Skip to main content

System Messages

You were not authenticated by the server. You may log in with your credentials below.

CCPR - Bình luận chung số 22

Phiên bản PDF

Ngày ban hành

30/07/1993

 

BÌNH LUẬN CHUNG SỐ 22

QUYỀN TỰ DO TƯ TƯỞNG, TÍN NGƯỠNG HOẶC TÔN GIÁO (ĐIỀU 18)*

---------------------------------

 

  1. Quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng hoặc tôn giáo (điều này bao gồm quyền tự do đối với việc giữ tín ngưỡng) trong Điều 18(1) có tính bao quát và sâu sắc. Nó bao gồm quyền tự do suy nghĩ về tất cả các vấn đề, niềm tin cá nhân với những tôn giáo hay tín ngưỡng với tư cách cá nhân hay tập thể. Uỷ ban lưu ý các  về thực tế là tự do tư tưởng cần được bảo vệ tương tự như với tự do tôn giáo, tín ngưỡng. Đặc tính cơ sở của những tự do này mà đã được thể hiện trong thực tế là chúng không thể bị đình chỉ thực hiện, thậm chí cả trong những thời điểm khẩn cấp như được nêu trong Điều 4(2) của Công ước.
  2. Điều 18 bảo vệ cả những niềm tin hữu thần và vô thần. Các thuật ngữ “tín ngưỡng” và “tôn giáo” cần được phân tích theo nghĩa rộng. Điều 18 không chỉ áp dụng đối với những tôn giáo lâu đời hoặc những tôn giáo có tính chất thể chế, mà còn với những tín ngưỡng hoặc những tập tục truyền thống tương tự như tín ngưỡng. Bởi vậy, Uỷ ban quan tâm đến bất kỳ xu hướng nào có tính chất phân biệt chống lại các tín ngưỡng hoặc niềm tin khác với bất kỳ lý do gì, bao gồm việc chúng mới được thiết lập hoặc có tính chất thiểu số mà có thể phải chịu thái độ thù nghịch của những tín đồ của các tôn giáo chiếm ưu thế.
  3. Điều 18 phân biệt quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng hoặc tôn giáo với tự do thể hiện tôn giáo hay tín ngưỡng. Nó không cho phép có bất kỳ giới hạn nào đối với quyền tự do tư tưởng và tín ngưỡng hoặc với quyền tự do được tin theo một tôn giáo hoặc tín ngưỡng. Những quyền tự do này được bảo vệ một cách không điều kiện, tương tự như với quyền được giữ ý kiến trong Điều 19(1). Theo Điều 18(2) và Điều 17, không ai bị ép buộc nói ra suy nghĩ của mình hoặc bị bắt buộc theo một tôn giáo hoặc tín ngưỡng nào đó.
  4. Quyền tự do thể hiện tôn giáo hay tín ngưỡng có thể được thực thi “với tư cách cá nhân hoặc trong cộng đồng, cả ở nơi công cộng hoặc chỗ riêng tư”. Mọi người có quyền tự do thể hiện tín ngưỡng hoặc niềm tin thông qua các hành động thờ cúng, lễ hội tôn giáo, giảng dạy, thực hành giáo lý…Khái niệm thờ cúng liên quan đến một loạt hoạt động nghi lễ nhằm biểu thị tín ngưỡng một cách trực tiếp, cũng như những hoạt động gắn liền với những hoạt động đó, bao gồm việc xây dựng nơi thờ tự, sử dụng những đồ tế khí, trưng bày những biểu tượng và tham gia, tuân thủ những ngày lễ và ngày nghỉ. Sự tuân thủ và thực hành tôn giáo hoặc tín ngưỡng có thể bao gồm không chỉ hành vi mang tính nghi lễ mà cả phong tục, chẳng hạn như tuân thủ nguyên tắc ăn kiêng, mặc những loại trang phục đặc biệt, quàng khăn phủ đầu, tham gia những lễ hội trong những thời gian nhất định và sử dụng những ngôn ngữ đặc biệt trong một nhóm. Ngoài ra, sự thực hành và giảng dạy tôn giáo hoặc tín ngưỡng còn bao gồm những hành vi gắn liền với những quy tắc đạo đức của những nhóm tôn giáo trong những vấn đề cơ bản. Ví dụ, quyền tự do chọn lựa những lãnh tụ, những thầy tu, người truyền đạo của họ; quyền tự do thiết lập những trường dòng hoặc những trường tôn giáo và quyền tự do biên soạn và ấn hành những tài liệu tôn giáo.
  5. Uỷ ban cho rằng quyền tự do “có hoặc theo” một tôn giáo hoặc tín ngưỡng bao gồm quyền tự do tin theo một tôn giáo hoặc tín ngưỡng, kể cả quyền cải đổi niềm tin tôn giáo hoặc tín ngưỡng hiện tại sang một tôn giáo hay tín ngưỡng khác; hoặc quyền không tin theo một tôn giáo nào, hay cải đổi từ niềm tin hữu thần sang vô thần. Điều 18(2) ngăn cấm việc cưỡng ép mà ảnh hưởng tới quyền có hoặc theo tôn giáo hoặc tín ngưỡng, bao gồm cả sự đe doạ bằng vũ lực hoặc hình phạt để bắt buộc những tín đồ hoặc những người không phải tín đồ phải tuân thủ tín ngưỡng hoặc cải đạo. Những chính sách hoặc tục lệ có mục đích giống nhau hoặc gây ảnh hưởng giống nhau như hạn chế sự tiếp cận với giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, việc làm hoặc các quyền được bảo đảm bởi Điều 25 và những điều khác của Công ước, đều mâu thuẫn với Điều 18(2). Tất cả mọi người, dù vô thần hay hữu thần,  cũng đều được hưởng sự bảo vệ giống nhau.
  6.  Uỷ ban cho rằng Điều 18(4) cho phép các trường công lập giảng dạy những môn học như lịch sử đại cương của những tôn giáo và luân lý nếu nó được tiến hành một cách trung lập và khách quan. Quyền tự do của bố mẹ hoặc những người giám hộ pháp lý trong việc quyết định sự giáo dục về tôn giáo và đạo đức cho trẻ em phù hợp với đức tín của  họ mà được quy định trong Điều 18.4 có liên quan đến những đảm bảo về quyền tự do giảng dạy một tôn giáo hoặc tín ngưỡng được nêu ở Điều 18(1). Uỷ ban lưu ý rằng việc giảng dạy một tôn giáo hoặc tín ngưỡng đặc biệt trong chương trình của các trường công là trái với Điều 18(4), trừ khi việc này không mang tính chất phân biệt đối xử với các tôn giáo khác và là sự lựa chọn của các bậc cha mẹ và người đỡ đầu của học sinh.
  7. Theo Điều 20, nghiêm cấm các hoạt động tôn giáo hoặc tín ngưỡng mà có thể dẫn đến sự tuyên truyền cho chiến tranh hoặc sự hận thù dân tộc, tôn giáo, kích động sự phân biệt chủng tộc, thù địch hoặc bạo lực. Như Uỷ ban đã nêu trong Bình luận chung số 11, các  có nghĩa vụ ngăn cản những hành động đó bằng pháp luật.
  8. Điều 18(3) cho phép hạn chế quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng với điều kiện những hạn chế đó được qui định trong pháp luật và cần thiết để bảo vệ sự an toàn, trật tự, sức khoẻ hoặc đạo đức của xã hội hoặc các quyền và tự do cơ bản của những người khác. Tự do của các cá nhân được tin hoặc không tin theo một tôn giáo hoặc tín ngưỡng nào, và quyền tự do của các bậc cha mẹ và người giám hộ được đảm bảo sự giáo dục tôn giáo và đạo đức cho con em họ là không thể bị giới hạn. Khi qui định phạm vi của những hạn chế được phép, các  phải xuất phát từ nhu cầu bảo vệ những quyền được ghi nhận trong Công ước, bao gồm quyền được bình đẳng và không bị phân biệt đối xử về mọi mặt như đã nêu ở các Điều 2, 3 và 26. Những hạn chế cần phải được luật pháp qui định và không được áp dụng nếu như vi phạm các quyền được ghi nhận tại Điều 18. Uỷ ban cho rằng khoản 3 Điều 18 cần được tuân thủ nghiêm ngặt: việc hạn chế không được áp dụng trong các lĩnh vực không được qui định, cho dù chúng có thể được cho phép hạn chế những quyền khác trong Công ước, cụ thể như trong vấn đề an ninh quốc gia . Những hạn chế chỉ có thể được áp dụng cho những mục đích đã được nêu ra và phải liên quan trực tiếp và phù hợp với những nhu cầu cụ thể được xác nhận. Các hạn chế không được áp đặt với mục đích phân biệt đối xử hoặc được áp dụng theo một cách thức mang tính phân biệt. Uỷ ban thấy rằng các quan điểm đạo đức thường xuất phát từ các truyền thống xã hội, triết học và tôn giáo; do đó, những hạn chế trong việc lựa chọn một tôn giáo hay đức tin với mục đích bảo vệ đạo đức phải không được dựa trên một truyền thống riêng lẻ nào đó. Những người là đối tượng phải chịu sự hạn chế về tự do, ví dụ như tù nhân, sẽ vẫn tiếp tục được hưởng quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng của họ với mức độ cao nhất phù hợp với điều kiện cho phép. Các  cần đưa vào báo cáo những thông tin về phạm vi và hiệu quả của những hạn chế đưa ra theo Điều 18(3), cả trên phương diện lập pháp và hành pháp trong những tình huống cụ thể.
  9. Thực tế nếu một tôn giáo được công nhận một cách chính thức hay theo truyền thống là tôn giáo quốc gia , hay là việc các tín đồ của tôn giáo đó chiếm đa số trong dân chúng. cũng không làm giảm bớt việc được hưởng các quyền theo Công ước, kể cả việc hưởng các quyền quy định trong các Điều 18 và 27, cũng như có sự phân biệt đối với tín đồ của các tôn giáo khác hoặc với những người không theo tôn giáo nào. Đặc biệt, các biện pháp có tính chất phân biệt đối xử đối với tín đồ của các tôn giáo khác hay với những người không theo tôn giáo nào, ví dụ như  quy định chỉ cho những tín đồ của tôn giáo đa số tham gia chính quyền hoặc giành những ưu đãi về kinh tế cho họ hay áp đặt các hạn chế đặc biệt đối với các tôn giáo, tín ngưỡng khác, đều là trái với nguyên tắc cấm phân biệt đối xử về tín ngưỡng, tôn giáo và với quy định về quyền bình đẳng theo Điều 26. Các biện pháp được nêu ra trong khoản 2 Điều 20 cung cấp những bảo vệ quan trọng chống lại việc giảm bớt các quyền của các nhóm tôn giáo thiểu số và cơ hội của các nhóm tôn giáo khác được hưởng các quyền quy định trong các Điều 18 và 27, và chống lại những hành động bạo lực và khủng bố nhằm vào họ. Uỷ ban rất mong nhận  được thông tin về các biện pháp mà các  đã tiến hành nhằm bảo vệ các sinh hoạt tôn giáo hoặc tín ngưỡng khỏi bị xâm phạm và các tín đồ không bị phân biệt đối xử. Tương tự, Ủy ban cũng mong nhận được thông tin về việc tôn trọng các quyền của các nhóm thiểu số về dân tộc và tôn giáo theo Điều 27. Đây là những thông tin cần thiết để Uỷ ban đánh giá mức độ thực hiện việc bảo vệ quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng hoặc tôn giáo của các . Các  có liên quan cần đưa vào báo cáo của mình những thông tin liên quan đến các hành vi mà bị coi là báng bổ đức tin tôn giáo mà được luật pháp nước mình quy định.
  10. Nếu như một hệ thống tín ngưỡng được coi là lý tưởng chính thức trong hiến pháp, tuyên ngôn của các đảng cầm quyền hay trong thực tế thì nó cũng không được làm giảm bớt các quyền và tự do theo Điều 18 hay các quyền khác được ghi nhận trong Công ước, cũng như không được tạo ra sự phân biệt đối xử đối với những người không chấp nhận hoặc phản đối tín ngưỡng đó.
  11. Nhiều người đã đòi có quyền từ chối làm nghĩa vụ quân sự (sự phản đối về lương tâm) dựa trên lập luận cho rằng đó là quyền xuất phát từ sự tự do của họ theo Điều 18. Về vấn đề này, ngày càng có nhiều quốc gia  qui định trong luật việc miễn nghĩa vụ quân sự cho các công dân đang theo những tôn giáo hay tín ngưỡng mà không cho phép làm nghĩa vụ quân sự và có thể thay thế nó bằng những nghĩa vụ khác. Công ước không nói rõ về quyền được từ chối về lương tâm nhưng Uỷ ban cho rằng quyền đó có thể hiểu từ nội dung Điều 18, trong đó nêu rằng nghĩa vụ quân sự có thể mâu thuẫn sâu sắc với quyền tự do ý thức, quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng của một số người. Khi quyền này được luật pháp hoặc thực tế công nhận thì không được phân biệt đối xử với những người phản đối về lương tâm  dựa trên bản chất của tín ngưỡng đặc biệt của họ. Tương tự, không được phân biệt đối xử với những người phản đối bởi vì họ không thực hiện nghĩa vụ quân sự. Uỷ ban đề nghị các  báo cáo về những điều kiện để miễn nghĩa vụ quân sự dựa trên quyền qui định tại Điều 18 và dựa trên bản chất và thời gian của nghĩa vụ thay thế.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


* Phiên họp thứ 48 (1993)

 

Drupal theme by Adaptivethemes - Design by Kodamera