- Trang chủ-Home
- Luật QT-International Law
- Điều ước - Treaties
- Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế (UDHR)
- Các công ước chính về nhân quyền - Basic Treaties on HR
- Các ngành luật khác - other law branches
- Điều ước Việt Nam tham gia - Treaties participated by Vietnam
- Bình luận / Khuyến nghị chung - General Comments/Recommendations
- Báo cáo - Reports
- Cơ chế & Thủ tục - Mechanism & Procedure
- Án lệ - Case law
- Điều ước - Treaties
- PL Việt Nam-Vietnam Law
- NC&GD-HR Researchs
- E-Learning
- Đào tạo-Education
- Đào tạo thạc sĩ - Master Degree
- Liên hệ-Contact
CÔNG ƯỚC VỀ TRẢ CÔNG BÌNH ĐẲNG GIỮA LAO ĐỘNG NAM VÀ LAO ĐỘNG NỮ CHO NHỮNG CÔNG VIỆC CÓ GIÁ TRỊ NGANG NHAU, 1951
Đăng bởi honeyquyen lúc T6, 10/21/2011 - 16:40
Tên tiếng Anh
Ngày thông qua
07/10/1997
Văn bản tiếng Việt
CÔNG ƯỚC VỀ TRẢ CÔNG BÌNH ĐẲNG GIỮA LAO ĐỘNG NAM VÀ LAO ĐỘNG NỮ CHO NHỮNG CÔNG VIỆC CÓ GIÁ TRỊ
NGANG NHAU, 1951
(Công ước số 100 của ILO. Việt Nam gia nhập ngày 7/10/1997).
Hội nghị toàn thể của Tổ chức Lao động quốc tế,
Được Hội đồng quản trị của Văn phòng Lao động quốc tế triệu tập tại
Geneva, và tiến hành kỳ họp thứ 34 ngày 6/6/1951,
Sau khi quyết định thông qua một số đề xuất về nguyên tắc trả công bình đẳng giữa lao động nam và lao động nữ cho những công việc có giá trị ngang nhau, là vấn đề thuộc điểm thứ bảy trong chương trình nghị sự kỳ họp,
Sau khi nhận định rằng những đề xuất này phải được thể hiện dưới hình thức một công ước quốc tế,
Thông qua vào ngày 29/6/1951 công ước dưới đây, gọi là Công ước về Trả công bình đẳng, 1951.
Điều 1.
Theo mục đích của công ước này:
1. “Trả công” bao gồm tiền lương hoặc tiền đãi ngộ bình thường, cơ bản hoặc tối thiểu, và mọi thù lao khác, được trả trực tiếp hay gián tiếp, bằng tiền mặt hoặc bằng hiện vật, do người sử dụng lao động trả cho người lao động và phát sinh từ việc làm của người này;
2. “Trả công bình đẳng giữa lao động nam và lao động nữ cho những công việc có giá trị ngang nhau” đề cập đến các mức trả công được ấn định trên cơ sở không phân biệt đối xử về giới tính.
Điều 2.
1. Mỗi Quốc gia thành viên, bằng những biện pháp thích hợp với các phương thức hiện hành trong việc ấn định mức trả công, phải khuyến khích, và trong chừng mực phù hợp với các phương thức đó, bảo đảm việc áp dụng nguyên tắc trả công bình đẳng giữa lao động nam và lao động nữ đối với những công việc có giá trị ngang nhau cho mọi người lao động.
2. Nguyên tắc này có thể được áp dụng thông qua:
a. Quy định pháp luật;
b. Cơ chế ấn định việc trả công đã được thiết lập, hoặc công nhận theo pháp luật;
c. Thỏa ước tập thể ký kết giữa người sử dụng lao động và người lao động;
d. Kết hợp các biện pháp nói trên.
Điều 3.
1. Phải tiến hành các biện pháp nhằm khuyến khích đánh giá việc làm một cách khách quan, căn cứ trên những công việc phải thực hiện trong việc làm đó, nếu những biện pháp đó có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng Công ước này.
2. Những phương thức cần áp dụng để tiến hành sự đánh giá nói trên có thể được quyết định bởi các nhà chức trách có thẩm quyền ấn định mức trả công, hoặc bởi các bên ký kết thỏa ước, nếu mức trả công được ấn định bằng thỏa ước tập thể.
3. Những mức trả công chênh lệch giữa những người lao động không xuất phát từ lý do giới tính, mà tương ứng với những khác biệt trong công việc phải làm đã được xác định bằng cách đánh giá khách quan nói trên sẽ không bị coi là trái với nguyên tắc trả công bình đẳng giữa lao động nam và lao động nữ cho những công việc có giá trị ngang nhau.
Điều 4.
Nếu thích hợp, Quốc gia thành viên hợp tác với các tổ chức hữu quan của người sử dụng lao động và của người lao động để thực hiện những quy định của Công ước này.
Điều 5.
Các quốc gia thông báo việc đăng ký phê chuẩn chính thức với Tổng Giám đốc Văn phòng Lao động quốc tế.
Điều 6.
1. Công ước này chỉ ràng buộc các Quốc gia thành viên Tổ chức Lao động quốc tế đã đăng ký phê chuẩn với Tổng Giám đốc Văn phòng Lao động quốc tế.
2. Công ước này sẽ có hiệu lực sau 12 tháng kể từ ngày có hai Quốc gia thành viên đăng ký phê chuẩn.
3. Sau đó, đối với bất kỳ Quốc gia thành viên nào đăng ký phê chuẩn với Tổng Giám đốc Văn phòng Lao động quốc tế, Công ước sẽ có hiệu lực sau 12 tháng kể từ thời điểm Quốc gia thành viên đó đăng ký phê chuẩn.
Điều 7.
1. Các tuyên bố được thông báo cho Tổng Giám đốc Văn phòng Lao động quốc tế theo khoản 2 Điều 35 Điều lệ của Tổ chức Lao động quốc tế phải nêu rõ:
a. Các lãnh thổ mà tại đó Quốc gia thành viên liên quan cam kết áp dụng các quy định của Công ước này không có bất kỳ thay đổi nào;
b. Các lãnh thổ mà tại đó Quốc gia thành viên liên quan cam kết áp dụng các quy định của Công ước này với những thay đổi, kèm theo nội dung chi tiết các thay đổi đó;
c. Các lãnh thổ mà tại đó Công ước này không thể được áp dụng và trong những trường hợp này, các lý do của việc không thể được áp dụng nói trên;
d. Các lãnh thổ mà tại đó Quốc gia thành viên giữ quyền quyết định cho tới khi có sự xem xét thêm về địa vị.
2. Các cam kết nêu trong mục (a) và (b) khoản 1 điều này là một phần không thể thiếu của việc phê chuẩn và sẽ có giá trị như tuyên bố phê chuẩn.
3. Bất kỳ Quốc gia thành viên nào, vào bất kỳ thời điểm nào cũng có thể hủy bỏ, toàn bộ hay từng phần bất kỳ bảo lưu nào được đưa ra trong tuyên bố ban đầu theo mục (b), (c) hoặc (d) khoản 1 điều này bằng một tuyên bố tiếp theo.
4. Bất kỳ Quốc gia thành viên nào, tại thời điểm rút khỏi Công ước theo quy định tại Điều 9, có thể gửi cho Tổng giám đốc một văn bản tuyên bố thay đổi các điều khoản trong bất kỳ tuyên bố nào trước đây và nêu quan điểm hiện tại về những vùng lãnh thổ đó.
Điều 8.
1. Các tuyên bố được thông báo cho Tổng giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế theo khoản 4 và 5 Điều 35 Điều lệ của Tổ chức Lao động quốc tế phải nêu rõ việc các quy định của Công ước sẽ được áp dụng ở lãnh thổ liên quan mà không có bất kỳ thay đổi nào hay sẽ được áp dụng với sự thay đổi; khi tuyên bố rằng các quy định của Công ước sẽ được áp dụng với sự thay đổi, Quốc gia thành viên phải nêu rõ nội dung chi tiết của những thay đổi đó.
2. Quốc gia thành viên, các Quốc gia thành viên hoặc cơ quan quyền lực quốc tế liên quan, tại bất kỳ thời điểm nào, cũng có thể rút toàn bộ hay từng phần quyền viện dẫn đến bất kỳ thay đổi nào được nêu trong bất kỳ tuyên bố nào trước đó, bằng một tuyên bố tiếp theo.
3. Quốc gia thành viên, các Quốc gia thành viên hoặc cơ quan quyền lực quốc tế, tại thời điểm rút khỏi Công ước theo quy định tại Điều 9, có thể gửi cho Tổng giám đốc một tuyên bố thay đổi các điều khoản trong bất kỳ tuyên bố nào trước đó và nêu quan điểm hiện tài về việc áp dụng Công ước.
Điều 9.
1. Mỗi Quốc gia thành viên đã phê chuẩn Công ước này có thể tuyên bố rút khỏi Công ước sau 10 năm kể từ thời điểm Công ước này bắt đầu có hiệu lực, bằng cách thông báo bằng văn bản cho Tổng Giám đốc Văn phòng Lao động quốc tế. Thông báo rút khỏi Công ước này chỉ có hiệu lực sau một năm kể từ ngày quốc gia đó đăng ký rút khỏi Công ước với Tổng giám đốc.
2. Trong vòng một năm sau khi kết thúc thời hạn 10 năm nói trong khoản trên mà một Quốc gia thành viên đã phê chuẩn Công ước này không thực hiện quyền rút khỏi Công ước đã quy định tại điều này, thì sẽ bị ràng buộc trong thời hạn 10 năm nữa rồi sau đó mới được rút khỏi Công ước mỗi khi kết thúc thời hạn 10 năm theo những quy định tại điều này.
Điều 10.
1. Tổng giám đốc Văn phòng Lao động quốc tế sẽ thông báo cho các Quốc gia thành viên của Tổ chức Lao động quốc tế biết mọi trường hợp đăng ký phê chuẩn và rút khỏi Công ước do các Quốc gia thành viên thông báo.
2. Khi thông báo cho các Quốc gia thành viên Tổ chức Lao động quốc tế về việc đăng ký phê chuẩn của Quốc gia thành viên thứ hai, Tổng Giám đốc sẽ lưu ý các Quốc gia thành viên về thời điểm Công ước có hiệu lực.
Điều 11.
Tổng Giám đốc Văn phòng Lao động quốc tế phải thông báo đầy đủ cho Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, nhằm mục đích lưu chiểu theo Điều 102 của Hiến chương Liên Hợp Quốc, về những chi tiết của tất cả văn kiện phê chuẩn và thông báo rút khỏi Công ước được đăng ký theo quy định của các điều khoản trên.
Điều 12.
Mỗi khi xét thấy cần thiết, Hội đồng Quản trị của Văn phòng Lao động quốc tế sẽ trình một báo cáo về tình hình thực hiện Công ước này lên Hội nghị toàn thể của tổ chức và sẽ xem xét có hay không cần đưa vào chương trình nghị sự của Hội nghị toàn thể vấn đề sửa đổi một phần hay toàn bộ Công ước này.
Điều 13.
1. Nếu Hội nghị toàn thể thông qua một công ước mới sửa đổi lại một phần hoặc toàn bộ Công ước này và nếu công ước mới không quy định khác thì:
a. Việc phê chuẩn của một Quốc gia thành viên với một Công ước mới sửa đổi Công ước này sẽ đương nhiên dẫn đến việc lập tức rút khỏi Công ước này mà không cần theo quy định tại Điều 11 trên đây, vào thời điểm Công ước sửa đổi bắt đầu có hiệu lực.
b. Kể từ thời điểm Công ước mới sửa đổi bắt đầu có hiệu lực, Công ước này sẽ không mở để các quốc gia phê chuẩn nữa.
2. Trong mọi trường hợp, Công ước này vẫn sẽ giữ nguyên hiệu lực về mặt hình thức và nội dung như hiện nay đối với những Quốc gia thành viên nào đã phê chuẩn Công ước này mà không phê chuẩn Công ước sửa đổi.
Điều 14.
Cả hai bản tiếng Anh và tiếng Pháp của Công ước này đều có giá trị như nhau.