Skip to main content

System Messages

You were not authenticated by the server. You may log in with your credentials below.

CÔNG ƯỚC VỀ NGĂN NGỪA VÀ TRỪNG TRỊ TỘI DIỆT CHỦNG

Phiên bản PDF

Tên ngắn

CÔNG ƯỚC 01

Ngày thông qua

09/12/1948

(Được thông qua và để ngỏ cho các nước ký, phê chuẩn hay gia nhập theo Nghị quyết số 260A (III) ngày 9/12/1948 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Có hiệu lực từ ngày 12/1/1951, căn cứ theo điều 13. Việt Nam gia nhập ngày  9/6/1981))

 Các bên ký kết,

Xét tuyên bố của Đại hội đồng Liên hợp quốc được thông qua theo Nghị quyết số 96 (I) ngày 11/12/1946 nêu rõ rằng, diệt chủng là một tội ác theo luật pháp quốc tế, đi ngược lại tinh thần và các mục tiêu của Liên hợp quốc và bị thế giới văn minh lên án;

Thừa nhận rằng, trong mọi giai đoạn của lịch sử, nạn diệt chủng đã gây ra những tổn thất nặng nề cho nhân loại;

Tin t­ëng rằng, để giải phóng nhân loại thoát khỏi tai họa ghê tởm này, cần phải có sự hợp tác quốc tế.

Nhất trí những điều khoản sau:

Điều 1.

Các bên ký kết khẳng định rằng, hành động diệt chủng, bất kể được thực hiện trong thời bình hay thời chiến, đều là tội ác theo luật pháp quốc tế mà các bên cam kết sẽ ngăn chặn và trừng trị.

Điều 2.

Trong Công ước này, diệt chủng có nghĩa là bất kỳ  hành vi nào, được thực hiện nhằm  cố ý tiêu diệt, toàn bộ hay một bộ phận, một nhóm dân tộc, chủng tộc, sắc tộc hay tôn giáo, ví dụ như các hành động nêu dưới đây:

a) Giết các thành viên của nhóm;

b) Gây tổn hại nghiêm trọng về thể xác hoặc tinh thần cho các thành viên của nhóm;

c) Cố ý bắt nhóm phải chịu các điều kiện sống dẫn đến hủy diệt về mặt thể chất của toàn bộ hoặc một bộ phận thành viên của nhóm;

d) Cố ý áp đặt những biện pháp nhằm ngăn chặn sự sinh đẻ trong nhóm;

e) Cưỡng bức chuyển giao trẻ em của nhóm sang một nhóm khác.

Điều 3.

Những hành vi sau đây phải bị trừng trị:

a) Diệt chủng;

b) Âm mưu phạm tội diệt chủng;

c) Trực tiếp và công khai kích động hành vi diệt chủng;

d) Cố tình phạm tội diệt chủng nhưng chưa đạt;

e) Đồng phạm tội diệt chủng.

Điều 4.

Những kẻ phạm tội diệt chủng hay bất kỳ hành vi nào khác được nêu ở  điều 3 phải bị trừng trị, bất kể họ là những lãnh đạo có trọng trách được bầu ra pháp luật, các quan chức hay dân thường.

Điều 5.

Các bên ký kết cam kết ban hành những quy định pháp luật cần thiết, phù hợp với Hiến pháp của nước mình, để thực hiện hiệu quả những quy định của Công ước này, và cụ thể, để đưa ra những hình phạt thích đáng đối với những kẻ phạm tội diệt chủng hay có bất kỳ hành vi nào khác được nêu ở điều 3.

Điều 6.

Những người bị cáo buộc phạm tội diệt chủng hay bất kỳ hành vi nào khác được nêu ở điều 3 sẽ được xét xử bởi một toà án có thẩm quyền của quốc gia mà trên lãnh thổ đã xảy ra hành vi phạm tội, hoặc bởi một toà án hình sự quốc tế có thẩm quyền đối với những  quốc gia ký kết nào đã chấp nhận thẩm quyền của toà án quốc tế đó.

Điều 7.

Diệt chủng và những hành vi khác nêu trong điều 3 sẽ không được coi là tội phạm chính trị với mục đích dẫn độ.

Các quốc gia ký kết cam kết cho phép dẫn độ phù hợp với pháp luật và các điều ước quốc tế đang có hiệu lực với họ trong những  trường hợp này.

 Điều 8.

Bất kỳ bên ký kết nào cũng có thể yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền của Liên hợp quốc có những hành động mà quốc gia đó cho là cần thiết, trên cơ sở Hiến chương Liên Hợp Quốc, để ngăn ngừa và trấn áp hành vi diệt chủng hay bất kỳ  hành vi khác được nêu tại điều 3.

Điều 9.

Tranh chấp giữa các bên ký kết liên quan tới việc giải thích, áp dụng hay thực hiện Công ước này, trong đó bao gồm những vấn đề liên quan tới trách nhiệm của một quốc gia về tội diệt chủng hay bất kỳ hành vi nào khác nêu ở điều 3, sẽ được đưa ra Toà án Công lý quốc tế giải quyết, theo yêu cầu của bất kỳ bên tranh chấp nào.

Điều 10.

Công ước này được làm bằng tiếng Trung, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga và tiếng Tây Ban Nha, các văn bản có giá trị như nhau, được làm ngày 9/12/1948.

Điều 11.

Công ước này sẽ được để ngỏ đến ngày 31/12/1949 cho bất kỳ Quốc gia thành viên nào của Liên hợp quốc và bất kỳ quốc gia nào không phải là thành viên Liên hợp quốc mà được Đại hội đồng Liên hợp quốc mời, ký kết.

Công ước này phải được phê chuẩn, văn kiện phê chuẩn sẽ được nộp lưu chiểu cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc.

Sau ngày 01/1/1950, Công ước này có thể được bất kỳ Quốc gia thành viên nào của Liên hợp quốc và bất kỳ quốc gia nào không phải là thành viên Liên hợp quốc được mời, như nói ở trên, gia nhập.

Các văn kiện gia nhập sẽ được nộp lưu chiểu cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc.

Điều 12.

Bất kỳ bên ký kết nào cũng có thể, vào bất kỳ lúc nào, bằng việc thông báo cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, mở rộng việc áp dụng Công ước này tới tất cả hay bất kỳ vùng lãnh thổ nào nhằm thực hiện quan hệ ngoại giao của vùng lãnh thổ đó mà bên ký kết chịu trách nhiệm.

Điều 13.

Vào ngày văn kiện phê chuẩn hay gia nhập thứ 20 được lưu chiểu, Tổng thư ký Liên hợp quốc sẽ ra thông báo xác nhận và chuyển bản sao thông báo tới các Quốc gia thành viên Liên hợp quốc và tới các quốc gia không phải là thành viên Liên hợp quốc được mời theo điều 11.

Công ước này sẽ có hiệu lực vào ngày thứ 90 sau ngày văn kiện phê chuẩn hay gia nhập thứ 20 được lưu chiểu.

Các văn kiện phê chuẩn hay gia nhập tiếp theo sẽ có hiệu lực vào ngày thứ 90 sau ngày lưu chiểu văn kiện phê chuẩn hay gia nhập đó.

Điều 14.

Công ước này sẽ duy trì hiệu lực trong 10 năm kể từ ngày Công ước có hiệu lực.

Sau đó Công ước sẽ tiếp tục có hiệu lực trong thời hạn theo từng năm năm một đối với các Bên ký kết không tuyên bố bãi ước chậm nhất 6 tháng trước khi hết mỗi thời hạn đó..

Việc bãi ước sẽ được thực hiện bằng cách gửi văn bản thông báo tới Tổng thư ký Liên Hợp Quốc.

Điều 15.

Nếu việc bãi ước khiến cho số lượng các Quốc gia thành viên Công ước này còn ít hơn 16 thành viên thì Công ước sẽ chấm dứt hiệu lực kể từ ngày tuyên bố bãi ước cuối cùng được chấp nhận.

Điều 16.

Quốc gia thành viên có thể yêu cầu xem xét lại Công ước vào bất kỳ lúc nào bằng cách gửi thông báo bằng văn bản cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc.

Đại hội đồng Liên hợp quốc sẽ quyết định các biện pháp cần tiến hành trong  trường hợp có đề nghị như trên.

Điều 17.

Tổng thư ký Liên hợp quốc sẽ thông báo cho tất cả Quốc gia thành viên Liên hợp quốc và các quốc gia không phải là thành viên Liên hợp quốc theo điều 11 những vấn đề sau:

a) Việc ký, phê chuẩn và gia nhập theo điều 11;

b) Các thông báo nhận được theo điều 12;

c) Ngày có hiệu lực của Công ước theo điều 13;

d) Tuyên bố bãi ước theo điều 14;

e) Việc hết hiệu lực của Công ước theo điều 15;

f) Các thông báo nhận được theo điều 16.

Điều 18.

Bản gốc của Công ước này sẽ được lưu chiểu tại cơ quan lưu trữ của Liên Hợp Quốc;

Bản sao có chứng thực của Công ước này sẽ được chuyển tới mỗi thành viên của Liên hợp quốc và tới mỗi thành viên không phải là Quốc gia thành viên của Liên hợp quốc theo điều 11.

Điều 19.

Công ước này sẽ được Tổng thư ký Liên hợp quốc đăng ký vào ngày Công ước có hiệu lực.

 

Drupal theme by Adaptivethemes - Design by Kodamera