- Trang chủ-Home
- Luật QT-International Law
- Điều ước - Treaties
- Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế (UDHR)
- Các công ước chính về nhân quyền - Basic Treaties on HR
- Các ngành luật khác - other law branches
- Điều ước Việt Nam tham gia - Treaties participated by Vietnam
- Bình luận / Khuyến nghị chung - General Comments/Recommendations
- Báo cáo - Reports
- Cơ chế & Thủ tục - Mechanism & Procedure
- Án lệ - Case law
- Điều ước - Treaties
- PL Việt Nam-Vietnam Law
- NC&GD-HR Researchs
- E-Learning
- Đào tạo-Education
- Đào tạo thạc sĩ - Master Degree
- Liên hệ-Contact
CERD - KHUYẾN NGHỊ CHUNG SỐ 21
Đăng bởi sonnx lúc T6, 09/30/2011 - 22:48
Ngày ban hành
12/05/2004
Văn bản tiếng Việt
KHUYẾN NGHỊ CHUNG SỐ 21
VỀ QUYỀN TỰ QUYẾT*
---------------------------------
- Uỷ ban ghi nhận rằng các nhóm thiểu số về dân tộc và tôn giáo thường đề cập đến quyền tự quyết như một quyền cơ bản trong nỗ lực khẳng định bản sắc riêng của họ. Liên quan đến vấn đề này, Uỷ ban đưa ra quan điểm như sau:
- Quyền tự quyết của các dân tộc là một nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế. Điều này được quy định ngay trong Điều 1 Hiến chương Liên hợp quốc, Điều 1 Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa và Điều 1 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị cũng như trong nhiều văn kiện quốc tế khác về nhân quyền. Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị quy định quyền tự quyết dân tộc bên cạnh quyền của các nhóm thiểu số về dân tộc, chủng tộc, tôn giáo và ngôn ngữ được hưởng nền văn hóa và thực hành tôn giáo, sử dụng ngôn ngữ riêng của họ.
- Uỷ ban cũng nhấn mạnh là theo quy định trong Tuyên bố về các nguyên tắc của Luật quốc tế về quan hệ hợp tác quốc tế giữa các quốc gia phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, được thông qua bởi Đại hội đồng trong Nghị quyết số 2625 (XXV) ngày 24 tháng 10 năm 1970, các Quốc gia thành viên có trách nhiệm thúc đẩy quyền tự quyết của mọi dân tộc. Nhưng việc thực hiện nguyên tắc về quyền tự quyết này cũng yêu cầu mọi Quốc gia thành viên thúc đẩy, thông qua các hành động hợp tác hay riêng lẻ, sự tôn trọng và tuân thủ các quyền và tự do cơ bản của con người theo quy định của Hiến chương Liên hợp quốc. Trong bối cảnh đó, Uỷ ban lưu ý các quốc gia quan tâm đến Tuyên bố của về quyền của các nhóm thiểu số về dân tộc, chủng tộc, tôn giáo và ngôn ngữ mà được Đại hội đồng thông qua trong Nghị quyết 47/135 ngày 18 tháng 12 năm 1992.
- Liên quan đến quyền tự quyết của các dân tộc, có hai phương diện cần được phân định rõ. Thứ nhất, quyền tự quyết dân tộc có tính chất vấn đề nội bộ, nói cách khác, đó là các dân tộc đều có quyền tự do theo đuổi sự phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa mà không có bất cứ sự can thiệp nào từ bên ngoài. Theo phương diện ấy, tồn tại sự kết nối với quyền của mọi người được tham gia quản lý xã hội ở mọi cấp độ, như quy định tại Điều 5 (c) Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc. Theo đó, chính phủ đại diện cho mọi người dân, không phân biệt sắc tộc, màu da, nguồn gốc, đa số, hay thiểu số. Thứ hai, phương diện bên ngoài của quyền tự quyết có nghĩa là tất cả các dân tộc đều có quyền tự do quyết định về địa vị chính trị và vị thế của họ trong cộng đồng quốc tế dựa trên nguyên tắc bình đẳng. Điều này được minh chứng bằng sự giải phóng các dân tộc khỏi chế độ thuộc địa và bằng việc nghiêm cấm bóc lột, thống trị và nô dịch các dân tộc.
- Để thực hiện đầy đủ quyền của tất cả các dân tộc trong nước mình, các chính phủ cần tôn trọng và thực thi đầy đủ các văn kiện quốc tế về nhân quyền, đặc biệt là Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc. Chính sách của các chính phủ cần dựa trên sự quan tâm đến việc bảo vệ các quyền của mọi cá nhân, không phân biệt chủng tộc, dân tộc, sắc tộc, tôn giáo hoặc bất cứ yếu tố nào khác. Theo quy định của Điều 2 và các quy định trong các văn kiện quốc tế khác, các chính phủ cần đặc biệt quan tâm đến quyền của những cá nhân thuộc các nhóm thiểu số về dân tộc, đặc biệt là quyền tự quyết định cuộc sống, được bảo tồn nền văn hóa của họ, được công bằng trong việc hưởng thụ sự phát triển của quốc gia và được tham gia quản lý nhà nước ở quốc gia đó. Cũng theo đó, chính phủ, trong phạm vi luật pháp quốc gia , cần cho phép các cá nhân thuộc các dân tộc thiểu số, với ý nghĩa là một bộ phận của công dân nước họ, được tham gia vào các hoạt động cụ thể mà nhằm bảo tồn những bản sắc của dân tộc hay của cộng đồng họ.
- Uỷ ban nhấn mạnh, theo quy định của Tuyên bố của Liên hợp quốc về các quan hệ hợp tác hữu nghị giữa các quốc gia , không một hành động nào của Uỷ ban được xem như là sự cho phép hay khuyến khích hành vi gây chia rẽ hay làm suy yếu toàn bộ hay một phần sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ hay sự ổn định chính trị của các quốc gia độc lập và có chủ quyền, cũng như vào các hoạt động mà các quốc gia này tiến hành phù hợp với nguyên tắc về các quyền bình đẳng và tự quyết của các dân tộc, cũng như việc thành lập một chính phủ đại diện cho toàn thể các dân tộc đang sinh sống trên lãnh thổ đó, không phân biệt chủng tộc, tín ngưỡng và màu da. Theo quan điểm của Uỷ ban, luật quốc tế không thừa nhận quyền của các dân tộc được đơn phương tuyên bố ly khai khỏi một nhà nước. Liên quan đến vấn đề này, Uỷ ban tán thành quan điểm ghi nhận trong Một Chương trình Nghị sự cho Hòa bình, cụ thể là, sự tan rã của một chính phủ có thể gây khó khăn trong việc bảo vệ nhân quyền cũng như đảm bảo hòa bình và an ninh. Tuy vậy, điều này không có nghĩa là triệt tiêu mọi khả năng có những thỏa thuận đạt được giữa các bên liên quan.