- Trang chủ-Home
- Luật QT-International Law
- Điều ước - Treaties
- Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế (UDHR)
- Các công ước chính về nhân quyền - Basic Treaties on HR
- Các ngành luật khác - other law branches
- Điều ước Việt Nam tham gia - Treaties participated by Vietnam
- Bình luận / Khuyến nghị chung - General Comments/Recommendations
- Báo cáo - Reports
- Cơ chế & Thủ tục - Mechanism & Procedure
- Án lệ - Case law
- Điều ước - Treaties
- PL Việt Nam-Vietnam Law
- NC&GD-HR Researchs
- E-Learning
- Đào tạo-Education
- Đào tạo thạc sĩ - Master Degree
- Liên hệ-Contact
Chuyên đề 14
Đăng bởi honeyquyen lúc T5, 10/13/2011 - 18:46

Tên tiếng Anh
“Contemporary Forms of Slavery” (Fact Sheet No.14)
Văn bản tiếng Việt
Văn bản tiếng Anh
CHUYÊN ĐỀ 14
NHỮNG HÌNH THỨC NÔ LỆ HIỆN ĐẠI
Không ai có thể bị bắt làm nô lệ hoặc nô dịch: Việc bắt người khác làm nô lệ và việc buôn bán nô lệ dưới tất cả các dạng thức đều bị cấm.
(UDHR và ICCPR)
Nô lệ: Một thực tế hiện đại
Nô lệ là vấn đề Quyền con người đầu tiên thu hút sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, dù đã bị lên án ở khắp nơi, những hình thức tương tự như nô lệ vẫn đang tồn tại như là một vấn đề nghiêm trọng và dai dẳng trong những năm cuối của thế kỷ XX.
Từ “nô lệ” ngày nay biểu hiện những vi phạm khác nhau về quyền con người. Ngoài hình thức nô lệ kiểu truyền thống và buôn bán nô lệ, những vi phạm dạng này còn có thêm những hình thức mới như buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em, khiêu dâm trẻ em, bóc lột lao động trẻ em, xâm phạm tình dục với các trẻ em gái, sử dụng trẻ em trong xung đột vũ trang, sử dụng trẻ em để gán nợ, buôn người và buôn bán các bộ phận cơ thể người, bóc lột mại dâm, và một số hình thức nhất định khác diễn ra dưới các chế độ Apartheid và chế độ thực dân.
Những hình thức tương tự nô lệ có thể bị giấu giếm. Điều này khiến chúng ta khó nhận thấy một bức tranh toàn cảnh rõ ràng về quy mô của tình trạng nô lệ trong hiện tại để có thể vạch trần, trừng bị hay xoá bỏ chúng. Thực tế cho thấy, vấn đề mang tính phức tạp là bởi nạn nhân của những hình thức nô lệ hiện đại thường xuất phát từ những nhóm xã hội nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất. Nỗi sợ hãi và nhu cầu sống còn là những lý do ngăn cản họ không dám nói ra sự thực về hoàn cảnh khốn khổ của mình.
Tuy nhiên, có đủ những bằng chứng cho thấy rằng, các hình thức tương tự nô lệ là rất rộng lớn và phổ biến. Chỉ một con số này cũng đủ cho thấy tính chất nghiêm trọng của vấn đề: 100 triệu trẻ em bị bóc lột lao động - theo ước tính gần đây của ILO.
Để góp phần vào chiến dịch nâng cao nhận thức về quyền con người, tài liệu chuyên đề này nêu ra những hình thức nô lệ hiện đại, cũng như những việc cần phải làm ở cấp độ quốc tế để ngăn chặn chúng. Đồng thời có đôi lời nhắn nhủ các nhóm, các cá nhân, những người mà có thể bằng hành động của họ, giúp xây dựng một trật tự Quyền con người quốc tế mà trong đó những hình thức tương tự nô lệ sẽ không được dung thứ.
Những biểu hiện của tình trạng nô lệ
Bằng chứng về các hình thức nô lệ hiện đại như thác đổ về các cơ quan Quyền con người Liên hợp quốc, đặc biệt là tới Nhóm công tác về Những hình thức nô lệ hiện đại (Working Group on Contemporary Forms of Salavery), cũng như qua những nghiên cứu và điều tra của các báo cáo viên đặc biệt, đã cho thấy một bức tranh chính xác về những hình thức tương tự nô lệ trong thế giới hiện tại. Những miêu tả sau đây lấy từ các nguồn chính thức ấy.
Những nguồn chính thức ấy cũng cho thấy không có sự tách biệt rõ ràng giữa những hình thức nô lệ hiện đại khác nhau. Một gia đình, một nhóm người thường là nạn nhân của một vài hình thức nô lệ hiện đại - chẳng hạn, lao động gán nợ, lao động cưỡng bức, lao động trẻ em hoặc mại dâm trẻ em - mà sự bần cùng là một nguyên nhân phổ biến.
Lao động trẻ em
Lao động trẻ em có sức hấp dẫn vì nó rẻ, và vì theo lẽ đương nhiên, trẻ em dễ bảo, dễ khuôn vào kỷ luật hơn người lớn, và còn bởi trẻ em rất sợ bị khiển trách. Những thân hình và ngón tay nhỏ bé bị những ông chủ vô lương tâm coi là tài sản quí để dùng vào một số công việc. Tình trạng lao động trẻ em thường diễn ra khi trẻ em phải làm việc vì cha mẹ thất nghiệp ở nhà.
Có nhiều trẻ em tuổi từ 7 đến 10 đã phải làm việc từ 12 - 14 tiếng một ngày và chỉ được trả công không bằng một phần ba tiền công của người lớn.
Các trẻ em làm nghề giúp việc trong gia đình chẳng những bị bắt buộc làm việc cả ngày vì đồng lương rẻ mạt mà còn là những đối tượng đặc biệt dễ bị xâm hại tình dục hay bị đánh đập, nhục hình.
Tình cảnh tồi tệ nhất xảy ra với trẻ em bị bắt cóc, bị đưa đi nhốt ở các nơi xa xôi và bị xiềng chân để không thể bỏ trốn. Những em bé này bị bắt buộc phải làm đường hay khai thác đá.
Lao động trẻ em, thường nặng nhọc, nguy hiểm, huỷ hoại sức khoẻ, tước đoạt quyền được giáo dục và hưởng thụ đời sống thời thơ ấu bình thường của trẻ em.
Các tổ chức phi chính phủ đã đề xuất một kế hoạch nhằm xoá sạch những hình thức bóc lột trẻ em tồi tệ nhất. Đề nghị của họ như sau:
- Tất cả các trại lao động cưỡng bức phải bị xoá bỏ trong vòng 12 tháng;
- Trẻ em phải được loại trừ khỏi những hình thức lao động nguy hiểm nhất, như Tổ chức Y tế thế giới (WHO), và ILO đã xác định thời hạn cuối cho việc này là năm 1995;
- Tất cả các hình thức lao động đối với trẻ em dưới 10 tuổi mà bị cấm theo Công ước số 138 của ILO phải bị xoá bỏ, đến năm 2000, giảm một nửa số lao động trẻ em trong độ tuổi 10 - 14.
Trẻ em và xung đột vũ trang
Hiện tượng cưỡng bức trẻ em tham gia vào lực lượng quân sự xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới. Hậu quả của việc đó thật là tai hại. Nhiều trẻ em bị chết hoặc bị tàn phế trong các chiến dịch quân sự, trong khi nhiều em khác bị thẩm vấn, tra tấn, đánh đập hoặc bị bắt làm tù binh chiến tranh.
Buôn người, bóc lột tình dục
Những bằng chứng về việc tuyển mộ, bắt cóc, bóc lột mại dâm phụ nữ và mại dâm trẻ em có tổ chức (với cả trẻ em trai và gái) được tìm thấy ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tại một số nơi, có một mối liên hệ đã được thiết lập giữa mại dâm, khiêu dâm - đặc biệt là mại dâm, khiêu dâm trẻ em - và việc thúc đẩy cũng như sự tăng trưởng của ngành du lịch.
Buôn bán trẻ em
Bọn môi giới vô nhân đạo đã nhận thấy món lợi lớn trong việc sắp xếp chuyển giao trẻ em từ các vùng quê nghèo khó để bán cho những người có nhu cầu - mà không hề có sự bảo đảm và giám sát để chắc chắn rằng những lợi ích của trẻ em sẽ được bảo vệ. Trong các trường hợp ấy, tiền bạc thu được - đối với các bậc bố mẹ cũng như với bọn cò mồi - mang tính chất là lợi nhuận có được từ buôn bán trẻ em.
Đi ở để gán nợ
Rất khó phân biệt việc đi ở để gán nợ với hình thức nô lệ truyền thống, bởi đi ở gán nợ ngăn cản nạn nhân từ bỏ công việc phải làm hay đất đai phải cày cấy cho chủ nợ cho đến khi số tiền nợ được khấu trừ hết. Mặc dù theo lý thuyết, một món tiền nợ có thể trả trong một thời hạn nhất định, song tình thế phải đi ở để gán nợ xảy ra trong những trường hợp khi đã cố hết sức mình mà người vay nợ không sao trả hết số nợ đó được. Thông thường, những món nợ như vậy được truyền lại các thế hệ sau và con cái của các con nợ phải trả thay.
Apartheid và chủ nghĩa thực dân
Apartheid không đơn giản là vấn đề phân biệt chủng tộc phải giải quyết bằng giáo dục và cải cách chính trị. Thực chất, chủ nghĩa Apartheid là sự tước đoạt quyền sở hữu của người da đen ở Nam Phi bằng cách áp đặt ở đó một chế độ thực dân. Thông qua các biện pháp cưỡng chế, lao động của người bản địa bị khai thác để tạo ra lợi nhuận của bọn chủ đầu tư da trắng.
Bằng việc đàn áp Quyền con người của toàn thể dân chúng, chế độ Apartheid và các hình thức thực dân khác mang tính chất hình thức nô lệ tập thể hay nô lệ nhóm... Tính chất nguy hại của nó thể hiện ở chỗ, dân chúng dưới chế độ đó không có cách lựa chọn nào khác là phải sinh ra trong một quốc gia nô lệ và có rất ít, thậm chí không có điều kiện để chống lại nó.
Chế độ nô lệ: Một ám ảnh tinh thần
Chế độ nô lệ truyền thống - với hình thức của một hệ thống cưỡng bức lao động hợp pháp - đã bị xoá bỏ ở khắp nơi, nhưng ảnh hưởng của nó vẫn còn rơi rớt lại. Vẫn có những thông tin về sự tồn tại của các chợ nô lệ ở một số nơi trên thế giới. Thậm chí sau khi đã bị xoá bỏ, những dấu tích của chế độ nô lệ vẫn còn tồn tại, Nó bám chặt vào đầu óc của những nạn nhân, của con cháu họ và hậu duệ của những chủ nô lệ một thời gian dài sau đó mới chính thức bị mất đi.
Các công ước quốc tế
Mối quan tâm của cộng đồng quốc tế về chế độ nô lệ và việc ngăn chặn nó là chủ đề của nhiều hiệp ước, tuyên ngôn, công ước được ban hành trong hai thế kỷ XIX và XX. Công ước đầu tiên trong ba công ước của thời kỳ hiện đại là Công ước về Nô lệ năm 1926 của Hội Quốc liên.
Năm 1953, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua một nghị quyết chấp nhận việc thừa kế công ước trên của Hội Quốc liên. Chỉ tính đến năm 1990, đã có 86 quốc gia phê chuẩn công ước này. Với việc tham gia công ước, các quốc gia đã cam kết ngăn ngừa và trấn áp việc buôn bán nô lệ và tiến đến xoá bỏ chế độ nô lệ dưới mọi hình thức.
Năm 1949, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Công ước về Trấn áp buôn người và bóc lột mại dâm người khác. Văn kiện pháp lý quốc tế đó củng cố thêm những điều ước quốc tế khác về vấn đề này mà được thông qua từ năm 1904.
Đối tượng của công ước trên là bọn tổ chức mại dâm (ma cô, chủ chứa...) chứ không phải bản thân người bán dâm. Công ước đòi hỏi các quốc gia thành viên phải thực thi các biện pháp để ngăn chặn nạn mại dâm và phục hồi cho những người phải làm nghề mại dâm.
Chỉ tính đến hết năm 1990, số quốc gia phê chuẩn hoặc gia nhập Công ước trên đã là 60 nước. Những quốc gia này cũng cam kết sẽ ngăn chặn tình trạng buôn bán người ở bất kỳ giới nào vào mục đích mại dâm và ngăn cấm những hành động đó bằng các đạo luật, các quy chế, các thủ tục đăng ký đặc biệt, cũng như những yêu cầu khác với những người đính hôn hoặc những hiện tượng đính hôn có dấu hiệu của hoạt động buôn bán người vì mục đích mại dâm.
Định nghĩa về nô lệ trong Công ước năm 1926 về nô lệ được mở rộng bao gồm cả việc đi ở để gán nợ, các hình thức cưới xin nô dịch, các hình thức bóc lột trẻ em và người chưa thành niên, được quy định trong Công ước bổ sung về Xoá bỏ chế độ nô lệ, việc buôn bán nô lệ và các hình thức, thực tiễn tương tự như nô lệ, được thông qua tại một hội nghị của Liên hợp quốc họp tại Geneva năm 1956. Chỉ tính đến hết năm 1990, Công ước này đã có 106 quốc gia thành viên.
Nhóm công tác về Những hình thức nô lệ hiện đại là một cơ quan của Liên hợp quốc có trách nhiệm tiếp nhận những thông tin về tiến trình thực hiện các công ước có liên quan đến vấn đề nô lệ từ các quốc gia.
Một số công ước khác có liên quan đến vấn đề này cũng đã được ILO thông qua và giám sát thực thi.
Các biện pháp bảo vệ khác
Một đặc điểm của UDHR, ICCPR, ICESCR, CEDAW, CRC là cũng cấp sự bảo vệ chống lại những vi phạm Quyền con người thông qua một định nghĩa rộng về nô lệ. Các Uỷ ban thành lập theo những công ước này có trách nhiệm giám sát việc thực thi công ước của các quốc gia thành viên.
Ngoài ra, Liên hợp quốc còn có các thủ tục cho phép tiếp nhận những khiếu tố về vi phạm Quyền con người, trong đó có các hành vi liên quan đến vấn đề nô lệ.
Công ước về Quyền trẻ em, có hiệu lực ngày 02/9/1990 có thể coi là một công cụ có hiệu quả nhất để chống lại các hình thức tương tự nô lệ mà hướng vào những nạn nhân là trẻ em. Nếu các quốc gia thành viên công ước thực thi một cách nghiêm chỉnh các quy định của nó thì công ước sẽ bảo vệ được trẻ em khỏi các nguy cơ bị bóc lột tình dục, bóc lột về kinh tế và những hình thức bóc lột khác, và kể cả việc buôn án trẻ em, lôi cuốn trẻ em vào xung đột vũ trang...
Hoạt động của Liên hợp quốc
Nhóm công tác về các hình thức nô lệ hiện đại(1) có trách nhiệm chính trước Liên hợp quốc trong việc nghiên cứu về chế độ nô lệ ở mọi khía cạnh của nó. Cuộc họp đầu tiên của nhóm được tổ chức vào năm 1975, với tên gọi là Nhóm công tác về nô lệ. Nhóm được đổi tên (như tên gọi hiện nay) vào năm 1988.
Nhóm công tác này gồm năm chuyên gia độc lập được tuyển chọn từ các thành viên của Tiểu ban về Ngăn ngừa sự phân biệt đối xử và bảo vệ người thiểu số, dựa trên cơ sở phân bố công bằng về địa lý. Nhóm họp mỗi năm một tuần và trình báo cáo lên Tiểu ban.
Ngoài việc theo dõi thực thi các công ước về nô lệ và kiểm điểm tình hình có liên quan ở các nơi trên thế giới, Nhóm phải chọn một chủ đề cần quan tâm đặc biệt cho mỗi năm. Năm 1989, chủ đề là ngăn ngừa tình trạng buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và khiêu dâm trẻ em. Năm 1990, chủ đề là xoá bỏ tình trạng bóc lột lao động trẻ em và nạn biến trẻ em thành nô lệ gán nợ. Chủ đề của năm 1991 là ngăn ngừa nạn buôn người và bóc lột mại dâm người khác.
Các chương trình hành động quốc gia và quốc tế nhằm giải quyết các vấn đề nêu ra trong hai chủ đề đầu đã được nhóm công tác soạn thảo và lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các chính phủ và các tổ chức quốc tế.
Các báo cáo viên đặc biệt
Theo khuyến nghị của Nhóm công tác, năm 1990, Uỷ ban Quyền con người đã chỉ định ông Vitit Mutarbhorn làm báo cáo viên đặc biệt về buôn bán trẻ em, mại dâm, khiêu dâm trẻ em và vấn đề nhận nuôi trẻ em vì mục đích thương mại. Báo cáo viên đặc biệt phải báo cáo kết quả nghiên cứu và những khuyến nghị về các vấn đề đó trước Uỷ ban vào năm 1992.
Công trình đó là hoạt động gần đây nhất do Nhóm tiến hành, nhằm làm rõ những hình thức nô lệ hiện đại và đề xuất những biện pháp đấu tranh xóa bỏ những hình thức đó.
Năm 1982, Benjamin Whitaker đã cập nhật bản báo cáo về chế độ nô lệ mà chứa đựng một loạt vấn đề, trong đó có vấn đề lao động cưỡng bức, buôn bán trái phép người lao động di trú, những thực tiễn tương tự nô lệ liên quan đến phụ nữ như cưỡng bức kết hôn, buôn bán phụ nữ, giết phụ nữ vì của hồi môn, cắt xẻo các bộ phận sinh dục của các em gái...
Một chuyên gia khác là Abdelwahab Boudhiba đã tiến hành điều tra về vấn đề bóc lột lao động trẻ em. Trong báo cáo trình lên Tiểu ban ngăn ngừa sự phân biệt đối xử và bảo vệ người thiểu số vào năm 1981, ông cho biết rằng, những công việc trẻ em phải làm thường gây chấn thương và chúng làm biến dạng khái niệm về lao động xưa nay với ý nghĩa là những hoạt động không bắt buộc, cũng như là một trong những biện pháp để bảo đảm sự trưởng thành của trẻ em.
Việc trấn áp nạn buôn người và bóc lột tình dục người khác là chủ đề của báo cáo do Jean Fernand Laurent trình lên ECOSOC. Năm 1984, theo lời mời của Chính phủ Mauritania, một phái đoàn của Liên hợp quốc đã tới thăm nước này để nghiên cứu về việc xoá bỏ hậu quả của chế độ nô lệ.
Các khuyến nghị
Trong nhiều đề xuất về những hành động trong tương lai, Nhóm công tác khuyến nghị rằng:
- Cần thành lập một quỹ tự nguyện hoặc quỹ uỷ thác để tạo thêm điều kiện cho các tổ chức trực tiếp liên quan đến vấn đề này có thể tham gia nhiều hơn vào các hoạt động của Nhóm.
- Nơi nào có thể lôi cuốn lao động trẻ em - chẳng hạn như các cơ sở dệt thảm - sản phẩm phải mang một nhãn hiệu đặc biệt chứng tỏ rằng sản phẩm đó không phải do trẻ em làm ra. Người tiêu dùng cần cảnh giác với những loại hàng không gắn loại nhãn hiệu ấy.
- Cần phát động một chiến dịch thông tin nhằm tẩy chay hàng làm ra do bóc lột sức lao động trẻ em.
- ILO cần phối hợp với các cơ quan Liên hợp quốc để tổ chức một cuộc hội thảo về vấn đề lao động gán nợ.
- Các cơ quan, tổ chức chuyên môn của Liên hợp quốc, các ngân hàng phát triển và các tổ chức liên minh chính phủ khác cần chống lại việc thu hút lao động gán nợ trong các dự án phát triển của họ, và trợ giúp vào việc loại bỏ hình thức lao động này.
- Các quốc gia cần hợp tác để soạn thảo và thông qua một công ước tương tự như công ước được đưa ra trong Hội nghị La-hay về tư pháp quốc tế.
Các nguồn thông tin
Trong việc nghiên cứu các vấn đề nô lệ hiện đại, xác định những công việc ưu tiên cần phải tiến hành, thiết lập các cơ sở lý luận và đưa ra những khuyến nghị trên lĩnh vực này, Nhóm công tác phải thu thập thông tin ở nhiều nguồn khác nhau, trong đó từ các chính phủ, các cơ quan khác nhau của Liên hợp quốc, các tổ chức liên chính phủ và phi chính phủ.
Qua các tuyên bố, các chính phủ đã bày tỏ sự quan tâm và ủng hộ các dự án giúp đỡ những nạn nhân của những thực tiễn tương tự nô lệ. Các chính phủ cũng cung cấp thông tin về những thay đổi trong luật pháp quốc gia nhằm ngăn ngừa những thực tiễn này và bảo vệ tốt hơn các nạn nhân. Nhiều sáng kiến khác nhau của các chính phủ đã đề cập tới những yêu cầu về dịch vụ tư vấn nhằm thực hiện các công ước quốc tế của Liên hợp quốc trên lĩnh vực này và nhằm phối hợp trong hệ thống Liên hợp quốc để chống lại nạn buôn người và bóc lột tình dục.
Các tổ chức phi chính phủ có đóng góp quan trọng vào hoạt động của Nhóm. Tại các phiên họp của Nhóm, họ thông báo cho Nhóm công tác biết tình hình mà họ thu thập được ở các nơi trên thế giới và trình bày công việc, kinh nghiệm của mình trong việc xóa bỏ những thực tiễn bị lên án trong các công ước về nô lệ. Họ tham gia vào các lĩnh vực khác nhau như trợ giúp pháp lý và giúp đỡ trẻ em trong tình trạng khẩn cấp; Các dịch vụ phục hồi cho trẻ em bị cưỡng bức tham gia các cuộc xung đột vũ trang; Phát động các chiến dịch xóa bỏ mại dâm trẻ em; Hỗ trợ xây dựng khung pháp luật về nhận nuôi con nuôi giữa các quốc gia; Vạch ra các chương trình trợ giúp phát triển cho những trẻ em bị bóc lột tình dục.
Nhóm công tác cũng nhận được thông tin có liên quan do các tổ chức chuyên môn của Liên hợp quốc cung cấp.
Hợp tác quốc tế
Những nỗ lực để loại bỏ các hình thức nô lệ hiện đại lôi cuốn hàng loạt tổ chức quốc tế hợp tác với Nhóm công tác, liên quan đến những lĩnh vực hoạt động riêng của họ.
Tổ chức Lao động quốc tế
ILO đã thông qua hai công ước mà đòi hỏi các quốc gia thành viên phải trấn áp và không sử dụng bất kỳ hình thức lao động cưỡng bức nào. Công ước số 29 năm 1930 cấm mọi hình thức lao động cưỡng bức. Công ước số 105 năm 1957 cấm sử dụng lao động cưỡng bức để phát triển. Hai công ước này đều đã có hơn một trăm quốc gia phê chuẩn.
Công ước về tuổi lao động tối thiểu năm 1973 của ILO nhằm ngăn chặn tình trạng bóc lột lao động trẻ em. Công ước này quy định độ tuổi tối thiểu để tham gia quan hệ lao động không được thấp hơn tuổi hoàn thành giáo dục bắt buộc và trong bất kỳ trường hợp nào trẻ em dưới 15 tuổi ở các nước phát triển, 14 tuổi ở các nước đang phát triển cũng không được tham gia quan hệ lao động; bất kỳ trường hợp nào mà trẻ em dưới 18 tuổi phải làm các công việc “có thể có hại cho sức khoẻ, an toàn và đạo đức” đều bị coi là bóc lột lao động trẻ em.
Các chính phủ có trách nhiệm báo cáo với ILO về những hoạt động đã tiến hành để thực hiện các công ước kể trên. Các báo cáo được Uỷ ban các chuyên gia về thực thi công ước và khuyến nghị và Hội nghị lao động quốc tế xem xét. Bất kỳ vấn đề nào xảy ra cũng được theo dõi cho đến khi giải quyết xong.
ILO cũng tiến hành các chương trình hỗ trợ kỹ thuật tích cực chống lại việc sử dụng lao động trẻ em, lao động trừ nợ, và các hình thức bóc lột không thể chấp nhận khác.
ILO cung cấp thông tin cho Nhóm cộng tác về các hình thức nô lệ hiện đại; ngược lại, các hoạt động của Nhóm soi rọi và mở rộng các công ước của ILO. Trong một số trường hợp, Nhóm có thể yêu cầu sự trợ giúp của ILO để giải quyết vấn đề.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO)
WHO đã khẳng định trong các phiên họp của Nhóm công tác rằng bóc lột tình dục, lao động trừ nợ, buôn bán trẻ em và chủ nghĩa Apartheid đều là những nguy cơ đe dọa nghiêm trọng tới sức khoẻ, tinh thần và sự phát triển xã hội của trẻ em trong các hoàn cảnh đó. Bóc lột tình dục cũng làm tăng nguy cơ lây nhiễm vi rút suy giảm miễn dịch cho con người (HIV) và bệnh AIDS.
Ngoài việc nhận nghiên cứu vấn đề mại dâm trẻ em, đưa ra những phương pháp phòng ngừa và điều trị những bệnh nguy hiểm, WHO và các văn phòng khu vực của tổ chức này đang cung cấp trợ giúp kỹ thuật cho các dự án cụ thể.
WHO cũng đang soạn thảo những hướng dẫn về vấn đề buôn bán các bộ phận cơ thể con người vì các mục đích cấy ghép.
Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO)
Nô lệ và thực tiễn tương tự nô lệ là chủ đề của nhiều cuộc hội thảo và các nghiên cứu do UNESCO bảo trợ. Ví dụ, UNESCO đã trợ giúp thực hiện một dự án nghiên cứu của Uỷ ban trẻ em Thiên chúa giáo quốc tế về việc bảo vệ trẻ chưa thành niên khỏi sự khiêu dâm. Năm 1988, UNESCO đã tổ chức một cuộc hội nghị để thảo luận về ảnh hưởng của xung đột vũ trang đối với trẻ em và đề xuất các hoạt động nhằm bảo vệ và thúc đẩy các quyền của trẻ em trong những hoàn cảnh ấy.
Năm 1991 UNESCO đã tổ chức một cuộc hội nghị về Công ước năm 1949 về trấn áp nạn buôn người và bóc lột mại dâm người khác, với mục đích đưa ra những đề xuất cải thiện việc thực thi công ước này.
Tổ chức Nông - Lương Liên hợp quốc (FAO)
Tiếp cận của FAO về tình trạng nô dịch trẻ em và lao động gán nợ liên quan đến các hình thức hiện tại về chiếm hữu đất đai. Các hoạt động của FAO nhằm thúc đẩy sự tham gia của người dân và trợ giúp các tổ chức quy mô nhỏ của nông dân cũng đồng thời là những biện pháp có hiệu quả để chống lại tình trạng lao động gán nợ.
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF)
UNICEF có vai trò quyết định trong các chiến lược quốc tế để giải quyết những hình thức nô lệ hiện đại với trẻ em. UNICEF đã cung cấp những hỗ trợ to lớn để nhanh chóng thông qua và phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em và đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh thế giới vì trẻ em ở Niu Yoóc vào tháng 9/1990.
Hội nghị thượng đỉnh đã thông qua bản Tuyên ngôn và Kế hoạch hành động vì sự sống còn, bảo vệ và phát triển của trẻ em trong những năm 1990. Trong Kế hoạch hành động, các quốc gia đã cam kết hành động để giảm sự khốn khổ của hàng triệu trẻ em đang sống ở những hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, ví dụ như trẻ em mồ côi, trẻ em lang thang đường phố, trẻ em tị nạn, trẻ em khuyết tật, trẻ em là nạn nhân của chiến tranh, thiên tai hoặc tai họa do con người gây ra, trẻ em của những người lao động di trú và của các nhóm xã hội yếu thế khác, trẻ em lao động, trẻ em bị bắt cóc để sử dụng vào mục đích tình dục, trẻ em bị lạm dụng tình dục và các hình thức bóc lột khác, trẻ em phạm tội và trẻ em là nạn nhân của chủ nghĩa Apartheid hay sự chiếm đóng của ngoại bang...
Cao uỷ Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR)
UNHCR có một nhóm thường trực có trách nhiệm theo dõi tình hình trẻ em tị nạn và những vấn đề đặc biệt mà các em gặp phải. Các hướng dẫn của UNHCR gửi tới các văn phòng của cơ quan này về vấn đề trẻ em tị nạn bao gồm những khía cạnh về tuyển mộ người trong xung đột vũ trang và thu nhận trẻ em không có người đi kèm.
Uỷ ban của Liên hợp quốc về vị thế của phụ nữ
Những vấn đề gần gũi với nô lệ có ảnh hưởng tới phụ nữ vẫn luôn nhận được sự chú ý của Uỷ ban về vị thế của phụ nữ và là chủ đề nổi bật trong các cuộc tranh luận, các kết luận, khuyến nghị trong các Hội nghị thế giới về Phụ nữ ở Mexico City, Copenhagen và ở Nairobi. Uỷ ban đã cung cấp những thông tin có liên quan cho Nhóm công tác.
Bộ phận ngăn ngừa tội ác và tư pháp hình sự của Liên hợp quốc
Trong nghiên cứu của cơ quan này về sự đối xử ngược đãi với trẻ em bao gồm việc buôn bán trẻ em, cơ quan này đã xác định bốn lĩnh vự yếu kém của bộ máy tư pháp, đó là việc ngăn ngừa tội phạm; đối xử và đền bù cho nạn nhân; việc trừng phạt pháp luật đối với kẻ vi phạm; việc giúp đỡ phục hồi cho nạn nhân.
Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol)
Interpol cung cấp thông tin về những thực tiễn tương ứng như nô lệ cho Nhóm công tác trên cơ sở một thoả thuận hợp tác giữa tổ chức này với Liên hợp quốc.
Những thông tin đó bao gồm bản thông báo vào năm 1988 tại cuộc Hội thảo quốc tế về nạn buôn người, trong đó thảo luận về nạn khiêu dâm trẻ em. Hội thảo đã thúc giục các cơ quan thực thi pháp luật phải đặt ưu tiên trong việc điều tra những vật phẩm khiêu dâm trên thị trường quốc tế, với mục đích nhằm bảo vệ hạnh phúc của trẻ em. Hội nghị cũng khuyến nghị rằng việc ngăn chặn sự xâm phạm tình dục trẻ em phải được đưa vào các chiến dịch thúc đẩy nhận thức của quần chúng do các cơ quan thực thi pháp luật tổ chức.
Interpol đang thực hiện một dự án nghiên cứu các biện pháp đẩy mạnh hợp tác quốc tế để ngăn ngừa và trừng trị các dạng tội phạm chống trẻ chưa thành niên và sẽ thông báo kết quả cho Nhóm công tác.
Vai trò của tất cả mọi người
Cơ sở chủ yếu của các Công ước quốc tế, của luật pháp quốc gia và của các thủ tục bắt buộc đã được thiết lập, nhưng kinh nghiệm nhiều năm cho thấy chỉ có các hoạt động chính thức thì không thể nào xóa bỏ được chế độ nô lệ dưới tất cả các dạng thức của nó. Phải thay đổi cả các tập quán và thói quen đã ăn sâu, bén rễ trong các xã hội.
Những người xúc động với tình cảnh của các nạn nhân của các hình thức nô lệ hiện đại - đặc biệt là trẻ em - vẫn thường xuyên viết thư cho Liên hợp quốc. Trong thư họ thường hỏi: “Tôi có thể làm gì?”
Câu trả lời là mọi người hãy góp phần xây dựng một trật tự thế giới mà không dung thứ những hình thức bóc lột vô nhân đạo đó nữa. Có rất nhiều điều cần phải làm ở các cấp độ quốc gia, địa phương, bởi các hội đoàn thể và các cá nhân.
Sau đây là một số gợi ý:
- Hãy trợ giúp thành lập các uỷ ban quốc gia bảo vệ và thúc đẩy Quyền con người, đặc biệt là quyền của các nhóm người dễ bị tổn thương nhất như trẻ em, phụ nữ, người bản địa, người lao động trừ nợ.
- Hãy khuyến khích các tổ chức tôn giáo và xã hội tích cực giác ngộ tín đồ và quần chúng của họ về tính chất vô nhân đao của các hình thức bóc lột rộng lớn hiện nay.
- Hãy đề nghị, thông qua các hội phụ huynh học sinh và giáo viên, rằng nhà trường cần tiến hành các hoạt động khác nhau, kể cả triển lãm nghệ thuật, thi sáng tác văn học để cho mọi người thấy rõ hậu quả tai hại của thực tiễn tương tự như nô lệ.
- Hãy tổ chức các cuộc thi nghệ thuật quốc gia cho học sinh, sử dụng những tác phẩm được giải để in áp phích, tem bưu điện.
- Trong Ngày Quyền con người quốc tế 10/12 (kỷ niệm việc thông qua UDHR, 1948), hãy sử dụng cơ hội này để thu hút sự chú ý của công chúng vào những vấn đề bóc lột trong những thực tiễn tương tự như nô lệ. Hãy tổ chức những buổi hòa nhạc gây quỹ cho những dự án phát triển, cho các dịch vụ tư vấn, các chương trình tập huấn và việc thiết lập các trường học.
- Hãy tìm kiếm, thu hút sự quan tâm của các phương tiện thông tin đại chúng như truyền hình, phát thanh, báo chí vào việc giải quyết các vấn đề bóc lột trong các hoạt động giải trí cũng như qua dịch vụ thông tin của họ.
- Hãy tranh thủ sự giúp đỡ của các nhân vật hoạt động xã hội bằng cách mời họ xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng để cổ vũ cho sự thúc đẩy và làm cho cử tọa hiểu rõ vấn đề bóc lột.
- Hãy nâng cao sự quan tâm đối với thực tiễn bóc lột và tác hại của nó đối với sức khoẻ và phát triển của các nạn nhân trong những nhóm người bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, cho khách hàng và cho ngành du lịch.
- Hãy mở các chiến dịch tuyên truyền với các nhóm trên và các nhóm khác, gắn phù hiệu đặc biệt vào một số mặt hàng để chứng thực rằng chúng không phải do lao động trẻ em làm ra. Hãy trợ giúp các nhóm tương tự để giáo dục người tiêu dùng về những sản phẩm được dán nhãn như vậy.
- Hãy mở chiến dịch vận động phê chuẩn các điều ước quốc tế về Quyền con người ở các nước chưa phê chuẩn.
Nguyên bản tiếng Anh:
“Contemporary Forms of Slavery”
(Fact Sheet No.14)
(1) Năm 1990, các thành viên của Nhóm công tác này bao gồm: Fatma Zohra Ksentini (An-giê-ri) (Chủ tịch kiêm báo cáo viên đặc biệt), Ion Diaconu (Ru-ma-ni), Asbjorn Eide (Na-uy), Waleed M.Sadi (Gióoc-đa- ni), Suescun Monroe (Cô-lôm-bi-a).