- Trang chủ-Home
- Luật QT-International Law
- Điều ước - Treaties
- Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế (UDHR)
- Các công ước chính về nhân quyền - Basic Treaties on HR
- Các ngành luật khác - other law branches
- Điều ước Việt Nam tham gia - Treaties participated by Vietnam
- Bình luận / Khuyến nghị chung - General Comments/Recommendations
- Báo cáo - Reports
- Cơ chế & Thủ tục - Mechanism & Procedure
- Án lệ - Case law
- Điều ước - Treaties
- PL Việt Nam-Vietnam Law
- NC&GD-HR Researchs
- E-Learning
- Đào tạo-Education
- Đào tạo thạc sĩ - Master Degree
- Liên hệ-Contact
Chuyên đề 2
Đăng bởi honeyquyen lúc T6, 09/09/2011 - 23:54
Tên tiếng Anh
Văn bản tiếng Việt
Văn bản tiếng Anh
CHUYÊN ĐỀ 2
BỘ LUẬT QUỐC TẾ VỀ QUYỀN CON NGƯỜI
Tất cả mọi người sinh ra đều tự do và bình đẳng về nhân phẩm và các quyền. Họ được phú cho lý trí và lương tri và cần đối xử với nhau trên tình anh em.
(Điều 1 Tuyên ngôn toàn thế giới về Quyền con người)
Bối cảnh
“Bộ luật Quốc tế về quyền con người” bao gồm Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người (sau đây viết tắt là UDHR); Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội, văn hoá; Công ước quốc tế về các quyền dân sự; chính trị và hai nghị định thư bổ sung của công ước này(1).
Khái niệm Quyền con người đã từng được đề cập trong Thỏa ước của Hội Quốc liên - văn kiện làm nền tảng cho việc thành lập Tổ chức Lao động Quốc tế. Năm 1945, tại Hội nghị San Francisco - hội nghị mà tại đó Hiến chương Liên hợp quốc được soạn thảo, đề xuất về việc xây dựng một văn kiện có tên là “Tuyên ngôn về các quyền thiết yếu của con người” đã được đưa ra nhưng đã không được hội nghị xem xét bởi tại thời điểm đó một vấn đề như vậy cần được xem xét một cách chi tiết hơn. Hiến chương Liên hợp quốc quy định rõ ràng về việc “thúc đẩy và khuyến khích sự tôn trọng các quyền và tự do cơ bản của con người cho tất cả mọi người, không có bất kỳ sự phân biệt nào về chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ hoặc tôn giáo (Điều 1, đoạn 3). Về cơ bản, ý tưởng về một “Bộ luật quốc tế về quyền con người” đã được hàm chứa trong nhiều nội dung của Hiến chương.
Ngay sau khi kết thúc Hội nghị San Francisco, Uỷ ban trù bị của Liên hợp quốc đã họp và đưa ra khuyến nghị với ECOSOC rằng cần thành lập Uỷ ban về thúc đẩy Quyền con người theo quy định tại Điều 68 Hiến chương ngay trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng. Trên cơ sở đó, ECOSOC đã thiết lập Uỷ ban Quyền con người (Commission on Human Rights) vào năm 1946.
Tại phiên họp đầu tiên của Đại hội đồng Liên hợp quốc vào năm 1946, Đại hội đồng đã xem xét một dự thảo Tuyên ngôn về các quyền và tự do cơ bản của con người và chuyển dự thảo này cho ECOSOC “để chuyển tới Uỷ ban Quyền con người xem xét... giúp vào việc chuẩn bị Bộ luật quốc tế về quyền con người của cơ quan này” (Nghị quyết số 43 (I)). Uỷ ban Quyền con người, trong phiên họp đầu tiên vào năm 1947, đã uỷ quyền cho các chuyên viên của Uỷ ban chuẩn bị “dự thảo sơ bộ bản Tuyên ngôn quốc tế về quyền con người”. Công việc soạn thảo văn kiện này tiếp tục được tiến hành bởi một nhóm chuyên viên của Uỷ ban, được bầu ra từ tám quốc gia trên cơ sở lưu ý đến sự phân bố về khu vực địa lý.
Tiến tới một bản Tuyên ngôn toàn cầu
Thời kỳ đầu, có nhiều quan điểm khác nhau về hình thức của Bộ luật Quyền con người. Uỷ ban soạn thảo quyết định xây dựng hai văn kiện: một dưới dạng tuyên ngôn, trong đó đưa ra những nguyên tắc và chuẩn mực chung về quyền con người; một dưới dạng công ước, trong đó xác định những quyền cụ thể và giới hạn của các quyền đó. Sau đó, Uỷ ban này trình lên Uỷ ban Quyền con người dự thảo bản tuyên ngôn và công ước. Trong phiên họp lần thứ hai của Uỷ ban Quyền con người vào tháng 12/1947, Uỷ ban đã quyết định sử dụng thuật ngữ “Bộ luật quốc tế về quyền con người” để gọi một tập hợp các văn kiện đang được soạn thảo, đồng thời chỉ định ba nhóm công tác: một nhóm chuẩn bị dự thảo tuyên ngôn, một nhóm chuẩn bị dự thảo công ước (với hình thức đã được sửa đổi là covenant(2)) và một nhóm nghiên cứu về vấn đề tổ chức thực hiện các văn kiện này. Uỷ ban đã sửa bản dự thảo tuyên ngôn trong phiên họp lần thứ ba, tổ chức vào các tháng 5 và 6 năm 1948, trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp của một số chính phủ. Tuy nhiên, trong kỳ họp này, Uỷ ban đã không đủ thời gian để xem xét dự thảo công ước và vấn đề tổ chức thực hiện các văn kiện. Bản dự thảo Tuyên ngôn sau đó đã được trình lên phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại Pa-ri, qua ECOSOC.
Ngày 10 tháng 12 năm 1948, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người theo Nghị quyết số 217 A (III). Đây là văn kiện đầu tiên của “Bộ luật quốc tế về quyền con người”.
Tiến tới hai Công ước quốc tế
Cũng trong ngày UDHR được thông qua, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã yêu cầu Uỷ ban Quyền con người ưu tiên chuẩn bị soạn thảo một công ước về quyền con người và dự thảo về các biện pháp thực hiện công ước. Uỷ ban đã xem xét bản dự thảo công ước vào năm 1949 và vào năm sau đã sửa đổi 18 điều đầu tiên của dự thảo này trên cơ sở những ý kiến góp ý của các chính phủ. Vào năm 1950, Đại hội đồng đã tuyên bố rằng, “việc hưởng thụ các tự do về chính trị, dân sự và các quyền kinh tế, xã hội, văn hoá có mối quan hệ mật thiết, không thể tách rời” (Nghị quyết 421 (V), phần E). Như vậy, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thừa nhận sự cần thiết phải có một công ước về các quyền kinh tế, xã hội, văn hoá, cũng như thừa nhận rõ ràng sự bình đẳng giữa nam và nữ trong việc hưởng thụ các quyền có liên quan mà đã được đề cập trong Hiến chương. Vào năm 1951, Uỷ ban đã soạn thảo 14 điều về các quyền kinh tế, xã hội, văn hoá trên cơ sở đề nghị của các Chính phủ và khuyến nghị của các tổ chức chuyên môn của Liên hợp quốc. Uỷ ban cũng soạn thảo 10 điều về các biện pháp thực hiện những quyền này mà các quốc gia thành viên sẽ phải đề cập trong báo cáo định kỳ. Sau một cuộc tranh luận dài tại phiên họp lần thứ 6 vào các năm 1951/1952, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã yêu cầu Uỷ ban “soạn thảo hai công ước về quyền con người... một đề cập đến các quyền dân sự, chính trị và một đề cập đến các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá” (Nghị quyết 543 (VI), đoạn 1). Đại hội đồng Liên hợp quốc đã nêu rõ rằng hai công ước này cần chứa đựng càng nhiều điều khoản tương tự càng tốt. Thêm vào đó, hai công ước đều phải có một điều khoản quy định “tất cả các dân tộc có quyền tự quyết” (Nghị quyết 545 (VI)).
Uỷ ban đã hoàn thành việc chuẩn bị hai bản dự thảo trong các phiên họp lần thứ 9 và 10, vào các năm 1953 và 1954. Đại hội đồng Liên hợp quốc đã xem xét các dự thảo này trong phiên họp lần thứ 9 vào năm 1954 và quyết định đưa các dự thảo đó ra thảo luận ở mức độ rộng rãi nhất nhằm giúp các chính phủ có thể nghiên cứu các dự thảo này một cách sâu sắc, cũng như để công chúng có thể bày tỏ ý kiến cách tự do về văn kiện. Đại hội đồng cũng yêu cầu Uỷ ban 3 của Liên hợp quốc thảo luận từng điều khoản một của các dự thảo này trong phiên họp lần thứ 9 của Uỷ ban, vào năm 1955. Mặc dù Uỷ ban đã tiến hành việc thảo luận đúng theo kế hoạch, nhưng phải đến năm 1966 thì việc dự thảo hai công ước này mới hoàn thành.
ICCPR và ICESCR được Đại hội Liên hợp quốc thông qua trong Nghị quyết số 2200 A (XXI) ngày 16/12/1966. Nghị định thư thứ nhất của ICCPR được thông qua theo cùng nghị quyết kể trên, xác lập cơ chế quốc tế để giải quyết những khiếu tố của các cá nhân cho rằng họ là nạn nhân của sự vi phạm các quyền được quy định trong công ước(3).
Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người
UDHR được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua và coi là:
Một chuẩn mực chung về quyền con người cho tất cả các quốc gia, dân tộc phấn đấu thực hiện, với mục đích là mọi cá nhân và tổ chức xã hội luôn ghi nhớ nội dung của bản Tuyên ngôn này và sử dụng nó trong giảng dạy, giáo dục để thúc đẩy sự tôn trọng các quyền và tự do của con người, và thông qua những biện pháp tiến tới, cả ở cấp độ quốc gia và quốc tế, để đảm bảo là người dân không chỉ ở các quốc gia thành viên mà còn ở các lãnh thổ thuộc sự quản lý của các quốc gia đó đều thừa nhận và tuân thủ phổ biến và có hiệu quả các quyền và tự do của con người.
Đại diện của 48 quốc gia đã bỏ phiếu thông qua Tuyên ngôn, có tám phiếu trắng, không có phiếu chống. Trong bài phát biểu đọc sau khi bỏ phiếu, ông Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc nhiệm kỳ đó đã chỉ ra rằng, việc thông qua UDHR là “một thành tựu đáng ghi nhớ, một bước tiến của một tiến trình cách mạng vĩ đại. Lần đầu tiên một tổ chức quốc tế gồm nhiều quốc gia đã thông qua một bản Tuyên ngôn về các quyền và tự do cơ bản của con người. Văn kiện này được sự ủng hộ của hầu hết các quốc gia thuộc Liên hợp quốc, của hàng triệu người - cả đàn ông, phụ nữ và trẻ em ở khắp nơi trên thế giới - những người sẽ tìm thấy sự giúp đỡ, hướng dẫn và cảm hứng từ văn kiện này”.
Bản Tuyên ngôn bao gồm lời nói đầu và 30 điều, đề cập đến những quyền và tự do cơ bản của tất cả mọi người, bất kể đàn ông hay phụ nữ, ở bất cứ nơi nào trên thế giới, không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào.
Điều 1 của Tuyên ngôn nêu rõ cơ sở triết lý của văn kiện:
Tất cả mọi người sinh ra tự do và bình đẳng về phẩm giá và các quyền. Họ được phú cho lý trí và lương tri để đối xử với nhau trên tình anh em”. Điều này cũng khẳng định những tư tưởng cơ bản của Tuyên ngôn là: quyền được tự do và bình đẳng là quyền bẩm sinh và không thể chuyển nhượng của con người; và rằng, bởi con người là những chủ thể có lý trí và đạo đức, khác với các loài động vật trên trái đất nên vì vậy, phải được hưởng thụ các quyền và tự do tất yếu mà các động vật khác không được hưởng.
Điều 2 đề cập đến nguyên tắc nền tảng về bình đẳng và không phân biệt đối xử trong việc hưởng thụ các quyền và tự do cơ bản của con người, trong đó cấm “bất kỳ sự phân biệt đối xử nào về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính trị hay quan điểm khác, dân tộc hay nguồn gốc xã hội, tài sản, nòi giống hay các vấn đề khác”.
Điều 3 mở đầu cho phần quan trọng thứ nhất của Tuyên ngôn, tuyên bố về quyền được sống, tự do và an ninh của con người - một quyền cốt yếu cho việc hưởng thụ tất cả các quyền khác của con người. Điều này khởi đầu cho các quy định trong những điều tiếp theo, từ Điều 4 đến Điều 21, trong đó thừa nhận các quyền dân sự, chính trị khác của con người, bao gồm: tự do không bị bắt làm nô lệ và nô dịch; tự do không bị tra tấn, đối xử tàn bạo, vô nhân đạo và hạ nhục; quyền được thừa nhận tư cách như một con người trước pháp luật ở bất cứ nơi nào; quyền được xét xử theo pháp luật; quyền được tự do không bị bắt giữ vô cớ, bị giam cầm hoặc đầy ải; quyền được xét xử công bằng và công khai bởi một toà án độc lập, không thiên vị; quyền được coi là vô tội cho đến khi hành vi phạm tội được chứng minh; tự do không bị can thiệp vô cớ vào đời tư, gia đình, nhà cửa hoặc thư tín; tự do cư trú và thay đổi nơi ở; quyền được tỵ nạn; quyền có quốc tịch; quyền được kết hôn và xây dựng gia đình; quyền được sở hữu tư nhân về tài sản; tự do tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo; tự do ý kiến và biểu đạt; quyền được lập hội và hội họp hoà bình; quyền được tham gia chính phủ và được bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ công cộng ở quốc gia mình.
Điều 22 mở đầu cho phần quan trọng thứ hai của Tuyên ngôn mà bao gồm các Điều từ 23 đến 27, trong đó đề cập đến các quyền kinh tế, xã hội, văn hoá - những quyền mà nhờ đó tất cả mọi người được đối xử “như là một thành viên của xã hội”. Điều này mô tả các quyền kinh tế, xã hội, văn hoá như là những quyền không thế thiếu để đảm bảo nhân phẩm và sự phát triển tự do của nhân cách con người và nêu rõ rằng, các quyền này cần được thực hiện “thông qua những nỗ lực của các quốc gia và sự hợp tác quốc tế”. Điều này cũng đề cập đến những giới hạn của việc đảm bảo các quyền kinh tế, xã hội, văn hoá; theo đó, mức độ bảo đảm các quyền này phụ thuộc vào nguồn lực của mỗi quốc gia.
Các quyền kinh tế, xã hội, văn hoá được nêu từ Điều 22 tới Điều 27, bao gồm quyền được bảo trợ xã hội; quyền được làm việc; quyền được có một mức sống thích đáng để bảo đảm sức khoẻ và hạnh phúc; quyền được giáo dục; quyền được tham gia vào đời sống văn hoá của cộng đồng.
Những điều khoản có tính chất kết luận (từ Điều 28 đến Điều 30), quy định rằng mọi người có quyền được sống trong một trật tự quốc tế và xã hội mà trong đó các quyền và tự do cơ bản nêu ở Tuyên ngôn này được bảo đảm một cách đầy đủ, đồng thời nhấn mạnh những nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với cộng đồng. Điều 29 quy định: “Trong việc hưởng thụ các quyền và tự do, mỗi cá nhân chỉ có thể bị pháp luật hạn chế các quyền và tự do đó vì các mục đích bảo đảm sự thừa nhận và tôn trọng các quyền và tự do của người khác cũng như nhằm đảm bảo những yêu cầu về trật tự công cộng, đạo đức và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ”. Điều này cũng nêu rõ, không một quyền và tự do cơ bản nào của con người có thể được thực hiện trái với các mục tiêu và nguyên tắc của Liên hợp quốc. Điều 30 nhấn mạnh rằng, không một quốc gia, nhóm hoặc cá nhân nào có thể viện dẫn bất kỳ quyền nào trong Tuyên ngôn “để tiến hành hoặc tổ chức thực hiện bất kỳ hành động nào nhằm phá hoại bất kỳ quyền và tự do nào đã được Tuyên ngôn này ghi nhận”.
Tầm quan trọng và ảnh hưởng của Tuyên ngôn
Được coi như là “một chuẩn mực chung cần đạt được của tất cả các dân tộc và quốc gia”, UDHR đã trở thành cơ sở để đánh giá những biện pháp và mức độ tuân thủ, thực hiện các chuẩn mực quốc tế về quyền con người của các quốc gia.
Từ năm 1948, bản Tuyên ngôn này đã và vẫn có ý nghĩa quan trọng nhất và ảnh hưởng sâu rộng tới tất cả các tuyên bố của Liên hợp quốc, và là nguồn cảm hứng cơ bản cho những nỗ lực quốc tế và quốc gia trong việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của con người. Nó đưa ra định hướng cho tất cả các hành động tiếp theo trên lĩnh vực Quyền con người và cung cấp một cơ sở triết lý cho việc xây dựng nhiều văn kiện quốc tế có tính ràng buộc về mặt pháp lý được xây dựng nhằm bảo vệ các quyền và tự do đã được ghi nhận trong Tuyên ngôn.
Tuyên bố Tê-hê-ran được thông qua tại Hội nghị thế giới về quyền con người tổ chức tại I-ran năm 1968 đã khẳng định: “UDHR đã xác nhận một nhận thức chung của các dân tộc trên thế giới về các quyền bất di, bất dịch và không thể bị xâm phạm của mọi thành viên trong gia đình nhân loại và thiết lập một nghĩa vụ cho các thành viên của cộng đồng quốc tế”. Hội nghị này cũng khẳng định sự tin tưởng với các nguyên tắc được đề cập trong UDHR và kêu gọi tất cả các dân tộc và các chính phủ: “phấn đấu cho những nguyên tắc được ghi nhận trong Tuyên ngôn... và tăng cường hơn nữa những nỗ lực nhằm bảo đảm cho mọi người có một cuộc sống phù hợp với tự do và nhân phẩm cũng như sự hạnh phúc về thể chất, tinh thần, xã hội và văn hoá”.
Tuy nhiên trong những năm gần đây có một xu hướng ngày càng phổ biến trong các cơ quan của Liên hợp quốc, đó là trong khi soạn thảo các văn kiện quốc tế về quyền con người không chỉ lấy UDHR là một nguồn duy nhất, mà còn dựa trên các văn kiện khác của “Bộ luật quốc tế về quyền con người”.
Hai Công ước quốc tế về quyền con người
Lời nói đầu và các Điều từ 1,3 và 5 của ICESCR và ICESCR hầu như giống nhau. Chúng đều đề cập đến nghĩa vụ của các quốc gia về thúc đẩy các quyền con người mà đã được quy định trong Hiến chương Liên hợp quốc; nhắc nhở các cá nhân về trách nhiệm phấn đấu cho việc thúc đẩy và tuân thủ các quyền này; và thừa nhận rằng, theo UDHR, lý tưởng của con người tự do được tận hưởng tự do về dân sự, chính trị và không bị sợ hãi và thiếu thốn chỉ có thể đạt được nếu tạo ra được những điều kiện để mọi người đều có thể hưởng thụ các quyền dân sự, chính trị cũng như các quyền kinh tế, xã hội, văn hoá của mình.
Điều 1 của hai Công ước đều khẳng định quyền tự quyết là quyền phổ biến của các dân tộc và kêu gọi các quốc gia thúc đẩy việc tôn trọng và hiện thực hoá quyền này.
Điều này nêu rõ rằng: “Tất cả các dân tộc đều có quyền tự quyết” và bổ sung thêm: “Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị và tự do theo đuổi đường lối phát triển kinh tế, xã hội và văn hoá của mình”. Điều 3 của hai Công ước đều khẳng định quyền bình đẳng giữa nam và nữ trong việc hưởng thụ các quyền con người và yêu cầu các quốc gia phải thực hiện hoá quyền này. Điều 5 của hai Công ước đưa ra sự bảo vệ trước sự phá hoại hoặc giới hạn quá mức các quyền và tự do cơ bản của con người, cũng như việc giải thích xuyên tạc những quy định của hai công ước với mục đích nhằm làm hạn chế hoặc loại bỏ các quyền được ghi nhận trong các công ước. Điều này cũng ngăn ngừa việc các quốc gia hạn chế các quyền đang được áp dụng trên lãnh thổ của mình với lý do là các Công ước không ghi nhận các quyền ấy hoặc ghi nhận các quyền ấy ở mức độ thấp hơn.
Từ Điều 6 đến Điều 15 ICESCR ghi nhận quyền được làm việc (Điều 6); quyền được hưởng những điều kiện lao động thích đáng và thuận lợi (Điều 7); quyền được thành lập và gia nhập công đoàn (Điều 8); quyền được bảo trợ xã hội, bao gồm bảo hiểm xã hội (Điều 9); quyền được bảo vệ và trợ giúp một cách rộng rãi nhất có thể với gia đình, đặc biệt là với các bà mẹ, trẻ em và thanh thiếu niên (Điều 11); quyền được hưởng tiêu chuẩn sức khoẻ về thể chất và tinh thần ở mức độ cao nhất có thể được (Điều 12); quyền được giáo dục (Điều 13,14); quyền được tham gia vào đời sống văn hoá (Điều 15).
Trong các Điều từ 6 đến 27 ICESCR ghi nhận quyền được sống (Điều 6) và nêu rõ, không ai có thể là nạn nhân của sự tra tấn, trừng phạt, hoặc đối xử tàn bạo, vô nhân đạo hay hạ nhục (Điều 7); không ai có thể bị bắt làm nô lệ, rằng chế độ nô lệ và việc buôn bán nô lệ hoặc bị bắt buộc hoặc cưỡng bức lao động (Điều 8); rằng không ai có thể bị bắt và giam giữ vô cớ (Điều 9); rằng tất cả mọi người bị tước quyền tự do đều phải được đối xử nhân đạo (Điều 11); và không ai có thể bị tù chỉ vì lý do không hoàn thành nghĩa vụ theo hợp đồng (Điều 11).
ICESCR còn ghi nhận quyền tự do đi lại và lựa chọn nơi ở (Điều 12) và về những giới hạn pháp lý trong việc trục xuất một người nước ngoài đang cư trú hợp pháp trên lãnh thổ của một quốc gia thành viên (Điều 13). Công ước cũng quy định về quyền bình đẳng của tất cả mọi người trước toà án và cơ quan tài phán, cũng như những bảo đảm đối với bị can, bị cáo và đương sự trong hoạt động tố tụng hình sự và dân sự (Điều 14). Công ước cấm việc ban hành các quy định hồi tố trong pháp luật hình sự (Điều 15); ghi nhận quyền của tất cả mọi người được thừa nhận tư cách trước pháp luật ở bất cứ nơi nào (Điều 16); yêu cầu ngăn cấm việc can thiệp độc đoán, trái pháp luật vào đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở, thư tín và các hình thức xâm phạm khác đến danh dự và uy tín của con người (Điều 17).
Công ước quy định bảo vệ các quyền tự do về tư tưởng, tín ngưỡng và tôn giáo (Điều 18); tự do ý kiến và biểu đạt (Điều 19). Công ước yêu cầu pháp luật các quốc gia cần có quy định ngăn cấm bất kỳ hình thức tuyên truyền nào cho chiến tranh hoặc sự hẫu thuẫn cho những tư tưởng hận thù về dân tộc, chủng tộc, tôn giáo mà kích động sự phân biệt đối xử, sự thù địch hoặc bạo lực (Điều 20); Công ước thừa nhận quyền được hội họp hoà bình (Điều 21); quyền được tự do lập hội (Điều 22). Nó cũng thừa nhận quyền của đàn ông và phụ nữ đến tuổi được kết hôn và xây dựng gia đình và thừa nhận nguyên tắc bình đẳng về quyền và trách nhiệm của các cặp vợ chồng trong việc kết hôn, trong quá trình hôn nhân và kể cả khi ly hôn (Điều 23). Nó đề cập đến các biện pháp bảo vệ quyền trẻ em (Điều 24) và ghi nhận quyền của tất cả công dân được tham gia điều hành các công việc xã hội, được bầu cử và ứng cử, và được bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ công cộng ở quốc gia mình (Điều 25). Công ước quy định tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và có quyền được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng (Điều 26). Công ước cũng yêu cầu bảo vệ các quyền của những cá nhân thuộc các nhóm thiểu số về dân tộc, chủng tộc, tín ngưỡng và tôn giáo sống trên lãnh thổ của các quốc gia thành viên (Điều 27).
Cuối cùng, Điều 28 Công ước quy định việc thiết lập một Uỷ ban Quyền con người (Human Rights Committee) có chức năng giám sát việc thực hiện Công ước của các quốc gia thành viên.
Các điều kiện
UDHR khẳng định việc thực hiện các quyền và tự do cơ bản của con người có thể phải chịu những giới hạn nhất định. Những giới hạn đó phải được quy định trong pháp luật, với mục đích nhằm bảo đảm sự thừa nhận các quyền và tự do của người khác, hoặc để đảm bảo các yêu cầu về đạo đức, trật tự công cộng và sự thịnh vượng nói chung trong một xã hội dân chủ. Không được thực hiện các quyền nếu điều đó trái với những mục đích và nguyên tắc của Liên hợp quốc, hoặc nhằm triệt tiêu bất kỳ quyền nào đã được ghi nhận trong UDHR (các Điều 29 đến 30).
ICESCR khẳng định các quyền được ghi nhận trong công ước này có thể bị hạn chế bởi pháp luật nhưng chỉ trong một chừng mực tương thích với bản chất của những quyền đó và chỉ để nhằm mục đích thúc đẩy phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ (Điều 4).
Không giống như UDHR và ICESCR, ICCPR không chứa đựng một điều khoản nào quy định việc hạn chế thực hiện mà áp dụng chung cho tất cả các quyền trong công ước. Tuy nhiên, một vài điều khoản trong công ước này quy định những quyền được ghi nhận trong các điều khoản đó không thể bị hạn chế trừ khi sự hạn chế đó được quy định trong pháp luật và là cần thiết để đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự công cộng và các quyền, tự do của người khác.
Tuy nhiên, có một số quyền nhất định trong ICCPR không bao giờ bị hạn chế hoặc tạm dừng việc thực hiện, thậm chí cả trong những trường hợp khẩn cấp. Đó là những quyền được sống, tự do không bị tra tấn, tự do không bị nô lệ hoặc nô dịch, quyền không bị buộc tội vì nợ nần, không bị áp dụng các quy định hồi tố trong luật hình dự, được thừa nhận tư cách con người trước pháp luật, và tự do tư tưởng, tín ngưỡng, tôn giáo.
ICCPR cho phép các quốc gia thành viên hạn chế hoặc tạm dừng việc thực hiện một số quyền nhất định trong những trường hợp công bố tình trạng khẩn cấp đe doạ sự tồn tại của quốc gia. Những hạn chế hoặc tạm dừng đó được cho phép khi “yêu cầu của tình trạng khẩn cấp đòi hỏi” và không được mang tính chất phân biệt đối xử về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo hoặc nguồn gốc xã hội (Điều 4). Những hạn chế và tạm dừng đó cũng phải được thông báo với Liên hợp quốc.
Nghị định thư thứ nhất
Nghị định thứ nhất của ICCPR trao cho Uỷ ban Quyền con người (Human Rights Committee), cơ quan được thành lập bởi Công ước này, được quyền tiếp nhận và xem xét những khiếu tố của các cá nhân cho rằng họ là nạn nhân của sự vi phạm bất kỳ quyền nào đã được nghi nhận trong công ước này.
Theo Điều 1 của Nghị định thư, các Quốc gia thành viên công ước muốn trở thành thành viên của Nghị định thư phải thừa nhận thẩm quyền của Uỷ ban Quyền con người được tiếp nhận và xem xét những khiếu tố của các công dân nước mình mà cho rằng họ là nạn nhân của sự vi phạm bất kỳ quyền nào mà đã được ghi nhận trong công ước này do các quốc gia đó gây ra. Trước khi gửi đơn khiếu tố đến Uỷ ban, các cá nhân phải đảm bảo là đã vận dụng tất cả các cơ chế giải quyết sẵn có ở trong nước nhưng không đạt kết quả.
Những thông tin như vậy khi đã được Uỷ ban xem xét và coi là đáng tin cậy (ngoài những quy định đề cập đến những điều kiện này nêu ở các Điều 2, 3 và 5 (2)), sẽ được chuyển cho các quốc gia thành viên bị khiếu tố để họ xem xét. Trong vòng 6 tháng, các quốc gia này phải trình lên Uỷ ban một văn bản giải trình hoặc một báo cáo giải thích rõ vấn đề và nêu ra những biện pháp, nếu có, mà họ đã áp dụng để giải quyết vấn đề (Điều 4).
Uỷ ban Quyền con người xem xét tính chất có thể chấp nhận được của những khiếu tố như vậy trong các cuộc họp kín, trên cơ sở tham chiếu với tất cả những văn bản do các cá nhân và các quốc gia thành viên có liên quan trình lên. Sau đó, Uỷ ban đưa ra những quan điểm về vấn đề và gửi cho các quốc gia và cá nhân có liên quan (Điều 5).
Hàng năm, Uỷ ban phải gửi báo cáo tóm tắt những hoạt động của mình liên quan đến việc thực hiện Nghị định thư này với Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ECOSOC (Điều 6).
Nghị định thư thứ hai
Nghị định thư thứ hai của ICCPR về việc xoá bỏ hình phạt tử hình được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua theo Nghị quyết 44/128 ngày 15/12/1989. Theo Điều 1 của Nghị định thư này, không một ai thuộc quyền tài phán của các quốc gia thành viên Nghị định thư có thể bị hành quyết.
Theo Điều 3 của Nghị định thư, các quốc gia thành viên phải đưa vào trong báo cáo quốc gia về việc thực hiện ICCPR trình lên Uỷ ban Quyền con người những thông tin về các biện pháp mà quốc gia đã tiến hành nhằm thực hiện Nghị định thư.
Điều 5 của Nghị định thư quy định, phù hợp với nội dung của Nghị định thư thứ nhất, Uỷ ban Quyền con người có quyền tiếp nhận và xem xét những khiếu tố của các cá nhân về các vấn đề quy định trong Nghị định thư thứ hai, trừ khi quốc gia có liên quan chưa phê chuẩn hoặc gia nhập Nghị định thư thứ nhất.
Theo Điều 6, các quy định của Nghị định thư thứ hai được áp dụng như là những quy định bổ sung của ICCPR.
Thời điểm có hiệu lực của các công ước và nghị định thư
ICESCR bắt đầu có hiệu lực từ ngày 3/01/1976, sau ba tháng kể từ khi Tổng thư ký Liên hợp quốc lưu chiểu văn bản phê chuẩn và gia nhập thứ 35, như đã được quy định trong Điều 27 của công ước này. Đến ngày 30/12/1995, Công ước này đã có 132 quốc gia thành viên(4), bao gồm: Afghanistan, Albania, Algeria, Angola, Argentina, Armenia, Australia, Austria, Azerbaijan, Barbados, Belarus, Belgium, Benin, Bolivia, Bosnia and Herzegovina, Brazil, Bulgaria, Burundi, Cambodia, Cameroon, Canada, Cape Verde, Central African Republic, Chad, Chile, Colombia, Congo, Costa Rica, Côte d'Ivoire, Croatia, Cyprus, Czech Republic, Democratic People's Republic of Korea, Denmark, Dominica, Dominican Republic, Ecuador, Egypt, El Salvador, Equatorial Guinea, Estonia, Ethiopia, Finland, France, Gabon, Gambia, Georgia, Germany, Greece, Grenada, Guatemala, Guinea, Guinea-Bissau, Guyana, Haiti, Hungary, Iceland, India, Iran (Islamic Republic of), Iraq, Ireland, Israel, Italy, Jamaica, Japan, Jordan, Kenya, Kyrgyzstan, Latvia, Lebanon, Lesotho, Libyan Arab Jamahiriya, Lithuania, Luxembourg, Madagascar, Malawi, Mali, Malta, Mauritius, Mexico, Mongolia, Morocco, Mozambique, Namibia, Nepal, Netherlands, New Zealand, Nicaragua, Niger, Nigeria, Norway, Panama, Paraguay, Peru, Philippines, Poland, Portugal, Republic of Korea, Republic of Moldova, Romania, Russian Federation, Rwanda, Saint Vincent and the Grenadines, San Marino, Senegal, Seychelles, Slovakia, Slovenia, Somalia, Spain, Sri Lanka, Sudan, Suriname, Sweden, Switzerland, Syrian, Arab Republic, The former Yugoslav Republic of Macedonia, Togo, Trinidad and Tobago, Tunisia, Ukraine, United Kingdom, United Republic of Tanzania, United States of America, Uruguay, Venezuela, Viet Nam, Yemen, Yugoslavia, Zaire, Zambia and Zimbabwe.
ICCPR bắt đầu có hiệu lực từ ngày 23/3/1976, sau ba tháng kể từ khi Tổng thư ký Liên hợp quốc lưu chiểu văn bản phê chuẩn hoặc gia nhập thứ 35, như quy định tại Điều 49 công ước này. Tính đến 30/9/1995, công ước có 132 quốc gia thành viên(5), bao gồm: Afghanistan, Albania, Algeria, Angola, Argentina, Armenia, Australia, Austria, Azerbaijan, Barbados, Belarus, Belgium, Benin, Bolivia, Bosnia and Herzegovina, Brazil, Bulgaria, Burundi, Cambodia, Cameroon, Canada, Cape Verde, Central African Republic, Chad, Chile, Colombia, Congo, Costa Rica, Côte d'Ivoire, Croatia, Cyprus, Czech Republic, Democratic People's Republic of Korea, Denmark, Dominica, Dominican Republic, Ecuador, Egypt, El Salvador, Equatorial Guinea, Estonia, Ethiopia, Finland, France, Gabon, Gambia, Georgia, Germany, Grenada, Guatemala, Guinea, Guyana, Haiti, Hungary, Iceland, India, Iran (Islamic Republic of), Iraq, Ireland, Israel, Italy, Jamaica, Japan, Jordan, Kenya, Kyrgyzstan, Latvia, Lebanon, Lesotho, Libyan Arab Jamahiriya, Lithuania, Luxembourg, Madagascar, Malawi, Mali, Malta, Mauritius, Mexico, Mongolia, Morocco, Mozambique, Namibia, Nepal, Netherlands, New Zealand, Nicaragua, Niger, Nigeria, Norway, Panama, Paraguay, Peru, Philippines, Poland, Portugal, Republic of Korea, Republic of Moldova, Romania, Russian Federation, Rwanda, Saint Vincent and the Grenadines, San Marino, Senegal, Seychelles, Slovakia, Slovenia, Somalia, Spain, Sri Lanka, Sudan, Suriname, Sweden, Switzerland, Syrian Arab Republic, the former Yugoslav Republic of Macedonia, Togo, Trinidad and Tobago, Tunisia, Uganda, Ukraine, United Kingdom, United Republic of Tanzania, United States of America, Uruguay, Uzbekistan, Venezuela, Viet Nam, Yemen, Yugoslavia, Zaire, Zambia and Zimbabwe.
Có 44 quốc gia đã tuyên bố chấp nhận Điều 41 ICCPR khi phê chuẩn hoặc gia nhập công ước này, trong đó thừa nhận thẩm quyền của Uỷ ban Quyền con người được tiếp nhận và xem xét những tố cáo của các quốc gia khác về việc quốc gia mình vì phạm các quyền được ghi nhận trong quốc ước(6). Quy định tại Điều 41 của ICCPR bắt đầu có hiệu lực từ ngày 28/3/1979, căn cứ theo đoạn 2 của Điều này.
Nghị định thư thứ nhất của ICCPR bắt đầu có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của công ước này, sau khi đã có 10 quốc gia tuyên bố phê chuẩn hoặc gia nhập. Tính đến ngày 30/9/1995, đã có 85 quốc gia là thành viên của Nghị định thư này(7), bao gồm: Algeria, Angola, Argentina, Armenia, Australia, Austria, Barbados, Belarus, Belgium, Benin, Bolivia, Bosnia and Herzegovina, Bulgaria, Cameroon, Canada, Central African Republic, Chad, Chile, Colombia, Congo, Costa Rica, Cyprus, Czech Republic, Denmark, Dominican Republic, Ecuador, El Salvador, Equatorial Guinea, Estonia, Finland, France, Gambia, Georgia, Germany, Guinea, Guyana, Hungary, Iceland, Ireland, Italy, Jamaica, Kyrgyzstan, Latvia, Libyan Arab Jamahiriya, Lithuania, Luxembourg, Madagascar, Malta, Mauritius, Mongolia, Namibia, Nepal, Netherlands, New Zealand, Nicaragua, Niger, Norway, Panama, Paraguay, Peru, Philippines, Poland, Portugal, Republic of Korea, Romania, Russian Federation, Saint Vincent and the Grenadines, San Marino, Senegal, Seychelles, Slovakia, Slovenia, Somalia, Spain, Suriname, Sweden, The former Yugoslav Republic of Macedonia, Togo, Trinidad and Tobago, Ukraine, Uruguay, Uzbekistan, Venezuela, Zaire and Zambia.
Nghị định thư thứ hai của ICCPR về xoá bỏ hình phạt tử hình bắt đầu có hiệu lực từ ngày 11/7/1991, sau khi đã có đủ 10 quốc gia phê chuẩn và gia nhập theo quy định. Đến thời điểm 30/9/1995, Nghị định thư này đã có 28 quốc gia thành viên(8), bao gồm: Australia, Austria, Denmark, Ecuador, Finland, Germany, Hungary, Iceland, Ireland, Italy, Luxembourg, Malta, Mozambique, Namibia, Netherlands, New Zealand, Norway, Panama, Portugal, Romania, Seychelles, Slovenia, Spain, Sweden, Switzerland, The former Yugoslav Republic of Macedonia, Uruguay and Venezuela.
Tác động toàn cầu của Bộ luật quốc tế về quyền con người
Từ 1948, khi UDHR được thông qua và công bố cho tới 1976, khi ICCPR và ICESCR bắt đầu có hiệu lực, UDHR là văn kiện duy nhất của Bộ luật quốc tế về quyền con người. Trong giai đoạn đó và cả các giai đoạn về sau khi hai công ước kể trên đã có hiệu lực, bản Tuyên ngôn này đã có ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng và hành động của các cá nhân và các chính phủ ở tất cả các khu vực trên thế giới.
Hội nghị thế giới về quyền con người lần thứ nhất được tổ chức tại Tê-hê-ran (I-ran) từ ngày 22/4 đến ngày 13/5/1968 đã kiểm điểm lại những tiến bộ trên lĩnh vực Quyền con người sau 20 năm kể từ khi UDHR được thông qua và xác định chương trình hành động về quyền con người trong tương lai, được nêu trong Tuyên bố Tê-hê-ran như sau:
“1. Đã đến lúc mọi thành viên trong cộng đồng quốc tế cần phải hoàn thành những nghĩa vụ thiêng liêng của mình nhằm thúc đẩy và khuyến khích sự tôn trọng các quyền và tự do cơ bản của tất cả mọi người, không có bất kỳ sự phân biệt nào về chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến hoặc những quan điểm khác”;
2. UDHR xác nhận một nhận thức chung của các dân tộc trên thế giới về các quyền bất di bất dịch và không thể bị xâm phạm của mọi thành viên trong gia đình nhân loại và thiết lập nghĩa vụ đối với các thành viên của cộng đồng quốc tế";
3. ICCPR, ICESCR và Tuyên bố về trao trả độc lập của các nước và các dân tộc thuộc địa, Công ước quốc tế về loại bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử về chủng tộc cũng như các công ước và tuyên bố khác trên lĩnh vực Quyền con người được thông qua dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc, các cơ quan chuyên môn và các tổ chức liên chính phủ ở các khu vực đã tạo ra những tiêu chuẩn và nghĩa vụ mới mà các quốc gia phải tuân thủ.
Như vậy, trong vòng 25 năm, UDHR có vị trí là một văn kiện quốc tế duy nhất, là “chuẩn mực chung cho hành động của các dân tộc và các quốc gia”. Nó được các quốc gia, kể cả những nước đã phê chuẩn hoặc gia nhập một hay cả hai công ước cơ bản về quyền con người năm 1966 và những quốc gia chưa là thành viên của các Công ước này biết đến và chấp nhận. Các quy định của Tuyên ngôn đã được viện dẫn là cơ sở pháp lý cho rất nhiều quyết định quan trọng của các cơ quan Liên hợp quốc. Nó cũng được các cơ quan, kể cả trong và ngoài hệ thống Liên hợp quốc, sử dụng là nguồn trong việc xây dựng các văn kiện quốc tế về quyền con người. Các quy định của Tuyên ngôn còn có ảnh hưởng to lớn đến một số lượng lớn các điều ước quốc tế đa phương và song phương và có tác động mạnh mẽ quá trình xây dựng nhiều hiến pháp và đạo luật mới ở nhiều quốc gia.
UDHR đã được thừa nhận như là một văn kiện lịch sử, gắn kết một định nghĩa chung về nhân phẩm và các giá trị của con người. Bản Tuyên ngôn này là một tiêu chuẩn so sánh để đánh giá các biện pháp, mức độ tuân thủ và sự phù hợp trong pháp luật và hành động của các quốc gia ở khắp nơi trên thế giới với các tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người.
Việc các quốc gia thành viên phê chuẩn hoặc gia nhập hai công ước quốc tế cơ bản về quyền con người năm 1966 có nghĩa là chấp nhận nghĩa vụ pháp lý cũng như luân lý trong việc tôn trọng và bảo vệ các quyền, tự do cơ bản của con người nhưng không làm giảm bớt ảnh hưởng sâu rộng của UDHR. Trái lại, các công ước kể trên, với việc mở rộng nội dung và đưa ra những biện pháp cụ thể nhằm thực hiện các quyền và tự do cơ bản của con người, đã bảo đảm việc hiện thực hoá nội dung của Tuyên ngôn và tiếp thêm sức sống mới cho văn kiện này.
Thêm vào đó, UDHR thực sự có tầm vóc toàn cầu bởi nó có tác động tới toàn bộ gia đình nhân loại, ở bất cứ nơi nào, bất kể các chính phủ ở nơi đó đã hay chưa phê chuẩn hoặc gia nhập hai công ước cơ bản về quyền con người 1966. Mặt khác, các công ước này, do là những điều ước quốc tế đa phương, nên chỉ có tác dụng ràng buộc nghĩa vụ pháp lý đối với những quốc gia nào đã phê chuẩn hoặc gia nhập chúng.
UDHR cùng với một hoặc cả hai công ước cơ bản về quyền con người năm 1966 là cơ sở để xây dựng nhiều nghị quyết và quyết định quan trọng của các cơ quan Liên hợp quốc, bao gồm cả các Nghị quyết và quyết định của Đại hội đồng và Hội đồng Bảo an.
Gần như tất cả các văn kiện quốc tế về quyền con người được các cơ quan của Liên hợp quốc thông qua từ năm 1948 đến nay đều được soạn thảo dựa trên những nguyên tắc đã được ghi nhận trong UDHR. Lời nói đầu của ICESCR đã nêu rõ: “Theo UDHR thì chỉ có thể đạt được lý tưởng của con người là được sống tự do, không bị sợ hãi và thiếu thốn, nếu tạo được điều kiện cho mọi người đều có thể hưởng các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá cũng như các quyền dân sự, chính trị của mình”. Trong Lời nói đầu của ICCPR cũng có một quy định tương tự.
Tuyên bố về bảo vệ tất cả mọi người khỏi bị tra tấn, trừng phạt hoặc đối xử tàn bạo, vô nhân đạo hay hạ nhục được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua theo Nghị quyết 3452 (XXX) năm 1975, đã giải thích rõ ý nghĩa Điều 5 của UDHR và Điều 7 của ICESCR, theo đó, cả hai điều này đều khẳng định không ai có thể bị tra tấn, trừng phạt hoặc đối xử tàn bạo, vô nhân đạo hay hạ nhục. Quy định này được tái khẳng định trong Công ước về chống tra tấn, trừng phạt hoặc đối xử tàn bạo, vô nhân đạo hay hạ nhục, được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua theo Nghị quyết 39/46 năm 1984. Tương tự, Tuyên bố về xoá bỏ tất cả các hình thức kỳ thị và phân biệt đối xử dựa trên cơ sở tôn trọng Nghị quyết 36/55 năm 1985 cũng khẳng định rõ bản chất và phạm vi của các nguyên tắc về không phân biệt đối xử và bình đẳng trước pháp luật, cũng như về quyền tự do tư tưởng, tín ngưỡng, tôn giáo đã được ghi nhận trong UDHR và hai công ước năm 1966.
Điều tương tự cũng xảy ra trong những văn kiện quốc tế về quyền con người được thông qua bởi các tổ chức ngoài hệ thống Liên hợp quốc. Ví dụ, Lời nói đầu của Công ước về bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của con người do Hội đồng châu Âu thông qua tại Rome năm 1950 quy định: “Các chính phủ của các quốc gia châu Âu, với một di sản chung về truyền thống chính trị, tư tưởng, tự do và nguyên tắc pháp quyền, cùng quyết tâm tiến hành những bước đầu tiên của những nỗ lực tập thể nhằm thực hiện các quyền đã được ghi nhận trong UDHR”.
Điều II Hiến chương của Tổ chức thống nhất châu Phi được thông qua tại Addis Ababa năm 1963 đã nêu rõ rằng, một trong các mục tiêu của Tổ chức này là: “Thúc đẩy sự hợp tác quốc tế phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc và UDHR”. Công ước châu Mỹ về quyền con người được thông qua tại San José, Costa Rica năm 1969 đã nêu rõ trong Lời nói đầu rằng các nguyên tắc được ghi nhận trong UDHR, Hiến chương của Tổ chức các nước Châu Mỹ, Tuyên ngôn châu Mỹ về các quyền và nghĩa vụ của con người sẽ được tuân thủ trong văn kiện này.
Các thẩm phán của Toà án Công lý quốc tế thường viện dẫn những nguyên tắc được ghi nhận trong UDHR làm cơ sở cho các quyết định của họ.
Các toà án quốc gia và địa phương cũng thường viện dẫn những nguyên tắc của UDHR trong các quyết định của mình. Thêm vào đó, trong những năm gần đây, các hiến pháp và văn bản pháp luật quốc gia đã đưa ra ngày càng nhiều những biện pháp bảo vệ pháp lý đối với các nguyên tắc đó. Thực tế cho thấy nhiều văn bản pháp luật quốc gia và địa phương rõ ràng đã lấy UDHR và hai Công ước quốc tế 1966 làm khuôn mẫu - coi những văn kiện đó là cơ sở cho tất cả những nỗ lực hiện tại và tương lai trên lĩnh vực Quyền con người, cả trên phạm vi quốc gia và quốc tế.
Cuối cùng, Hội nghị thế giới lần thứ hai về quyền con người tổ chức tại Viên năm 1993 đã thông qua Tuyên bố Viên và Chương trình hành động, trong đó hoan nghênh những tiến bộ đã đạt được trong việc xây dựng các văn kiện quốc tế về quyền con người và kêu gọi các quốc gia phê chuẩn những văn kiện này. Tuyên bố cũng kêu gọi hạn chế đến mức thấp nhất việc bảo lưu những điều khoản trong các điều ước quốc tế về quyền con người (phần I, đoạn 26).
Vì tất cả các lẽ trên, có thể nói rằng Bộ luật Quốc tế về Quyền con người là dấu mốc lớn trong lịch sử Quyền con người, một “Hiến chương Magna Carta” thực sự, đánh dấu một giai đoạn hết sức quan trọng trong sự phát triển của nhân loại: giai đoạn chủ động giành lấy nhân phẩm và giá trị của con người.
Nguyên bản tiếng Anh:
“The International Bill of Human Rights”
(Fact Sheet No. 2/Rev.1)