Skip to main content

System Messages

You were not authenticated by the server. You may log in with your credentials below.

Chuyên đề 13

Phiên bản PDF

Tên tiếng Anh

“Internationnal Humanitarian Law and Human Rights” (Fact Sheets No. 13)

CHUYÊN ĐỀ 13
LUẬT NHÂN ĐẠO QUỐC TẾ VÀ QUYỀN CON NGƯỜI

Lời giới thiệu

Luật Nhân đạo quốc tế có một lịch sử ngắn ngủi nhưng đầy sự kiện. Phải mãi đến nửa sau thế kỷ XIX thì các quốc gia mới đồng ý với nhau về những quy tắc quốc tế để hạn chế những tổn thất không cần thiết trong chiến tranh - những quy tắc mà họ tự nguyện ràng buộc mình trong một Công ước.

Từ đó, tính chất hàng ngày thay đổi của những cuộc xung đột vũ trang và sức công phá của các loại vũ khí hiện đại đã làm cho Luật Nhân đạo quốc tế đổi mới và mở rộng qua nhiều cuộc thương lượng lâu dài và kiên nhẫn.

Tài liệu chuyên đề này điểm lại những biến chuyển của Luật Nhân đạo quốc tế và phạm vi ảnh hưởng của nó trong hiện tại, cũng như về ý nghĩa của nó đối với cả quân nhân và dân thường bị bắt trong các cuộc xung đột vũ trang.

Trước hết, cần có một định nghĩa về Luật Nhân đạo quốc tế. Luật Nhân đạo quốc tế là gì? Ngành luật này có thể coi là tập hợp những nguyên tắc và quy định nhằm hạn chế việc sử dụng bạo lực trong thời gian diễn ra các cuộc xung đột vũ trang. Mục đích của nó là nhằm:

- Bảo vệ những người không tham chiến hay không còn có thế trực tiếp tham chiến - cụ thể là những người bị thương, bị đắm tàu, tù binh và thường dân.

- Hạn chế tác động của bạo lực sử dụng trong chiến tranh để tiến tới mục đích chấm dứt cuộc xung đột.

Sự biến chuyển của luật quốc tế liên quan tới việc bảo vệ nạn nhân chiến tranh và việc tiến hành chiến tranh chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của sự phát triển trong các hoạt động pháp lý nhằm bảo vệ Quyền con người mà diễn ra sau Thế chiến thứ II. Việc thông qua những văn kiện quốc tế quan trọng trong lĩnh vực Quyền con người như UDHR (1948), Công ước châu Âu về quyền con người (1950) và hai công ước ICCPR, ICESCR (1966) đã góp phần xác nhận ý tưởng rằng, mọi người có quyền hưởng thụ các quyền con người, bất kể trong thời bình hay thời chiến.

Tuy nhiên, trong thời gian chiến tranh hay trong thời gian ban bố tình trạng khẩn cấp của một quốc gia, sự hưởng thụ một số Quyền con người nhất định có thể bị hạn chế. Điều 4 ICESCR cho phép các quốc gia có thể thực thi các biện pháp mà qua đó tạm thời không chịu sự ràng buộc của công ước với một số quyền nhất định “vào lúc có tình trạng khẩn cấp đe doạ sự sống còn của quốc gia”, nhưng chỉ “hạn chế chặt chẽ trong mức độ tình hình khẩn cấp đòi hỏi”. Điều 15 Công ước châu Âu về Quyền con người cũng có một quy định tương tự. Hàng năm, Tiểu ban ngăn ngừa sự phân biệt đối xử và bảo vệ người thiểu số đều tiến hành xem xét việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp của các quốc gia và sự tôn trọng Quyền con người trong bối cảnh đó.

Tuy nhiên, sự cần thiết đảm bảo Quyền con người ngay cả trong thời chiến đã được hoàn toàn thừa nhận từ trước đó. Điều 3 của bốn Công ước Geneva năm 1949 về bảo hộ nạn nhân chiến tranh quy định rằng, khi có xung đột vũ trang, những người được các Công ước này bảo vệ phải “được đối xử nhân đạo trong mọi hoàn cảnh, không có bất kỳ sự phân biệt nào về chủng tộc, màu da, tôn giáo hay tín ngưỡng, giới tính, dòng dõi hay tài sản, hoặc bất kỳ những yếu tố tương tự nào khác”.

Tại phiên họp thứ 43 (diễn ra từ ngày 5 đến 30/8/1991) của Tiểu ban ngăn ngừa sự phân biệt đối xử và bảo vệ người thiểu số, Tổng thư ký Liên hợp quốc đã có một báo cáo về giáo dục sự tôn trọng Quyền con người trong các cuộc xung đột vũ trang, được giới thiệu ở mục 4 của chương trình nghị sự (văn kiện mã số E/CN4/H2/1991/5). Hai năm trước đây, Tiểu ban đã thông qua Nghị quyết 1989/4 về “Quyền con người trong thời gian xung đột vũ trang”, trong đó chỉ ra rằng, trong các cuộc xung đột vũ trang, các quy định có liên quan của Luật Nhân đạo quốc tế và Luật Quốc tế về quyền con người thường không được tôn trọng. Tại phiên họp lần thứ 46, Uỷ ban Quyền con người đã thông qua Nghị quyết 1960/60, công nhận vai trò sống còn của Hội Chữ Thập đỏ quốc tế trong việc truyền bá Luật Nhân đạo quốc tế và kêu gọi các quốc gia “đặc biệt quan tâm tới việc giáo dục tất cả các nhân viên của các lực lượng an ninh, lực lượng vũ trang và các cơ quan hành pháp về Luật Quốc tế về Quyền con người và Luật Nhân đạo quốc tế áp dụng trong các cuộc xung đột vũ trang”.

Có ba nguồn tạo nên Luật Nhân đạo quốc tế, đó là “Luật Geneva”, biểu hiện là các Công ước và Nghị định thư quốc tế được xây dựng dưới sự bảo trợ của Hội Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC), mà có trọng tâm là bảo vệ những nạn nhân của xung đột vũ trang; “Luật La Hay”, là những văn kiện được thông qua dựa trên kết quả của các cuộc Hội nghị hoà bình tổ chức ở La-hay (Hà Lan) trong các năm 1899 và năm 1907, mà chủ yếu nhằm giải quyết các vấn đề về phương tiện và biện pháp chiến tranh. Nguồn thứ ba là từ những nỗ lực của Liên hợp quốc nhằm đảm bảo cho Quyền con người được tôn trọng trong các cuộc xung đột vũ trang và để hạn chế sử dụng một số loại vũ khí trong chiến tranh.

Càng ngày, ba nguồn kể trên càng hoà nhập thành một dòng chung.

Buổi đầu...

Trong khi quân Pháp và quân Áo đang giao chiến ở vùng Solferino (thuộc miền bắc nước Ý) vào tháng 6/1859, ý tưởng về một hành động quốc tế nhằm hạn chế sự đau khổ của những người bị ốm và bị thương trong chiến tranh nảy sinh trong tâm trí của Henri Dunant, một công dân trẻ tuổi của Thuỵ Sỹ.

Dunant cũng cảm thấy mình bị đau đớn như hàng ngàn người lính Pháp và áo bị thương trong trận đánh này, và ông đã cùng với một số người tình nguyện làm tất cả những gì có thể làm được để làm giảm bớt nỗi đau khổ cho họ. Quá xúc động với những gì thấy được, sau đó ông đã viết cuốn sách “Một kỷ niệm về trận Solferino” xuất bản năm 1862, trong đó ông khuyến nghị cần thành lập những tổ chức quốc gia để chăm sóc những người bị ốm, bị thương mà không có sự phân biệt về chủng tộc, quốc tịch hay tôn giáo. Ông cũng đề nghị các quốc gia ký một điều ước công nhận hoạt động của các tổ chức này và đảm bảo sự đối xử tốt hơn đối với những người bị thương.

Sau đó, cùng với bốn người bạn, Herri Dunant đã thành lập Uỷ ban quốc tế giúp đỡ người bị thương (sau sớm đổi thành Hội Chữ thập đỏ quốc tế - ICRC). Ý tưởng của Dunant được hưởng ứng rộng rãi. Ở một vài nước, các hội quốc gia được thành lập và trong một hội nghị ngoại giao ở Geneva năm 1864, đại biểu của 16 quốc gia châu Âu đã nhất trí thông qua Công ước về cải thiện điều kiện của những binh sỹ bị thương trên chiến trường. Văn kiện này gọi là Công ước Geneva thứ nhất. Nó đã đặt nền cho những nguyên tắc về sự phổ biến và khoan dung trong các vấn đề chủng tộc, dân tộc, tôn giáo. Công ước này lấy biểu tượng chữ thập đỏ trên nền trằng là dấu hiệu phân biệt của lực lượng quân y trong quân đội của các quốc gia. Tại các quốc gia theo Hồi giáo, biểu tượng chữ thập đỏ được thay bằng hình trăng lưỡi liềm đỏ trên nền trằng. Theo Công ước Geneva thứ nhất, tcác nhân viên và cơ sở y tế được cộng nhân là lực lượng trung lập trong thời gian chiến tranh.

Công ước Geneva thứ nhất chính thức đặt nền tảng cho Luật Nhân đạo quốc tế.

Sự mở rộng các công ước về Luật Nhân đạo quốc tế

Sự cần thiết mở rộng phạm vi của Công ước Geneva thứ nhất đã sớm trở thành một vấn đề hiển nhiên. Năm 1868, một dự thảo Công ước mới ra đời với ý tưởng mở rộng các nguyên tắc đã thông qua bốn năm trước đó tới các cuộc xung đột vũ trang trên biển. Một văn bản khác, đó là Tuyên bố St. Petersburg năm 1868 đã kêu gọi các quốc gia không sử dụng những loại vũ khí gây ra những tổn thất không cần thiết. Bản Tuyên ngôn này cấm sử dụng các đầu đạn phá.

Các Hội nghị hoà bình ở La-hay trong những năm 1899 và 1907 đã thông qua một số công ước xác định những luật lệ và tập quán tiến hành chiến tranh, bao gồm việc cấm ném bom các thành phố không có sức đề kháng và cấm sử dụng hơi độc và đạn hơi cay. Tuy nhiên, các Hội nghị đó đã không đạt được thoả thuận về một cơ chế tài phán bắt buộc như là một phương tiện để hóa giải những tranh chấp mà có thể đe doạ hoà bình.

Năm 1906, Công ước Geneva thứ nhất đã được sửa đổi để bảo vệ nhiều hơn nữa những nạn nhân chiến tranh trên đất liền, và một năm sau đó, tất cả các điều khoản của Công ước này chính thức được mở rộng phạm vi áp dụng tới các cuộc xung đột vũ trang trên biển.

Việc tôn trọng Công ước Geneva và những hoạt động của ICRC đã đóng vai trò sống còn trong việc cứu vãn nhiều sinh mạng và ngăn ngừa những tổn thất không cần thiết trong Thế chiến thứ I (1914 - 1918). Tuy nhiên, sự mất mát to lớn về sinh mạng trong cuộc chiến tranh ấy vẫn nhắc nhở cộng đồng quốc tế rằng Công ước này phải cần được tăng cường.

Trên tinh thần đó, một hội nghị đã được tổ chức ở Geneva vào năm 1929 và ở đó đã thông qua một Công ước gồm những điều khoản tốt hơn trong việc đối xử với người bệnh và người bị thương trong xung đột vũ trang, và một Công ước thứ hai riêng về đối xử với tù binh. Bốn năm sau, một Nghị định thư đã được thông qua tại một hội nghị của Hội Quốc Liên, có nội dung cấm sử dụng hơi cay ngạt và hơi độc.

Cuộc nội chiến Tây Ban Nha (1936 - 1939) và Thế chiến thứ II (1939 - 1945) đã cung cấp những bằng chứng thuyết phục về sự cần thiết phải tăng cường hơn nữa Luật Nhân đạo quốc tế để phù hợp với tính chất của các cuộc chiến tranh ngày càng thay đổi.

Sau đó, quyết định soạn thảo những Công ước Geneva mới được đưa ra vào năm 1949, bao quát vấn đề bảo vệ người bị ốm và người bị thương trong các cuộc chiến trên bộ (Công ước Geneva I, 1949), bảo vệ người bị ốm, bị thương, người bị đắm tàu thuộc các lực lượng vũ trang trên biển (Công ước Geneva II, 1949); bảo vệ tù binh (Công ước Geneva III, 1949); và bảo vệ nạn nhân thường dân (Công ước Geneva IV, 1949) tại một Hội nghị ngoại giao họp ở Geneva từ tháng 4 đến tháng 8/1949.

Có một điểm mới quan trọng thể hiện trong tất cả bốn công ước này, đó là các công ước đã thiết lập những quy tắc tối thiểu mà các bên tham chiến phải tôn trọng trong các cuộc xung đột vũ trang nội bộ.

Bốn Công ước Geneva vẫn còn hiệu lực cho đến ngày nay. Tuy nhiên, qua nhiều thập kỷ kể từ khi các công ước này được ban hành, nhiều dạng xung đột vũ trang mới đã xuất hiện, tàn khốc và huỷ diệt hơn, nhưng khu biệt trong một phạm vi nhất định và chỉ liên quan đến một số lượng nhất định binh sỹ và chiến binh khác. Sự thay đổi bản chất của các xung đột quân sự như vậy lại đặt ra sự cần thiết phải có những hành động nhân đạo tương ứng.

Vì lẽ đó, Hội nghị ngoại giao về Tái khẳng định và Phát triển Luật Nhân đạo quốc tế, được tổ chức tại Geneva từ năm 1974 đến năm 1977 đã thông qua hai Nghị định thư bổ sung các Công ước Geneva 1949.

Nghị định thư I đề cập đến việc bảo vệ những nạn nhân của các cuộc xung đột vũ trang quốc tế. Nghị định thư II đề cập đến việc bảo vệ những nạn nhân của các cuộc xung đột vũ trang nội bộ, bao gồm các cuộc xung đột giữa những lực lượng vũ trang của một chính phủ và những người chống đối hoặc các nhóm có tổ chức khác mà đang kiểm soát một phần lãnh thổ của quốc gia. Tuy nhiên, nó không điều chỉnh những vụ quấy rối, căng thẳng dưới hình thức nổi loạn, hoặc các hành động bạo lực lẻ tẻ, riêng rẽ khác.

Hội nghị ngoại giao kể trên cũng khuyến nghị triệu tập một hội nghị đặc biệt để bàn về việc cấm sử dụng một số loại vũ khí thông thường cụ thể vì lý do nhân đạo.

Chủ tính đến ngày 31/12/1990, đã có 164 quốc gia tham gia các Công ước Geneva 1949(1), 99 quốc gia đã phê chuẩn hoặc gia nhập Nghị định thư I và 89 quốc gia đã phê chuẩn hoặc gia nhập Nghị định thư II. Theo yêu cầu của Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thư ký Liên hợp quốc có trách nhiệm định kỳ báo cáo số lượng quốc gia tham gia các Nghị định thư này.

Một số điểm rút ra từ các Nghị định thư

Có những khía cạnh nhất định của các Nghị định thư, với ý nghĩa là sự phát triển mới nhất của “Luật Geneva”, cần phải nói kỹ hơn. Nghị định thư I (về các cuộc xung đột vũ trang quốc tế) phát triển thêm những nguyên tắc về vai trò của các nước bảo trợ mà mỗi bên tham chiến lựa chọn trong một cuộc xung đột, được giám sát việc thực thi Công ước và Nghị định thư. Nó cũng có những điều khoản cải thiện điều kiện của những người bị thương, bị ốm, người bị đắm tàu, quy định về việc thu thập và cung cấp thông tin về những người mất tích và người chết.

Bằng việc cấm sử dụng các phương pháp và phương tiện tiến hành chiến tranh mà gây thương tích quá đáng, gây những đau đớn không cần thiết và gây những tàn phá ở diện rộng hay có tác động lâu dài và nghiêm trọng đối với môi trường, Nghị định thư I đã kết thúc sự tách biệt giữa “Luật Geneva” và “Luật La Hay”.

Bất kỳ chiến binh nào rơi vào tay đối phương sẽ được coi là tù binh, và được hưởng những biện pháp theo quy định về bảo vệ tù binh. Tuy nhiên, những kẻ gián điệp hay làm lính đánh thuê không được hưởng quy chế là tù binh.

Nghị định thư I bảo vệ thường dân bình thường cũng như thường dân rơi vào bên đối phương. Các bên xung đột phải luôn phân biệt giữa thường dân và binh sĩ. Việc bỏ đói thường dân và tấn công vào môi trường tự nhiên bị đặc biệt cấm chỉ.

Có những biện pháp đặc biệt để bảo vệ phụ nữ và trẻ em, và các nhà báo đang làm nhiệm vụ nguy hiểm được đối xử như thường dân. Sự đối xử ưu đãi đặc biệt được dành cho các nhân viên y tế, bất kể các nhân viên này là thường dân hay theo các tôn giáo, và họ được tạo điều kiện thuận lợi trong việc vận chuyển dụng cụ y tế và thuốc men. Nghị định thư II cũng có những quy định tương tự áp dụng trong những cuộc xung đột vũ trang nội bộ.

Nghị định thư II có những quy tắc liên quan tới những nạn nhân của các cuộc xung đột vũ trang phi quốc tế và do đó đã hoàn thiện những nguyên tắc cơ bản nói ở Điều 3 (Phụ lục Công ước năm 1949).

Các Nghị định thư đều kêu gọi đối xử nhân đạo hơn nữa với tất cả những người không hoặc không còn tham gia chiến đấu. Theo hai Nghị định thư này, những hoạt động như giết người, tra tấn, gây thương tích và nhục hình hoàn toàn bị cấm. Có những điều khoản về việc chăm sóc người bệnh, người bị thương, người bị đắm tàu và bảo vệ thường dân chống lại những hành vi bạo lực hay đe doạ dùng bạo lực, hoặc hành vi sử dụng việc bỏ đói như một phương pháp chiến tranh và việc cưỡng bức rời khỏi nơi ở. Những hành vi thù địch chống lại các biểu tượng lịch sử, các tác phẩm nghệ thuật, những nơi thờ cúng, hoặc sử dụng những biểu tượng, vật dụng, địa điểm này vào mục đích quân sự đều bị cấm chỉ.

Vai trò của Liên hợp quốc

Gìn giữ hoà bình và ngăn chặn xung đột vũ trang là những mối quan tâm sống còn của Liên hợp quốc. Tôn trọng các quyền con người ở mọi lúc mọi nơi là nguyên tắc cơ bản của tổ chức này.

Năm 1949, Uỷ ban Pháp luật quốc tế đã quyết định không đưa luật về xung đột vũ trang vào chương trình nghị sự của mình, bởi việc quan tâm đến ngành luật này bị coi là thiếu tin tưởng vào khả năng giữ gìn hoà bình và an ninh của Liên hợp quốc.

Tuy nhiên, từ khi mới ra đời, các tổ chức Liên hợp quốc đã áp dụng các Công ước Geneva năm 1949 và các Nghị định thư của các công ước này, cũng như đã thúc đẩy các quốc gia phê chuẩn hay tuân thủ quy định của các điều ước này. Việc áp dụng Luật Nhân đạo quốc tế chiếm vị trí hàng đầu trong các tranh luận và quyết định của Uỷ ban Quyền con người và Tiểu ban ngăn ngừa sự phân biệt đối xử và bảo vệ người thiểu số.

Trong những năm 1960, Liên hợp quốc đã mở rộng những hoạt động nhằm xây dựng một hệ thống Luật Nhân đạo quốc tế. Một thời kỳ mới về hợp tác, tương tác và giúp đỡ lẫn nhau đã mở ra liên quan đến các sáng kiến nhân đạo giữa Liên hợp quốc và ICRC.

Hội nghị Tê-hê-ran

Hội nghị quốc tế về quyền con người ở Tê-hê-ran năm 1968 (Năm quốc tế về quyền con người) tuyên bố rằng những nguyên tắc nhân đạo phải được tôn trọng trong các giai đoạn của xung đột vũ trang.

Cùng năm, Đại hội đồng Liên hợp quốc, trong Nghị quyết 2444, đã chấp thuận khuyến nghị của Hội nghị Tê-hê-ran rằng Tổng thư ký Liên hợp quốc, sau khi tham khảo ý kiến của Hội Chữ thập đỏ quốc tế, sẽ thông tin cho các quốc gia thành viên về những quy định hiện hành của Luật Nhân đạo quốc tế, thúc đẩy họ, trong khi chờ thông qua các nguyên tắc mới, bảo đảm rằng thường dân và quân nhân được bảo vệ phù hợp với “Những nguyên tắc pháp luật của quốc gia do các dân tộc văn minh đúc rút từ việc thực thi luật pháp của nhân loại và từ tiếng gọi của lương tâm con người”

Hội nghị thoả thuận rằng, việc đưa ra những nguyên tắc mới là cần thiết để bảo vệ tốt hơn thường dân, tù binh và binh sĩ, bởi có các hành động quân sự và phương thức chiến đấu nhất định cần phải bị cấm vì quá vô nhân đạo.

Nghị quyết số 2444 của Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng công nhận một nghị quyết thông qua tại Hội nghị Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế lần thứ 12 (họp tại Viên năm 1965) đã đặt ra ba nguyên tắc cơ bản trong các cuộc xung đột vũ trang, đó là:

- Quyền của các bên xung đột được sử dụng những phương tiện sát thương kẻ địch không phải là vô hạn.

- Cấm tấn công vào đám đông và thường dân.

- Bất cứ khi nào cũng phải phân biệt rõ giữa những người tham gia chiến sự và những người là thường dân để thường dân càng được yên ổn bao nhiêu càng tốt.

Với việc thông qua Nghị quyết 2444, Đại hội đồng Liên hợp quốc tuyên bố không chấp nhận ý tưởng gây chiến tranh chống lại toàn bộ dân chúng như là một nỗ lực để đánh bại kẻ địch. Nghị quyết cũng đánh dấu sự phát triển của cuộc vận động nhằm đưa những nguồn của Luật Nhân đạo quốc tế - Luật Geneva, Luật La Hay và Luật Liên hợp quốc - hoà chung thành một dòng lớn. Nó cũng công nhận sự tương tác giữa các nguyên tắc bảo vệ nạn nhân chiến tranh để thiết lập các nguyên tắc trong chiến đấu, và để bảo vệ các quyền con người các cuộc xung đột vũ trang.

Mức độ hợp tác giữa Liên hợp quốc và ICRC đã được chính thức thừa nhận qua việc để cho Liên hợp quốc có quyền có quan sát viên ở ICRC vào tháng 10/1990.

Các báo cáo của Tổng thư ký Liên hợp quốc

Một trong hàng loạt báo cáo của Tổng thư ký về sự tôn trọng Quyền con người trong các cuộc xung đột vũ trang được trình bày trước Đại hội đồng vào năm 1969. Phản ứng của Đại hội đồng là yêu cầu Tổng thư ký tiếp tục theo dõi vấn đề và đặc biệt chú trọng đến việc bảo vệ Quyền con người của thường dân và chiến binh trong cuộc đấu tranh của các dân tộc đang chiến đấu tự giải phóng mình khỏi sự thống trị thực dân và ngoại bang nhằm giành quyền tự quyết, và để thực thi tốt hơn nữa các công ước và nguyên tắc hiện hành của Luật Nhân đạo quốc tế.

Báo cáo thứ hai vào năm 1970 điểm lại sự bảo vệ con người trong các cuộc xung đột vũ trang mà nêu trong các văn kiện về quyền con người của Liên hợp quốc - ví dụ như trong ICCPR. Báo cáo cũng đề cập đến việc thành lập các khu tị nạn cho thường dân, cũng như đến việc cấm các loại vũ khí hoá học và vi trùng.

Báo cáo cũng đưa tin về những người cần được bảo vệ trong tình hình xung đột nội bộ và chiến tranh du kích. Nó xác định những điều kiện cần có để được công nhân vị thế “người tham chiến có đặc quyền” (tức là những tù binh, theo định nghĩa của Công ước Geneva III). Báo cáo cho rằng, Công ước Geneva IV cần phải được áp dụng với những chiến sỹ đấu tranh cho tự do và đề xuất rằng, Công ước này cần được mở rộng để bao quát cả những cuộc xung đột không có tính chất quốc tế.

Cùng với hàng loạt nghị quyết, trong năm 1970, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã:

- Nhất trí rằng những quyền con người cơ bản mà đã được thừa nhận trong các điều ước và văn kiện quốc tế tiếp tục được áp dụng trong bối cảnh xung đột vũ trang.

- Xúc tiến soạn thảo một công ước quốc tế về bảo vệ các nhà báo trong các công vụ nguy hiểm.

- Xác nhận rằng những người tham gia phong trào kháng chiến, các chiến sĩ đấu tranh cho tự do, nếu bị bắt sẽ được đối xử như tù binh.

- Lên án việc oanh tạc vào những nơi đông thường dân và việc sử dụng vũ khí hoá học, vũ khí vi trùng.

- Cho rằng những tù binh bị thương và bị ốm nặng phải được hồi hương và những tù binh đã bị giam giữ lâu phải được hồi hương hay được đưa tới một nước trung lập.

- Kêu gọi đối xử nhân đạo với những người xứng đáng được Công ước Geneva III bảo vệ, yêu cầu tiến hành kiểm tra những nơi giam giữ người “do các nước bảo trợ hoặc các tổ chức nhân đạo, chẳng hạn như Hội Chữ thập đỏ quốc tế” tiến hành.

- Hoan nghênh quyết định của ICRC triệu tập một hội nghị để xác định lại và phát triển thêm luật nhân đạo áp dụng trong các xung đột vũ trang và nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác mật thiết giữa Liên hợp quốc và ICRC.

Đại hội đồng Liên hợp quốc nhấn mạnh rằng các khu vực cư trú, tỵ nạn, bệnh viện và các cơ sở khác mà thường dân sử dụng không thể là mục tiêu hoạt động quân sự. Thường dân không thể là nạn nhân của những cuộc trả thù, những cuộc di tản bắt buộc hoặc “những hành vi công kích khác vào sự toàn vẹn của họ”. Đại hội đồng cũng tuyên bố rằng cứu trợ quốc tế đối với thường dân là phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, UDHR và những văn kiện quốc tế khác về quyền con người.

Trong những năm sau đó, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã tiếp nhận bảy báo cáo về vấn đề Quyền con người trong xung đột vũ trang do Tổng thư ký trình lên. Tổng thư ký cũng đồng thời trình lên Đại hội đồng các báo cáo khác về vấn đề cấm hoặc hạn chế sử dụng một số loại vũ khí cụ thể, đặc biệt là về sử dụng bom na-pan và một số vũ khí gây cháy khác, cũng như về bảo vệ các nhà báo trong chiến tranh.

Các chiến sĩ đấu tranh cho tự do

Vị thế pháp lý của các chiến sĩ đang đấu tranh chống các thể chế thực dân và phân biệt chủng tộc để giành quyền tự quyết được Đại hội đồng Liên hợp quốc xác định vào năm 1973. Những nguyên tắc đã được nhất trí liên quan đến vấn đề này như sau:

- Những cuộc đấu tranh ấy là chính đáng và hoàn toàn phù hợp với những nguyên tắc của luật pháp quốc tế.

- Mọi hành động trấn áp các cuộc đấu tranh chống chế độ thực dân và phân biệt chủng tộc là trái với Hiến chương Liên hợp quốc, UDHR và Tuyên bố về trao trả quyền độc lập cho các nước và dân tộc thuộc địa, cũng như với Những nguyên tắc của luật pháp quốc tế liên quan đến quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia. Những hành động như vậy đe dọa hoà bình và an ninh quốc tế.

- Các chiến sĩ bị bắt có quyền được hưởng quy chế tù binh theo quy định tại Công ước Geneva III.

- Sử dụng lính đánh thuê chống các phong trào giải phóng dân tộc là một hành vi tội ác.

- Xâm phạm vị thế hợp pháp của các chiến sĩ sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm theo những tiêu chuẩn luật pháp quốc tế.

Bảo vệ phụ nữ và trẻ em

Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Tuyên bố về Bảo vệ phụ nữ và trẻ em trong tình trạng khẩn cấp và xung đột vũ trang vào năm 1974. Tuyên bố nêu rằng, tất cả các hình thức đàn áp và đối xử tàn bạo, vô nhân đạo với phụ nữ và trẻ em - bao gồm cầm tù, tra tấn, bắt giết, bắt bớ hàng loạt, trừng phạt tập thể, phá huỷ nơi ở và cưỡng bức di cư - do những kẻ tham chiến gây ra trong khi tiến hành các chiến dịch quân sự hay ở những lãnh thổ bị chiếm đóng, đều bị coi là tội ác.

Bảo vệ nhà báo

Theo các Công ước Geneva 1949, có một số hình thức bảo vệ nhất định được dành cho các nhà báo đang làm nhiệm vụ trong các vùng xung đột, nhưng như Đại hội đồng Liên hợp quốc đã lưu ý vào năm 1970, có một số dạng phóng viên làm những nhiệm vụ nguy hiểm không được đề cập đến. Theo uỷ thác của Đại hội đồng và ECOSOC, vào năm 1972, Uỷ ban Quyền con người đã thông qua một bản dự thảo công ước quốc tế về bảo vệ các nhà báo đang thực thi những nhiệm vụ nguy hiểm trong những vùng có xung đột vũ trang.

Bản dự thảo được chuyển đến Hội nghị Ngoại giao của Hội Chữ thập đỏ quốc tế về Tái khẳng định và Phát triển Luật Nhân đạo quốc tế, và vấn đề này đã được đề cập trong Điều 79 của Nghị định thư I do Hội nghị thông qua vào năm 1977. Điều này quy định rằng, các nhà báo đang thực thi những nhiệm vụ nguy hiểm cần phải được coi là thường dân và phải được bảo vệ như thường dân, miễn là họ không có hành động gì sai trái vi phạm vị thế thường dân của họ. Nghị định thư cũng quy định mẫu thẻ nhà báo do Chính phủ của quốc gia mà nhà báo là công dân phát hành.

Tìm kiếm người mất tích và người chết

Một công ước của Liên hợp quốc về cái chết của những người bị mất tích có hiệu lực năm 1952 và hết hiệu lực năm 1967 sau hai lần được mở rộng. Những phức tạp về pháp lý nổi lên từ vấn đề những người mất tích nhưng chưa rõ còn sống hay đã chết, mà do hậu quả của các cuộc xung đột vũ trang, giờ đây được đề cập trong Nghị định thư I của các Công ước Geneva năm 1949. Nghị định thư này quy định rằng, như một nguyên tắc chung, ngay khi hoàn cảnh cho phép và muộn nhất là khi cuộc xung đột vũ trang kết thúc, mỗi bên xung đột phải tìm kiếm những người được báo cáo là mất tích và phải thông báo tất cả những thông tin có liên quan cho phía bên kia.

Vấn đề cấm và hạn chế vũ khí

Sau Tuyên bố St. Petersburg năm 1868, đã có nhiều cố gắng liên tục trong các cuộc thương lượng quốc tế nhằm cấm và hạn chế sử dụng các loại vũ khí gây tổn thương không cần thiết cho binh sỹ hoặc cho dân thường trong những vùng ảnh hưởng của xung đột vũ trang.

Vũ khí hạt nhân

Ngay từ khi mới thành lập, Liên hợp quốc đã tập trung chú ý đến vấn đề vũ khí hạt nhân. Nghị quyết đầu tiên do Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua năm 1946 có nội dung đề cập đến việc thành lập một Uỷ ban năng lượng nguyên tử, mà một trong những nhiệm vụ của cơ quan này đưa ra những kiến nghị nhằm loại trừ các loại vũ khí hạt nhân khỏi các kho vũ khí quốc gia.

Trong khi nhấn mạnh vấn đề giải trừ quân bị, thì vấn đề sử dụng vũ khí trong thời chiến và tác động từ việc sử dụng chúng đối với các quyền con người cơ bản, trong đó có quyền sống, bắt đầu xuất hiện trong các chương trình nghị sự của các cơ quan Liên hợp quốc từ những năm 1960.

Đại hội đồng Liên hợp quốc đã tuyên bố trong Nhị quyết 1653 (XVI) năm 1961 rằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân và vũ khí nhiệt hạch là trực tiếp xâm phạm Hiến chương Liên hợp quốc, “gây tổn thất và tàn phá bừa bãi đối với nhân loại và nền văn minh... đi ngược lại những quy định của luật quốc tế và luật nhân đạo”. Bất kỳ quốc gia nào sử dụng các loại vũ khí này đều bị coi là hành động chống lại luật nhân đạo và cấu thành tội ác chống lại loài người và nền văn minh. Nghị quyết này được khẳng định lại vào vào các năm 1978, 1979, 1981.

Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân trong khí quyển, trong không gian và dưới mặt nước có hiệu lực vào năm 1963. Dù nó ra đời không phải dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc, nhưng hiệp ước này cũng được Đại hội đồng Liên hợp quốc chấp thuận. Các quốc gia thành viên của hiệp ước tuyên bố rằng họ muốn ngừng tất cả các vụ nổ vũ khí hạt nhân một cách vĩnh viễn và mong muốn chấm dứt sự ô nhiễm môi trường do chất phóng xạ.

Trong Hiệp ước về Các nguyên tắc điều chỉnh hành động của các quốc gia trong khám phá và sử dụng khoảng không vũ trụ, bao gồm mặt trăng và các hành tinh khác trong thái dương hệ (1966) các quốc gia thành viên cam kết không đưa vào quỹ đạo bất kỳ một vật gì mang vũ khí hạt nhân hay các loại vũ khí giết người hàng loạt. Mặt trăng và các hành tinh khác chỉ được sử dụng vào mục đích hòa bình.

Hai năm sau, Đại hội đồng Liên hợp quốc khuyến nghị đưa ra hiệp ước về không phổ biến vũ khí hạt nhân, mà theo đó mỗi quốc gia thành viên phải cam kết không chuyển giao cho bất kỳ chủ thể nào, một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, các loại vũ khí hạt nhân, các thiết bị nổ hạt nhân hay thiết bị điều khiển vũ khí hạt nhân. Họ cũng không được giúp đỡ, cổ vũ hay khuyến khích bất kỳ một quốc gia nào sản xuất hay tìm kiếm vũ khí hạt nhân.

Một Hiệp ước cấm tàng trữ vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí giết người hàng loạt khác dưới đáy biển, đáy đại dương hay ngầm dưới đất, đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua và mở cho các quốc gia ký kết vào năm 1991. Các quốc gia tham gia công ước có nghĩa vụ không được tàng trữ các loại vũ khí như vậy, hay tàng trữ những phương tiện phóng hoặc thử các loại vũ khí như vậy trên hoặc dưới đáy biển, đáy đại dương.

Trong Tuyên bố về ngăn chặn thảm họa hạt nhân năm 1981, Đại hội đồng Liên hợp quốc nêu rằng, các quốc gia hay các chính khách sử dụng vũ khí hạt nhân trước là phạm tội ác nghiêm trọng nhất chống lại nhân loại. Tuyên bố khẳng định, năng lượng hạt nhân chỉ có thể sử dụng vào mục đích hòa bình.

Sự phát triển của những loại vũ khí giết người hàng loạt mới, tương đương với vũ khí hạt nhân cũng đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thảo luận nhiều lần. Năm 1986, Đại hội đồng kêu gọi các quốc gia, mỗi khi có một loại vũ khí giết người hàng loạt mới ra đời, thì phải bàn ngay tới việc cấm và tìm cách trì hoãn việc phát triển sản xuất loại vũ khí đó.

Vũ khí hóa học và vi trùng

Đại hội đồng Liên hợp quốc đã nhiều lần khuyến nghị các quốc gia chưa tham gia Nghị định thư năm 1925 về cấm sử dụng hơi ngạt, hơi độc và vi trùng như là các phương pháp tiến hành chiến tranh hãy tham gia điều ước này.

Công ước về cấm phát triển, sản xuất và tàng trữ sinh học đã được Đại hội đồng thông qua và mở cho các quốc gia ký kết vào năm 1972, và có hiệu lực từ năm 1975. Các quốc gia tham gia Công ước này cam kết không phát triển, sản xuất, tàng trữ, tìm kiếm hoặc giữ lại “các chất vi trùng hay vi sinh... mà không thể lý giải được là để sử dụng cho mục đích kháng sinh, phòng bệnh hay vì một nục đích hòa bình khác hoặc các loại vũ khí, thiết bị hay phương tiện được thiết kế để sử dụng như là những tác nhân hoặc những chất độc như vậy cho các mục đích tiến hành chiến tranh hoặc trong các cuộc xung đột vũ trang. Công ước cũng đề cập tới việc thủ tiêu hay chuyển đổi các loại vũ khí, thiết bị đó vào mục đích hòa bình.

Năm 1978 Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Công ước về Cấm phát triển, sản xuất và tàng trữ vũ khí hóa học, coi việc thủ tiêu loại vũ khí này là một trong những nhiệm vụ cấp bách nhất của cộng đồng quốc tế.

Vũ khí thông thường

Vấn đề bom na-pan đã được thảo luận ở Hội nghị thế giới về Quyền con người ở Tê-hê-ran năm 1968. Hội nghị này đề nghị phải tiến hành nghiên cứu về vấn đề trên và được Hội Chữ thập đỏ quốc tế ủng hộ. Báo cáo về chất na-pan, các vũ khí gây cháy khác và các hình thức sử dụng chúng đã được trình bày trước Đại hội đồng Liên hợp quốc vào năm 1973, đã đi đến kết luận rằng đám cháy lan rộng do những vũ khí này gây lên tàn phá tất cả, không phân biệt mục tiêu quân sự hay dân sự, rằng thương tích do chúng gây ra là rất đau đớn và việc điều trị y tế vượt quá khả năng của các quốc gia.

Công ước của Liên hợp quốc về cấm hoặc hạn chế sử dụng một số loại vũ khí thông thường gây thương tích nhiều hay gây tác hại không phân biệt mục tiêu là kết quả của các cuộc hội nghị tổ chức ở Geneva trong các năm 1979 và 1980. Hội nghị này được tổ chức theo khuyến nghị của một Hội nghị Ngoại giao năm 1977 nhằm thông qua Nghị định thư bổ sung các Công ước Geneva năm 1949.

Có một mối quan hệ mật thiết giữa Công ước về vũ khí thông thường và các văn kiện khác của Luật Nhân đạo quốc tế, bao gồm hai Nghị định thư năm 1977 bổ sung bốn Công ước Geneva năm 1949, được các quốc gia thừa nhận bằng việc nhắc lại “các nguyên tắc chung về bảo vệ thường dân chống ảnh hưởng của chiến tranh”, cúng như những nguyên tắc nhằm tránh những tổn thất không cần thiết và bảo vệ môi trường.

Ba nghị định thư kèm theo Công ước về vũ khí thông thường

Nghị định I cấm sử dụng các loại vũ khí gây thương tích bằng những mảnh mà không thể xác định được bằng X-quang. Nghị định II cấm hoặc hạn chế sử dụng các loại mìn, bẫy mìn và các loại vũ khí điều khiển từ xa hoặc hẹn giờ. Nghị định thư III hạn chế sử dụng các loại vũ khí gây cháy.

Tội ác chống loài người

Liên hợp quốc đã thiết lập các nguyên tắc về hợp tác quốc tế trong ngăn ngừa và trừng phạt những tội ác chống hòa bình, tội phạm chiến tranh và tội ác chống nhân loại. Cam kết này mở ra một chiều hướng quan trọng đối với Luật Nhân đạo quốc tế.

Công ước về ngăn ngừa và trừng trị tội ác diệt chủng do Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua năm 1948 là một trong những bước đi dầu tiên trong lĩnh vực này. Công ước khẳng định rằng hành vi diệt chủng, dù xảy ra trong thời chiến tranh hay thời bình đều là một tội ác theo luật quốc tế mà các quốc gia đã cam kết ngăn ngừa và trừng trị.

Một nhiệm vụ hàng đầu khác là hệ thống hóa những nguyên tắc của pháp luật quốc tế đã công nhận trong Hiến chương của Tòa án Nuy-rem-be về Xét xử tội phạm chiến tranh sau Thế chiến thứ II. Bản hệ thống hóa này do Uỷ ban Pháp luật quốc tế chuẩn bị dưới sự chỉ đạo của Đại hội đồng Liên hợp quốc vào năm 1950. 

Uỷ ban cũng đã soạn thảo một dự thảo quy chế về Những tội ác chống hòa bình và tội ác chống nhân loại, đề cập tới trách nhiệm hình sự của cá nhân, như trong Hiến chương của tòa án Nuy-rem-be, “những tội ác chống lại luật pháp quốc tế là do con người, chứ không phải do những một thực thể trừu tượng gây ra, nên chỉ bằng cách trừng trị những kẻ gây ra tội ác thì các quy định của pháp luật quốc tế mới có hiệu lực”.

Về việc xóa bỏ những hạn chế về thời hạn tố tụng

Công ước về Không áp dụng các hạn chế về thời hạn tố tụng đối với tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại, do Uỷ ban Quyền con người và ECOSOC soạn thảo, đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua vào năm 1968, có hiệu lực từ năm 1970.

Các quốc gia tham gia Công ước này cam kết xoá bỏ những hạn chế về thời hạn tố tụng trong việc truy tố và trừng trị những kẻ phạm các tội ác này, và cam kết tạo những điều kiện thuận lợi cho việc dẫn độ tội phạm.

Năm 1973, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua chín nguyên tắc về hợp tác quốc tế trong việc bắt, giam giữ, dẫn độ và trừng trị những kẻ phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại.

Vào năm 1987, Tiểu ban về Ngăn ngừa sự phân biệt đối xử và bảo vệ người thiểu số đã thảo luận về những nỗ lực đưa những kẻ tình nghi phạm tội ác chiến tranh ra xét xử và đã đề nghị sử dụng nhiều hơn những hồ sơ của Uỷ ban Chống tội ác chiến tranh cho việc này. Tiểu ban nhắc nhở các quốc gia đảm bảo rằng những kẻ phạm tội như vậy sẽ bị trừng trị thích đáng.

Lính đánh thuê

Một người đánh thuê, như trong Nghị định thư I của bốn Công ước Geneva năm 1949 xác định, không có quyền được coi là một chiến binh hay tù binh.

Thực tiễn dùng lính đánh thuê chống lại phong trào giải phóng dân tộc hay để lật đổ các chính phủ đã bị Đại hội đồng, Hội đồng Bảo an, ECOSOC và Uỷ ban Quyền con người nhiều lần lên án là một hành vi tội ác kể từ những năm 1960. Năm 1987, Uỷ ban Quyền con người đã bổ nhiệm một báo cáo viên đặc biệt về vấn đề lính đánh thuê.

Đồng thời, một Uỷ ban của Đại hội đồng Liên hợp quốc đã hoàn tất việc soạn thảo Công ước về Chống tuyển mộ, sử dụng, tài trợ và huấn luyện lính đánh thuê. Công ước này được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua vào tháng 11/1989.

Kết luận

Xung đột vũ trang - có tính chất quốc tế hay nội bộ - là một hiện thực tàn bạo nhất của thế kỷ XX. Bất chấp mọi cố gắng để thương lượng nhằm đặt cơ sở cho một nền hoà bình bền lâu thay cho việc sử dụng vũ khí, những tổn thất mà loại người phải chịu đựng, sự chết chóc và tàn phá do chiến tranh gây ra vẫn tiếp tục gia tăng.

Ngăn chặn xung đột vũ trang vẫn phải còn là mục tiêu hàng đầu trong hợp tác quốc tế. Thứ đến là việc bảo vệ nhân loại khi đối diện với chiến tranh. Và đó cũng chính là mục đích của Luật Nhân đạo quốc tế.

Chỉ mới hơn 100 năm nhưng đã có một hệ thống đồ sộ các văn kiện của Luật Nhân đạo quốc tế được thông qua. Ngày nay, đã có nhiều giới hạn rõ ràng về những dạng hành động được thực hiện trong các cuộc xung đột vũ trang. Tuy nhiên, các hiệp ước và công ước - ngay cả khi chúng được phê chuẩn một cách long trọng - cũng không thể cứu sống các sinh mạng, ngăn ngừa sự ngược đãi, hay bảo vệ được tài sản của những người dân vô tội trong mọi hoàn cảnh. Và những điều ước đó cũng không có hiệu lực trừ khi những người trực tiếp liên quan đến các cuộc xung đột - binh sĩ cũng như dân thường - nhận thấy rõ ràng rằng điều cơ bản là phải tôn trọng các quyền con người cơ bản.

 

Nguyên bản tiếng Anh:

“Internationnal Humanitarian Law

and Human Rights”

(Fact Sheets No. 13)


 

 



(1) Tính đến hết năm 2009, bốn công ước này đã có 197 thành viên

(xem tại http://www.icrc.org) (BD)

 

Drupal theme by Adaptivethemes - Design by Kodamera