- Trang chủ-Home
- Luật QT-International Law
- Điều ước - Treaties
- Tuyên ngôn nhân quyền quốc tế (UDHR)
- Các công ước chính về nhân quyền - Basic Treaties on HR
- Các ngành luật khác - other law branches
- Điều ước Việt Nam tham gia - Treaties participated by Vietnam
- Bình luận / Khuyến nghị chung - General Comments/Recommendations
- Báo cáo - Reports
- Cơ chế & Thủ tục - Mechanism & Procedure
- Án lệ - Case law
- Điều ước - Treaties
- PL Việt Nam-Vietnam Law
- NC&GD-HR Researchs
- E-Learning
- Đào tạo-Education
- Đào tạo thạc sĩ - Master Degree
- Liên hệ-Contact
LUẬT NHÂN ĐẠO
Đăng bởi honeyquyen lúc CN, 08/28/2011 - 08:57
Tên ngắn
LUẬT NHÂN ĐẠO
GIỚI THIỆU
Có thể hiểu khái quát luật nhân đạo quốc tế là hệ thống các quy tắc, chuẩn mực được thiết lập bởi các điều ước và tập quán quốc tế nhằm điều chỉnh các mối quan hệ giữa các bên tham chiến trong các cuộc xung đột vũ trang (mang tính chất quốc tế và không mang tính chất quốc tế) để bảo vệ những nạn nhân chiến tranh (bao gồm dân thường và những chiến binh bị thương, bị ốm, bị đắm tàu, bị bắt làm tù binh). Xung đột vũ trang mang tính chất quốc tế là xung đột giữa lực lượng quân đội của ít nhất là hai quốc gia, bao gồm các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Còn xung đột vũ trang không mang tính chất quốc tế là xung đột xảy ra trong phạm vi một quốc gia, giữa một bên là quân đội chính quy với bên kia là những phe nhóm xác định và có trang bị vũ trang, hoặc xung đột giữa các phe nhóm có trang bị vũ trang với nhau.
Khởi nguồn cho sự hình thành luật nhân đạo quốc tế là cuộc chiến khốc liệt giữa quân đội hai nước Áo và Pháp diễn ra tại Solferio (miền Bắc nước Ý) vào tháng 6 năm 1859. Những người đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành ngành luật này là hai ông Henry Dunant và Guillaume-Henri Dufour. Sau khi chứng kiến cảnh hàng vạn người lính của hai bên tham chiến bị chết và bị thương nằm la liệt trên chiến trường mà không được ai chăm sóc trong trận chiến Solferio, Henry Dunant đã khởi xướng ý tưởng thành lập một Uỷ ban quốc tế giúp đỡ thương binh trong cuốn sách "Kỷ niệm về trận Solferino” xuất bản vào năm 1862. Năm 1864, Chính phủ Thụy Sĩ, bị thuyết phục bởi năm thành viên sáng lập Ủy ban chữ thập đỏ quốc tế, đã triệu tập Hội nghị Ngoại giao quốc tế với sự tham dự của đại diện 12 nước tại Geneva. Hội nghị này đã thông qua Công ước Geneva (I) về cải thiện tình trạng của thương binh trên chiến trường. Công ước này đã khai sinh ra một ngành luật mới - luật nhân đạo quốc tế, đánh dấu một bước ngoặt trong quá trình pháp điển hoá những tập quán nhân đạo trong chiến tranh vào pháp luật quốc tế. Công ước quy định nghĩa vụ của các bên tham chiến trong việc chăm sóc mọi thương, bệnh binh mà không phân biệt đối xử, cũng như trong việc tôn trọng các nhân viên, phương tiện vận chuyển và thiết bị y tế có mang biểu tượng Chữ thập đỏ trên nền trắng.
Kể từ Công ước Geneva (I) năm 1864, Luật nhân đạo quốc tế đã phát triển thành một hệ thống hàng trăm văn kiện điều chỉnh ngày càng nhiều vấn đề cụ thể trong hoạt động cứu trợ nhân đạo cho những nạn nhân chiến tranh và hạn chế việc phát triển và sử dụng các loại vũ khí, phương tiện và biện pháp tiến hành chiến tranh. Trụ cột của luật nhân đạo quốc tế hiện nay là bốn Công ước Geneva năm 1949 về luật nhân đạo quốc tế (Công ước Geneva (I) về cải thiện tình trạng của thương binh và bệnh binh thuộc lực lượng vũ trang chiến đấu trên bộ; Công ước Geneva (II) về cải thiện tình trạng của thương binh, bệnh binh và những người đắm tàu thuộc lực lượng vũ trang trên biển; Công ước Geneva (III) về đối xử với tù binh chiến tranh; Công ước Geneva (IV) về bảo vệ thường dân trong thời gian chiến tranh) và hai Nghị định thư năm 1977 bổ sung các công ước này. Bên cạnh các điều ước về luật nhân đạo quốc tế mà chỉ có hiệu lực ràng buộc các Quốc gia thành viên, tất cả các bên tham chiến trong một các cuộc xung đột vũ trang trên thế giới còn chịu sự ràng buộc bởi luật tập quán quốc tế (international customary law). Việt Nam từ rất sớm đã tham gia vào các Công ước về luật nhân đạo quốc tế.