- Trang chủ-Home
- Luật QT-International Law
- Điều ước - Treaties
- Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế (UDHR)
- Các công ước chính về nhân quyền - Basic Treaties on HR
- Các ngành luật khác - other law branches
- Điều ước Việt Nam tham gia - Treaties participated by Vietnam
- Bình luận / Khuyến nghị chung - General Comments/Recommendations
- Báo cáo - Reports
- Cơ chế & Thủ tục - Mechanism & Procedure
- Án lệ - Case law
- Điều ước - Treaties
- PL Việt Nam-Vietnam Law
- NC&GD-HR Researchs
- E-Learning
- Đào tạo-Education
- Đào tạo thạc sĩ - Master Degree
- Liên hệ-Contact
CESCR - Bình luận chung số 02
Đăng bởi sonnx lúc T5, 08/25/2011 - 19:58
Ngày ban hành
20/09/1990
Văn bản tiếng Việt
Điều 22 Công ước quy định việc thiết lập một cơ chế để Hội đồng Kinh tế - Xã hội có thể tham khảo ý kiến các cơ quan có liên quan của Liên hợp quốc về bất kỳ vấn đề nào nêu ra trong các báo cáo mà các quốc gia đệ trình lên theo Công ước mà qua đó có thể hỗ trợ các cơ quan này ra các quyết định, trong phạm vi thẩm quyền của mình, về tính phù hợp của các biện pháp quốc tế nhằm góp phần vào việc thực hiện nhanh chóng và hiêu quả Công ước
1. Điều 22 Công ước quy định việc thiết lập một cơ chế để Hội đồng Kinh tế - Xã hội có thể tham khảo ý kiến các cơ quan có liên quan của Liên hợp quốc về bất kỳ vấn đề nào nêu ra trong các báo cáo mà các quốc gia đệ trình lên theo Công ước mà qua đó có thể hỗ trợ các cơ quan này ra các quyết định, trong phạm vi thẩm quyền của mình, về tính phù hợp của các biện pháp quốc tế nhằm góp phần vào việc thực hiện nhanh chóng và hiêu quả Công ước. Mặc dù theo Điều 22, trách nhiệm chính thuộc về Hội đồng Kinh tế-Xã hội, tuy nhiên Ủy ban về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa cần giữ vai trò tích cực trong việc tư vấn và hỗ trợ ECOSOC thực hiện tốt nhiệm vụ này.
2. Những khuyến nghị phù hợp với Điều 22 có thể áp dụng với "bất cứ cơ quan nào của Liên Hợp Quốc, các cơ quan trực thuộc cũng như các tổ chức chuyên môn liên quan tới việc cung cấp hỗ trợ kĩ thuật cho các quốc gia". Uỷ ban cho rằng quy định này cần được hiểu theo nghĩa là nó liên quan đến hầu như mọi tổ chức và cơ quan của Liên hợp quốc hiện đang hoạt động trong bất kỳ khía cạnh nào của hợp tác phát triển quốc tế. Vì vậy, cần thiết phải gửi những khuyến nghị được đưa ra theo Điều 22 lên Tổng thư ký, các cơ quan trực thuộc Hội đồng Kinh tế-Xã hội, chẳng hạn như Uỷ ban Quyền con người[1], Uỷ ban về Phát triển Xã hội, Uỷ ban về Vị thế của Phụ nữ và một số cơ quan khác như UNDP, UNICEF, hay các thiết chế như Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế và bất kỳ tổ chức chuyên môn nào chẳng hạn như ILO, FAO, UNESCO, WHO...
3. Những khuyến nghị theo Điều 22 có thể về các vấn đề chính sách tổng quát hoặc tập trung vào một tình hình cụ thể. Với những khuyến nghị thuộc dạng thứ nhất, nhiệm vụ chính của Uỷ ban về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa là khuyến khích, biểu dương những nỗ lực cải thiện các quyền về kinh tế, văn hóa, xã hội nằm trong khung chương trình các hoạt động hợp tác phát triển quốc tế được thực hiện bởi hoặc với sự hỗ trợ của Liên Hợp Quốc và các tổ chức chuyên môn của Liên hợp quốc. Liên quan đến việc này, Uỷ ban về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa ghi nhớ là Uỷ ban Quyền con người Liên hợp quốc, trong Nghị quyết 1989/12 ngày 2/3/1989 đã đề nghị Uỷ ban "nghiên cứu những cách thức mà qua đó các cơ quan của Liên hợp quốc đang hoạt động trên lĩnh vực phát triển có thể kết hợp một cách tốt nhất những biện pháp đã được xác định vào hoạt động của các cơ quan này nhằm thúc đẩy sự tôn trọng đầy đủ các quyền kinh tế, xã hội, văn hoá”.
4. Uỷ ban lưu ý một vấn đề thực tiễn ban đầu đó là những nỗ lực của Uỷ ban được sự hỗ trợ, và các cơ quan liên quan cũng cần được thông tin tốt hơn nếu muốn họ quan tâm nhiều hơn đến công tác của Uỷ ban. Mặc dù mối quan tâm đó có thể được thể hiện dưới nhiều cách khác thức nhau, nhưng Uỷ ban nhận thấy số đại diện của các cơ quan của Liên hợp quốc có mặt trong bốn kỳ họp đầu tiên của Uỷ ban là quá ít, thực tế chỉ có đại diện của ILO, UNESCO và WHO. Tương tự, cũng chỉ có một số ít cơ quan gửi các văn bản và tài liệu có liên quan cho Uỷ ban. Uỷ ban cho rằng cần có sự hiểu biết sâu sắc hơn về mối quan hệ giữa các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa với bối cảnh hợp tác phát triển quốc tế. Cuối cùng, những ngày thảo luận chung về một vấn đề cụ thể mà được dành ra trong mọi kỳ họp chính là bối cảnh lý tưởng để Uỷ ban và các cơ quan Liên hợp quốc tiến hành trao đổi quan điểm một cách hiệu quả.
5. Xem xét những vấn đề rộng hơn về thúc đẩy sự tôn trọng các quyền con người trong bối cảnh những hoạt động phát triển, Uỷ ban nhận thấy nỗ lực của các cơ quan Liên hợp quốc từ trước đến nay tỏ ra còn khá khiêm tốn. Tuy nhiên, trong vấn đề này, Uỷ ban ghi nhận nỗ lực của Trung tâm quyền con người và UNDP trong việc gửi thư cho các Đại diện thường trú của các quốc gia tại Liên hợp quốc và những đại diện khác của các quốc gia tại Liên hợp quốc trong đó kêu gọi họ đưa ra "những gợi ý và ý kiến tư vấn, đặc biệt liên quan đến khả năng tổ chức những hình thức hợp tác trong các dự án đang triển khai (hoặc đã được lên kế hoạch) hay trong những dự án mới nhằm đáp ứng yêu cầu cụ thể của một Chính phủ, nếu như có liên quan đến những khía cạnh của quyền con người". Uỷ ban cũng có thông tin về những nỗ lực không mệt mỏi của ILO trong việc kết hợp vấn đề quyền con người với các tiêu chuẩn lao động quốc tế trong các hoạt động hợp tác kỹ thuật của mình.
6. Có hai quy tắc chung quan trọng liên quan đến những hoạt động nêu ở trên. Quy tắc thứ nhất là hai nhóm quyền phụ thuộc lần nhau, không thể tách rời. Điều này có nghĩa là đồng thời với những nỗ lực thúc đẩy nhóm quyền này cần phải lưu ý đầy đủ đến nhóm quyền kia. Các cơ quan Liên hợp quốc tham gia vào việc thúc đẩy các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa cần cố gắng tối đa để đảm bảo rằng các hoạt động của họ hoàn toàn không làm ảnh hưởng đến việc hưởng thụ các quyền dân sự và chính trị. Trên phương diện những khía cạnh tiêu cực, các cơ quan quốc tế cần tuyệt đối tránh tham gia vào những dự án có tính chất như vậy, ví dụ như có liên quan đến việc sử dụng lao động cưỡng bức mà trái với các chuẩn mực quốc tế; hoặc đến việc đẩy mạnh hay củng cố sự phân biệt đối xử chống lại các cá nhân hay nhóm người mà trái với các quy định của Công ước; hoặc tham gia vào việc trưng dụng đất đai trên quy mô lớn mà không có các quy định về sự bảo vệ hoặc bồi thường thích đáng. Trên phương diện những khía cạnh tích cực, trong khả năng và điều kiện có thể,các cơ quan này cần ủng hộ những dự án và giải pháp mà không chỉ góp phần phát triển kinh tế hay góp phần thực hiện các mục tiêu khác đã được xác nhận một cách rộng rãi, mà còn giúp nâng cao sự hưởng thụ đầy đủ các quyền con người.
7. Quy tắc thứ hai là không phải hoạt động hợp tác phát triển nào cũng đóng góp vào việc thúc đẩy sự tôn trọng các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa. Nhiều hoạt động thực hiện dưới danh nghĩa "phát triển" nhưng sau đó cho thấy không đúng như vậy, thậm chí phản tác dụng xét theo quan điểm quyền con người. Nhằm tránh xảy ra những hiện tượng như vậy, cần xem xét lại một cách cẩn thận và chi tiết một loạt vấn đề nêu ra trong Công ước.
8. Mặc dù việc kết hợp các vấn đề quyền con người vào các hoạt động phát triển là rất quan trọng, nhưng trên thực tế những đề xuất kết hợp này thường rất chung chung. Vì vậy, nhằm khuyến khích việc hiện thực hoá nguyên tắc nêu ở Điều 22 của Công ước, Uỷ ban mong muốn các cơ quan có liên quan quan tâm đúng mức đến những biện pháp cụ thể sau đây::
(a) Các tổ chức và cơ quan liên quan của Liên hợp quốc cần xem việc thiết lập mối liên hệ mật thiết giữa các hoạt động phát triển và các nỗ lực nhằm thúc đẩy quyền con người nói chung và quyền về kinh tế, xã hội và văn hóa nói riêng như một quy tắc hoạt động của mình. Về vấn đề này, Uỷ ban lưu ý về sự thất bại của ba Chiến lược trong Thập kỷ Phát triển của Liên hợp quốc để thấy rõ mối quan hệ đó và để cảnh báo rằng chiến lựơc thứ tư mà được thông qua năm 1990 cần phải khắc phục thiếu sót này;
(b) Các cơ quan Liên hợp quốc cần xem xét đề xuất của Tổng thư ký nêu ra trong báo cáo năm 19791 rằng, cần xây dựng và thông qua ‘một tuyên bố về tác động với nhân quyền’ khi thực thi tất cả các hoạt động hợp tác phát triển chính;
(c) Công tác đào tạo hoặc định hướng cho các nhân viên làm việc trong các dự án hoặc trong các cơ quan khác của Liên hợp quốc cần bao gồm một phần về các nguyên tắc và chuẩn mực về quyền con người;
(d) Trong mỗi giai đoạn triển khai dự án, cần nỗ lực hết mức để đảm bảo rằng các quyền ghi nhận trong hai Công ước về quyền dân sự, chính trị và về quyền kinh tế, xã hội, văn hóa đều được xem xét thấu đáo. Ví dụ, việc này có thể áp dụng trong hoạt động đánh giá ban đầu về những nhu cầu ưu tiên của một quốc gia nhất định, hay trong việc xác định các dự án cụ thể, trong việc thiết kế, thực hiện dự án và kể cả trong việc đánh giá cuối cùng dự án.
Ghi chú
1 Khía cạnh quốc tế của quyền phát triển như là một quyền con người trong mối quan hệ với các quyền con người khác dựa trên hợp tác phát triển, bao gồm cả quyền được sống trong hoà bình với sự lưu lưu ý đến những yêu cầu của trật tự kinh tế mới và những nhu cầu thiết yếu của con người (tài liệu mã số E/CN.4/1334, trang 314).
[1] Hiện Ủy ban này đã được thay thế bằng Hội đồng Quyền con người của Liên hợp quốc (BT).