Skip to main content

System Messages

You were not authenticated by the server. You may log in with your credentials below.

NGHỊ ĐỊNH THƯ KHÔNG BẮT BUỘC CỦA CÔNG ƯỚC VỀ QUYỀN CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT

Phiên bản PDF

Tên ngắn

OP-CRPD

 

NGHỊ ĐỊNH THƯ KHÔNG BẮT BUỘC CỦA CÔNG ƯỚC VỀ QUYỀN CỦA NGƯỜI KHUYẾT TẬT

Các Quốc gia thành viên tham gia Nghị định thư này cam kết các điều sau đây:

Điều 1.

1. Một Quốc gia thành viên tham gia Nghị định thư này (sau đây gọi tắt là "Quốc gia thành viên”) công nhận thẩm quyền của Ủy ban về Quyền của Người khuyết tật (sau đây gọi tắt là "Ủy ban”) để tiếp nhận và xem xét các thông tin từ một cá nhân hoặc một nhóm cá nhân, hoặc nhân danh một cá nhân hoặc một nhóm cá nhân, đã được Nghị định thư này bảo hộ, khiếu nại rằng họ là nạn nhân bị Quốc gia thành viên đó vi phạm các điều khoản của Công ước về Quyền của người khuyết tật.

2. Ủy ban sẽ không tiếp nhận bất cứ thông tin khiếu nại nào liên quan đến một Quốc gia thành viên tham gia Công ước về Quyền của người khuyết tật, nhưng lại không phải là thành viên của Nghị định thư không bắt buộc này.

Điều 2.

Ủy ban sẽ không chấp nhận một thông tin khiếu nại khi:

1. Đó là thông tin khiếu nại nặc danh;

2. Thông tin khiếu nại lợi dụng quyền được gửi thông tin khiếu nại hoặc không phù hợp với các điều khoản của Công ước về Quyền của người khuyết tật;

3. Thuộc cùng những vấn đề đã được Ủy ban kiểm tra, hoặc đã/đang được xem xét trong các quy trình điều tra, giải quyết tranh chấp quốc tế khác;

4. Chưa sử dụng hết tất cả các giải pháp sẵn có trong nội bộ Quốc gia thành viên đó. Tuy nhiên, điều này không bị coi là quy định nếu như việc áp dụng các giải pháp này bị kéo dài bất hợp lý hoặc có thể không mang lại sự trợ giúp có hiệu quả;

5. Thông tin khiếu nại đó không có căn cứ rõ ràng hoặc là không chứng minh được một cách đầy đủ; hoặc khi

6. Các vụ việc thực tế của thông tin khiếu nại xảy ra trước khi Nghị định thư này có hiệu lực tại Quốc gia thành viên có liên quan, trừ phi những vụ việc đó vẫn tiếp diễn sau ngày Nghị định thư có hiệu lực.

Điều 3.

Dựa theo các khoản đã nêu trong Điều 2 của Nghị định thư này, Ủy ban sẽ yêu cầu Quốc gia thành viên chú ý tới các thông tin khiếu nại đã được chuyển tới Ủy ban. Trong vòng sáu tháng, Quốc gia thành viên đã nhận được thông tin đó phải giải trình bằng văn bản với Ủy ban về các vụ việc đó, hoặc tuyên bố là đang xem xét vấn đề và các giải pháp, nếu có, mà Quốc gia thành viên đó đang tiến hành.

Điều 4.

1. Vào thời điểm bất kỳ sau khi nhận được thông tin khiếu nại và trước khi đạt tới một quyết định thỏa đáng, Ủy ban có thể chuyển yêu cầu khẩn cấp tới Quốc gia thành viên có liên quan phải đưa ra những biện pháp tạm thời cần thiết để tránh những thiệt hại không thể bù đắp được có thể xảy ra cho nạn nhân, hoặc cho các nạn nhân đã bị xâm hại.

2. Khi Ủy ban thực hiện thẩm quyền của mình được ghi trong khoản 1 Điều 4 của Nghị định thư này, thì điều này không có nghĩa là đây là một phán quyết về việc chấp nhận hay giải quyết vụ việc bị khiếu nại đó.

Điều 5.

Ủy ban sẽ phải tổ chức các cuộc họp kín khi điều tra các vụ việc bị khiếu nại trong khuôn khổ Nghị định thư này. Sau khi điều tra xong vụ việc, Ủy ban sẽ chuyển các đề nghị và khuyến cáo của mình, nếu có, tới Quốc gia thành viên có liên quan và tới người gửi đơn thư khiếu nại.

Điều 6.

1. Nếu Ủy ban nhận được thông tin đáng tin cậy chứng minh rằng một Quốc gia thành viên vi phạm nghiêm trọng hoặc vi phạm một cách có hệ thống các quyền của người khuyết tật được ghi trong Công ước về Quyền của người khuyết tật, thì Ủy ban sẽ yêu cầu Quốc gia thành viên đó hợp tác kiểm tra thông tin và sau đó sẽ đưa ra báo cáo kết quả điều tra về thông tin đã được đề cập.

2. Xem xét cả các báo cáo do Quốc gia thành viên có liên quan đệ trình cũng như các nguồn thông tin đáng tin cậy sẵn có khác của mình, Ủy ban có thể sẽ cử một hay một số ủy viên của Ủy ban tiến hành thẩm tra và báo cáo khẩn cấp cho Ủy ban. Khi được đảm bảo và có sự chấp thuận của Quốc gia thành viên đó, việc thẩm tra có thể bao gồm cả một chuyến điều tra thực địa tới Quốc gia thành viên có liên quan.

3. Sau khi kiểm tra các phát hiện của cuộc điều tra, Ủy ban sẽ chuyển các phát hiện này tới Quốc gia thành viên có liên quan cùng với các nhận xét và khuyến cáo của Ủy ban.

4. Trong vòng 06 tháng kể từ khi nhận được các phát hiện cùng với các nhận xét và khuyến cáo của Ủy ban, Quốc gia thành viên có liên quan phải trình báo cáo điều tra của mình cho Ủy ban.

5. Một cuộc thẩm tra như vậy phải được tiến hành bí mật và phải đảm bảo có sự hợp tác của Quốc gia thành viên có liên quan ở tất các giai đoạn của trình tự điều tra.

Điều 7.

1. Ủy ban có thể yêu cầu Quốc gia thành viên có liên quan trình bày chi tiết trong báo cáo của mình theo quy định tại Điều 35 của Công ước các giải pháp đã thực hiện để đáp ứng cuộc thẩm tra được tiến hành theo quy định tại Điều 6 của Nghị định thư này.

2. Nếu thấy cần thiết, sau khi kết thúc thời hạn sáu tháng theo quy định tại khoản 4 Điều 6, Ủy ban có thể yêu cầu Quốc gia thành viên có liên quan thông báo các giải pháp đã thực hiện để đáp ứng cuộc thẩm tra đó.

Điều 8.

Tại thời điểm ký kết hoặc thông qua Nghị định thư này, mỗi Quốc gia thành viên có thể tuyên bố rằng Quốc gia thành viên đó không công nhận thẩm quyền của Ủy ban được nêu trong Điều 6 và Điều 7.

Điều 9.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc sẽ lưu chiểu Nghị định thư này.

Điều 10.

Nghị định thư này sẽ mở để lấy chữ ký của các Quốc gia và các tổ chức hội nhập khu vực đã ký gia nhập Công ước về Quyền của người khuyết tật, kể từ ngày 30 tháng 3 năm 2007 tại Trụ sở chính của Liên Hợp Quốc ở New York.

Điều 11.

Nghị định thư này phải được phê chuẩn bởi Quốc gia đã ký Nghị định thư này và đã phê chuẩn hoặc gia nhập Công ước về Quyền của người khuyết tật. Nghị định thư này phải có sự khẳng định chính thức của các tổ chức hội nhập khu vực đã ký vào Nghị định thư này và đã chính thức khẳng định hay gia nhập Công ước về Quyền của người khuyết tật. Nghị định thư này sẽ để ngỏ để gia nhập cho bất kỳ một Quốc gia hay tổ chức hội nhập khu vực nào đã phê chuẩn, khẳng định chính thức hay gia nhập Công ước về Quyền của người khuyết tật nhưng chưa ký Nghị định thư.

Điều 12.

1. “Tổ chức hội nhập khu vực” có nghĩa là một tổ chức do các Quốc gia có chủ quyền ở một khu vực nào đó thành lập và được các Quốc gia thành viên trao thẩm quyền về các vấn đề được đề cập trong Công ước và Nghị định thư này. Những tổ chức hội nhập khu vực như vậy sẽ tuyên bố trong văn kiện khẳng định hoặc gia nhập chính thức của họ về sự mở rộng thẩm quyền của các tổ chức này đối với các vấn đề được đề cập trong Công ước và Nghị định thư. Sau đó các tổ chức này sẽ thông báo người lưu chiểu về bất kỳ sửa đổi đáng kể nào trong phạm vi quyền hạn của mình

2. Khi nói đến “các Quốc gia thành viên” trong Nghị định thư này có nghĩa là bao gồm cả các tổ chức hội nhập khu vực như vậy trong phạm vi thẩm quyền của họ.

3. Để phù hợp với các mục đích của khoản 1, Điều 13, và khoản 2 Điều 15, sẽ không tính đến bất kỳ một văn kiện nào được các tổ chức hội nhập khu vực như vậy lưu chiểu.

4. Tổ chức hội nhập khu vực, trong phạm vi quyền hạn của mình, có thể thực hiện quyền bỏ phiếu tại các phiên họp của các Quốc gia thành viên, với số phiếu ngang bằng với số lượng các Quốc gia thành viên của tổ chức hội nhập khu vực đó và đồng thời là Quốc gia thành viên của Nghị định thư này. Tổ chức hội nhập khu vực sẽ không có quyền bỏ phiếu nếu các Quốc gia thành viên của tổ chức đó bỏ phiếu và ngược lại.

Điều 13.

1. Khi Công ước có hiệu lực thì Nghị định thư này sẽ có hiệu lực vào ngày thứ 30 sau khi văn kiện phê chuẩn, khẳng định chính thức hay gia nhập Nghị định thư thứ 10 được nộp lưu chiểu.

2. Đối với từng Quốc gia thành viên hoặc tổ chức hội nhập khu vực phê chuẩn, khẳng định chính thức hay gia nhập Nghị định thư sau khi lưu chiểu văn kiện phê chuẩn, khẳng định chính thức hay gia nhập Nghị định thư thứ 10, thì Nghị định thư sẽ có hiệu lực vào ngày thứ 30 sau khi lưu chiểu văn kiện Nghị định thư phê chuẩn, khẳng định chính thức hay gia nhập đó.

Điều 14.

1. Những bảo lưu không phù hợp với đối tượng và mục đích của Nghị định thư này sẽ không được chấp nhận.

2. Những bảo lưu có thể được hủy bỏ vào bất kỳ thời điểm nào.

Điều 15.

1. Bất kỳ Quốc gia thành viên nào cũng có thể đề xuất sửa đổi Nghị định thư và trình đề xuất sửa đổi lên Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc. Tổng Thư ký sẽ chuyển đề xuất sửa đổi cho các Quốc gia thành viên với một yêu cầu đề nghị họ cho biết liệu có cần triệu tập một cuộc họp các Quốc gia thành viên về việc xem xét và thông qua đề xuất sửa đổi đó hay không. Trong vòng 4 tháng tính từ ngày thông báo, nếu có ít nhất một phần ba (1/3) tổng số các Quốc gia thành viên của Nghị định thư tuyên bố tán thành tổ chức cuộc họp xem xét dự thảo sửa đổi, thì Tổng Thư ký sẽ triệu tập cuộc họp dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc. Mọi sửa đổi nào được hai phần ba (2/3) trong tổng số các Quốc gia thành viên tham dự phiên họp thông qua sẽ được Tổng Thư ký đệ trình lên Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc để phê chuẩn và sau đó các Quốc gia thành viên chấp thuận.

2. Văn kiện sửa đổi được thông qua và phê chuẩn tại khoản 1 Điều 15 sẽ có hiệu lực vào ngày thứ 30 sau khi có hai phần ba (2/3) trong tổng số các Quốc gia thành viên của Nghị định thư gửi văn kiện chấp nhận sửa đổi và các văn kiện chấp nhận này được lưu chiểu kể từ ngày thông qua sửa đổi. Sau đó văn kiện sửa đổi sẽ có hiệu lực tại các Quốc gia thành viên tham gia vào ngày thứ 30 sau khi lưu chiểu văn kiện chấp thuận sửa đổi của chính các Quốc gia thành viên đó. Văn kiện sửa đổi chỉ có hiệu lực ràng buộc tại các Quốc gia thành viên đã chấp thuận sửa đổi.

Điều 16.

Một Quốc gia thành viên muốn rút khỏi Nghị định thư này phải thông báo bằng văn bản cho Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc. Việc rút khỏi Nghị định thư này sẽ có hiệu lực sau một năm kể từ ngày Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc nhận được thông báo rút khỏi Nghị định thư.

Điều 17.

Nội dung của bản Nghị định thư này sẽ trình bày dưới các dạng thức có thể tiếp cận được.

Điều 18.

Các văn bản Nghị định thư này bằng tiếng Ả-rập, tiếng Trung Quốc, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga và tiếng Tây Ban Nha đều có giá trị như nhau.

Để làm bằng chứng, những đại diện được Chính phủ của nước họ trao toàn quyền ký tên dưới đây, đã ký vào bản Nghị định thư này.

 

Drupal theme by Adaptivethemes - Design by Kodamera