Skip to main content

CÁC QUY TẮC CHUẨN, TỐI THIỂU CỦA LIÊN HỢP QUỐC VỀ NHỮNG BIỆN PHÁP KHÔNG GIAM GIỮ (CÁC QUY TẮC TOKYO), 1990

Phiên bản PDF

Ngày thông qua

14/12/1990

 

CÁC QUY TẮC CHUẨN, TỐI THIỂU CỦA LIÊN HỢP QUỐC VỀ NHỮNG BIỆN PHÁP KHÔNG GIAM GIỮ (CÁC QUY TẮC TOKYO), 1990

(Được Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua bằng Nghị quyết 45/110 ngày 14/12/1990).

I. NHỮNG NGUYÊN TẮC CHUNG

1. Mục đích cơ bản

1.1. Các Quy tắc chuẩn, tối thiểu này đưa ra một tập hợp các nguyên tắc cơ bản nhằm thúc đẩy việc sử dụng các biện pháp không giam giữ, cũng như các biện pháp bảo vệ tối thiểu đối với những người là đối tượng của các hình thức xử lý khác ngoài hình thức giam cầm.

1.2. Các Quy tắc này nhằm khuyến khích sự tham gia rộng rãi hơn nữa của cộng đồng vào hoạt động tư pháp hình sự, đặc biệt trong việc đối xử với người phạm tội, cũng như nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của những người phạm tội đối với xã hội.

1.3. Khi thực hiện các Quy tắc này, cần tính đến các điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa của từng quốc gia cũng như mục đích và mục tiêu của hệ thống tư pháp hình sự của quốc gia đó.

1.4. Khi thực hiện các Quy tắc này, các Quốc gia thành viên phải cố gắng đảm bảo một sự cân bằng hợp lý giữa các quyền của cá nhân người phạm tội, quyền của các nạn nhân và sự quan ngại của xã hội đối với an ninh công cộng và việc phòng ngừa tội phạm.

1.5. Các Quốc gia thành viên phải xây dựng những biện pháp không giam giữ trong hệ thống pháp luật của nước mình nhằm đưa ra các cách lựa chọn khác, từ đó giảm sử dụng biện pháp cầm tù và nhằm tạo cơ sở hợp lý cho những chính sách tư pháp hình sự, thông qua việc giám sát các quyền con người, các yêu cầu công bằng xã hội cũng như nhu cầu phục hồi của người phạm tội.

2. Phạm vi áp dụng các biện pháp không giam giữ

2.1. Những điều khoản liên quan của các Quy tắc này được áp dụng cho tất cả những người bị truy tố, xét xử hay thi hành án, trong tất cả các giai đoạn của hoạt động tư pháp hình sự. Theo mục đích của các Quy tắc này, những người này được gọi là “người phạm tội”, dù cho những người đó bị tình nghi, bị buộc tội hay bị kết án.

2.2. Các Quy tắc này được áp dụng trên cơ sở không có sự phân biệt về chủng tộc, màu da, giới tính, tuổi tác, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hay các quan điểm khác, nguồn gốc xã hội hay dân tộc, tài sản, thành phần xuất thân hay địa vị khác.

2.3. Để tăng mức độ linh hoạt phù hợp với tính chất và mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội, phù hợp với tính cách và xuất thân của người phạm tội, cũng như phù hợp với sự bảo vệ của xã hội, và để tránh sử dụng biện pháp cầm tù không cần thiết, hệ thống tư pháp hình sự cần đưa ra nhiều biện pháp không giam giữ, từ giai đoạn trước khi xét xử đến giai đoạn sau khi tuyên án. Cần phải xác định số lượng và loại hình các biện pháp không giam giữ có thể được áp dụng sao cho việc kết án vẫn tiến hành một cách hợp lý.

2.4. Cần phải khuyến khích và theo dõi chặt chẽ việc ban hành các biện pháp không giam giữ mới và đánh giá một cách có hệ thống việc sử dụng những biện pháp này.

2.5. Cần xem xét việc xử lý những người phạm tội trong cộng đồng, tránh đến mức tối đa việc sử dụng những thủ tục tố tụng hay xét xử chính thức tại một tòa án phù hợp với các biện pháp bảo vệ pháp lý và pháp quyền.

2.6. Cần sử dụng những biện pháp không giam giữ phù hợp với nguyên tắc can thiệp tối thiểu.

2.7. Việc sử dụng những biện pháp không giam giữ phải là một phần của tiến trình hướng tới bãi bỏ hình phạt và loại bỏ hành vi đó ra khỏi số hành vi phạm tội, thay vì can thiệp hay làm trì hoãn những nỗ lực theo hướng đó.

3. Những biện pháp bảo vệ pháp lý

3.1. Việc giới thiệu, định nghĩa và áp dụng những biện pháp không giam giữ phải do pháp luật quy định.

3.2. Việc lựa chọn một biện pháp không giam giữ phải dựa trên sự đánh giá theo những tiêu chuẩn đã được quy định liên quan đến tính chất và mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội, tính cách, xuất thân của người phạm tội, mục đích của bản án và các quyền của nạn nhân.

3.3. Quyền quyết định của tòa hay một cơ quan độc lập có thẩm quyền khác được thực hiện ở tất cả các giai đoạn tố tụng trên cơ sở chịu trách nhiệm hoàn toàn và chỉ theo đúng quy định của pháp luật.

3.4. Những biện pháp không giam giữ trong đó quy định một nghĩa vụ mà người phạm tội phải thực hiện và được áp dụng trước khi tiến hành các thủ tục tố tụng hoặc xét xử chính thức hoặc để thay thế các thủ tục này thì phải được sự đồng ý của người phạm tội.

3.5. Tòa án hay một cơ quan độc lập có thẩm quyền khác phải xem xét lại các quyết định áp dụng biện pháp không giam giữ khi có đơn yêu cầu của người phạm tội.

3.6. Người phạm tội có quyền đề nghị hoặc khiếu nại lên tòa án hay cơ quan độc lập có thẩm quyền về những vấn đề ảnh hưởng đến các quyền cá nhân của mình trong việc thực hiện các biện pháp không giam giữ.

3.7. Cần phải có cơ chế phù hợp để thực hiện quyền đòi bồi hoàn và nếu có thể, bồi thường cho những khiếu kiện liên quan đến việc không bảo đảm các quyền con người đã được quốc tế công nhận.

3.8. Những biện pháp không giam giữ không bao gồm các thí nghiệm y học hay tâm lý đối với người phạm tội, cũng như những biện pháp có nguy cơ gây tổn thương về tâm lý và thể chất đối với họ.

3.9. Phẩm giá của người phạm tội chịu các biện pháp không giam giữ phải luôn được bảo vệ.

3.10. Khi thực các biện pháp không giam giữ, các quyền của người phạm tội không bị hạn chế hơn những gì đã được quy định trong phán quyết ban đầu của cơ quan có thẩm quyền.

3.11. Khi áp dụng các biện pháp không giam giữ, quyền bất khả xâm phạm đời sống riêng tư của người phạm tội cũng như của gia đình người phạm tội phải được tôn trọng.

3.12. Hồ sơ cá nhân của người phạm tội phải được giữ bí mật hoàn toàn và giữ kín đối với các bên thứ ba. Khả năng tiếp cận những hồ sơ này chỉ được giới hạn trong số những người trực tiếp liên quan đến việc xử lý vụ án hoặc những người có thẩm quyền khác.

4. Điều khoản bảo lưu

4.1. Không một quy định nào trong các Quy tắc này được xem là cản trở việc áp dụng Các quy tắc chuẩn, tối thiểu về đối xử với tù nhân; Các quy tắc chuẩn, tối thiểu của Liên Hợp Quốc về thi hành công lý đối với các vụ án của người vị thành niên; Tập hợp các nguyên tắc về bảo vệ tất cả những người bị giam hay bị cầm tù dưới bất kỳ hình thức nào; hoặc bất cứ các văn bản pháp lý và tiêu chuẩn về quyền con người được cộng đồng quốc tế công nhận, liên quan đến việc đối xử với những người phạm tội và bảo vệ các quyền con người cơ bản của họ.

II. GIAI ĐOẠN TIỀN XÉT XỬ

5. Biện pháp tiền xét xử

5.1. Nếu thấy thích đáng và phù hợp với hệ thống pháp luật, cảnh sát, cơ quan công tố hay những cơ quan khác tham gia xử lý những vụ án hình sự cần được trao quyền tha miễn cho người phạm tội nếu xét thấy không cần thiết khởi tố vụ án để bảo vệ xã hội, phòng ngừa tội phạm hoặc tăng cường sự tôn trọng luật pháp và các quyền của nạn nhân. Để quyết định nên tha miễn hay tiếp tục khởi tố vụ án, cần xây dựng một tập hợp các tiêu chuẩn được mọi người công nhận trong mỗi hệ thống pháp luật. Đối với các vụ án nhỏ, công tố viên có thể áp dụng các biện pháp không giam giữ thích hợp nếu xét thấy thỏa đáng.

6. Tránh giam giữ tiền xét xử

6.1. Giam giữ trước khi xét xử được sử dụng như phương án cuối cùng trong quá trình tố tụng hình sự, khi xét thấy cần thiết cho việc điều tra hành vi bị coi là phạm tội và cần thiết để bảo vệ xã hội và các nạn nhân.

6.2. Những biện pháp khác ngoài biện pháp giam giữ trước khi xét xử phải được áp dụng càng sớm càng tốt. Thời gian giam giữ trước khi xét xử không được lâu hơn thời gian cần thiết để đạt được những mục tiêu nêu trong quy tắc 5.1 và phải được tiến hành một cách nhân đạo, tôn trọng nhân phẩm vốn có của con người.

6.3. Người phạm tội có quyền kháng án lên tòa án hoặc một cơ quan độc lập có thẩm quyền khác trong các trường hợp biện pháp giam giữ trước khi xét xử được áp dụng.

III. GIAI ĐOẠN XÉT XỬ VÀ TUYÊN ÁN

7. Các báo cáo điều tra xã hội

7.1. Trong trường hợp có thể làm các báo cáo điều tra xã hội, cơ quan xét xử có thể sử dụng báo cáo do một quan chức hay cơ quan thích hợp được ủy quyền chuẩn bị. Bản báo cáo phải chứa đựng các thông tin xã hội về người phạm tội liên quan đến cách thức phạm tội và những hành vi phạm tội hiện thời. Báo cáo còn phải chứa đựng những thông tin và khuyến nghị liên quan đến thủ tục kết án. Báo cáo phải nêu lên sự thật, khách quan và vô tư, trong đó có nêu rõ ý kiến nhận xét.

8. Xác định hình phát

8.1. Với toàn quyền sử dụng một loạt các biện pháp không giam giữ, cơ quan xét xử khi ra quyết định cần tính đến các nhu cầu phục hồi của người phạm tội, bảo vệ xã hội và các lợi ích của nạn nhân – những người cần được tham khảo ý kiến khi thích hợp.

8.2. Cơ quan xét xử có thể tuyên án theo các cách sau:

a. Sử dụng hình phạt nhắc nhở, khiển trách và cảnh cáo;

b. Trả tự do có điều kiện;

c. Các hình phạt về nhân thân;

d. Trừng phạt kinh tế và các hình phạt tiền và phạt tiền có thời hạn[HTC1] ;.

e. Ra lệnh tịch thu hoặc sung công;

f. Ra lệnh bồi thường cho nạn nhân hoặc đền bù thiệt hại;.

g. Hoãn thi hành án;

h. Quản chế và giám sát tư pháp.

i. Ra lệnh lao động công ích;

j. Chuyển cho trung tâm quản giáo;

k. Quản thúc tại gia;

l. Các hình thức xử lý không cách ly khác;

m. Kết hợp các biện pháp liệt kê ở trên.

IV. GIAI ĐOẠN SAU KHI TUYÊN ÁN

9. Biện pháp sau khi tuyên án

9.1. Cơ quan có thẩm quyền phải có hàng loạt các biện pháp sau tuyên án để tránh việc giam giữ và để giúp đỡ người phạm tội trong giai đoạn đầu tái hòa nhập với xã hội.

9.2. Những biện pháp có thể được áp dụng sau khi tuyên án gồm:

a. Cho tạm vắng và lưu tại nhà nghỉ cho tù nhân

b. Cho tự do trong thời gian lao động hoặc học tập;

c. Các hình thức phóng thích trước thời hạn;

d. Giảm hạn tù;

e. Ân xá.

9.3. Quyết định áp dụng các biện pháp sau khi tuyên án, ngoại trừ trường hợp ân xá, phải được tòa án hoặc một cơ quan độc lập có thẩm quyền khác xem xét lại khi có yêu cầu của người phạm tội.

9.4. Bất cứ một hình thức trả tự do nào từ hình thức giam giữ chuyển sang không giam giữ, phải được xem xét vào giai đoạn sớm nhất có thể.

V. THỰC HIỆN CÁC BIỆN PHÁP KHÔNG GIAM GIỮ

10. Giám sát

10.1. Mục đích của việc giám sát là nhằm giảm khả năng tái phạm và giúp đỡ người phạm tội hòa nhập vào xã hội theo cách giảm thiểu khả năng phạm tội trở lại.

10.2. Nếu một biện pháp không giam giữ đòi hỏi phải có sự giám sát thì việc giám sát này phải do một cơ quan có thẩm quyền thực hiện theo các điều kiện cụ thể do pháp luật quy định.

10.3. Trong khuôn khổ một biện pháp không giam giữ cụ thể, cần xác định loại hình giám sát và xử lý phù hợp nhất cho từng trường hợp nhằm giúp đỡ người phạm tội nhìn nhận lại hành vi phạm tội của mình. Sự giám sát và xử lý cần được xem xét định kỳ và điều chỉnh khi cần thiết.

10.4. Khi cần thiết, phải hỗ trợ về các mặt tâm lý, xã hội và vật chất cho người phạm tội nhằm tạo cơ hội để họ củng cố các mối liên hệ với cộng đồng đồng thời tạo điều kiện để họ tái hòa nhập xã hội.

11. Thời hạn

11.1. Thời hạn áp dụng một biện pháp không giam giữ không được vượt quá thời hạn đã được xác định bởi cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

11.2. Cần quy định về việc chấm dứt thực hiện hình phạt trước thời hạn trong trường hợp người phạm tội chấp hành tốt hình phạt.

12. Các điều kiện

12.1. Trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền xác định các điều kiện mà người phạm tội phải tuân thủ, thì cần phải tính đến cả những nhu cầu của xã hội, các nhu cầu và quyền của người phạm tội và nạn nhân.

12.2. Những điều kiện cần tuân thủ phải thiết thực, chính xác và càng ít càng tốt, và được đưa ra với mục đích giảm khả năng người phạm tội có hành vi tái phạm, tạo thêm cơ hội cho họ hòa nhập xã hội, đồng thời phải tính đến những nhu cầu của nạn nhân.

12.3. Khi bắt đầu áp dụng biện pháp không giam giữ, người phạm tội phải được giải thích bằng miệng và bằng văn bản về các điều kiện chi phối việc áp dụng hình phạt, trong đó có nêu rõ nhiệm vụ và quyền của người phạm tội.

12.4. Cơ quan có thẩm quyền có thể sửa đổi những điều kiện theo các điều khoản do pháp luật quy định, phù hợp với sự tiến bộ của người phạm tội.

13. Quá trình cải tạo tội phạm

13.1. Trong khuổn khổ một biện pháp không giam giữ cụ thể, nếu thấy phù hợp, có thể thực hiện nhiều phương thức khác nhau, như nghiên cứu theo nhóm đối tượng, tiến hành trị liệu theo nhóm, tổ chức các chương trình ở nơi cư trú, và xây dựng những biện pháp cải tạo riêng biệt dành cho từng nhóm tội phạm khác nhau để đáp ứng hiệu quả hơn những nhu cầu của người phạm tội.

13.2. Việc cải tạo tội phạm cần phải được thực hiện bởi những người có chuyên môn tiến hành - những người được đào tạo thích hợp và có kinh nghiệm thực tế.

13.3.Khi xét thấy việc cải tạo tội phạm là cần thiết, phải cố gắng tìm hiểu xuất thân, cá tính, năng khiếu, trí tuệ, các giá trị của người phạm tội, và đặc biệt là những hoàn cảnh dẫn đến hành vi phạm tội.

13.4. Cơ quan có thẩm quyền có thể huy động sự tham gia của cộng đồng và các hệ thống hỗ trợ xã hội vào quá trình thực hiện các biện pháp không giam giữ.

13.5. Việc phân công một cán bộ phụ trách một nhóm tội phạm cần được duy trì nếu cách làm này có tính thiết thực, ở một mức độ có thể quản lý được, nhằm bảo đảm cho các chương trình cải tạo được thực hiện một cách hiệu quả.

13.6. Cơ quan có thẩm quyền cần xây dựng và duy trì hồ sơ cá nhân của từng tội phạm.

14. Kỷ luật và hành vi vi phạm các điều kiện quy định

14.1. Một hành vi vi phạm các điều kiện quy định của người phạm tội có thể dẫn đến việc sửa đổi hay hủy bỏ việc áp dụng biện pháp không giam giữ.

14.2. Việc sửa đổi hay hủy bỏ việc áp dụng biện pháp không giam giữ phải do cơ quan có thẩm quyền thực hiện. Việc này chỉ được tiến hành sau khi đã xem xét kỹ các tình tiết mà cán bộ giám sát và người phạm tội viện dẫn.

14.3. Việc một biện pháp không giam giữ không thực hiện được không mặc nhiên dẫn đến việc áp dụng biện pháp giam giữ.

14.4. Trong trường hợp sửa đổi hay hủy bỏ biện pháp không giam giữ, cơ quan có thẩm quyền phải cố gắng đề ra một biện pháp không giam giữ thay thế phù hợp. Việc giam giữ chỉ có thể được áp dụng khi không có những phương án thay thế thích hợp khác.

14.5.Quyền bắt và giam giữ một người phạm tội đang trong giai đoạn bị quản giáo khi người đó vi phạm các điều kiện đặt ra phải được pháp luật quy định.

14.6. Khi có sự sửa đổi hay hủy bỏ biện pháp không giam giữ, người phạm tội phải có quyền kháng án lên tòa án hoặc một cơ quan độc lập có thẩm quyền khác.

VI. ĐỘI NGŨ CÁN BỘ

15. Tuyển chọn

15.1. Không có sự phân biệt đối xử trong việc tuyển chọn cán bộ, nhân viên trên cơ sở chủng tộc, màu da, giới tính, tuổi, ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hay các quan điểm về các lĩnh vực, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội, tài sản, thành phần xuất thân hay địa vị khác. Chính sách về tuyển chọn cán bộ, nhân viên cần phải phù hợp với các chính sách quốc gia và phản ánh tính đa dạng của những người phạm tội cần phải giám sát.

15.2. Những người được chỉ định áp dụng các biện pháp không giam giữ phải là những người có tư chất phù hợp, và nếu có thể, được đào tạo đầy đủ về chuyên môn và có kinh nghiệm thực tế. Những tiêu chuẩn này phải được quy định một cách cụ thể.

15.3. Để tìm và giữ được các cán bộ, nhân viên có chuyên môn tốt, cần phải bảo đảm quy chế làm việc thích hợp, lương đầy đủ, các quyền lợi tương xứng với tính chất của công việc và tạo ra các cơ hội để nâng cao trình độ chuyên môn và phát triển nghề nghiệp.

16. Đào tạo cán bộ, nhân viên

16.1. Mục đích đào tạo là phải làm cho cán bộ, nhân viên nhận thức rõ trách nhiệm của họ đối với việc cải tạo người phạm tội, bảo đảm các quyền của người phạm tội và bảo vệ xã hội. Đồng thời, trong quá trình đào tạo, cần làm cho cán bộ nhân viên hiểu được sự cần thiết phải hợp tác và phối hợp các hoạt động với các cơ quan liên quan.

16.2. Trước khi vào làm việc, cán bộ, nhân viên phải được đào tạo về các nội dung gồm bản chất của những biện pháp không giam giữ, các mục đích giám sát và những phương thức áp dụng các biện pháp không giam giữ khác nhau.

16.3. Sau khi vào làm việc, cán bộ, nhân viên phải duy trì và nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn thông qua việc tham dự dự các khóa đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ. Phải bảo đảm đầy đủ các điều kiện để thực hiện được mục đích này.

VII. CÁC TÌNH NGUYỆN VIÊN
VÀ CÁC NGUỒN LỰC KHÁC TRONG CỘNG ĐỒNG

17. Sự tham gia của công chúng

17.1. Cần khuyến khích sự tham gia của công chúng vì đó là nguồn lực chủ yếu và là một trong những yếu tố quan trọng nhất để cải thiện mối quan hệ giữa người phạm tội đang phải chịu các biện pháp không giam giữ với gia đình và cộng đồng. Sự tham gia của công chúng sẽ hỗ trợ cho việc thi hành hoạt động tư pháp hình sự.

17.2. Sự tham gia của công chúng cần phải được xem như một cơ hội để các thành viên của cộng đồng góp phần bảo vệ xã hội.

18. Sự hiểu biết và hợp tác của công chúng

18.1. Cần phải khuyến khích các cơ quan của chính phủ, khu vực tư nhân và quảng đại quần chúng hỗ trợ các tổ chức tình nguyện trong việc đẩy mạnh áp dụng các biện pháp không giam giữ.

18.2. Cần phải tổ chức thường xuyên các hội nghị, hội thảo, và những hoạt động khác để nâng cao nhận thức của công chúng về sự cần thiết phải tham gia vào việc áp dụng các biện pháp không giam giữ.

18.3. Cần phải sử dụng tất cả các phương tiện thông tin đại chúng để giúp hình thành quan điểm có tính xây dựng trong công chúng, từ đó dẫn đến các hoạt động có ích, tạo điều kiện áp dụng rộng rãi hơn biện pháp cải tạo không giam giữ và giúp người phạm tội hòa nhập xã hội.

18.4. Cần phải nỗ lực bằng mọi cách thông báo cho công chúng về tầm quan trọng và vai trò của quần chúng trong việc thực hiện các biện pháp không giam giữ.

19. Các tình nguyện viên

19.1. Cần sàng lọc và tuyển chọn các tình nguyện viên trên cơ sở khả năng và mối quan tâm của họ đối với công việc. Các tình nguyện viên phải được đào tạo phù hợp để thực hiện các nhiệm vụ cụ thể mà họ được giao phó và phải được hỗ trợ, tư vấn và có điều kiện tham khảo ý kiến của cơ quan có thẩm quyền.

19.2. Các tình nguyện viên cần khuyến khích những người phạm tội và gia đình họ phát triển những mối quan hệ có ý nghĩa đối với cộng đồng, đồng thời mở rộng phạm vi tiếp xúc bằng cách đưa ra những hướng dẫn và các hình thức hỗ trợ thích hợp tùy theo khả năng của họ và phù hợp với nhu cầu của người phạm tội.

19.3. Các tình nguyện viên phải được bảo hiểm tai nạn, thương tích và trách nhiệm pháp lý khi thực hiện nhiệm vụ. Họ phải được hoàn trả các chi tiêu được phép diễn ra trong quá trình thực hiện công việc. Cần có sự ghi nhận của công chúng đối với những việc mà họ đã làm vì hạnh phúc của cộng đồng.

VIII. NGHIÊN CỨU, LẬP KẾ HOẠCH,
XÂY DỰNG VÀ ĐÁNH GIÁ CHÍNH SÁCH

20. Nghiên cứu và lập kế hoạch

20.1. Cần phải cố gắng vận động các cơ quan công quyền và tư nhân tham gia vào việc tổ chức và xúc tiến nghiên cứu về biện pháp cải tạo không giam giữ đối với người phạm tội – đây là yếu tố cần thiết cho quá trình lập kế hoạch.

20.2. Cần thường xuyên nghiên cứu về những vấn đề mà các khách hàng, những người hành nghề, cộng đồng và các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt.

20.3. Cần xây dựng các cơ chế nghiên cứu và cung cấp thông tin trong hệ thống tư pháp hình sự để thu thập, phân tích dữ liệu và các số liệu thống kê về việc thực hiện biện pháp cải tạo không giam giữ đối với người phạm tội.

21. Xây dựng chính sách và thực hiện chương trình

21.1. Các chương trình áp dụng những biện pháp không giam giữ phải được xây dựng và thực hiện một cách có hệ thống, như một bộ phận không thể tách rời của hệ thống tư pháp về hình sự trong quá trình phát triển đất nước.

21.2. Cần tiến hành đánh giá thường xuyên nhằm nâng cao hiệu quả của việc thực hiện các biện pháp không giam giữ.

21.3. Cần tiến hành tổng kết thường kỳ để đánh giá những mục tiêu, hoạt động và hiệu quả của các biện pháp không giam giữ.

22. Mối liên hệ với các cơ quan liên quan và các hoạt động có liên quan

22.1. Cần xây dựng cơ chế phù hợp ở các cấp khác nhau nhằm tạo điều kiện cho việc thiết lập các mối liên hệ giữa các cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện các biện pháp không giam giữ, các bộ phận khác trong hệ thống tư pháp hình sự, các cơ quan phúc lợi và phát triển xã hội, cả của chính phủ và phi chính phủ, trong những lĩnh vực như y tế, nhà ở, giáo dục, lao động và thông tin đại chúng.

23. Hợp tác quốc tế

23.1. Cần phải cố gắng đẩy mạnh hợp tác khoa học giữa các quốc gia trong lĩnh vực cải tạo không giam giữ. Công tác nghiên cứu, đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật và trao đổi thông tin giữa các Quốc gia thành viên về những biện pháp không giam giữ cần phải được tăng cường, thông qua các cơ quan của Liên Hợp Quốc về phòng chống tội phạm và cải tạo tội phạm, phối hợp chặt chẽ với Bộ phận phòng chống tội phạm và Tư pháp hình sự của Trung tâm phát triển xã hội và các vấn đề nhân đạo thuộc Ban thư ký Liên Hợp Quốc.

23.2. Cần đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu so sánh và hài hòa các quy định pháp lý để mở rộng các phương án lựa chọn biện pháp không giam giữ và tạo điều kiện áp dụng các biện pháp này giữa các quốc gia, theo Hiệp ước kiểu mẫu về chuyển giao quyền giám sát người phạm tội hưởng án treo hoặc được trả tự do có điều kiện.

 


 [HTC1]Không hiểu hình phạt này?

 

Drupal theme by Adaptivethemes - Design by Kodamera