- Trang chủ-Home
- Luật QT-International Law
- Điều ước - Treaties
- Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế (UDHR)
- Các công ước chính về nhân quyền - Basic Treaties on HR
- Các ngành luật khác - other law branches
- Điều ước Việt Nam tham gia - Treaties participated by Vietnam
- Bình luận / Khuyến nghị chung - General Comments/Recommendations
- Báo cáo - Reports
- Cơ chế & Thủ tục - Mechanism & Procedure
- Án lệ - Case law
- Điều ước - Treaties
- PL Việt Nam-Vietnam Law
- NC&GD-HR Researchs
- E-Learning
- Đào tạo-Education
- Đào tạo thạc sĩ - Master Degree
- Liên hệ-Contact
Chuyên đề 28
Đăng bởi honeyquyen lúc T5, 10/13/2011 - 19:31
Tên tiếng Anh
“The Impact of Mercenary Activities on the Right of Peoples to Self-Determination” (Fact Sheet No.28)
Văn bản tiếng Anh
CHUYÊN ĐỀ 28
ẢNH HƯỞNG TỪ HOẠT ĐỘNG CỦA LÍNH ĐÁNH THUÊ
ĐỐI VỚI QUYỀN TỰ QUYẾT CỦA CÁC DÂN TỘC
Các hoạt động đánh thuê là trái với các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế... và cản trở nghiêm trọng quá trình tự quyết của các dân tộc.
(Nghị quyết 1987/16 của Uỷ ban Quyền con người
chỉ định báo cáo viên đặc biệt về vấn đề lính đánh thuê)
Giới thiệu
Hơn 20 năm qua, Đại hội đồng Liên hợp quốc, Hội đồng Bảo an, ECOSOC và Uỷ ban Quyền con người đã thông qua hàng trăm nghị quyết lên án các hoạt động đánh thuê và những người sử dụng lính đánh thuê. Một dấu mốc quan trọng đạt được vào năm 1989 là việc Đại hội đồng thông qua Công ước về chống việc tuyển mộ, sử dụng, tài trợ và đào tạo lính đánh thuê(1). Tổ chức thống nhất châu Phi (OAU) đã tích cực thông qua nhiều nghị quyết về vấn đề này và năm 1977 đã thông qua Công ước của OAU về xóa bỏ việc sử dụng lính đánh thuê ở châu Phi(2).
Vấn đề lính đánh thuê trở thành chủ đề nổi bật trên các diễn đàn quốc tế kể từ khi Hiến chương năm 1945 của Liên hợp quốc được thông qua, khi việc sử dụng lính đánh thuê làm nảy sinh các vấn đề cơ bản thu hút sự chú ý cộng đồng quốc tế, đó là: bình đẳng chủ quyền, độc lập về chính trị và toàn vẹn lãnh thổ của các nhà nước, không sử dụng vũ lực trong các quan hệ quốc tế, quyền tự quyết của các dân tộc, Quyền con người, và cách ứng xử trong những tình huống xung đột vũ trang hoặc bạo lực có tổ chức. Bởi vậy, vấn đề này đụng chạm đến sự nhạy cảm của các quốc gia ở nhiều cấp độ khác nhau, không loại trừ khu vực nào của thế giới.
Vấn đề lính đánh thuê cũng là mối quan tâm của các phương tiện truyền thông và nhận thức về vấn đề này còn nhiều sai lầm mang tính phổ biến. Tài liệu chuyên đề này giới thiệu khái quát về hiện tượng lính đánh thuê, trong đó tập trung vào sự ảnh hưởng của nó đối với quyền tự quyết của các dân tộc, và xem xét những nỗ lực để luật quốc tế có thể điều chỉnh các hoạt động của lính đánh thuê.
I. Hiện tượng lính đánh thuê
A. Quyền tự quyết dân tộc là gì?
Điều 1 Hiến chương Liên hợp quốc quy định rằng một trong những mục đích của Liên hợp quốc là “phát triển các mối quan hệ thân thiện giữa các quốc gia dựa trên sự tôn trọng nguyên tắc về các quyền bình đẳng và tự quyết của các dân tộc”. Năm 1966, nguyên tắc này đã được ghi nhận là một Quyền con người trong Điều 1 của hai Công ước quốc tế về Quyền con người năm 1966(2a). Phạm vi cụ thể và tính chất của quyền tự quyết của các dân tộc hiện vẫn là chủ đề của nhiều cuộc tranh luận, cả về mặt khoa học và chính trị, nhưng ý nghĩa của nó trong bối cảnh của các hoạt động đánh thuê đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc và Uỷ ban Quyền con người xác định rõ trong các nghị quyết về Tuyên ngôn năm 1970 về các nguyên tắc của luật quốc tế liên quan đến các mối quan hệ và hợp tác thân thiện giữa các quốc gia. Bản Tuyên ngôn này được thông qua mà không có phiếu chống nào, bởi vậy có giá trị đặc biệt. Liên quan đến nguyên tắc về các quyền bình đẳng và tự quyết của các dân tộc, Tuyên ngôn quy định rằng: “...tất cả các dân tộc có quyền tự do quyết định thể chế chính trị và theo đuổi sự phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội của dân tộc mình mà không có sự can thiệp từ bên ngoài, và tất cả các quốc gia có nghĩa vụ tôn trọng quyền này phù hợp với các quy định của Hiến chương”(3).
B. Lính đánh thuê là gì?
Việc sử dụng lính đánh thuê diễn ra ở mọi khu vực trên thế giới. Lính đánh thuê xuất thân từ nhiều nước và hoạt động ở bất cứ nơi nào mà những người sử dụng họ phái đến. Mặc dù về cơ bản nghề nghiệp của họ gắn với lục địa châu Phi, nhưng trong những năm gần đây, lính đánh thuê đã xuất hiện ở nhiều khu vực như châu Á, vùng Ban Căng, Cáp-ca, Trung Mỹ và Nam Phi.
Có nhiều nỗ lực đưa ra để định nghĩa lính đánh thuê dưới góc độ pháp lý (xem chương II, mục A), nhưng ở mức độ chung nhất có thể hiểu lính đánh thuê là những người lính để cho thuê. Thay vì chiến đấu vì đất nước mình, họ được yêu cầu phục vụ các chính phủ và các nhóm ở các nước khác để nhận tiền. Nhiều “soldiers of furtune”(4) khẳng định họ chiến đấu không vì động cơ lợi nhuận mà vì những mục tiêu khác như lòng vị tha, các mục đích lý tưởng hay tôn giáo, nhưng thực tế họ vẫn là những người được thuê - vì một khoản thù lao - để chiến đấu hoặc tiến hành tấn công một nước hoặc trong những cuộc xung đột không phải ở nước mình.
Bối cảnh lịch sử
Lính đánh thuê không phải là hiện tượng mới mà đã tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau từ thời xa xưa. Hình ảnh của họ không phải ở thời điểm nào cũng xấu xa như trong những tuyên bố gần đây của cộng đồng quốc tế - sự thay đổi không chỉ bắt nguồn về quan niệm của dư luận hay quốc tế và việc Hiến chương của Liên hợp quốc ngăn cấm việc phát động chiến tranh, mà còn bởi vì có sự đa dạng trong nhận thức về vấn đề như thế nào có thể bị coi là các hành vi phạm tội.
Những thay đổi về thái độ đối với lính đánh thuê có xu hướng xảy ra đồng thời với những thay đổi về hình thức cai trị và tổ chức xã hội và với những nguyên tắc điều chỉnh các mối quan hệ giữa các nước có chủ quyền. Vào những thế kỷ 12 và 13, quân đội của các vua chúa phong kiến khi tham gia các cuộc chiến tranh vệ quốc hoặc xâm lăng nói chung đều bao gồm hoặc có sự bổ sung nguồn nhân lực từ những người lính đánh thuê. Với sự ra đời của nguyên tắc quân chủ ở các thế kỷ 15 và 16, các triều đại vua chúa và quý tộc đã dựa vào những người lính đánh thuê để củng cố nhà nước. Vào những thế kỷ 17 và 18, sự ra đời của chủ nghĩa dân tộc đã dẫn đến việc hình thành những lực lượng quân đội là công dân của Nhà nước, và bởi vậy những người lính đánh thuê trở lên không còn cần thiết nữa. Hơn nữa, với sự ra đời của luật về sự trung lập, một nước mà miễn cưỡng bị lôi kéo vào những cuộc xung đột với các nước khác có nghĩa vụ phải ngăn cản các công dân của mình trợ giúp cho các bên tham chiến. Kết quả là các hoạt động của lính đánh thuê bắt đầu bị phản đối, thái độ phản đối này sau đó được ủng hộ thêm bởi việc thông qua Hiến chương của Liên hợp quốc đề cập đến việc tiến hành chiến tranh bất hợp pháp.(5)
Vai trò mới của lính đánh thuê xuất hiện trong bối cảnh phi thực dân hóa vào những năm 1960 khi họ được thuê để chiến đấu chống lại các phong trào giải phóng dân tộc và cản trở việc thực hiện quyền tự quyết của các dân tộc còn nằm dưới sự thống trị của thực dân. Lính đánh thuê cũng được sử dụng ở giai đoạn sau khi các nước đó giành được độc lập, để làm mất ổn định các chính phủ mới. Thông thường trong trường hợp này lính đánh thuê chiến đấu cùng với các nhóm vũ trang đối lập và được gọi là đồng minh. Những thực tế này được cho là không thể chấp nhận được và bị lên án rộng rãi bởi các tổ chức của Liên hợp quốc.
Giai đoạn hậu Chiến tranh Lạnh đã chứng kiến sự xuất hiện trở lại của các nhóm lính đánh thuê mới và các loại hoạt động đánh thuê mới. Các cuộc xung đột được kích động bởi sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc cực đoan và sự thiếu khoan dung về tôn giáo và dân tộc. Hơn nữa, sự giảm đi những bất đồng tư tưởng đã làm giảm mối lo ngại của các cường quốc khi mở rộng ảnh hưởng ra ngoài lãnh thổ và bởi vậy các cường quốc sẵn sàng gia tăng các hoạt động ở bên ngoài, đặc biệt là liên quan đến các lực lượng quân sự. Điều này đã tiếp thêm sức sống cho thị trường của dịch vụ lính đánh thuê. Một hiện tượng mới và sôi động là các lực lượng an ninh tư nhân và các công ty trợ giúp quân sự đã chuyển nhượng nhiều loại dịch vụ an ninh. Trong lúc một số những dịch vụ này không bị phản đối, ví dụ như các dịch vụ bảo vệ cho các khu nhà tư nhân hay công sở, thì các dịch vụ khác có thể liên quan đến việc thuê các lực lượng quân sự chuyên nghiệp để tham gia chiến đấu nhân danh khách hàng.
Ai sử dụng lính đánh thuê và tại sao?
Lính đánh thuê được chuẩn bị để chiến đấu cho một bên vì bất cứ lý do gì và có thể được tuyển mộ bởi các chính phủ, các nhóm đối lập, các phong trào kháng chiến trong nước hoặc các tổ chức tội phạm. Lính đánh thuê ngày càng có liên hệ với các nhóm buôn bán ma túy, vũ khí, khoáng sản và buôn người.
Lính đánh thuê về cơ bản là một lực lượng chiến đấu có hiệu suất quân sự lớn hơn so với các lực lượng quân sự chính quy - và là lực lượng không bị ràng buộc hay giới hạn bởi các nguyên tắc của luật quốc tế, kể cả liên quan đến luật quốc tế về quyền con người và Luật Nhân đạo quốc tế. Điều này là “tài sản” giá trị đối với sự vô nguyên tắc, bởi vì các lực lượng chính quy không được thực hiện các mệnh lệnh trái với Luật Nhân đạo quốc tế. Các nước và các lực lượng khác sử dụng lính đánh thuê nhằm bảo toàn tính mạng lực lượng của mình, khai thác tính chuyên nghiệp quân sự, hiệu quả, kinh nghiệm, sự thiếu kiềm chế của lính đánh thuê và che đậy sự dính líu của họ vào các cuộc xung đột.
Một số yếu tố được nhận biết cho thấy xu hướng thu hút lính đánh thuê từ một nước hay khu vực(6). Xung đột vũ trang, cả nội chiến và có tính chất quốc tế, là yếu tố cơ bản, nhưng còn những yếu tố liên quan bao gồm sự bất ổn định về chính trị, kinh tế và những lợi ích của bên thứ ba. Sự bất ổn định chính trị trong thời gian dài thúc đẩy sự xuất hiện các nhóm vũ trang đối lập, khiến cho các đảng phái chính trị và các lực lượng vũ trang có xu hướng thiên về sử dụng các biện pháp quân sự để giải quyết tranh chấp. Sự bất ổn chính trị cũng hối thúc các nhà lãnh đạo không vững vàng tuyển dụng các lực lượng quân sự để bảo vệ mình. Những yếu tố này trở lên tồi tệ hơn bởi sự theo đuổi các chính sách phân biệt chủng tộc làm gia tăng sự chia rẽ giữa các nhóm. Trên phương diện kinh tế, sự bất ổn về tài chính và nghèo đói, cả ở những nước thuê lính đánh thuê và những nước có lính đánh thuê, đã kích động bạo động xã hội, đặc biệt là trong giới trẻ, và làm cho việc tham gia lính đánh thuê trở thành sự lựa chọn có tính hấp dẫn. Những yếu tố khác liên quan đến một số lý do kinh tế, bao gồm việc những người trong lực lượng quân sự tự cho là bị thất nghiệp do kết quả của việc giải ngũ và giảm quy mô các lực lượng vũ trang của quốc gia. Lợi ích của bên thứ ba thường thể hiện một cách nổi bật, đặc biệt là dưới góc độ tài chính. Kinh doanh lính đánh thuê là hoạt động sinh lợi cho cả những người tuyển mộ, những người cung cấp nhân lực, và kể cả các nhà lãnh đạo quân sự, tất cả những người này đều được hưởng lợi từ việc kéo dài xung đột. Các công ty xuyên quốc gia, đặc biệt là những công ty liên quan đến khai thác các nguồn tài nguyên có thể còn khuyến khích sự hiện diện của lính đánh thuê, sử dụng lính đánh thuê để bảo vệ các cơ sở của mình hoặc ủng hộ các nhóm vũ trang phục vụ tốt nhất cho các lợi ích của công ty mình.
C. Các hoạt động của lính đánh thuê ảnh hưởng đến quyền tự quyết của các dân tộc như thế nào?
Lính đánh thuê hoạt động trong ba bối cảnh: các cuộc xung đột vũ trang có tính quốc tế, bao gồm cả các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc; các cuộc xung đột vũ trang trong nước và trong tình huống không có xung đột vũ trang.
Các tình huống xung đột vũ trang
Lính đánh thuê trong các cuộc xung đột vũ trang có tính quốc tế có xu hướng hoặc chiến đấu cho một hay các bên tham chiến mà họ không phải là công dân, hoặc can thiệp để ủng hộ một bên tham chiến theo yêu cầu của bên thứ ba. Trong quá khứ, điều này cơ bản diễn ra trong bối cảnh phi thực dân hóa nhưng cũng diễn ra ở những nước tan rã theo các trào lưu dân tộc dẫn đến các cuộc chiến tranh liên tiếp sau khi giành được độc lập.
Trong bối cảnh phi thực dân hóa, lính đánh thuê nói chung được sử dụng bởi các nước thực dân để cản trở khát vọng của các phong trào giải phóng dân tộc đòi quyền độc lập, tự quyết. Khi nền độc lập của các nước này đã đạt được, lính đánh thuê tiếp tục được sử dụng để ủng hộ các nhóm vũ trang đối lập với chính phủ độc lập mới và khuyến khích sự ly khai. Lính đánh thuê cũng đã từng được sử dụng để hậu thuẫn cho chính sách phân biệt chủng tộc và Apartheid. Nhiệm vụ của lính đánh thuê bao gồm cả việc can thiệp vào chủ quyền, chiếm đóng các vùng lãnh thổ và hợp tác với các nhóm vũ trang nhằm lật đổ các chính phủ độc lập hợp pháp. Việc tuyển dụng lính đánh thuê để cản trở hay trì hoãn sự độc lập từ các nước thuộc địa đôi khi được thúc đẩy bởi các mục tiêu kinh tế hay các mục tiêu chiến lược hoặc nhằm cản trở việc thành lập một chính phủ với các quan điểm tư tưởng khác nhau. Cho dù với lý do gì, kết quả đều dẫn đến sự cản trở đối với quyền tự quyết của các dân tộc và điều này là trái với các nguyên tắc của luật quốc tế, kể cả các nguyên tắc dựa trên sự lên án chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa chủng tộc và sự thống trị của ngoại bang.
Trong các cuộc xung đột trong nước, các nước thứ ba có thể viện đến hoạt động của lính đánh thuê để theo đuổi mục tiêu can thiệp. Lính đánh thuê có thể được sử dụng để kích động hoặc khuyến khích xung đột vũ trang nhằm lật đổ chính phủ hiện tại. Lính đánh thuê có thể được trả tiền để chiến đấu cùng các nhóm đối lập mà không đại diện cho các quan điểm của đa số dân chúng và bởi vậy không thể đòi hỏi được công nhận có địa vị là các phong trào giải phóng dân tộc mà có quyền dân tộc tự quyết. Chúng có thể còn được các chính phủ sử dụng do có sự đe dọa của các nhóm đối lập hoặc bởi chính các nhóm đối lập.
Cho dù tính chất xung đột thế nào, vấn đề cho thấy là trong khi lính đánh thuê có thể chứng minh tính hiệu quả trong việc kiểm soát các lực lượng đối lập, thì sự can dự của chúng khiến cho xung đột có xu hướng leo thang hoặc ít ra là làm kéo dài chiến tranh, bởi vậy, không chỉ duy trì tình trạng không hợp pháp theo Hiến chương của Liên hợp quốc mà trong một số trường hợp còn phá hoại sự toàn vẹn về lãnh thổ và chính trị của một hay nhiều nước liên quan và sau đó là quyền tự quyết của các dân tộc ở đó.
Các tình huống khác
Trong bối cảnh không có xung đột, lính đánh thuê có xu hướng được sử dụng nhằm làm mất ổn định một chính phủ hợp hiến, thông thường là theo yêu cầu của một thế lực thứ ba đang theo đuổi những lợi ích của mình. Loại can thiệp này có thể diễn ra dưới hình thức chiến dịch phối hợp bạo động trong một thời kỳ dài hoặc nỗ lực lật đổ chính phủ bằng hoạt động đảo chính.
Các chiến dịch bạo động có thể bao gồm những hành động phá hoại cơ sở hạ tầng, ám sát các quan chức nhà nước và đe dọa dân chúng, hoặc những hoạt động khác nhằm làm suy yếu năng lực phát triển của nhà nước và người dân. Các thủ đoạn khủng bố như vậy có thể còn cản trở người dân bỏ phiếu tự do trong việc thực hiện các quyền dân sự và chính trị của mình. Các nhóm thực hiện khủng bố theo cách này không thể được coi là các phong trào giải phóng dân tộc bởi lẽ mục tiêu của chúng là làm mất ổn định các chính phủ hợp pháp đi ngược với ý chí của nhân dân. Các thành viên của các phong trào giải phóng dân tộc không thể biện hộ cho sự tham gia của mình vào các hoạt động đánh thuê ở các nước thứ ba với lý do rằng những kết quả tương lai sẽ có lợi cho sự nghiệp dân tộc. Lập luận như vậy cũng không thể biện minh cho việc sử dụng các biện pháp trái pháp luật.
Những cuộc đảo chính do lính đánh thuê thực hiện, ngay cả khi thất bại, có thể có làm tổn hại đến cơ sở hạ tầng và sự phát triển kinh tế của các nhà nước, cũng như sự toàn vẹn lãnh thổ. Ví dụ, khi cơ sở hạ tầng của một nước nhỏ phụ thuộc vào du lịch bị phá hủy, thì toàn bộ nền kinh tế sẽ bị suy kiệt, không chỉ bởi chi phí cho việc tái thiết mà còn bởi việc làm cạn kiệt các nguồn thu nhập chính của nước đó. Hơn nữa, các nước là nạn nhân của đảo chính sau khi vượt qua được tai nạn này thường có xu hướng đầu tư nâng cao tiềm lực quân sự của mình, do đó phải điều chỉnh các nguồn lực từ các dịch vụ công và vì vậy sẽ làm giảm tốc độ phát triển.
Trong bối cảnh không có xung đột, còn có những hoạt động đánh thuê khác được tiến hành theo mệnh lệnh của các tổ chức tội phạm, đặc biệt là những kẻ buôn bán ma tuý, vũ khí, hoặc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em. Mặc dù trong các kế hoạch của những kẻ chủ mưu những việc này không dự định làm mất ổn định một chính phủ, nhưng trong thực tế việc nảy sinh tội phạm có tổ chức làm gia tăng mức độ bạo lực trong xã hội và ảnh hưởng đến pháp chế của nhà nước. Đại hội đồng Liên hợp quốc đã đưa ra cảnh báo về loại câu kết này ngay từ đầu năm 1989.(7)
Những khu vực cụ thể đáng quan ngại
Các nước nhỏ
Cả Đại hội đồng Liên hợp quốc(8) và Báo cáo viên đặc biệt của Uỷ ban Quyền con người về vấn đề lính đánh thuê(9) đều thể hiện sự quan ngại đặc biệt về tình hình của các nước nhỏ, đặc biệt là các đảo quốc nhỏ mà về tự nhiên hầu như dễ bị tấn công. Đại hội đồng Liên hợp quốc cho rằng các nước đó có thể có “nhu cầu đặc biệt về quyền về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ mà cần phải chia sẻ với tất cả các nước”.(10) Các nước gần với những khu vực xung đột hoặc có tầm quan trọng về kinh tế hay chiến lược với các bên thứ ba hầu như đều có thể gặp rủi ro. Một số nước là nước yếu và bởi vậy dễ bị tổn hại trước việc sử dụng lính đánh thuê để làm bất ổn định chính phủ mà xuất phát cả các chính sách bành trướng của nước khác và những âm mưu từ bên trong. Các nước này có ít hoặc không có nguồn lực quân sự, trong khi nhiều nước sở hữu các nguồn tự nhiên có giá trị thường bị các bên thứ ba nhòm ngó. Không chỉ các nước nhỏ dễ bị tấn công mà chi phí cho việc khắc phục thiệt hại gây ra bởi lính đánh thuê đã đặt nền kinh tế của các nước đó vào trạng thái căng thẳng nghiêm trọng bởi vì các nguồn lực của họ có xu hướng tập trung vào một số khu vực có hiệu quả, chẳng hạn như du lịch hoặc khai khoáng.
Các công ty trợ giúp quân sự và an ninh tư nhân
Về cơ bản, các công ty trợ giúp quân sự và an ninh tư nhân có thể can thiệp vào quyền tự quyết dân tộc theo hai cách. Các công ty này đồng ý tham gia vào cuộc chiến can thiệp vào các vấn đề nội bộ của một nước theo cách thức giống như lính đánh thuê, tuy nhiên, việc này có thể chất gánh nặng tài chính trong thời gian dài cho chính phủ thuê chúng và do vậy làm giảm khả năng thúc đẩy sự phát triển.
Những nước có nguồn tài nguyên thiên nhiên có giá trị đã cung cấp cơ sở cho một phần đáng kể hoạt động của các công ty an ninh tư nhân. Trong nhiều trường hợp, một nước mất sự kiểm soát đối với các nguồn tài nguyên đó hoặc không thể khai thác chúng do xung đột nội bộ đã sử dụng các công ty an ninh tư nhân để trợ giúp trong việc giành lại sự kiểm soát những nguồn tài nguyên này. Nhưng bởi vì các nước liên quan thường nhỏ và kém phát triển về kinh tế, nên các nước này có thể đồng ý thanh toán một phần khoản nợ với các công ty an ninh tư nhân dưới hình thức nhượng quyền khai thác các nguồn tài nguyên. Viện trợ phát triển hoặc vốn vay cũng có thể được sử dụng cho mục đích trả nợ này. Những nguồn tài nguyên được nhượng quyền sau đó được khai thác bởi các công ty mẹ hay công ty con mà nắm giữ quan trọng trong đời sống kinh tế của nước có liên quan.
Ở góc độ can thiệp, vấn đề trở lên phức tạp khi các công ty trợ giúp quân sự hay công ty an ninh tư nhân được các nhà nước thuê để dập tắt xung đột trong lãnh thổ của mình. Các công ty đó tuyên bố rằng chúng có thể giúp đỡ nước có liên quan lập lại an ninh và hòa bình. Trong lúc có một số bằng chứng về khả năng của các công ty có thể dập tắt xung đột trong thời gian ngắn, thì thực tế là những công ty này không thể giải quyết được những nguyên nhân nền tảng của xung đột và đưa ra những giải pháp có tính dài hạn. Khi các công ty đó rời đi, xung đột có thể bùng phát trở lại, và đặc biệt là sự xuất hiện của các công ty đó có thể làm chệch hướng những nỗ lực từ bàn đàm phán. Nếu các công ty đó quay ở lại, chúng đặt ra gánh nặng tài chính không thể chịu nổi đối với chính phủ có liên quan. Trong bất cứ trường hợp nào, việc chấm dứt xung đột không phải là lợi ích của các công ty đó vì chấm dứt xung đột có nghĩa là họ hết việc làm. Một ảnh hưởng khác có thể xảy ra đó là các công ty này có thể làm nản lòng những lực lượng quân sự của quốc gia, những lực lượng nhìn nhận các công ty đó như là lời nhắc nhở về khả năng yếu kém của họ, và làm cho các lực lượng đó tách rời hơn với chính phủ của họ. Sự oán giận trong các lực lượng quân sự thậm chí có thể thúc đẩy đảo chính trong nước.
Đại hội đồng Liên hợp quốc đã khẳng định rằng:
Bất kể cách thức sử dụng lính đánh thuê nào, bất kể hình thức nào mà chúng thể hiện để đạt được vẻ bề ngoài hợp pháp, thì chúng vẫn là sự đe dọa đối với hòa bình, an ninh và quyền tự quyết của các dân tộc và là sự trở ngại cho việc hưởng thụ các quyền con người của các dân tộc.(11)
II. Nhận xét về hiện tượng lính đánh thuê
A. Các vấn đề pháp lý
Có một số khó khăn nảy sinh khi nỗ lực giải quyết tình trạng lính đánh thuê mà hiện vẫn chưa được giải quyết một cách hoàn toàn.
Định nghĩa lính đánh thuê
Trong bất cứ lĩnh vực pháp luật nào có thể áp dụng đối với một nhóm hay một loại cá nhân, những cá nhân liên quan phải được nhận biết một cách dễ dàng để các nước biết ai chịu trách nhiệm để truy tố. Một định nghĩa đòi hỏi phải nhận biết không chỉ những người thuộc nhóm mà còn cả những người nằm ngoài phạm vi của nó. Nhưng để có một định nghĩa chính xác và đầy đủ thì vấn đề khó khăn hơn là phải xác định liệu một người có đáp ứng được những đòi hỏi đặt ra hay không. Bởi vậy, việc đưa ra một định nghĩa cân bằng và có tính khả thi về lính đánh thuê là một thách thức lớn.
Ngăn cấm hay điều chỉnh?
Lính đánh thuê được định nghĩa là bất hợp pháp, nhưng bởi thực tế cho thấy sự tồn tại của lính đánh thuê cấu thành hành vi phạm tội, hay sự bất hợp pháp của lính đánh thuê được xác định dựa trên các hoạt động mà chúng dính líu vào? Liệu có một số loại hoạt động của lính đánh thuê có thể được cho là hợp pháp? Việc quyết định khi nào cấm hoàn toàn hoạt động lính đánh thuê hay tập trung vào việc quy định về các hoạt động của chúng phụ thuộc vào câu trả lời đối với những câu hỏi này và những câu hỏi tương tự.
Hành vi phạm tội thông thường hay đặc biệt?
Một người là lính đánh thuê hoặc tham gia các hoạt động đánh thuê có cấu thành hành vi phạm tội đặc biệt, hoặc liệu có đầy đủ cơ sở để viện dẫn các hành vi phạm tội của lính đánh thuê như giết người, tàn sát, gây thiệt hại có tính tội phạm, khủng bố hoặc lạm dụng vũ khí để trừng phạt những hành vi ứng xử bất hợp pháp của họ?
Quy trách nhiệm
Ai phải chịu trách nhiệm đối với các hoạt động của lính đánh thuê - chính những người đánh thuê hay những người tuyển dụng, sử dụng, tài trợ và đào tạo họ? Báo cáo viên đặc biệt về vấn đề lính đánh thuê nhận diện ba hình thức tổ chức hoạt động lính đánh thuê: bởi một cá nhân, bởi một tổ chức tư nhân và bởi một Nhà nước.(12) Trong trường hợp thứ ba, trách nhiệm của nhà nước được xác định ở mức độ nào? Có phải nhà nước chỉ có nghĩa vụ thụ động là kiềm chế việc tuyển dụng hoặc ủng hộ các hoạt động đánh thuê hoặc bao gồm cả nghĩa vụ chủ động là phải ngăn ngừa chúng?
Những câu hỏi này và những câu hỏi phức tạp khác hiện đang được thảo luận bởi đại diện các Nước và các chuyên gia nhằm xác định một khuôn khổ pháp lý để kiểm soát lính đánh thuê và các hoạt động của chúng.
B. Khuôn khổ pháp lý
1. Pháp luật về sự trung lập
Khi có xung đột quân sự diễn ra giữa hai hay nhiều nước, các nước khác có thể lựa chọn việc ủng hộ một bên tham chiến hoặc có thể giữ sự trung lập. Địa vị trung lập bao gồm các quyền và nghĩa vụ cụ thể được điều chỉnh bởi pháp luật quốc tế về sự trung lập.(13) Giả thuyết cơ bản của pháp luật quốc tế về sự trung lập là nước trung lập phải không tiến hành, hoặc cho phép tiến hành trên lãnh thổ của mình, bất cứ biện pháp nào mà tạo sự ủng hộ cho một bên xung đột để đổi lại việc được miễn trừ từ các hành động thù địch của các bên tham chiến chống lại lãnh thổ hoặc công dân của nước mình.
Điều 4 Công ước La Hay V năm 1907 liên quan đến các quyền và nghĩa vụ của các nước và cá nhân trung lập trong trường hợp chiến tranh trên bộ có liên quan đặc biệt đến vấn đề lính đánh thuê. Điều này quy định rằng “các lực lượng tham chiến không thể được xây dựng và tuyển mộ công khai trên lãnh thổ của một nước trung lập để trợ giúp các bên”. Bởi vậy, nước trung lập phải có nghĩa vụ ngăn ngừa các hoạt động đó diễn ra trên lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, nước trung lập không phải chịu trách nhiệm khi các cá nhân dọc theo biên giới của nước mình đồng ý phục vụ các bên tham chiến.
Công ước La Hay V được cho là có tính chất của luật tập quán, có nghĩa là có thể áp dụng cho tất cả các nước. Điều 4 ấn định nghĩa vụ đối với các nước trung lập phải ngăn ngừa việc hình thành các nhóm đánh thuê trên lãnh thổ của mình nhằm can thiệp vào xung đột vũ trang mà họ đã chọn vị thế trung lập. Nếu các nước trung lập không thực hiện như vậy sẽ vi phạm các nghĩa vụ theo luật quốc tế.
2. Hiến chương của Liên hợp quốc
Hiến chương năm 1945 là văn kiện cơ bản của Liên hợp quốc. Hiến chương quy định nhiệm vụ và thẩm quyền của các cơ quan chính và đưa ra mục đích và các nguyên tắc của Tổ chức Liên hợp quốc. Điều 2, đoạn 4 quy định rằng, trong các quan hệ quốc tế, tất cả các nước thành viên phải kiềm chế đe dọa hoặc sử dụng vũ lực chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của một nước, hoặc các biện pháp khác không phù hợp với mục đích của Liên hợp quốc.
Quy định này đặc biệt cấm việc sử dụng vũ lực bởi một nước này chống lại nước khác, ngoại trừ trong những trường hợp thật đặc biệt được giải thích rõ ràng trong Hiến chương (các biện pháp tự vệ và các biện pháp vũ lực được Hội đồng Bảo an phê chuẩn). Việc sử dụng lính đánh thuê để sử dụng vũ lực chống lại nước khác thuộc phạm vi của điều cấm này.
3. Các nghị quyết của Đại hội đồng và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc
Đại hội đồng và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua nhiều nghị quyết lên án việc sử dụng lính đánh thuê và nêu ra địa vị của chúng. Mặc dù các nghị quyết này không có tính ràng buộc về mặt pháp lý như các điều ước, nhưng theo Điều 25 Hiến chương thì các quốc gia thành viên Liên hợp quốc phải tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an. Các nghị quyết của Đại hội đồng không có hiệu lực ràng buộc chính thức nhưng chúng được thông qua bởi sự bỏ phiếu của các nước thành viên và bởi vậy đại diện cho quan điểm của cộng đồng quốc tế. Chúng cũng được cho là có tính chất của luật tập quán.
Cả Đại hội đồng và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã lên án việc sử dụng lính đánh thuê như là một hình thức can thiệp từ bên ngoài vào các vấn đề nội bộ của các nước, với mục tiêu làm mất ổn định và vi phạm sự toàn vẹn lãnh thổ, độc lập và chủ quyền của các nước đó.(14) Đại hội đồng đã tăng cường các thuật ngữ lên án của mình theo thời gian, theo đó để không chỉ xác định một nhiệm vụ có tính thụ động là phải kiềm chế tổ chức và khuyến khích tổ chức hoạt động lính đánh thuê để tấn công vào lãnh thổ của nước khác,(15) mà còn cả nghĩa vụ chủ động là phải “ngăn ngừa việc huấn luyện, tài trợ và tuyển mộ lính đánh thuê trên lãnh thổ nước mình, hoặc gửi lính đánh thuê đến lãnh thổ của nước khác và từ chối các điều kiện thuận lợi, kể cả việc tài trợ tài chính, để trang bị và cho lính đánh thuê quá cảnh”.(16) Đại hội đồng cũng đã lên án việc sử dụng lính đánh thuê và việc tiến hành đánh thuê, xác định việc sử dụng lính đánh thuê chống lại các phong trào giải phóng dân tộc là tội phạm và coi lính đánh thuê là những kẻ phạm tội cần bị trừng phạt.(17) Đại hội đồng tiếp tục kêu gọi các Nước thông qua các văn bản pháp luật xác định việc tuyển mộ, tài trợ và huấn luyện lính đánh thuê trong lãnh thổ của mình và việc quá cảnh lính đánh thuê qua lãnh thổ của mình là hành vi phạm tội cần bị trừng phạt, và cấm công dân của mình phục vụ như lính đánh thuê.(18)
4. Pháp luật quốc tế về xung đột vũ trang
Pháp luật quốc tế về xung đột vũ trang, thường được đề cập là Luật Nhân đạo quốc tế, là một ngành luật quốc tế quy định việc ứng xử trong bối cảnh xung đột vũ trang.(19) Mục đích của nó là giảm thiểu những thiệt hại và ảnh hưởng tiêu cực của các cuộc xung đột; việc áp dụng nó không phụ thuộc vào nguyên nhân, mục đích hay tính hợp pháp của xung đột. Pháp luật quốc tế về xung đột vũ trang được chia thành hai dòng chính: các nguyên tắc liên quan đến việc tiến hành hoạt động chiến sự và các nguyên tắc quy định việc bảo vệ những người không tham chiến và những người tham chiến bị bắt giữ hoặc đầu hàng. Ngành luật này chỉ được áp dụng trong tình huống có xung đột vũ trang.
Trước năm 1977, pháp luật quốc tế về xung đột vũ trang không có sự phân biệt chính thức nào giữa lính đánh thuê và những chiến binh khác. Điều 47 của Nghị định thư bổ sung cho các Công ước Geneva ngày 12/8/1949 mà liên quan đến việc bảo vệ nạn nhân của các cuộc xung đột vũ trang quốc tế (Nghị định thư I), được thông qua vào tháng 6/1977 có một quy định cụ thể về lính đánh thuê. Do tính chất đặc biệt của nó, pháp luật quốc tế về xung đột vũ trang không nhấn mạnh tính chất hợp pháp của hoạt động lính đánh thuê hay quy định trách nhiệm của những người tham gia hoạt động đánh thuê. Thay vào đó, nó quy định địa vị của lính đánh thuê và những ngầm định trong trường hợp những người này bị bắt giữ. Ngược lại, những người tham chiến trong những cuộc xung đột vũ trang quốc tế là những thành viên chính quy của các lực lượng vũ trang của một bên tham chiến, nếu bị bắt giữ, có quyền được bảo vệ và đối xử đặc biệt như những tù nhân chiến tranh. Tuy nhiên, Nghị định thư I không ngăn cấm các nước tham chiến dành cho họ sự đối xử ngang bằng nếu nước đó mong muốn như vậy. Trong bất cứ cuộc xung đột vũ trang nào, cho dù có tính quốc tế hay không có tính chất quốc tế, những người không được hưởng quyền được đối xử tốt hơn theo pháp luật quốc tế về xung đột vũ trang thì ở mức độ tối thiểu vẫn có những bảo đảm cơ bản, đặc biệt là được đối xử nhân đạo và không bị phân biệt.(20)
Theo mục đích của pháp luật quốc tế về xung đột vũ trang là mở rộng việc bảo vệ hơn là hạn chế sự bảo vệ, thì phạm vi của định nghĩa lính đánh thuê được quy định tại Điều 47 là hẹp hơn nhằm bảo đảm rằng việc mất sự bảo vệ đặc biệt chỉ xảy ra trong những trường hợp hạn chế. Điều này quy định lính đánh thuê là những người:
(a) Được tuyển dụng một cách đặc biệt trong nước hoặc nước ngoài để chiến đấu trong một cuộc xung đột vũ trang;
(b) Thực tế đang tham gia trực tiếp vào các hoạt động chiến tranh;
(c) Được thôi thúc tham gia chiến tranh đặc biệt bởi vì lợi ích cá nhân, và thực tế là được hứa hẹn, bởi hoặc nhân danh một bên trong cuộc xung đột, về việc đền bù vật chất hơn mức được hứa hẹn thanh toán cho những chiến binh của các nhóm tương tự hoặc các nhiệm vụ tương tự trong các lực lượng vũ trang của bên đó;
(d) Không phải là công dân của một bên xung đột cũng như công dân sống trong lãnh thổ được kiểm soát bởi một bên xung đột;
(e) Không phải là thành viên của các lực lượng vũ trang của một bên xung đột;
(f) Không được phái đến bởi một nước mà không phải là một bên trong cuộc xung đột với nhiệm vụ chính thức như là một thành viên của các lực lượng vũ trang của nước đó.
Những yêu cầu trên có tính tổng thể, có nghĩa là tất cả chúng phải được áp dụng đối với cá nhân được xác định là lính đánh thuê.
5. Công ước của OAU về xóa bỏ tình trạng lính đánh thuê ở châu Phi
Tổ chức thống nhất châu Phi (OAU), sau khi thể hiện sự quan tâm trong một số nghị quyết về mối đe dọa đến sự ổn định của châu Phi bởi hoạt động của lính đánh thuê, đã thông qua Công ước của OAU về xóa bỏ tình trạng lính đánh thuê ở châu Phi vào tháng 7/1977 ở Libreville. Công ước được soạn thảo bởi Uỷ ban các chuyên gia và có hiệu lực vào năm 1985. Là công ước có tính khu vực nên văn kiện này chỉ áp dụng đối với các nước khu vực châu Phi mà đã phê chuẩn hay gia nhập nó.
Công ước OAU ngăn cấm cả lính đánh thuê và việc sử dụng lính đánh thuê được xác định là tội phạm chống lại hòa bình và an ninh ở châu Phi, bất kể việc đó được thực hiện bởi một cá nhân, một nhóm, một tổ chức, một Nhà nước hay đại diện cho một Nhà nước.
Lính đánh thuê được định nghĩa tại Điều 1 của Công ước là những cá nhân mà:
(a) Được tuyển dụng một cách đặc biệt trong nước hoặc nước ngoài để chiến đấu trong một cuộc xung đột vũ trang;
(b) Thực tế đang tham gia trực tiếp vào các hoạt động chiến tranh;
(c) Được thôi thúc tham gia chiến tranh đặc biệt bởi vì mong muốn vì lợi ích cá nhân, và thực tế là được hứa hẹn, bởi hoặc nhân danh một bên xung đột, về sự bồi thường về vật chất;
(d) Không phải là công dân của một bên xung đột và cũng không phải là công dân sống trong lãnh thổ được kiểm soát bởi một bên xung đột;
(e) Không phải là thành viên của các lực lượng vũ trang của một bên xung đột;
(f) Không được phái đến bởi một Nước mà không phải là một bên trong cuộc xung đột với nhiệm vụ chính thức như là một thành viên của các lực lượng vũ trang của nước đó.
Tội tham gia lính đánh thuê được thực hiện khi các cá nhân đăng ký, gia nhập hoặc cố gắng gia nhập lực lượng lính đánh thuê, khi những lính đánh thuê được sử dụng hoặc ủng hộ bởi bất cứ cách thức nào, và khi một nước cho phép hoạt động đánh thuê được tiến hành trên lãnh thổ hoặc ở những nơi thuộc quyền kiểm soát của nước mình với mục đích “dùng bạo động vũ trang chống lại quyền tự quyết, sự ổn định hoặc toàn vẹn lãnh thổ của Nước khác”.(21)
Bổ sung thêm cho việc quy định hành vi phạm tội đặc biệt của lính đánh thuê, Công ước OAU quy định một loạt các nghĩa vụ liên quan. Các nước phải tiến hành các biện pháp để xóa bỏ hoạt động lính đánh thuê bằng việc ban hành các văn bản pháp luật quy định tội phạm về lính đánh thuê có thể bị trừng phạt bởi những hình phạt nghiêm khắc nhất, và bằng việc trao đổi thông tin về các hoạt động của lính đánh thuê thu hút sự chú ý của các nước. Các nước cam kết hoặc truy tố hoặc trục xuất những cá nhân phạm tội theo công ước và trợ giúp lẫn nhau trong việc điều tra và truy tố các hành vi phạm tội. Các nước có thể bị cáo buộc về sự vi phạm công ước trước Tòa án Công lý quốc tế hoặc tòa án có thẩm quyền của OAU, và đại diện của các nước có thể bị trừng phạt. Cuối cùng, Công ước OAU quy định rằng các cá nhân bị xét xử về hành vi phạm tội đánh thuê có quyền được có những bảo đảm tư pháp thông thường bởi nước mà trong lãnh thổ nước đó họ bị xét xử.
6. Công ước quốc tế về Cấm tuyển mộ, sử dụng, tài trợ và đào tạo lính đánh thuê
Công ước quốc tế về Cấm tuyển mộ, sử dụng, tài trợ và huấn luyện lính đánh thuê được thông qua năm 1989(22) sau chín năm thảo luận. Công ước được soạn thảo bởi một Uỷ ban đặc biệt, được thành lập theo Nghị quyết số 35/48 của Đại hội đồng Liên hợp quốc.(23) Công ước có hiệu lực ngày 20/10/2001, trở thành văn kiện có tính ràng buộc của pháp luật quốc tế và là một công cụ hiệu quả nhằm ngăn chặn hiện tượng lính đánh thuê.
Trước khi bắt đầu công việc soạn thảo công ước trên, Uỷ ban đặc biệt đã xác định một số ưu tiên cho quá trình soạn thảo như: nhấn mạnh vào việc ngăn ngừa tình trạng lính đánh thuê và làm rõ vai trò của các nước trong việc ngăn ngừa tình trạng này; mở rộng việc cấm các hoạt động của lính đánh thuê; thông qua một định nghĩa về lính đánh thuê mà không bị giới hạn vào tình hình xung đột quốc tế; nêu bật sự cần thiết của pháp luật ở cấp quốc gia trong vấn đề này; khuyến khích sự trợ giúp lẫn nhau và hợp tác tư pháp trong việc xóa bỏ tình trạng lính đánh thuê; và, thiết lập những bảo đảm xét xử công bằng đối với lính đánh thuê bị bắt. Uỷ ban cho rằng vấn đề cơ bản là cần xác định xem Công ước nên tập trung vào việc trừng phạt những người lính đánh thuê hay hành vi của những người thúc đẩy, tổ chức và khoan dung cho các hoạt động đó? Cuối cùng Uỷ ban đã quyết định cần phối hợp cả hai cách tiếp cận. Công ước quy định một loạt các hành vi có thể được thực hiện bởi cá nhân những người lính đánh thuê, những người tuyển mộ, sử dụng, tài trợ tài chính hay đào tạo lính đánh thuê, và các bên nhà nước, và đặt ra một số nghĩa vụ liên quan của các nước thành viên.
Điều 1 Công ước giữ định nghĩa về lính đánh thuê như trong Điều 47 của Nghị định thư bổ sung cho các Công ước Geneva (Nghị định thư I) (xem ở trên), nhưng mở rộng nó để bao quát cả các tình huống khác với các cuộc xung đột vũ trang, theo đó là các cá nhân được tuyển mộ để tham gia vào hoạt động bạo lực nhằm lật đổ một Chính phủ hoặc làm bất ổn trật tự hiến định hay ảnh hưởng đến sự toàn vẹn lãnh thổ của một Nhà nước cũng bị coi là lính đánh thuê. Cụ thể, theo Điều này, lính đánh thuê là những người:
(a) Được thôi thúc tham gia đặc biệt vì lợi ích cá nhân, và được hứa hẹn hay thanh toán sự đền bù về vật chất;
(b) Không phải là công dân và cũng không phải là người cư trú của Nước mà họ có hành động chống lại;
(c) Không phải được một nước phái đến để thực hiện nhiệm vụ chính thức;
(d) Không phải thành viên của các lực lượng vũ trang của một nước có lãnh thổ mà trên đó diễn ra hoạt động đánh thuê.
Để cấu thành tội phạm theo Công ước, một lính đánh thuê không chỉ thuộc phạm vi định nghĩa theo Điều 1 mà còn phải tham gia trực tiếp vào các cuộc chiến tranh hoặc hành động bạo động phối hợp, hoặc cố gắng thực hiện điều đó.
Hành vi phạm tội cũng có thể được thực hiện bởi người tuyển mộ, sử dụng, tài trợ hoặc đào tạo lính đánh thuê, người cố gắng thực hiện điều đó, hoặc là đồng phạm của người thực hiện hay cố gắng thực hiện một hành vi phạm tội được quy định trong Công ước. Hành vi phạm tội gián tiếp này được cho là được thực hiện ngay cả khi lính đánh thuê chưa tham gia các hoạt động chiến tranh.(24) Các nước thành viên có cả những nghĩa vụ thụ động và chủ động trong vấn đề này. Các nước không chỉ phải kiềm chế can dự vào các hoạt động đã được nêu ra mà còn phải có những biện pháp thích hợp để ngăn ngừa những hoạt động đó từ các nước khác. Điều này ngầm định đến những hoạt động mà có mục đích chống lại việc thực hiện quyền tự quyết của các dân tộc. Thêm nữa, các hành vi phạm tội được quy định trong Công ước cần bị trừng phạt bởi các chế tài thích hợp tùy theo tính chất nghiêm trọng của chúng.
Bổ sung thêm cho các hành vi phạm tội, Công ước đưa ra một khuôn khổ pháp lý tạo thuận lợi cho việc truy tố những kẻ phạm tội ở cấp quốc gia. Công ước đòi hỏi các quốc gia phải bảo đảm rằng pháp luật của nước mình phải quy định việc truy tố những kẻ phạm tội nếu chúng hiện diện trên lãnh thổ nước mình. Những người phạm tội rõ ràng trên lãnh thổ của các nước đó phải bị giam giữ và thẩm vấn. Nếu người liên quan không bị dẫn độ sang Nước khác để xét xử, thì vụ án phải được đưa lên các cơ quan có thẩm quyền quốc gia. Trong quá trình tố tụng, người phạm tội cần được hưởng sự đối xử công bằng và các bảo đảm về tư pháp. Các nước cần hợp tác với nhau trong việc ngăn ngừa và truy tố các hành vi phạm tội cũng như trong việc trao đổi thông tin. Cuối cùng, Công ước quy định trình tự để giải quyết tranh chấp giữa các nước liên quan đến việc giải thích hay áp dụng văn kiện.
7. Luật quốc tế chung
(a) Hoạt động của Uỷ ban pháp luật quốc tế
Uỷ ban pháp luật quốc tế (ILC) được thành lập năm 1947 theo Nghị quyết số 174(II) của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Uỷ ban gồm “các cá nhân đã được thừa nhận có năng lực cao về luật quốc tế”, chịu trách nhiệm về việc phát triển và pháp điển hóa luật quốc tế. ILC đã tham dự thảo Bộ luật về các hành vi phạm tội chống lại hòa bình và an ninh của nhân loại ngay ở thời kỳ đầu và đã xem xét các hoạt động đánh thuê trong bối cảnh đó từ một số góc độ.
Khi đề cập đến vấn đề lính đánh thuê, ILC đã làm rõ vấn đề định nghĩa, theo đó việc tuyển mộ người nước ngoài mà không có liên hệ với quân đội quốc gia nhằm mục đích tấn công một nước khác để làm mất ổn định hay lật đổ các cơ quan có thẩm quyền đã được thành lập, đặc biệt là các hành động lật đổ chống lại những nước nhỏ và mới giành được độc lập hoặc cản trở các hoạt động của các phong trào giải phóng dân tộc, sẽ bị coi là tuyển mộ lính đánh thuê.(25) Ngay từ đầu dự thảo Bộ luật trên đã đưa hành động gửi lính đánh thuê để thực hiện các hoạt động vũ trang chống lại nước khác vào định nghĩa về sự xâm lược. Trong bối cảnh đó, trách nhiệm của nhà nước được xác định khác với trách nhiệm hình sự cá nhân của lính đánh thuê.(26) Dự thảo năm 1991 của Bộ luật đưa ra một mục riêng quy định về trách nhiệm hình sự của các cá nhân đại diện cho Nhà nước và quy định hành vi phạm tội tuyển mộ, sử dụng, tài trợ hoặc đào tạo lính đánh thuê.
Dự thảo năm 1996 của Bộ luật là bản hiện hành tại thời điểm này không đề cập đến vấn đề lính đánh thuê như ở Dự thảo năm 1991. Điều 16 của nó đề cập đến tội phạm xâm lược nhưng chỉ ở mức độ liên quan đến trách nhiệm hình sự cá nhân. Ở góc độ này, bình luận của ILC về Điều 16 nêu rõ rằng điều khoản này không định nghĩa hành vi xâm lược của một nhà nước mà vượt ra ngoài phạm vi của Dự thảo hiện tại.(27) Mặt khác, điều khoản này tự giới hạn ở việc khẳng định lại trách nhiệm hình sự của cá nhân tham gia thực hiện tội xâm lược. Tuy nhiên, Dự thảo hiện nay đồng thời dựa vào định nghĩa đã được chấp nhận về xâm lược trong nghị quyết về vấn đề này được Đại hội đồng thông qua vào năm 1974.(28)
Từ khi có định nghĩa bao hàm việc gửi lính đánh thuê bởi một nước để tiến hành các hoạt động của lực lượng vũ trang chống lại nước khác thì có thể thấy là mặc dù định nghĩa về sự xâm lược bởi một nước được chính ILC tuyên bố là vượt ra ngoài phạm vi của Dự thảo Bộ luật hiện tại, vấn đề trách nhiệm của các nước đối với hoạt động của lính đánh thuê vẫn tiềm ẩn trong ý tưởng tổng thể của Dự thảo Bộ luật.
(b) Các điều ước cụ thể về hành vi phạm tội
Một số điều ước được soạn thảo nhằm ngăn cấm một số loại hành vi cụ thể, bất kể tính chất hoặc đặc tính của kẻ phạm tội. Các điều ước đó bao gồm Công ước Tokyo về các hành vi phạm tội và những hành động khác được thực hiện trên tàu bay, Công ước La Hay năm 1970 về ngăn chặn việc chiếm đoạt bất hợp pháp tàu bay, Công ước năm 1973 về ngăn ngừa và trừng phạt tội phạm chống lại những cá nhân được bảo vệ về mặt quốc tế, kể cả các nhân viên ngoại giao; Công ước quốc tế về chống lại việc bắt cóc con tin, 1979 và Công ước năm 1988 về ngăn ngừa những hành vi trái pháp luật chống lại sự an toàn của ngành hàng hải. Nhiều công ước trong số những điều ước này quy định quyền tài phán chung đối với hành vi phạm tội, có nghĩa là mọi nhà nước đều có quyền truy tố những kẻ phạm tội và thực tế là phải có nghĩa vụ làm như vậy nếu không dẫn độ kẻ phạm tội sang nước khác. Những điều ước đó ngăn ngừa một cách hiệu quả những hành vi phạm tội và được áp dụng đối với những lính đánh thuê có liên quan đến bất cứ hành vi nào bị cấm.
(c) Tòa án hình sự quốc tế
Sau nhiều năm đàm phán, Quy chế Rôm về Tòa án hình sự quốc tế (ICC) cuối cùng đã được thông qua vào năm 1998. Đây là tiến bộ rõ ràng đạt được tính từ thời điểm soạn thảo mà hướng đến sự phê chuẩn điều ước để Tòa án có thể đi vào hoạt động. ICC có quyền truy tố các cá nhân về những tội phạm được quy định trong Quy chế Rôm, và cho dù không có quy định nào đề cập cụ thể về các hoạt động của lính đánh thuê nhưng những cá nhân liên quan vẫn là những đối tượng bị truy tố theo cách thức tương tự với những tội phạm khác. Địa vị lính đánh thuê cũng có thể bị coi là tình tiết tăng nặng khi một người phạm tội bị kết án.
8. Pháp luật quốc gia
Cách thức hiệu quả và trực tiếp nhất để giải quyết vấn đề lính đánh thuê là phải tạo thuận lợi cho việc truy tố những kẻ phạm tội ở cấp quốc gia. Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về vấn đề lính đánh thuê khuyến khích các nước thông qua các văn bản pháp luật cụ thể để xử lý các hoạt động của lính đánh thuê,(29) nhưng rất ít nước đã hành động theo khuyến nghị này cho dù không thiếu những tuyên bố lên án ở các diễn đàn quốc tế.
Trong hầu hết các nền tư pháp, lính đánh thuê có thể bị truy tố theo pháp luật quốc gia mà trừng phạt những hành vi phạm tội thông thường như tàn sát, giết người, gây thiệt hại, lạm dụng vũ khí hay khủng bố. Việc xét xử cũng có thể viện dẫn các quy định về xuất khẩu và buôn bán vũ khí, hoặc các đạo luật cấm việc tuyển mộ công dân tham gia các lực lượng vũ trang nước ngoài mà không có sự đồng ý của nước có công dân - một khía cạnh của vấn đề trung lập đã được nêu trên. Một số hình thức mới của việc sử dụng lính đánh thuê có thể bị trừng phạt theo các quy định về việc cung cấp trợ giúp quân sự nước ngoài mà đặt ra những giới hạn nghiêm ngặt về việc trợ giúp nước ngoài từ trong lãnh thổ của một Nước.
C. Hoạt động của Báo cáo viên đặc biệt của Uỷ ban Quyền con người Liên hợp quốc
Uỷ ban Quyền con người Liên hợp quốc đã liên tiếp lên án việc sử dụng lính đánh thuê chống lại các nước đang phát triển và coi đó là phương tiện để làm mất ổn định các nhà nước. Năm 1987, Uỷ ban đã thông qua Nghị quyết 1987/16 chỉ định một báo cáo viên đặc biệt để nghiên cứu vấn đề, một biện pháp đã nhận được sự khích lệ của ECOSOC(30), và trong các nghị quyết sau đó của Đại hội đồng. Chuyên gia được chỉ định là ngài Enrique Bernales Ballestero của Pêru.
Theo sự ủy nhiệm ban đầu và được bổ sung nhiều lần, Báo cáo viên đặc biệt phải xem xét vấn đề sử dụng lính đánh thuê như là phương tiện vi phạm các quyền con người và cản trở thực hiện quyền tự quyết của các dân tộc. Để thực hiện nhiệm vụ này, báo cáo viên có quyền tìm kiếm và tiếp nhậnnhững thông tin xác thực và tin cậy từ các Chính phủ cũng như các cơ quan chuyên môn, các tổ chức liên chính phủ và phi chính phủ.
Như Báo cáo viên đặc biệt đã nhấn mạnh trong những ý kiến tư vấn ban đầu với các quốc gia, nhiệm vụ cơ bản của báo cáo viên là “nhận diện những đặc điểm và phương pháp của hiện tượng lính đánh thuê như là phương tiện vi phạm các quyền con người và cản trở việc thực hiện quyền tự quyết của các dân tộc”(31). Báo cáo viên đã phát triển một cách thường xuyên khuôn khổ khái niệm này để sử dụng trong việc phân tích những hình thức hiện hành và những hình thức mới có tính tiềm tàng của hoạt động lính đánh thuê, và duy trì sự liên hệ thường xuyên với các chính phủ và các chủ thể khác, kể cả các tổ chức và cá nhân tham gia nghiên cứu về vấn đề này, để có được thông tin về các hoạt động đánh thuê thực tế hoặc có tính tiềm tàng, và những quy định pháp luật quốc gia có liên quan. Trong vai trò đi tìm sự thật, báo cáo viên đã đến nhiều nơi trên thế giới nơi diễn ra các hoạt động của lính đánh thuê. Báo cáo viên cũng tìm kiếm để thúc đẩy việc phê chuẩn và hiệu lực của Công ước chống lại việc tuyển mộ, sử dụng, tài trợ và đào tạo lính đánh thuê, cũng như việc ban hành những quy định pháp luật quốc gia nhằm ngăn chặn và xử lý hoạt động của lính đánh thuê.
D. Một số vấn đề chưa giải quyết
Yêu cầu về quốc tịch
Khía cạnh được tranh luận nóng nhất về định nghĩa lính đánh thuê là yêu cầu cá nhân liên quan cần không phải là công dân hay người cư trú của nước mà ở đó các hoạt động đánh thuê được tiến hành. Mục đích của tranh luận là để phân biệt lính đánh thuê với một thành viên của phong trào giải phóng dân tộc hay phong trào đối lập thách thức một cách hợp pháp Chính phủ một nước. Tuy nhiên, sự phân biệt có phần trở lên rắc rối khi mà có tình trạng công dân của một nước được sử dụng bởi các thế lực nước ngoài hoặc các nhóm đối lập nhận tài trợ của nước ngoài vì các mục đích chính trị, ví dụ như nhằm làm mất ổn định một Chính phủ. Những phức tạp tiếp theo nảy sinh khi một nước dành quy chế công dân cho các cá nhân đơn thuần chỉ vì mục đích sử dụng họ là lính đánh thuê hoặc khi các cá nhân có hai hay nhiều quốc tịch một cách hợp pháp. Báo cáo viên đặc biệt về vấn đề lính đánh thuê gợi ý rằng quá trình trao quốc tịch có thể phải được xem xét theo từng vụ việc cụ thể để nhận biết những dấu hiệu của lính đánh thuê.(32)
Các công ty trợ giúp quân sự và an ninh tư nhân
Thách thức chủ yếu hiện nay liên qan đến việc xác định một phương pháp thích hợp để điều chỉnh hoạt động của các công ty trợ giúp quân sự và an ninh tư nhân. Nhiều tranh luận xoay quanh vấn đề phân biệt giữa các dịch vụ hợp pháp và những dịch vụ mà có thể được phân loại là hoạt động của lính đánh thuê. Các vấn đề tranh cãi khác bao gồm phạm vi mà các nước có thể và cần phải quy trách nhiệm cho các công ty tư nhân cũng như những cá nhân có liên quan về sự lạm dụng và vi phạm các quyền con người và vi phạm luật nhân đạo bởi những đại diện hay những người mà các công ty đó sử dụng. Vấn đề quan trọng là phải theo kịp những thay đổi trong thực tiễn của hoạt động lính đánh thuê để thông qua cách tiếp cận thống nhất và khuyến khích phát triển những quy định pháp luật quốc gia tương thích.
Kết luận
Đề cập đến hiện tượng lính đánh thuê là công việc phức tạp. Trong khi cộng đồng quốc tế lên án các hoạt động đánh thuê là phù hợp và rõ ràng, thì những nỗ lực để điều chỉnh các hoạt động đó gặp những thách thức do những khác biệt về quan điểm tiếp cận và mức độ quan tâm của các quốc gia. Một số vấn đề cơ bản hiện vẫn chưa được giải quyết và tình hình đã trở lên phức tạp hơn bởi sự xuất hiện những hình thức mới của tình trạng lính đánh thuê.
Thách thức mà cộng đồng quốc tế đang gặp phải là chuyển tải những tuyên bố lên án hiện tượng lính đánh thuê thành những biện pháp cụ thể mà nhấn mạnh một cách hiệu quả đến những tác động tiêu cực của hoạt động lính đánh thuê. Bước cần thiết đầu tiên là thông qua và tạo hiệu lực cho Công ước quốc tế chống lại việc tuyển mộ, sử dụng, tài trợ và đào tạo lính đánh thuê. Cho dù có thể có những người gièm pha, Công ước vẫn sẽ đưa ra một khuôn khổ pháp lý hữu ích để truy tố những kẻ phạm tội và thiết lập các kênh hợp tác giữa các nước. Cụ thể, Công ước coi việc tham gia các hoạt động đánh thuê là hành vi phạm tội phải chịu sự tài phán bắt buộc có tính phổ biến, có nghĩa là người phạm tội, trừ khi bị dẫn độ, phải được xét xử bởi mọi Nhà nước đã phát hiện ra kẻ phạm tội đó.
Bước tiếp theo là thảo luận các vấn đề chưa được giải quyết, sự cần thiết mà Đại hội đồng Liên hợp quốc đã tiếp tục công nhận trong những nghị quyết gần đây. Tuy nhiên, sẽ là điều đáng tiếc nếu thực tế này cản trở việc thực hiện ngay từ đầu các biện pháp hiện tại. Sớm có kiến nghị về cơ chế thì sẽ sớm mang lại kết quả để đối phó với những tác động tiêu cực của các hoạt động của đánh thuê đối với quyền tự quyết của các dân tộc(33).
Nguyên bản tiếng Anh:
“The Impact of Mercenary Activities on the
Right of Peoples to Self-Determination”
(Fact Sheet No.28)
(1) Công ước được đưa vào phần Phụ lục của tài liệu này, tuy nhiên, do đã có nhiều cuốn tập hợp các văn kiện quốc tế về quyền con người chứa đựng văn kiện đó nên chúng tôi không đăng lại ở đây (BD).
(2) Tương tự như trên.
(2a) Cả hai công ước (ICCPR, ICESCR) được đưa vào phần Phụ lục của tài liệu này, tuy nhiên, do đã có nhiều cuốn tập hợp các văn kiện quốc tế về quyền con người chứa đựng văn kiện đó nên chúng tôi không đăng lại ở đây (BD).
(3) Nghị quyết 2625(XXV), phụ lục, ngày 24/10/1970 của Đại hội đồng.
(4) Tên khác của lính đánh thuê, đề cập đến những người lính tự coi mình là đánh thuê không vì mục đích tiền bạc mà vì các mục tiêu cao cả (BD).
(5) Điều 2, đoạn 4 của Hiến chương Liên hợp quốc năm 1945.
(6) Xem văn kiện A/52/495 ngày 16/10/1997 của Liên hợp quốc, đoạn 21.
(7) Xem nghị quyết số 48/81 ngày 8/12/1989 của Đại hội đồng.
(8) Xem nghị quyết số 44/51 ngày 8/12/1989 và 49/31 ngày 09/12/1994 của Đại hội đồng về sự bảo vệ và an ninh của các nước nhỏ.
(9) Xem văn kiện A/45/488 ngày 24/9/1990 của Liên hợp quốc, đoạn 122 và E/CN.4/1990/11 ngày 3/1/1990, đoạn 159.
(10) Xem chú thích 5 ở trên.
(11) Nghị quyết số 54/151 ngày 17/12/1999 của Đại hội đồng.
(12) Văn kiện E/CN.4/1988/14 ngày 20/1/1988 của Liên hợp quốc, đoạn 108.
(13) Xem Công ước La Hay V năm 1907 về các quyền và nghĩa vụ của các nước trung lập và của các cá nhân trong trường hợp chiến tranh trên bộ và Công ước La Hay XIII năm 1907 về quyền và nghĩa vụ của các nước trung lập trong chiến tranh trên biển.
(14) Xem các nghị quyết số 405 (1977) và 419 (1977) của Hội đồng Bảo an và nghị quyết số 36/103 ngày 9/12/1981 của Đại hội đồng.
(15) Tuyên ngôn về các nguyên tắc của Luật quốc tế về các mối quan hệ thân thiện và hợp tác giữa các nước phù hợp với Hiến chương của Liên hợp quốc, nghị quyết số 2625 (XXV) ngày 24/10/1970 của Đại hội đồng.
(16) Tuyên ngôn về sự không thừa nhận sự can thiệp và can dự vào các vấn đề nội bộ của các nước, nghị quyết số số 36/103 ngày 9/12/1981 của Đại hội đồng.
(17) Xem Tuyên ngôn về việc trao quyền độc lập cho các nước và dân tộc thuộc địa, nghị quyết số 2465 (XXIII) ngày 20/12/1968 của Đại hội đồng; Các nguyên tắc cơ bản về địa vị pháp lý của chiến binh chiến đấu chống lại sự thống trị của nước ngoài và thuộc địa, và chế độ phân biệt chủng tộc, nghị quyết số 3103 (XXVIII) ngày 12/12/1973 của Đại hội đồng, đoạn 5, và các nghị quyết số 2548(XXIV) (1969), 2708(XXV)(1970) và 33/24 (1978) của Đại hội đồng.
(18) Xem Tuyên ngôn về việc giành độc lập cho các nước và dân tộc thuộc địa, nghị quyết số 2465 (XXIII) ngày 20/12/1968 và nghị quyết số 40/25 ngày 29/11/1985 của Đại hội đồng.
(19) Xem bốn Công ước Geneva năm 1949 và hai Nghị định thư bổ sung năm 1977 liên quan đến việc bảo vệ các nạn nhân của các cuộc xung đột vũ trang.
(20) Những bảo đảm tối thiểu này được quy định trong Điều 75 của Nghị định thư I liên quan đến các xung đột quốc tế, Điều 3 chung cho bốn Công ước Geneva năm 1949, và Điều 4 của Nghị định thư II liên quan đến các xung đột không mang tính quốc tế.
(21) Tổ chức thống nhất châu Phi, 1977, Công ước về Xóa bỏ chủ nghĩa đánh thuê ở châu Phi, Điều 1, đoạn 2 (xem phụ lục 9).
(22) Nghị quyết số 44/34 ngày 4/12/1989 của Đại hội đồng Liên hợp quốc.
(23) Được thông qua ngày 4/12/1980.
(24) Mục đích của đòi hỏi về tham chiến trực tiếp là phân biệt một lính đánh thuê với một cố vấn quân sự. Vấn đề rõ ràng không được đưa vào trong định nghĩa lính đánh thuê nhằm để đảm bảo rằng những người tham gia vào việc tuyển mộ và các hình thức tạo thuận lợi khác không được miễn trừ trước sự tham gia trực tiếp của lính đánh thuê. Báo cáo của Uỷ ban đặc biệt về soạn thảo Công ước quốc tế chống lại việc tuyển mộ, sử dụng, tài trợ và đào tạo lính đánh thuê, Hồ sơ chính thức của Đại hội đồng, Phiên họp 23, Tài liệu bổ sung số 43 (A/36/43), 1981.
(25) Niên giám của Uỷ ban Luật quốc tế 1985, tập II (phần I), trang 63. Báo cáo thứ 3 về Dự thảo Bộ luật về các hành vi phạm tội chống lại Hòa bình và an ninh của nhân loại, văn kiện của Liên hợp quốc A/CN.4/387 ngày 8/4/1985, đoạn 160.
(26) Tài liệu đã dẫn, đoạn 163.
(27) Bình luận của ILC đối với điều 16, www.un.org/law/ilc/reports/1996/chap02.htm.
(28) Nghị quyết số 3314 (XXIX) ngày 14/12/1974 của Đại hội đồng về Định nghĩa sự xâm lược.
(29) Xem văn kiện của Liên hợp quốc E/CN.4/1999/11 ngày 13/01/1999, đoạn 94 và 95; văn kiện của Liên hợp quốc A/54/326 ngày 7/9/1999, đoạn 87 và 88; và văn kiện của Liên hợp quốc E/CN.4/2000/14 ngày 21/12/1999, đoạn 86 và 87.
(30) Nghị quyết 1987/61 ngày 29/5/1987 của Uỷ ban Kinh tế và xã hội.
(31) Văn kiện E/CN.4/1988/14 ngày 20/1/1988 của Liên hợp quốc, đoạn 16.
(32) Xem văn kiện A/48/385 ngày 23/9/1993 của Liên hợp quốc, đoạn 76.
(33) Tài liệu chuyên đề ngày còn bao gồm phần Phụ lục là các văn kiện quốc tế có liên quan, tuy nhiên, vì những văn kiện này đã có trong các cuốn Tập hợp các văn kiện quốc tế về quyền con người nên chúng tôi không đăng lại ở đây (BD).