Skip to main content

System Messages

You were not authenticated by the server. You may log in with your credentials below.

CESCR - Bình luận chung số 01

Phiên bản PDF

Ngày ban hành

01/08/1989

BÌNH LUẬN CHUNG SỐ 1

VẤN ĐỀ BÁO CÁO CỦA CÁC QUỐC GIA THÀNH VIÊN*

---------------------------------

1.Nghĩa vụ báo cáo, được quy định ở phần IV của Công ước, nhằm mục đích cơ bản là hỗ trợ các Quốc gia thành viên hoàn thành nghĩa vụ của mình theo Công ước, đồng thời còn là cơ sở để Hội đồng Kinh tế – Xã hội (ECOSOC), cùng với sự trợ giúp của Uỷ ban, có thể thực hiện trách nhiệm giám sát việc tuân thủ nghĩa vụ của quốc gia thành viên cũng như để thúc đẩy việc hiện thực hoá các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa như đã quy định trong Công ước. Uỷ ban cho rằng không đúng nếu xem việc các quốc gia báo cáo với cơ quan giám sát quốc tế chỉ là vấn đề mang tính thủ tục. Trái lại, theo như tinh thần và các quy định của Công ước, quá trình chuẩn bị và đệ trình báo cáo của các quốc gia thành viên có thể, và thực sự cần được tiến hành nhằm đạt được nhiều mục tiêu khác nữa.

2. Mục tiêu thứ nhất mà có liên quan mật thiết đến báo cáo đầu tiên được đệ trình trong vòng hai năm kể từ khi Công ước có hiệu lực đối với một quốc gia, là để đảm bảo rằng quốc gia đó sẽ đưa ra được một bản đánh giá toàn diện về khuôn khổ pháp luật, các quy định, thủ tục hành chính và những hành động đang tiến hành nhằm bảo đảm những yếu tố này phù hợp ở mức độ cao nhất có thể với Công ước. Bản đánh giá này có thể cần thực hiện trên cơ sở có sự phối hợp với các bộ có liên quan hoặc các nhà chức trách có thẩm quyền ban hành và thực hiện các chính sách liên quan đến những lĩnh vực được quy định trong Công ước.

3. Mục tiêu thứ hai là đảm bảo rằng các Quốc gia thành viên kiểm soát được một cách thường xuyên tình hình thực tế liên quan đến việc tôn trọng từng quyền và qua đó đánh giá được mức độ bảo đảm các quyền khác nhau của mọi cá nhân trong phạm vi lãnh thổ hoặc nằm trong thẩm quyền tài phán của nước mình. Theo kinh nghiệm của Uỷ ban, việc thực hiện mục tiêu này chắc chắn không thể đạt được chỉ qua việc chuẩn bị các số liệu thống kê hoặc dự báo tổng hợp của quốc gia, mà đồng thời đòi hỏi quốc gia phải đặc biệt quan tâm tới những vùng hoặc khu vực ít được chú ý cũng như đến bất kỳ nhóm hoặc cộng đồng nào đặc biệt dễ bị tổn thương hoặc thiệt thòi. Như vậy, biện phápcốt yếu đầu tiên cần phải tiến hành nhằm thúc đẩy việc hiện thực hoá các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa là có được những phán đoán và hiểu biết về  tình hình thực tế. Uỷ ban hiểu rằng quá trình quản lý và thu thập thông tin này có thể tốn thời gian và tiền bạc và cần có sự hỗ trợ và hợp tác quốc tế như được quy định trong Điều 2 Khoản 1 và các Điều 22 và 23 của Công ước, để tạo điều kiện cho một số Quốc gia thành viên thực hiện nghĩa vụ của mình. Nếu Quốc gia thành viên nào thấy rằng mình không đủ khả năng giám sát toàn bộ hay bất cứ phần nào của tiến trình nhằm thúc đẩy những mục tiêu đã được xác định trong chính sách công và không thể thiếu để thực hiện Công ước một cách hiệu quả, thì Quốc gia đó có thể đề cập đến thực tế này trong báo cáo của mình gửi lên Uỷ ban, trong đó nêu rõ tính chất và mức độ trợ giúp quốc tế mà Quốc gia đó cần được cung cấp.

4. Do việc giám sát là để đưa ra một sự đánh giá chi tiết về thực trạng, giá trị cốt yếu của việc đánh giá đó là tạo cơ sở cho việc xác định các chính sách rõ ràng, nhằm vào các mục tiêu cụ thể, bao gồm việc đưa ra những ưu tiên phù hợp với các quy định của Công ước. Do vậy, mục tiêu thứ 3 của quá trình báo cáo là giúp các Chính phủ chứng minh rằng mình đã đưa ra những chính sách như vậy trên thực tế. Nghĩa vụ này đã được nêu rõ  trong Điều 14 của Công ước, theo đó trong trường hợp Quốc gia không thể bảo đảm được chế độ "giáo dục tiểu học bắt buộc và miễn phí" cho tất cả mọi người, Quốc gia đó cần phải thực thi một nghĩa vụ tương ứng về "xây dựng và thông qua kế hoạch hành động chi tiết để thực hiện từng bước" mọi quyền đề ra trong Công ước, nghĩa vụ này được thể hiện rõ ràng ở Đoạn 1 Điều 2 " thực thi các biện pháp ... bằng mọi biện pháp thích hợp...".

5. Mục tiêu thứ 4 của quá trình báo cáo là tạo điều kiện cho người dân tham gia vào việc giám sát những chính sách của chính phủ liên quan đến các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa và khuyến khích các khu vực kinh tế, văn hóa, xã hội khác nhau trong xã hội cùng tham gia hoạch định, thực thi và đánh giá các chính sách liên quan. Khi xem xét các báo cáo đã được đệ trình lên cho đến nay, Uỷ ban biểu dương một số Quốc gia thành viên thuộc các thể chế chính trị, kinh tế khác nhau mà đã khuyến khích các nhóm phi chính phủ tham gia và đóng góp vào việc soạn thảo báo cáo. Một số quốc gia khác đã công bố rộng rãi báo cáo nhằm thu thập những bình luận của công chúng về văn kiện. Thông qua những biện pháp đó, việc chuẩn bị báo cáo và xem xét ở cấp độ quốc gia ít nhất cũng có giá trị như tiến hành đối thoại  xây dựng ở cấp độ quốc tế giữa Uỷ ban và đại diện Quốc gia báo cáo.

6. Mục tiêu thứ 5 là tạo cơ sở để chính Quốc gia thành viên cũng như Uỷ ban có thể đánh giá một cách hiệu quả xem việc thực hiện các nghĩa vụ nêu trong Công ước đã được thực hiện đến mức độ nào. Để thực hiện mục tiêu, sẽ hữu ích nếu các Quốc gia thành viên xác định được những mốc hoặc mục tiêu cụ thể qua đó có thể xác định được tiến bộ của Quốc gia trong từng lĩnh vực nhất định. Ví dụ, quan điểm phổ biến cho rằng việc xác định các mục tiêu cụ thể về giảm tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh, về tiêm phòng cho trẻ em, về lượng ca-lo trung bình được cung cấp theo đầu người, hay về số người dân trên một cơ sở y tế...là rất quan trọng. Với nhiều lĩnh vực này, các tiêu chí toàn cầu ít khi được vận dụng, trong khi đó các tiêu chí quốc gia hoặc tiêu chí khác cụ thể hơn có thể cung cấp những chỉ số vô cùng giá trị về sự tiến bộ của quốc gia đó.

7. Ở đây, Uỷ ban muốn lưu ý rằng Công ước luôn nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của khái niệm "hiện thực hoá không ngừng"  (progressive realization) các quyền liên quan và do đó, Uỷ ban kêu gọi các Quốc gia thành viên phải đưa vào báo cáo định kỳ những thông tin thể hiện quá trình hiện thực hóa không ngừng các quyền liên quan theo thời gian. Vì vậy, để đánh giá tình hình một cách thích đáng, cần phải thu thập cả những số liệu định tính và định lượng.

8. Mục tiêu thứ 6 là tạo điều kiện để Quốc gia thành viên tự nhận biết rõ  hơn về những tồn tại và hạn chế trong quá trình hiện thực hóa không ngừng tất cả các quyền kinh tế, xã hội,  văn hóa. Vì vậy, các Quốc gia thành viên cần báo cáo chi tiết về "những trở ngại và vấn đề" đang cản trở quá trình đó. Tiến trình xác định và ghi nhận những khó khăn có liên quan cũng cung cấp một khuôn khổ giúp các quốc gia xác lập được những chính sách phù hợp hơn.

9. Mục tiêu thứ 7 là tạo điều kiện cho cả Uỷ ban và các Quốc gia thành viên trao đổi thông tin với nhau, qua đó hiểu biết nhiều hơn về những khó khăn chung mà các Quốc gia đang phải đối mặt và đánh giá đầy đủ hơn về các biện pháp có thể áp dụng nhằm thúc đẩy việc hiện thực hoá mỗi quyền được ghi nhận trong Công ước. Quá trình này cũng giúp Uỷ ban có thể xác định những biện pháp phù hợp nhất mà cộng đồng quốc tế có thể áp dụng để trợ giúp các Quốc gia thành viên phù hợp với quy định ở các Điều 22 và 23 của Công ước. Để nhấn mạnh tầm quan trọng của mục tiêu này, trong phiên họp lần thứ tư, Uỷ ban sẽ thảo luận để thông qua một Bình luận chung liên quan  đến các Điều 22 và 23.

 

 

 

 


* Phiên họp thứ 3 (năm 1989)

 

Drupal theme by Adaptivethemes - Design by Kodamera