- Trang chủ-Home
- Luật QT-International Law
- Điều ước - Treaties
- Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế (UDHR)
- Các công ước chính về nhân quyền - Basic Treaties on HR
- Các ngành luật khác - other law branches
- Điều ước Việt Nam tham gia - Treaties participated by Vietnam
- Bình luận / Khuyến nghị chung - General Comments/Recommendations
- Báo cáo - Reports
- Cơ chế & Thủ tục - Mechanism & Procedure
- Án lệ - Case law
- Điều ước - Treaties
- PL Việt Nam-Vietnam Law
- NC&GD-HR Researchs
- E-Learning
- Đào tạo-Education
- Đào tạo thạc sĩ - Master Degree
- Liên hệ-Contact
CÔNG ƯỚC VỀ KHÔNG ÁP DỤNG THỜI HIỆU TỐ TỤNG VỚI TỘI ÁC CHIẾN TRANH VÀ TỘI ÁC CHỐNG NHÂN LOẠI, 1968
Đăng bởi honeyquyen lúc T7, 08/27/2011 - 10:35
Tên ngắn
CÔNG ƯỚC 02
Tên tiếng Anh
Ngày thông qua
26/11/1968
Văn bản tiếng Việt
Lời nói đầu
Các Quốc gia thành viên Công ước,
Nhắc lại Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc số 3(I) ngày 13/2/1946 và Nghị quyết số 170(II) ngày 31/12/1947 về dẫn độ và trừng trị những kẻ phạm tội ác chiến tranh, Nghị quyết số 95(I) ngày 11/12/1946 khẳng định những nguyên tắc của pháp luật quốc tế được thừa nhận trong Hiến chương Toà án Quân sự quốc tế Nu-rem-be và phán quyết của Toà án này, các Nghị quyết số 2184(XXI) ngày 12/12/1966 và Nghị quyết số 2002(XXI) ngày 16/12/1966 lên án mọi hành vi vi phạm các quyền kinh tế, chính trị của người bản địa và chính sách của chế độ a-pác-thai như là tội ác chống nhân loại.
Cũng nhắc lại Nghị quyết số 1074D (XXXIX) ngày 28/7/1965 và Nghị quyết số 1158 (XLI) ngày 5/8/1966, của Hội đồng Kinh tế và Xã hội của Liên hợp quốc về việc trừng trị những kẻ phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại;
Lưu ý rằng, không một tuyên bố chính thức, văn kiện hay công ước nào liên quan tới việc truy tố và trừng trị những kẻ phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại quy định về việc áp dụng thời hiệu;
Xết rằng, các tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại đều nằm trong số những tội ác nghiêm trọng nhất theo luật quốc tế.
Tin tưởng rằng, việc trừng trị hiệu quả các tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại là yếu tố quan trọng trong việc ngăn ngừa những loại tội phạm này, bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của con người, khuyến khích sự tin cậy và đẩy mạnh sự hợp tác giữa các dân tộc, thúc đẩy hoà bình và an ninh quốc tế;
Lưu ý rằng, việc áp dụng những quy định về thời hiệu tố tụng với những tội phạm thông thường trong pháp luật quốc gia cho các tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại là một vấn đề gây lo ngại trong dư luận quốc tế, vì điều này cản trở việc truy tố và trừng trị những kẻ chịu trách nhiệm về những tội ác đó;
Thừa nhận rằng, cần thiết và đã đến lúc khẳng định trong luật pháp quốc tế, thông qua Công ước này, nguyên tắc không áp dụng thời hiệu tố tụng đối với tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại và bảo đảm việc áp dụng toàn cầu nguyên tắc này.
Đã thoả thuận như sau:
Điều 1.
Không áp dụng thời hiệu tố tụng đối với những tội ác sau đây, cho dù tội ác đó được thực hiện vào bất kỳ thời điểm nào:
a) Các tội ác chiến tranh như đã được định nghĩa trong Hiến chương của Toà án quân sự quốc tế Nu-rem-be ngày 8/8/1945, và được khẳng định trong Nghị quyết số 3(I) ngày 13/2/1946 và Nghị quyết số 95(I) ngày 11/12/1946 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, đặc biệt là “những vi phạm nghiêm trọng” đã được nêu trong các Công ước Giơ-ne-vơ ngày 12/8/1949 về bảo hộ nạn nhân chiến tranh.
b) Các tội ác chống nhân loại, dù được thực hiện trong thời chiến hay thời bình, như đã được định nghĩa trong Hiến chương của Toà án quân sự quốc tế Nu-rem-be ngày 8/8/1945 và được khẳng định trong Nghị quyết số 3(I) ngày 13/2/1946 và Nghị quyết số 95(I) ngày 11/12/1946 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, hành vi xua đuổi dân thường khỏi nơi sinh sống của họ bằng tấn công quân sự hay bằng chiếm đóng, những hành vi vô nhân đạo xuất phát từ chính sách a-pác-thai và tội diệt chủng, như đã được định nghĩa trong Công ước về ngăn ngừa và trừng trị tội diệt chủng năm 1948, cho dù những hành vi đó không cấu thành hành vi phạm tội theo quy định pháp luật của quốc gia nơi những hành vi đó được thực hiện.
Điều 2.
Nếu một trong những tội ác quy định tại điều 1 trên đây được thực hiện, thì các quy định trong Công ước này sẽ được áp dụng với đại diện của cơ quan có thẩm quyền của quốc gia và các cá nhân vi phạm, với tư cách là thủ phạm chính hoặc là đồng phạm, hay trực tiếp kích động người khác phạm tội, hoặc đã âm mưu phạm tội mà không kể mức độ hoàn thành, cũng như đối với đại diện của cơ quan có thẩm quyền của quốc gia đã dung túng cho hành vi phạm tội đó.
Điều 3.
Các Quốc gia thành viên Công ước cam kết áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong nước, về lập pháp hay các biện pháp khác, để dẫn độ những đối tượng nêu tại điều 2 Công ước này, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Điều 4.
Các Quốc gia thành viên Công ước cam kết áp dụng mọi biện pháp lập pháp hay những biện pháp cần thiết khác phù hợp với pháp luật nước mình để bảo đảm không áp dụng thời hiệu đối với việc truy tố, xét xử và trừng trị các tội ác nêu tại điều 1 và điều 2 Công ước này, và xóa bỏ quy định về những thời hiệu t ố tụng đó nếu chúng đang tồn tại.
Điều 5.
Công ước này sẽ để ngỏ đến ngày 31/12/1969 cho bất kỳ Quốc gia thành viên nào cuả Liên hợp quốc hoặc Quốc gia thành viên của bất kỳ tổ chức chuyên môn nào của Liên hợp quốc hoặc của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế, hoặc Quốc gia thành viên Quy chế Toà án Công lý quốc tế, cũng như các quốc gia được Đại hội đồng Liên hợp quốc mời tham gia Công ước này, ký kết.
Điều 6.
Công ước này đòi hỏi phải phê chuẩn. Các văn kiện phê chuẩn sẽ được nộp lưu chiểu cho Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc.
Điều 7.
Công ước này sẽ để ngỏ cho tất cả các quốc gia nêu tại điều 5 gia nhập. Các văn kiện gia nhập sẽ được nộp lưu chiểu cho Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc.
Điều 8.
1. Công ước này sẽ có hiệu lực vào ngày thứ 90 sau ngày văn kiện phê chuẩn hoặc gia nhập thứ 10 được nộp lưu chiểu cho Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc.
2. Đối với quốc gia phê chuẩn hoặc gia nhập Công ước này sau khi văn kiện phê chuẩn hoặc gia nhập thứ 10 được nộp lưu chiểu, thì Công ước này sẽ có hiệu lực vào ngày thứ 90 kể từ ngày nộp lưu chiểu văn kiện phê chuẩn hoặc gia nhập của quốc gia đó.
Điều 9.
1. Sau khi hết hạn 10 năm kể từ ngày Công ước này có hiệu lực, bất kỳ bên ký kết nào cũng có thể đề nghị xem xét lại Công ước vào bất kỳ lúc nào bằng cách gửi thông báo bằng văn bản cho Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc.
2. Đại hội đồng Liên hợp quốc sẽ quyết định các bước phải tiến hành, nếu có, trong trường hợp có đề nghị như trên.
Điều 10.
1. Công ước này sẽ được Tổng Thư ký Liên hợp quốc lưu chiểu.
2. Tổng Thư ký Liên hợp quốc sẽ chuyển các bản sao có chứng thực của Công ước này tới tất cả các quốc gia nêu tại điều 5.
3. Tổng Thư ký Liên hợp quốc sẽ thông báo cho tất cả quốc gia nêu ở điều 5 về những sự kiện sau:
a) Việc ký Công ước này, và các văn kiện phê chuẩn và gia nhập được nộp lưu chiểu theo quy định tại các điều 5, 6, 7.
b) Ngày có hiệu lực của Công ước này theo quy định tại điều 8.
c) Các thông báo nhận được theo quy định tại điều 9.
Điều 11.
Công ước này được làm bằng tiếng Trung, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga và tiếng Tây Ban Nha, các văn bản đều có giá trị như nhau, được làm ngày 26/11/1968.
Để làm bằng, những người có tên sau đây, được ủy quyền đầy đủ, đã ký Công ước này.