Skip to main content

System Messages

You were not authenticated by the server. You may log in with your credentials below.

CESCR - Bình luận chung số 05

Phiên bản PDF

Ngày ban hành

20/10/1994

Văn bản tiếng Việt

 

1. Tầm quan trọng cốt yếu của mối liên hệ giữa Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa và quyền con người của người khuyết tật thường xuyên được cộng đồng quốc tế nhấn mạnh1. Vì vậy, báo cáo đánh giá năm 1992 của Tổng thư ký về thực hiện Chương trình hành động quốc tế về người khuyết tật và Thập kỷ của Liên hợp quốc về người khuyết tật đã kết luận rằng: ‘‘vấn đề người khuyết tật có liên hệ chặt chẽ với các nhân tố kinh tế và xã hội" và rằng "điều kiện sống ở nhiều nơi trên thế giới vẫn còn quá hạn chế nên quy định về các nhu cầu tối thiểu cho tất cả mọi người bao gồm thực phẩm, nước uống, nhà ở, bảo vệ y tế, giáo dục cần phải được coi là cơ sở nền tảng trong các chương trình phát triển quốc gia".2 Thậm chí ở những nước có mức sống khá cao thì người khuyết tật cũng thường bị từ chối cơ hội hưởng thụ đầy đủ các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá được ghi nhận trong Công ước.  

2. Uỷ ban về các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá và Nhóm công tác tiền nhiệm đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc3 và Uỷ ban quyền con người4 kêu gọi giám sát sự tuân thủ nghĩa vụ đảm bảo sự hưởng thụ đầy đủ các quyền trong công ước cho người khuyết tật. Tuy nhiên, cho đến nay, theo kinh nghiệm của Uỷ ban, các quốc gia thành viên mới giành rất ít sự chú ý đến vấn đề này trong báo cáo của mình. Thực tế đó   dường như phù hợp với kết luận của Tổng thư ký rằng "hầu hết các chính phủ vẫn thiếu những biện pháp phối hợp mang tính quyết định để có thể cải thiện hiệu quả tình trạng của người khuyết tật’5. Vì vậy, cần xem xét, nhấn mạnh một số cách thức mà những vấn đề liên quan đến người khuyết tật thường đi liền với các nghĩa vụ quy định trong Công ước.   

3. Đến nay vẫn chưa có một định nghĩa nào được thừa nhận ở cấp độ quốc tế về khái niệm "khuyết tật"[1]. Tuy nhiên, Bình luận chung này dựa trên cách tiếp cận đã được đưa ra trong Các quy tắc tiêu chuẩn 1993, trong đó nêu rằng:

Thuật ngữ " khuyết tật" bao gồm nhiều dạng hạn chế khác nhau về chức năng xuất hiện ở bất kỳ nhóm dân cư nào. Con người có thể bị mất khả năng về thể chất, trí tuệ, giác quan, về tình trạng y học, bệnh tâm thần. Những khiếm khuyết, điều kiện hay bệnh tật này có thể mang tính vĩnh viễn hoặc tạm thời"6.

4. Để phù hợp với cách tiếp cận đưa ra trong Các quy tắc tiêu chuẩn, Bình luận chung này sử dụng thuận ngữ " người khuyết tật" ("persons with disabilities”) thay cho thuật ngữ cũ là "người tàn tật" (“disabled persons”). Có ý kiến cho rằng thuật ngữ sau có thể dẫn đến cách giải thích không đúng, trong đó hạ thấp khả năng của những người khuyết tật, coi họ là những người đã bị khuyết tật không còn hữu ích cho xã hội.  

5. Công ước không đề cập một cách rõ ràng đến những người khuyết tật. Tuy nhiên, Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người ghi nhận rằng tất cả mọi người sinh ra đều tự do, bình đẳng về phẩm giá và các quyền; và vì các quy định của Công ước được áp dụng đầy đủ cho mọi thành viên trong xã hội, người khuyết tật rõ ràng cũng được hưởng đầy đủ các quyền ghi nhận trong Công ước. Thêm vào đó, trong trường hợp họ cần được điều trị đặc biệt, quốc gia thành viên cần có biện pháp thích hợp trong chừng mực tối đa các nguồn lực sẵn có của mình để giúp cho những người này vượt qua được bất cứ khó khăn nào trong việc hưởng thụ các quyền được cụ thể hoá trong Công ước, không phụ thuộc vào tình trạng khuyết tật của họ.  Hơn nữa, Điều 2́(2) Công ước quy định rằng, các quyền trong Công ước phải “được thực hiện mà không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào" dựa trên các cơ sở cụ thể "hoặc tình trạng khác" có thể áp dụng một cách rõ ràng đối với phân biệt đối xử trên cơ sở bị khuyết tật. 

6. Sự thiếu vắng một điều khoản cụ thể liên quan đến vấn đề khuyết tật trong Công ước tại thời điểm Công ước được soạn thảo cách đây hơn một phần tư thế kỷ là do thiếu hụt nhận thức về tầm quan trọng của việc phải nhấn mạnh đến vấn đề này một cách rõ ràng chứ không chỉ là mang tính ngụ ý. Tuy nhiên, nhiều văn kiện quốc tế gần đây về quyền con người đã đề cập cụ thể đến vấn đề này. Các văn kiện này bao gồm Công ước về quyền trẻ em (Điều 23); Hiến chương châu Phi về quyền con người và quyền của các dân tộc (Điều 18(4)); và Nghị định thư bổ sung của Công ước châu Mỹ về quyền con người trên lĩnh vực quyền kinh tế, xã hội và văn hoá (Điều 18). Vì vậy, đến nay vấn đề đã được thừa nhận rất rộng rãi là quyền con người của người khuyết tật cần phải được bảo vệ và thúc đẩy thông qua chính sách, pháp luật và chương trình chung cũng như cụ thể.   

7.Theo cách tiếp cận này, cộng đồng quốc tế đã khẳng định cam kết của mình trong việc đảm bảo đầy đủ các quyền con người cho người khuyết tật trong các văn kiện sau: (a) Chương trình hành động thế giới về người khuyết tật nhằm cung cấp khung chính sách trong việc thúc đẩy "các biện pháp hiệu quả về phòng ngừa khuyết tật,  phục hồi và hiện thực hoá mục tiêu về "sự tham gia đầy đủ" và "bình đẳng" của người khuyết tật trong đời sống xã hội và phát triển.";7 (b) Hướng dẫn thành lập và phát triển Uỷ ban điều phối quốc gia về vấn đề khuyết tật hoặc các cơ quan tương tự, được thông qua năm 19908; (c)  Các nguyên tắc về bảo vệ người bị bệnh tâm thần và để tăng cường chăm sóc sức khoẻ tâm thần, được thông qua năm 19919; (d) Các quy tắc tiêu chuẩn về bình đẳng hoá cơ hội cho người khuyết tật, được thông qua năm 1993 (từ đó được gọi là "Quy tắc tiêu chuẩn") nhằm mục đích đảm bảo để tất cả người khuyết tật đều "có thể thực hiện các quyền và nghĩa vụ giống như những người khác"10. Quy tắc tiêu chuẩn là văn kiện quan trọng cơ bản hình thành nên hướng dẫn tham khảo có giá trị trong việc xác định chính xác hơn nghĩa vụ liên quan của Quốc gia thành viên theo Công ước.

1.  Nghĩa vụ chung của Quốc gia thành viên

8. Liên hợp quốc ước tính rằng ngày nay trên thế giới có khoảng hơn 500 triệu người khuyết tật. Trong số đó, 80% sống ở vùng nông thôn thuộc các nước đang phát triển. Khoảng 70% bị hạn chế hoặc không được tiếp cận với các dịch vụ mà người khuyết tật có nhu cầu. Vì vậy, thách thức để cải thiện tình hình của người khuyết tật trực tiếp liên quan đến các quốc gia thành viên Công ước. Mặc dù các quốc gia lựa chọn biện pháp thúc đẩy việc hiện thực hoá đầy đủ các quyền kinh tế- xã hội - văn hoá của nhóm dân cư này chắc chắn sẽ rất khác nhau, nhưng không có quốc gia nào mà lại không có những chính sách lớn và chương trình cho nhóm đối tượng này11.

9. Nghĩa vụ thúc đẩy việc hiện thực hoá từng bước các quyền trong Công ước của quốc gia thành viên trong phạm vi tối đa nguồn lực của mình rõ ràng đòi hỏi các chính phủ cần phải làm nhiều hơn là việc chỉ tránh đưa ra những biện pháp có thể gây tác động tiêu cực đến người khuyết tật. Đối với những nhóm dân cư thiệt thòi và dễ bị tổn thương thì nghĩa vụ của quốc gia thanh viên là chủ động tìm ra các biện pháp để giảm những khó khăn về mặt cơ cấu và có sự đối xử ưu tiên phù hợp cho người khuyết tập để họ có thể tham gia đầy đủ và bình đẳng trong xã hội. Cần chú ý chuẩn bị các nguồn lực bổ sung cho việc thực hiện mục tiêu này và cần có nhiều biện pháp cụ thể thích hợp.

10. Theo một báo cáo của Tổng thư ký Liên hợp quốc, sự phát triển trong những thập kỷ vừa qua ở cả quốc gia phát triển và đang phát triển đều không đem lại lợi ích đặc biệt cho người khuyết tật.

“...  sự suy giảm của nền kinh tế, xã hội hiện nay thể hiện qua tỷ lệ tăng trưởng thấp, nạn thất nghiệp cao, giảm chi phí công cộng, các chương trình điều chỉnh cơ cấu, tình trạng tư nhân hoá đã gây nên những ảnh hưởng tiêu cực đến các chương trình, dịch vụ. Nếu như xu hướng tiêu cực này vẫn tiếp tục thì người khuyết tật có nguy cơ bị đẩy ra ngoài lề xã hội và trở nên phụ thuộc vào những hỗ trợ mang tính tạm thời.”12

Như Uỷ ban đã nêu trong Bình luận chung số 1 (phiên họp thứ 15, năm 1990, khổ 12), nghĩa vụ của các quốc gia thành viên trong việc bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội trong thời kì thiếu thốn nghiêm trọng về nguồn lực thay vì giảm đi thì thậm chí còn phải coi là quan trọng hơn.   

11.Do có sự gia tăng cam kết của các chính phủ trên thế giới về các chính sách định hướng thị trường, trong bối cảnh đó cần nhấn mạnh đến một số khía cạnh nhất định của nghĩa vụ của Quốc gia thành viên. Một trong số đó là sự cần thiết phải đảm bảo rằng không chỉ có lĩnh vực nhà nước mà lĩnh vực tư nhân, trong những giới hạn phù hợp, cũng cần có nghĩa vụ đảm bảo sự đối xử công bằng với người khuyết tật. Trong bối cảnh mà việc cung cấp dịch vụ công đang ngày càng được tư nhân hoá và thị trường tự do bị thao túng ở mức độ rộng rãi chưa từng thấy thì điều quan trọng là những người sử dụng lao động, nhà cung cấp hàng hoá dịch vụ tư nhân và các thể chế phi công cộng khác đều phải chịu sự điều chỉnh của các quy phạm liên quan đến bình đẳng và không phân biệt đối xử với người khuyết tật. Trong những trường hợp mà sự bảo vệ như vậy không được mở rộng ra ngoài phạm vi nhà nước thì khả năng người khuyết tật được tham gia vào các hoạt động của cộng đồng và được thể hiện đầy đủ khả năng của mình như là những thành viên tích cực của xã hội sẽ bị hạn chế một cách nghiên trọng và tuỳ tiện. Điều này không hàm ý là các biện pháp lập pháp luôn  là biện pháp hiệu quả nhất trong việc xoá bỏ sự phân biệt đối xử trong khu vực tư nhân. Về khía cạnh này, Quy tắc tiêu chuẩn đã đặc biệt nhấn mạnh đến trách nhiệm của Quốc gia trong việc "thực hiện nâng cao nhận thức của xã hội về người khuyết tật, quyền lợi, khả năng và đóng góp của họ “13.

12. Khi không có sự can thiệp của chính phủ thì luôn luôn có những trường hợp mà hoạt động của thị trường tự do sẽ mang đến những kết quả bất lợi cho người khuyết tật với tư cách cá nhân hay nhóm. Và, trong những trường hợp như vậy, chính phủ phải có trách nhiệm tham gia và thực hiện những biện pháp nhằm giảm nhẹ, bổ sung, bồi thường hay loại bỏ những kết quả do các lực lượng của thị trường mang lại. Tương tự, mặc dù chính phủ có thể dựa vào khu vực tư nhân hay các nhóm tình nguyện hỗ trợ người khuyết tật bằng nhiều cách khác nhau thì những sự thu xếp như vậy không bao giờ có thể thay thế được trách nhiệm của chính phủ trong việc đảm bảo sự tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ của quốc gia đối với Công ước. Như đã được ghi nhận trong Chương trình hành động thế giới về người khuyết tật, "trách nhiệm lớn nhất trong việc khắc phục những điều kiện dẫn đến sự khiếm khuyết và trong việc giải quyết hậu quả của sự khuyết tật thuộc về các chính phủ”14.

2.  Các biện pháp thực hiện

13.Các biện pháp được Quốc gia thành viên áp dụng để thực hiện nghĩa vụ của mình đối với người khuyết tật theo Công ước về cơ bản cũng giống như các biện pháp cần thiết để thực hiện những nghĩa vụ khác (xem Bình luận chung số 1, phiên họp thứ 3, 1989). Những biện pháp này bao gồm sự cần thiết phải xác định nhu cầu, thông qua đánh giá định kỳ, bản chất và phạm vi của những vấn đề còn tồn tại của quốc gia; sự cần thiết phải thông qua các chính sách và chương trình thích hợp để đáp ứng những yêu cầu đã được xác định; việc hoàn thiện khuôn khổ pháp luật nếu cần và xoá bỏ những quy định mang tính chất phân biệt đối xử vẫn còn tồn tại trong pháp luật; sự cần thiết phải dành những nguồn ngân sách thích hợp hoặc nếu cần thì phải kêu gọi sự hỗ trợ và hợp tác quốc tế. Ở khía cạnh sau, hợp tác quốc tế theo các Điều 22 và 23 của Công ước có thể sẽ là nhân tố đặc biệt quan trọng giúp cho các nước đang phát triển có thể hoàn thành được nghĩa vụ của mình theo Công ước.    

14. Thêm vào đó, cộng đồng quốc tế luôn nhận thức được rằng việc hoạch định chính sách và thực hiện các chương trình trên lĩnh vực này cần dựa trên cơ sở có sự tư vấn và tham gia của đại diện các nhóm và các cá nhân liên quan. Vì lý do này, Các quy tắc tiêu chuẩn khuyến nghị rằng cần thành lập uỷ ban điều phối quốc gia hay cơ quan tương tự với chức năng là một cơ quan đầu mối quốc gia về vấn đề khuyết tật. Để làm được việc đó, các chính phủ cần chú ý đến những hướng dẫn ban hành năm 1990 về việc thiết lập và phát triển các uỷ ban điều phối quốc gia về vấn đề khuyết tật hoặc cơ quan tương tự15.

3. Nghĩa vụ xóa bỏ phân biệt đối xử với người khuyết tật

15. Sự phân biệt đối xử với người khuyết tật đã tồn tại từ lâu trong lịch sử dưới nhiều hình thức khác nhau, kể cả trong pháp luật cũng như trong thực tiễn. Chúng bao gồm cả phân biệt đối xử mang tính ghét bỏ, chẳng hạn như từ chối cơ hội học tập, đến những hình thức phân biệt đối xử mang tính "tinh tế" hơn, chẳng hạn như chia tách hay cô lập người khuyết tật với người bình thường bằng việc áp đặt những rào cản về thể chất và xã hội. Vì mục đích của Công ước này, khái niệm "phân biệt đối xử với người khuyết tật" có thể được định nghĩa là bao gồm bất kỳ sự phân biệt, loại trừ, hạn chế, thiên vị hay từ chối những tiện nghi hợp lý dựa trên sự khuyết tật, mà làm vô hiệu hoá hay giảm sút việc ghi nhận, hưởng thụ hay thực hiện các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá của họ. Do sự sao lãng, lơ là, định kiến hay cách ly, người khuyết tật thường bị ngăn cản việc hưởng thụ các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá một cách bình đẳng với những người bình thường. Những ảnh hưởng của sự phân biệt đối xử liên quan đến khuyết tật là đặc biệt nghiêm trọng trong lĩnh vực giáo dục, việc làm, nhà ở, đi lại, trong đời sống văn hoá và tiếp cận với các dịch vụ, địa điểm công cộng.  

16. Mặc dù đã có một số tiến bộ về mặt lập pháp ở các quốc gia trong thập kỷ qua16, nhưng tình trạng pháp lý của người khuyết tật trên thế giới vẫn còn bấp bênh. Để xóa bỏ sự phân biệt đối xử trong quá khứ, hiện tại, và tương lai, việc thông qua các đạo luật toàn diện về chống phân biệt đối xử với người khuyết tật được coi là hết sức cần thiết đối với mọi Quốc gia thành viên. Đạo luật này không chỉ cung cấp những bảo hộ pháp lý khi có thể và cần thiết mà còn phải đưa ra các chương trình xã hội giúp người khuyết tật được sống hòa nhập, tự quyết và tự lập. 

17. Các biện pháp chống phân biệt đối xử cần dựa trên nguyên tắc về quyền bình đẳng giữa người khuyết tật và người bình thường, mà theo Chương trình hành động quốc tế về người khuyết tật thì "nhu cầu của mỗi cá nhân quan trọng như nhau, những nhu cầu này cần phải trở thành cơ sở cho kế hoạch của xã hội, tất cả mọi nguồn lực phải được sử dụng theo cách đảm bảo cho mọi cá nhân, bảo đảm bình đẳng về cơ hội trong việc tham gia. Chính sách về vấn đề khuyết tật cần đảm bảo sự tiếp cận của người khuyết tật đối với mọi dịch vụ của cộng đồng” 17.

18.Bởi cần thực hiện các biện pháp để xóa bỏ nạn phân biệt đối xử hiện hành và tạo cơ hội công bằng cho người khuyết tật nên những biện pháp như vậy không bị coi là mang tính phân biệt đối xử theo tinh thần của Điều 2(2) Công ước về các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá khi chúng dựa trên nguyên tắc bình đẳng và chỉ áp dụng khi cần thiết để đạt được mục tiêu đó.

4.  Các quy định cụ thể của Công ước

A. Điều 3: Quyền bình đẳng nam nữ

19. Người khuyết tật đôi khi bị coi là những người không rõ ràng về giới. Kết quả là, tình trạng phụ nữ khuyết tật bị phân biệt đối xử kép thường bị bỏ qua18. Mặc dù cộng đồng quốc tế thường kêu gọi phải có sự lưu ý đặc biệt đến tình trạng của họ, trong thập kỷ qua vẫn còn rất ít nỗ lực được thực hiện. Sự bỏ mặc phụ nữ khuyết tật đã được đề cập đến một số lần trong báo cáo của Tổng thư ký về tình hình thực hiện chương trình hành động thế giới19. Vì vậy, Uỷ ban kêu gọi các Quốc gia thành viên  lưu ý đến tình trạng của phụ nữ khuyết tật và dành cho họ sự ưu tiên khi thực hiện các chương trình kinh tế, xã hội và văn hoá liên quan.  

B.  Các  Điều 6-8: Các quyền liên quan đến việc làm

20. Lĩnh vực việc làm là lĩnh vực mà sự phân biệt đối xử trên cơ sở khuyết tật diễn ra phổ biến và dai dẳng nhất. Ở hầu hết các quốc gia, tỷ lệ người khuyết tật bị thất nghiệp cao gấp hai đến ba lần người bình thường. Ở những nơi người khuyết tật có việc làm thì thông thường họ chỉ được làm những công việc được trả lương thấp và thường bị tách biệt khỏi thị trường lao động. Các nhà nước cần tích cực hỗ trợ sự hội nhập của người khuyết tật vào thị trường lao động.   

21. "Quyền mọi người có cơ hội kiếm sống bằng công việc mà người đó lựa chọn hoặc chấp nhận một cách tự do” (Điều 6 (1)) sẽ không thể thực hiện được khi mà cơ hội thực sự duy nhất mở ra cho người lao động khuyết tật là làm việc ở những nơi mà điều kiện "che chở" chỉ ở mức dưới điều kiện tiêu chuẩn.  Những sự thu xếp để những người thuộc về một nhóm khuyết tật nhất định phải làm việc trong một số nghề nghiệp nhất định hay sản xuất một loại hàng hoá nhất định có thể dẫn đến vi phạm quyền này. Tương tự, theo nguyên tắc 13 (3) của các Nguyên tắc về bảo vệ người bị bệnh tâm thần và về nâng cao chăm sóc sức khoẻ tâm thần20  thì các cơ sở "điều trị” có sử dụng lao động cưỡng bức cũng không phù hợp với Công ước. Vấn đề cấm lao động cưỡng bức cũng đã được đề cập trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị.

22. Theo các Quy tắc tiêu chuẩn, người khuyết tật, bất kể ở nông thôn hay thành thị đều có cơ hội bình đẳng về việc làm hữu ích và sinh lợi trong thị trường lao động21. Để điều này trở thành hiện thực thì điều đặc biệt quan trọng là phải xóa bỏ những rào với họ trong việc hội nhập vào xã hội nói chung và vào thị trường lao động nói riêng. Như Tổ chức Lao động quốc tế đã lưu ý, thông thường những rào cản mà xã hội tạo ra trong các lĩnh vực như giao thông, nhà ở và nơi làm việc được lấy ra làm lý do để giải thích tại sao người khuyết tật không thể có việc làm22. Chẳng hạn, khi mà nơi làm việc được thiết kế và xây dựng theo cách mà xe lăn không thể tiếp cận được thì người sử dụng lao động sẽ  thường "biện hộ" rằng họ không thể tuyển dụng người sử dụng xe lăn. Các chính phủ cũng cần xây dựng những chính sách nhằm thúc đẩy và quy định về việc thu xếp những công việc linh hoạt và thay thế phù hợp với nhu cầu của người lao động khuyết tật.

23. Tương tự, sự thất bại của chính phủ trong việc đảm bảo rằng các loại hình giao thông đều có thể tiếp cận được cho người khuyết tật làm giảm đáng kể cơ hội của họ trong việc tìm kiếm công việc mang tính hoà nhập và phù hợp, giảm cơ hội giáo dục và đào tạo nghề hay cơ hội đi lại bằng tất cả các loại phương tiện. Việc cung cấp các hình thức đi lại đặc biệt thích hợp, cần thiết là hết sức quan trọng để hiện thực hoá các quyền được ghi nhận trong Công ước của người khuyết tật. 

24. "Các chương trình hướng dẫn và đào tạo nghề và kỹ thuật" như yêu cầu tại Điều 6(2) của Công ước cần phản ánh được nhu cầu của tất cả những người khuyết tật, chúng phải được xây dựng và thực hiện với sự tham gia đầy đủ của đại diện người khuyết tật. 

25. Quyền "được hưởng điều kiện làm việc công bằng và thuận lợi" (Điều 7) áp dụng cho tất cả người lao động khuyết tật, bất kể họ làm việc trong điều kiện trong nhà hay trong các điều kiện lao động thông thường. Không được phân biệt đối xử với người lao động khuyết tật về lương bổng và các điều kiện khác nếu như công việc của họ ngang bằng với công việc của người bình thường. Quốc gia thành viên có trách nhiệm đảm bảo rằng sự khuyết tật không bị coi là cái cớ để hạ thấp các tiêu chuẩn bảo hộ lao động hay trả lương dưới mức tối thiểu

26. Các quyền liên quan đến công đoàn (Điều 8) áp dụng bình đẳng với người lao động khuyết tật bất kể họ làm việc trong điều kiện trong nhà hay trong các điều kiện lao động thông thường. Thêm vào đó, Điều 8 cần được hiểu trong mối quan hệ với các quyền khác như quyền tự do hội họp để nhấn mạnh tầm quan trọng của quyền được thành lập các tổ chức của riêng người khuyết tật. Nếu những tổ chức này có hiệu quả trong việc "thúc đẩy và bảo vệ lợi ích kinh tế và xã hội (Điều 8(1)(a) của những người khuyết tật thì chúng cần được các cơ quan nhà nước và các cơ quan liên quan tư vấn thường xuyên về những vấn đề ảnh hưởng đến người khuyết tật. Nếu cần thiết, các tổ chức của người khuyết tật cần phải được hỗ trợ về tài chính để đảm bảo có thể tồn tại và phát triển. 

27. Tổ chức Lao động quốc tế đã xây dựng các văn kiện toàn diện và có giá trị liên quan đến các quyền về việc làm của người khuyết tật, trong đó có Công ước số 159 (1983) đề cập đến việc phục hồi nghề nghiệp và việc làm cho người khuyết tật23. Uỷ ban khuyến khích các Quốc gia thành viên phê chuẩn Công ước này.

C. Điều 9: An sinh xã hội

28. An sinh xã hội và các kế hoạch trợ cấp thu nhập có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với người khuyết tật. Như được chỉ ra trong Các quy tắc tiêu chuẩn, "Nhà nước cần đảm bảo hỗ trợ thu nhập thích đáng  cho người khuyết tật - những người do bị khuyết tật hoặc có yếu tố liên quan đến khuyết tật bị tạm thời mất việc hoặc bị từ chối cơ hội về việc làm’24. Những hỗ trợ như vậy cần phản ánh được nhu cầu trợ giúp đặc biệt và các khoản chi phí khác liên quan đến tình trạng khuyết tật. Thêm vào đó, ở mức có thể, sự hỗ trợ cũng phải giành cho các cá nhân (mà phần lớn là phụ nữ) đang phải chăm sóc ngươi khuyết tật. Những người này, kể cả những thành viên gia đình người khuyết tật có vai trò trợ giúp rất cần sự hỗ trợ tài chính25.

29.Việc đưa người khuyết tật vào các cơ sở từ thiện, trừ khi thật cần thiết, không được coi là đủ để thay thế cho quyền được hưởng an sinh xã hội và trợ cấp thu nhập của những người này.

D.  Điều 10:  Bảo vệ gia đình, bà mẹ và trẻ em

30. Trong những trường hợp liên quan người khuyết tật, Công ước yêu cầu có sự "bảo vệ và trợ giúp" cho gia đình, nghĩa là cần làm mọi việc có thể để giúp đỡ những người khuyết tật khi họ mong muốn được sống với gia đình. Theo nguyên tắc chung của luật quốc tế về quyền con người, Điều 10 về quyền được kết hôn và có gia đình cũng áp dụng cho người khuyết tật. Những quyền này trong thực tế thường bị từ chối hoặc bỏ qua, đặc biệt là trong trường hợp người khuyết tật về tâm thần"26. Trong những bối cảnh nhất định, thuật ngữ gia đình cần được giải thích một cách rộng rãi và phù hợp với phong tục của địa phương. Các Quốc gia thành viên cần đảm bảo rằng pháp luật, chính sách xã hội và thực tiễn không làm cản trở việc hiện thực hoá các quyền này. Người khuyết tật cần được tiếp cận với các dịch vụ tư vấn nhằm thực hiện quyền và nghĩa vụ của họ trong gia đình27.

31. Phụ nữ khuyết tật cũng có quyền được bảo vệ và hỗ trợ trong thời kỳ mang thai và làm mẹ. Như được chỉ ra trong các Quy tắc tiêu chuẩn, "người khuyết tật không bị từ chối cơ hội được trải nghiệm về tình dục, có quan hệ giới tính và được làm bố mẹ”28. Cần ghi nhận và khẳng định các nhu cầu và mong muốn này trong cả hai khía cạnh giải trí và sinh sản. Ở khắp nơi trên thế giới, những quyền này của cả nam và nữ khuyết tật thường bị từ chối29. Cả vấn đề triệt sản và nạo pháp thai đối với phụ nữ khuyết tật nếu không có sự đồng thuận của họ là vi phạm nghiêm trọng Điều 10 (2).

32. Trẻ em khuyết tật đặc biệt dễ bị tổn thương với nạn bóc lột, lạm dụng, bỏ mặc. Theo Điều 10 (3) của Công ước (được tái khẳng định trong các điều khoản của Công ước quyền trẻ em) những trẻ em này cần được nhận sự bảo vệ đặc biệt.

E.  Điều 11:  Quyền có mức sống tối thiểu

33. Bên cạnh nhu cầu có đầy đủ lương thực, nhà ở và các nhu cầu vật chất tối thiểu khác, người khuyết tật cũng cần được đảm bảo có "dịch vụ hỗ trợ, bao gồm cả thiết bị trợ giúp" để "giúp cho người khuyết tật tăng cường khả năng độc lập trong đời sống hàng ngày và trong việc thực hiện quyền của họ”30. Quyền có đủ quần áo cũng được coi là đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh người khuyết tật có nhu cầu đặc biệt về quần áo để có thể giúp họ tham gia đầy đủ và hiệu quả vào trong xã hội. Nếu có thể, sự trợ giúp cá nhân cũng cần được cung cấp liên quan đến vấn đề này. Sự trợ giúp này có thể được thực hiện theo cách thức và tinh thần có sự tôn trọng đầy đủ các quyền con người của cá nhân/các cá nhân liên quan. Tương tự, như đã được Uỷ ban chỉ ra trongđoạn  8 Bình luận chung số 4 (kỳ họp thứ 6, 1991), quyền có nhà ở tối thiểu bao gồm cả quyền được tiếp cận nhà ở đối với người khuyết tật.

F.  Điều 12: Quyền về sức khoẻ thể chất và tâm thần

34. Theo các Quy tắc tiêu chuẩn, "nhà nước cần đảm bảo rằng người khuyết tật, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ em, được chăm sóc y tế ở mức độ như những thành viên khác trong xã hội”31. Quyền về sức khoẻ thể chất và tinh thần cũng bao gồm quyền tiếp cận và được hưởng lợi từ các dịch vụ xã hội và y tế khác, trong đó có cả những thiết bị chỉnh hình nhằm giúp cho người khuyết tật trở nên độc lập, phòng ngừa sự khuyết tật tiếp theo và hỗ trợ họ hoà nhập vào xã hội32. Tương tự, những người này cũng cần được cung cấp dịch vụ phục hồi để họ có thể "đạt và duy trì ở mức độ tốt nhất tính độc lập và các chức năng của cơ thể”33. Tất cả những dịch vụ này cần được cung cấp theo cách thức tôn trọng đầy đủ các quyền và nhân phẩm của họ. 

G.  Điều 13 và 14: Quyền giáo dục

35. Ngày nay, các chương trình giáo dục ở nhiều quốc gia ghi nhận rằng nguời khuyết tật có thể được giáo dục tốt nhất ngay chính trong hệ thống giáo dục chung34. Vì vậy, các Quy tắc tiêu chuẩn quy định, "các nhà nước cần ghi nhận nguyên tắc bình đẳng về cơ hội giáo dục trong giáo dục tiểu học, phổ thông và đại học cho trẻ em, thanh niên và người lớn bị khuyết tật theo phương thức hoà nhập”35. Để thực hiện cách tiếp cận này, các quốc gia cần đảm bảo có một đội ngũ giáo viên được đào tạo đặc biệt để giảng dạy cho trẻ em khuyết tật trong các trường học và đảm bảo có sự hỗ trợ và những thiết bị cần thiết nhằm đưa người khuyết tật có cùng cấp độ giáo dục với những người bình thường đồng trang lứa. Đối với trường hợp trẻ em khiếm thính thì ngôn ngữ cử chỉ cần được coi là ngôn ngữ riêng biệt để trẻ em có thể tiếp cận và nhận biết những nội dung quan trọng trong môi trường xã hội.

H.   Điều 15:  Quyền được tham gia vào đời sống văn hoá và hưởng thụ các lợi ích  của tiến bộ khoa học

36.Các quy tắc tiêu chuẩn quy định, "các quốc gia cần đảm bảo cho người khuyết tật có cơ hội phát huy khả năng sáng tạo, nghệ thuật và trí tuệ của mình để không chỉ mang lại lợi ích cho chính họ mà còn đóng góp cho cộng đồng ở cả khu vực nông thôn và miền núi. Các quốc gia cần thúc đẩy cả khả năng tiếp cận và tính sẵn sàng của các địa điểm biểu diễn và dịch vụ văn hoá"36. Điều này cũng áp dụng cho cả các địa điểm giải trí, thể thao và du lịch.

37. Quyền tham gia đầy đủ vào đời sống văn hoá, giải trí của người khuyết tật đòi hỏi phải xóa bỏ những rào cản về giao tiếp với họ ở mức độ lớn nhất có thể. Các biện pháp hữu ích liên quan đến quyền này bao gồm "sử dụng sách kể chuyện, bài viết bằng ngôn ngữ đơn giản với cách trình bày và màu sắc rõ ràng cho người bị khuyết tật về tâm thần, và có các chương trình truyền hình, nhà hát cho người khiếm thính “37.

38. Để thúc đẩy sự tham gia đầy đủ vào đời sống văn hoá cho người khuyết tật, các chính phủ cần thông tin, giáo dục cho công chúng về vấn đề khuyết tật. Đặc biệt, cần có các biện pháp để xóa bỏ định kiến hay niềm tin mù quáng chống lại người khuyết tật. Chẳng hạn, quan điểm coi chứng động kinh là một hình thức khống chế tinh thần hay một trẻ em bị khuyết tật là hình thức trừng phạt đối với gia đình. Tương tự, công chúng cũng cần được giáo dục để thừa nhận rằng người khuyết tật có các quyền được đến nhà hàng, khách sạn, trung tâm giải trí, địa điểm văn hoá như bao người khác.   

 

Chú thích

1 Xem đánh giá đầy đủ về vấn đề này trong Báo cáo cuối cùng về quyền con người và vấn đề người khuyết tật do Báo cáo viên đặc biệt chuẩn bị (tài liệu mã số E/CN.4/Sub.2/1991/31).

2 Xem tài liệu mã số A/47/415, khoản 5.

3 Xemđoạn  165 Chương trình hành động quốc tế về người khuyết tật do Đại hội đồng thông qua theo Nghị quyết 37/52 ngày 3/12/1982 (khoản 1).

4 Xem Nghị quyết 1992/48 của Uỷ ban quyền con người,đoạn  4 và Nghị quyết  1993/29, khoản 7.

5 Xem tài liệu mã số A/47/415, khoản 6.

6 Quy tắc tiêu chuẩn về bình đẳng hoá cơ hội cho người khuyết tật, Phụ lục Nghị quyết 48/96 của Đại hội đồng ngày 20 /12/1993 (Phần giới thiệu, khoản 17).

7 Chương trình hành động thế giới về người khuyết tật (xem chú thích trên),đoạn  1.

8 Xem tài liệu mã số A/C.3/46/4, phụ lục I. Cũng bao gồm trong báo cáo của phiên họp quốc tế về vai trò và chức năng của Uỷ ban điều phối quốc gia về vấn đề khuyết tật ở các nước đang phát triển, Bắc Kinh ngày 5/11/1990 (CSDHA/DDP/NDC/4).  Xem thêm Nghị quyết 1991/8 của Hội đồng Kinh tế - Xã hội và Nghị quyết 46/96 ngày 16/12/1991 của Đại hội đồng.

9  Nghị quyết 46/119 ngày 17/12/1991 của Đại hội đồng, Phụ lục.

10 Những Qui tắc tiêu chuẩn (xem chú thích 6), phần giới thiệu,đoạn  15.

11 Xem tài liệu mã số A/47/415.

12 Tài liệu trên,đoạn  5.

13 Các Quy tắc tiêu chuẩn (xem chú thích 6), Quy tắc 1.

14  Chương trình hành động thế giới về người khuyết tật  (xem chú thích 3),đoạn  3.

15 Xem chú thích 8.

16  Xem tài liệu mã số A/47/415, cácđoạn  37̣,38.

17  Chương trình hành động thế giới về người khuyết tật (xem chú thích 3),đoạn  25.

18  Xem tài liệu mã số E/CN.4/Sub.2/1991/31 (chú thích 1),đoạn  140.

19  Xem tài liệu mã số A/47/415, cácđoạn  35, 46, 74 và 77.

20  Xem chú thích 9.

21  Các Quy tắc tiêu chuẩn, quy tắc  7.

22  Xem tài liệu mã số A/CONF.157/PC/61/Add.10, trang 12.

23 Xem thêm Khuyến nghị số 99 (1955) về hướng nghiệp cho người khuyết tật và khuyến nghị số 168 (1983) về hướng nghiệp và việc làm cho người khuyết tật.

24 Các Quy tắc tiêu chuẩn, Quy tắc 8,đoạn  1.

25 Xem tài liệu mã số A/47/415,đoạn  78.

26 Xem tài liệu mã số E/CN.4/Sub.2/1991/31, cácđoạn  190 và 193.

27 Xem Chương trình hành động thế giới về người khuyết tật,đoạn  74.

28 Các Quy tắc tiêu chuẩn, Quy tắc 9,đoạn  2.

29 Xem tài liệu mã số E/CN.6/1991/2, cácđoạn  14 và 59̣-68.

30  Các Quy tắc tiêu chuẩn, Quy tắc 4.

31  Tài liệu trên, Nguyên tắc 2,đoạn  3.

32 Xem Tuyên ngôn về quyền của người khuyết tật (Nghị quyết 3447́(XXX) ngày 9/12/1975 của của Đại hội đồng),đoạn  6; và Chương trình hành động thế giới về người khuyết tật, cácđoạn  95̣-107.

33 Các Quy tắc tiêu chuẩn, Quy tắc 3.

34  Xem tài liệu mã số A/47/415,đoạn  73.

35  Các Quy tắc tiêu chuẩn, Quy tắc  6.

36  Tài liệu trên, Quy tắc 10,đoạn  1̣2.

 37 Xem tài liệu mã số A/47/415,đoạn  79.

 

 


[1] Tài liệu này được xây dựng trước khi Công ước về quyền của người khuyết tật được xây dựng và thông qua. Công ước này bao gồm định nghĩa về người khuyết tật ở Điều 1 (BT).

 

Drupal theme by Adaptivethemes - Design by Kodamera