Skip to main content

System Messages

You were not authenticated by the server. You may log in with your credentials below.

Chuyên đề 12

Phiên bản PDF

Tên tiếng Anh

“The Committee on the Elimination of Racial Discrimination” (Fact Sheet No. 12)

CHUYÊN ĐỀ 12
UỶ BAN VỀ XÓA BỎ PHÂN BIỆT CHỦNG TỘC

Hành động của Liên hợp quốc nhằm xoá bỏ sự phân biệt chủng tộc

Những mục tiêu của Liên hợp quốc bao gồm... đạt được sự hợp tác quốc tế... trong việc thúc đẩy và khuyến khích sự tôn trọng các quyền và tự do cơ bản cho tất cả mọi người mà không phân biệt về chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ và tôn giáo...

(Hiến chương Liên hợp quốc, Lời nói đầu)

 

Mọi người sinh ra đều tự do và bình đẳng về nhân phẩm và các quyền

(Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người, 1948, Điều 1)

 

Kể từ khi Liên hợp quốc được thành lập, trong mỗi tuyên ngôn, công uớc nối tiếp nhau, các quốc gia thành viên đều ghi nhận rằng mọi thành viên trong gia đình nhân loại đều có các quyền bình đẳng, không thể chuyển nhượng và cam kết thực hiện và bảo vệ những quyền đó.

Tuy nhiên, phân biệt chủng tộc vẫn còn là một trở ngại cho việc hiện thực hoá một cách đầy đủ các quyền con người, Bất chấp đã có sự tiến bộ trong một vài lĩnh vực, tình trạng phân biệt, loại trừ, ngăn cấm và thiên vị dựa trên cơ sở chủng tộc, màu da, dòng dõi, nguồn gốc dân tộc hoặc sắc tộc vẫn tiếp tục xảy ra và kích thích xung đột, gây ra những hậu quả và chết chóc không kể xiết.

Việc xoá bỏ sự bất công chủ yếu do sự phân biệt chủng tộc và những hiểm họa mà nó đem lại đã trở thành một mục tiêu hành động của Liên hợp quốc.

Mối lo ngại ngày càng tăng của cộng đồng quốc tế về nạn phân biệt chủng tộc đã khiến Đại hội đồng Liên hợp quốc có bước tiến chính thức vào năm 1963 là thông qua Tuyên bố về Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc. Tuyên bố này đề cập đến bốn nội dung chính:

- Mọi triết lý về tính thượng đẳng hay dị biệt chủng tộc đều không đúng về phương diện khoa học, đáng bị lên án về phương diện đạo đức, bất công và nguy hiểm cho xã hội, và không có cơ sở cả về lý luận và thực tiễn;

- Sự phân biệt chủng tộc - và hơn thế nữa, khi những chính sách của chính phủ dựa trên sự thượng đẳng hoặc thù hận chủng tộc - vi phạm các quyền cơ bản của con người, đe doạ mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc, sự hợp tác giữa các quốc gia và nền hoà bình, an ninh quốc tế;

- Sự phân biệt chủng tộc không chỉ làm tổn hại những ai là nạn nhân của nó, mà còn làm tổn hại cả những kẻ thực hiện nó;

- Một trong những mục tiêu cơ bản của Liên hợp quốc là phấn đấu cho một xã hội toàn cầu không có sự kỳ thị và phân biệt chủng tộc cũng như những nhân tố gây nên lòng hận thù và chia rẽ.

Năm 1965, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã cung cấp cho cộng đồng thế giới một công cụ pháp lý trong vấn đề này, đó là Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc. Công ước cụ thể hoá những biện pháp mà các quốc gia nhất trí thực hiện - sau khi đã phê chuẩn hoặc gia nhập, trở thành thành viên của công ước - nhằm xoá bỏ sự phân biệt chủng tộc.

Theo Công ước, các quốc gia thành viên cam kết:

- Không can dự vào những hoạt động hay hành động phân biệt chủng tộc đối với mọi cá nhân, nhóm người hay tổ chức, và bảo đảm rằng các cơ quan và quan chức Nhà nước cũng hành động như vậy;

- Không bảo trợ, bảo vệ hoặc ủng hộ sự phân biệt chủng tộc của các cá nhân hoặc tổ chức;

- Rà soát lại các chính sách của chính phủ, cả ở cấp quốc gia và địa phương, và sửa đổi hoặc huỷ bỏ những đạo luật hay quy định mà tạo ra hoặc kéo dài sự phân biệt chủng tộc;

- Cấm và ngăn chặn hành động phân biệt chủng tộc của mọi cá nhân, nhóm người hoặc tổ chức;

- Khuyến khích các tổ chức và phong trào hoà hợp dân tộc hoặc đa chủng tộc và những biện pháp khác nhằm xoá bỏ rào cản giữa các chủng tộc, đồng thời phản đối mọi hành động có xu hướng làm tăng sự chia rẽ chủng tộc;

Công ước này có hiệu lực từ năm 1969 sau khi được 27 quốc gia phê chuẩn hoặc gia nhập. Cuối năm 1990, Công ước đã được 128 quốc gia phê chuẩn hoặc gia nhập, chiếm hơn 3/4 số quốc gia thành viên của Liên hợp quốc(1). Ở thời điểm này, đây là công ước về quyền con người của Liên hợp quốc được phê chuẩn rộng rãi nhất.

Ngoài việc xác định những nghĩa vụ của các quốc gia thành viên, Công ước còn thành lập Uỷ ban về Xoá bỏ phân biệt chủng tộc.

Một kinh nghiệm tiên phong 

Uỷ ban về Xoá bỏ phân biệt chủng tộc (CERD) là cơ quan đầu tiên do Liên hợp quốc thành lập để giám sát và kiểm điểm hành động của các quốc gia thành viên trong việc thực hiện những nghĩa vụ của họ theo một điều ước cụ thể về quyền con người. 

Uỷ ban thứ ba (về các vấn đề xã hội, nhân đạo và văn hoá) của Đại hội đồng Liên hợp quốc đã quyết định đưa việc thành lập CERD vào Công ước với lý do là nếu không có các biện pháp bảo đảm thực hiện thì công ứơc sẽ không thể có hiệu lực thực sự. Điều này sau đó đã trở thành tiền lệ. Một số uỷ ban công ước khác với điều lệ và chức năng tương tự sau đó cũng được thành lập, ví dụ như Uỷ ban Quyền con người (có trách nhiệm giám sát thực hiện Công ước quốc tế các quyền dân sự và chính trị)(2), Uỷ ban về Xoá bỏ phân biệt với phụ nữ(3), Uỷ ban chống Tra tấn(4), Uỷ ban về Các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá(5) và Uỷ ban về Quyền trẻ em(6)...

Các thủ tục

Công ước quy định ba thủ tục nhằm tạo điều kiện cho CERD kiểm điểm các biện pháp lập pháp, tư pháp, hành pháp và các biện pháp khác đã được các quốc gia thành viên thực hiện để hoàn thành những nghĩa vụ chống phân biệt chủng tộc của họ.

Thủ tục đầu tiên là yêu cầu các quốc gia thành viên đã phê chuẩn hoặc gia nhập Công ước phải đệ trình báo cáo định kỳ lên CERD.

Thủ tục thứ hai quy định về việc khiếu kiện giữa các quốc gia với nhau.

Thủ tục thứ ba tạo điều kiện cho các cá nhân hoặc nhóm người cho rằng họ là nạn nhân của sự phân biệt chủng tộc được đệ trình đơn lên CERD kiện chính quốc gia mình. Điều này chỉ có thể thực hiện được nếu quốc gia liên quan là thành viên của Công ước và đã tuyên bố thừa nhận thẩm quyền của CERD được tiếp nhận những đơn thư khiếu tố như vậy. Chỉ tính đến cuối năm 1990, đã có 14 quốc gia thành viên tuyên bố thừa nhận thẩm quyền này của CERD.

Công ước cũng quy định rằng các quốc gia đã ra tuyên bố như vậy có thể thành lập hoặc chỉ định một cơ quan quốc gia có thẩm quyền để nhận đơn khiếu tố của các cá nhân hoặc nhóm cho rằng họ là nạn nhân của những vi phạm quyền theo công ước, và đã sử dụng hết các biện pháp giải quyết khác ở trong nước nhưng không đạt kết quả. Chỉ khi nguyên đơn không thoả mãn với giải pháp của cơ quan này thì họ có thể đưa vấn đề ra Uỷ ban.

(Trong Chương trình Hành động được Hội nghị thế giới lần thứ hai về chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và sự phân biệt đối xử về chủng tộc thông qua năm 1983, các quốc gia được yêu cầu phải tạo điều kiện thuận lợi đến mức có thể cho mọi người tiếp cận những thủ tục giải quyết đơn khiếu tố về vấn đề này ở trong nước. Các thủ tục cần được công khai hoá, và nạn nhân của sự phân biệt chủng tộc cần được giúp đỡ để áp dụng những thủ tục đó. Quy định làm đơn khiếu kiện cần đơn giản và các đơn khiếu kiện cần được giải quyết ngay. Cần có trợ giúp pháp lý cho người nghèo là nạn nhân của sự phân biệt chủng tộc trong tố tụng dân sự hoặc hình sự, và cần quy định quyền được yêu cầu bồi thường cho những thiệt hại phải gánh chịu).

Lãnh thổ chưa tự quản

Theo quy định của Công ước, CERD có quyền nêu các ý kiến và đưa ra các khuyến nghị về những đơn kiện của các cá nhân hoặc nhóm ở các Lãnh thổ Quản thác và Lãnh thổ chưa tự quản mà cho là họ bị phân biệt chủng tộc. Uỷ ban cũng đưa ra những quan điểm và khuyến nghị về các báo cáo của các cơ quan khác của Liên hợp quốc về các biện pháp lập pháp, tư pháp, hành pháp và các biện pháp khác để chống nạn phân biệt chủng tộc ở những lãnh thổ này.

Thành viên

Theo quy định của Công ước, CERD gồm “18 chuyên gia có phẩm chất đạo đức cao và được thừa nhận là công bằng”. Các thành viên này được các quốc gia thành viên của Công ước bầu ra theo nhiệm kỳ bốn năm. Một nửa số thành viên sẽ được bầu lại theo định kỳ hai năm.

Cơ cấu thành viên của CERD được lập ra trên cơ sở bảo đảm sự đại diện công bằng của các khu vực địa lý trên thế giới cũng như của các nền văn minh và hệ thống pháp luật khác nhau.

Tính độc lập

CERD là một cơ quan độc lập. Các chuyên gia làm việc cho Uỷ ban được bầu dựa trên năng lực cá nhân. Các thành viên không thể bị phế truất hoặc thay thế nếu không có sự đồng ý của tập thể Uỷ ban. Theo Công ước, các chuyên gia tự xác định các quy định riêng về thủ tục, và không chịu bất kỳ sự chỉ đạo nào từ bên ngoài. Chi phí cho các thành viên Uỷ ban là do các quốc gia thành viên, chứ không phải Liên hợp quốc cung cấp.

Tuy nhiên, Uỷ ban có mối quan hệ rõ ràng với Liên hợp quốc. Uỷ ban được thành lập theo một công ước do Liên hợp quốc soạn thảo và thông qua. Ban Thư ký của Uỷ ban được đặt tại Trung tâm Quyền con người của Liên hợp quốc ở Geneva và được ngân sách thường xuyên của Liên hợp quốc chi trả. Trước khi CERD thông qua bất cứ một đề nghị chi tiêu nào cũng phải được Tổng thư ký cho ý kiến. Các cuộc họp của Uỷ ban theo dự kiến sẽ diễn ra hai lần một năm và thường được tổ chức tại Trụ sở Liên hợp quốc ở New York hoặc tại Văn phòng Liên hợp quốc ở Geneva.

CERD báo cáo về hoạt động của mình lên Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Tổng Thư ký, và duy trì đối thoại với Uỷ ban thứ ba của Đại hội đồng. Ngoài ra, CERD có sự cộng tác hoạt động với Hội đồng Quản thác và Uỷ ban đặc biệt về tình hình thực hiện Tuyên bố trao trả độc lập cho các nước và dân tộc thuộc địa của Liên hợp quốc(7). CERD cũng có các chương trình hợp tác với ILO và UNESCO.

Hoạt động của Uỷ ban

Bốn năm một lần, các quốc gia thành viên phải trình lên Uỷ ban các báo cáo tổng hợp cùng báo cáo cập nhật tóm tắt vào giai đoạn giữa nhiệm kỳ hai năm. Khi một báo cáo được Uỷ ban xem xét, thì đại diện của quốc gia liên quan có thể trình bày báo cáo đó, trả lời các câu hỏi của các chuyên gia và góp ý về những nhận xét của các chuyên gia. Báo cáo của Uỷ ban gửi lên Đại hội đồng sẽ tóm tắt những nội dung đó, đồng thời đưa ra những đề xuất và khuyến nghị.

Chỉ trong khoảng thời gian từ 1970 đến tháng 3/1991, CERD đã nhận được 882 báo cáo, bao gồm 73 báo cáo theo yêu cầu để bổ sung thông tin.

Ngay từ khi thành lập, Uỷ ban đã phải bác bỏ một số ý kiến sai lầm về bản chất và mục đích của những báo cáo này. Uỷ ban chỉ rõ, cho dù chính phủ một nước tin là sự phân biệt chủng tộc không tồn tại trong lãnh thổ của mình, thì với tư cách là một quốc gia thành viên của Công ước, chính phủ đó vẫn phải đệ trình các báo cáo tổng hợp và báo cáo định kỳ khác theo yêu cầu.

Một nhận thức sai lệch khác đó là một quốc gia không bắt buộc phải tuân thủ theo Công ước nếu quốc gia đó tin rằng phân biệt chủng tộc không còn tồn tại trong lãnh thổ của họ. Về vấn đề này, CERD chỉ ra rằng, Công ước không chỉ tập trung vào những vấn đề hiện tại, khi đã phê chuẩn hay gia nhập, mọi quốc gia thành viên đều có nghĩa vụ thể chế hoá các điều khoản của Công ước vào luật pháp quốc gia.

Một số báo cáo đã gây ra cảm giác rằng nếu Công ước đã được lồng ghép vào các văn bả pháp luật cao nhất của quốc gia thì không cần phải có hoạt động lập pháp nào nữa. Tuy nhiên, Công ước yêu cầu phải ban hành những đạo luật cụ thể nhằm trừng phạt những hành vi phân biệt đối xử về chủng tộc, đồng thời yêu cầu phải có những hành động trên các lĩnh vực giáo dục, văn hoá và truyền thông để tác động đến vấn đề này. Như vậy, một quốc gia thành viên sẽ bị coi là không hoàn thành những nghĩa vụ theo quy định tại Công ước nếu chỉ thuần tuý lên án vấn đề phân biệt chủng tộc trong hiến pháp của quốc gia.

Trong một số trường hợp, các báo cáo quốc gia chỉ tập trung vào hoạt động lập pháp mà bỏ quan các biện pháp tư pháp, hành pháp và các biện pháp khác nhằm xoá bỏ sự phân biệt chủng tộc, hoặc không kèm theo báo cáo những văn bản pháp luật có liên quan đến chống phân biệt chủng tộc.

CERD cũng ban hành những hướng dẫn chỉ đạo để các quốc gia thành viên chuẩn bị báo cáo, và thường yêu cầu các quốc gia bổ sung thông tin. Uỷ ban cũng đưa ra những khuyến nghị chung cho các quốc gia thành viên khi Uỷ ban nhận thấy còn thiếu thông tin về một số điều khoản cụ thể của Công ước mà hữu ích cho các chuyên gia trong việc thu thập số liệu và xây dựng quan điểm của họ.

Khiếu kiện giữa các quốc gia

Mọi quốc gia thành viên của Công ước ghi nhận thẩm quyền của CERD được nhận và giải quyết khiếu kiện của một quốc gia cho rằng một quốc gia khác không tuân thủ Công ước. Tuy nhiên, thủ tục này không ảnh hưởng đến những thủ tục khác mà các quốc gia liên quan có thể áp dụng. Cho đến nay, vẫn chưa có quốc gia thành viên nào vận dụng ưu điểm của thủ tục này, thể hiện ở việc thành lập một Uỷ ban Hoà giải, trừ khi vấn đề đã được giải quyết theo cách khác.

Khiếu tố của cá nhân

Thủ tục giải quyết khiếu tố của các cá nhân hoặc nhóm cho rằng họ là nạn nhân của sự vi phạm Công ước lên CERD được áp dụng từ năm 1982, khi có 10 quốc gia thành viên tuyên bố rằng họ chấp nhận thẩm quyền của Uỷ ban trong vấn đề này. 

Uỷ ban sẽ chuyển những khiếu tố cá nhân tới quốc gia liên quan nhưng không tiết lộ thông tin về cá nhân hoặc nhóm đã khiếu tố nếu không được sự đồng ý của họ. Khi quốc gia có liên quan đưa ra ý kiến giải thích, và có thể bao gổm cả những đề xuất biện pháp giải quyết, thì Uỷ ban sẽ thảo luận về vấn đề này và đưa ra những đề xuất và khuyến nghị. Những đề xuất và khuyến nghị này sẽ được gửi cho các cá nhân và nhóm có khiếu tố cũng như cho quốc gia thành viên có liên quan.

Các lãnh thổ quản thác và chưa tự quản

Kể từ khi CERD được thành lập, nhiều Lãnh thổ uỷ trị, kể cả những vùng đặt dưới sự kiểm soát của các quốc gia theo các hiệp định uỷ trị của Liên hợp quốc, đã được độc lập. Tuy nhiên, vẫn còn 18 lãnh thổ như vậy(8), và khi có đơn kiện của người dân thuộc các lãnh thổ này về sự phân biệt chủng tộc thì CERD có trách nhiệm nghiên cứu và xây dựng một báo cáo kèm các khuyến nghị gửi lên Đại hội đồng Liên hợp quốc. Thông thường, Uỷ ban cũng báo cáo về nạn phân biệt chủng tộc ở những lãnh thổ này.

Nhiệm vụ của Uỷ ban bao trùm tất cả các Lãnh thổ ủy trị, cho dù quốc gia quản lý các lãnh thổ này có là thành viên của Công ước hay không. Tương ứng với các khu vực, có ba nhóm công tác của CERD, một nhóm phụ trách tình hình ở các Lãnh thổ uỷ trị thuộc châu Phi, một nhóm phụ trách các lãnh thổ uỷ trị thuộc Đại Tây Dương và vùng Ca-ri-bê, bao gồm cả Gibralta, một nhóm phụ trách các lãnh thổ uỷ trị ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Công ước không bắt buộc các quốc gia thành viên phải báo cáo lên CERD về vấn đề phân biệt chủng tộc tại các Lãnh thổ uỷ trị mà họ quản lý. Vì vậy, thông tin mà Uỷ ban có được chủ yếu là từ báo cáo của Hội đồng Quản thác hoặc Uỷ ban đặc biệt về tình hình thực hiện Tuyên bố trao trả độc lập cho các quốc gia và dân tộc thuộc địa(9)

Uỷ ban thường gặp khó khăn trong việc nắm bắt vấn đề phân biệt chủng tộc ở các Lãnh thổ Uỷ trị cũng như trong việc đưa ra những khuyến nghị để giải quyết những vấn đề đó. Nhiều báo cáo mà Uỷ ban nhận được chủ yếu liên quan đến những vấn đề khác, chứ không phải là vấn đề phân biệt chủng tộc, và cơ quan cung cấp những báo cáo này lại không có nghĩa vụ pháp lý phải thông qua hoặc thực hiện các biện pháp chống phân biệt chủng tộc. CERD đã nhiều lần đề nghị cung cấp những thông tin tổng hợp hơn để hoàn thành trách nhiệm trong lĩnh vực này.

Huy động công luận

Một đặc trưng cơ bản của Công ước là các quốc gia thành viên cam kết thực hiện các hoạt động giảng dạy, giáo dục, văn hoá và thông tin nhằm chống lại những định kiến phân biệt đối xử về chủng tộc và thúc đẩy sự hiểu biết, lòng khoan dung và tình hữu nghị giữa các quốc gia và các nhóm chủng tộc hoặc dân tộc.

Tiếp theo Năm quốc tế hành động chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và sự phân biệt đối xử về chủng tộc (1971), Liên hợp quốc đã triển khai thành công hai Thập kỷ Hành động chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc (1973-1983 và 1983-1993). Nhiều cuộc hội nghị thế giới về chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và sự phân biệt đối xử về chủng tộc đã được tổ chức dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc vào các năm 1978 và 1983.

Là một cơ quan thường trực do Liên hợp quốc thành lập, được thừa nhận rộng rãi nhất do những nỗ lực xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc, CERD liên quan mật thiết với tất cả những sáng kiến về lĩnh vực này. CERD tham gia tất cả các cuộc hội thảo và tập huấn về chống phân biệt chủng tộc do Trung tâm Quyền con người tổ chức. 

Uỷ ban đã công bố nhiều công trình nghiên cứu để đóng góp vào các Hội nghị và các Thập kỷ chống phân biệt chủng tộc. Những báo cáo nghiên cứu này đánh giá những biện pháp và hoạt động nhằm xoá bỏ sự kích động và hành động phân biệt chủng tộc; công tác giảng dạy, giáo dục, văn hoá và truyền thông như là những công cụ để xoá bỏ nạn phân biệt chủng tộc; và nhiều hoạt động khác từ sáng kiến riêng của Uỷ ban.

Tác động

Việc Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc có hiệu lực và việc CERD trong suốt những năm qua định kỳ xem xét báo cáo của các quốc gia thành viên trong việc thực hiện các nghĩa vụ của họ đã có nhiều kết quả tích cực. Tại nhiều quốc gia, những kết quả đó thể hiện như:

- Sửa đổi hiến pháp quốc gia nhằm thể chế hoá những quy định về cấm phân biệt chủng tộc;

- Rà soát có hệ thống các văn bản luật và quy định hiện hành để sửa đổi những nội dung có tính chất duy trì phân biệt chủng tộc, hoặc ban hành các văn bản pháp luật mới nhằm đáp ứng những yêu cầu của Công ước;

- Sửa đổi pháp luật theo đề nghị của CERD;

- Quy định phân biệt chủng tộc là một dạng tội phạm bị trừng trị theo pháp luật;

- Đưa ra những bảo đảm pháp lý để chống sự phân biệt chủng tộc trong lĩnh vực tư pháp, an ninh, các quyền chính trị hoặc trong việc tiếp cận với những cơ sở công cộng;

- Xây dựng và thực hiện những chương trình giáo dục về chống phân biệt chủng tộc;

- Thành lập nhiều cơ quan mới để giải quyết những vấn đề về phân biệt chủng tộc và bảo vệ quyền lợi của các nhóm người bản địa;

- Tham khảo trước ý kiến của CERD về những dự định sửa đổi pháp luật hoặc các hoạt động hành pháp, với biểu hiện cho thấy rằng ý kiến của CERD sẽ được xém xét.

Thực tế là các quốc gia thành viên có thể công bố những chính sách của họ về vấn đề phân biệt chủng tộc trước một diễn đàn quốc tế nhằm khích lệ hành động hoà nhập pháp luật và tập quán quốc gia phù hợp với Công ước. Những năm qua, CERD và các quốc gia thành viên đã thiết lập được sự tin cậy lẫn nhau; những khuyến nghị và yêu cầu mà Uỷ ban đưa ra nói chung được quan tâm nghiêm túc.

Những khó khăn

Để duy trì chủ đề chống phân biệt chủng tộc thành nội dung thường xuyên trong chương trình nghị sự quốc tế, Uỷ ban phải đối mặt với hai trở ngại và khó khăn. Thứ nhất là một số quốc gia thành viên không hoặc đệ trình muộn báo cáo định kỳ. Có nhiều lý do, trong đó có cả việc thiếu nhân viên quốc gia có đủ năng lực viết báo cáo về quyền con người, gánh nặng công việc trong việc đáp ứng các nghĩa vụ làm báo cáo quốc tế trước số lượng các vấn đề Quyền con người ngày càng tăng.

Thứ hai là vấn đề tài chính. Ngay từ khi CERD đựơc thành lập, theo quy định, việc chi trả cho các thành viên của Uỷ ban là trách nhiệm của các quốc gia thành viên chứ không phải từ ngân sách hoạt động của Liên hợp quốc. Người ta cho rằng đó là một cách để đảm bảo tính độc lập của các chuyên gia. Mặc dù khoản đóng góp từ mỗi quốc gia thành viên không lớn, nhưng nhiều quốc gia thường chậm trễ trong việc thực hiện cam kết của mình. Liên hợp quốc đã phải bù đắp khoản thâm hụt này bằng ngân sách hoạt động của mình cho đến tận cuối năm 1985. Nhưng từ đó đến nay, Liên hợp quốc không còn khả năng trợ giúp do khó khăn về tài chính, và CERD lẽ ra mỗi năm tổ chức hai phiên họp, mỗi phiên trong ba tuần thì đã vài lần phải rút ngắn thời gian hoặc huỷ các cuộc họp này.

Hướng tới tương lai

Uỷ ban hy vọng rằng Liên hợp quốc sẽ tập trung nỗ lực để Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc trở lên phổ quát với sự gia nhập của tất cả các quốc gia thành viên. Về phần mình, Uỷ ban sẽ tiếp tục công việc để Công ước được thực hiện trên phạm vi toàn cầu.

Mục tiêu thứ hai nhằm tăng số lượng quốc gia tuyên bố công nhận thẩm quyền của CERD được nhận và xem xét các khiếu tố của những cá nhân hoặc nhóm cho rằng họ là nạn nhân của sự phân biệt chủng tộc.

Trong thời gian tới đây, Uỷ ban tin rằng các quốc gia thành viên sẽ làm nhiều hơn trong bốn lĩnh vực, đó là:

- Thông qua những đạo luật nhằm trừng phạt việc phổ biến những tư tưởng dựa trên quan điểm thượng đẳng hay hận thù chủng tộc, kích động phân biệt chủng tộc cũng như các hành động bạo lực, trợ giúp cho những hoạt động chủng tộc chủ nghĩa, đồng thời cấm các tổ chức và hoạt động nhằm thúc đẩy và kích động sự phân biệt chủng tộc;

- Ban hành các quy định pháp luật để bảo đảm sự bình đẳng cho mọi người trước pháp luật, không phân biệt chủng tộc, màu da, nguồn gốc dân tộc hay sắc tộc;

- Ban hành các quy định pháp luật để đảm bảo sự bảo vệ và các biện pháp giải quyết với mọi hành động phân biệt chủng tộc;

- Hành động trên các lĩnh vực giáo dục, văn hoá, truyền thống nhằm chống mọi định kiến về chủng tộc, thúc đẩy sự hiểu biết, lòng khoan dung, tình hữu nghị và phổ biến kiến thức về Hiến chuơng Liên hợp quốc và các văn kiện quốc tế về Quyền con người;

Một tuyển tập các văn bản pháp luật quốc gia hiện hành về chống phân biệt chủng tộc đang được Trung tâm Quyền con người biên soạn và sẽ sớm được xuất bản. Mô hình hệ thống pháp luật chống phân biệt chủng tộc cũng đang được xây dựng. CERD sẽ có một vai trò trong việc quyết định xem làm thế nào để những tài liệu này đạt được mức hữu dụng tối đa ở những quốc gia đang tìm cách áp dụng Công ước này.

 

Nguyên bản tiếng Anh:

“The Committee on the Elimination

of Racial Discrimination”

(Fact Sheet No. 12)


 

 



(1) Tính đến hết năm 2009, Công ước này có 173 nước thành viên

(xem tại http://treaties.un.org) (BD).

(2) Xem Tài liệu chuyên đề số 15.

(3) Xem Tài liệu chuyên đề số 22.

(4) Xem Tài liệu chuyên đề số 4.

(5) Xem Tài liệu chuyên đề số 16.

(6) Xem Tài liệu chuyên đề số 10.

(7) Uỷ ban này hiện đã giải thể, do vấn đề trao trả độc lập cho các nước và dân tộc thuộc địa đã hoàn tất (BD).

(8) Tính đến thời điểm tài liệu này được xuất bản (BD).

(9) Cả hai cơ quan này hiện đều đã giải thể hoặc chấm dứt hoạt động (BD)

 

Drupal theme by Adaptivethemes - Design by Kodamera