Skip to main content

CÔNG ƯỚC BỔ SUNG VỀ XÓA BỎ CHẾ ĐỘ NÔ LỆ, BUÔN BÁN NÔ LỆ, CÁC THỂ CHẾ VÀ TẬP TỤC KHÁC TƯƠNG TỰ CHẾ ĐỘ NÔ LỆ

Phiên bản PDF

Ngày thông qua

30/04/1956

CÔNG ƯỚC BỔ SUNG VỀ XOÁ BỎ CHẾ ĐỘ NÔ LỆ, BUÔN BÁN NÔ LỆ, CÁC THỂ CHẾ VÀ TẬP TỤC KHÁC TƯƠNG TỰ CHẾ ĐỘ NÔ LỆ, 1956

 (Được thông qua tạị Hội nghị các Đại diện toàn quyền do Hội đồng Kinh tế và Xã hội triệu tập theo Nghị quyết 608 (XXI) ngày 30/4/1956 và được làm tại Giơ-ne-vơ ngày 7/9/1956. Có hiệu lực từ ngày 30/4/1975, căn cứ theo điều 13)

Lời nói đầu                                         

Các quốc gia thành viên Công ước này,

Xét rằng, tự do là quyền bẩm sinh của mọi người;

Lưu ý rằng, các dân tộc thuộc Liên Hợp Quốc đã khẳng định trong Hiến chương sự tin tưởng của mình vào nhân phẩm và giá trị của con người;

Xét rằng, Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tuyên bố như là chuẩn mực chung cần phải đạt được đối với mọi dân tộc và mọi quốc gia đã khẳng định không ai bị bắt  làm nô lệ hay nô dịch, và mọi hình thức nô lệ hay buôn bán nô lệ đều bị cấm;

Nhận thấy rằng, từ khi Công ước về nô lệ được ký kết tại Giơ-ne-vơ ngày 25/9/1926 nhằm bảo đảm xóa bỏ chế độ nô lệ và buôn bán nô lệ, đã có thêm tiến bộ trong việc đạt được mục tiêu này;

Xét Công ước về lao động cưỡng bức năm 1930 và các hành động tiếp theo của Tổ chức Lao động quốc tế liên quan đến lao động bắt buộc hoặc cưỡng bức;

Tuy nhiên, nhận thức rằng, chế độ nô lệ, buôn bán nô lệ, các thể chế và tập tục tương tự chế độ nô lệ vẫn chưa được loại bỏ ở mọi nơi trên thế giới;

Do vậy, quyết định rằng, Công ước về nô lệ năm 1926 vẫn đang áp dụng hiện nay cần được tăng thêm bằng việc ký kết một công ước bổ sung nhằm tăng cường những nỗ lực quốc gia cũng như quốc tế đối với việc xóa bỏ chế độ nô lệ, buôn bán nô lệ, các thể chế và tập tục tương tự chế độ nô lệ;

       Đã thỏa thuận như sau:

Phần I. Các thể chế và tập tục tương tự chế độ nô lệ

Điều 1.

Các quốc gia thành viên Công ước sẽ tiến hành mọi biện pháp lập pháp và các biện pháp cần thiết và khả thi khác để xoá bỏ hay từ bỏ hoàn toàn theo từng bước và càng sớm càng tốt các thể chế và tập tục sau, nếu chúng vẫn còn tồn tại và cho dù được hay không được bao hàm trong định nghĩa về chế độ nô lệ tại điều 1 Công ước về nô lệ ký tại Giơ-ne-vơ ngày 25/9/1926:

a. Nô lệ gán nợ, nghĩa là vị thế hay tình trạng nảy sinh từ cam kết của người mắc nợ lấy sự phục dịch của chính họ hoặc của một người phụ thuộc vào họ như là sự bảo đảm cho món nợ của họ với người khác, nếu giá trị của sự phục dịch đó, như được đánh giá hợp lý, không được sử dụng để thanh toán nợ, hoặc thời hạn và tính chất sự phục dịch đó không được giới hạn và xác định;

b. Nông nô, nghĩa là tình trạng hay địa vị của một tá điền mà theo luật, tập quán hay thỏa thuận, phải sống và lao động trên đất đai thuộc về người khác, và làm những công việc phục vụ nhất định cho người đó, cho dù được trả công hay không và không được tự do thay đổi địa vị của mình;

c. Bất kì thể chế hay tập tục nào mà theo đó:

i) Một phụ nữ bị hứa gả hay bị gả để thanh toán một khoản tiền hay hiện vật cho cha mẹ, người giám hộ, gia đình họ hay bất cứ cá nhân hay nhóm nào khác, mà người phụ nữ đó không có quyền từ chối; hoặc

ii) Chồng của một phụ nữ, gia đình hay dòng tộc của người đó có quyền nhưîng người phụ nữ đó cho người khác để lấy tiền hoặc hàng hóa hoặc những thứ khác; hoặc

iii) Một phụ nữ khi chồng chết có thể bị buộc phải làm vợ thừa kế của người khác.

d. Bất kỳ thể chế hay tập tục nào mà theo đó một đứa trẻ hay người dưới 18 tuổi bị bố mẹ đẻ hoặc người giám hộ hoặc cả hai giao cho một người khác, dù có nhận được sự đền bù hay không, nhằm lạm dụng đứa trẻ hoặc người dưới 18 tuổi đó hoặc nhằm bóc lột sức lao động của họ.

Điều 2.

Nhằm chấm dứt các thể chế và tập tục nêu tại điều 1(c) Công ước này, các quốc gia thành viên cam kết sẽ quy định, nếu cần thiết, độ tuổi kết hôn tối thiểu phù hợp, và khuyến khích việc sử dụng các điều kiện thuận lợi mà nhờ đó sự đồng thuận của cả hai bên đối với việc kết hôn có thể được tự do bày tỏ trước sự có mặt của cơ quan tôn giáo hay dân sự có thẩm quyền, và khuyến khích việc đăng ký kết hôn.

Phần II. Buôn bán nô lệ

Điều 3.

1.Hành vi vận chuyển hay mưu đồ vận chuyển nô lệ từ một nước này sang nước khác bằng bất cứ phương tiện vận tải nào, hay tòng phạm với các hành vi đó, sẽ bị coi là tội phạm hình sự theo luật của các quốc gia thành viên Công ước này và những người bị kết tội như vậy sẽ phải chịu các hình phạt nghiêm khắc.

2.(a) Các quốc gia thành viên sẽ tiến hành mọi biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn việc  các tàu thuyền và máy bay được phép treo cờ của mình vận chuyển nô lệ và trừng phạt các cá nhân phạm tội này hay sử dụng cờ quốc gia cho mục đích đó.

b) Các quốc gia thành viên sẽ tiến hành mọi biện pháp hiệu quả để bảo đảm rằng các bến cảng, sân bay và bờ biển của mình không bị sử dụng cho việc vận chuyển nô lệ.

3. Các quốc gia thành viên sẽ trao đổi thông tin nhằm bảo đảm sự phối hợp trên thực tế các biện pháp mà họ tiến hành trong việc đấu tranh chống buôn bán nô lệ và thông báo cho nhau mọi  trường hợp buôn bán nô lệ và mọi nỗ lực thực hiện tội phạm này mà họ biết được.

Điều 4.

Bất kỳ nô lệ nào tìm nơi ẩn náu trên bất cứ tàu thuyền nào của một quốc gia thành viên của Công ước này sẽ được tự do, bởi tự bản thân việc đó.

Phần III. Chế độ nô lệ và các thể chế và tập tục tương tự chế độ nô lệ

Điều 5.

Ở một quốc gia mà chưa hoàn toàn xoá bỏ hay từ bỏ chế độ nô lệ, hoặc các thể chế hay tập tục nêu tại điều 1 Công ước này, thì những hành vi như cắt xén thân thể, đóng dấu bằng sắt nung hoặc đánh dấu nô lệ hay người khác có vị thế như nô lệ để biểu thị thân phận của họ, hoặc như một hình thức trừng phạt, hay vì bất kỳ lý do nào khác, hoặc hành vi tòng phạm với những hành vi trên sẽ bị coi là tội phạm hình sự theo luật của các quốc gia thành viên Công ước này và những người bị kết tội như vậy sẽ phải bị trừng phạt.

Điều 6.

1. Hành vi nô dịch hóa người khác hay xúi giục người khác tự biến mình hay một người phụ thuộc vào mình thành nô lệ, hoặc tòng phạm hay tham gia vào âm mưu thực hiện những hành vi đó, sẽ bị coi là tội phạm hình sự theo luật của các quốc gia thành viên Công ước này và những người bị kết tội như vậy sẽ phải bị trừng phạt.

2. Theo các quy định của đoạn mở đầu điều 1 Công ước này, các quy định tại khoản 1 điều này cũng sẽ áp dụng đối với hành vi xúi giục người khác tự đặt mình hay một người phụ thuộc vào mình vào địa vị như nô lệ xuất phát từ bất kỳ thể chế hay tập tục nào được nêu tại điều 1, đối với hành vi cố gắng thực  hiện, trên, tòng phạm, hay tham gia vào âm mưu thực hiện bất cứ hành động nào như trên.

Phần IV. Định nghĩa

Điều 7.

Vì mục đích của Công ước này.

a) “Chế độ nô lệ”, như quy định của Công ước về Nô lệ năm 1926, nghĩa là địa vị hay tình trạng của một người mà bất kỳ hay mọi quyền lực gắn liền với quyền sở hữu đều được thực hiện đối với họ, và “nô lệ” nghĩa là một người ở vào tình trạng hay địa vị như vậy.

b) “Người có địa vị như nô lệ” nghĩa là một người ở vào tình trạng hay địa vị xuất phát từ bất kỳ thể chế hay tập tục nào được nêu tại điều 1 Công ước này;

c) “Buôn bán nô lệ” nghĩa là và bao gồm mọi hành vi liên quan đến việc đoạt được, giành được hay chuyển nhưîng một người với mục đích bắt họ làm nô lệ; mọi hành vi liên quan đến việc kiếm được một nô lệ để bán hay trao đổi họ; mọi hành vi chuyển nhưîng thông qua việc bán hay trao đổi một người có được với mục đích đem bán hay trao đổi họ; và nói chung, mọi hành vi buôn bán hay vận chuyển nô lệ bằng bất cứ phương tiện chuyên chở nào.

Mục V. Hợp tác giữa các quốc gia thành viên và trao đổi thông tin

Điều 8.

1. Các quốc gia thành viên Công ước này cam kết hợp tác với nhau và với Liên Hợp Quốc để thực hiện các quy định nêu trên.

  2. Các quốc gia thành viên cam kết chuyển cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc các bản sao của bất kỳ luật, quy định và các biện pháp hành chính nào được quốc gia đó ban hành hoặc áp dụng để thực hiện các quy định của Công ước này.

 3. Tổng thư ký sẽ chuyển những thông tin nhận được theo khoản 2 điều này cho các quốc gia thành viên khác và cho Hội đồng Kinh tế và Xã hội như một phần tư liệu cho bất cứ cuộc thảo luận nào mà Hội đồng có thể tổ chức nhằm đưa ra những khuyến nghị bổ sung đối với việc xóa bỏ chế độ nô lệ, buôn bán nô lệ, hoặc các thể chế và tập tục là đối tượng của Công ước này.

Mục VI. Các điều khoản cuối cùng

Điều 9.

Không được bảo lưu đối với Công ước này.

Điều 10.

Mọi tranh chấp giữa các quốc gia thành viên liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công ước mà không giải quyết được bằng thương lượng sẽ được đưa ra Toà án Công lý quốc tế theo yêu cầu của bất kỳ bên tranh chấp nào, trừ khi các bên liên quan đã thỏa thuận về một phương thức giải quyết khác.

Điều 11.

1.Công ước này được để ngỏ đến ngày 01/7/1957 cho bất cứ quốc gia thành viên nào của Liên Hợp Quốc hay của một tổ chức chuyên môn của Liên Hợp Quốc ký. Công ước này phải được phê chuẩn và các văn kiện phê chuẩn sẽ được Tổng thư ký Liên Hợp Quốc lưu chiểu và thông báo cho từng quốc gia ký và gia nhập.

2. Sau ngày 01/7/1957, Công ước này sẽ để ngỏ cho việc gia nhập của bất cứ quốc gia thành viên nào của Liên Hợp Quốc hay của các tổ chức chuyên môn của Liên Hợp Quốc hay bất cứ quốc gia nào khác được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc mời gia nhập. Việc gia nhập sẽ có hiệu lực sau khi văn kiện chính thức gia nhập được nộp lưu chiểu cho Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc sẽ thông báo cho từng quốc gia ký và phê chuẩn về việc này.

Điều 12.

1. Công ước này sẽ áp dụng đối với mọi lãnh thổ uỷ trị, lãnh thổ thuộc địa và các lãnh thổ phi chính quốc mà quan hệ đối ngoại của những lãnh thổ này do bất kỳ quốc gia thành viên nào chịu trách nhiệm. Các bên liên quan, theo quy định tại  khoản 2 điều này, tại thời điểm ký, phê chuẩn hay gia nhập, phải tuyên bố về một hay các lãnh thổ phi chính quốc sẽ nằm trong phạm vi áp dụng của Công ước này do kết quả của việc ký, phê chuẩn hay gia nhập đó.

2.Trong  trường hợp phải có sự chấp thuận trước đó của lãnh thổ phi chính quốc theo pháp luật hay thực tiễn của quốc gia thành viên hay của lãnh thổ phi chính quốc đó, quốc gia liên quan sẽ cố gắng đạt được sự chấp thuận cần thiết của lãnh  thổ phi chính quốc trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày quốc gia chính quốc ký Công ước, và sẽ thông báo cho Tổng thư ký khi đã nhận được sự chấp thuận đó. Công ước này sẽ áp dụng cho một hay các lãnh thổ có tên trong thông báo đó từ ngày Tổng thư ký nhận được thông báo.

3.Sau khi kết thúc thời hạn 12 tháng nêu trên, các quốc gia thành viên liên quan sẽ thông báo cho Tổng thư ký về kết quả tham vấn với các lãnh thổ phi chính quốc mà quan hệ đối ngoại của những lãnh thổ này do họ chịu trách nhiệm và việc chấp thuận áp dụng Công ước có thể đã bị từ chối.

Điều 13.

1.Công ước này có hiệu lực kể từ ngày có hai quốc gia trở thành thành viên của Công ước.

2. Công ước sau đó sẽ có hiệu lực đối với mỗi quốc gia và lãnh thổ vào ngày văn kiện phê chuẩn hay gia nhập của quốc gia đó hoặc thông báo về việc áp dụng Công ước trên lãnh  thổ đó được nộp lưu chiểu.

Điều 14.

1.Việc áp dụng Công ước này được chia thành các giai đoạn ba năm liên tiếp, trong đó giai đoạn đầu tiên bắt đầu từ ngày có hiệu lực của Công ước theo khoản 1 điều 13.

2. Bất cứ quốc gia thành viên nào cũng có thể rút khỏi Công ước bằng một thông báo gửi cho Tổng thư ký không muộn hơn sáu tháng trước khi kết thúc giai đoạn ba năm hiện tại. Tổng thư ký sẽ thông báo cho tất cả các quốc gia khác về thông báo bãi ước này và ngày nhận được thông báo đó.

3. Thông báo bãi ước sẽ có hiệu lực tại thời điểm kết thúc giai đoạn ba năm hiện tại.

4. Phù hợp với các quy định của điều 12, trong  trường hợp Công ước này có thể được áp dụng đối với một lãnh thổ phi chính của một quốc gia thành viên, quốc gia thành viên đó có thể, vào bất cứ thời điểm nào sau đó, với sự chấp thuận của lãnh thổ liên quan, đưa ra thông báo cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc về việc rút khỏi Công ước này một cách riêng rẽ  đối với lãnh thổ đó. Việc bãi ước này sẽ có hiệu lực một năm sau ngày Tổng thư ký nhận được thông báo như vậy. Tổng thư ký sẽ thông báo cho tất cả các quốc gia thành viên khác về thông báo bãi ước này  và ngày nhận được thông báo đó.

Điều 15.

Công ước này được làm bằng tiếng Trung, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga và tiếng Tây Ban Nha, các bản có giá trị như nhau và sẽ được nộp lưu chiểu tại cơ quan lưu trữ của Ban thư ký Liên Hợp Quốc. Tổng thư ký sẽ chuẩn bị các bản sao có chứng thực của Công ước để gửi cho các quốc gia thành viên của Công ước này cũng như cho các quốc gia thành viên khác của LLiên Hợp Quốc và của các tổ chức chuyên môn của Liên Hợp Quốc.

Để làm bằng, những người ký dưới đây, được các chính phủ tương ứng trao quyền đầy đủ đã ký vào Công ước này vào ngày ghi đối diện với chữ ký của họ.

Làm tại Văn phòng châu Âu của Liên Hợp Quốc tại Giơ-ne-vơ, ngày 7/9/1956.

 

 

Drupal theme by Adaptivethemes - Design by Kodamera