- Trang chủ-Home
- Luật QT-International Law
- Điều ước - Treaties
- Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế (UDHR)
- Các công ước chính về nhân quyền - Basic Treaties on HR
- Các ngành luật khác - other law branches
- Điều ước Việt Nam tham gia - Treaties participated by Vietnam
- Bình luận / Khuyến nghị chung - General Comments/Recommendations
- Báo cáo - Reports
- Cơ chế & Thủ tục - Mechanism & Procedure
- Án lệ - Case law
- Điều ước - Treaties
- PL Việt Nam-Vietnam Law
- NC&GD-HR Researchs
- E-Learning
- Đào tạo-Education
- Đào tạo thạc sĩ - Master Degree
- Liên hệ-Contact
QUY CHẾ CỦA TÒA ÁN QUỐC TẾ VỀ RUANĐA 1994
Đăng bởi honeyquyen lúc T7, 08/27/2011 - 17:40
Tên ngắn
QUY CHẾ 3
Tên tiếng Anh
Ngày thông qua
01/01/1994
Văn bản tiếng Việt
QUY CHẾ CỦA TOÀ ÁN QUỐC TẾ VỀ RUANĐA, 1994
Được thành lập bởi Hội đồng Bảo an, chiểu theo Chương VII của Hiến chương Liên hợp quốc, Tòa án Hình sự Quốc tế chịu trách nhiệm xét xử những người bị truy tố về tội diệt chủng và các vi phạm nghiêm trọng Luật Nhân đạo Quốc tế thực hiện trên lãnh thổ Ruanđa và những công dân Ruanđa bị truy tố về tội diệt chủng và các vi phạm đó thực hiện trên lãnh thổ của các Quốc gia láng giềng, trong thời gian từ ngày 1 tháng 1 năm 1994 đến ngày 31 tháng 12 năm 1994 (sau đây gọi là Tòa án Quốc tế về Ruanđa) sẽ hoạt động phù hợp với các quy định của bản Quy chế này.
Điều 1. Thẩm quyền của Tòa án Quốc tế về Ruanđa
Tòa án Quốc tế về Ruanđa có thẩm quyền xét xử mọi cá nhân bị truy tố vì những hành vi vi phạm nghiêm trọng Luật Nhân đạo Quốc tế thực hiện trên lãnh thổ của Ruanđa và xét xử mọi công dân Ruanđa bị truy tố vì những hành vi vi phạm như vậy thực hiện trên lãnh thổ của các nước láng giềng, từ ngày 1 tháng Giêng năm 1994 đến 3 1 tháng 12 năm 1994 , theo quy định của Quy chế này .
Điều 2. Tội diệt chủng
1. Tòa án Quốc tế về Ruanđa có quyền xét xử mọi cá nhân phạm tội diệt chủng theo định nghĩa tại Khoản 2 Điều này hoặc thực hiện một trong những hành vi quy định tại khoản 3 Điều này.
2. Phạm tội diệt chủng có nghĩa là thực hiện một trong những hành vi dưới đây nhằm mục đích tiêu diệt một phần hoặc toàn bộ một nhóm người thuộc một dân tộc, một sắc tộc, một chủng tộc hoặc tôn giáo:
a) Giết hại các thành viên của nhóm;
b) Gây tổn hại nghiêm trọng về tinh thần hoặc thể xác cho những thành viên của nhóm;
c) Cưỡng bức nhóm chịu đựng những điều kiện sống dẫn đến hủy hoại một phần hoặc toàn bộ sức khỏe của họ;
d) Chủ ý áp dụng những biện pháp nhằm hạn chế sinh đẻ trong nhóm; e) Cưỡng chế đưa trẻ em từ nhóm người này sang nhóm người khác.
3. Những hành vi sau đây sẽ bị trừng phạt:
a) Diệt chủng;
b) Thỏa thuận nhằm thực hiện hành vi diệt chủng;
c) Trực tiếp và công khai kích động người khác phạm tội diệt chủng; di âm mưu phạm tội diệt chủng;
e) Đồng lõa với người phạm tội diệt chủng.
Điều 3. Tội ác chống nhân loại
Tòa án Quốc tế về Ruanđa có quyền xét xử mọi cá nhân bị truy tố về những tội ác sau đây, nếu như những tội ác này được thực hiện trong khuôn khổ một cuộc tấn công quy mô và triệt để nhằm vào bất cứ cộng đồng dân cư nào vì các lý do dân tộc, sắc tộc, chủng tộc, chính trị hoặc tôn giáo:
(a) Giết;
(b) Hủy diệt;
(c) Bắt làm nô lệ;
(d) Trục xuất;
(e) Bỏ tù;
(f) Tra tấn;
(g) Hãm hiếp;
(h) Bức hại vì các lý do chính trị, chủng tộc và tôn giáo;
(i) Các hành động phi nhân tính khác.
Điều 4. Các hành vi vi phạm Điều 3 chung của các Công ước Giơnevơ và Nghị định thư bổ sung II
Tòa án Quốc tế về Ruanđa có quyền truy tố mọi cá nhân đã thực hiện hoặc ra lệnh thực hiện những hành vi vi phạm nghiêm trọng Điều 3 chung của bốn Công ước Giơnevơ ngày 12 tháng 8 năm 1949 về Bảo vệ nạn nhân chiến tranh và Nghị định thư bổ sung II ngày 8 tháng 6 năm 1977. Những hành vi vi phạm này chủ yếu bao gồm:
(a) Xâm hại sự sống, sức khỏe và sự lành mạnh về thể chất hoặc tinh thần của con người, đặc biệt là các hành vi giết người, đối xử tàn ác như tra tấn, gây thương tật hoặc bất cứ hình thức trừng phạt nào về thể xác;
(b) Trừng phạt tập thể;
(c) Bắt giữ con tin;
(d) Các hành động khủng bố;
(e) Xâm phạm nhân phẩm, đặc biệt dưới hình thức đối xử xỉ nhục và hạ thấp nhân phẩm, hãm hiếp, cường bức làm mại dâm và bất cứ hình thức xâm hại tình dục khác;
(f) Cướp bóc;
(g) Quyết định và thi hành hình phạt mà không thông qua sự xét xử của một tòa án được thành lập hợp pháp với những đảm bảo về mặt tư pháp được các dân tộc văn minh thừa nhận là vô cùng cần thiết;
(h) Đe dọa thực hiện bất cứ hành vi nào trên đây.
Điều 5. Đối tượng thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án Quốc tế về Ruanđa
Tòa án Quốc tế về Ruanđa có thẩm quyền tài phán đối với mọi thể nhân theo quy định của Quy chế này.
Điều 6. Trách nhiệm hình sự cá nhân
1. Bất kỳ người nào đặt kế hoạch, xúi dục, ra lệnh, thực hiện hay tiếp tay trong việc lập kế hoạch, chuẩn bị hoặc thực hiện một trong những hành vi quy định tại các Điều 2, 3, 4 Quy chế này, sẽ phải chịu trách nhiệm cá nhân đối với những tội ác đó.
2. Tư cách nhân viên công quyền của bị cáo, cho dù là người đứng đầu nhà nước, đứng đầu chính phủ hay quan chức cao cấp, sẽ không thể là lý do để miễn trừ trách nhiệm hình sự hoặc giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
3. Trong trường hợp hành vi quy định tại các Điều 2, 3, 4 Quy chế này là do một nhân viên cấp dưới thực hiện thì cấp trên của người đó vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự nếu người cấp trên này biết hoặc phải biết rằng nhân viên cấp dưới chuẩn bị hoặc đã thực hiện hành vi vi phạm nhưng không áp dụng những biện pháp phù hợp và cần thiết để ngăn chặn hành vi hoặc trừng phạt thủ phạm. 4. Người thực hiện hành vi vi phạm theo lệnh của Chính phủ hay của cấp trên vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự, song có thể được xem xét giảm nhẹ hình phạt nếu Tòa án Quốc tế về Ruanđa cho rằng việc giảm nhẹ hình phạt là phù hợp với pháp luật.
Điều 7. Thẩm quyền tài phát theo lãnh thổ và theo thời gian
Tòa án Quốc tế về Ruanđa có thẩm quyền tài phán trên lãnh thổ của Ruanđa, bao gồm cả đất liền và vùng trời, cũng như trên lãnh thổ của các Quốc gia láng giềng mà tại đó công dân Ruanđa thực hiện hành vi vi phạm nghiêm trọng Luật Nhân đạo Quốc tế. Về mặt thời gian, Tòa án Quốc tế về Ruanđa có thẩm quyền từ ngày 1 tháng 1 năm 1994 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 1994.
Điều 8. Quan hệ về mặt thẩm quyền giữa Tòa án Quốc tế về Ruanđa với các Tòa án Quốc gia
1. Tòa án Quốc tế về Ruanđa và các Tòa án Quốc gia đều có thẩm quyền xét xử những người có hành vi vi phạm nghiêm trọng Luật Nhân đạo Quốc tế trên lãnh thổ của Ruanđa và những công dân Ruanđa có hành vi vi phạm như vậy trên lãnh thổ của các Quốc gia láng giềng từ ngày 1 tháng 1 năm 1994 đến ngày 31 tháng 12 năm 1994.
2. Tòa án Quốc tế về Ruanđa có thẩm quyền cao hơn các Tòa án Quốc gia.
Trong bất kỳ khâu nào của quá trình tố tụng, Tòa án Quốc tế về Ruanđa đều có thể yêu cầu các Tòa án Quốc gia chuyển giao vụ việc cho mình theo quy định tại Quy chế này và theo Nội quy riêng của Tòa án quốc tế về Ruanđa.
Điều 9. Nguyên tắc xét xử một lần
1. Người đã bị Tòa án Quốc tế về Ruanđa xét xử vì những hành vi vi phạm nghiêm trọng Luật Nhân đạo Quốc tế thì sẽ không bị xét xử lại trước một Tòa án Quốc gia vì cùng những hành vi đó.
2. Người đã bị xét xử trước một Tòa án Quốc gia về những hành vi vi phạm nghiêm trọng Luật Nhân đạo Quốc tế thì chỉ có thể bị xét xử lại trước Tòa án Quốc tế về Ruanđa trong những trường hợp sau:
a) Hành vi làm căn cứ để truy tố bị cáo chỉ được xác định là một tội phạm thông thường; hoặc
bị Tòa án Quốc gia đã không vô tư và độc lập trong quá trình xét xử quá trình tố tụng được tiến hành thực chất chỉ nhằm mục đích né tránh trách nhiệm Hình sự Quốc tế cho người phạm tội, hoặc việc truy tố đã không được tiến hành cẩn thận.
3. Khi xem xét quyết định hình phạt đối với một người bị kết tội vì đã thực hiện một hành vi quy định tại Quy chế này, Tòa án Quốc tế về Ruanđa sẽ tính đến hình phạt cho cùng hành vi mà trước đó Tòa án Quốc gia đã áp dụng đối với người đó.
Điều 10 Cơ cấu tổ chức của Tòa án Quốc tế về Ruanđa
Tòa án Quốc tế về Ruanđa sẽ bao gồm các cơ quan sau đây:
a) Các Tòa, bao gồm hai Tòa sơ thẩm và một Tòa phúc thẩm;
b) Công tố viên, và
c) Phòng lục sự.
Điều 11. Thành phần của các Tòa trực thuộc (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 1411 ngày 17 tháng 5 năm 2002 của Hội đồng Bảo an)
1. Các Tòa gồm 16 thẩm phán độc lập, là công dân của các quốc gia khác nhau. trong đó:
a) Mỗi Tòa sơ thẩm bao gồm 3 thẩm phán;
b) Tòa phúc thẩm gồm 7 thẩm phán. Mỗi lần xét xử phúc thẩm, Tòa phúc thẩm thành lập hội đồng xét xử bao gồm 5 thành viên.
2. Một người khi trở thành thành viên của các Tòa trong Tòa án Quốc tế về Ruanđa nếu mang quốc tịch của nhiều nước thì sẽ được coi là công dân của nước nơi người ấy vẫn thường thực hiện các quyền dân sự và chính trị của mình.
Điều 12. Điều kiện và thủ tục bầu cử thẩm phán
1. Thẩm phán phải là những người có phẩm chất đạo đức tết, công minh và vô tư đồng thời hội đủ những tiêu chuẩn mà tại quốc gia của họ đòi hỏi phải có khi muốn được bầu vào các cơ quan tư pháp cao nhất. Cơ cấu chung của các Tòa phải đảm bảo bao gồm một số thẩm phán giàu kinh nghiệm trong các lĩnh vực pháp luật hình sự và pháp luật quốc tế, đặc biệt là Luật Nhân đạo Quốc tế và luật quốc tế về quyền con người.
2. Các thành viên Tòa phúc thẩm trong Tòa án Quốc tế phụ trách xét xử những người thực hiện hành vi vi phạm nghiêm trọng Luật Nhân đạo Quốc tế trên lãnh thổ Nam Tư cũ từ năm 1991 (sau đây gọi là Tòa án Quốc tế về Nam Tư cũ) cũng sẽ được chọn làm thành viên Tòa phúc thẩm Tòa án Quốc tế về Ruanđa.
3. Thẩm phán của các Tòa sơ thẩm trong Tòa án Quốc tế về Ruanđa sẽ do Đại hội đồng bầu ra từ danh sách ứng cử viên do Hội đồng Bảo an đệ trình, theo cách thức sau đây:
a) Tổng Thư ký yêu cầu các Quốc gia thành viên Liên hợp quốc và các quốc gia có phái đoàn quan sát viên thường trực tại Liên hợp quốc giới thiệu ứng cử viên.
b) Trong thời hạn ba mươi ngày kể từ ngày có yêu cầu của Tổng Thư ký, mỗi Quốc gia có thể giới thiệu nhiều nhất hai ứng cử viên đáp ứng các tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 trên đây, với điều kiện không được mang cùng quốc tịch, đồng thời không trùng quốc tịch với bất cứ thẩm phán nào của Tòa phúc thẩm;
c) Tổng Thư ký chuyển danh sách những người được giới thiệu cho Hội đồng Bảo an. Dựa vào danh sách này, Hội đồng Bảo an lựa chọn ít nhất 12 người và nhiều nhất 18 người để lập danh sách ứng cử viên chính thức, trên cơ sở đảm bảo sự đại diện thỏa đáng của các hệ thống pháp luật chủ yếu trên thế giới tại Tòa án Quốc tế về Ruanđa;
d) Chủ tịch Hội đồng Bảo an đệ trình danh sách ứng cử viên chính thức cho Chủ tịch Đại hội đồng. Từ danh sách đó, Đại hội đồng sẽ bầu 6 thẩm phán vào các Tòa sơ thẩm. ứng cử viên nào nhận được đa số tuyệt đối phiếu bầu của các Quốc gia thành viên Liên hợp quốc và của các Quốc gia không phải thành viên nhưng có phái đoàn quan sát viên thường trực tại Liên hợp quốc sẽ được tuyên bố đắc cử. Nếu hai ứng viên có cùng quốc tịch giành được đa số phiếu yêu cầu thì người được số phiếu bầu nhiều hơn sẽ được coi là đắc cử.
Trong trường hợp có một vị trí trống tại các Tòa sơ thẩm, sau khi tham khảo ý kiến với các Chủ tịch của Hội đồng Bảo an và Đại hội đồng, Tổng Thư ký sẽ bổ nhiệm một người đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 trên đây. Người được bổ nhiệm sẽ tiếp tục làm hết nhiệm kỳ còn lại của người tiền nhiệm.
5. Nhiệm kỳ của thẩm phán Tòa sơ thẩm là bốn năm. Điều kiện làm việc tương tự như các thẩm phán của Tòa án Quốc tế về Nam Tư cũ. Họ sẽ có khả năng được bầu lại.
Điều 13. Thành lập Văn phòng và các Tòa
1. Các thẩm phán của Tòa án Quốc tế về Ruanđa bầu ra một Chánh án.
2. Sau khi tham khảo ý kiến các thẩm phán của Tòa án Quốc tế về Ruanđa, Chánh án phân công thẩm phán vào từng Tòa sơ thẩm. Mọi thẩm phán sẽ chỉ làm việc tại Tòa mà người đó đã được phân công.
3. Các thẩm phán của mỗi Tòa sơ thẩm bầu ra một Chánh tòa để điều hành tất cả các hoạt động Tòa sơ thẩm.
Điều 14. Quy chế tố tụng trước Tòa án Quốc tế về Ruanđa
Để đảm bảo thực hiện trình tự tố tụng trước Tòa án Quốc tế về Ruanđa, các thẩm phán sẽ cùng thông qua, và bổ sung thêm nếu xét thấy cần thiết, Quy chế tố tụng của Tòa án Quốc tế về Nam Tư cũ, trong đó quy định rõ trình tự khởi tố, truy tố xét xử trước Tòa sơ thẩm và thủ tục kháng nghị, kháng cáo, điều kiện tiếp nhận chứng cứ, cơ chế bảo vệ nạn nhân và nhân chứng cũng như những vấn đề khác có liên quan.
Điều 15. Công tố viên
1. Công tố viên chịu trách nhiệm điều tra hồ sơ và thực hiện quyền truy tố mọi cá nhân bị tình nghi thực hiện những hành vi vi phạm nghiêm trọng Luật Nhân đạo Quốc tế trên lãnh thổ của Ruanđa và mọi công dân Ruanđa bị tình nghi thực hiện những hành vi vi phạm tương tự như vậy trên lãnh thổ của các quốc gia láng giềng, từ ngày mồng 1 tháng 1 năm 1994 đến ngày 31 tháng 12 năm 1994.
2. Công tố viên là một bộ phận riêng biệt nằm trong cơ cấu của Tòa án Quốc tế về Ruanđa. Công tố viên hoàn toàn độc lập, không xin hoặc nhận chỉ thị từ bất cứ Chính phủ hoặc từ bất cứ nguồn nào khác.
3. Công tố viên của Tòa án Quốc tế về Nam tư cũ cũng đồng thời là Công tố viên của Tòa án Quốc tế về Ruanđa. Công tố viên khi làm việc tại Tòa án Quốc tế về Ruanđa sẽ có bộ máy giúp việc, trong đó có một trợ lý công tố. Đội ngũ giúp việc Công tố viên do Tổng Thư ký bổ nhiệm theo đề nghị của Công tố viên.
Điều 16. Phòng Lục sự
1. Phòng Lục sự chịu trách nhiệm về các công việc hành chính và sự vụ của Tòa án Quốc tế về Ruanđa.
2. Phòng Lục sự bao gồm một lục sự và một số viên chức cần thiết khác.
3. Lục sự do Tổng Thư ký chỉ định sau khi tham khảo ý kiến của Chánh án Tòa án Quốc tế về Ruanđa. Nhiệm kỳ của Lục sự là 4 năm và có thể được làm nhiều nhiệm kỳ. Điều kiện làm việc của Lục sự tương tự như điều kiện làm việc của một trợ lý Tổng Thư ký Liên hợp quốc.
4. Đội ngũ viên chức của Phòng Lục sự do Tổng Thư ký bổ nhiệm theo đề nghị của Lục sự.
Điều 17. Công việc điều tra và chuẩn bị bản cáo trạng
1. Công tố viên có thể chủ động tìm hiểu thông tin hoặc thu thập thông tin từ bất cứ nguồn nào, đặc biệt từ các Chính phủ, các cơ quan của Liên hợp quốc, các tổ chức liên chính phủ và phi chính phủ. Công tố viên phân tích, đánh giá các thông tin có được và quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án.
2. Công tố viên có quyền thẩm vấn mọi nghi can, nạn nhân và người làm chứng, thu thập chứng cứ và tiến hành điều tra tại chỗ. Để tiến hành các nhiệm vụ này, nếu cần, Công tố viên có thể yêu cầu sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước của Quốc gia có liên quan.
3. Mọi bị can khi bị thẩm vấn đều có quyền yêu cầu sự giúp đỡ của một luật sư do mình tự chọn. Trong trường hợp không có khả năng tài chính, bị can có thể được hưởng trợ giúp pháp lý. Bị can cũng có quyền có phiên dịch.
4. Trên cơ sở suy đoán của mình, nếu thấy có đủ căn cứ để truy tố bị can thì Công tố viên lập bản cáo trạng. Bản cáo trạng phải nêu rõ các tình tiết của vụ việc, tội hoặc các tội phạm cần truy tố theo quy định của Quy chế này. Bản cáo trạng được chuyển cho một thẩm phán Tòa sơ thẩm.
Điều 18. Nghiên cứu bản cáo trạng
1. Thẩm phán Tòa sơ thẩm đã nhận bản cáo trạng có trách nhiệm xem xét bản cáo trạng. Nếu thấy rằng những suy đoán của Công tố viên là có căn cứ thì thẩm phán tiếp nhận bản cáo trạng. Nếu không đồng ý với nhận định của Công tố viên trưởng thì thẩm phán bác bỏ bản cáo trạng.
2.Trong trường hợp bản cáo trạng được tiếp nhận thì theo đề nghị của Công tố viên, Thẩm phán có thể ra lệnh truy nã, quyết định áp dụng các biện pháp bắt giữ, tạm giam, chuyển giao hoặc di lý bị can, và bất cứ biện pháp nào khác cần thiết cho việc xét xử.
Điều 19. Thủ tục bắt đầu và tiến hành phiên tòa
1. Tòa sơ thẩm phải đảm bảo xét xử công bằng và nhanh chóng, đúng thủ tục và tôn trọng các nguyên tắc chứng cứ, tôn trọng đầy đủ các quyền của bị cáo, bảo vệ các nạn nhân và người làm chứng.
2. Bị can sau khi bị bắt giữ theo quyết định hoặc lệnh truy nã của Tòa án Quốc tế về Ruanđa phải được thông báo ngay lập tức về những lời buộc tội chống lại mình và phải được chuyển tới Tòa án Quốc tế về Ruanđâ'.
3. Tòa sơ thẩm cho đọc bản cáo trạng, đảm bảo rằng các quyền của bị cáo được tôn trọng đầy đủ, đảm bảo rằng bị cáo đã hiểu nội dung bản cáo trạng và hướng dẫn bị cáo biết để bào chữa. Tòa sơ thẩm sau đó sẽ định ngày mở phiên tòa. 4. Phiên tòa xét xử được tiến hành công khai trừ khi Tòa sơ thẩm quyết định xử kín vụ việc theo những quy tắc tố tụng và chứng cứ của mình.
Điều 20. Các quyền của bị can, bị cáo
1. Tất cả mọi người đều bình đẳng trước Tòa án Quốc tế về Ruanđa.
2. Khi bị buộc tội, bị can, bị cáo có quyền được bào chữa một cách bình đẳng và công khai, trên cơ sở không trái với quy định tại Điều 21 Quy chế này.
3. Bị can, bị cáo sẽ được suy đoán là vô tội cho đến khi bị chứng minh là phạm pháp theo các điều khoản của Quy chế này.
4. Mọi bị can, bị cáo đều có quyền được hưởng những sự bảo đảm tối thiểu sau đây:
a) Được thông báo nhanh chóng và chi tiết bằng ngôn ngữ bị can, bị cáo hiểu được về tính chất và các căn cứ buộc tội;
b) Có thời gian thỏa đáng và các điều kiện thuận lợi để chuẩn bị bào chữa và liên lạc với luật sư do mình tự chọn;
c) Không bị trì hoãn xét xử quá lâu;
d) Được tham gia phiên tòa, được tự bảo vệ hoặc được luật sư bào chữa; nếu bị cáo không tự chỉ định luật sư thì phải được thông báo quyền có luật sư này, nếu không có điều kiện kinh tế thì được bào chữa miễn phí một khi việc này là cần thiết;
e) Được đặt câu hỏi hoặc yêu cầu đặt câu hỏi cho người làm c(hứng chống lại mình, được yêu cầu triệu tập các nhân chứng bảo vệ mình với các điều kiện tương tự như các nhân chứng chống lại mình;
f) Có sự giúp đỡ miễn phí của một phiên dịch viên nếu không thể hiểu hoặc nói được ngôn ngữ được sử dụng tại Tòa án Quốc tế về Ruanđa;
g) Không bị buộc phải nhận tội chống lại chính mình hoặc thú nhận phạm tội
Điều 21. Việc bảo vệ các nạn nhân và nhân chứng
Tòa án Quốc tế về Ruanđa sẽ quy định những quy tắc tố tụng và chứng cứ để bảo vệ các nạn nhân và các nhân chứng. Những biện pháp bảo vệ như vậy sẽ chủ yếu bao gồm việc tiến hành xét xử kín và giữ bí mật danh tính của nạn nhân.
Điều 22. Bản án
1. Tòa sơ thẩm tuyên bản án quyết định các hình phạt và chế tài khác đối với mọi cá nhân bị kết tội vi phạm nghiêm trọng Luật Nhân đạo Quốc tế.
2. Bản án phải được đa số thẩm phán của Tòa sơ thẩm biểu quyết tán thành và phải được tuyên công khai. Bản án được lập thành văn bản, trong đó nêu rõ căn cứ kết tội và có thể ghi thêm các ý kiến riêng rẽ hoặc bất đồng.
Điều 23. Các hình phạt
1. Về hình phạt, Tòa sơ thẩm chỉ có quyền tuyên hình phạt tù. Khi quyết định điều kiện phạt tù, Tòa sơ thẩm có thể xem xét các mức án tù mà các tòa án của Ruanđa thường áp dụng.
2. Khi quyết định hình phạt, Tòa sơ thẩm phải tính đến tính nghiêm trọng của hành vi phạm tội và nhân thân người phạm tội.
3. Ngoài hình phạt tù, Tòa sơ thẩm có thể ra lệnh buộc trả lại bất cứ tài sản và tiền bị chiếm đoạt bởi hành vi phạm tội, bao gồm cả những biện pháp cưỡng bức trả lại cho những người chủ sở hữu hợp pháp của tiền và tài sản đó.
Điều 24. Thủ tục kháng cáo
1. Người bị kết án hoặc Công tố viên có quyền kháng cáo, kháng nghị bản án của Tòa sơ thẩm lên Tòa phúc thẩm, khi có những căn cứ sau đây:
(a) Có sai sót về áp dụng pháp luật trong quá trình xét xử sơ thẩm; hoặc
(b) Có sai sót về tình tiết vụ việc, dẫn đến xét xử oan sai.
2. Tòa phúc thẩm có thể giữ nguyên, huỷ hoặc xét lại các bản án sơ thẩm.
Điều 25. Xét xử tái thẩm
Nếu phát hiện có những tình tiết mới quan trọng mà khi xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm chưa được biết tới thì người bị kết án hoặc Công tố viên có quyền yêu cầu Tòa án Quốc tế về Ruanđa xét lại bản án theo thủ tục tái thẩm.
Điều 26. Thi hành án
Các hình phạt tù được thi hành ở Ruanđa hoặc ở bất cứ Quốc gia nào được Tòa án Quốc tế về Ruanđa chọn ra từ một danh sách các nước bày tỏ trước Hội đồng Bảo an sẵn lòng tiếp nhận người bị kết án. Việc thi hành hình phạt tù được thực hiện theo quy định pháp luật của nước liên quan, dưới sự giám sát của Tòa án Quốc tế về Ruanđa.
Điều 27. Ân xá và giảm hình phạt
Tùy theo luật tương ứng của quốc gia ở đó người bị kết án phải thi hành án, nếu người đó có đủ điều kiện để được hưởng ân xá hoặc giảm hình phạt, thì Quốc gia liên quan sẽ thông báo Điều này với Tòa án Quốc tế về Ruanđa. Sẽ chỉ có sự ân xá hay giảm hình phạt nếu Chánh án của Tòa án Quốc tế về Ruanđa, qua tham khảo ý kiến các thẩm phán, quyết định như vậy trên cơ sở đảm bảo công lý và những nguyên tắc chung của pháp luật.
Điều 28. Hợp tác và tương trợ tư pháp
1. Các Quốc gia sẽ hợp tác với Tòa án Quốc tế về Ruanđa trong quá trình điều tra và xét xử các cá nhân bị truy tố về những hành vi vi phạm nghiêm trọng Luật Nhân đạo Quốc tế.
2. Các Quốc gia sẽ đáp ứng không trì hoãn vô cớ bất cứ đề nghị tương trợ hoặc lệnh nào của Tòa sơ thẩm, đặc biệt là những đề nghị tương trợ và quyết định liên quan đến:
a) Xác định nhân thân và nơi cư trú của các cá nhân;
b) Thu thập lời khai và chứng cứ;
c) Cung cấp tài liệu;
d) Bắt giữ hoặc bắt giam các cá nhân;
e) Bàn giao hoặc di lý bị cáo cho Tòa án Quốc tế về Ruanđa.
Điều 29. Thể chế, các đặc quyền và các ưu đãi miễn trừ của Tòa án Quốc tế về Ruanđa
1. Công ước về các đặc quyền và ưu đãi miễn trừ của Liên hợp quốc ngày 13 tháng 2 năm 1946 sẽ được áp dụng cho Tòa án Quốc tế về Ruanđa, các Thẩm phán, Công tố viên và bộ phận giúp việc, Lục sự và viên chức Phòng Lục sự.
2. Các thẩm phán, Công tố viên và Lục sự sẽ được hưởng các đặc quyền và các ưu đãi miễn trừ và các điều kiện thuận lợi dành cho các nhân viên ngoại giao, phù hợp với luật pháp quốc tế.
3. Nhân viên giúp việc cho Công tố viên và Lục sự sẽ được hưởng các đặc quyền và ưu đãi miễn trừ dành cho các quan chức của Liên hợp quốc theo Điều V và VII của Công ước nêu tại khoản 1 Điều này.
4. Những người khác, bao gồm cả người bị truy tố, nếu được triệu tập ra trước Tòa án Quốc tế về Rqanđa sẽ được hưởng sự đối xử cần thiết để Tòa án hoạt động thuận lợi.
Điều 30. Kinh phí cho Tòa án Quốc tế về Ruanđa
Các chi phí của Tòa án Quốc tế về Ruanđa sẽ tính vào chi phí của Liên hợp quốc theo Điều 17 của Hiến chương Liên hợp quốc.
Điều 31. Ngôn ngữ làm việc
Các ngôn ngữ làm việc của Tòa án Quốc tế về Ruanđa sẽ là tiếng Anh và tiếng Pháp.
Điều 32. Báo cáo hàng năm
Chánh án Tòa án Quốc tế về Ruanđa sẽ đệ trình một bản báo cáo hàng năm của Tòa án Quốc tế. về Ruanđa lên Hội đồng Bảo an và tới Đại hội đồng.