, không có các yếu tố của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan;

52. Chúng tôi lo ngại rằng, cùng với các nhân tố khác, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan dẫn đến di cư bắt buộc và sự di chuyển của người dân khỏi đất nước mình như những người tỵ nạn hay tìm kiếm nơi ẩn nấp;

53. Chúng tôi ghi nhận rằng, bất chấp các nỗ lực chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan, các dạng thức khác nhau của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và kỳ thị chống lại người tỵ nạn, người tìm kiếm nơi ẩn nấp và những người phải dời khỏi chỗ ở ở trong nước, cùng với những thứ khác, vẫn tiếp tục tồn tại;

54. Chúng tôi nhấn mạnh sự cấp bách phải giải quyết các nguyên nhân cốt lõi của việc đổi chỗ ở và tìm ra các giải pháp lâu bền cho người tỵ nạn và những người phải dời khỏi chỗ ở, cụ thể là tình nguyện trở lại đất nước gốc trong an toàn và tự trọng, cũng như tái định cư ở đất nước thứ ba và sự hòa nhập địa phương, vào những lúc và tại những nơi phù hợp và khả thi;

55. Chúng tôi xác nhận cam kết tôn trọng và thực hiện các nghĩa vụ nhân đạo liên quan tới việc bảo vệ người tỵ nạn, người tìm kiếm nơi ẩn nấp, người trở về và người phải di cư trong phạm vi một quốc gia, và lưu ý, về mặt này, tầm quan trọng của đoàn kết quốc tế, chia sẻ gánh nặng và hợp tác quốc tế để chia sẻ trách nhiệm bảo vệ người tỵ nạn, xác nhận lại rằng Công ước năm 1951 về Tình trạng của Người tỵ nạn và Nghị định thư năm 1967 của nó vẫn còn là nền tảng của chế độ tỵ nạn quốc tế và thừa nhận tầm quan trọng của việc các Quốc gia thành viên thực thi đầy đủ các văn kiện này;

56. Chúng tôi thừa nhận sự có mặt ở nhiều nước của một bộ phận dân cư Mestizo (người lai Tây Ban Nha với thổ dân Mỹ) với nguồn gốc chủng tộc và dân tộc hỗn tạp và đóng góp đáng giá của họ vào thúc đẩy tính khoan dung và tôn trọng trong các xã hội này, và chúng tôi lên án phân biệt đối xử đối với họ, đặc biệt là vì phân biệt đối xử này có thể bị phủ nhận do bản chất tinh vi của nó;

57. Chúng tôi ý thức được thực tế là lịch sử nhân loại có nhiều sự tàn bạo nghiêm trọng là kết quả của những vi phạm nhân quyền trắng trợn và tin rằng có thể học được những bài học thông qua việc nhớ lại lịch sử để ngăn ngừa những bi kịch tương lai;

58. Chúng tôi nhắc lại rằng không bao giờ được phép quên Nạn tàn sát người Do Thái vào thời Hitler;

59. Chúng tôi ghi nhận với quan tâm sâu sắc sự kỳ thị về tôn giáo chống lại những cộng đồng tôn giáo nhất định, cũng như việc nổi lên của những hành vi thù địch và bạo lực chống lại những cộng đồng đó do đức tin tôn giáo và nguồn gốc chủng tộc hay dân tộc của họ ở nhiều nơi trên thế giới và việc này cụ thể đã hạn chế quyền tự do tín ngưỡng của họ;

60. Chúng tôi cũng ghi nhận với quan tâm sâu sắc sự tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới của sự kỳ thị về tôn giáo đối với những cộng đồng tôn giáo và các thành viên, cụ thể là sự hạn chế quyền tự do tín ngưỡng của họ, cũng như sự nổi lên của sự rập khuôn với tính tiêu cực gia tăng, các hành vi thù địch và bạo lực chống lại các cộng đồng trên vì đức tin tôn giáo và dân tộc hay cái gọi là nguồn gốc chủng tộc của họ;

61. Chúng tôi ghi nhận với lo lắng sự gia tăng của phong trào bài Do Thái và nỗi ám ảnh đạo Hồi ở nhiều nơi trên thế giới, cũng như sự nổi lên của các phong trào chủng tộc và bạo lực dựa trên chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và các ý tưởng phân biệt đối xử đối với các cộng đồng Do thái, Hồi giáo và Ả-rập;

62. Chúng tôi ý thức được rằng lịch sử nhân loại có thừa những sai lầm nghiêm trọng gây ra bởi việc thiếu tôn trọng sự bình đẳng của con người và cảnh báo sự gia tăng của những thực tế như vậy ở nhiều nơi trên thế giới, và chúng tôi thúc giục người dân, đặc biệt trong các tình huống xung đột, từ bỏ xúi giục phân biệt chủng tộc, ngôn ngữ xúc phạm và sự rập khuôn tiêu cực;

63. Chúng tôi quan ngại về cảnh ngộ khốn khổ của người dân Palestin dưới sự chiếm đóng của nước ngoài. Chúng tôi thừa nhận quyền không thể chuyển nhượng của người dân Palestin được tự quyết định và thành lập một Quốc gia độc lập và chúng tôi ghi nhận quyền an ninh cho tất cả các quốc gia trong vùng, gồm cả Israel, và kêu gọi các quốc gia ủng hộ tiến trình hòa bình và sớm kết thúc nó;

64. Chúng tôi kêu gọi hòa bình đích thực, toàn diện và lâu dài trong khu vực mà mọi dân tộc sẽ cùng tồn tại và hưởng công bằng, công lý và những quyền con người được quốc tế thừa nhận, và an ninh;

65. Chúng tôi ghi nhận quyền được tình nguyện trở về nhà và tài sản trong danh dự và an toàn của người tỵ nạn, và thúc giục tất cả các quốc gia tạo điều kiện cho sự trở về này;

66. Chúng tôi khẳng định rằng bản sắc dân tộc, văn hóa, ngôn ngữ và tôn giáo của các tộc người thiểu số, ở nơi họ tồn tại, phải được bảo vệ và rằng những người thuộc về các tộc người đó phải được đối xử như nhau và được hưởng các quyền con người và các quyền tự do cơ bản của mình mà không có bất kỳ hình thức phân biệt đối xử nào;

67. Chúng tôi thừa nhận rằng các thành viên của những nhóm nhất định có bản sắc văn hóa riêng phải đối mặt với những trở ngại phát sinh từ sự tác động lẫn nhau phức tạp giữa các yếu tố dân tộc, tôn giáo và các yếu tố khác, cũng như truyền thống và phong tục của họ, và kêu gọi các quốc gia đảm bảo rằng các biện pháp, chính sách và chương trình có mục tiêu xóa bỏ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan hướng tới các trở ngại mà sự tác động lẫn nhau giữa các yếu tố này tạo ra;

68. Chúng tôi ghi nhận với lo ngại sâu sắc rằng những biểu hiện đang diễn ra của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan, gồm cả bạo lực, chống lại người Gipxi/Người du mục và công nhận yêu cầu phải xây dựng các chính sách và cơ chế thi hành hiệu quả để đạt được đầy đủ công bằng;

69. Chúng tôi tin rằng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan biểu lộ ở một cách thức khác đối với phụ nữ và trẻ em gái, và có thể nằm trong các nhân tố dẫn tới sự suy giảm trong điều kiện sống của họ, sự nghèo đói, bạo lực, nhiều hình thức phân biệt đối xử, và sự hạn chế hay phủ nhân quyền của họ. Chúng tôi ghi nhận yêu cầu phải kết hợp khía cạnh giới tính vào các chính sách, chiến lược và chương trình hành động chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan nhằm giải quyết các hình thức phức tạp của phân biệt đối xử;

70. Chúng tôi ghi nhận yêu cầu phải xây dựng một cách tiếp cận có hệ thống và thích hợp hơn để đánh giá và giám sát phân biệt đối xử về chủng tộc đối với phụ nữ, cũng như những bất lợi, trở ngại và khó khăn mà phụ nữ gặp phải trong việc thực hiện và hưởng trọn vẹn các quyền về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa do chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan;

71. Chúng tôi chỉ trích các nỗ lực nhằm buộc phụ nữ trong các nhóm tôn giáo và đức tin nào đó phải từ bỏ bản sắc văn hóa và tôn giáo của họ, hoặc nhằm hạn chế ngôn luận hợp pháp của họ, hoặc nhằm phân biệt đối xử đối với họ về cơ hội giáo dục và việc làm;

72. Chúng tôi lưu ý với lo ngại về số lượng lớn trẻ em và người trẻ, đặc biệt là trẻ em gái, trong số nạn nhân của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan và nhấn mạnh yêu cầu phải kết hợp các biện pháp đặc biệt, phù hợp với nguyên tắc mối quan tâm lớn nhất của trẻ em và tôn trọng quan điểm của chúng, trong các chương trình chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan, nhằm ưu tiên chú ý tới các quyền và tình trạng của trẻ em và người trẻ tuổi là nạn nhân của những hành vi này;

73. Chúng tôi thừa nhận rằng một đứa trẻ thuộc về một nhóm dân tộc, tôn giáo hay ngôn ngữ hoặc là người bản địa sẽ không bị phủ nhận, riêng lẻ hoặc trong cộng đồng với các thành viên khác của nhóm, quyền được hưởng nền văn hóa riêng, tuyên xưng và thực hành tôn giáo riêng, hoặc sử dụng ngôn ngữ riêng;

74. Chúng tôi thừa nhận rằng lao động trẻ em có liên kết với nghèo đói, thiếu phát triển và các điều kiện kinh tế - xã hội liên quan và trong một số trường hợp có thể kéo dài sự nghèo nàn và phân biệt đối xử về chủng tộc bằng việc phủ nhận không tương xứng cơ hội đạt được năng lực cần thiết trong cuộc sống sản xuất và hưởng lợi từ sự phát triển kinh tế của những đứa trẻ thuộc các nhóm bị ảnh hưởng;

75. Chúng tôi lưu ý thực tế là, ở nhiều nước, những người bị nhiễm hay bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, cũng như những người được cho là bị nhiễm, thuộc về các nhóm dễ bị tổn thương trước chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan, điều này có tác động tiêu cực và cản trở việc họ tiếp cận với chăm sóc y tế và thuốc chữa bệnh;

CÁC BIỆN PHÁP NGĂN CHẶN, GIÁO DỤC VÀ BẢO VỆ NHẰM XÓA BỎ
CHỦ NGHĨA PHÂN BIỆT CHỦNG TỘC, PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ VỀ CHỦNG TỘC, TƯ TƯỞNG BÀI NGOẠI VÀ BẤT KHOAN DUNG LIÊN QUAN
Ở CẤP ĐỘ QUỐC GIA, KHU VỰC VÀ QUỐC TẾ

76. Chúng tôi nhận thấy rằng điều kiện chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội bất công có thể làm nảy sinh và phát triển chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan, và ngược lại điều này làm gia tăng bất công. Chúng tôi tin tưởng rằng công bằng thực sự về cơ hội cho tất cả mọi người, trong tất cả các lĩnh vực, bao gồm cả cơ hội phát triển, là điều kiện cơ bản để xóa bỏ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan;

77. Chúng tôi khẳng định rằng sự hưởng ứng của toàn thế giới và việc thực thi đầy đủ Công ước Quốc tế về Xóa bỏ mọi Hình thức Phân biệt chủng tộc có vai trò hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy công bằng và không phân biệt đối xử trên thế giới;

78. Chúng tôi khẳng định cam kết chính thức của các Quốc gia trong việc thúc đẩy sự tôn trọng toàn cầu đối với, và việc tuân thủ và bảo vệ Nhân quyền, cũng như các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, dân sự và chính trị, bao gồm cả quyền phát triển, là nhân tố cơ bản trong việc ngăn chặn và xóa bỏ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan;

79. Chúng tôi tin tưởng tuyệt đối rằng những khó khăn gặp phải trên con đường xóa bỏ phân biệt chủng tộc và đạt được bình đẳng về chủng tộc chủ yếu bắt nguồn từ sự thiếu kiên quyết về chính trị, pháp luật non kém, thiếu các chiến lược triển khai, và hành động cứng rắn của các Quốc gia, cũng như sự phổ biến của thái độ phân biệt chủng tộc thịnh hành và sự rập khuôn tiêu cực;

80. Chúng tôi tin tưởng tuyệt đối rằng giáo dục, phát triển và việc áp dụng trung thực tất cả các quy định và nghĩa vụ quốc tế về nhân quyền, bao gồm việc ban hành các đạo luật và các chính sách về chính trị, kinh tế và xã hội, là thiết yếu đối với công cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan;

81. Chúng tôi nhận ra rằng việc quản lý dân chủ, minh bạch, có trách nhiệm, và có sự tham gia của người dân, đáp ứng nhu cầu và khát vọng của con người, tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do cơ bản cũng như nguyên tắc pháp trị là nền tảng thiết yếu để ngăn chặn và xóa bỏ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan một cách hiệu quả. Chúng tôi tái khẳng định rằng việc dung thứ bất kỳ tội ác nào bắt nguồn từ thái độ bài ngoại và phân biệt chủng tộc đều làm suy yếu luật pháp và chế độ dân chủ và có xu hướng khuyến khích những hành động như vậy tái diễn;

82. Chúng tôi khẳng định rằng Cuộc đối thoại giữa Các nền văn minh đã tạo ra một tiến trình nhằm xác định và tăng cường điểm chung giữa các nền văn minh, công nhận và thúc đẩy phẩm giá nội tại và quyền bình đẳng của mọi người cũng như tôn trọng những nguyên tắc cơ bản của công lý; nhờ vậy, xóa bỏ quan niệm văn hóa ưu việt bắt nguồn từ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan, góp phần thúc đẩy xây dựng một thế giới hòa bình cho đại gia đình nhân loại;

83. Chúng tôi nhấn mạnh vai trò trọng yếu mà các nhà lãnh đạo chính trị và các đảng phái chính trị có thể và phải đảm trách trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan và khuyến khích các đảng thực hiện các biện pháp cứng rắn để thúc đẩy tình đoàn kết, lòng bao dung và sự tôn trọng;

84. Chúng tôi lên án sự ngoan cố và sự trỗi dậy của Chủ nghĩa Đức quốc xã mới, chủ nghĩa phát xít mới và các hệ tư tưởng dân tộc bạo lực bắt nguồn từ định kiến chủng tộc hay quốc gia, và tuyên bố rằng những hiện tượng này sẽ không bao giờ được phép dù trong bất cứ hoàn cảnh hay thời điểm nào;

85. Chúng tôi lên án các diễn đàn và các tổ chức chính trị dựa trên chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, tư tưởng bài ngoại hoặc các học thuyết về tính ưu việt chủng tộc và các hình thức phân biệt đối xử liên quan khác, cũng như luật pháp và thực tiễn dựa trên chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan, vì điều đó đi ngược lại dân chủ và việc quản lý minh bạch và có trách nhiệm. Chúng tôi tái khẳng định rằng việc các chính sách của chính phủ bỏ qua chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan là vi phạm nhân quyền và có thể đe dọa quan hệ bằng hữu giữa các dân tộc, sự hợp tác thân thiện giữa các quốc gia và hòa bình cũng như an ninh thế giới.

86. Chúng tôi nhắc lại rằng việc truyền bá tất cả các tư tưởng về sự ưu việt chủng tộc hoặc thù hận chủng tộc sẽ bị coi là hành vi phạm tội có thể bị pháp luật trừng trị theo những nguyên tắc được ghi trong Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con người và các quyền quy định trong Điều 5 của Công ước Quốc tế về Xóa bỏ Mọi hình thức Phân biệt Chủng tộc.

87. Chúng tôi lưu ý rằng Điều 4, đoạn b, của Công ước Quốc tế về Xóa bỏ Mọi hình thức Phân biệt Chủng tộc đặt ra trách nhiệm cho các Quốc gia phải cảnh giác và tiến hành chống lại các tổ chức truyền bá tư tưởng về sự ưu việt cũng như lòng hận thù chủng tộc, các hành động bạo lực hoặc việc kích động các hành động bạo lực. Những tổ chức này sẽ bị kết tội và dẹp bỏ.

88. Chúng tôi thừa nhận rằng phương tiện thông tin đại chúng nên tuyên truyền về tính đa dạng của các xã hội văn hóa cũng như góp phần đấu tranh chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan. Trong lĩnh vực này, chúng tôi lưu ý đến sức mạnh của quảng cáo;

89. Chúng tôi lấy làm tiếc rằng một số phương tiện truyền thông, qua việc tuyên truyền những hình ảnh sai lệch và những định kiến tiêu cực về các cá nhân hoặc nhóm người dễ bị tổn thương, đặc biệt là dân di cư và dân tỵ nạn, đã góp phần làm gia tăng thái độ phân biệt chủng tộc và bài ngoại trong công chúng và trong một số trường hợp, đã kích động bạo lực ở một số cá nhân hoặc nhóm người phân biệt chủng tộc.

90. Chúng tôi thừa nhận những đóng góp tích cực mà việc thực thi quyền tự do biểu đạt, đặc biệt thông qua các phương tiện truyền thông và công nghệ mới, bao gồm Internet, và việc tôn trọng đầy đủ quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền bá thông tin có thể đem lại cho cuộc chiến chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan; chúng tôi nhắc lại sự cần thiết phải tôn trọng tính độc lập trong biên tập và tính tự chủ của các phương tiện truyền thông trong lĩnh vực này;

91. Chúng tôi bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về việc sử dụng công nghệ thông tin mới, như Internet, vào những mục đích đi ngược lại sự tôn trọng các giá trị con người, công bằng, không phân biệt đối xử, tôn trọng người khác và bao dung, bao gồm cả việc reo rắc chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, thù địch chủng tộc, tư tưởng bài ngoại, phân biệt đối xử về chủng tộc và tư tưởng kỳ thị liên quan, và đặc biệt là, trẻ em và thanh niên nếu được tiếp cận với những nội dung trên thì có thể bị ảnh hưởng tiêu cực;

92. Chúng tôi cũng nhận ra nhu cầu cần thúc đẩy việc sử dụng các công nghệ thông tin liên lạc mới, bao gồm cả Internet, nhằm góp phần đấu tranh chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan; công nghệ mới có thể hỗ trợ tăng cường lòng bao dung và sự tôn trọng phẩm giá con người, cũng như các nguyên tắc công bằng và không phân biệt đối xử;

93. Chúng tôi khẳng định rằng tất cả các Quốc gia phải thừa nhận tầm quan trọng của truyền thông cộng đồng trong việc quan tâm đến các nạn nhân của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan;

94. Chúng tái khẳng định rằng việc bêu xấu những người có xuất thân khác nhau bằng hành động hoặc không hành động của các cơ quan công quyền, các thể chế, phương tiện truyền thông, các đảng phái chính trị hoặc các tổ chức quốc gia hay địa phương không chỉ là hành động phân biệt chủng tộc mà còn có thể khiến những hành động tương tự tái diễn, tạo ra một vòng luẩn quẩn làm gia tăng thái độ phân biệt và các định kiến về chủng tộc và điều đó phải bị kết tội;

95. Chúng tôi thừa nhận rằng giáo dục ở mọi cấp độ và mọi độ tuổi, bao gồm cả giáo dục trong gia đình, đặc biệt là giáo dục nhân quyền, là yếu tố then chốt để thay đổi thái độ và hành vi nảy sinh từ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan và góp phần thúc đẩy lòng bao dung và tôn trọng tính đa dạng trong xã hội; chúng tôi cũng khẳng định thêm rằng việc giáo dục như vậy là nhân tố quyết định trong việc thúc đẩy, truyền bá và bảo vệ các giá trị dân chủ của công lý và công bằng vốn hết sức cần thiết để ngăn chặn và đấu tranh chống lại sự mở rộng của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và kỳ thị liên quan;

96. Chúng tôi thừa nhận rằng giáo dục có chất lượng, xóa mù và phổ cập giáo dục tiểu học cho tất cả mọi người có thể góp phần tạo ra một xã hội đoàn kết hơn, công bằng hơn, ổn định hơn, và xây dựng các mối quan hệ thân thiện và hữu nghị giữa các quốc gia, các dân tộc, các nhóm người và các cá nhân, mang lại nền văn hóa hòa bình, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, sự đoàn kết, công bằng xã hội và tôn trọng nhân quyền cho tất cả mọi người;

97. Chúng tôi nhấn mạnh mối quan hệ giữa quyền học tập và cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan và vai trò thiết yếu của giáo dục, bao gồm giáo dục nhân quyền và giáo dục sự nhạy cảm và tôn trọng đa dạng văn hóa, đặc biệt cho trẻ em và thanh niên, nhằm ngăn chặn và xóa bỏ mọi hình thức kỳ thị và phân biệt đối xử;

ĐIỀU KHOẢN VỀ CÁC BIỆN PHÁP ĐỀN BÙ, SỬA CHỮA HIỆU QUẢ
VÀ NHỮNG HÌNH THỨC BỒI THƯỜNG CŨNG NHƯ CÁC BIỆN PHÁP KHÁC
Ở CẤP QUỐC GIA, KHU VỰC VÀ QUỐC TẾ

98. Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng và tính cần thiết của việc giáo dục về các sự kiện và sự thật trong lịch sử nhân loại từ xưa cho đến thời điểm gần đây nhất, cũng như giáo dục về các sự kiện và sự thật lịch sử, nguyên nhân, bản chất và hậu quả của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan, nhằm đạt được sự hiểu biết toàn diện và khách quan về những thảm họa trong quá khứ;

99. Chúng tôi thừa nhận và vô cùng hối tiếc về những nỗi đau khôn cùng mà bao người đã phải gánh chịu cùng những cảnh ngộ bi thương của hàng triệu nam giới, phụ nữ và trẻ em do chế độ nô lệ, nạn buôn bán nô lệ, buôn bán nô lệ xuyên Đại Tây Dương, chế độ A-pác-thai, chủ nghĩa thực dân và tội diệt chủng gây ra, và kêu gọi các Quốc gia liên quan hãy trân trọng ký ức về những nạn nhân của những thảm họa trong quá khứ và khẳng định rằng, dù những bi kịch này xảy ra ở đâu và vào thời điểm nào, thì chúng cũng đều đáng lên án và cần được ngăn chặn không cho tái diễn. Chúng tôi tiếc rằng thực tiễn và những cấu trúc chính trị, kinh tế-xã hội và văn hóa đã dẫn tới chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan;

100. Chúng tôi thừa nhận và vô cùng thương tiếc những đau đớn chưa từng được kể ra và những tội ác xảy ra với hàng triệu nam giới, phụ nữ và trẻ em là hậu quả của chế độ nô lệ, buôn bán nô lệ, buôn bán nô lệ xuyên Đại Tây Dương, chế độ A-pác-thai, tội diệt chủng và những thảm họa trong quá khứ. Chúng tôi nhấn mạnh thêm rằng các Quốc gia phải chủ động xin lỗi và sửa chữa lỗi lầm ở bất cứ nơi nào phù hợp, đối với những vi phạm nghiêm trọng và vô số kể đã xảy ra;

101. Với phương châm khép lại thời kỳ đen tối trong lịch sử và như là một biện pháp hòa giải và hàn gắn, chúng tôi đề nghị cộng đồng quốc tế và những thành viên của nó trân trọng ký ức về những nạn nhân của các thảm kịch nêu trên. Chúng tôi cũng nhấn mạnh thêm rằng một số Quốc gia đã đi tiên phong trong việc bày tỏ sự hối hận và lòng thương xót hoặc chính thức đưa ra lời xin lỗi, đồng thời kêu gọi những Quốc gia chưa có hành động nào giúp phục hồi nhân phẩm cho những nạn nhân trên thì hãy tìm những biện pháp phù hợp để thực hiện việc đó, và cuối cùng, chúng tôi đánh giá cao các Quốc gia đã có hành động thích hợp trong những vấn đề trên.

102. Chúng tôi ý thức được trách nhiệm đạo đức của các Quốc gia liên quan và kêu gọi các Quốc gia này hãy có những hành động hiệu quả và phù hợp để ngăn chặn và đảo ngược hậu quả lâu dài của những thực tiễn trên;

103. Chúng tôi xem hậu quả của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan trong quá khứ và các hình thức hiện tại của chúng như là những thách thức nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh thế giới, phẩm giá của con người và việc hiện thực hóa nhân quyền cùng các quyền tự do cơ bản của nhiều người trên thế giới, đặc biệt là những người dân châu Phi, những người có dòng dõi châu Phi, những người có dòng dõi châu Á và các dân tộc bản địa;

104. Chúng tôi cũng mạnh mẽ tái khẳng định như một yêu cầu cấp thiết của công lý rằng những nạn nhân của các hành vi vi phạm nhân quyền xuất phát từ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và kỳ thị liên quan, đặc biệt trong trường hợp các nạn nhân này thuộc nhóm dễ bị tổn thương về xã hội, văn hóa và kinh tế, cần được đảm bảo có thể tiếp cận công lý, bao gồm hỗ trợ pháp lý nếu phù hợp, được bảo vệ và cứu chữa phù hợp và hiệu quả, bao gồm quyền tìm kiếm công lý và quyền hưởng bồi thường phù hợp cho những tổn thất mà họ đã phải chịu do bị phân biệt đối xử, theo quy định trong rất nhiều các văn bản nhân quyền khu vực và quốc tế, đặc biệt là trong Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con ngườivà Công ước Quốc tế về Xóa bỏ mọi Hình thức Phân biệt Chủng tộc;

105. Được dẫn dắt bởi các nguyên tắc trong Tuyên bố Thiên niên kỷ và việc công nhận rằng chúng ta cùng phải có trách nhiệm ủng hộ các nguyên tắc về phẩm giá con người, công bằng và công lý, và để đảm bảo rằng toàn cầu hóa sẽ trở thành động lực tích cực cho nhân loại, cộng đồng quốc tế cam kết làm việc vì sự hội nhập có lợi của các Quốc gia đang phát triển vào nền kinh tế toàn cầu, chống lại sự cách ly ra khỏi nhịp điệu phát triển của xã hội, và quyết tâm đạt được tốc độ phát triển kinh tế nhanh và phát triển bền vững; xóa bỏ nghèo đói, bất công và bóc lột;

106. Chúng tôi nhấn mạnh rằng việc nhớ lại những tội ác hoặc những điều sai trái trong quá khứ, dù chúng xảy ra ở nơi nào và vào thời điểm nào, song song với việc lên án những thảm họa chủng tộc của nó và kể lại sự thật về lịch sử, là những yếu tố cần thiết cho hòa giải quốc tế và tạo ra những xã hội dựa trên công lý, bình đẳng và đoàn kết;

CHIẾN LƯỢC ĐẠT ĐƯỢC CÔNG BẰNG HIỆU QUẢ VÀ TOÀN DIỆN,
BAO GỒM HỢP TÁC QUỐC TẾ VÀ TĂNG CƯỜNG VAI TRÒ
CỦA LIÊN HỢP QUỐC VÀ CÁC CƠ CHẾ QUỐC TẾ KHÁC TRONG ĐẤU TRANH CHỐNG LẠI CHỦ NGHĨA PHÂN BIỆT CHỦNG TỘC, PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ VỀ CHỦNG TỘC, TƯ TƯỞNG BÀI NGOẠI VÀ KỲ THỊ LIÊN QUAN

107. Chúng tôi nhấn mạnh nhu cầu phải thiết kế, thúc đẩy và triển khai các chiến lược, chương trình, chính sách, cũng như pháp luật phù hợp ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, trong đó bao gồm các biện pháp đặc biệt và tích cực, nhằm đẩy mạnh sự phát triển xã hội công bằng và hiện thực hóa các quyền dân sự và chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa cho tất cả các nạn nhân của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan, bao gồm thông qua việc tiếp cận hiệu quả với các thể chế chính trị, tư pháp và hành chính cũng như nhu cầu phải thúc đẩy việc tiếp cận công lý một cách hiệu quả, và đảm bảo rằng lợi ích thu được từ sự phát triển khoa học và công nghệ sẽ góp phần hiệu quả nâng cao chất lượng cuộc sống cho tất cả mọi người, mà không phân biệt đối xử với bất cứ ai;

108. Chúng tôi thừa nhận sự cần thiết của các biện pháp đặc biệt hoặc những hành động tích cực đối với các nạn nhân của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan nhằm thúc đẩy quá trình hòa nhập với xã hội của họ. Những biện pháp hành động hiệu quả, bao gồm các biện pháp xã hội, nên hướng tới việc điều chỉnh những điều kiện ảnh hưởng tiêu cực đến việc thụ hưởng quyền và áp dụng các biện pháp đặc biệt để khuyến khích sự tham gia bình đẳng của mọi nhóm người thuộc mọi tôn giáo, ngôn ngữ, văn hóa và chủng tộc vào tất cả các lĩnh vực của xã hội và đặt họ ở vị thế bình đẳng. Những biện pháp này nên bao gồm các biện pháp đảm bảo sự đại diện hợp lý trong các tổ chức giáo dục, nhà ở, các đảng chính trị, nghị viện, và việc làm, đặc biệt trong các cơ quan tư pháp, lực lượng cảnh sát, quân đội và các công việc dân sự khác, mà trong một số trường hợp có thể phải tiến hành cải cách về bầu cử, cải cách đất đai và tổ chức các chiến dịch vận động vì sự tham gia công bằng.

109. Chúng tôi xin nhắc lại tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác quốc tế nhằm thúc đẩy:

(a) Cuộc chiến chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan;

(b) Việc triển khai hiệu quả các Công ước và các văn kiện quốc tế cấm những hành vi phân biệt đối xử kể trên tại các Quốc gia;

(c) Mục tiêu đặt ra trong Hiến chương của Liên Hợp Quốc trong lĩnh vực này;

(d) Việc đạt được các mục tiêu đặt ra tại Hội Nghị về Môi trường và Phát triển của Liên Hợp Quốc tại Rio de Janeiro năm 1922, Hội nghị Thế giới về Nhân Quyền tại Viên năm 1993, Hội nghị quốc tế về Dân số và Phát triển tại Cairo năm 1994, Hội nghị Thượng đỉnh về Phát triển Xã hội tại Copenhagen năm 1995, Hội nghị Phụ nữ Thế giới lần thứ 4 tại Bắc Kinh năm 1995, Hội nghị Liên Hợp Quốc về Định cư tại Istanbul năm 1996; và Hội nghị Thượng đỉnh về Lương thực thế giới tại Rome năm 1996, đảm bảo rằng những mục tiêu trên mang lại công bằng cho tất cả nạn nhân của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan;

110. Chúng tôi thừa nhận tầm quan trọng của hợp tác giữa các Quốc gia, tổ chức khu vực và quốc tế liên quan, các thể chế tài chính quốc tế, các tổ chức phi chính phủ và các cá nhân trên toàn thế giới trong cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan, và thừa nhận rằng thành công trong cuộc chiến đấu này đòi hỏi sự quan tâm đặc biệt đến những bất bình, những ý kiến và yêu cầu của các nạn nhân của phân biệt đối xử;

111. Chúng tôi xin nhắc lại rằng các chính sách và phản ứng của quốc tế, bao gồm sự trợ giúp tài chính, đối với người tỵ nạn và người bị trục xuất ở khắp nơi trên thế giới không nên dựa trên sự phân biệt về chủng tộc, màu da, dòng dõi xuất thân hay nguồn gốc dân tộc hay quốc tịch, và trong trường hợp này, chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy hỗ trợ một cách hợp lý trên cơ sở công bằng đối với các Quốc gia chủ nhà, đặc biệt là các Quốc gia đang phát triển và đang trong giai đoạn quá độ;

112. Chúng tôi thừa nhận tầm quan trọng của các cơ quan nhân quyền độc lập của Quốc gia đang hoạt động phù hợp với những Nguyên tắc quy định địa vị của các cơ quan này trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền, theo phụ lục của Nghị quyết số 48/134 của Đại Hội đồng ngày 20/12/1993, và các cơ quan chuyên trách phù hợp khác được thành lập theo luật nhằm thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền, bao gồm cả các cơ quan thanh tra, trong cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và kỳ thị liên quan, cũng như thúc đẩy các giá trị dân chủ và nguyên tắc pháp trị. Chúng tôi khuyến khích các Quốc gia, trong điều kiện phù hợp, thành lập những cơ quan như vậy và kêu gọi các cơ quan chức năng và xã hội nói chung tại các Quốc gia nơi có các tổ chức đang thực hiện nhiệm vụ thúc đẩy, bảo vệ và ngăn chặn phân biệt chủng tộc hãy hợp tác tối đa với những tổ chức này đồng thời vẫn tôn trọng tính độc lập của các tổ chức.

113. Chúng tôi thừa nhận vai trò quan trọng mà các cơ quan khu vực liên quan, bao gồm các hiệp hội khu vực của các thể chế nhân quyền quốc gia, phải đảm nhiệm trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan, và vai trò then chốt mà chúng đảm trách trong việc giám sát và nâng cao nhận thức về kỳ thị và phân biệt đối xử ở cấp khu vực, và tái khẳng định sự ủng hộ đối với các cơ quan này cũng như khuyến khích việc thành lập chúng;

114. Chúng tôi thừa nhận vai trò to lớn của nghị viện trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan thông qua việc ban bố những quy định pháp luật phù hợp, giám sát việc thực hiện chúng và phân bổ nguồn tài chính then chốt;

115. Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lôi kéo các đối tác xã hội và các tổ chức phi chính phủ khác tham gia thiết kế và triển khai các chương trình đào tạo và phát triển;

116. Chúng tôi công nhận vai trò cơ bản của xã hội dân sự trong cuộc chiến chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan, đặc biệt trong việc hỗ trợ các Quốc gia phát triển các quy định và chiến lược, trong việc thực hiện các biện pháp và hành động chống lại những loại hình phân biệt đối xử và thông qua hoạt động triển khai sau đó;

117. Chúng tôi cũng công nhận rằng việc thúc đẩy tôn trọng và tin tưởng giữa các nhóm người khác nhau trong xã hội phải là trách nhiệm chung của, nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm riêng của, mỗi cơ quan chính phủ, các nhà lãnh đạo chính trị, các tổ chức địa phương và công dân. Chúng tôi nhấn mạnh rằng xã hội dân sự đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao sự quan tâm của công chúng, đặc biệt trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan;

118. Chúng tôi hoanh nghênh vai trò xúc tác mà các tổ chức phi chính phủ đảm nhiệm trong việc thúc đẩy giáo dục nhân quyền và nâng cao ý thức về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan. Họ cũng có thể đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức về những vấn đề này tại các cơ quan thích hợp của Liên Hợp Quốc, dựa trên kinh nghiệm quốc gia, khu vực và quốc tế của mình. Luôn ghi nhớ những khó khăn mà họ gặp phải, chúng tôi cam kết sẽ tạo ra một môi trường thuận lợi để các tổ chức phi chính phủ về nhân quyền thực hiện chức năng của mình một cách hiệu quả, đặc biệt là các tổ chức phi chính phủ, chống những kẻ phân biệt chủng tộc, trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và kỳ thị liên quan. Chúng tôi cũng nhận ra tình cảnh không ổn định của các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực nhân quyền, bao gồm các tổ chức chống lại những kẻ theo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, tại rất nhiều nơi trên thế giới và bày tỏ cam kết thực hiện nghĩa vụ quốc tế của chúng tôi cũng như cam kết gỡ bỏ những rào cản bất hợp pháp đối với việc thực hiện chức năng của các tổ chức này;

119. Chúng tôi khuyến khích sự tham gia đầy đủ của các tổ chức phi chính phủ vào các sự kiện tiếp nối Hội nghị Thế giới;

120. Chúng tôi nhận ra rằng đối thoại và trao đổi quốc gia và quốc tế, cùng với sự phát triển mạng lưới toàn cầu của giới trẻ, là những yếu tố cơ bản và quan trọng trong việc xây dựng hiểu biết và tôn trọng giữa các nền văn hóa, góp phần xóa bỏ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan;

121. Chúng tôi nhấn mạnh tác dụng của việc lôi kéo thanh niên tham gia phát triển chiến lược hướng tới tương lai của quốc gia, khu vực và quốc tế và phát triển các chính sách Quốc gia chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và kỳ thị liên quan;

122. Chúng tôi khẳng định rằng nỗ lực toàn cầu xóa bỏ hoàn toàn chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan đang được thực hiện, và rằng các đề xuất trong Chương trình Hành động đã được đưa ra, trên tinh đoàn kết và hợp tác quốc tế và lấy cảm hứng từ mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc cũng như các văn kiện quốc tế có liên quan. Những đề xuất này được đưa ra sau khi đã cân nhắc một cách thích đáng giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, với cách tiếp cận mang tính xây dựng và nhìn về phía trước. Chúng tôi nhận ra rằng việc xây dựng và triển khai các chiến lược, chính sách, chương trình và hành động, mà phải được tiến hành hiệu quả và kịp thời, là trách nhiệm của mọi Quốc gia, với sự tham gia đầy đủ của xã hội dân sự ở cả cấp quốc gia, khu vực và quốc tế.

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

Nhận thấy nhu cầu cấp thiết phải biến các mục tiêu của Tuyên bố thành Chương trình Hành động thực tiễn và khả thi, Hội nghị Thế giới chống Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan:

I. Nguồn, nguyên nhân, hình thức và biểu hiện bên ngoài của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và
bất khoan dung liên quan

1. Kêu gọi các Quốc gia, với nỗ lực của riêng mình, và thông qua hợp tác với các Quốc gia khác, các tổ chức và các thể chế tài chính khu vực và quốc tế, thúc đẩy việc sử dụng đầu tư tư nhân và nhà nước, có sự tham khảo cộng đồng bị ảnh hưởng, để xóa nghèo, đặc biệt tại các khu vực mà nạn nhân của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan sinh sống;

2. Kêu gọi các Quốc gia tiến hành mọi biện pháp cần thiết và phù hợp nhằm chấm dứt các hình thức nô lệ và các hình thức hiện tại của các hoạt động gần như là nô lệ, khởi xướng đối thoại mang tính xây dựng giữa các Quốc gia và triển khai các biện pháp nhằm sửa chữa những vấn đề và giải quyết các thiệt hại phát sinh từ đó;

II. Nạn nhân của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc,
tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan

Nạn nhân: Tổng quát

3. Kêu gọi các Quốc gia hoạt động trong phạm vi quốc gia và hợp tác với các Quốc gia khác cũng như với các tổ chức và các chương trình quốc tế và khu vực nhằm nâng cao các cơ chế quốc gia để thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền cho những nạn nhân của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan, những người bị mắc dịch, hay có nguy cơ nhiễm dịch, như HIV/AIDS và nhằm tiến hành các biện pháp cứng rắn, bao gồm hành động phòng ngừa, tiếp cận thỏa đáng với thuốc men và điều trị, các chương trình giáo dục, đào tạo và phổ biến thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng, để xóa bỏ bạo lực, bêu xấu, phân biệt đối xử, thất nghiệp và những hậu quả tiêu cực khác phát sinh từ những dịch bệnh này;

Người châu Phi và những người gốc Phi

4. Kêu gọi các Quốc gia hỗ trợ sự tham gia của người gốc Phi vào tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội của đời sống xã hội và vào sự tiến bộ, và phát triển kinh tế của đất nước họ, đồng thời tăng cường hiểu biết và tôn trọng hơn nữa đối với di sản và văn hóa của họ;

5. Yêu cầu các Quốc gia, dưới sự hỗ trợ hợp tác quốc tế phù hợp, cân nhắc tập trung một cách tích cực các khoản đầu tư thêm vào hệ thống chăm sóc sức khỏe, giáo dục, sức khỏe cộng đồng, điện, kiểm soát nguồn nước uống và môi trường cũng như các chính sách hành động tích cực và kiên quyết khác, tại các cộng đồng gốc Phi;

6. Kêu gọi Liên Hợp Quốc, các cơ quan tài chính và phát triển quốc tế cũng như các cơ chế quốc tế phù hợp khác phát triển chương trình nâng cao năng lực cho người châu Phi và người gốc Phi tại châu Mỹ và trên toàn thế giới;

7. Yêu cầu Ủy ban Nhân Quyền xem xét thiết lập một nhóm công tác hoặc cơ chế khác của Liên Hợp Quốc để nghiên cứu các vấn đề phân biệt chủng tộc mà người gốc Phi phải đối mặt trong các cộng đồng Do Thái châu Phi và đưa ra các đề xuất xóa bỏ sự phân biệt đối xử với người gốc Phi;

8. Kêu gọi các cơ quan tài chính và các cơ quan phát triển cũng như các tổ chức chuyên trách và chương trình hành động của Liên Hợp Quốc, phù hợp với ngân sách hoạt động và các quy trình làm việc của các cơ quan quản lý của chúng:

a. Dành sự ưu tiên đặc biệt, và phân bổ ngân sách hợp lý, trong phạm vi thẩm quyền và điều kiện ngân sách của mình, nhằm cải thiện tình hình của người châu Phi và người gốc Phi, trong khi quan tâm đặc biệt tới nhu cầu của nhóm dân số này tại các Quốc gia đang phát triển, thông qua việc chuẩn bị các chương trình hành động cụ thể hay những biện pháp khác;

b. Triển khai các dự án đặc biệt, thông qua các kênh phù hợp và thông qua hợp tác với người châu Phi và người gốc Phi, nhằm hỗ trợ các kế hoạch của họ ở cộng đồng và thúc đẩy trao đổi thông tin cũng như kiến thức kỹ thuật giữa những nhóm người này và các chuyên gia trong các lĩnh vực này;

c. Phát triển các chương trình dành cho người gốc Phi, phân bổ các khoản đầu tư thêm cho hệ thống sức khỏe, giáo dục, nhà ở, điện, kiểm soát môi trường và nguồn nước uống cũng như thúc đẩy các cơ hội bình đẳng về việc làm, và các kế hoạch hành động tích cực và kiên quyết khác;

9. Yêu cầu các Quốc gia tăng cường hành động và các chính sách cộng đồng dành cho phụ nữ và nam thanh niên gốc Phi, vì chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đã có những tác động nghiêm trọng tới họ, đặt họ vào hoàn cảnh bị cô lập và bất lợi;

10. Kêu gọi các Quốc gia đảm bảo tiếp cận giáo dục và thúc đẩy cơ hội tiếp cận công nghệ mới mà họ có thể mang đến cho người châu Phi và gốc Phi, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, những nguồn tài nguyên phù hợp cho phát triển giáo dục, công nghệ và học tập từ xa trong các cộng đồng địa phương, đồng thời kêu gọi các Quốc gia đẩy mạnh việc đưa một cách đầy đủ và chính xác lịch sử và những đóng góp của người châu Phi và người gốc Phi vào chương trình giáo dục;

11. Khuyến khích các Quốc gia xác định các nhân tố cản trở việc tiếp cận bình đẳng, và sự hiện diện công bằng của người gốc Phi ở các cấp chính quyền, bao gồm các hoạt động công, đặc biệt là việc thực thi công lý, và thực hiện các biện pháp phù hợp để xóa bỏ những trở ngại trên cũng như khuyến khích thành phần tư nhân thúc đẩy việc tiếp cận bình đẳng và sự hiện diện công bằng của người gốc Phi ở mọi cấp độ trong những tổ chức của họ;

12. Kêu gọi các Quốc gia tiến hành những biện pháp cụ thể để đảm bảo việc tiếp cận hệ thống công lý một cách hiệu quả và đầy đủ cho các cá nhân, đặc biệt là những người gốc Phi;

13. Kêu gọi các Quốc gia, phù hợp với chuẩn mực nhân quyền quốc tế và khung pháp lý tương ứng trong nước, giải quyết các vấn đề về quyền sở hữu đất đai do tổ tiên để lại mà người gốc Phi đã cư ngụ ở đó trong nhiều thế hệ và đẩy mạnh việc sử dụng đất đai cũng như phát triển toàn diện của những cộng đồng này, tôn trọng văn hóa và các cách thức ra quyết định của họ;

14. Kêu gọi các Quốc gia nhận ra các vấn đề định kiến tôn giáo và kỳ thị đặc biệt nghiêm trọng mà nhiều người gốc Phi phải đối mặt và thực hiện các chính sách cũng như các biện pháp nhằm ngăn chặn và xóa bỏ sự phân biệt đối xử về tôn giáo và tín ngưỡng, mà, khi kết hợp với các hình thức phân biệt đối xử khác, có thể tạo ra một hình thức phân biệt đối xử nhiều mặt;

Các dân tộc bản địa

15. Kêu gọi các Quốc gia:

a. Ban hành hoặc tiếp tục áp dụng, một cách phối hợp, các biện pháp hiến pháp, hành chính, lập pháp, tư pháp và tất cả các biện pháp cần thiết để thúc đẩy, bảo vệ và bảo đảm việc thụ hưởng quyền của các dân tộc bản địa, cũng như đảm bảo việc họ có thể thực hiện nhân quyền và các quyền tự do cơ bản trên cơ sở công bằng, không phân biệt đối xử và tham gia đầy đủ và tự do vào tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, đặc biệt trong các vấn đề ảnh hưởng hoặc liên quan đến quyền lợi của họ;

b. Tăng cường hiểu biết và tôn trọng hơn nữa đối với các nền văn hóa cũng như di sản của người bản địa; và hoan nghênh những biện pháp mà các Quốc gia đã tiến hành trong những lĩnh vực này;

16. Kêu gọi các Quốc gia hợp tác với các dân tộc bản địa nhằm khuyến khích họ tiếp cận các hoạt động kinh tế và nâng cao tỷ lệ việc làm cho họ, nơi phù hợp, thông qua việc thành lập, mua lại hay mở rộng các doanh nghiệp của các dân tộc bản địa, và triển khai các biện pháp như đào tạo, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật hoặc cho vay vốn;

17. Kêu gọi các Quốc gia hợp tác với tộc người bản địa để xây dựng và triển khai các chương trình cung cấp cơ hội tiếp cận đào tạo và các dịch vụ mà có thể có ích cho sự phát triển cộng đồng của họ;

18. Yêu cầu các Quốc gia áp dụng các chính sách công và thúc đẩy các chương trình đại diện cho và phối hợp với phụ nữ và các em gái bản địa, nhằm thúc đẩy quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa của họ; nhằm xóa bỏ tình trạng bất lợi về giới và dân tộc; và giải quyết các vấn đề cấp thiết ảnh hưởng đến họ trong lĩnh vực giáo dục, sức khỏe thể chất và tinh thần, đời sống kinh tế và trong vấn đề bạo lực chống lại họ, bao gồm bạo lực gia đình; và chấm dứt tình trạng kỳ thị nghiêm trọng về chủng tộc và giới tính mà phụ nữ và các em gái bản địa phải đối mặt;

19. Kiến nghị các Quốc gia kiểm tra, phù hợp với các văn kiện nhân quyền quốc tế liên quan, các quy tắc và chuẩn mực, Hiến pháp, luật pháp, hệ thống pháp lý và các chính sách nhằm xác định và xóa bỏ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan đối với các dân tộc và cá nhân bản địa, dù công khai hay ngầm định hay vốn thế;

20. Kêu gọi các Quốc gia liên quan tôn trọng các hiệp ước và thỏa thuận đã ký với các dân tộc bản địa và thực hiện đúng những thỏa ước đó;

21. Kêu gọi các Quốc gia xem xét một cách thỏa đáng đến những kiến nghị do người bản xứ đưa ra tại các diễn đàn dành cho họ tại Hội nghị Thế giới;

22. Yêu cầu các Quốc gia:

a. Phát triển và, ở những nơi đã có, hỗ trợ các cơ chế thể chế nhằm thúc đẩy việc đạt được các mục tiêu và biện pháp liên quan đến các tộc người bản địa như đã thống nhất trong Chương trình Hành động;

b. Xúc tiến, phối hợp với các tổ chức của người bản xứ, cơ quan chính quyền địa phương và các tổ chức phi chính phủ, các hành động nhằm chiến thắng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan đối với các tộc người bản địa và tiến hành đánh giá thường xuyên về những tiến bộ đạt được trong lĩnh vực này;

c. Thúc đẩy sự hiểu biết của toàn xã hội về tầm quan trọng của những biện pháp đặc biệt nhằm khắc phụ những bất lợi mà người bản xứ phải đối mặt;

d. Tư vấn cho những người đại diện của người bản xứ trong quá trình đưa ra quyết định liên quan đến chính sách và các biện pháp ảnh hưởng trực tiếp đến họ;

23. Kêu gọi các Quốc gia nhận ra những thách thức đặc biệt mà các tộc người bản xứ và các cá nhân bản xứ sinh sống tại đô thị phải đối mặt và kêu gọi các Quốc gia triển khai các chiến lược hiệu quả để đấu tranh chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan, đặc biệt quan tâm đến các cơ hội để người bản địa được thực hành phong tục truyền thống, văn hóa, ngôn ngữ và tín ngưỡng theo cách riêng của họ;

Người di cư

24. Yêu cầu tất cả các Quốc gia chiến đấu với biểu hiện phủ nhận dân di cư nói chung và cực lực phản đối tất cả các cuộc biểu tình phân biệt chủng tộc cũng như các hành vi phân biệt đối xử về chủng tộc khác, có nguy cơ phát sinh hành động bài ngoại và những xúc cảm tiêu cực đối với, hoặc phủ nhận, người di cư.

25. Kêu gọi các tổ chức phi chính phủ quốc gia và quốc tế đưa vấn đề giám sát và bảo vệ nhân quyền của người nhập cư vào chương trình cũng như các hoạt động của họ và giúp Chính phủ các nước nhạy cảm với và nâng cao nhận thức của công chúng tại các Quốc gia về sự cần thiết phải ngăn chặn các hành động và các biểu hiện phân biệt đối xử, bài ngoại và kỳ thị liên quan đối với dân di cư;

26. Yêu cầu các Quốc gia thúc đẩy và bảo vệ đầy đủ và hiệu quả nhân quyền và các quyền tự do cơ bản của dân di cư, phù hợp với Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con ngườivà thực hiện các nghĩa vụ quốc gia được ghi trong các văn kiện nhân quyền quốc tế, mà không tính đến tình trạng nhập cư của người di cư;

27. Khuyến khích các Quốc gia đẩy mạnh giáo dục về nhân quyền của người di cư và tham gia các chiến dịch quảng bá thông tin nhằm đảm bảo cho công chúng nhận được thông tin chính xác về người di cư và các vấn đề di trú, bao gồm cả những đóng góp tích cực của dân di cư đối với xã hội của quốc gia sở tại và của người di cư, đặc biệt là những người trong hoàn cảnh bất thường;

28. Kêu gọi các Quốc gia hỗ trợ việc đoàn tụ gia đình một cách nhanh chóng và hiệu quả để tác động tích cực đến việc tái hòa nhập của dân di cư, sau khi xem xét phù hợp đến nguyện vọng của các thành viên gia đình muốn có địa vị xã hội độc lập;

29. Kêu gọi các Quốc gia tiến hành các biện pháp cứng rắn để xóa bỏ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan đối với mọi công nhân, trong đó có dân di cư, tại nơi làm việc, và đảm bảo công bằng cho tất cả mọi cá nhân trước pháp luật, trong đó có luật lao động, đồng thời kêu gọi các Quốc gia xóa bỏ các rào cản, khi cần thiết, hướng tới: tham gia vào dạy nghề, thương lượng tập thể giữa công đoàn và người sử dụng lao động, hợp đồng lao động và hoạt động công đoàn; tiếp cận các tòa án tư pháp và hành chính giải quyết khiếu nại của người lao động; tìm kiếm cơ hội việc làm ở nhiều vùng trên quốc gia họ sinh sống; và làm việc trong những điều kiện an toàn và khỏe mạnh

30. Kêu gọi các Quốc gia:

a. Phát triển và triển khai các chính sách và kế hoạch hành động, tăng cường và thực hiện các biện pháp ngăn chặn, nhằm thắt chặt tình đoàn kết và hòa bình giữa người di cư và nước sở tại, với mục tiêu xóa bỏ mọi biểu hiện của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, bài ngoại và kỳ thị liên quan, trong đó có các hành vi bạo lực, do cá nhân hoặc nhóm người gây ra trong nhiều xã hội;

b. Xem xét và chỉnh sửa, khi cần thiết, luật và các chính sách, cũng như các hoạt động liên quan tới vấn đề nhập cư nhằm đảm bảo cho những quy định này không chứa yếu tố phân biệt đối xử và phù hợp với các nghĩa vụ mà quốc gia phải thực hiện theo các văn kiện nhân quyền quốc tế;

c. Triển khai những biện pháp đặc biệt liên quan đến cộng đồng quốc gia sở tại và dân di cư nhằm khuyến khích tôn trọng đa dạng văn hóa, thúc đẩy việc đối xử công bằng với dân di cư và phát triển các chương trình, khi phù hợp, giúp hỗ trợ sự hòa nhập của dân di cư vào đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội;

d. Đảm bảo rằng dân di cư, dù tình trạng nhập cư của họ thế nào, bị cơ quan chính quyền bắt giữ, đều được đối xử nhân văn và công bằng, và nhận được sự bảo vệ pháp luật hiệu quả và, khi cần thiết, cả sự hỗ trợ của người phiên dịch có thẩm quyền theo thông lệ phù hợp của pháp luật quốc tế và các tiêu chuẩn nhân quyền, đặc biệt trong thời gian thẩm vấn;

e. Đảm bảo rằng cảnh sát và các cơ quan nhập cư đối xử với dân di cư một cách tôn trọng và không phân biệt, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, thông qua, không kể những yếu tố khác, việc tổ chức các khóa tập huấn chuyên môn cho nhà quản lý, nhân viên cảnh sát, cán bộ nhập cư và các nhóm người quan tâm khác;

f. Xem xét vấn đề đẩy mạnh việc thừa nhận chứng chỉ giáo dục, nghề nghiệp và kỹ thuật của dân di cư, nhằm tối đa hóa đóng góp của họ đối với Quốc gia mới mà họ đang sinh sống;

g. Tiến hành tất cả các biện pháp có thể nhằm thúc đẩy việc thụ hưởng đầy đủ các quyền con người của người di cư, bao gồm quyền hưởng lương bình đẳng và được trả lương công bằng theo công việc mà không bị phân biệt đối xử, quyền an sinh trong trường hợp thất nghiệp, ốm đau, khuyết tật, góa bụa và tuổi già hoặc các trường hợp thiếu khả năng kiếm sống khác nằm ngoài tầm kiểm soát của họ, được hưởng an sinh xã hội, bao gồm bảo hiểm xã hội, tiếp cận giáo dục và chăm sóc sức khỏe, dịch vụ xã hội và tôn trọng bản sắc văn hóa của họ;

h. Xem xét ban hành và triển khai các chính sách và chương trình nhập cư giúp dân di cư, đặc biệt phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình, thoát khỏi những mối quan hệ bị lạm dụng;

31. Kêu gọi các Quốc gia, trong bối cảnh tỉ lệ phụ nữ di cư ngày càng gia tăng, dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề giới, bao gồm kỳ thị giới, đặc biệt khi phụ nữ cùng một lúc phải đối mặt với nhiều rào cản khác nhau; nên tiến hành các nghiên cứu chi tiết không chỉ về các vi phạm nhân quyền xảy ra với dân di cư là phụ nữ, mà còn về những đóng góp của họ đối với nền kinh tế của quốc gia nơi họ ra đi và quốc gia sở tại nơi họ đang sinh sống, và kết quả của các nghiên cứu này phải được đưa vào báo cáo trình lên các cơ quan hiệp ước;

32. Kêu gọi các Quốc gia thừa nhận các cơ hội và nghĩa vụ kinh tế bình đẳng mà dân di cư đã sinh sống lâu dài tại quốc gia mình được hưởng như các thành viên khác trong xã hội;

33. Kiến nghị rằng các quốc gia có người di cư, phối hợp với các cơ quan của Liên Hợp Quốc, các tổ chức khu vực và các cơ quan tài chính quốc tế, xem xét việc cung cấp các dịch vụ xã hội phù hợp, đặc biệt ưu tiên lĩnh vực sức khỏe, giáo dục, nhà ở; đồng thời yêu cầu những cơ quan này phản hồi thỏa đáng đối với những yêu cầu về các dịch vụ trên;

Người tỵ nạn

34. Kêu gọi các Quốc gia thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của các văn kiện nhân quyền quốc tế, luật tỵ nạn và nhân đạo cho dân tỵ nạn, người tìm kiếm chỗ an toàn và người bị trục xuất, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế bảo vệ và hỗ trợ họ một cách vô tư sau khi xem xét thích đáng đến nhu cầu của họ tại những vùng khác nhau trên thế giới, phù hợp với các nguyên tắc đoàn kết quốc tế, chia sẻ gánh nặng và hợp tác quốc tế, để chia sẻ trách nhiệm;

35. Kêu gọi các Quốc gia nhận ra chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan mà dân tỵ nạn phải đối mặt khi họ cố gắng hòa nhập vào cuộc sống cộng đồng của quốc gia sở tại và khuyến khích các Quốc gia, phù hợp với những nghĩa vụ và cam kết quốc tế của mình, phát triển các chiến lược nhằm giải quyết sự phân biệt đối xử này và thúc đẩy việc thụ hưởng nhân quyền đầy đủ của người tỵ nạn. Các bên Quốc gia thành viên nên đảm bảo rằng tất cả những biện pháp liên quan đến người tỵ nạn phải tuân thủ Công ước 1951 về Địa vị của người tỵ nạn và Nghị định thư năm 1967 của nó;

36. Kêu gọi các Quốc gia tiến hành những biện pháp hiệu quả nhằm bảo vệ người tỵ nạn và những phụ nữ và em gái buộc phải tha hương trong chính quốc gia mình thoát khỏi bạo lực, điều tra những hành vi vi phạm như vậy và đưa những người vi phạm ra công lý, phối hợp với các tổ chức có thẩm quyền phù hợp khi cần;

Các nạn nhân khác

37. Kêu gọi các Quốc gia tiến hành tất cả các biện pháp có thể nhằm đảm bảo rằng tất cả mọi người, mà không hề có sự phân biệt đối xử nào, đều được đăng ký và có thể tiếp cận với các tài liệu về lý lịch bản thân nhằm giúp họ hưởng lợi từ những thủ tục pháp lý hiện có, cũng như các phương thức và cơ hội phát triển, và giảm tình trạng buôn bán người qua biên giới;

38. Thừa nhận rằng nạn nhân của hoạt động buôn bán người qua biên giới là nạn nhân đặc biệt của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và kỳ thị liên quan. Các Quốc gia phải đảm bảo rằng những biện pháp chống lại nạn buôn người qua biên giới, đặc biệt là những biện pháp làm ảnh hưởng đến nạn nhân của hoạt động buôn bán người đó, đều phải thống nhất với các nguyên tắc không phân biệt đối xử đã được quốc tế công nhận, bao gồm cấm phân biệt chủng tộc và cung cấp các biện pháp bồi thường pháp lý phù hợp;

39. Kêu gọi các Quốc gia đảm bảo rằng trẻ em và thanh niên là người Gypsi/Du mục, đặc biệt là các thiếu nữ, có quyền bình đẳng tiếp cận giáo dục và rằng các chương trình giáo dục ở mọi cấp học phải nhạy cảm và đáp ứng được nhu cầu của những nhóm người này, trong đó có cả các chương trình bổ trợ về giáo dục giao thoa văn hóa, mà có thể, bên cạnh những phương thức khác, mang lại cơ hội học tập ngôn ngữ chính thống cho những nhóm người này ở giai đoạn mẫu giáo và cơ hội thuê các giáo viên và trợ giảng là người Gypsi/Du mục, để trẻ em và các thanh niên này có thể học tiếng mẹ đẻ.

40. Khuyến khích các Quốc gia áp dụng các biện pháp và chính sách cứng rắn và phù hợp nhằm phát triển cơ chế triển khai, tại nơi mà cơ chế này chưa có, và nhằm trao đổi kinh nghiệm, phối hợp với người đại diện của những người Gypsi, nhằm xóa bỏ phân biệt đối xử đối với họ, giúp họ đạt được công bằng và đảm bảo việc thụ hưởng đầy đủ nhân quyền của họ, theo kiến nghị do Ủy ban Xóa bỏ Phân biệt chủng tộc đề xuất về trường hợp của người Gypsi trong Khuyến nghị chung số XXVII, để nhu cầu của những nhóm người này được đáp ứng;

41. Kiến nghị rằng tất cả các tổ chức liên chính phủ, trong các dự án hợp tác với và hỗ trợ cho các Quốc gia, hãy xem xét đến, theo cách phù hợp, thực trạng của người Gypsy và thúc đẩy tiến bộ văn hóa, xã hội và kinh tế của họ;

42. Kêu gọi các Quốc gia và khuyến khích các tổ chức phi chính phủ nâng cao nhận thức về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan mà người Gypsy phải đối mặt, và tăng cường hiểu biết cũng như tôn trọng đối với văn hóa và lịch sử của họ;

43. Khuyến khích các phương tiện truyền thông thúc đẩy việc tiếp cận và sự tham gia công bằng vào phương tiện truyền thông dành cho người Gypsi, cũng như bảo vệ họ khỏi những chương trình truyền thông phân biệt chủng tộc, định kiến và kỳ thị, đồng thời kêu gọi các Quốc gia trợ giúp các nỗ lực của các cơ quan truyền thông trong khía cạnh này;

44. Yêu cầu các Quốc gia thiết kế các chính sách nhằm chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan dựa trên các dữ liệu thống kê đáng tin cậy cho thấy mối quan tâm kể trên sau khi đã trao đổi với bản thân những người Gypsi, phản ánh đúng đắn hết sức có thể về địa vị của họ trong xã hội. Những thông tin như vậy phải được thu thập phù hợp với các quy định về nhân quyền và các quyền tự do cơ bản, ví dụ như quy tắc bảo vệ dữ liệu và đảm bảo tính riêng tư, và có tham vấn với những người liên quan.

45. Kêu gọi các Quốc gia giải quyết các vấn đề về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan chống lại người gốc Á và kêu gọi các Quốc gia tiến hành tất cả những biện pháp cần thiết để xóa bỏ các rào cản mà những người này phải đối mặt khi tham gia vào đời sống chính trị, văn hóa, xã hội và kinh tế;

46. Kêu gọi các Quốc gia, trong phạm vi quyền tài phán của mình, đảm bảo rằng các nhóm thiểu số quốc gia, dân tộc, tôn giáo và ngôn ngữ có thể thực hiện đầy đủ và hiệu quả tất cả quyền con người và các quyền tự do cơ bản của mình mà không bị phân biệt đối xử và hoàn toàn bình đẳng trước pháp luật, đồng thời kêu gọi các Quốc gia và cộng đồng quốc tế thúc đẩy và bảo vệ quyền của những người này;

47. Kêu gọi các Quốc gia đảm bảo quyền của những người thuộc các nhóm thiểu số quốc gia, dân tộc, tôn giáo và ngôn ngữ, một cách cá nhân hoặc cùng với các thành viên của nhóm họ, được tận hưởng văn hóa của họ, theo đuổi và thực hành tôn giáo của họ, và sử dụng ngôn ngữ của họ, tại nơi công cộng cũng như chốn riêng tư, một cách tự do và không bị can thiệp, và được tham gia hiệu quả vào đời sống văn hóa, xã hội, kinh tế và chính trị của đất nước họ đang sinh sống, nhằm bảo vệ họ khỏi bất cứ hình thức nào của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan mà họ đang hoặc có thể là nạn nhân;

48. Kêu gọi các Quốc gia nhìn nhận ảnh hưởng mà sự phân biệt đối xử, cách ly và cô lập xã hội đã và đang tiếp tục gây ra cho nhiều nhóm chủng tộc sinh sống trong điều kiện cộng đồng thiểu số trong phạm vi một Quốc gia, và đảm bảo rằng những người trong nhóm này có thể thực hiện, với tư cách là thành viên cá nhân của nhóm, đầy đủ và hiệu quả, tất cả các quyền con người và các quyền tự do cơ bản mà không bị phân biệt đối xử và hoàn toàn bình đẳng trước pháp luật, và kêu gọi các nước thành viên tiến hành, bất kể khi nào phù hợp, các biện pháp thỏa đáng trong lĩnh vực tuyển dụng, nhà ở và giáo dục nhằm ngăn chặn phân biệt chủng tộc;

49. Kêu gọi các Quốc gia tiến hành, khi phù hợp, các biện pháp thỏa đáng nhằm ngăn chặn phân biệt chủng tộc chống lại người thuộc các nhóm thiểu số quốc gia, dân tộc, tôn giáo và ngôn ngữ trong lĩnh vực việc làm, y tế, nhà ở, dịch vụ xã hội và giáo dục, và trong bối cảnh này, các loại hình khác nhau của phân biệt đối xử cũng nên được xem xét ngăn chặn;

50. Kêu gọi các Quốc gia lồng ghép mục tiêu về giới trong tất cả các chương trình hành động chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và kỳ thị liên quan và xem xét gánh nặng của sự kỳ thị này trên vai phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ bản địa, phụ nữ châu Phi, châu Á, gốc Phi, gốc Á, phụ nữ di cư, phụ nữ từ các nhóm người chịu bất lợi khác, đảm bảo cho họ có cơ hội tiếp cận các nguồn lực sản xuất bình đẳng như nam giới, như một cách để thúc đẩy họ tham gia vào phát triển kinh tế và sản xuất trong cộng đồng;

51. Kêu gọi các Quốc gia lôi kéo phụ nữ, đặc biệt các nạn nhân của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan, tham gia vào việc đưa ra quyết định ở tất cả các cấp trong quá trình hành động xóa bỏ phân biệt đối xử, và phát triển các biện pháp cứng rắn để đưa các phân tích về giới và chủng tộc trong việc triển khai tất cả các khía cạnh của Chương trình Hành động và kế hoạch hành động quốc gia, đặc biệt trong các chương trình về việc làm, và dịch vụ và phân bổ nguồn lực;

52. Nhận thấy rằng nghèo đói hình thành nên địa vị kinh tế và xã hội và tạo ra các rào cản trong việc tham gia chính trị hiệu quả của phụ nữ cũng như nam giới theo nhiều cách khác nhau và ở các mức độ khác nhau, vì thế kêu gọi các Quốc gia tiến hành phân tích giới trong tất cả các chính sách và chương trình kinh tế và xã hội, đặc biệt là các biện pháp xóa đói giảm nghèo, bao gồm các biện pháp được xây dựng và triển khai nhằm mang lại lợi ích cho các cá nhân và nhóm người là nạn nhân của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan;

53. Kêu gọi các Quốc gia và khuyến khích tất cả các thành phần xã hội giao quyền cho phụ nữ và các em gái là nạn nhân của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan, nhằm giúp họ có cơ hội thực hiện đầy đủ quyền của mình trong tất cả các lĩnh vực của đời sống cộng đồng và cá nhân, và nhằm đảm bảo việc tham gia hiệu quả, công bằng và đầy đủ của phụ nữ trong việc ra quyết định tại tất cả các cấp, đặc biệt trong thiết kế, triển khai và đánh giá các chính sách và biện pháp ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của họ;

54. Kêu gọi các Quốc gia:

a. Nhận ra rằng bạo lực tình dục vốn được sử dụng như một vũ khí của chiến tranh, đôi khi có sự thông đồng và xúi giục của Quốc gia, là sự xâm phạm nghiêm trọng luật nhân đạo quốc tế và, trong một số trường hợp nhất định, hình thành nên tội ác chống lại nhân loại và/hoặc tội ác chiến tranh, và rằng sự kết hợp của việc phân biệt đối xử trên cở sở chủng tộc và giới tính sẽ khiến phụ nữ và các em gái đặc biệt dễ trở thành nạn nhân của loại hình bạo lực này, điều này có liên quan mật thiết đến chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan;

b. Chấm dứt sự khoan hồng và khởi tố những kẻ gây ra tội ác chống lại loài người và các tội ác chiến tranh, bao gồm tội ác liên quan đến bạo lực tình dục và các hình thức bạo lực về giới khác chống lại phụ nữ và các em gái, cũng như đảm bảo những kẻ chịu trách nhiệm về các tội ác này, trong đó gồm hành vi thực hiện, yêu cầu, lôi kéo, dụ dỗ, trợ giúp, xúi bẩy, hỗ trợ hoặc dưới bất kỳ hình thức nào khác góp phần vào hành vi phạm tội hay âm mưu phạm tội, đều phải được xác định, điều tra, khởi tố và trừng phạt;

55. Yêu cầu các Quốc gia, phối hợp với các tổ chức quốc tế khi cần thiết, đặt quyền lợi tốt nhất của trẻ em lên hàng đầu, bảo vệ chúng chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan, đặc biệt là những trẻ em trong trường hợp dễ bị tổn thương, và quan tâm đặc biệt đến hoàn cảnh của những trẻ em này khi xây dựng các chính sách, chiến lược và chương trình liên quan;

56. Kêu gọi các Quốc gia, căn cứ vào các quy định pháp luật trong nước và nghĩa vụ quốc tế theo các văn kiện quốc tế liên quan, tiến hành mọi biện pháp sử dụng tối đa các nguồn lực sẵn có nhằm đảm bảo, mà không hề phân biệt đối xử, quyền lợi công bằng cho trẻ em được đăng ký khai sinh ngay khi chào đời, nhằm giúp chúng thực hiện các quyền và tự do cơ bản của con người. Các Quốc gia phải trao cho phụ nữ quyền bình đẳng như nam giới trong lĩnh vực quốc tịch;

57. Kêu gọi các Quốc gia và các tổ chức khu vực và quốc tế, và khuyến khích các tổ chức phi chính phủ cũng như các thành phần tư nhân, giải quyết vấn đề của người khuyết tật là nạn nhân của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và kỳ thị liên quan; đồng thời kêu gọi các Quốc gia tiến hành những biện pháp cần thiết để đảm bảo việc thụ hưởng nhân quyền đầy đủ của nhóm người này và thúc đẩy sự hòa nhập của họ vào mọi lĩnh vực của đời sống;

III. Các biện pháp ngăn chặn, giáo dục và bảo vệ nhằm xóa bỏ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và kỳ thị liên quan
 ở cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế

58. Kêu gọi các Quốc gia ban hành và triển khai, ở cấp độ quốc gia và quốc tế, các biện pháp và chính sách hiệu quả, bên cạnh luật các quy định chống phân biệt đối xử hiện hành ở trong nước và các văn kiện và cơ chế quốc tế liên quan, khuyến khích mọi công dân và thể chế cương quyết chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan, và công nhận, tôn trọng và tối đa hóa quyền lợi của nhiều nhóm người trong và giữa các Quốc gia trong việc hợp tác cùng nhau xây dựng tương lai hiệu quả và hòa hợp thông qua việc thúc đẩy và đưa vào thực tiễn các giá trị và nguyên tắc như công lý, công bằng, bình đẳng, không phân biệt đối xử, dân chủ, tình hữu nghị, bao dung và tôn trọng trong và giữa các cộng đồng và các Quốc gia với nhau, đặc biệt là thông qua các chương trình thông tin và giáo dục đại chúng nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết về ích lợi của đa dạng văn hóa, trong đó có các chương trình được tổ chức bởi các cơ quan công quyền phối hợp với các tổ chức quốc tế và phi chính phủ cũng như các thành phần khác trong xã hội dân sự;

59. Kêu gọi các Quốc gia phổ biến vấn đề giới trong hoạt động thiết kế và phát triển các biện pháp phòng ngừa, giáo dục và bảo vệ với mục tiêu xóa bỏ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và kỳ thị liên quan tại tất cả các cấp, nhằm đảm bảo chúng thực sự hướng tới tình trạng cụ thể của nam giới và phụ nữ;

60. Kêu gọi các Quốc gia thực hiện và đẩy mạnh, theo cách thức phù hợp, các chương trình quốc gia xóa nghèo đói và giảm cô lập xã hội mà có xem xét đến nhu cầu và kinh nghiệm của cá nhân và nhóm cá nhân là nạn nhân của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan, đồng thời kêu gọi các Quốc gia nỗ lực hơn nữa nhằm thúc đẩy các chương trình hợp tác song phương, khu vực và quốc tế trong hoạt động triển khai những chương trình nêu trên;

61. Kêu gọi các Quốc gia hành động để đảm bảo rằng hệ thống luật pháp và chính trị của họ phản ánh được sự đa dạng về văn hóa trong cộng đồng của mình, và khi cần thiết, củng cố các thể chế dân chủ để các hệ thống và thể chế này tập hợp được nhiều thành phần dân số hơn trong tổ chức của mình, tránh được hiện tượng tách biệt, cô lập, và phân biệt đối xử đối với các thành phần cụ thể của xã hội;

62. Kêu gọi các Quốc gia tiến hành những biện pháp cần thiết nhằm giải quyết, thông qua các chính sách và chương trình, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và hành động bạo lực xuất phát từ phân biệt chủng tộc chống lại phụ nữ và các em gái và tăng cường hợp tác, phản hồi chính sách cũng như triển khai hiệu quả luật pháp quốc gia và các nghĩa vụ theo văn kiện quốc tế liên quan, và các biện pháp ngăn chặn cũng như bảo vệ khác với mục tiêu xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử và bạo lực bắt nguồn từ sự phân biệt chủng tộc chống lại phụ nữ và các bé gái;

63. Khuyến khích khối doanh nghiệp, đặc biệt là ngành du lịch và nhà cung cấp mạng internet, hình thành các quy tắc ứng xử, nhằm ngăn chặn nạn buôn bán người qua biên giới và bảo vệ nạn nhân của hành vi này, đặc biệt là gái mại dâm, chống lại phân biệt đối xử về chủng tộc và về giới và thúc đẩy quyền, phẩm giá, cũng như sự an toàn cho họ;

64. Kêu gọi các Quốc gia xây dựng, thực thi và đẩy mạnh các biện pháp hiệu quả ở quy mô quốc gia, khu vực và quốc tế nhằm ngăn chặn, đấu tranh và xóa bỏ tất cả các hình thức buôn bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới, đặc biệt là các em gái, thông qua các chiến lược toàn diện chống nạn buôn người qua biên giới bao gồm các biện pháp pháp lý, các chiến dịch ngăn chặn và trao đổi thông tin. Đồng thời kêu gọi các Quốc gia phân bổ nguồn lực, theo cách thức phù hợp, nhằm cung cấp các chương trình tổng hợp để trợ giúp, bảo vệ, hàn gắn, tái hòa nhập xã hội và tái định cư cho nạn nhân. Các Quốc gia phải cung cấp hoặc tăng cường hoạt động đào tạo cho cán bộ thi hành luật pháp, cư trú và các cán bộ liên quan, những người làm việc với nạn nhân của nạn buôn bán người trong lĩnh vực này;

65. Khuyến khích các cơ quan, ban ngành và các chương trình liên quan trong hệ thống Liên Hợp Quốc và các Quốc gia xúc tiến và sử dụng các Nguyên tắc hướng dẫn về vấn đề Di trú trong nội bộ quốc gia (E/CN.4/1998/53/Add.2), đặc biệt là những điểu khoản liên quan đến không phân biệt đối xử,

A. CẤP ĐỘ QUỐC GIA

1. Các biện pháp lập pháp, tư pháp, điều chỉnh, hành chính và các biện pháp khác nhằm ngăn chặn và bảo vệ chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan

66. Kêu gọi các Quốc gia thiết lập và triển khai mà không trì hoãn các chính sách và kế hoạch hành động quốc gia chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và kỳ thị liên quan, trong đó có các biểu hiện phân biệt đối xử về giới của chúng;

67. Kêu gọi các Quốc gia thiết lập hoặc tăng cường, thúc đẩy và triển khai các chính sách hành chính và pháp lý hiệu quả, cũng như các biện pháp ngăn chặn, chống lại tình trạng nghiêm trọng mà các nhóm công nhân, bao gồm công nhân di cư, là nạn nhân của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và kỳ thị liên quan phải đối mặt. Nên dành sự quan tâm đặc biệt đối với việc bảo vệ những người làm việc nội trợ và những nạn nhân bị buôn bán khỏi sự phân biệt đối xử và bạo lực, cũng như đấu tranh chống lại các định kiến về họ;

68. Kêu gọi các Quốc gia ban hành và triển khai, hoặc tăng cường các biện pháp pháp lý và hành chính trong nước mà chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, và cấm chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và kỳ thị liên quan, một cách trực tiếp hay gián tiếp, trong tất cả các lĩnh vực đời sống cộng đồng, phù hợp với các nghĩa vụ quốc gia được quy định trong Công ước Quốc tế về Xóa bỏ Mọi hình thức Phân biệt chủng tộc, đảm bảo rằng các điều khoản bảo lưu của quốc gia không đi ngược lại mục tiêu và mục đích của Công ước;

69. Kêu gọi các Quốc gia ban hành và triển khai, theo cách thức phù hợp, các đạo luật chống lại nạn buôn bán người qua biên giới, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, và buôn lậu dân di cư, có xem xét đến các hoạt động thực tiễn đe dọa cuộc sống con người hoặc dẫn đến vô số loại hình bóc lột và lạm dụng khác, như gán nợ, nô lệ, lạm dụng tình dục hoặc bóc lột sức lao động; đồng thời khuyến khích các Quốc gia tạo ra, nếu chưa có, các cơ chế chống lại những hành động trên và phân bổ nguồn lực hợp lý nhằm đảm bảo thực thi luật pháp và bảo vệ được quyền của các nạn nhân, và tăng cường hợp tác song phương, khu vực và quốc tế, bao gồm hợp tác với các tổ chức phi chính phủ có chức năng hỗ trợ nạn nhân, để chống lại nạn buôn người qua biên giới và buôn lậu người di cư;

70. Kêu gọi các Quốc gia tiến hành mọi biện pháp hiến pháp, lập pháp và hành chính cần thiết để thúc đẩy sự bình đẳng giữa các cá nhân và nhóm người là nạn nhân của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan, và để xem xét lại các biện pháp hiện hành nhằm sửa đổi hoặc hủy bỏ các điều khoản pháp luật quốc gia cũng như các điều khoản hành chính mà có thể làm gia tăng các loại hình phân biệt đối xử như trên;

71. Kêu gọi các Quốc gia, bao gồm các cơ quan hành pháp, thiết kế và triển khai đầy đủ các chính sách và chương trình cần thiết để ngăn chặn, phát hiện và đảm bảo trách nhiệm đối với những hành vi sai trái của các cán bộ cảnh sát và các cán bộ thực thi pháp luật khác, mà hành vi của họ bắt nguồn từ chủ nghĩa phân biện chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và kỳ thị liên quan, và khởi tố những kẻ thực hiện những sai phạm trên;

72. Kêu gọi các Quốc gia thiết kế, triển khai và tăng cường các biện pháp thực tế nhằm xóa bỏ hiện tượng được biết đến phổ biến với tên gọi “hồ sơ mô tả chủng tộc” và bao gồm thói quen của cảnh sát và các quan chức thi hành pháp luật khác dựa vào, dù ở mức độ nào, chủng tộc, màu da, dòng dõi, nguồn gốc quốc gia hay dân tộc như là cơ sở để đưa ai đó vào trong các hoạt động điều tra hay để xác định liệu ai đó có dính líu vào hành động phạm tội;

73. Kêu gọi các Quốc gia tiến hành các biện pháp ngăn chặn nghiên cứu di truyền hoặc các ứng dụng của nó sử dụng vào mục đích thúc đẩy chủ nghĩa phân biện chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và kỳ thị liên quan, nhằm bảo vệ tính riêng tư trong thông tin di truyền của cá nhân và ngăn chặn việc sử dụng các thông tin trên vào mục đích phân biệt đối xử hay kỳ thị chủng tộc;

74. Kêu gọi các Quốc gia và đề nghị các tổ chức phi chính phủ và thành phần tư nhân:

a. Xây dựng và triển khai các chính sách thúc đẩy lực lượng cảnh sát đa dạng và chất lượng cao không bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa phân biện chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và kỳ thị liên quan, và chủ động tuyển dụng tất cả các nhóm người, bao gồm các nhóm thiểu số, vào làm việc trong các cơ quan công quyền, trong đó có lực lượng cảnh sát và các cơ quan khác trong hệ thống tư pháp hình sự (như cơ quan công tố);

b. Hoạt động để giảm bạo lực, bao gồm bạo lực bắt nguồn từ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan, thông qua:

  1. Phát triển các tài liệu giáo dục để giảng dạy cho thanh niên vai trò quan trọng của bao dung và tôn trọng;
  2. Giải quyết các định kiến trước khi chúng được thể hiện trong các hành vi phạm tội thô bạo;
  3. Thiết lập các nhóm công tác bao gồm, bên cạnh những người khác, lãnh đạo cộng đồng địa phương và quan chức hành pháp địa phương và quốc gia, nhằm nâng cao sự hợp tác, sự tham gia của cộng đồng, tập huấn, đào tạo và thu thập dữ liệu, với mục tiêu ngăn chặn hoạt động phạm tội bạo lực trên;
  4. Đảm bảo rằng các quy định pháp luật về quyền dân sự mà nghiêm cấm hoạt động phạm tội bạo lực được thực thi nghiêm túc;
  5. Nâng cao việc thu thập dữ liệu liên quan đến bạo lực phát sinh từ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và kỳ thị liên quan;
  6. Cung cấp sự trợ giúp hợp lý cho các nạn nhân, và giáo dục cộng đồng nhằm ngăn chặn các sự kiện bạo lực trong tương lai mà bắt nguồn từ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan;

Phê chuẩn và triển khai trên thực tế các văn kiện pháp lý khu vực và quốc tế về nhân quyền và không phân biệt đối xử

75. Kêu gọi các Quốc gia chưa phê chuẩn thì xem xét phê chuẩn hoặc tham gia các văn kiện nhân quyền quốc tế chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan, đặc biệt là tham gia Công ước Quốc tế Xóa bỏ Mọi hình thức Phân biệt chủng tộc như là một vấn đề cấp bách, hướng đến mục tiêu tất cả các quốc gia phê chuẩn công ước này trước năm 2005, và nhằm xem xét việc đưa ra một tuyên bố dựa trên Điều 14, nhằm tuân theo các nghĩa vụ trong báo cáo và nhằm trừng trị cũng như hành động dựa trên những nhận xét sau cùng của Ủy ban Xóa bỏ phân biệt chủng tộc. Đồng thời kêu gọi các Quốc gia bãi bỏ các điều khoản bảo lưu mà đi ngược lại đối tượng và mục đích của Công ước nói trên và xem xét bãi bỏ các điều khoản bảo lưu khác;

76. Kêu gọi các Quốc gia xem xét thỏa đáng các nhận xét và kiến nghị của Ủy ban Xóa bỏ phân biệt chủng tộc. Tương tự như vậy, các Quốc gia nên xem xét thành lập các cơ chế giám sát và đánh giá phù hợp của quốc gia nhằm đảm bảo rằng tất cả các biện pháp phù hợp đều được tiến hành tiếp nối những nhận xét và kiến nghị trên;

77. Kêu gọi các Quốc gia vẫn chưa phê chuẩn hay tham gia công ước xem xét trở thành thành viên của Công ước quốc tế về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa và Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị, cũng như xem xét tham gia Nghị định thư bổ sung cho Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị;

78. Kêu gọi những Quốc gia mà vẫn chưa tham gia này xem xét ký kết và phê chuẩn hoặc tham gia các văn kiện sau đây:

a. Công ước về Ngăn chặn và Trừng phạt Tội diệt chủng, năm 1948;

b. Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế về Di cư vì Việc làm (Đã sửa đổi) năm 1949 (Số 97);

c. Công Ước về Cấm buôn người qua biên giới và cấm bóc lột mại dâm người khác, năm 1949;

d. Công ước liên quan đến Địa vị của Người tỵ nạn năm 1951, và Nghị định thư năm 1967 của nó;

e. Công ước về Phân biệt đối xử (trong Thuê tuyển và Nghề nghiệp) của Tổ chức Lao động quốc tế, năm 1958 (số 111) ;

f. Công ước chống Phân biệt đối xử trong Giáo dục, được thông qua ngày 14 tháng 12 năm 1960 tại Hội Nghị toàn thể của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc;

g. Công ước về Xóa bỏ Mọi hình thức Phân biệt đối xử với Phụ nữ, năm 1979, với mục tiêu công ước này được phê chuẩn toàn cầu trong vòng 5 năm, và Nghị định thư bổ sung của nó, năm 1999;

h. Công ước Quyền trẻ em năm 1989 và hai Nghị định thư bổ sung của nó năm 2000, và Công ước về Độ tuổi tối thiểu của Tổ chức Lao động quốc tế, năm 1973 (số 138) và Công ước về những Hình thức Lao động Trẻ em tồi tệ nhất, năm 1999 (số 182);

i. Công ước về Người lao động Di cư của Tổ chức Lao động quốc tế (Điều khoản Bổ sung), năm 1975 (số 143);

j. Công ước về Các dân tộc bản địa và Bộ tộc của Tổ chức Lao động quốc tế, năm 1989, (số 169) và Công ước về Đa dạng Sinh học, năm 1992;

k. Công ước Quốc tế về bảo vệ Quyền của Tất cả Người lao động Di cư và Thành viên Gia đình họ, năm 1990;

l. Đạo luật Rome của Tòa án hình sự Quốc tế, năm 1998;

m. Công ước Liên Hợp Quốc chống lại Tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, Nghị định thư Ngăn chặn, Trấn áp và Trừng phạt Hành vi buôn người qua biên giới, đặc biệt là Phụ nữ và Trẻ em, bổ sung Công ước và Nghị định thư chống hoạt động Buôn lậu Người di cư trên bộ, trên biển và trên không, bổ sung Công ước năm 2000;

Đồng thời kêu gọi các Quốc gia thành viên những văn kiện trên thực hiện đầy đủ các điều khoản trong đó;

70. Kêu gọi các Quốc gia thúc đẩy và bảo vệ việc thực thi các quyền ghi trong Tuyên bố về Xóa bỏ Mọi Hình thức Kỳ thị và Phân biệt đối xử về Tôn giáo hay Tín ngưỡng, được Đại Hội đồng tuyên bố trong nghị quyết số 36/55 ban hành ngày 25/11/1981, nhằm ngăn chặn phân biệt đối xử về tôn giáo, mà khi kết hợp với các hình thức phân biệt đối xử khác sẽ tạo ra hình thức đa phân biệt;

80. Kêu gọi các Quốc gia tôn trọng hoàn toàn, và tuân thủ đầy đủ, Công ước Viên về Quan hệ Lãnh sự năm 1963, đặc biệt vì nó liên quan tới quyền của công dân nước ngoài, không phân biệt tình trạng nhập cư hay pháp lý của họ, được liên hệ với viên chức lãnh sự của Quốc gia mình trong trường hợp bị bắt giữ hoặc tù giam;

81. Kêu gọi tất cả Quốc gia nghiêm cấm phân biệt đối xử về chủng tộc, màu da, dòng dõi hay nguồn gốc quốc gia hay dân tộc đối với người nước ngoài và người lao động di cư, không kể đến các yếu tố khác, khi cần thiết, về việc cấp visa làm việc hoặc giấy phép lao động, nhà ở, chăm sóc sức khỏe hoặc tiếp cập công lý;

82. Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đấu tranh chống lại việc tha bổng đối với các tội ác phát sinh từ động cơ phân biệt chủng tộc hay bài ngoại, đồng thời ở cấp quốc tế, nhấn mạnh rằng việc tha bổng cho bất cứ hành vi vi phạm nhân quyền và luật nhân đạo quốc tế nào đều là rào cản nghiêm trọng đối với hệ thống tư pháp công bằng và bình đẳng, và đặc biệt, đối với hoạt động hòa giải và ổn định; đồng thời hoàn toàn ủng hộ hoạt động của các tòa hình sự quốc tế hiện hành và việc phê chuẩn Đạo luật Rome của Tòa hình sự Quốc tế, và kêu gọi tất cả các Quốc gia hợp tác với các tòa hình sự quốc tế này;

83. Kêu gọi các Quốc gia hội viên nỗ lực hết sức để áp dụng đầy đủ các điều khoản thích hợp trong Tuyên bố của ILO về các Nguyên Tắc và Quyền Cơ bản tại nơi làm việc năm 1998, nhằm chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan;

Khởi tố thủ phạm của hành vi phân biệt chủng tộc

84. Kêu gọi các Quốc gia áp dụng các biện pháp hiệu quả để chống lại các tội ác bắt nguồn từ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan, tiến hành các biện pháp để những động cơ trên được xem là tình tiết tăng nặng khituyên án, nhằm ngăn chặn việc miễn tội cho những tội ác trên và đảm bảo nguyên tắc công bằng pháp luật;

85. Kêu gọi các Quốc gia một mặt tiến hành điều tra để xác minh mối liên hệ có thể giữa một bên là khởi tố hình sự, bạo lực của cảnh sát và các chế tài trừng phạt, và bên kia là chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan, nhằm có chứng cứ để tiến hành các biện pháp cần thiết để xóa bỏ những mối liên hệ này với hành vi phân biệt đối xử;

86. Kêu gọi các Quốc gia xúc tiến các biện pháp ngăn chặn sự xuất hiện và đấu tranh chống lại chủ nghĩa phát xít mới, các hệ tư tưởng dân tộc mang tính bạo lực mà khuyến khích lòng hận thù chủng tộc, phân biệt chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và phân biệt đối xử phát triển, trong đó có các biện pháp đấu tranh chống lại tác động tiêu cực của các hệ tư tưởng trên, đặc biệt đối với giới trẻ thông qua giáo dục chính thống và không chính thống, và thông qua các phương tiệntruyền thông và thể thao;

87. Kêu gọi các Quốc gia thành viên ban hành pháp luật để triển khai các nghĩa vụ khởi tố và trừng phạt những kẻ vi phạm hoặc bị sai khiến vi phạm nghiêm trọng Công ước Geneva ngày 12/8/1949 và Nghị định thư bổ sung số I của Công ước đó và những vi phạm nghiêm trọng luật và tập quán chiến tranh, đặc biệt trong mối quan hệ với nguyên tắc không phân biệt đối xử;

88. Kêu gọi các Quốc gia quy định tội danh cho mọi hình thức buôn bán người đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, và kết tội cũng như trừng phạt những kẻ buôn người và những kẻ trung gian, trong khi đảm bảo sự bảo vệ và hỗ trợ cho những nạn nhân của nạn buôn người trên cơ sở tôn trọng đầy đủ nhân quyền của họ;

89. Kêu gọi các Quốc gia tiến hành các cuộc điều tra toàn diện, tường tận, kịp thời và công bằng về mọi hành vi phạm pháp liên quan đến chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử về chủng tộc, khởi tố các hành vi phạm tội đương nhiên, theo cách thức phù hợp, hay thực hiện hoặc hỗ trợ thực hiện các hành động cần thiết đối phó với các vi phạm có bản chất phân biệt chủng tộc hay bài ngoại, nhằm đảm bảo việc điều tra và khởi tố dân sự và hình sự đối với những hành vi vi phạm có bản chất bài ngoại và phân biệt chủng tộc là ưu tiên hàng đầu và được tiến hành kịp thời và đồng bộ, và nhằm đảm bảo quyền được đối xử bình đẳng trước tòa án và tất cả các cơ quan thực thi công lý khác. Về vấn đề này, Hội nghị Thế giới nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao ý thức và đào tạo cho các cơ quan trong hệ thống tư pháp hình sự nhằm đảm bảo việc áp dụng pháp luật pháp công bằng và vô tư. Đồng thời, hội nghị cũng kiến nghị hình thành dịch vụ giám sát chống phân biệt đối xử;

Thành lập và tăng cường các thể chế quốc gia
chuyên trách hoạt động độc lập và Hòa giải

90. Kêu gọi các Quốc gia, bằng cách phù hợp, thiết lập, nâng cao, xem xét và tăng cường tính hiệu quả của các thể chế nhân quyền quốc gia hoạt động độc lập, đặc biệt về vấn đề liên quan đến chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan, phù hợp với các Nguyên tắc liên quan đến địa vị của các thể chế quốc gia trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền, theo Phụ lục trong Nghị quyết số 48/134 của Đại Hội đồng ngày 20 /12/1993, và cung cấp cho các thể chế này nguồn lực tài chính phù hợp, cũng như thẩm quyền và khả năng điều tra, nghiên cứu, giáo dục và các hoạt động thúc đẩy nhận thức của cộng đồng trong đấu tranh chống lại các hiện tượng trên;

91. Đồng thời kêu gọi các Quốc gia:

a. Tăng cường hợp tác giữa các thể chế này và các thể chế quốc gia khác;

b. Tiến hành các biện pháp để đảm bảo rằng những cá nhân hoặc nhóm người là nạn nhân của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan có thể tham gia đầy đủ vào các thể chế nói trên;

c. Hỗ trợ các thể chế này và các cơ quan tương tự, cùng với những cái khác, thông qua xuất bản và lưu hành các quy định pháp luật hiện hành của quốc gia và cũng như các nghiên cứu về luật, và hợp tác với các thể chế ở các quốc gia khác, nhằm học hỏi về các hình thức biểu hiện, chức năng và cơ chế của những hoạt động phân biệt đối xử trên, cũng như về các chiến lược được vạch ra để ngăn chặn, đấu tranh và xóa bỏ chúng;

2. CHÍNH SÁCH VÀ THỰC THI:

Thu thập và phân loại dữ liệu, nghiên cứu và khảo sát

92. Kêu gọi các Quốc gia thu thập, biên soạn, phân tích, phổ biến và xuất bản những dữ liệu thống kêđáng tin cậy ở cấp quốc gia và địa phương và tiến hành tất cả các biện pháp liên quan cần thiết khác cho việc đánh giá thường xuyên thực trạng của cá nhân hay nhóm người là nạn nhân của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan;

a. Những dữ liệu thống kê như vậy cần được chia nhỏ phù hợp với pháp luật trong nước. Bất cứ thông tin nào như vậy phải được, theo cách phù hợp, thu thập với sự đồng ý rõ ràng của nạn nhân, dựa trên quyền tự quyết của chính họ và phù hợp với các quy định về nhân quyền và các quyền tự do cơ bản, như quy định về bảo vệ dữ liệu và đảm bảo tính riêng tư. Thông tin này không được sử dụng sai mục đích;

b. Các dữ liệu và thông tin thống kê nên được thu thập dựa trên mục tiêu giám sát tình hình của các nhóm người bị cách ly, và việc xây dựng và đánh giá pháp luật, chính sách, hoạt động thực tiễn và các biện pháp khác nhằm ngăn chặn và đấu tranh với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan, cũng như vì mục đích xác định liệu những biện pháp này có gây ra ảnh hưởng ngoài ý muốn nào đối với nạn nhân hay không. Cuối cùng, kiến nghị việc xây dựng các chiến lược tình nguyện, đồng thuận, và tham gia trong quá trình thu thập, thiết kế và sử dụng thông tin;

c. Thông tin thu thập nên xét đến chỉ số kinh tế và xã hội, bao gồm, khi cần thiết, sức khỏe và tình trạng sức khỏe, tỉ lệ tử vong của bà mẹ và trẻ sơ sinh, tuổi thọ, tỉ lệ biết chữ, giáo dục, việc làm, nhà ở, sở hữu đất đai, chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần, nước uống, vệ sinh, dịch vụ thông tin và năng lượng, nghèo đói và khoản thu nhập bình quân sau thuế, nhằm xây dựng cụ thể các chính sách phát triển kinh tế và xã hội để thu hẹp khoảng cách hiện tại về các điều kiện kinh tế và xã hội;

93. Đề nghị các Quốc gia, các tổ chức liên chính phủ, phi chính phủ và các viện hàn lâm cũng như thành phần tư nhân cải biến khái niệm và phương pháp thu thập và phân tích dữ liệu; thúc đẩy nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm và các hoạt động thực tiễn thành công cũng như phát triển các hoạt động thúc đẩy trong lĩnh vực này; và xây dựng các chỉ số thể hiện sự tiến bộ và tham gia của cá nhân và nhóm người là nạn nhân của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan;

94. Thừa nhận rằng các chính sách và chương trình nhằm đấu tranh chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan cần được xây dựng dựa trên nghiên cứu định tính và định lượng, kết hợp với vấn đề giới. Những chương trình và chính sách như vậy nên tính đến các ưu tiên của các cá nhân và nhóm người là nạn nhân của, hay bị ảnh hưởng bởi, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan;

95. Kêu gọi các Quốc gia thiết lập hoạt động giám sát thường xuyên đối với các hành vi phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và kỳ thị liên quan trong cả lĩnh vực công và lĩnh vực tư, trong đó có cả các hành vi phạm tội của những cán bộ trong lĩnh vực hành pháp;

96. Đề nghị các Quốc gia xúc tiến và triển khai nghiên cứu cũng như áp dụng cách tiếp cận đầy đủ, khách quan và lâu dài đối với tất cả các giai đoạn và khía cạnh của vấn đề di cư, mà có thể giải quyết hiệu quả cả nguyên nhân lẫn biểu hiện của vấn đề. Những nghiên cứu và các cách tiếp cận này cần đặc biệt chú ý đến nguyên nhân gốc rễ của dòng người di cư, như thiếu việc thụ hưởng đầy đủ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản, và ảnh hưởng toàn cầu hóa kinh tế đến các xu hướng di cư;

97. Kiến nghị rằng nên cần nghiên cứu sâu hơn về cách thức mà chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan được phản ánh trong luật, chính sách, thể chế và hoạt động thực tiễn cũng như cách thức mà việc làm trên góp phần biến những người dân di cư thành nạn nhân và cô lập họ, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em;

98. Kiến nghị rằng các Quốc gia, khi phù hợp, hãy đưa vào trong nội dung các báo cáo định kỳ gửi cho các cơ quan hiệp ước nhân quyền của Liên Hợp Quốc, ở dạng thức phù hợp, các số liệu thống kê liên quan đến các cá nhân, thành viên của các nhóm người và các cộng đồng trong thẩm quyền tài phán của họ, bao gồm số liệu thống kê về việc tham gia vào đời sống chính trị và tình trạng kinh tế, xã hội, và văn hóa của họ. Những thông tin này phải được thu thập phù hợp với các quy định về nhân quyền và quyền tự do cơ bản, ví dụ như các quy định bảo vệ dữ liệu và bảo đảm tính riêng tư;

Chính sách định hướng hành động và cáckế hoạch hành động, bao gồm hành động kiên quyết nhằm đảm bảo không phân biệt đối xử, đặc biệt về vấn đề tiếp cận dịch vụ xã hội, việc làm, nhà ở, giáo dục và chăm sóc sức khỏe v.v.

99. Nhận thấy rằng việc đấu tranh chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan là trách nhiệm hàng đầu của mỗi Quốc gia. Chính vì vậy, Hội nghị khuyến khích các Quốc gia phát triển hoặc chi tiết hóa các kế hoạch hành động quốc gia nhằm thúc đẩy tính đa dạng, bình đẳng, không thiên vị, công bằng xã hội và bình đẳng về cơ hội cũng như sự tham gia cho mọi người. Những kế hoạch này, bằng các hành động và chiến lược tích cực và kiên quyết, phải hướng tới tạo ra các điều kiện để mọi người có thể tham gia hiệu quả vào quá trình ra quyết định, và hiện thực hóa các quyền dân sự, văn hóa, kinh tế, chính trị và xã hội trong tất cả các lĩnh vực của đời sống dựa trên cơ sở không phân biệt đối xử. Hội nghị thế giới khuyến khích các Quốc gia, khi phát triển và cụ thể hóa các kế hoạch hành động trên, hãy thực hiện, hoặc tăng cường đối thoại với các tổ chức phi chính phủ nhằm lôi kéo họ tham gia sâu hơn nữa vào công việc thiết kế, triển khai và đánh giá các chương trình và chính sách;

100. Kêu gọi các Quốc gia xây dựng, trên cơ sở các thông tin thống kê đã thu thập được, các chương trình quốc gia, bao gồm các biện pháp quả quyết hoặc tích cực, nhằm thúc đẩy việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như giáo dục tiểu học, chăm sóc sức khỏe y tế cơ bản và nhà ở phù hợp của các cá nhân hoặc nhóm người đang là hoặc có thể là nạn nhân của phân biệt chủng tộc;

101. Kêu gọi các Quốc gia xây dựng các chương trình nhằm thúc đẩy việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe mà không bị phân biệt đối xử dành cho các cá nhân hoặc nhóm người là nạn nhân của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan, và xúc tiến các nỗ lực mạnh mẽ trong việc xóa bỏ bất bình đẳng, không kể những yếu tố khác, về tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh, tiêm phòng cho trẻ em, bệnh HIV/AIDS, bệnh tim, ung thư và các bệnh truyền nhiễm;

102. Kêu gọi các Quốc gia xúc tiến việc hòa nhập về vấn đề cư trú dành cho mọi thành viên trong xã hội trong giai đoạn quy hoạch các dự án phát triển đô thị và các dự án định cư khác, cũng như trong giai đoạn làm mới các khu vực nhà ở bị bỏ hoang, nhằm chống lại sự cô lập và tách ly xã hội;

Việc làm

103. Kêu gọi các Quốc gia thúc đẩy và hỗ trợ, khi cần thiết, việc tổ chức và hoạt động của các doanh nghiệp thuộc quyền sở hữu của các cá nhân là nạn nhân của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan thông qua hoạt động đẩy mạnh việc tiếp cận bình đẳng đối với tín dụng và các chương trình đào tạo;

104. Kêu gọi các Quốc gia và khuyến khích các tổ chức chính phủ và thành phần tư nhân:

a. Hỗ trợ tạo ra nơi làm việc không phân biệt đối xử thông qua một chiến lược đa diện bao gồm thực thi quyền dân sự, giáo dục công và tăng cường giao tiếp tại nơi làm việc, và thúc đẩy và bảo vệ quyền của những người lao động chịu phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và kỳ thị liên quan;

b. Thúc đẩy việc thiết lập, phát triển và mở rộng các doanh nghiệp cam kết nâng cao điều kiện kinh tế và giáo dục tại các khu vực bất bình đẳng và chịu thiệt thòi, thông qua hoạt động tăng cường tiếp cận nguồn vốn thông qua, không kể những hình thức khác, các ngân hàng phát triển cộng đồng, trên cơ sở nhận thức được rằng các công ty mới có thể có tác động tích cực và năng động đối với các cộng đồng cần sự giúp đỡ, và hợp tác với thành phần tư nhân để tạo việc làm, giúp duy trì các công việc hiện có và thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp và thương mại tại các khu vực kinh tế kém phát triển;

c. Nâng cao triển vọng cho các nhóm người là nạn nhân của phân biệt đối xử và tư tưởng bài ngoại mà đang phải đối mặt với, không kể những yếu tố khác, những trở ngại lớn nhất trong việc tìm kiếm, duy trì hoặc tìm lại việc làm, trong đó có cả các công việc đòi hỏi tay nghề cao. Cần phải đặc biệt quan tâm đến các cá nhân cùng lúc phải chịu nhiều hình thức phân biệt đối xử;

105. Kêu gọi các Quốc gia dành sự quan tâm đặc biệt, khi xây dựng và thực thi pháp luật và các chính sách được thiết kế nhằm tăng cường bảo vệ quyền của người lao động, tới tình trạng thiếu sự bảo vệ nghiêm trọng, và trong một số trường hợp là lạm dụng, như trường hợp của nạn nhân tệ buôn người và người di cư bị buôn lậu qua biên giới, khiến cho họ dễ bị tổn thương hơn nếu phải chịu các hành vi ngược đãi như bị giam giữ trong trường hợp của những người giúp việc gia đình và bị buộc làm các công việc nguy hiểm với đồng lương rẻ mạt;

106. Kêu gọi các Quốc gia tránh các tác động tiêu cực của các hành vi phân biệt đối xử, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và tư tưởng bài ngoại trong lao động và việc làm bằng cách thúc đẩy việc thực hiện và tuân thủ các văn kiện và quy chuẩn quốc tế về quyền của người lao động;

107. Kêu gọi các Quốc gia và khuyến khích các tổ chức công đoàn đại diện và thành phần tư nhân đẩy mạnh các hoạt động không phân biệt đối xử tại nơi làm việc và bảo vệ quyền của người lao động, đặc biệt là các nạn nhân của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan;

108. Kêu gọi các Quốc gia cung cấp sự tiếp cận hiệu quả các quy trình thủ tục hành chính và pháp lý và hành động hàn gắn khác cho các nạn nhân của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và kỳ thị liên quan tại nơi làm việc;

Sức khỏe và môi trường

109. Kêu gọi các Quốc gia, tự thân và thông qua con đường hợp tác quốc tế, tăng cường các biện pháp giúp mọi người có thể thực hiện đầy đủ quyền được thụ hưởng nhiều nhất có thể về sức khỏe thể chất và tinh thần, nhằm xóa bỏ sự bất bình đẳng về tình trạng sức khỏe, như đã nêu trong các chỉ số chuẩn về sức khỏe, mà sự bất bình đẳng này có thể do chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan gây ra;

110. Kêu gọi các Quốc gia và khuyến khích các tổ chức phi chính phủ và thành phần tư nhân:

a. Cung cấp các cơ chế hiệu quả để giám sát và xóa bỏ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan trong hệ thống chăm sóc sức khỏe, như phát triển và thực thi các quy định pháp luật về chống phân biệt đối xử;

b. Tiến hành các biện pháp nhằm đảm bảo việc tiếp cận bình đẳng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn diện, có chất lượng và trong phạm vi khả năng chi trả của mọi người, bao gồm chăm sóc sức khỏe thiết yếu cho những người ít được chăm sóc y tế, hỗ trợ đào tạo đội ngũ cán bộ y tế đa dạng và sẵn sàng làm việc trong cộng đồng những người bị phân biệt, và hành động nhằm gia tăng tính đa dạng trong ngành y tế thông qua việc tuyển dụng những lao động nam và nữ xứng đáng và có năng lực từ tất cả các nhóm người, đại diện cho sự đa dạng xã hội của họ, và thông qua việc giữ họ ở lại trong ngành y tế;

c. Hợp tác với các chuyên gia y tế, các cơ sở chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng, các tổ chức phi chính phủ, các nhà nghiên cứu khoa học và ngành công nghiệp tư nhân như là một cách cải thiện tình trạng sức khỏe của các cộng đồng bị cách ly, đặc biệt là những nạn nhân của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan;

d. Hợp tác với các chuyên gia y tế, các nhà nghiên cứu khoa học, các tổ chức y tế quốc tế và khu vực nhằm nghiên cứu các tác động khác nhau của các phương pháp điều trị y tế cũng như các chiến lược chăm sóc sức khỏe trên các cộng đồng khác nhau;

e. Ban hành và triển khai các chính sách và chương trình cải thiện các nỗ lực ngăn chặn bệnh HIV/AIDS trong các cộng đồng có nguy cơ mắc bệnh cao và hoạt động nhằm mở rộng các dịch vụ chăm sóc, điều trị và các dịch vụ hỗ trợ khác đối với bệnh HIV/AIDS;

111. Đề nghị các Quốc gia xem xét các biện pháp không phân biệt đối xử nhằm tạo ra môi trường lành mạnh và an toàn cho các cá nhân và nhóm người là nạn nhân của hay chịu ảnh hưởng bởi chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan, cụ thể là:

a. Tăng cường việc tiếp cận thông tin công cộng về các vấn đề sức khỏe và môi trường;

b. Đảm bảo xem xét tới các mối lo ngại phù hợp trong quá trình nhà nước đưa ra các quyết định về vấn đề môi trường;

c. Chia sẻ công nghệ và hoạt động thực tiễn thành công nhằm cải thiện môi trường và sức khỏe con người tại mọi khu vực;

d. Thực hiện các biện pháp sửa chữa hợp lý, như có thể, nhằm làm sạch, tái sử dụng và tái phát triển các khu vực bị ô nhiễm và, khi phù hợp, tái định cư những người bị ảnh hưởng trên cơ sở tự nguyện sau khi tham khảo các ý kiến;

Tham gia bình đẳng vào việc đưa ra các quyết định về chính trị,
kinh tế, xã hội và văn hóa

112. Kêu gọi các Quốc gia và khuyến khích thành phần tư nhân, các thể chế phát triển và thể chế tài chính quốc tế, như Ngân hàng Thế giới và các ngân hàng phát triển khu vực, thúc đẩy sự tham gia của các cá nhân và nhóm người là nạn nhân của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan vào quá trình ra các quyết định kinh tế, văn hóa và xã hội trong mọi giai đoạn, đặc biệt là trong giai đoạn xây dựng và triển khai các chiến lược giảm đói nghèo, các dự án phát triển, các chương trình hỗ trợ thương mại và thị trường;

113. Kêu gọi các Quốc gia, theo cách phù hợp, thúc đẩy việc tiếp cận hiệu quả và bình đẳng của mọi thành viên trong cộng đồng, đặc biệt là những nạn nhân của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, bài ngoại và kỳ thị liên quan, đối với quy trình ra các quyết định trong xã hội ở mọi cấp độ và đặc biệt là cấp địa phương, đồng thời kêu gọi các Quốc gia và khuyến khích bộ phận tư nhân tạo điều kiện cho những con người trên tham gia hiệu quả vào đời sống kinh tế;

114. Kêu gọi mọi thể chế tài chính và phát triển đa phương, đặc biệt là Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Tổ chức Thương mại Thế giới và các ngân hàng phát triển khu vực, phù hợp với ngân sách thường xuyên và quy trình thủ tục của các cơ quan quản lý của họ, thúc đẩy sự tham gia của mọi thành viên trong cộng đồng quốc tế vào quá trình ra quyết định tại mọi thời điểm và cấp độ nhằm hỗ trợ các dự án phát triển và, khi thích hợp, cho cả các chương trình thương mại và tiếp cận thị trường;

Vai trò của các chính trị gia và đảng chính trị

115. Nhấn mạnh vai trò chủ chốt của các chính trị gia và đảng chính trị trong việc đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan, và khuyến khích các đảng chính trị tiến hành các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường sự bình đẳng, tình đoàn kết và không phân biệt đối xử trong xã hội, không kể những vấn đề khác, bằng cách phát triển các quy tắc ứng xử tự nguyện, trong đó bao gồm các biện pháp kỷ luật nội bộ đối với các vi phạm các quy tắc đó, để các thành viên của họ tránh đưa ra các phát biểu và hành động công khai mà có thể khuyến khích hoặc châm ngòi cho chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan;

116. Đề nghị Liên hiệp Liên minh Quốc hội khuyến khích thảo luận trong, và hành động bởi, các quốc hội về các biện pháp khác nhau, bao gồm luật pháp và chính sách, để đấu tranh xóa bỏ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan;

3. GIÁO DỤC VÀ CÁC BIỆN PHÁP NÂNG CAO NHẬN THỨC

117. Kêu gọi các Quốc gia, khi thích hợp, hợp tác với các tổ chức, cơ quan liên quan khác cùng đóng góp tài chính cho công tác giáo dục chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và các chiến dịch truyền thông đề cao giá trị của sự tiếp nhận, bao dung, sự đa dạng và tôn trọng văn hóa của mọi dân tộc bản xứ đang sinh sống trong lãnh thổ quốc gia của họ. Đặc biệt, các Quốc gia cần khuyến khích sự hiểu biết chính xác về các nền văn hóa và lịch sử của các dân tộc bản xứ;

118. Kêu gọi Liên Hợp Quốc, các tổ chức quốc tế và các tổ chức khu vực liên quan và các Quốc gia thay đổi tình trạng những đóng góp của châu Phi đối với lịch sử và văn minh thế giới bị gạt ra bên lề bằng cách xây dựng và triển khai một chương trình cụ thể và toàn diện về nghiên cứu, giáo dục và thông tin đại chúng nhằm phổ biến trên diện rộng những hình ảnh và thông tin cân bằng và khách quan về sự đóng góp nền tảng và hết sức có giá của châu Phi đối với nhân loại;

119. Đề nghị các Quốc gia và các tổ chức quốc tế cũng như các tổ chức phi chính phủ liên quan cùng xây dựng dựa trên các nỗ lực của Dự án Lộ trình Người nô lệ của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc và chủ đề “Phá vỡ sự im lặng” của nó bằng cách xây dựng các văn bản và bằng chứng, các trung tâm và / hoặc chương trình đa phương tiện về hoạt động nô lệ, các chương trình / trung tâm này sẽ thu thập, ghi chép, tổ chức, trưng bày và xuất bản các dữ liệu hiện có về lịch sử nô lệ cũng như về hoạt động buôn bán nô lệ xuyên Đại Tây Dương, Địa Trung Hải và Ấn Độ Dương, đặc biệt quan tâm đến tư tưởng và hành động của các nạn nhân của chế độ nô lệ và buôn bán nô lệ, trong cuộc tìm kiếm tự do và công bằng của họ;

120. Hoan nghênh nỗ lực của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc được thực hiện trong khuôn khổ Dự án Lộ trình Người nô lệ và yêu cầu kết quả thu được phải được công khai đối với cộng đồng quốc tế sớm nhất có thể;

Tiếp cận giáo dục không có sự phân biệt

121. Kêu gọi các Quốc gia cam kết đảm bảo việc tiếp cận giáo dục, bao gồm việc tiếp cận giáo dục tiểu học cho mọi trẻ em, cả gái lẫn trai, và tiếp cận giáo dục và học tập suốt đời của người lớn, dựa trên cơ sở tôn trọng nhân quyền, sự đa dạng và bao dung, mà không có bất kỳ hình thức phân biệt đối xử nào;

122. Kêu gọi các Quốc gia đảm bảo việc tiếp cận giáo dục bình đẳng cho tất cả mọi người được phản ánh trong luật cũng như trong thực tiễn, và hạn chế bất kỳ biện pháp pháp lý hay biện pháp nào khác có thể dẫn tới phân biệt chủng tộc dưới bất kỳ hình thức nào trong việc tiếp cận giáo dục chính thống;

123. Kêu gọi các Quốc gia:

a. Ban hành và thực hiện các bộ luật nghiêm cấm phân biệt đối xử về chủng tộc, màu da, dòng dõi, nguồn gốc quốc gia hay dân tộc ở mọi cấp độ giáo dục, kể cả chính thống và không chính thống;

b. Thực hiện mọi biện pháp thích hợp nhằm xóa bỏ các trở ngại hạn chế việc tiếp cận giáo dục của trẻ em;

c. Đảm bảo rằng mọi trẻ em đều có thể được tiếp cận giáo dục chất lượng tốt mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào;

d. Thiết lập và triển khai các phương pháp chuẩn hóa nhằm đo lường và theo dõi thành tích giáo dục của các trẻ chịu thiệt thòi và trẻ vị thành niên;

e. Đóng góp các nguồn lực nhằm xóa bỏ bất bình đẳng, ở những nơi chúng tồn tại, về kết quả giáo dục cho trẻ em và trẻ vị thành niên;

f. Hỗ trợ các nỗ lực nhằm đảm bảo môi trường trường học an toàn, không có bạo lực và quấy rối xuất phát từ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan; và

g. Xem xét thiết lập các chương trình hỗ trợ tài chính nhằm tạo điều kiện cho người học, bất kể chủng tộc, màu da, dòng dõi, hay nguồn gốc quốc gia hay dân tộc, được tham gia học tập tại các cơ sở giáo dục cao hơn;

124. Kêu gọi các Quốc gia, khi phù hợp, thực hiện các biện pháp thích hợp nhằm đảm bảo rằng các cá nhân thuộc các nhóm thiểu số quốc gia, dân tộc, tôn giáo hoặc ngôn ngữ có thể tiếp cận giáo dục mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào và, khi cần thiết, có cơ hội được học ngôn ngữ riêng của họ nhằm bảo vệ họ trước bất kỳ hình thức nào của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan mà họ có thể phải chịu;

Giáo dục nhân quyền

125. Yêu cầu các Quốc gia đưa nội dung đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan vào trong các hoạt động được thực hiện trong khuôn khổ Thập niên Giáo dục Nhân quyền của Liên Hợp Quốc (1995-2004) và xét đến các đề xuất của báo cáo đánh giá giai đoạn 5 năm của Thập niên;

126. Khuyến khích mọi Quốc gia, hợp tác với Liên Hợp Quốc, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế liên quan khác, khởi xướng và phát triển các chương trình văn hóa và giáo dục nhằm mục tiêu chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan, nhằm mục đích đảm bảo tôn trọng chân giá trị và phẩm giá con người và tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nền văn hóa và văn minh. Hội nghị còn yêu cầu các Quốc gia hỗ trợ và triển khai các chiến dịch thông tin công khai và các chương trình đào tạo cụ thể trong lĩnh vực nhân quyền, khi thích hợp, được diễn đạt bằng các ngôn ngữ địa phương, nhằm đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan và đề cao sự tôn trọng các giá trị của tính đa dạng, đa nguyên, bao dung, tôn trọng lẫn nhau, tính nhạy cảm văn hóa, sự hội nhập và sự tham gia trong cộng đồng. Những chương trình và chiến dịch như vậy cần hướng tới mọi bộ phận của xã hội, đặc biệt là trẻ em và trẻ vị thành niên;

127. Kêu gọi các Quốc gia tăng cường nỗ lực trong lĩnh vực giáo dục, bao gồm giáo dục nhân quyền, nhằm nâng cao hiểu biết và nhận thức về nguyên nhân, hậu quả và tội ác của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và kỳ thị liên quan, đồng thời đề nghị các Quốc gia, sau khi tham vấn các cơ quan giáo dục có thẩm quyền và thành phần tư nhân, khi phù hợp, phát triển các tài liệu giáo dục, bao gồm sách giáo khoa và từ điển, nhằm đấu tranh chống các hiện tượng phân biệt trên và, trong bối cảnh này, kêu gọi các Quốc gia coi trọng, nếu phù hợp, sách giáo khoa, xem xét và sửa đổi chương trình giảng dạy, nhằm xóa bỏ bất kỳ yếu tố nào có thể thúc đẩy chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan hoặc tăng cường các định kiến tiêu cực và đưa vào chương trình giáo dục nội dung mà phủ nhận những định kiến này;

128. Kêu gọi các Quốc gia, nếu thích hợp, hợp tác với các tổ chức liên quan, bao gồm các tổ chức thanh niên, hỗ trợ và triển khai các chương trình giáo dục công cộng chính thống và không chính thống được xây dựng nhằm đề cao sự tôn trọng đối với đa dạng văn hóa;

Giáo dục nhân quyền cho trẻ em và thanh niên

129. Kêu gọi các Quốc gia giới thiệu và, nếu có thể, tăng cường các hợp phần chống phân biệt đối xử và chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc trong các chương trình về nhân quyền trong chương trình giảng dạy ở trường học, phát triển và cải tiến các tài liệu giáo dục liên quan, bao gồm sách lịch sử và các sách giáo khoa khác, nhằm đảm bảo rằng mọi giáo viên đều được đào tạo hiệu quả và được khích lệ đầy đủ nhằm hình thành các khuôn mẫu thái độ và hành vi, dựa trên các nguyên tắc không phân biệt đối xử, tôn trọng và khoan dung lẫn nhau;

130. Kêu gọi các Quốc gia thực hiện và hỗ trợ các hoạt động hướng tới mục tiêu giáo dục thanh niên về nhân quyền và quyền công dân dân chủ và thấm nhuần các giá trị của tình đoàn kết, tôn trọng và đề cao tính đa dạng, trong đó có sự tôn trọng đối với các nhóm người khác nhau. Cần thực hiện hoặc xây dựng nỗ lực đặc biệt nhằm cung cấp thông tin và khơi dậy sự đồng cảm của thanh niên tôn trọng các giá trị dân chủ và nhân quyền để chống lại các hệ tư tưởng dựa trên học thuyết dối trá về tính siêu việt chủng tộc;

131. Kêu gọi các Quốc gia khuyến khích mọi trường học xem xét phát triển các hoạt động giáo dục, trong đó có các hoạt động ngoại khóa, nhằm nâng cao nhận thức chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan, không kể những vấn đề khác, bằng cách kỷ niệm Ngày Quốc tế Xóa bỏ Phân biệt chủng tộc (ngày 21 tháng 3);

132. Kiến nghị các Quốc gia đưa ra, hoặc tăng cường, công tác giáo dục nhân quyền, nhằm chống lại các định kiến dẫn tới phân biệt chủng tộc và nhằm tăng cường sự hiểu biết, lòng bao dung và tình bằng hữu giữa các nhóm chủng tộc hoặc dân tộc khác nhau, trong trường học cũng như trong các cơ sở giáo dục cao hơn, và hỗ trợ các chương trình giáo dục cộng đồng chính thống và không chính thống được xây dựng nhằm nâng cao sự tôn trọng đối với đa dạng văn hóa và lòng tự trọng của các nạn nhân;

Giáo dục nhân quyền cho các quan chức nhà nước và các chuyên gia công vụ

133. Kêu gọi các Quốc gia phát triển và đẩy mạnh đào tạo về nhân quyền chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và nhạy cảm về giới tính cho các quan chức nhà nước, trong đó có các nhân viên hành pháp, đặc biệt là các cán bộ làm việc trong lĩnh vực thực thi pháp luật, giáo dưỡng và an ninh, cũng như trong các cơ quany tế, trường học và di trú;

134. Kêu gọi các Quốc gia dành sự quan tâm đặc biệt đến tác động tiêu cực của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan đối với việc thực thi công lý và xét xử công bằng, và triển khai các chiến dịch toàn quốc, trong số các biện pháp khác, nhằm nâng cao nhận thức trong các cơ quan Nhà nước và các cán bộ nhà nước về các nghĩa vụ của họ theo Công ước Quốc tế về Xóa bỏ mọi Hình thức Phân biệt chủng tộc và các văn kiện liên quan khác;

135. Yêu cầu các Quốc gia, khi phù hợp, thông qua hợp tác với các tổ chức quốc tế, các thể chế quốc gia, các tổ chức phi chính phủ và thành phần tư nhân, tổ chức và hỗ trợ các hoạt động đào tạo, bao gồm các khóa học hoặc hội thảo, về các quy ước quốc tế nghiêm cấm phân biệt chủng tộc và khả năng áp dụng những quy ước này trong luật quốc gia, cũng như về các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế của mình, cho các công tố viên, thành viên ngành tư pháp và các cán bộ công vụ khác;

136. Kêu gọi các Quốc gia đảm bảo rằng công tác giáo dục và đào tạo, đặc biệt là đào tạo giáo viên, sẽ đề cao tôn trọng đối với nhân quyền và cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan và rằng các cơ sở giáo dục triển khai các chính sách và chương trình, được các cơ quan có thẩm quyền thông qua, về cơ hội bình đẳng, chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, bình đẳng giới, đa dạng văn hóa, đa dạng tôn giáo và sự đa dạng khác, với sự tham gia của các giáo viên, phụ huynh và học sinh, và theo dõi tiếp việc triển khai thực hiện của họ. Hội nghị cũng yêu cầu các nhà giáo dục, trong đó có giáo viên ở mọi cấp học, các cộng đồng tôn giáo, các phương tiện thông tin in ấn và điện tử, đóng vai trò hiệu quả trong giáo dục nhân quyền, coi đó là một biện pháp chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và kỳ thị liên quan;

137. Khuyến khích các Quốc gia xem xét thực hiện các biện pháp làm gia tăng sự tuyển dụng, duy trì và thăng tiến cho các lao động nam và nữ thuộc các nhóm người hiện ít có mặt trong ngành sư phạm do ảnh hưởng của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan, và đảm bảo cho những người này được tiếp cận bình đẳng với nghề. Các nỗ lực đặc biệt cần được thực hiện nhằm tuyển dụng những lao động nam và lao động nữ có khả năng giao tiếp hiệu quả với mọi nhóm người;

138. Kêu gọi các Quốc gia tăng cường các hoạt động đào tạo nhân quyền và nâng cao nhận thức dành cho các cán bộ trong lĩnh vực nhập cư, cảnh sát biên giới và nhân viên các trung tâm giam giữ và nhà tù, chính quyền địa phương, và các công chức khác chịu trách nhiệm thi hành pháp luật, cũng như các giáo viên, với sự quan tâm đặc biệt tới nhân quyền của người di cư, dân tỵ nạn và người tìm nơi cư trú, nhằm ngăn chặn các hành vi phân biệt chủng tộc và tư tưởng bài ngoại và tránh các tình huống trong đó các định kiến sẽ dẫn tới các quyết định dựa trên chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, bài ngoại và kỳ thị liên quan;

139. Kêu gọi các Quốc gia cung cấp hoặc tăng cường hoạt động đào tạo cho các cán bộ hành pháp, nhập cư và các công chức liên quan khác trong việc ngăn chặn nạn buôn người qua biên giới. Công tác đào tạo nên tập trung vào các phương pháp có thể sử dụng để ngăn chặn hoạt động buôn người này, khởi tố những kẻ buôn người và bảo vệ quyền của các nạn nhân, trong đó có việc bảo vệ các nạn nhân trước những kẻ buôn người. Công tác đào tạo cũng cần tính đến sự cần thiết phải xem xét nhân quyền và các vấn đề mang tính nhạy cảm liên quan đến trẻ em và giới tính và nên khuyến khích hợp tác với các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức liên quan và các thành phần khác trong xã hội dân sự;

4. THÔNG TIN, LIÊN LẠC VÀ CÁC PHƯƠNG TIỆN TRUYỀN THÔNG, TRONG ĐÓ CÓ CÁC CÔNG NGHỆ MỚI

140. Hoan nghênh sự đóng góp tích cực của các công nghệ thông tin và liên lạc mới, trong đó có Internet, trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc thông qua hoạt động thông tin liên lạc nhanh chóng trên quy mô rộng;

141. Thu hút sự chú ý tới tiềm năng gia tăng sử dụng các công nghệ thông tin và liên lạc mới, trong đó có Internet, nhằm tạo ra các mạng lưới giáo dục và nâng cao nhận thức chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan, cả trong và ngoài trường học, cũng như khả năng của Internet trong việc thúc đẩy sự tôn trọng toàn cầu đối với nhân quyền cũng như sự tôn trọng giá trị của đa dạng văn hóa;

142. Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhận ra giá trị của đa dạng văn hóa và của việc thực hiện các biện pháp cụ thể nhằm khuyến khích các cộng đồng bị cách ly tiếp cận với xu thế xã hội chủ đạo và các phương tiện thông tin thay thế thông qua, không kể những cái khác, các chương trình phản ánh văn hóa và ngôn ngữ của các cộng đồng đó;

143. Thể hiện sự lo lắng đối với những tiến bộ vật chất của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan, trong đó bao gồm các hình thức và biểu hiện hiện thời của chúng, ví như việc sử dụng các công nghệ thông tin và liên lạc mới, trong đó có Internet, nhằm gieo rắc các tư tưởng về sự siêu việt chủng tộc;

144. Kêu gọi các Quốc gia và khuyến khích thành phần tư nhân, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, bao gồm các phương tiện thông tin xuất bản và điện tử, như Internet và quảng cáo, có tính đến tính độc lập của chúng, thông qua các hiệp hội và tổ chức liên quan, ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế thúc đẩy sự phát triển của các quy tắc đạo đức tự nguyện và các biện pháp tự điều chỉnh, của các chính sách và hoạt động thực tiễn nhằm mục tiêu:

a. Đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan;

b. Thúc đẩy sự đại diện công bằng, cân bằng và vô tư của tính đa dạng trong các cộng đồng xã hội của họ cũng như đảm bảo rằng sự đa dạng này được phản ánh trong các nhân viên của họ;

c. Đấu tranh chống sự sinh sôi phát triển của các tư tưởng về tính siêu việt chủng tộc, lý lẽ biện hộ cho các tư tưởng thù ghét chủng tộc hay bất kỳ hình thức phân biệt đối xử nào;

d. Tăng cường tôn trọng, bao dung và hiểu biết giữa các cá nhân, dân tộc, quốc gia, và các nền văn minh, ví như thông qua hỗ trợ các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng;

e. Tránh dập khuôn dưới mọi hình thức, và đặc biệt là khuyến khích các hình ảnh sai lệch về người di cư, trong đó có người lao động di cư và người tỵ nạn, nhằm ngăn chặn lan truyền tư tưởng bài ngoại trong cộng đồng và khuyến khích phản ánh khách quan và cân bằng về con người, sự kiện và lịch sử;

145. Kêu gọi các Quốc gia thực hiện các chế tài pháp lý, phù hợp với luật nhân quyền quốc tế liên quan, đối với hành vi kích động tư tưởng thù ghét chủng tộc thông qua các công nghệ thông tin và liên lạc mới, trong đó có Internet, và yêu cầu các Quốc gia thực thi mọi văn kiện nhân quyền phù hợp mà quốc gia đã ký kết, đặc biệt là Công ước Quốc tế về việc Xóa bỏ Mọi Hình thức Phân biệt chủng tộc, chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc trên Internet;

146. Kêu gọi các Quốc gia khuyến khích các phương tiện thông tin đại chúng tránh dập khuôn trên cơ sở chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan;

147. Kêu gọi các Quốc gia xem xét các vấn đề sau đây, có tính đến đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế và khu vực hiện hành về quyền tự do biểu đạt, trong khi thực hiện mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo quyền tự do tư tưởng và tự do biểu đạt:

a. Khuyến khích các nhà cung cấp dịch vụ Internet thiết lập và phổ biến các quy tắc ứng xử tự nguyện và các biện pháp tự điều chỉnh cụ thể chống lại sự lan truyền các thông điệp phân biệt chủng tộc và những thông điệp dẫn đến sự phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại hoặc bất kỳ hình thức kỳ thị và phân biệt đối xử nào khác; sau cùng, các nhà cung cấp Internet được khuyến khích thiết lập các cơ quan hòa giải ở cấp quốc gia và quốc tế, có sự tham gia của các thể chế phù hợp của xã hội dân sự;

b. Ban hành và triển khai, ở một mức độ cho phép, các quy định pháp luật phù hợp để khởi tố những cá nhân chịu trách nhiệm đối với hành vi kích động thù ghét hoặc bạo lực chủng tộc thông qua các công nghệ thông tin và liên lạc mới, trong đó có Internet;

c. Giải quyết vấn đề truyền bá các nội dung phân biệt chủng tộc thông qua các công nghệ thông tin và liên lạc mới, trong đó có Internet, không kể những cách thức khác bằng cách phổ biến công tác đào tạo cho các cơ quan hành pháp;

d. Tố giác và tích cực ngăn chặn sự lan truyền của những thông điệp phân biệt chủng tộc và mang tư tưởng bài ngoại thông qua mọi phương tiện thông tin liên lạc, trong đó có các công nghệ thông tin và liên lạc mới, ví như Internet;

e. Cân nhắc phản ứng nhanh chóng và phối hợp của quốc tế đối với hiện tượng phát triển nhanh chóng của sự lan truyền các phát biểu đầy hận thù và các tài liệu phân biệt chủng tộc thông qua các công nghệ thông tin và liên lạc mới, trong đó có Internet; và trong bối cảnh này, cần tăng cường hợp tác quốc tế;

f. Khuyến khích mọi người tiếp cận và sử dụng Internet như một diễn đàn quốc tế và bình đẳng, với nhận thức rằng vẫn tồn tại những bất bình đẳng trong việc tiếp cận và sử dụng Internet;

g. Xác minh các cách thức để đẩy mạnh những đóng góp tích cực của các công nghệ thông tin và liên lạc mới, như Internet, thông qua việc tái tạo các thói quen tốt trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan;

h. Khuyến khích sự thể hiện của tính đa dạng của các cộng đồng xã hội ở đội ngũ nhân viên của các tố chức truyền thông và trên các công nghệ thông tin và liên lạc mới, ví dụ như Internet, bằng cách thúc đẩy sự đại diện hợp lý của các thành phần khác nhau trong xã hội ở mọi cấp độ trong cấu trúc tổ chức của họ;

B. CẤP QUỐC TẾ

148. Yêu cầu các nhà lãnh đạo thế giới xây dựng một trật tự quốc tế dựa trên sự tham gia, công lý, bình đẳng và công bằng, phẩm giá con người, sự hiểu biết lẫn nhau và sự đề cao cũng như tôn trọng đa dạng văn hóa và quyền phổ quát của con người, và bác bỏ mọi học thuyết bài trừ dựa trên chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và kỳ thị liên quan;

149. Tin tưởng rằng mọi xung đột và tranh chấp sẽ được giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình và đối thoại chính trị. Hội nghị kêu gọi các bên tham gia xung đột hãy kiềm chế, đồng thời tôn trọng nhân quyền và luật nhân đạo quốc tế;

150. Kêu gọi các Quốc gia, trong cuộc đấu tranh chống mọi hình thức phân biệt chủng tộc, phải nhận ra sự cần thiết chống lại các tư tưởng chống người Do Thái, người Ả-rập và người Hồi giáo trên quy mô toàn cầu, và kêu gọi tất cả các Quốc gia thực hiện các biện pháp thực tế để ngăn chặn sự bùng nổ của các phong trào bắt nguồn từ tư tưởng phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử đối với những cộng đồng này;

151. Đối với tình hình ở Trung Đông, Hội nghị kêu gọi chấm dứt bạo lực và nhanh chóng lập lại đàm phán, tôn trọng luật về nhân quyền và nhân đạo quốc tế, tôn trọng nguyên tắc dân tộc tự quyết và chấm dứt mọi sự chịu đựng, nhờ đó cho phép người dân Israel và Palestin lập lại được tiến trình hòa bình, và phát triển cũng như thịnh vượng trong an ninh và tự do;

152. Khuyến khích các Quốc gia, các tổ chức khu vực và quốc tế, trong đó có các thể chế tài chính cũng như xã hội dân sự, xác định rõ, trong khuôn khổ các cơ chế hiện có, hoặc khi cần thiết thì xây dựng và/hoặc phát triển các cơ chế đó, những khía cạnh của toàn cầu hóa mà có thể dẫn đến chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan;

153. Đề xuất rằng Ủy ban Gìn giữ Hòa Bình của Ban thư ký và các cơ quan, ban ngành và chương trình liên quan khác của Liên Hợp Quốc tăng cường hợp tác nhằm phát hiện ra các hình thức vi phạm nghiêm trọng nhân quyền và luật nhân đạo nhằm đánh giá nguy cơ của tình trạng xấu hơn có thể dẫn đến tội ác diệt chủng, các tội ác chiến tranh hoặc các tội ác chống lại loài người;

154. Khuyến khích Tổ chức Y tế Thế giới và các tổ chức quốc tế liên quan khác thúc đẩy và phát triển các hoạt động nhằm nhận thức về tác động của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan như những nhân tố xã hội mang tính quyết định đối với tình trạng sức khỏe về thể chất và tinh thần con người, trong đó bao gồm bệnh HIV/AIDS, và thúc đẩy việc tiếp cận đối với dịch vụ chăm sóc y tế và xây dựng các dự án cụ thể, như dự án nghiên cứu, nhằm đảm bảo hệ thống chăm sóc sức khỏe công bằng cho các nạn nhân của sự phân biệt đối xử;

155. Khuyến khích Tổ chức Lao động quốc tế tiến hành các hoạt động và chương trình nhằm đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan trong lĩnh vực lao động, và hỗ trợ hành động của các quốc gia, các tổ chức của người sử dụng lao động và công đoàn trong lĩnh vực này;

156. Kêu gọi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc hỗ trợ các Quốc gia chuẩn bị các tài liệu và công cụ giảng dạy nhằm thúc đẩy hoạt động giảng dạy, đào tạo và giáo dục liên quan đến nhân quyền và cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan;

IV. CUNG CẤP CÁC BIỆN PHÁP KHẮC PHỤC HIỆU QUẢ, CẦU VIỆN,
ĐỀN BÙ VÀ CÁC BIỆN PHÁP KHÁC Ở CẤP QUỐC GIA, KHU VỰC VÀ QUỐC TẾ

157. Công nhận nỗ lực của các quốc gia đang phát triển, đặc biệt là sự tận tâm và quyết tâm của các nhà lãnh đạo châu Phi, nhằm đương đầu một cách nghiêm túc đối với các thách thức của đói nghèo, kém phát triển, cách ly, và bài trừ xã hội, bất bình đẳng kinh tế, bất ổn định và mất an toàn, thông qua các kế hoạch thay đổi như Sáng kiến châu Phi Mới và những cơ chế đổi mới khác như Quỹ Kết đoàn Thế giới vì mục tiêu Xóa đói nghèo, và kêu gọi các nước phát triển, Liên Hợp Quốc cũng như các cơ quan chuyên môn của nó, và các thể chế tài chính quốc tế, cung cấp, thông qua các chương trình hoạt động của mình, nguồn tài chính mới và bổ sung, khi thích hợp, nhằm hỗ trợ những kế hoạch này;

158. Nhận thức rằng những định kiến mang tính lịch sử này rõ ràng đã góp phần dẫn đến tình trạng đói nghèo, kém phát triển, cách ly, bài trừ xã hội, bất bình đẳng kinh tế, bất ổn định và mất an toàn, gây ảnh hưởng đến nhiều người tại nhiều vùng khác nhau trên thế giới, đặc biệt là tại các nước đang phát triển. Hội nghị nhận thấy sự cần thiết phải xây dựng các chương trình phát triển kinh tế và xã hội cho những nhóm người cũng như cộng đồng Do Thái này, trong khuôn khổ của quan hệ hợp tác mới dựa trên tinh thần đoàn kết và tôn trọng lẫn nhau, trong các lĩnh vực sau:

  1. Giảm nợ hoặc xóa nợ; Xóa đói nghèo; Xây dựng hoặc tăng cường các thể chế dân chủ; Khuyến khích đầu tư trực tiếp của nước ngoài; Tiếp cận thị trường;
  2. Tăng cường các nỗ lực nhằm đạt được các mục tiêu mà quốc tế đã thống nhất đối với việc chuyển giao hỗ trợ phát triển chính thức cho các nước đang phát triển;
  3. Các công nghệ thông tin và liên lạc mới liên kết với kỹ thuật số;
  4. Nông nghiệp và an ninh lương thực; Chuyển giao công nghệ;
  5. Sự cai trị minh bạch và có trách nhiệm; Đầu tư cơ sở hạ tầng y tế nhằm điều trị các bệnh HIV/AIDS, bệnh lao phổi và bệnh sốt rét, trong đó có thông qua Quỹ Y tế và AIDS Toàn cầu; Phát triển cơ sở hạ tầng; Phát triển nguồn nhân lực, trong đó có hoạt động xây dựng năng lực; Phát triển giáo dục, đào tạo và văn hóa; Hỗ trợ pháp lý lẫn nhau trong công tác thu hồi các quỹ được gây dựng và chuyển giao (cất giấu) bất hợp pháp, phù hợp với các văn kiện pháp lý quốc gia và quốc tế; Buôn lậu trái phép các thiết bị vũ khí nhỏ và nhẹ; Hoàn trả các tác phẩm nghệ thuật, đồ tạo tác và tài liệu lịch sử cho quốc gia xuất xứ của chúng, phù hợp với các thỏa thuận song phương hoặc văn kiện quốc tế; Buôn người qua biên giới, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em; Tạo điều kiện thuận lợi cho việc hồi hương và tái định cư của các thế hệ con cháu của những người châu Phi đã bị bắt làm nô lệ;

159. Kêu gọi các thể chế tài chính và phát triển quốc tế, các chương trình hoạt động và các cơ quan chuyên môn của Liên Hợp Quốc ưu tiên nhiều hơn và phân bổ quỹ hợp lý cho các chương trình giải quyết các thách thức phát triển của các Quốc gia và các nhóm người bị ảnh hưởng, đặc biệt là những quốc gia và cộng đồng người ở châu Phi và ở những nơi có người Do Thái sinh sống;

Hỗ trợ pháp lý

160. Kêu gọi các Quốc gia tiến hành mọi biện pháp cần thiết để giải quyết, như là một vấn đề cấp thiết, yêu cầu về công bằng dành cho những nạn nhân của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan và để đảm bảo cho những nạn nhân đó được tiếp cận đầy đủ với thông tin, sự hỗ trợ và bảo vệ hiệu quả, cũng như các biện pháp khắc phục mang tính quốc gia, các biện pháp khắc phục về hành chính và tư pháp, trong đó có quyền tìm kiếm sự bồi thường công bằng và thỏa đáng đối với những tổn thất, cũng như các hỗ trợ về pháp lý, khi cần;

161. Kêu gọi các Quốc gia tạo điều kiện cho các nạn nhân của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, trong đó bao gồm những nạn nhân bị ngược đãi và tra tấn, được tiếp cận mọi quy trình thủ tục pháp lý phù hợp và sự hỗ trợ pháp lý miễn phí theo phương thức phù hợp với nhu cầu và sự tổn thương cụ thể của họ, trong đó có cả hình thức thông qua đại diện pháp luật;

162. Kêu gọi các Quốc gia đảm bảo sự bảo vệ chống lại việc những người đi thưa kiện và nhân chứng của các hành động phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, bài ngoại và kỳ thị liên quan lại trở thành nạn nhân, và xem xét các biện pháp, khi thích hợp, như cung cấp hỗ trợ pháp lý, trong đó có đại diện tư pháp, dành cho những người thưa kiện đang tìm kiếm một giải pháp pháp lý, và nếu có thể, cho phép các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ người thưa kiện về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, trên cơ sở có sự đồng ý của họ, trong quá trình tố tụng;

Pháp luật và các chương trình quốc gia

163. Nhằm mục tiêu đấu tranh hiệu quả chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan trong các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa, Hội nghị đề nghị tất cả các Quốc gia rằng khung pháp lý quốc gia của họ cần nghiêm cấm một cách rõ ràng và cụ thể sự phân biệt chủng tộc và cung cấp các biện pháp tư pháp cũng như các biện pháp sửa chữa hoặc khắc phục khác, trong đó có thông qua việc thành lập các cơ quan quốc gia độc lập và chuyên trách;

164. Kêu gọi các Quốc gia, trên cơ sở quy trình tố tụng do pháp luật quốc gia quy định, cần ghi nhớ những vấn đề sau:

a. Việc tiếp cận những biện pháp khắc phục đó nên được phổ biến trên diện rộng, trên cơ sở bình đẳng và không phân biệt đối xử;

b. Các biện pháp bồi thường hiện hành cần được phổ biến đối với từng hành vi pháp lý cụ thể, và các nạn nhân của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc nên được giúp đỡ để tiếp cận các biện pháp đó phù hợp với từng trường hợp cụ thể;

c. Việc điều tra và xét xử các khiếu kiện về phân biệt chủng tộc phải được tiến hành nhanh nhất có thể;

d. Những người là nạn nhân của phân biệt chủng tộc cần được trợ giúp pháp lý và bào chữa trong phiên tòa xét xử vụ kiện của mình, một cách miễn phí khi cần thiết, và, khi cần thiết, được trợ giúp tại phiên tòa bởi một phiên dịch có khả năng hoặc trong bất kỳ vụ việc dân sự cũng như hình sự nào phát sinh từ hay có liên quan tới vụ kiện trên;

e. Việc thành lập các cơ quan quốc gia có thẩm quyền để điều tra các cáo buộc về phân biệt chủng tộc và bảo vệ nguyên đơn trước những hành vi đe dọa hoặc quấy rối là một bước phát triển đáng mơ ước và cần được hiện thực hóa; cần tiến hành các biện pháp tiến tới ban hành các bộ luật nghiêm cấm các hành vi phân biệt đối xử trên cơ sở chủng tộc, màu da, dòng dõi, nguồn gốc quốc gia hoặc dân tộc, và áp dụng các hình phạt thích đáng đối với những kẻ vi phạm và áp dụng các biện pháp khắc phục, ví dụ như bồi thường thỏa đáng, cho các nạn nhân;

f. Việc tiếp cận các biện pháp khắc phục pháp lý cần được cung cấp cho các nạn nhân chịu sự phân biệt đối xử và, về khía cạnh này, cần xem xét nghiêm túc việc cải tiến hoạt động cấp thẩm quyền cho các thể chế quốc gia hoặc các thể chế khác, cũng như các tổ chức phi chính phủ liên quan, để hỗ trợ những nạn nhân này, và cần xây dựng các chương trình để khuyến khích những nhóm người dễ bị tổn thương nhất có thể tiếp cận hệ thống pháp lý;

g. Các phương pháp và quy trình mới, mang tính sáng tạo trong việc giải quyết, thương lượng và hòa giải giữa các bên liên quan trong các cuộc xung đột và tranh chấp xuất phát từ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan cần phải được khám phá và xây dựng khi cần thiết;

h. Sự phát triển của các chương trình và chính sách tư pháp mang tính phục hồi vì lợi ích của những nạn nhân của các hình thức phân biệt chủng tộc nhất định là một điều đáng mơ ước và cần được xem xét nghiêm túc;

i. Các Quốc gia đã đưa ra lời tuyên bố theo điều 14 của Công ước Quốc tế về Xóa bỏ mọi Hình thức Phân biệt chủng tộc cần nỗ lực hơn nữa để thông tin đến công chúng về sự tồn tại của cơ chế khiếu kiện theo Điều 14;

Các biện pháp khắc phục, đền bù và bồi thường

165. Kêu gọi các Quốc gia tăng cường bảo vệ chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan bằng cách đảm bảo rằng mọi người đều được tiếp cận các biện pháp khắc phục hiệu quả và thỏa đáng và có quyền tìm kiếm các hình thức bồi thường và đền bù công bằng và thỏa đáng, từ các tòa án có thẩm quyền của quốc gia và các thể chế quốc gia khác, Quốc gia đối với những tổn thất do sự phân biệt đối xử trên gây ra cho họ. Hội nghị còn nhấn mạnh thêm tầm quan trọng của việc tiếp cận luật pháp và tòa án của những người đi thưa kiện về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và sự phân biệt đối xử về chủng tộc, và lưu ý các quốc gia về sự cần thiết phải làm cho các biện pháp tư pháp cũng như các biện pháp khắc phục khác được biết đến rộng rãi, dễ dàng tiếp cận, nhanh chóng và không quá phức tạp;

166. Kêu gọi các Quốc gia thực hiện các biện pháp cần thiết, như luật quốc gia quy định, để đảm bảo quyền của các nạn nhân được tìm kiếm những hình thức bồi thường công bằng và thỏa đáng đối với các hành vi phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và kỳ thị liên quan, và thiết kế những biện pháp hiệu quả để ngăn chặn sự lặp lại những hành động đó;

V. CÁC CHIẾN LƯỢC NHẰM ĐẠT ĐƯỢC SỰ BÌNH ĐẲNG HOÀN TOÀN VÀ THỰC TẾ, TRONG ĐÓ CÓ SỰ HỢP TÁC QUỐC TẾ VÀ SỰ TĂNG CƯỜNG CỦA LIÊN HỢP QUỐC VÀ CÁC CƠ CHẾ QUỐC TẾ KHÁC TRONG CUỘC ĐẤU TRANH CHỐNG CHỦ NGHĨA PHÂN BIỆT CHỦNG TỘC, PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ VỀ CHỦNG TỘC, TƯ TƯỞNG BÀI NGOẠI VÀ KỲ THỊ LIÊN QUAN VÀ NHỮNG HOẠT ĐỘNG TIẾP SAU

167. Kêu gọi các Quốc gia thực hiện không ngừng nghỉ mọi cam kết mà Quốc gia đưa ra trong các tuyên bố và kế hoạch hành động của các hội nghị khu vực mà Quốc gia tham gia, và xây dựng các chính sách và kế hoạch hành động quốc gia nhằm chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan, phù hợp với các mục tiêu đã đặt ra trong các văn bản trên, và như được quy định trong những văn kiện và quyết định liên quan khác; và yêu cầu rằng, trong những trường hợp đã có mà những chính sách và kế hoạch hành động quốc gia chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan, thì các Quốc gia nên kết hợp những chính sách và kế hoạch hành động trên với các cam kết của họ tại các hội nghị khu vực;

168. Kêu gọi các Quốc gia chưa thực hiện những việc trên phải xem xét tham gia Công ước Geneva đã được ký kết ngày 12 tháng 8 năm 1949 và hai Nghị định thư Bổ sung của nó năm 1977, cũng như là tham gia vào các hiệp ước khác về luật nhân đạo quốc tế, và ban hành, ưu tiên hàng đầu, quy định pháp luật phù hợp, bên cạnh việc thực hiện các biện pháp cần thiết để trao hiệu lực đầy đủ cho các nghĩa vụ của mình theo quy định trong luật nhân đạo quốc tế, đặc biệt là trong mối liên hệ với các quy định nghiêm cấm phân biệt đối xử;

169. Kêu gọi các Quốc gia phát triển các chương trình hợp tác nhằm thúc đẩy các cơ hội bình đẳng vì lợi ích của các nạn nhân của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan và khuyến khích các Quốc gia đề xuất việc thiết lập các chương trình hợp tác đa phương với cùng một mục tiêu như vậy;

170. Đề nghị các Quốc gia đưa chủ đề đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan vào trong các chương trình làm việc của các tổ chức hợp tác khu vực và của các diễn đàn đối thoại khu vực xuyên biên giới;

171. Kêu gọi các Quốc gia nhận ra các thử thách mà con người thuộc chủng tộc, màu da, dòng dõi, nguồn gốc quốc gia và dân tộc, tôn giáo và ngôn ngữ có cấu trúc xã hội khác nhau phải tìm cách chung sống cùng nhau và cùng phát triển các cộng đồng đa chủng tộc và đa văn hóa hòa hợp; đồng thời kêu gọi các Quốc gia nhận ra rằng cần phải kiểm tra và phân tích những ví dụ điển hình tích cực về các cộng đồng đa chủng tộc và đa văn hóa tương đối thành công, như một số cộng đồng ở vùng Caribê, và rằng cần xem xét và phát triển một cách hệ thống những kỹ thuật, cơ chế, chính sách và chương trình nhằm hòa giải các xung đột về các yếu tố liên quan đến chủng tộc, màu da, dòng dõi, tôn giáo, ngôn ngữ, nguồn gốc quốc gia hay dân tộc, và nhằm phát triển các cộng đồng đa chủng tộc và đa văn hóa hài hòa, và do đó yêu cầu Liên Hợp Quốc và các cơ quan chuyên môn liên quan của nó xem xét thành lập một trung tâm quốc tế nghiên cứu đa chủng tộc và đa văn hóa và phát triển các chính sách nhằm thực hiện công việc quan trọng này vì lợi ích của cộng đồng quốc tế;

172. Kêu gọi các Quốc gia bảo vệ bản sắc quốc gia, dân tộc, văn hóa, tôn giáo và ngôn ngữ của các nhóm thiểu số trong vùng lãnh thổ của họ và phát triển luật pháp và các biện pháp phù hợp khác nhằm tạo ra các điều kiện thúc đẩy bản sắc đó, nhằm bảo vệ chúng trước bất kỳ hình thức nào của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan. Trong trường hợp này, các hình thức đa phân biệt cần được xem xét đầy đủ;

173. Kêu gọi các Quốc gia đảm bảo sự bảo vệ và tăng cường một cách bình đẳng bản sắc của các cộng đồng bị bất lợi về lịch sử trong những trường hợp đặc biệt như trên khi điều này có thể phù hợp;

174. Kêu gọi các Quốc gia thực hiện hoặc tăng cường các biện pháp, bao gồm thông qua hợp tác song phương hoặc đa phương, giải quyết các nguyên nhân gốc rễ, như đói nghèo, kém phát triển và thiếu cơ hội bình đẳng, một vài trong số các nguyên nhân này có thể liên quan đến các hành vi phân biệt đối xử, mà khiến nhiều người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, dễ bị buôn bán qua biên giới, làm tăng hiện tượng phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và kỳ thị liên quan;

175. Khuyến khích các Quốc gia, trên cơ sở hợp tác với các tổ chức phi chính phủ, thực hiện các chiến dịch nhằm xác định rõ các cơ hội, hạn chế và quyền lợi trong trường hợp di cư, nhằm tạo điều kiện cho mọi người, đặc biệt là phụ nữ, có thể đưa ra các quyết định dựa trên nguồn thông tin đầy đủ và ngăn chặn việc họ có thể trở thành nạn nhân của nạn buôn người;

176. Kêu gọi các Quốc gia ban hành và thực hiện các chính sách phát triển xã hội dựa trên các số liệu thống kê đáng tin cậy và chú trọng đạt được, đến năm 2015, các cam kết đáp ứng những nhu cầu cơ bản của tất cả mọi người được quy định trong đoạn 36 của Chương trình Hành động của Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới về Phát triển Xã hội, tổ chức tại Copenhagen vào năm 1995, với mục đích thu hẹp đáng kể khoảng cách hiện tại về điều kiện sống của các nạn nhân của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và kỳ thị liên quan, đặc biệt về tỷ lệ mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh, tỷ lệ tử vong của trẻ em dưới năm tuổi, sức khỏe, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho tất cả mọi người và việc tiếp cận nguồn nước uống an toàn. Thúc đẩy bình đẳng giới cũng sẽ được xem xét trong quá trình ban hành và thực hiện các chính sách này;

Khuôn khổ pháp lý quốc tế

177. Kêu gọi các Quốc gia tiếp tục hợp tác với Ủy ban Xóa bỏ Phân biệt chủng tộc và những cơ quan giám sát hiệp ước nhân quyền khác nhằm thúc đẩy, trong đó có biện pháp đối thoại mang tính xây dựng và minh bạch, việc triển khai hiệu quả các văn kiện liên quan và xem xét hợp lý các đề xuất do các cơ quan trên thông qua về các khiếu nại về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan;

178. Yêu cầu cung cấp các nguồn lực đầy đủ cho Ủy ban Xóa bỏ Phân biệt chủng tộc nhằm tạo điều kiện cho Ủy ban hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ của mình và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cấp nguồn lực đầy đủ cho mọi cơ quan giám sát hiệp ước nhân quyền của Liên Hợp Quốc;

Các văn kiện quốc tế chung

179. Công nhận những nỗ lực của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các biện pháp được thực hiện với sự bảo trợ của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc, trong việc thúc đẩy sự tôn trọng và bảo tồn đa dạng văn hóa trong và giữa các cộng đồng và các quốc gia với mục đích xây dựng một thế giới đa văn hóa hài hòa, trong đó bao gồm việc cụ thể hóa một văn kiện quốc tế có thể về vấn đề này theo cách thức thống nhất với các văn kiện nhân quyền quốc tế;

180. Đề nghị Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc xem xét chi tiết hóa một Công ước quốc tế đầy đủ và toàn diện nhằm bảo vệ và thúc đẩy các quyền và phẩm giá của những người khuyết tật, trong đó, đặc biệt là, các điều khoản điều chỉnh các hành vi phân biệt đối xử mà ảnh hưởng đến những người này;

Hợp tác Khu vực / Quốc tế

181. Đề nghị Liên minh Nghị viện Thế giới đóng góp vào các hoạt động của năm Quốc tế Động viên chống chủ nghĩa Phân biệt chủng tộc, Phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và kỳ thị liên quan bằng cách khuyến khích nghị viện của các quốc gia xem xét lại tiến bộ của hoạt động thực hiện mục tiêu của Hội nghị;

182. Khuyến khích các Quốc gia tham gia đối thoại khu vực về vấn đề di trú đề nghị họ xem xét đàm phán các thỏa thuận song phương và khu vực về người lao động di trú, và thiết kế và thực hiện chương trình với các Quốc gia thuộc khu vực khác để bảo vệ quyền của người di trú;

183. Kêu gọi các Quốc gia, thông qua tham vấn với xã hội dân sự, ủng hộ hoặc thiết lập một cách hợp lý, các cuộc đối thoại toàn diện trong khu vực về nguyên nhân và hậu quả của di cư, mà không chỉ tập trung vào việc thực thi pháp luật và kiểm soát đường biên giới mà còn vào việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền của người di cư và vào mối quan hệ giữa di cư và phát triển;

184. Khuyến khích các tổ chức quốc tế có nhiệm vụ giải quyết các vấn đề di cư trao đổi thông tin và phối hợp hoạt động về các vấn đề liên quan đến chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan đối với dân di cư, bao gồm người lao động di cư, với sự hỗ trợ của Văn phòng Cao ủy Liên Hợp Quốc về Nhân quyền;

185. Bày tỏ mối quan ngại sâu sắc đối với sự nghiêm trọng của thảm họa nhân đạo mà một số nhóm dân chúng phải chịu và gánh nặng đối với những nước đón nhận người di cư, đặc biệt là những nước đang phát triển, và những nước trong giai đoạn quá độ, và yêu cầu các thể chế quốc tế liên quan đảm bảo hỗ trợ tài chính khẩn cấp, phù hợp và duy trì trợ giúp nhân đạo cho các nước chủ nhà giúp họ giúp các nạn nhân trên và giải quyết, trên cơ sở công bằng, những khó khăn của các nhóm dân số bị trục xuất khỏi nhà cửa của họ, đồng thời kêu gọi các biện pháp bảo hộ cần thiết để người tỵ nạn có thể tự do thực hiện quyền hồi hương một cách tự nguyện, trong an toàn và tự trọng;

186. Khuyến khích các Quốc gia ký kết các thỏa thuận song phương, tiểu vùng, khu vực và quốc tế để giải quyết vấn đề buôn bán trẻ em và phụ nữ, đặc biệt là các bé gái, cũng như buôn bán người di cư;

187. Kêu gọi các Quốc gia, xúc tiến, khi phù hợp, các trao đổi ở cấp độ khu vực và quốc tế giữa các thể chế quốc gia độc lập và, khi có thể, giữa các cơ quan hoạt động độc lập liên quan khác nhằm tăng cường hợp tác chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan;

188. Kêu gọi các Quốc gia ủng hộ các hoạt động của các cơ quan hoặc trung tâm khu vực chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan tại nơi hoạt động của các cơ quan này và kiến nghị thành lập các cơ quan hoặc trung tâm như vậy tại những khu vực chưa có. Những cơ quan hoặc trung tâm này có thể thực hiện các hoạt động sau, bên cạnh các hoạt động khác: đánh giá và theo dõi thực trạng của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và kỳ thị liên quan, và tình trạng của các cá nhân hoặc nhóm người là nạn nhân hoặc có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của các hành vi phân biệt đối xử trên; xác định xu hướng, vấn đề và khó khăn; thu thập, phổ biến và trao đổi thông tin, không kể đến những hoạt động khác, phù hợp với kết quả của hội nghị khu vực và hội nghị thế giới, và xây dựng mạng lưới để đạt được mục đích trên; nêu bật các gương hoạt động điển hình; tổ chức các chiến dịch nâng cao nhận thức; xây dựng đề xuất, giải pháp và các biện pháp ngăn chặn, khi thích hợp và cần thiết, thông qua các nỗ lực chung bằng con đường hợp tác với Liên Hợp Quốc, các tổ chức khu vực, các Quốc gia và các thể chế nhân quyền quốc gia;

189. Kêu gọi các tổ chức quốc tế, trong phạm vi nhiệm vụ của mình, đóng góp vào cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan;

 190. Khuyến khích các thể chế tài chính và phát triển, các chương trình hành động và các cơ quan chức năng của Liên Hợp Quốc, phù hợp với ngân sách thường xuyên của các thể chế / cơ quan này cũng như với quy trình hoạt động của các cơ quan quản lý của chúng:

a. Dành ưu tiên đặc biệt và phân bổ kinh phí phù hợp, trong phạm vi khả năng và ngân sách, nhằm cải thiện tình hình của các nạn nhân của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan để chống lại các biểu hiện của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và kỳ thị liên quan, và đưa những nạn nhân này vào quá trình xây dựng và thực hiện các dự án liên quan đến họ;

b. Kết hợp các nguyên tắc và các chuẩn mực về nhân quyền vào các chính sách và chương trình của họ;

c. Xem xét đưa vào nội dung báo cáo thường xuyên tới hội đồng chính phủ thông tin về đóng góp của họ đối với việc thúc đẩy các nạn nhân của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan tham gia vào các chương trình và hoạt động của họ, và thông tin về các nỗ lực trợ giúp sự tham gia này và để đảm bảo rằng những chính sách và hoạt động thực tiễn này sẽ góp phần xóa bỏ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan;

d. Kiểm tra xem các chính sách và hoạt động của họ ảnh hưởng đến các nạn nhân của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan như thế nào, và đảm bảo rằng những chính sách và hoạt động này góp phần xóa bỏ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan;

191.

a. Kêu gọi các Quốc gia cụ thể hóa các kế hoạch hành động của mình với sự tham vấn của các thể chế nhân quyền quốc gia, các thể chế khác được luật pháp lập ra để chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, và xã hội dân sự và cung cấp kế hoạch hành động và các tư liệu liên quan khác về các biện pháp đã thực hiện để triển khai các điều khoản của Tuyên bố và Chương trình hành động hiện tại cho Cao ủy Liên Hợp Quốc về Nhân quyền;

b. Yêu cầu Cao ủy Liên Hợp Quốc về Nhân quyền, tiếp theo Hội nghị này, làm việc với năm chuyên gia độc lập, xuất chúng, từ mỗi vùng khác nhau do Tổng Thư ký chỉ định từ những ứng viên được Chủ tich Hội đồng Nhân quyền đề cử, sau khi tham vấn với các nhóm khu vực, để theo dõi việc thực hiện các điều khoản của Tuyên bố và Chương trình Hành động. Báo cáo tiến độ thường niên về việc thực hiện những điều khoản này sẽ được Cao ủy cho Ủy ban Nhân quyền và Đại Hội đồng trình bày, có xem xét đến thông tin và ý kiến của các Quốc gia, các cơ quan hiệp ước nhân quyền liên quan, các quy trình đặc biệt và các cơ chế khác của Ủy ban Nhân quyền của Liên Hợp Quốc, của các tổ chức quốc tế, khu vực, và các tổ chức phi chính phủ và các thể chế nhân quyền quốc gia;

c. Hoan nghênh ý định của Cao ủy Liên Hợp Quốc về Nhân quyền thành lập đơn vị chống phân biệt đối xử, trong phạm vi Văn phòng của Cao ủy Nhân quyền, để chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan, và để thúc đẩy sự bình đẳng và không phân biệt đối xử, và đề nghị Cao ủy xem xét đưa vào trong nhiệm vụ của mình, không kể những việc khác, việc biên tập thông tin về phân biệt chủng tộc và sự phát triển của nó, về những trợ giúp pháp lý và hành chính đối với nạn nhận của phân biệt chủng tộc, và thu thập các tài liệu cơ sở được các Quốc gia, các tổ chức quốc tế, khu vực và các tổ chức phi chính phủ, thể chế nhân quyền quốc gia cung cấp theo cơ chế hoạt động tiếp sau Hội nghị;

d. Kiến nghị rằng Văn phòng Cao ủy Nhân quyền, hợp tác với các Quốc gia, các tổ chức liên quốc gia, khu vực, phi chính phủ và các thể chế nhân quyền quốc gia, thiết lập cơ sở dữ liệu chứa thông tin về các biện pháp khả thi để giải quyết chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và kỳ thị liên quan; đặc biệt là các văn kiện khu vực và quốc tế, luật pháp quốc gia bao gồm luật chống phân biệt đối xử, cũng như các biện pháp pháp lý để chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc; các biện pháp khắc phục có sẵn thông qua các cơ chế quốc tế cũng như các biện pháp trong nước dành cho các nạn nhân của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc; các chương trình giáo dục và phòng ngừa được thực hiện tại nhiều vùng và quốc gia; những hoạt động tốt nhất để giải quyết chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan; các cơ hội hợp tác kỹ thuật; các nghiên cứu hàn lâm và các tài liệu chuyên ngành; và đảm bảo rằng các cơ quan có thẩm quyền và cộng đồng nói chung có thể truy cập cơ sở dữ liệu này thông qua trang web của nó và bằng các phương thức thích hợp khác;

192. Đề nghị Liên Hợp Quốc và Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn Hóa Liên Hợp Quốc tiếp tục tổ chức các cuộc họp cấp cao và các cuộc gặp gỡ khác để Đối thoại giữa các nền văn minh nhằm huy động vốn và thúc đẩy hợp tác;

Văn Phòng Cao ủy Nhân quyền

193. Khuyến khích Cao ủy Liên Hợp Quốc về Nhân quyền tiếp tục và mở rộng việc chỉ định và bổ nhiệm các đại sứ thiện chí ở tất cả các nước trên thế giới nhằm mục đích thúc đẩy sự tôn trọng nhân quyền, và một văn hóa bao dung và nâng cao nhận thức về vấn nạn của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan;

194. Kêu gọi Văn phòng Cao ủy Nhân quyền tiếp tục các nỗ lực của mình để nâng cao nhận thức về công việc của Ủy ban Xóa bỏ Phân biệt chủng tộc và các cơ quan hiệp ước nhân quyền khác của Liên Hợp Quốc;

195. Đề nghị Văn phòng Cao ủy Nhân quyền, với sự tham vấn của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc và các tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền, tiến hành tham vấn thường xuyên với các tổ chức này và khuyến khích hoạt động nghiên cứu nhằm thu thập, lưu giữ và điều chỉnh các tài liệu kỹ thuật, khoa học, giáo dục và thông tin do tất cả các nền văn hóa trên thế giới tạo ra để chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc;

196. Yêu cầu Văn phòng Cao ủy Nhân quyền đặc biệt chú ý đến những vi phạm nhân quyền của các nạn nhân của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan, đặc biệt đối với người di cư, bao gồm người lao động di cư; xúc tiến hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chống tư tưởng bài ngoại và cuối cùng, phát triển các chương trình mà có thể áp dụng được ở các quốc gia trên cơ sở các thỏa thuận hợp tác phù hợp;

197. Kêu gọi các Quốc gia hỗ trợ Văn Phòng Cao ủy Nhân quyền trong hoạt động phát triển và cấp quỹ, dựa trên yêu cầu của các Quốc gia, cho các dự án hợp tác kỹ thuật cụ thể nhằm chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan;

198.

a. Đề nghị Ủy ban Nhân quyền đưa vào nhiệm vụ của các báo cáo viên và các nhóm công tác đặc biệt của Ủy ban, đặc biệt là Báo cáo Đặc biệt về các hình thức hiện thời của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan, kiến nghị rằng các báo cáo viên và nhóm công tác đặc biệt này xem xét các điều khoản liên quan trong Tuyên bố và Chương trình Hành động trong khi thực hiện các nhiệm vụ của mình, cụ thể là báo cáo lên Đại Hội đồng và Ủy ban Nhân quyền, đồng thời xem xét bất cứ phương pháp phù hợp nào khác để theo dõi kết quả của Hội nghị;

b. Kêu gọi các Quốc gia hợp tác với các tiến trình đặc biệt của Ủy ban Nhân quyền và các cơ chế khác của Liên Hợp Quốc trong các vấn đề liên quan tới chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan, cụ thể là hợp tác với các báo cáo viên đặc biệt, các chuyên gia độc lập và các đại diện đặc biệt;

199. Kiến nghị Ủy ban Nhân quyền soạn thảo tiêu chuẩn quốc tế bổ sung để tăng cường và cập nhật các công ước quốc tế chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan trong tất cả các khía cạnh của nó;

Những thập niên

200. Kêu gọi các Quốc gia và cộng động quốc tế ủng hộ các hoạt động của Thập niên thứ ba chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và Phân biệt đối xử về chủng tộc;

201. Kiến nghị Đại Hội đồng xem xét tuyên bố năm Liên Hợp Quốc hoặc thập niên Liên Hợp Quốc chống buôn bán người qua biên giới, đặc biệt là buôn bán phụ nữ, trẻ vị thành niên và trẻ em, nhằm bảo vệ phẩm giá và nhân quyền của họ;

202. Kêu gọi các Quốc gia, hợp tác chặt chẽ với Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc, đẩy mạnh việc triển khai Tuyên bố và Chương trình Hành động về một nền văn hóa hòa bình và các mục tiêu của Thập niên Quốc tế vì một nền văn hóa hòa bình và kKhông bao lực dành cho trẻ em toàn thế giới, bắt đầu vào năm 2001, và kêu gọi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc đóng góp vào các hoạt động này;

Các dân tộc bản địa

203. Kiến nghị Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc tiến hành đánh giá kết quả của Thập niên Quốc tế dành cho Dân tộc Bản địa của Thế giới (1995-2004) và đưa ra kiến nghị về cách đánh dấu sự kết thúc Thập niên này, trong đó bao gồm hoạt động phù hợp tiếp theo;

204. Yêu cầu các Quốc gia đảm bảo nguồn quỹ phù hợp cho việc thiết lập khung hoạt động và nền tảng vững chắc cho sự phát triển tương lai của Diễn đàn thường trực về các vấn đề Bản địa nằm trong hệ thống Liên Hợp Quốc;

205. Kêu gọi các Quốc gia hợp tác với công việc của Báo cáo viên đặc biệt về tình hình nhân quyền và các quyền tự do cơ bản của dân tộc bản địa và yêu cầu Tổng Thư ký và Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc đảm bảo rằng Báo cáo viên đặc biệt được cung cấp nguồn nhân lực, kỹ thuật và tài chính cần thiết để hoàn thànhtrách nhiệm của mình;

206. Kêu gọi các Quốc gia kết thúc đàm phán về và phê chuẩn nhanh nhất có thể nội dung bản thảo Tuyên ngôn về Quyền của các dân tộc bản địa, mà nhóm công tác của Ủy ban Nhân quyền đang thảo luận, để chi tiết hóa bản thảo tuyên ngôn, phù hợp với Nghị quyết của Hội đồng số 1995/32 ngày 3/3/1995;

207. Kêu gọi các Quốc gia, trên cơ sở mối quan hệ giữa chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoài và kỳ thị liên quan với đói nghèo, cách ly và loại trừ xã hội của các dân tộc và các cá nhân ở cả cấp quốc gia và quốc tế, tăng cường các chính sách và biện pháp của mình nhằm giảm bớt bất bình đẳng trong thu nhập và của cải và tiến hành các biện pháp phù hợp, tự lực và thông qua hợp tác quốc tế, nhằm thúc đẩy và bảo vệ các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa trên cơ sở không phân biệt đối xử;

208. Kêu gọi các Quốc gia và các thể chế tài chính và phát triển quốc tế giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực của toàn cầu hóa thông qua, không kể những hình thức khác, kiểm tra cách thức mà các chính sách và hoạt động của họ tác động đến các nhóm dân số quốc gia nói chung và các dân tộc bản địa nói riêng; thông qua đảm bảo rằng các chính sách và hoạt động của họ góp phần xóa bỏ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc thông qua sự tham gia của các nhóm dân số quốc gia và, cụ thể là, các dân tộc bản địa, vào các dự án phát triển; thông qua dân chủ hóa hơn nữa các thể chế tài chính quốc tế; và thông qua tham vấn với các dân tộc bản địa về bất kỳ vấn đề nào có thể ảnh hưởng đến tính nguyên vẹn về thể chất, tinh thần và văn hóa của họ;

209. Đề nghị các thể chế tài chính và phát triển và các chương trình hành động cũng như các cơ quan chuyên trách của Liên Hợp Quốc, phù hợp với ngân sách thường xuyên và các quy trình của các cơ quan quản lý chúng:

a. Dành sự ưu tiên đặc biệt tới và phân bổ ngân sách hợp lý, trong phạm vi khả năng của mình, sự cải thiện địa vị cho các dân tộc bản địa, mà có chú ý đặc biệt đến nhu cầu của các nhóm dân số này tại các quốc gia đang phát triển, bao gồm việc chuẩn bị các chương trình cụ thể nhằm đạt được các mục tiêu của Thập niên Quốc tế của Dân tộc bản địa của Thế giới;

b. Thực hiện các dự án đặc biệt, thông qua các kênh thích hợp và hợp tác với các dân tộc bản địa, nhằm ủng hộ các sáng kiến của họ ở cộng đồng và hỗ trợ trao đổi thông tin cũng như phương pháp kỹ thuật giữa các dân tộc bản địa và các chuyên gia trong những lĩnh vực này;

Xã hội dân sự

210. Kêu gọi các Quốc gia tăng cường hợp tác, phát triển mối quan hệ hợp tác và thường xuyên tham vấn với các tổ chức phi chính phủ và các cơ quan khác của xã hội dân sự để học hỏi kinh nghiệm và chuyên môn của họ, từ đó đóng góp vào sự phát triển của luật pháp, chính sách và các chương trình chính phủ khác, cũng như lôi kéo các tổ chức này tham gia nhiều hơn vào việc cụ thể hóa và triển khai các chính sách và chương trình được thiết kế để chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan;

211. Kêu gọi lãnh đạo của các cộng đồng tôn giáo tiếp tục đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan thông qua, không kể những biện pháp khác, tăng cường và tài trợ các cuộc đối thoại và hợp tác để hòa giải, hàn gắn và mang lại sự hòa hợp trong các cộng đồng người, khuyến khích các cộng đồng tôn giáo tham gia xúc tiến phục hồi kinh tế và xã hội và khuyến khích các lãnh đạo tôn giáo đẩy mạnh hợp tác và tiếp xúc nhiều hơn nữa giữa các nhóm chủng tộc khác nhau;

212. Kêu gọi các Quốc gia thành lập và củng cố quan hệ hợp tác hiệu quả với và cung cấp hỗ trợ cho, theo cách thức phù hợp, tất cả các cơ quan phù hợp trong xã hội dân sự, bao gồm các tổ chức phi chính phủ hoạt động nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ, đặc biệt là những phụ nữ bị đa phân biệt, và xúc tiến cách tiếp cận kết hợp và toàn diện đối với việc xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ và các bé gái;

Các tổ chức phi chính phủ

213. Kêu gọi các Quốc gia cung cấp một môi trường mở và thuận lợi để khuyến khích các tổ chức phi chính phủ hoạt động tự do và cởi mở trong các cộng đồng dân cư của họ và qua đó đóng góp hiệu quả đối với việc xóa bỏ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan trên toàn thế giới, và để đẩy mạnh vai trò lớn hơn nữa của các tổ chức cơ sở;

214. Kêu gọi các Quốc gia tìm ra các biện pháp mở rộng vai trò của các tổ chức phi chính phủ trong xã hội thông qua, cụ thể là, làm sâu sắc thêm mối quan hệ đoàn kết giữa các công dân và tăng cường sự tin tưởng hơn nữa giữa các nhóm chủng tộc và các tầng lớp xã hội thông qua tăng cường sự tham gia rộng rãi hơn của công dân và hợp tác tự nguyện nhiều hơn;

Thành phần tư nhân

215. Kêu gọi các Quốc gia thực hiện các biện pháp, bao gồm, khi phù hợp, các biện pháp lập pháp, để đảm bảo rằng các tập đoàn xuyên Quốc gia và các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong phạm vi lãnh thổ của mình tuân thủ các quy tắc và thói quen không phân biệt chủng tộc và không phân biệt đối xử, và khuyến khích hơn nữa thành phần kinh doanh, bao gồm cả các tập đoàn xuyên quốc gia và các doanh nghiệp nước ngoài, phối hợp với công đoàn và các lĩnh vực liên quan khác của xã hội dân sự để xây dựng các nguyên tắc ứng xử tự nguyện cho tất cả doanh nghiệp, nhằm ngăn chặn, xác định và xóa bỏ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan;

Thanh niên

216. Kêu gọi các Quốc gia khuyến khích sự tham gia đầy đủ và tích cực, cũng như lôi kéo sự tham gia sâu sắc hơn, của thanh niên trong việc cụ thể hóa, lập kế hoạch và thực hiện các hoạt động chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan, và kêu gọi các Quốc gia, kết hợp với các tổ chức phi chính phủ và các ban ngành khác của xã hội, thúc đẩy các cuộc đối thoại quốc gia và quốc tế của thanh niên về chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan, thông qua Diễn đàn Thanh niên Thế giới của hệ thống Liên Hợp Quốc và qua việc sử dụng các công nghệ mới, các hình thức trao đổi và các phương thức khác;

217. Kêu gọi các Quốc gia khuyến khích và tạo điều kiện thành lập và duy trì các cơ chế thanh niên, được lập ra bởi các tổ chức thanh niên và chính những nam nữ thanh niên đó, trên tinh thần đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử về chủng tộc, tư tưởng bài ngoại và bất khoan dung liên quan, thông qua các hoạt động như: phổ biến và trao đổi thông tin và xây dựng mạng lưới phục vụ những mục đích này; tổ chức các chiến dịch nâng cao nhận thức và tham gia vào các chương trình giáo dục đa văn hóa; xây dựng các đề xuất và giải pháp, khi có thể và phù hợp; hợp tác và tham vấn thường xuyên với các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức khác trong xã hội dân sự trong việc phát triển các kế hoạch và chương trình thúc đẩy trao đổi và đối thoại liên văn hóa;

218. Kêu gọi các Quốc gia, cùng hợp tác với các tổ chức liên chính phủ, Ủy ban Olympic quốc tế và các liên đoàn thể thao khu vực và quốc tế, tăng cường đấu tranh chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc trong thể thao bằng cách, bên cạnh những biện pháp khác, giáo dục thanh thiếu niên trên thế giới thông qua thực hiện hoạt động thể thao không phân biệt đối xử dưới bất kỳ hình thức nào và theo tinh thần Olympic, điều này đòi hỏi sự hiểu biết của con người, lòng bao dung, chơi công bằng và tình đoàn kết;

219. Nhận thấy rằng sự thành công của Chương trình Hành động này sẽ đòi hỏi ý chí chính trị và nguồn quỹ phù hợp ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, cùng với hợp tác quốc tế.

Các chú ý

1. Vì mục đích của Tuyên bố và Chương trình hành động này mà Hội nghị hiểu rằng thuật ngữ "giới" dùng để chỉ hai giới, nam và nữ, trong bối cảnh xã hội. Thuật ngữ "giới" không nói đến bất kỳ ý nghĩa nào khác với ý nghĩa trên.

2. Cần tham khảo Chương VII của Báo cáo của Hội nghị, trong đó liệt kê tất cả các bảo lưu cũng như các phát biểu liên quan đến Tuyên bố và Chương trình hành động này.

 

Drupal theme by Adaptivethemes - Design by Kodamera