Skip to main content

System Messages

You were not authenticated by the server. You may log in with your credentials below.

CÔNG ƯỚC VỀ CẤM VÀ HÀNH ĐỘNG NGAY ĐỂ XÓA BỎ NHỮNG HÌNH THỨC LAO ĐỘNG TRẺ EM TỒI TỆ NHẤT, 1999

Phiên bản PDF

Ngày thông qua

17/06/1999

 

CÔNG ƯỚC VỀ CẤM VÀ HÀNH ĐỘNG NGAY ĐỂ XÓA BỎ NHỮNG HÌNH THỨC LAO ĐỘNG TRẺ EM TỒI TỆ NHẤT, 1999

(Được Hội nghị toàn thể của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thông qua trong kỳ họp lần thứ 87, ngày 17/6/1999. Có hiệu lực từ ngày 19/11/2000, theo Điều 10. Việt Nam phê chuẩn ngày 19/12/2000).

Hội nghị toàn thể của Tổ chức Lao động quốc tế,

Do Hội đồng Quản trị của Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế triệu tập trong kỳ họp lần thứ 87, ngày 1/6/1999, tại Geneva.

Xem xét sự cần thiết phải thông qua những văn kiện mới nhằm cấm và xóa bỏ các hình thức lao động trẻ tồi tệ nhất, coi đó như là ưu tiên chính trong hành động ở cấp độ quốc gia và quốc tế, bao gồm hợp tác và trợ giúp quốc tế, để bổ sung Công ước và Khuyến nghị về tuổi tối thiểu được tuyển dụng vào làm công năm 1973 mà hiện vẫn là những văn kiện cơ bản về lao động trẻ em, và

Xét rằng, việc xóa bỏ có hiệu quả các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất đòi hỏi phải hành động ngay lập tức và toàn diện, có xem xét đến tầm quan trọng của giáo dục cơ bản, miễn phí, sự cần thiết phải giải phóng những trẻ em đang phải làm các công việc tồi tệ khỏi tất cả các công việc như vậy, phục hồi chức năng và hòa nhập xã hội cho các em, đồng thời đáp ứng các nhu cầu của gia đình các em, và

Nhắc lại Nghị quyết về xóa bỏ lao động trẻ em được Hội nghị Lao động quốc tế thông qua tại Kỳ họp thứ 83 năm 1996, và

Xét rằng, nguyên nhân chủ yếu của vấn đề lao động trẻ em là do nghèo đói và giải pháp lâu dài cho vấn đề nằm ở sự tăng trưởng kinh tế bền vững từ đó dẫn đến sự tiến bộ xã hội, đặc biệt trong các khía cạnh xóa đói giảm nghèo và phổ cập giáo dục, và

Nhắc lại Công ước về quyền trẻ em được Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 20/11/1989, và

Nhắc lại Tuyên bố của Tổ chức Lao động quốc tế về Các nguyên tắc và các Quyền cơ bản tại nơi làm việc, và những hoạt động triển khai tiếp theo được Hội nghị Lao động quốc tế thông qua tại kỳ họp thứ 86 năm 1998, và

Ghi nhớ rằng, một số hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất đã được điều chỉnh bởi một số văn kiện quốc tế khác, cụ thể là Công ước về lao động cưỡng bức năm 1930 và Công ước bổ sung của Liên Hợp Quốc về xóa bỏ chế độ nô lệ, việc buôn bán nô lệ và các thể thức, tập tục tương tự như nô lệ năm 1956.

Đã quyết định, dựa trên việc thông qua các đề xuất về lao động trẻ em trong nội dung thứ tư trong chương trình nghị sự của kỳ họp,

Đã quyết định rằng, những đề xuất này phải được thể hiện dưới dạng một công ước quốc tế;

Thông qua, vào ngày 17/6/1999 công ước sau đây, gọi là Công ước về cấm và hành động ngay để xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất.

Điều 1.

Mỗi quốc gia khi phê chuẩn công ước này phải tiến hành ngay những biện pháp hiệu quả, như là một vấn đề cấp bách, để bảo đảm việc cấm và xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất.

Điều 2.

Trong phạm vi Công ước này, thuật ngữ "trẻ em" được áp dụng để chỉ tất cả những người dưới 18 tuổi.

Điều 3.

Trong phạm vi Công ước này, thuật ngữ "các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất" bao gồm:

1. Mọi hình thức nô lệ hay các thực tiễn tương tự như nô lệ như bán và buôn bán trẻ em, dùng trẻ em để gán nợ và cầm cố, cưỡng bức và bắt buộc trẻ em lao động, bao gồm cả tuyển mộ cưỡng bức hay bắt buộc trẻ em để sử dụng trong xung đột vũ trang.

2. Sử dụng, dụ dỗ hoặc cung cấp trẻ em cho các hoạt động mại dâm, sản xuất văn hóa phẩm khiêu dâm hoặc biểu diễn khiêu dâm.

3. Sử dụng, dụ dỗ hoặc cung cấp trẻ em cho các hoạt động bất hợp pháp, cụ thể như việc sản xuất và buôn bán các loại ma túy mà đã được quy định trong điều ước quốc tế liên quan.

4. Sử dụng trẻ em vào những công việc có thể xâm hại sức khỏe, sự an toàn và đạo đức của các em, do tính chất và điều kiện thực hiện của những công việc đó.

Điều 4.

1. Những loại công việc nêu tại Điều 3 (d) phải do các quy định pháp luật hoặc do các cơ quan có thẩm quyền của quốc gia xác định, sau khi đã tham khảo ý kiến của các tổ chức của người sử dụng lao động và của người lao động có liên quan, cũng như tham khảo những tiêu chuẩn quốc tế có liên quan, đặc biệt là quy định trong các khoản 3 và 4 Khuyến nghị của ILO về các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, năm 1999.

2. Cơ quan có thẩm quyền, sau khi tham khảo ý kiến các tổ chức của người sử dụng lao động và người lao động có liên quan, phải xác định những nơi còn tồn tại những loại công việc đã quy định như trên.

3. Danh sách các loại công việc quy định tại khoản 1 Điều 4 phải được định kỳ xem xét và sửa đổi nếu cần thiết, trên cơ sở tham khảo ý kiến của các tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động có liên quan.

Điều 5.

Mỗi Quốc gia thành viên, sau khi tham khảo ý kiến các tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động, phải thành lập hay lựa chọn những cơ chế thích hợp để giám sát việc thực hiện các quy định của Công ước này.

Điều 6.

1. Mỗi Quốc gia thành viên phải xây dựng và thực hiện các chương trình hành động nhằm ưu tiên xóa bỏ những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất.

2. Những chương trình hành động như vậy phải được xây dựng và thực hiện trên cơ sở tham khảo ý kiến của các cơ quan thích hợp của chính phủ, các tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động, đồng thời phải lưu tâm đến quan điểm của các nhóm liên quan khác nếu cần thiết.

Điều 7.

1. Mỗi Quốc gia thành viên phải thi hành mọi biện pháp thích hợp để bảo đảm thực hiện hiệu quả những điều khoản nhằm bảo đảm hiệu lực của Công ước, trong đó có việc quy định và áp dụng chế tài hình sự hoặc các chế tài khác nếu thích hợp.

2. Trên cơ sở cân nhắc tầm quan trọng của giáo dục trong việc xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em, mỗi Quốc gia thành viên phải tiến hành các biện pháp hữu hiệu và theo hạn định để:

a. Ngăn chặn việc tuyển dụng trẻ em vào những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất.

b. Cung cấp những trợ giúp trực tiếp, thích hợp và cần thiết nhằm giải phóng trẻ em khỏi những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, và để phục hồi, tái hòa nhập các em vào xã hội.

c. Bảo đảm cho tất cả trẻ em được giải phóng khỏi các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất được tiếp cận với giáo dục cơ bản không mất tiền, và việc đào tạo nghề ở bất kỳ nơi nào có thể và cần thiết.

d. Xác định và quản lý được những trẻ em có nguy cơ cao.

e. Chú ý đến hoàn cảnh đặc biệt của những trẻ em gái.

3. Mỗi quốc gia thành viên phải chỉ định một cơ quan có thẩm quyền phụ trách việc thực hiện có hiệu quả các quy định của Công ước này.

Điều 8.

Các Quốc gia thành viên phải tiến hành những biện pháp thích hợp nhằm giúp đỡ nhau thực hiện các quy định của Công ước này, thông qua tăng cường hợp tác và / hoặc trợ giúp quốc tế, bao gồm việc hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội, các chương trình xóa đói nghèo và phổ cập giáo dục.

Điều 9.

Các quốc gia thông báo việc đăng ký phê chuẩn chính thức với Tổng Giám đốc Văn phòng Lao động quốc tế.

Điều 10.

1. Công ước này chỉ ràng buộc các Quốc gia thành viên Tổ chức Lao động quốc tế mà văn kiện xin phê chuẩn đã được đăng ký với Tổng giám đốc Văn phòng Lao động quốc tế.

2. Công ước này sẽ có hiệu lực sau 12 tháng kể từ ngày có hai quốc gia thành viên đăng ký phê chuẩn.

3. Sau đó, Công ước sẽ có hiệu lực sau 12 tháng với bất kỳ quốc gia thành viên nào đăng ký phê chuẩn với Tổng Giám đốc Văn phòng Lao động quốc tế, kể từ ngày văn kiện phê chuẩn của nước đó được đăng ký.

Điều 11.

1. Mỗi Quốc gia thành viên đã phê chuẩn Công ước này có thể tuyên bố rút khỏi Công ước sau 10 năm kể từ thời điểm Công ước này bắt đầu có hiệu lực, bằng cách thông báo bằng văn bản cho Tổng Giám đốc Văn phòng Lao động quốc tế. Thông báo rút khỏi Công ước chỉ có hiệu lực sau một năm kể từ ngày quốc gia đó đăng ký rút khỏi Công ước với Tổng giám đốc.

2. Trong vòng một năm sau khi kết thúc thời hạn 10 năm nêu trong khoản trên mà một Quốc gia thành viên đã phê chuẩn Công ước này không thực hiện quyền rút khỏi Công ước đã quy định tại điều này, thì sẽ bị ràng buộc trong thời hạn 10 năm nữa rồi sau đó mới được rút khỏi Công ước mỗi khi kết thúc thời hạn 10 năm theo những quy định tại điều này.

Điều 12.

1. Tổng giám đốc Văn phòng Lao động quốc tế sẽ thông báo cho các Quốc gia thành viên của Tổ chức Lao động quốc tế biết mọi trường hợp đăng ký phê chuẩn và rút khỏi Công ước do các Quốc gia thành viên thông báo.

2. Khi thông báo cho các Quốc gia thành viên Tổ chức Lao động quốc tế về việc đăng ký phê chuẩn của Quốc gia thành viên thứ hai, Tổng Giám đốc sẽ lưu ý các Quốc gia thành viên về thời điểm Công ước có hiệu lực.

Điều 13.

Tổng Giám đốc Văn phòng Lao động quốc tế phải thông báo đầy đủ cho Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, nhằm mục đích lưu chiểu theo Điều 102 của Hiến chương Liên Hợp Quốc, về những chi tiết của mọi văn kiện phê chuẩn và thông báo rút khỏi Công ước được đăng ký theo quy định của các điều khoản trên.

Điều 14.

Mỗi khi xét thấy cần thiết, Hội đồng Quản trị của Văn phòng Lao động quốc tế sẽ trình một báo cáo về tình hình thực hiện Công ước này lên Hội nghị toàn thể của tổ chức và sẽ xem xét có hay không cần đưa vấn đề sửa đổi một phần hay toàn bộ Công ước này vào chương trình nghị sự của Hội nghị toàn thể.

Điều 15.

1. Nếu Hội nghị toàn thể thông qua một công ước mới sửa đổi lại một phần hoặc toàn bộ Công ước này và nếu công ước mới không quy định khác thì:

a. Việc phê chuẩn của một Quốc gia thành viên với một Công ước mới sửa đổi Công ước này sẽ đương nhiên dẫn đến việc lập tức rút khỏi Công ước này mà không cần theo quy định tại Điều 11 trên đây, vào thời điểm Công ước sửa đổi bắt đầu có hiệu lực.

b. Kể từ thời điểm Công ước mới sửa đổi bắt đầu có hiệu lực, Công ước này sẽ không mở để các quốc gia phê chuẩn nữa.

2. Trong mọi trường hợp, Công ước này vẫn sẽ giữ nguyên hiệu lực về mặt hình thức và nội dung như hiện nay đối với những Quốc gia thành viên nào đã phê chuẩn Công ước này mà không phê chuẩn Công ước sửa đổi.

Điều 16.

Cả hai bản tiếng Anh và tiếng Pháp của Công ước này đều có giá trị như nhau.

 

Drupal theme by Adaptivethemes - Design by Kodamera