- Trang chủ-Home
- Luật QT-International Law
- Điều ước - Treaties
- Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế (UDHR)
- Các công ước chính về nhân quyền - Basic Treaties on HR
- Các ngành luật khác - other law branches
- Điều ước Việt Nam tham gia - Treaties participated by Vietnam
- Bình luận / Khuyến nghị chung - General Comments/Recommendations
- Báo cáo - Reports
- Cơ chế & Thủ tục - Mechanism & Procedure
- Án lệ - Case law
- Điều ước - Treaties
- PL Việt Nam-Vietnam Law
- NC&GD-HR Researchs
- E-Learning
- Đào tạo-Education
- Đào tạo thạc sĩ - Master Degree
- Liên hệ-Contact
CÁC HƯỚNG DẪN VỀ VAI TRÒ CỦA CÔNG TỐ VIÊN, 1990
Đăng bởi honeyquyen lúc T6, 10/21/2011 - 15:18
Tên tiếng Anh
Ngày thông qua
07/09/1990
Văn bản tiếng Việt
CÁC HƯỚNG DẪN VỀ VAI TRÒ
CỦA CÔNG TỐ VIÊN, 1990
(Được thông qua tại Hội nghị lần thứ tám về Phòng chống tội phạm và xử lý người phạm tội của Liên Hợp Quốc, họp tại Havana, Cuba, từ ngày 27/8 đến 7/9/1990).
Xét rằng, trong Hiến chương Liên Hợp Quốc, các dân tộc trên thế giới đã khẳng định quyết tâm xây dựng những điều kiện để duy trì công lý, và tuyên bố một trong những mục đích của họ là thực hiện hợp tác quốc tế trong việc thúc đẩy và khuyến khích sự tôn trọng các quyền và tự do cơ bản của con người, không phân biệt chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ hay tôn giáo,
Xét rằng, Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con người đã trang trọng ghi nhận nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật, quyền giả định vô tội, quyền được một tòa án độc lập và vô tư xét xử công bằng và công khai,
Xét rằng, thường xuyên vẫn có một khoảng cách giữa tầm nhìn làm cơ sở cho những nguyên tắc đó với tình hình thực tế,
Xét rằng, việc tổ chức và giữ gìn trật tự tư pháp ở mọi quốc gia cần được khuyến khích bởi các nguyên tắc đó và cần nỗ lực để biến các nguyên tắc này hoàn toàn thành hiện thực,
Xét rằng, công tố viên đóng vai trò chính yếu trong thực hành tư pháp và những quy tắc liên quan đến việc thực hiện các nhiệm vụ quan trọng của họ cần thúc đẩy họ tôn trọng và tuân thủ các nguyên tắc nêu trên, qua đó đóng góp xây dựng một nền tư pháp hình sự vô tư, công bằng và bảo vệ công dân một cách hiệu quả chống lại tội phạm,
Xét rằng, hết sức cần thiết bảo đảm rằng công tố viên có những bằng cấp chuyên môn cần có cho việc thực hiện các chức năng của họ qua những phương pháp tuyển chọn được cải tiến, việc đào tạo về pháp luật và chuyên môn, và thông qua việc cung cấp đầy đủ tất cả những phương tiện cần thiết để họ có thể thực hiện một cách phù hợp vai trò của mình trong việc chống tội phạm, đặc biệt dưới các hình thức và quy mô mới,
Xét rằng, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua Các quy ước đạo đức của các quan chức thi hành pháp luật theo Nghị quyết số 34/169 ngày 17/12/1979 và căn cứ vào Khuyến nghị của Hội nghị Liên Hợp Quốc về phòng chống tội phạm và xử lý người phạm tội lần thứ năm,
Xét rằng, trong Nghị quyết 16 của Hội nghị lần thứ 6 về phòng chống tội phạm và xử lý người phạm tội, Ủy ban phòng chống và kiểm soát tội phạm được đề nghị đưa việc góp ý các quy tắc liên quan đến tính độc lập của thẩm phán và việc lựa chọn, đào tạo chuyên môn, vị thế của thẩm phán và công tố viên thành những ưu tiên của Ủy ban,
Xét rằng, Hội nghị Liên Hợp Quốc lần thứ 7 về phòng chống tội phạm và xử lý người phạm tội đã thông qua Những nguyên tắc cơ bản về tính độc lập của tòa án, sau đó được Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua trong Nghị quyết số 40/32 ngày 29/1/1985 và Nghị quyết số 40/146 ngày 13/12/1985,
Xét rằng, Tuyên bố về các nguyên tắc cơ bản của công lý đối với những nạn nhân của tội phạm và lạm dụng quyền lực khuyến nghị các biện pháp cần được tiến hành ở các cấp độ quốc tế và quốc gia, nhằm tạo điều kiện tiếp cận công lý và xử lý công bằng, phục hồi, bồi thường và giúp đỡ cho các nạn nhân của hành động tội phạm,
Xét rằng, trong Nghị quyết 7 của Hội nghị lần thứ 7, Ủy ban phòng chống và kiểm soát tội phạm được đề nghị xem xét nhu cầu có những hướng dẫn liên quan đến một số vấn đề, trong đó có sự lựa chọn, đào tạo chuyên môn và vị thế của công tố viên, các nhiệm vụ, hành vi ứng xử được trông đợi ở họ, những điều kiện để nâng cao sự đóng góp của họ vào việc vận hành suôn sẻ hệ thống tư pháp hình sự và sự hợp tác của họ với cảnh sát, phạm vi thẩm quyền quyết định, vai trò của họ trong tố tụng hình sự và báo cáo cho các Hội nghị Liên Hợp Quốc trong tương lai,
Hướng dẫn dưới đây được đề ra để hỗ trợ cho các Quốc gia thành viên trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm và thúc đẩy tính hiệu quả, vô tư và công bằng của công tố viên trong tố tụng hình sự, cần phải được các chính phủ tôn trọng và xem xét trong khuôn khổ của pháp luật và thực tiễn quốc gia, và cũng cần được thông báo tới các công tố viên, cũng như những người khác như: thẩm phán, luật sư, các thành viên ngành hành pháp, lập pháp và công chúng nói chung. Những hướng dẫn này được đề ra chủ yếu cho các công tố viên nhà nước, song cũng được áp dụng một cách bình đẳng - khi thích hợp - cho công tố viên được chỉ định trên cơ sở đặc biệt.
TIÊU CHUẨN, LỰA CHỌN VÀ ĐÀO TẠO
1. Những người được lựa chọn làm công tố viên phải là những cá nhân liêm khiết và có khả năng, được đào tạo và có bằng cấp thích hợp.
2. Các quốc gia phải bảo đảm rằng:
a. Các tiêu chuẩn lựa chọn công tố viên bao gồm những bảo đảm chống việc bổ nhiệm dựa trên thiên vị hay thành kiến, loại trừ bất kỳ sự phân biệt đối xử nào dựa trên chủng tộc, màu da, giới tính, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hay ý kiến khác, dựa trên nguồn gốc quốc gia, xã hội hay chủng tộc, tài sản, thành phần xuất thân, địa vị kinh tế hay các địa vị khác, ngoài trừ yêu cầu một ứng cử viên cho cơ quan công tố phải là một công dân của quốc gia có liên quan không bị coi là có tính chất phân biệt đối xử;
b. Công tố viên phải có học vấn và được đào tạo thích hợp, cần được ý thức về những lý tưởng và đạo đức nghề nghiệp, về trách nhiệm đạo đức nghề nghiệp, nhiệm vụ bảo vệ quyền của người bị tình nghi và của nạn nhân theo Hiến pháp và pháp luật, những quyền và tự do cơ bản của con người được pháp luật quốc gia và quốc tế thừa nhận.
VỊ THẾ VÀ NHỮNG ĐIỀU KIỆN PHỤC VỤ
3. Với tư cách là yếu tố quan trọng trong trật tự tư pháp, công tố viên phải duy trì danh dự, phẩm giá nghề nghiệp của mình vào mọi lúc.
4. Các quốc gia phải bảo đảm cho công tố viên có thể thực hiện được chức năng chuyên môn của mình mà không bị đe dọa, ngăn cản, quấy rầy, can thiệp trái phép hay phải chịu trách nhiệm một cách vô lý về dân sự, hình sự hay các trách nhiệm khác.
5. Công tố viên và gia đình họ phải được các cơ quan chức năng bảo vệ về thân thể khi sự an toàn cá nhân của họ bị đe dọa do thực hiện các chức năng công tố.
6. Những điều kiện làm việc hợp lý cho công tố viên, thù lao đầy đủ, và khi có thể áp dụng, tiền công, tiền hưu và tuổi hưu cần được quy định bằng pháp luật hay các quy định, quy chế được công bố bằng văn bản.
7. Việc đề bạt công tố viên ở những nơi có chế độ như vậy phải dựa vào các yếu tố khách quan, đặc biệt là những tiêu chuẩn về chuyên môn, khả năng, tính liêm khiết, kinh nghiệm và được quyết định theo những thủ tục công bằng, vô tư.
TỰ DO BIỂU ĐẠT VÀ KẾT GIAO
8. Cũng như những công dân khác, công tố viên được hưởng quyền tự do biểu đạt, tự do tín ngưỡng, kết giao và hội họp. Đặc biệt, họ phải có quyền tham gia các cuộc thảo luận công khai có liên quan đến pháp luật, trật tự tư pháp, việc tăng cường và bảo vệ quyền con người và quyền gia nhập hay thành lập các tổ chức địa phương, quốc gia hay quốc tế, và tham dự những cuộc họp của các tổ chức ấy mà không phải chịu một sự bất lợi nào về nghề nghiệp vì hoạt động hợp pháp của họ hay vì họ là thành viên của một tổ chức hợp pháp. Trong việc thực hiện các quyền này, công tố viên phải luôn luôn xử sự theo pháp luật và những tiêu chuẩn, đạo đức nghề nghiệp đã được công nhận.
9. Công tố viên phải được tự do thành lập và tham gia các hiệp hội chuyên môn và những tổ chức khác đại diện cho quyền lợi của họ, thúc đẩy việc đào tạo chuyên môn và bảo vệ vị thế của họ.
VAI TRÒ TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ
10. Văn phòng công tố viên phải hoàn toàn tách khỏi chức năng xét xử.
11. Công tố viên phải thực hiện vai trò tích cực trong tố tụng hình sự, gồm cả chức năng công tố, và ở nơi nào được pháp luật cho phép hay phù hợp với thông lệ địa phương, trong điều tra tội phạm, giám sát tính hợp pháp của những cuộc điều tra đó, giám sát việc thi hành quyết định của tòa án và thực hiện các chức năng khác với tư cách đại diện cho quyền lợi của công chúng.
12. Công tố viên phải thực hiện nhiệm vụ của mình theo pháp luật một cách công bằng, nhất quán và khẩn trương, tôn trọng và bảo vệ nhân phẩm, đề cao quyền con người, qua đó góp phần bảo đảm đầy đủ các quyền của người tham gia tố tụng và sự hoạt động suôn sẻ của hệ thống tư pháp hình sự.
13. Trong khi thực hiện các nhiệm vụ của mình, công tố viên phải:
a. Tiến hành các chức năng của mình một cách vô tư và tránh mọi sự phân biệt đối xử về chính trị, xã hội, tôn giáo, chủng tộc, văn hóa, giới tính hay bất cứ sự phân biệt đối xử nào khác;
b. Bảo vệ quyền lợi của công chúng, hành động khách quan, xem xét đầy đủ ý kiến của người bị tình nghi và của nạn nhân, chú ý đến mọi tình huống có liên quan, bất kể những tình huống đó có lợi hay bất lợi cho người bị tình nghi;
c. Giữ bí mật về những vấn đề trong phạm vi nghề nghiệp trừ khi việc thi hành nhiệm vụ hay sự cần thiết thực hiện công lý yêu cầu khác.
d. Xem xét các quan điểm và mối quan tâm của nạn nhân khi lợi ích cá nhân của họ bị ảnh hưởng và bảo đảm rằng các nạn nhân được thông báo về những quyền của họ theo Tuyên bố về các nguyên tắc cơ bản của công lý đối với những nạn nhân của tội phạm và lạm dụng quyền lực.
14. Công tố viên không được khởi tố hay truy tố, hoặc phải có mọi nỗ lực để dừng các thủ tục tố tụng khi một cuộc điều tra không thiên vị đã chứng minh rằng lời buộc tội không có căn cứ.
15. Công tố viên phải quan tâm đúng mức đến việc truy tố các tội phạm do quan chức gây ra, đặc biệt là tội tham nhũng, lạm quyền, vi phạm nghiêm trọng các quyền con người và những tội phạm khác do pháp luật quốc tế công nhận, và đến việc điều tra những tội phạm như vậy ở những nơi được pháp luật cho phép hoặc phù hợp với thông lệ địa phương.
16. Khi công tố viên có được các chứng cớ chống lại những người bị tình nghi mà họ được biết hay tin tưởng dựa trên các cơ sở hợp lý là thu thập được thông qua những phương pháp bất hợp pháp, vi phạm nghiêm trọng quyền con người của người bị tình nghi, đặc biệt gồm việc tra tấn hay đối xử hoặc trừng phạt độc ác, vô nhân đạo hay hạ nhục hoặc những lạm dụng khác về quyền con người, họ phải từ chối sử dụng các chứng cớ như vậy chống lại bất cứ ai ngoại trừ những người đã sử dụng những phương pháp đó, hoặc phải thông báo với tòa án, và phải thực hiện tất cả các bước cần thiết nhằm bảo đảm đưa ra trước công lý những người chịu trách nhiệm về việc sử dụng các phương pháp như vậy.
NHỮNG CHỨC NĂNG TRONG THẨM QUYỀN QUYẾT ĐỊNH
17. Ở những quốc gia mà công tố viên được trao những chức năng có quyền tự quyết định, pháp luật hoặc những quy tắc hoặc quy định đã công bố phải có hướng dẫn để đề cao tính công bằng và phương pháp nhất quán trong việc ra quyết định trong quá trình truy tố, kể cả việc có truy tố hay không.
NHỮNG BIỆN PHÁP XỬ LÝ KHÔNG TRUY TỐ
18. Theo pháp luật quốc gia, công tố viên phải cân nhắc kỹ lưỡng khả năng không truy tố, đình chỉ quá trình tố tụng có điều kiện hay không có điều kiện, hay chuyển các vụ án hình sự ra khỏi hệ thống tư pháp chính thức với sự tôn trọng đầy đủ những quyền của (những) người bị tình nghi và (những) nạn nhân. Vì mục đích này, các quốc gia cần thăm dò đầy đủ khả năng thông qua các kế hoạch xử lý theo hướng khác, không chỉ để làm giảm khối lượng công việc quá tải của tòa án mà còn để tránh ảnh hưởng tiêu cực của việc giam giữ trước khi xét xử, buộc tội và tuyên án cũng như những tác dụng xấu có thể có của việc tù giam.
19. Ở những quốc gia mà công tố viên có chức năng được quyền quyết định có truy tố hay không truy tố một người chưa thành niên thì công tố viên phải đặc biệt xem xét tính chất và mức độ nghiêm trọng của tội phạm, việc bảo vệ xã hội, nhân cách và thành phần xuất thân của người chưa thành niên. Khi quyết định như vậy, công tố viên phải đặc biệt xem xét, những biện pháp xử lý không truy tố theo các văn bản pháp luật và thủ tục tố tụng áp dụng với người chưa thành niên. Chỉ khi tuyệt đối cần thiết thì công tố viên mới cần cố hết sức để thực hiện việc truy tố người chưa thành niên.
QUAN HỆ VỚI CÁC CƠ QUAN CHÍNH PHỦ
20. Nhằm bảo đảm tính công bằng và hiệu quả của quyền công tố, công tố viên phải cố gắng hợp tác với cảnh sát, tòa án, ngành tư pháp, người bào chữa công và các cơ quan chính phủ hay những tổ chức khác.
CÁC THỦ TỤC KỶ LUẬT
21. Những kỷ luật đối với công tố viên phải dựa trên pháp luật hay các quy định mang tính pháp luật. Những khiếu nại đối với công tố viên như không theo các tiêu chuẩn nghề nghiệp cần phải được xem xét nhanh chóng và công bằng theo những thủ tục thích hợp. Công tố viên có quyền được phân xử công bằng. Quyết định này phải được xem xét lại một cách độc lập.
22. Thủ tục kỷ luật đối với công tố viên cần bảo đảm đánh giá và quyết định khách quan. Những thủ tục này cần phải được tiến hành theo pháp luật, những quy ước về đạo đức nghề nghiệp và những tiêu chuẩn, đạo đức khác, phù hợp với những Hướng dẫn này.
VIỆC TUÂN THỦ CÁC HƯỚNG DẪN NÀY
23. Công tố viên phải tôn trọng những hướng dẫn này. Công tố viên phải cố gắng hết sức để ngăn chặn và tích cực chống lại bất cứ các vi phạm nào đối với những hướng dẫn này.
24. Những công tố viên tin rằng đã có hay sắp xảy ra một sự vi phạm đối với những Hướng dẫn này phải báo cáo vấn đề cho cơ quan công tố cấp cao hơn, và khi cần thiết, cho những cơ quan hay bộ phận khác có quyền xem xét lại hay khắc phục.