
Tác giả
Năm xuất bản:
Số trang:
Trong luật nhân quyền quốc tế, phần nội dung về quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương chiếm vị trí rất quan trọng. Kể từ khi Liên Hợp Quốc thành lập (1945), nhiều văn kiện quốc tế về nhân quyền đã được tổ chức này thông qua, trong đó có một số lượng ngày càng nhiều văn kiện đề cập đến quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương. Hiện đã có hàng trăm văn kiện pháp luật quốc tế đề cập đến quyền con người của các nhóm xã hội như phụ nữ, trẻ em, người sống chung với HIV, người lao động di trú, người khuyết tật, người nước ngoài, người tỵ nạn... Một số văn kiện này được thông qua dưới dạng các điều ước quốc tế như công ước, nghị định thư, trong khi một số khác ở dưới dạng các văn kiện ”mềm” (soft law) tức các tuyên bố, nguyên tắc, khuyến nghị...
Nếu như trong một số vấn đề chung về nhân quyền hiện vẫn còn đang được tranh cãi và ở một số quốc gia bị coi là nhạy cảm, thì trong vấn đề quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương, các quốc gia thường có sự đồng thuận và ủng hộ ở mức cao. Điều đó thể hiện ở việc hầu hết các điều ước quốc tế về quyền của các nhóm này, ví dụ như Công ước về quyền trẻ em, Công ước về xóa bỏ mọi hình
thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ, và gần đây là Công ước về quyền của người khuyết tật... thường có số lượng quốc gia thành viên đứng hàng đầu trong các điều ước quốc tế về nhân quyền.
Ở nước ta từ trước tới nay Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới bảo vệ và thúc đẩy sự hưởng thụ các quyền con người nói chung, quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương nói riêng. Trên thực tế, vấn đề quyền của một số nhóm xã hội dễ bị tổn thương đã được thể hiện trong pháp luật và chính sách của nước ta từ rất sớm, trước khi Việt Nam tham gia, thậm chí trước khi Liên Hợp Quốc thông qua các điều ước quốc tế có liên quan. Mặc dù vậy, về cơ bản, nhận thức về các tiêu chuẩn quốc tế về vấn đề này ở nước ta hiện vẫn còn rất hạn chế, dẫn đến việc bảo vệ và thúc đẩy quyền của một số nhóm xã hội dễ bị tổn thương chưa thực sự hiệu quả.
Để khắc phục hạn chế kể trên, cần thiết phải nghiên cứu sâu các tiêu chuẩn quốc tế về vấn đề này. Xuất phát từ nhận thức đó, mặc dù đã có một số công trình nghiên cứu có liên quan, trong khuôn khổ Chương trình Quản trị Nhà nước và Cải cách hành chính - hợp tác giữa Việt Nam và Đan Mạch giai đoạn 2007 - 2011, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức nghiên cứu đề tài “Luật quốc tế về quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương” do Thạc sĩ Đỗ Hồng Thơm làm chủ nhiệm, nhằm làm làm rõ hơn những vấn đề lý luận, pháp lý và cơ chế quốc tế về bảo vệ và thúc đẩy quyền của một số nhóm dễ bị tổn thương (phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người sống chung với HIV/AIDS, người thiểu số, người bản địa…).
Mặc dù một phần kết quả của công trình nghiên cứu này đã được sử dụng trong việc biên soạn cuốn Giáo trình Lý luận và Pháp luật về quyền con người, song sẽ rất hữu ích cho việc nghiên cứu, giảng dạy về vấn đề này nếu toàn bộ báo cáo nghiên cứu được xã hội hóa. Xuất phát từ nhận thức đó, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội xuất bản cuốn sách này, trong đó tập hợp toàn bộ kết quả nghiên cứu chủ yếu của đề tài kể trên. Phù hợp với giới hạn nghiên cứu của đề tài, cuốn sách này chỉ đề cập đến những tiêu chuẩn pháp lý và cơ chế bảo đảm quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương theo pháp luật quốc tế, không trình bày các quy định pháp luật quốc gia và tình hình thực hiện các tiêu chuẩn quốc tế, các quy định pháp luật quốc gia về quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương ở Việt Nam. Bên cạnh đó, để bạn đọc dễ tham khảo, cuốn sách có một phần Phụ lục bao gồm những văn kiện quốc tế chủ yếu nhất về quyền của một số nhóm người dễ bị tổn thương.
Nội dung chính của cuốn sách:
- Giới thiệu: Một số vấn đề pháp lý và thực tiễn trong việc bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương trong tố tụng hình sự trên thế giới và ở Việt Nam.
- Phụ lục I: Một số văn kiện pháp luật quốc tế liên quan đến bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương trong tố tụng hình sự
- Phụ lục II: Một số văn bản pháp luật Việt nam liên quan đến bào chữa cho các nhóm dễ bị tổn thương trong tố tụng hình sự.