Skip to main content

System Messages

You were not authenticated by the server. You may log in with your credentials below.

Tuyên bố Thiên niên kỷ của Liên Hợp quốc

Phiên bản PDF

Tên ngắn

UNMD

Ngày thông qua

08/09/2000

 

 (Được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua  theo Nghị quyết số 55/2 ngày 8/9/2000)

 

Đại hội đồng Liên Hợp Quốc

Thông qua Tuyên bố sau đây:

Tuyên bố Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc

I. Các giá trị và nguyên tắc

1. Chúng ta, những người đứng đầu các nhà nước và chính phủ, họp tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở Nữu-ước từ ngày 6 đến 9/9/2000, vào buổi bình minh của thiên niên kỷ mới, để tái khẳng định niềm tin của chúng ta với Liên Hợp Quốc và với Hiến chương của tổ chức như là những nền tảng không thể thiếu cho một thế giới hoà bình, thịnh v­îng và công bằng hơn;

2. Chúng ta thừa nhận rằng, bên cạnh trách nhiệm riêng với các xã hội của chúng ta, chúng ta còn có một trách nhiệm chung là ủng hộ các nguyên tắc về nhân phẩm con người, về bình đẳng và công bằng ở cấp độ toàn cầu. Bởi vậy, với tư cách là những nhà lãnh đạo, chúng ta có một trách nhiệm với tất cả nhân dân thế giới, đặc biệt là với những người dễ bị tổn thương nhất, mà đặc biệt là với trẻ em của thế giới, đối tượng mà tương lai của chúng ta phụ thuộc vào;

3. Chúng ta tái khẳng định cam kết của chúng ta về các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc, mà tính bền vững và phổ biến của chúng đã được chứng minh. Thực vậy, tính xác đáng và khả năng thuyết phục của các mục đích và nguyên tắc đó ngày càng tăng khi các nhà nước và dân tộc đang trở nên ngày càng gắn bó và phụ thuộc vào nhau;

4. Chúng ta phải quyết tâm xây dựng một nền hoà bình thực sự và bền vững trên toàn thế giới mà phù hợp với các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc. Chúng ta nguyện tiếp tục cống hiến để hỗ trợ tất cả những nỗ lực nhằm duy trì sự bình đẳng về chủ quyền của mọi quốc gia, tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ và nền độc lập chính trị của họ, giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình, phù hợp với các nguyên tắc của công lý và luật pháp quốc tế, với quyền tự quyết của các dân tộc mà hiện vẫn còn nằm trong sự đô hộ và chiếm đóng của nước ngoài, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia, tôn trọng các quyền và tự do cơ bản của con người, tôn trọng các quyền bình đẳng của tất cả mọi người, không phân biệt về chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ hoặc tôn giáo, và hợp tác để giải quyết các vấn đề quốc tế về kinh tế, xã hội, văn hoá hoặc các vấn đề nhân đạo;

5. Chúng ta tin tưởng rằng, thách thức chủ yếu mà chúng ta đang phải đối mặt hiện nay là bảo đảm rằng quá trình toàn cầu hoá trở thành một động lực tích cực cho tất cả các dân tộc trên thế giới. Mặc dù toàn cầu hoá hứa hẹn những cơ hội to lớn, hiện tại lợi ích của nó được chia sẻ rất không đều, trong khi cái giá phải trả cho nó cũng rất khác nhau. Chúng ta thừa nhận rằng, các quốc gia đang phát triển và các quốc gia có nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi đang gặp những khó khăn đặc biệt khi đối mặt với thách thức chủ yếu này. Bởi vậy, chỉ bằng những nỗ lực rộng lớn và liên tục mới có thể tạo lập được một tương lai chung, dựa trên tính nhân loại chung trong tất cả sự đa dạng của chúng ta, quá trình toàn cầu hoá mới có thể diễn ra một cách công bằng và toàn vẹn hoàn toàn. Những nỗ lực này phải bao gồm các chính sách và biện pháp ở cấp độ toàn cầu nhằm đáp ứng các nhu cầu của các nước đang phát triển và các nền kinh tế đang chuyển đổi, và phải được hoạch định, thực hiện với sự tham gia tích cực của các nước và nền kinh tế đó;

6. Chúng ta xem các giá trị cơ bản dưới đây là có tính thiết yếu cho các quan hệ quốc tế trong thế kỷ 21:

- Tự do: Đàn ông và phụ nữ có đều có quyền sống cuộc sống của riêng họ cũng như có quyền chăm sóc trẻ em của họ trong nhân phẩm, không bị đe doạ bởi đói nghèo, bạo lực, đàn áp và bất công. Sự quản lý dân chủ và có sự tham gia, dựa trên ý chí của dân chúng, là sự bảo đảm tốt nhất cho việc thực hiên các quyền này.

- Bình đẳng: Không một cá nhân hoặc quốc gia nào có thể bị từ chối các cơ hội được hưởng lợi từ sự phát triển. Các quyền và cơ hội bình đẳng của phụ nữ và đàn ông phải được bảo đảm.

- Đoàn kết: Những thách thức toàn cầu phải được giải quyết theo một cách thức mà các chi phí và gánh nặng phải được phân bổ một cách chính đáng phù hợp với các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng và công bằng xã hội. Những người chịu nhiều thiệt thòi hoặc được hưởng lợi ít nhất cần được nhận sự giúp đỡ từ những người được hưởng lợi nhiều nhất.

- Khoan dung: Nhân loại phải tôn trọng lẫn nhau, trong toàn bộ sự đa dạng của họ về niềm tin, văn hoá và ngôn ngữ. Không nên lo ngại hoặc đàn áp những sự khác biệt trong và giữa các xã hội, tình thương là một thứ tài sản kỳ diệu của nhân loại. Một nền văn hoá hoà bình và đối thoại giữa các nền văn minh cần phải được thúc đẩy một cách tích cực.

- Tôn trọng tự nhiên:Việc quản lý các sinh vật sống và các nguồn tài nguyên thiên nhiên phải được thực hiện một cách khôn ngoan, phù hợp với các quy tắc về sự phát triển bền vững. Chỉ bằng cách này, các nguồn tài nguyên thiên nhiên có giới hạn của chúng ta mới có thể được bảo toàn và để lại cho các thế hệ mai sau. Các mô hình sản xuất và tiêu thụ không bền vững hiện nay cần phải được thay đổi vì lợi ích của sự thịnh v­îng của chúng ta trong tương lai cũng như của các thế hệ mai sau.

- Trách nhiệm chung: Trách nhiệm quản lý sự phát triển về kinh tế và xã hội toàn cầu, cũng như với những đe doạ về hoà bình và an ninh quốc tế, phải được chia sẻ giữa các quốc gia trên thế giới và phải được thực hiện một cách phối hợp. Với tư cách là một tổ chức mang tính toàn cầu và tính đại diện nhất trên thế giới, Liên Hợp Quốc phải đóng vai trò trung tâm trong việc đó.

7. Để biến những giá trị chung kể trên thành hành động, chúng ta xác định những mục tiêu chủ yếu mà có tầm quan trọng đặc biệt, như nêu dưới đây:

II. Hoà bình, an ninh và giải trừ quân bị

8. Chúng ta sẽ nỗ lực hết mình để giải phóng các dân tộc của chúng ta khỏi tai hoạ chiến tranh, bất kể là chiến tranh giữa các quốc gia hay nội chiến, tai hoạ mà đã tước đi hơn 5 triệu sinh mạng trong thập kỷ qua. Chúng ta cũng sẽ tìm kiếm giải pháp nhằm xoá bỏ những nguy cơ đe doạ từ các loại vũ khí huỷ diệt.

 9. Bởi vậy, chúng ta kiên quyết:

- Thúc đẩy sự tôn trọng các nguyên tắc pháp luật cả trong các vấn đề quốc gia và quốc tế, đặc biệt trong việc bảo đảm sự tuân thủ của các quốc gia thành viên với các quyết định của Toà án Công lý quốc tế, phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc, trong  trường hợp các quốc gia đã là thành viên của Toà án Công lý quốc tế.

- Làm cho các hoạt động giữ gìn hoà bình và an ninh của Liên Hợp Quốc trở lên hiệu quả hơn bằng cách cung cấp các nguồn lực và phương tiện cần thiết cho tổ chức này để ngăn chặn xung đột, giải quyết hoà bình các tranh chấp, giữ gìn hoà bình, tái thiết và xây dựng hoà bình sau xung đột. Trong các vấn đề này, chúng ta ghi nhớ báo cáo của nhóm chuyên gia về các chiến dịch giữ gìn hoà bình của Liên Hợp Quốc và yêu cầu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nhanh chóng xem xét các khuyến nghị của nhóm.

- Tăng cường sự hợp tác giữa Liên Hợp Quốc và các tổ chức khu vực, phù hợp với các quy định trong Chương VIII của Hiến chương Liên Hợp Quốc.

- Bảo đảm rằng các quốc gia sẽ thực hiện các điều ước quốc tế trên các lĩnh vực kiểm soát vũ khí và giải trừ quân bị, cũng như các điều ước quốc tế về quyền con người và luật nhân đạo; và kêu gọi các quốc gia xem xét việc ký và phê chuẩn Quy chế Rôm về Toà án Hình sự quốc tế.

- Tiến hành những hành động phối hợp nhằm chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế, và để phê chuẩn càng sớm càng tốt tất cả các điều ước quốc tế có liên quan.

- Tăng cường những nỗ lực của chúng ta trong việc thực hiện các cam kết về ngăn chặn vấn nạn ma tuý trên thế giới. 

- Tăng cường những nỗ lực của chúng ta trong việc chống lại tội phạm xuyên quốc gia, với tất cả các dạng thức của nó, bao gồm việc buôn bán, vận chuyển lậu người và việc rửa tiền.

- Giảm thiểu những tác động tiêu cực của các lệnh cấm vận về kinh tế của Liên Hợp Quốc với những người dân vô tội, định kỳ xem xét lại các lệnh cấm vận đó và xoá bỏ những tác động tiêu cực của nó đến các bên thứ ba.

- Đấu tranh để xoá bỏ các loại vũ khí huỷ diệt, đặc biệt là vũ khí hạt nhân, và tìm kiếm  khả năng đạt được mục tiêu này, bao gồm việc tổ chức một hội nghị quốc tế để xác định những cách thức nhằm xoá bỏ các nguy cơ hạt nhân.

 - Tiến hành những hành động có phối hợp nhằm xoá bỏ tình trạng buôn lậu các loại vũ khí nhỏ và vũ khí hạng nhẹ, đặc biệt là làm trong sạch việc vận chuyển vũ khí cũng như hỗ trợ các biện pháp giải trừ quân bị ở cấp khu vực, dựa trên các khuyến nghị đưa ra tại Hội nghị của Liên Hợp Quốc về buôn bán trái phép các loại vũ khí nhỏ và vũ khí hạng nhẹ.

- Kêu gọi tất cả các quốc gia xem xét việc gia nhập Công ước về cấm sử dụng, tàng trữ, sản xuất, vận chuyển và phá huỷ các loại mìn sát thương, cũng như Nghị định thư về mìn sát thương kèm theo Công ước về các loại vũ khí thông thường.

 10. Chúng ta thúc giục các quốc gia thành viên tôn trọng các quy tắc của Thế vận hội Olympic, với tư cách cá nhân hoặc tập thể, ở thời điểm hiện tại và trong tương lai, và ủng hộ Uỷ ban Olympic quốc tế trong việc nỗ lực thúc đẩy hoà bình và sự hiểu biết giữa các dân tộc thông qua thể thao và lý tưởng Olympic.

 III. Phát triển và xoá bỏ đói nghèo

11. Chúng ta sẽ nỗ lực hết mình để giải phóng các dân tộc chúng ta, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em, khỏi những tình trạng khốn khổ và mất nhân phẩm vì đói nghèo cùng cực, tình trạng mà hơn một tỷ người trên thế giới hiện đang phải gánh chịu. Chúng ta cam kết biến quyền được phát triển thành hiện thực cho tất cả mọi người và giải phóng toàn thể nhân loại khỏi tình trạng đói nghèo.

12. Bởi vậy, chúng ta quyết tâm tạo lập một môi  trường - ở cả cấp độ quốc gia và toàn cầu – thuận lợi cho sự phát triển cũng như cho việc xoá bỏ đói nghèo.

 13. Để đạt được những mục tiêu kể trên, ngoài những yếu tố khác, cần phải có sự quản lý tốt ở mỗi quốc gia. Việc này cũng phụ thuộc vào việc quản lý tốt ở cấp độ quốc tế, sự minh bạch của các hệ thống tài chính, tiền tệ và thương mại. Chúng ta cam kết kiến tạo một hệ thống tài chính, thương mại đa phương bình đẳng, không phân biệt đối xử, chặt chẽ về luật lệ, đáng tin cậy, công bằng và cởi mở.

14. Chúng ta quan tâm đến những thách thức mà các quốc gia đang phát triển đang phải đối mặt trong việc huy động các nguồn lực cần thiết cho sự phát triển bền vững của họ. Vì vậy, chúng ta sẽ thực hiện mọi nỗ lực để bảo đảm cho sự thành công của Hội nghị cấp cao quốc tế và các tổ chức liên chính phủ về tài chính cho phát triển, mà sẽ được tổ chức vào năm 2001.

 15. Chúng ta cũng cam kết đáp ứng những nhu cầu đặc biệt của các quốc gia kém phát triển nhất. Về vấn đề này, chúng ta hoan nghênh Hội nghị lần thứ ba của Liên Hợp Quốc về các quốc gia kém phát triển nhất sẽ tổ chức vào tháng 5-2001 và sẽ cố gắng để bảo đảm sự thành công của hội nghị này. Chúng ta kêu gọi các quốc gia công nghiệp hoá hãy:

-  Thông qua, tốt nhất là tại Hội nghị kể trên, một chính sách miễn hạn ngạch và thuế cho tất cả hàng hoá của các nước kém phát triển nhất.

 - Thực hiện không chậm trễ các chính sách tăng cường xoá nợ cho những nước nghèo nợ nhiều nhất và đồng ý về việc xoá bỏ các khoản nợ song phương chính thức cho các nước này khi các nước này có những cam kết rõ ràng về xoá đói nghèo, và

- Cung cấp các khoản trợ cấp phát triển rộng rãi hơn, đặc biệt cho các quốc gia mà đã có những nỗ lực thực sự trong việc sử dụng các nguồn lực của họ vào làm giảm tình trạng xoá đói nghèo.

16. Chúng ta cũng quyết định giải quyết một cách toàn diện và hiệu quả vấn đề nợ của các nước đang phát triển có thu nhập quốc dân ở các mức trung bình và thấp, thông qua các biện pháp quốc gia và quốc tế khác nhau đã được hoạch định nhằm bảo đảm các khoản nợ của họ về lâu dài sẽ không tăng lên.

17. Chúng ta cũng kiên quyết giải quyết các nhu cầu đặc biệt của các quốc gia đang phát triển trên các đảo nhỏ, bằng việc thực hiện một cách nhanh chóng và đầy đủ Chương trình Hnàh động Bác-ba-đốt và kết quả của phiên họp đặc biệt lần thứ 21 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Chúng ta thúc giục cộng đồng quốc tế bảo đảm rằng những nhu cầu đặc biệt của các quốc gia đang phát triển trên các đảo nhỏ cần phải được tính đến, do sự tăng lên của các nguy cơ đối với họ.

18. Chúng ta thừa nhận các nhu cầu và khó khăn đặc biệt của các quốc gia đang phát triển mà lãnh thổ không có biển, và thúc giục các nhà tài trợ song phương và đa phương tăng cường sự trợ giúp kỹ thuật và tài chính cho nhóm nước này, nhằm đáp ứng các nhu cầu phát triển đặc biệt của họ, cũng như để giúp họ vượt qua những trở ngại về mặt địa lý bằng cách cải thiện các hệ thống giao thông vận tải của họ.

19. Chúng ta cũng quyết tâm, đến năm 2005 sẽ:

- Giảm một nửa số người trên thế giới mà: có mức thu nhập ít hơn một đô la/ngày; rơi vào tình trạng đói; và, không thể tiếp cận hoặc chi trả cho nhu cầu nước sạch an toàn.

- Bảo đảm rằng trẻ em, bất kể trẻ em trai hay gái, ở bất cứ nơi nào, sẽ có khả năng hoàn thành toàn bộ chương trình tiểu học, và trẻ em trai và gái đều có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận với các bậc học cao hơn.

- Giảm 1/3 tỷ lệ tử vong bà mẹ và 2/3 tỷ lệ tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi so với tỷ lệ hiện nay.

- Giảm một nửa tỷ lệ và bắt đầu đẩy lùi sự lây lan của HIV/AIDS, bệnh sốt rét và các bệnh chủ yếu khác mà đang ám ảnh nhân loại.

- Cung cấp sự trợ giúp đặc biệt cho những trẻ em mồ côi vì HIV/AIDS.

- Đến năm 2020, đạt được sự tiến bộ quan trọng trong việc thúc đẩy đời sống của ít nhất 100 triệu người đang phải sống trong các khu ổ chuột, mà đã được nêu ra trong Sáng kiến “Thành phố không có các khu ổ chuột”.

20. Chúng ta cũng quyết tâm:

- Thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ thông qua những biện pháp tích cực như chống lại đói nghèo, bệnh tật và khuyến khích sự phát triển thực sự bền vững.

 - Xây dựng và thực hiện các chiến lược mà trao cho thanh thiếu niên ở mọi nơi một cơ hội thực sự trong việc tìm được việc làm sinh lợi và thích đáng.

- Khuyến khích công nghiệp dược phẩm sản xuất và cung cấp những loại thuốc thiết yếu một cách rộng rãi, dễ dàng và phù hợp túi tiền hơn với tất cả người dân ở các nước đang phát triển.

- Xây dựng những quan hệ đối tác bền vững với khối tư nhân và với các tổ chức xã hội dân sự nhằm đạt được các mục tiêu phát triển và xoá đói nghèo.

- Bảo đảm rằng tất cả mọi người đều được hưởng những lợi ích của các công nghệ mới, phù hợp với các khuyến nghị nêu ra trong Tuyên bố cấp bộ trưởng của ECOSOC năm 2000.

IV.Bảo vệ môi  trường chung của chúng ta.

21. Chúng ta phải nỗ lực hết mình để giải phóng toàn thể nhân loại, và trên hết là trẻ em, các bậc ông bà, khỏi sự đe doạ phải sống trên một hành tinh bị ô nhiễm một cách tuyệt vọng bởi những hành động của con người, và các tài nguyên ở trên đó đã bị khai thác một cách cạn kiệt, không còn đủ đáp ứng cho các nhu cầu của con người.

 22. Chúng ta tái khẳng định sự ủng hộ của chúng ta với các nguyên tắc về sự phát triển bền vững, bao gồm các nguyên tắc được nêu trong Chương trình nghị sự 21 thông qua tại Hội nghị của Liên Hợp Quốc về Môi  trường và Phát triển.

 23. Vì thế, chúng ta quyết tâm thông qua một quy tắc đạo đức mới về bảo tồn và quản lý tất cả các hoạt động môi  trường của chúng ta, mà trước hết là:

- Nỗ lực hết mình nhằm bảo đảm rằng Nghị định thư Kyoto sẽ có hiệu lực, tốt nhất là trước khi diễn ra Hội nghị về Môi  trường và Phát triển của Liên Hợp Quốc lần thứ 10 vào năm 2002, và để bắt tay vào việc làm giảm việc xả các khí thải gây hiệu ứng nhà kính theo như yêu cầu.

- Tăng cường các nỗ lực tập thể của chúng ta trong việc quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững tất cả các loại rừng.

- Thúc đẩy việc thực hiện đầy đủ Công ước về đa dạng sinh học và Công ước về chống tình trạng sa mạc hoá ở những quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng hạn hán và sa mạc hoá nghiêm trọng, đặc biệt là các quốc gia ở châu Phi.

- Chấm dứt sự khai thác thiếu bền vững các nguồn nước bằng việc xây dựng các chiến lược quản lý các nguồn nước ở các cấp độ khu vực, quốc gia và địa phương, trong đó thúc đẩy sự tiếp cận công bằng và sự cung cấp thích đáng loại tài nguyên này.

- Tăng cường sự hợp tác trong việc làm giảm số lượng và tác động của các thảm hoạ tự nhiên hay thảm hoạ do con người gây ra.

- Bảo đảm sự tiếp cận tự do những thông tin về bản đồ gen người.

V. Quyền con người, dân chủ và quản lý tốt

24. Chúng ta sẽ nỗ lực hết mình để thúc đẩy dân chủ và tăng cường các nguyên tắc pháp quyền, cũng như sự tôn trọng với các quyền và tự do cơ bản của con người mà đã được thừa nhận ở tầm quốc tế, bao gồm quyền được phát triển.

25. Vì vậy, chúng ta quyết tâm:

- Tôn trọng và tuân thủ một cách đầy đủ Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người.

- Đấu tranh cho việc bảo vệ và thúc đẩy đầy đủ các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá cho tất cả mọi người ở mọi quốc gia.

- Tăng cường năng lực của tất cả các quốc gia trong việc thực hiện các nguyên tắc và hành động về dân chủ, cũng như các quyền con người, bao gồm các quyền của người thiểu số.

- Chống lại tất cả các hình thức bạo lực chống phụ nữ và thực hiện Công ước về xoá bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống phụ nữ của Liên Hợp Quốc.

- Thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm sự tôn trọng và bảo vệ quyền của những người lao động di cư và các thành viên trong gia đình họ, và để xoá bỏ những hành động của chủ nghĩa phát xít và bài ngoại đang gia tăng ở nhiều xã hội, cũng như để thúc đẩy sự khoan dung, hoà thuận cao hơn ở tất cả các xã hội.

- Phối hợp hành động để thúc đẩy những tiến trình chính trị toàn diện hơn ở tất cả các quốc gia chúng ta, mà trong đó cho phép sự tham gia thực chất của tất cả công dân.

- Bảo đảm quyền tự do của các phương tiện thông tin đại chúng được thể hiện vai trò thiết yếu của họ và quyền của công chúng được tiếp cận với các nguồn thông tin.

VI. Bảo vệ những nhóm dễ bị tổn thương

26. Chúng ta sẽ nỗ lực hết mình để bảo đảm rằng trẻ em và các cộng đồng phải gánh chịu những hậu quả nặng nề của các thảm hoạ thiên nhiên, của nạn diệt chủng, xung đột vũ trang và các bối cảnh nhân đạo khẩn cấp khác sẽ được nhận tất cả những sự trợ giúp và bảo vệ có thể để họ có thể khôi phục cuộc sống bình thường càng sớm càng tốt.

Vì vậy, chúng ta cam kết:

- Mở rộng và thúc đẩy sự bảo vệ thường dân trong các tình huống khẩn cấp, phù hợp với luật nhân đạo quốc tế.

 - Tăng cường sự hợp tác quốc tế, bao gồm việc chia sẻ gánh nặng, và sự hợp tác về trợ giúp nhân đạo, với các quốc gia đang cưu mang những người tị nạn; cũng như giúp đỡ tất cả những người tị nạn và người di tản trong nước trở về quê quán một cách tự nguyện, trong an toàn và nhân phẩm, và tái hoà nhập họ vào cộng đồng một cách êm ả.

 - Khuyến khích sự phê chuẩn và thực hiện đầy đủ Công ước về quyền trẻ em và các nghị định thư không bắt buộc của công ước này về bảo vệ trẻ em trong xung đột vũ trang và về ngăn chặn việc buôn bán, bóc lột tình dục và khiêu dâm trẻ em. 

VII. Đáp ứng các nhu cầu đặc biệt của châu Phi

27. Chúng ta sẽ hỗ trợ việc củng cố nền dân chủ ở châu Phi và trợ giúp nhân dân châu lục này trong cuộc chiến đấu vì hoà bình, xoá đói nghèo và phát triển bền vững, bằng cách đó đưa châu Phi hội nhập với dòng chảy của nền kinh tế thế giới.

28. Bởi vậy, chúng ta quyết tâm:

- Cung cấp những hỗ trợ đầy đủ cho các cấu trúc chính trị và pháp lý của các nền dân chủ đang trỗi dậy ở châu Phi.

- Khuyến khích và củng cố các cơ chế khu vực và tiểu khu vực nhằm ngăn chặn xung đột và thúc đẩy sự ổn định chính trị, cũng như bảo đảm sự phân phối đáng tin cậy các nguồn lực cho các chiến dịch giữ gìn hoà bình ở châu lục.

- Tiến hành các biện pháp đặc biệt để giải quyết các thách thức về xoá đói nghèo và phát triển bền vững ở châu Phi, bao gồm việc xoá nợ, thúc đẩy việc tiếp cận với thị  trường, tăng cường sự trợ giúp phát triển chính thức, mở rộng các dòng vốn đầu tư phát triển trực tiếp của nước ngoài, cũng như sự chuyển giao công nghệ .

- Giúp đỡ châu Phi xây dựng năng lực để đối phó với sự lây lan của đại dịch HIV/AIDS cũng như các bệnh dịch khác.

VIII. Tăng cường năng lực của Liên Hợp Quốc

29. Chúng ta sẽ nỗ lực hết mình để làm cho Liên Hợp Quốc trở thành một công cụ hiệu quả hơn nhằm đáp ứng tất cả các ưu tiên như: đấu tranh cho sự phát triển của tất cả các dân tộc trên thế giới; đấu tranh chống đói nghèo, sự lãng quên và bệnh dịch; đấu tranh chống tình trạng bất công; đấu tranh chống bạo lực, khủng bố và tội phạm; cũng như đấu tranh chống sự phá hoại và huỷ diệt trái đất – ngôi nhà chung của chúng ta.

30. Vì vậy, chúng ta quyết tâm:

- Tái khẳng định vị trí trung tâm của Đại hội đồng như là cơ quan đại diện, thảo luận và thông qua chính sách của Liên Hợp Quốc, cũng như tạo điều kiện để Đại hội đồng đóng vai trò này một cách có hiệu quả.

- Tăng cường những nỗ lực của chúng ta nhằm cải tổ toàn diện Hội đồng Bảo an trên tất cả các khía cạnh.

- Củng cố hơn nữa Hội đồng Kinh tế-Xã hội dựa trên những thành tựu gần đây của cơ quan này, nhằm giúp nó hoàn thành vai trò được quy định trong Hiến chương Liên Hợp Quốc.

- Củng cố Toà án Công lý quốc tế nhằm bảo đảm công bằng và luật lệ trong các quan hệ quốc tế.

- Khuyến khích những hình thức tham khảo ý kiến và hợp tác giữa các cơ quan chủ chốt của Liên Hợp Quốc nhằm thực hiện các chức năng của những cơ quan này.

- Bảo đảm rằng Liên Hợp Quốc sẽ được cung cấp một cách kịp thời và đầy đủ các nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ của nó.

- Thúc giục Ban thư ký Liên Hợp Quốc quản lý một cách tốt nhất các nguồn lực, phù hợp với các quy tắc và thủ tục rõ ràng đã được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua, và với lợi ích của tất cả các quốc gia thành viên, bằng cách đề ra những cách thức và công nghệ quản lý hợp lý nhất có thể, cũng như bằng việc tập trung vào những công việc mà phản ánh những ưu tiên của tất cả các quốc gia thành viên.

- Thúc đẩy sự tôn trọng Công ước về bảo đảm an toàn cho Liên Hợp Quốc và các nhân viên của Liên Hợp Quốc.

- Bảo đảm sự liên kết chính sách và sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa Liên Hợp Quốc, các cơ quan của nó, các thể chế Bretton Woods, Tổ chức Thương mại thế giới cũng như các thiết chế đa phương khác, với mục đích nhằm đạt được một cách tiếp cận đầy đủ với các vấn đề về hoà bình và phát triển.

- Thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa Liên Hợp Quốc và các nghị viện quốc gia thông qua cơ quan thế giới của hệ thống này là Liên minh các nghị viện trên thế giới trên các lĩnh vực khác nhau, bao gồm hoà bình và an ninh, phát triển kinh tế và xã hội, các vấn đề về luật quốc tế, quyền con người, dân chủ, và bình đẳng giới.

- Trao cho khối tư nhân, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức xã hội dân sự nói chung những cơ hội rộng rãi hơn trong việc đóng góp vào việc hiện thực hoá các mục tiêu và chương trình của Liên Hợp Quốc.

31. Chúng ta yêu cầu Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, trên cơ sở yêu cầu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cung cấp các báo cáo định kỳ cho Đại hội đồng, thường xuyên rà soát những tiến bộ đã đạt được trong việc thực hiện các điều khoản của Tuyên bố này và xác định những hành động tiếp theo.

32. Nhân sự kiện lịch sử này, chúng ta long trọng tái khẳng định rằng Liên Hợp Quốc là  ngôi nhà chung không thể thiếu cho toàn thể gia đình nhân loại, mà thông qua đó, chúng ta sẽ theo đuổi việc hiện thực hoá những khát vọng toàn cầu của chúng ta về hoà bình, hợp tác và phát triển. Bởi vậy, chúng ta trịnh trọng hứa sẽ dành những nỗ lực không mệt mỏi của chúng ta cho các mục tiêu chung này và quyết tâm đạt được các mục tiêu đó.

 

 

 

 

 

 

Drupal theme by Adaptivethemes - Design by Kodamera