Skip to main content

System Messages

You were not authenticated by the server. You may log in with your credentials below.

CÔNG ƯỚC VỀ QUYỀN TỔ CHỨC VÀ ĐÀM PHÁN TẬP THỂ, 1949

Phiên bản PDF

Ngày thông qua

01/07/1949

 

CÔNG ƯỚC VỀ QUYỀN TỔ CHỨC VÀ
ĐÀM PHÁN TẬP THỂ, 1949

(Công ước số 98)
(Được thông qua ngày 1/7/1949 tại phiên họp toàn thể của Tổ chức Lao động quốc tế, kỳ hợp thứ 32. Có hiệu lực ngày 18/7/1951, phù hợp với Điều 8).

Toàn thể hội nghị của Tổ chức Lao động quốc tế,

Được triệu tập tại Geneva bởi Cơ quan quản lý, Văn phòng Lao động quốc tế, và đã họp mặt trong kỳ họp 32 ngày 08/06/1949, và

Đã quyết định thông qua một số đề xuất áp dụng những nguyên tắc của quyền được tổ chức và đàm phán tập thể - nội dung thứ 4 trong chương trình nghị sự của kỳ họp, và

Đã xác định rằng những đề xuất này sẽ theo hình thức của một Công ước quốc tế,

Thông qua Công ước dưới đây vào ngày 01/07/1949 với tên gọi Công ước về Quyền tổ chức và đàm phán tập thể, năm 1949:

Điều 1.

1. Người lao động phải được bảo vệ thích đáng khỏi những hành vi phân biệt đối xử chống lại công đoàn về vấn đề việc làm.

2. Sự bảo vệ này được áp dụng liên quan đến các hành động nhằm:

a. Làm cho việc thuê mướn của người lao động lệ thuộc vào điều kiện là anh ta không được tham gia công đoàn hay phải từ bỏ tư cách thành viên công;

b. Sa thải hay phân biệt đối xử người lao động vì người đó tham gia công đoàn hay tham gia vào hoạt động của công đoàn ngoài giờ làm việc hay trong giờ làm việc khi có sự đồng ý của người sử dụng lao động.

Điều 2.

1. Các tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động được bảo vệ thích đáng chống lại các hành vi can thiệp lẫn nhau hay của người đại diện hay thành viên của mỗi bên trong việc thành lập, hoạt động và điều hành.

2. Cụ thể là, hành động xúc tiến việc thành lập tổ chức của người lao động dưới sự chi phối của người sử dụng lao động hay tổ chức của họ, hay hỗ trợ tài chính hoặc hình thức khác cho tổ chức của người lao động với mục đích đặt tổ chức đó nằm dưới sự kiểm soát của người sử dụng lao động hay tổ chức của họ, đều được coi là hành động can thiệp theo cách hiểu của điều này.

Điều 3.

Khi cần thiết, có thể tạo dựng một bộ máy phù hợp với điều kiện quốc gia nhằm đảm bảo sự tôn trọng quyền được lập hội như định nghĩa ở các điều trên.

Điều 4.

Các biện pháp phù hợp với điều kiện quốc gia sẽ được sử dụng, khi cần thiết, để khuyến khích và xúc tiến việc phát triển toàn diện và sử dụng bộ máy phục vụ đàm phán tự nguyện giữa người sử dụng lao động hay tổ chức của họ với tổ chức của người lao động để điều chỉnh các điều khoản lao động thông qua con đường thỏa ước tập thể.

Điều 5.

1. Mức độ áp dụng các biện pháp bảo đảm nêu trong Công ước này với lực lượng vũ trang và cảnh sát sẽ do pháp luật quốc gia quy định.

2. Theo nguyên tắc nêu trong đoạn 8 điều 19 Hiến chương Tổ chức Lao động quốc tế, việc Quốc gia thành viên phê chuẩn Công ước này sẽ không ảnh hưởng đến bất cứ quy định pháp luật, phán quyết, tập quán hay thỏa thuận hiện hành nào mà căn cứ vào đó các thành viên lực lượng vũ trang và cảnh sát có thể hưởng quyền do Công ước này bảo đảm.

Điều 6.

Công ước này không điều chỉnh địa vị của cán bộ công quyền tham gia quản lý hành chính của Quốc gia và trong bất cứ trường hợp nào cũng không được hiểu là phân biệt đối xử quyền hay địa vị của họ.

Điều 7.

Văn bản chính thức phê chuẩn Công ước này phải được chuyển tới Chánh Văn phòng Lao động quốc tế để đăng ký.

Điều 8.

1. Công ước này chỉ ràng buộc với các thành viên của Tổ chức Lao động quốc tế mà thông báo phê chuẩn của các thành viên này đã được đăng ký với Chánh Văn phòng Lao động quốc tế.

2. Công ước này có hiệu lực mười hai tháng sau ngày thông báo phê chuẩn của hai thành viên được đăng ký với Chánh văn phòng.

3. Sau đó với bất cứ thành viên nào Công ước này cũng sẽ có hiệu lực mười hai tháng sau ngày tuyên bố phê chuẩn của nó được đăng ký.

Điều 9.

1. Những tuyên bố chuyển đến Chánh văn phòng theo đoạn 2 Điều 35 của Hiến chương Tổ chức Lao động quốc tế phải chỉ ra:

a. Vùng lãnh thổ mà theo đó Thành viên liên quan phải cam kết thực hiện y nguyên mọi quy định trong Công ước này mà không sửa đổi, điều chỉnh;

b. Vùng lãnh thổ mà theo đó Thành viên cam kết áp dụng có điều chỉnh các quy định trong Công ước, và phải nêu cụ thể chi tiết những quy định đã điều chỉnh;

c. Vùng lãnh thổ mà Công ước này không có hiệu lực và trong những trường hợp như vậy phải nêu thêm lý do tại sao Công ước này lại không thể áp dụng được;

d. Vùng lãnh thổ mà Thành viên bảo lưu quyết định chờ xem xét thêm về địa vị của nó.

2. Những cam kết được nói tới trong tiểu đoạn (a) và (b) của đoạn 1 điều này được xem như phần không thể thiếu trong tuyên bố phê chuẩn và sẽ có hiệu lực theo phê chuẩn.

3. Bất kỳ thành viên nào cũng có thể hủy bỏ toàn bộ hay một phần bất cứ bảo lưu nào mà Thành viên đó đã đưa ra trong tuyên bố ban đầu liên quan đến các tiểu đoạn (b), (c) hoặc (d) của đoạn 1 điều này.

4. Bất kỳ thành viên nào cũng phải, vào bất kể lúc nào khi Công ước này có thể bị bãi bỏ theo các quy định của điều 11, chuyển tới Chánh văn phòng một bản tuyên bố sửa đổi điều khoản của bất kỳ tuyên bố nào trước đó và khẳng định lại vị trí hiện tại của nó liên quan đến những vùng lãnh thổ mà nó đã nêu cụ thể.

Điều 10.

1. Những bản tuyên bố chuyển cho Chánh Văn phòng Lao động quốc tế phù hợp với đoạn 4 và 5 của Điều 35 Hiến chương Tổ chức Lao động quốc tế phải chỉ ra rằng các quy định của Công ước sẽ được áp dụng nguyên vẹn hay có sửa đổi trong vùng lãnh thổ liên quan; khi tuyên bố chỉ ra rằng Công ước sẽ bị áp dụng có sửa đổi thì nó phải nêu chi tiết về những sửa đổi đó.

2. Thành viên, các thành viên hay tổ chức quốc tế liên quan có thể bãi bỏ toàn bộ hay một phần quyền thu hồi bất kỳ sự sửa đổi nào trong bất kỳ tuyên bố nào trước đó vào bất kỳ lúc nào bằng việc ra một tuyên bố tiếp theo.

3. Thành viên, các thành viên hay tổ chức quốc tế có liên quan có thể, vào bất cứ lúc nào khi Công ước này có thể bị bãi bỏ theo các điều khoản trong điều 11, chuyển cho Chánh Văn phòng Lao động quốc tế một bản tuyên bố sửa đổi về bất cứ khía cạnh nào của các điều khoản trong bất kể tuyên ngôn nào trước đó và nêu lên vị trí hiện tại của nó trong việc áp dụng Công ước.

Điều 11.

1. Thành viên nào đã phê chuẩn Công ước này cũng có quyền bãi bỏ nó sau 10 năm kể từ ngày Công ước bắt đầu có hiệu lực, bằng việc liên hệ với Chánh Văn phòng Lao động quốc tế để đăng ký bãi bỏ. Việc bãi bỏ này chỉ có hiệu lực 1 năm sau ngày đăng ký.

2. Thành viên đã phê chuẩn Công ước này mà, trong phạm vi một năm sau thời hạn 10 năm được nhắc tới ở trên, không thực hiện quyền bãi ước được nêu trong điều này thì thành viên đó phải tiếp tục tham gia Công ước này trong thời hạn 10 năm tiếp theo, và sau đó mới có thể bãi bỏ Công ước này khi hết thời hạn 10 năm dựa trên những điều khoản quy định trong điều này.

Điều 12.

1. Chánh Văn phòng Lao động quốc tế sẽ thông báo cho tất cả thành viên của Tổ chức Lao động quốc tế về việc đăng ký các thông báo phê chuẩn, các tuyên bố và các thông báo bãi ước mà các thành viên của Tổ chức đã chuyển tới.

2. Khi thông báo với các thành viên về việc đăng ký văn bản phê chuẩn thứ hai được gửi cho mình, Chánh Văn phòng sẽ lưu ý các thành viên của Tổ chức về ngày mà Công ước sẽ có hiệu lực.

Điều 13.

Chánh Văn phòng Lao động quốc tế phải chuyển cho Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc để đăng ký, theo Điều 102 Hiến chương Liên Hợp Quốc, đầy đủ chi tiết về tất cả thông báo phê chuẩn, tuyên bố, và hành động bãi ước mà anh ta đã đăng ký phù hợp với quy định của các điều khoản ở trên.

Điều 14.

Cứ 10 năm một lần, sau khi Công ước này hết hiệu lực, cơ quan quản lý của Văn phòng Lao động quốc tế phải trình lên Hội nghị toàn thể bản báo cáo về tình hình thực hiện Công ước và cân nhắc việc nên hay không nên đưa yêu cầu sửa đổi toàn bộ hay một phần Công ước vào chương trình nghị sự của phiên họp.

Điều 15.

1. Nếu Hội nghị thông qua một Công ước mới sửa lại Công ước này toàn bộ hay một phần, thì, trừ khi Công ước mới quy định khác, nếu không thì:

a. Việc một thành viên phê chuẩn Công ước mới đã sửa đổi cũng đồng nghĩa với việc ngay lập tức bãi bỏ Công ước này, không tính đến các quy định của Điều 11 nêu trên, nếu và khi Công ước mới có hiệu lực;

b. Từ ngày Công ước mới có hiệu lực thì các thành viên sẽ không thể phê chuẩn Công ước này được nữa.

2. Trong bất kỳ trường hợp nào, Công ước này vẫn giữ nguyên hiệu lực về cả hình thức lẫn nội dung đối với các thành viên đã phê chuẩn nó mà chưa phê chuẩn Công ước sửa đổi.

Điều 16.

Bản thảo tiếng Anh và tiếng Pháp của Công ước này có giá trị như nhau.

Nội dung phía trên là nguyên văn Công ước được Hội nghị toàn thể của Tổ chức Lao động thế giới thông qua trong kỳ họp thứ 32 tại Geneva kết thúc vào ngày 2/7/1949.

Với niềm tin đó, chúng tôi cùng ký tên vào ngày 8/8/1949.

 

Drupal theme by Adaptivethemes - Design by Kodamera